thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mùa xuân x

 

Không phải một mùa-xuân-đen nào, không phải mùa xuân của người-hái-hoa-đáy-biển... Đại khổ nạn là đại-thắng-mùa-xuân, đã dẫn dắt lôi kéo bao sinh linh, phận người, vào mùa xuân x...

Ông Tâm trở về Sài Gòn đúng ngày Ba Mươi Tết. Bảy hay tám năm sau đại-thắng-mùa-xuân của bạo lực cường quyền, ông Tâm cùng bao người tù khác đón mùa xuân ở những nơi rừng thiêng nước độc vùng Việt Bắc, thời gian gọi là “học tập cải tạo”. Hoá ra anh là người sớm nhất tới được gặp người tù trở về. Trước đó, người tới thăm ông đầu tiên vừa bước vào nhà, ông đã từ chối không tiếp. Ông nghe người nhà nói lại, anh chàng tới thăm ông, sau đại-thắng-mùa-xuân có liên quan với công an Việt cộng gì đấy.

Ông Tâm nói chuyện, chuyến tàu hoả chở tù về Nam có dừng lại vài giờ ở Hà Nội. Anh nhớ Hà Nội trong thơ văn của ông: ...Hay nửa đêm Hà Nội / Anh là thằng điên khùng / Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới..., hỏi ông Tâm: “Anh có mua cái gì kỷ niệm của Hà Nội không?” Ông cười khô khốc: “Cậu hỏi làm gì cái kỷ niệm của một người tù... À, tôi có thời gian lao động cải tạo ở Bỉnh Ri. Tới đó thấy nhớ cậu nhiều lắm...” Anh không biết Bỉnh Ri là nơi nào, ngoài cái địa danh mà người anh ruột của anh, theo một người chú là nhà văn, tới sống ở đó một thời gian dài thời thơ ấu. Anh từng kể chuyện Bỉnh Ri với ông Tâm rằng người anh ruột, lúc đó mới chín mười tuổi, đã chống tay cạnh sườn, vẻ kiêu hãnh nói với mẹ: “Duật phải theo chú để học hỏi thêm chứ!... Đi một ngày đàng học một sàng khôn, chứ ru rú ở xó nhà với mẹ làm sao biết được cái gì!...” Anh chỉ nghe nói tới Bỉnh Ri ở chuyện như vậy, nói chuyện với ông Tâm về người anh ruột gan lì từ nhỏ, đọc nhiều sách kim cổ Đông Tây, và là tác giả những bài tiểu luận, phê bình văn học trên các báo văn nghệ.

“Tôi cũng đi qua Thổ Tang quê cậu nữa, di chuyển qua đó thôi, không biết gì hơn, nhưng vẫn nhớ cậu có nói chuyện quê cậu thờ cọp...” Anh không nhớ đã kể với ông Tâm chuyện quê anh thờ cọp, hoặc kể với những ai nữa, ngoài Phương, cô gái anh yêu đầu tiên trong đời. Chuyện quê anh thờ cọp, về sau anh viết thành một đoạn truyện, in trong tuyển tập truyện ngắn của anh đã xuất bản ở Sài Gòn, nhiều năm sau biến cố lịch sử Ba Mươi Tháng Tư.

Quê tôi ở Thổ Tang, thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Xưa, không rõ xưa bao nhiêu năm, Thổ Tang đã nổi tiếng có nhiều người buôn bán giỏi. Một người đi buôn xa, cùng một đoàn gồm nhiều người ở những nơi khác, đi lạc trong rừng, giữa mùa đông rét buốt. Đêm không ai ngủ được vì quá rét, có người chết rét. Riêng người quê Thổ Tang ngủ ngon lành trọn đêm, không biết lá ở đâu được gom tới đắp kín cho người này ngủ. Xung quanh chỗ người này nằm đầy dấu chân cọp. Từ đấy làng Thổ Tang lập miếu thờ “Cụ”. Gọi cọp là cụ, nên từ đấy gọi các cụ già là mọ.

 

---------

Câu chuyện kể quê anh thờ cọp như mới hôm qua, Phương lắng nghe trong căn nhà gỗ rộng rinh, giữa hơi giá rét và những cơn gió lộng từ rừng thông ngút ngàn luồn vào các khe cửa. Một nỗi buồn vẫn có lúc dấy lên, ảo tưởng của anh về một tình yêu với Phương xinh đẹp thơ ngây, vẻ hiền hậu chất phác của những cô gái có đạo ở giáo xứ Tùng Lâm, vùng ngoại ô Đà Lạt. Phương sinh ra tại đó, vườn cây trái của gia đình Phương chung quanh đó, và Dòng Chúa Cứu Thế cũng ở gần đó. Hiểm nguy tai hại đã từng xảy ra và vẫn tiếp tục xảy ra: cọp về bắt heo trong chuồng trại liền sát nhà ở, có cả người trong khu xóm bị cọp vồ..., nhưng không ai nơi đây có ý định di dời tới nơi khác; nhất là Phương, vì nơi đây là nơi chôn cuống nhau cuống rốn của cô gái xóm đạo.

Thật tức cười cái ảo tưởng ngớ ngẩn của anh. Nhiều bài thơ anh đã viết cho Phương, và anh ngỡ sự lưu luyến của Phương đối với anh là biểu hiện tình yêu của cô gái. Hoá ra không phải. Trên lối đi nhiều rêu phong, uốn lượn giữa khung cảnh cổ kính của Dòng Chúa Cứu Thế lập nên từ thời Pháp thuộc, ảo tưởng của anh đã vỡ tan tành. Người bạn không thân thiết, nhân dịp từ Sài Gòn lên Đà Lạt, anh rủ tới ngôi nhà gỗ của Phương. Người bạn lưu lại đấy hơn một tuần lễ, và trước khi trở về Sài Gòn để nhập ngũ khoá sĩ quan trừ bị Thủ Đức, đã có mối tình chớm nở của cô gái xóm đạo làm trợ lực tinh thần. Người bạn hồn nhiên, không che giấu niềm tự hào mãn nguyện, đưa anh đọc bức thư màu xanh nhạt dịu, những chữ viết nắn nót bằng mực tím, thổ lộ tình yêu của Phương. “Phương nói với mình rằng Phương mến ông lắm, mến và quý trọng như một người anh thân thiết, đáng tin cậy... Phương rất mong muốn ông ở đây lâu dài, cả nhà đỡ sợ cọp về bắt heo đi mất...” Người bạn cũng loan báo bữa tiệc ở nhà Phương, hiển nhiên mang ý nghĩa bữa tiệc tiễn người lên đường nhập ngũ tòng quân... Và, chỉ riêng anh thấy: bữa tiệc từ biệt một người đã từng sống vui vẻ trong ngôi nhà gỗ của Phương, để không bao giờ trở lại nữa.

Dù sao anh cũng nhớ, thời gian anh ở đây có vài lần cọp về, cắn chết heo và tha đi từ chuồng trại của mấy nhà lối xóm. Những dấu chân cọp đi qua lối chuồng trại nhà Phương, đàn heo trong đó vẫn bình an vô sự.

 

---------

Người cô, cũng là cô giáo của anh ở trường làng, vào Sài Gòn cũng thời gian sắp tết, có ý định ở lại đón năm mới cùng gia đình anh. Cô đã trọng tuổi và nghỉ hưu, vẫn giữ nét duyên dáng của người phụ nữ từng một thời nhan sắc. Đại gia đình người cha của anh không ai phát âm lẫn lộn chữ L và N như phần lớn người Thổ Tang, trong đó có cả nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, có lẽ do anh chị em trong gia đình đều sống trọn thời thơ ấu, đi học tại Hà Nội. Người cô học xong ngành sư phạm, về quê dạy học và lập gia đình, có một người con, thì chồng mất. Anh không nghe nói người cô có cuộc tình nào sau đó, chỉ biết cô ở vậy nuôi con. Cô vào Sài Gòn được vài ngày, anh tới phiên đi thăm nuôi người em cũng “học tập cải tạo” như ông Tâm, ở vùng Bù Đăng - Bù Đốp, cô muốn đi theo để gặp người cháu mà cô chỉ thấy mặt lúc còn nhỏ.

Anh không ngần ngại dù biết tình cảm của người em, một người quyết liệt chống cộng, quyết liệt tới cực đoan. Một lần thăm nuôi, người em đã không hề nói tiếng nào với bà con từ miền Bắc vào thăm gia đình, cũng lên “trại cải tạo” thăm nuôi cùng người nhà. Từ chối cả uống trà Phú Thọ, người em bảo không thể uống trà của Việt cộng!

Tới nơi, anh dè chừng, định sẽ hỏi ý người em trước, bảo cô cứ ngồi đợi trên xe đò đỗ ở phía ngoài. Anh ít khi thuyết phục ai điều gì, lần này anh cố gắng để người em phân biệt chế độ và nạn nhân của chế độ, “Cô cũng chỉ là nạn nhân, như những người dân Ba Lan với nỗi đau của họ, để nước Ba Lan trở thành tính-từ-đau-khổ một thời...” Người em chỉ lẳng lặng lắc đầu, rồi nhờ anh ra phía ngoài khu thăm nuôi mua nước đá cục để pha uống: “Ở trong trại tù tụi này thèm khát nhất là đường và nước đá...” Anh bối rối, ái ngại nhìn người cô vừa nhớm người lên, sắp rời khỏi chỗ ngồi trên xe đò, ngỡ anh ra đón vào trong khu thăm nuôi. Anh lắc đầu giống người em lắc đầu khi nãy, chỉ trỏ chỗ anh tới mua nước đá.

Về Sài Gòn, không một biểu lộ buồn giận nào hơn chút ưu sầu trong ánh mắt cô. Anh rủ cô vào thăm công viên Đầm Sen ở gần nhà: “Trong đó có cả những cây thông Đà Lạt, có cả khỉ đột, cọp vằn...” Nỗi hoảng sợ đột ngột trên vẻ mặt, cô nói thì thào: “Cháu nói gì bậy bạ vậy... Sao cháu dám gọi Cụ... Thôi, cô chả muốn đi đâu sất. Cô vào Sài Gòn chỉ cốt gặp anh chị, gặp các cháu...”

Cô về Thổ Tang trước tết. Anh ngỡ cô buồn: một đứa cháu cực đoan, một đứa cháu không tín ngưỡng. “Cô nói vậy, chứ làm sao cô ở đây qua tết được. Cô chưa có dịp nói chuyện với cháu: đứa con độc nhất của cô, em của cháu đấy, nó bị rồ dại từ mấy mươi năm rồi... Cũng có nhờ mấy chú để ý tới nó, nhưng cô không thể vắng nhà lâu được, lại tết nhất nữa...” Vẫn là chuyện cọp. Năm gia đình anh di cư vào Nam, con của cô gặp ở ruộng dưa gang một con cọp có lẽ mới sinh ra được vài ngày, ngỡ con mèo, đem về nhà nuôi. Ai cũng nhận ra cọp, bảo đem thả, nhưng đứa con của cô khăng khăng không chịu thả. Cô lén mang cọp thả lại ở ruộng dưa, nhưng không thể biết đúng chỗ nào. Có thể vì vậy, dù cô cúng vái ở miếu thờ, đứa con ngày càng rồ dại, luôn hốt hoảng tìm chỗ ẩn nấp, đêm kêu thét, vái xin, lập lại mãi một câu “Lạy Cụ, lạy Cụ, con biết tội của con rồi.”

 

---------

Ông Tâm định cư ở Mỹ, rồi ông qua đời. Tập thơ ông Tâm viết trong thời gian “học tập cải tạo” ở những nơi rừng thiêng nước độc vùng Việt Bắc, anh được đọc từ khi ông chưa trở về Sài Gòn. Anh nói với ông Tâm, bài thơ làm anh xúc động nhất là bài thơ ngắn ngủi, về mùa xuân. Ông cười khô khốc, cười như không còn cả nỗi tuyệt vọng, giọng nói cũng khô khốc: “Làm thơ nhắc tới xuân ở cái chỗ mà mình không thể có cả khái niệm về xuân, thì phải xúc động mà thôi. Nghĩa là đến mức như thế đó, mà mình vẫn nhìn nhận có xuân ở đâu đó, ở chỗ nào đó không biết, nhưng chắc chắn có xuân ở chỗ nào đó...”

Trời còn mấy độ xuân / Đất bao nhiêu miền lạ... Bây giờ ông Tâm ở cõi âm, như người ta vẫn nói, cái cõi mà anh chẳng biết có hay không. Nghĩa là có thể có cõi âm, có thể không có cõi âm mà chỉ là chốn của cát bụi. Và nghĩa là, anh giả định rằng có cõi âm, cõi âm đó có thể có nhiều miền lạ hơn ở cõi trần. Cũng có thể cõi âm chẳng có gì hết, trong khi người thi sĩ ấy phải từ biệt cõi trần, một cõi trần với bao nhiêu miền lạ mà thi sĩ ngờ rằng mình chưa từng biết. Anh thì thầm, ở một miền lạ nào đấy, hẳn là có mùa xuân x...

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021