thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con chữ và con ruồi

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
gửi thi sĩ Phạm Công Thiện,
nhớ hôm cùng đi lang thang tìm quán café trên hè phố Glebe
và tình cờ nhặt được mấy cuốn của René Daumal
trong tiệm sách cũ...

 

RENÉ DAUMAL

(1908-1944)

 

Hình: Bích chương của cuộc triển lãm
kỷ niệm 100 năm sinh nhật René Daumal 1908-2008

 

René Daumal — thi sĩ, tiểu thuyết gia, tư tưởng gia, dịch giả — là một trong những cây bút độc đáo trong văn chương Pháp hồi đầu thế kỷ 20. Thời ông còn trẻ, những bài thơ tiền vệ của ông đã xuất hiện trên những tạp chí văn học hàng đầu ở Pháp. Được André Breton mời tham gia phong trào Siêu Thực, Daumal từ chối, rồi đứng ra sáng lập một tạp chí riêng vào năm 1928, lấy tên là Le Grand Jeu [Trò Chơi Lớn]. Sau đó, ông xuất bản tập thơ Le Contre-Ciel [Phản-thiên (1936)] và viết hai cuốn tiểu thuyết: La Grand Beuverie [Cuộc nhậu lớn (in năm 1938)] và Le Mont Analogue: Roman d'aventures alpines, non euclidiennes et symboliquement authentiques [Núi đồng dạng: Tiểu thuyết về những cuộc phiêu lưu trên núi cao, mang tính phi-euclide và trung thực một cách biểu tượng], cuốn này được in năm 1952 dưới dạng chưa hoàn tất, sau khi ông qua đời.
 
Tự học tiếng Phạn, ông nghiên cứu Phật giáo, dịch và xuất bản bộ Thiền Luận của Daisetsu Teitaro Suzuki và nhiều quyển trong bộ Tripiṭaka [Tam Tạng Kinh]. Ông cũng thông thạo Anh ngữ và đã dịch cuốn tiểu thuyết Death in the Afternoon [Cái chết buổi chiều] của Hemingway sang tiếng Pháp.
 
Là một cây bút hướng về tâm linh, René Daumal kết thân với Alexander de Salzmann — một môn đồ của đạo sư George Ivanovich Gurdjieff —, rồi ông gặp gỡ và trao đổi với chính Gurdjief về tôn giáo và huyền học Đông phương. Từ đó, song song với những tiểu luận về văn chương, ông viết rất nhiều tiểu luận về những vấn đề tâm linh.
 
René Daumal mất ngày 21 tháng Năm, 1944, tại Paris, vì bệnh lao phổi. Sau khi ông mất, một loạt sách của ông được xuất bản, gồm cuốn tiểu thuyết dang dở Le Mont Analogue... (như đã nói ở trên), nhiều cuốn tiểu luận, và tập thơ Poésie noire, poésie blanche [Thơ đen, thơ trắng, (1954)].

 

_______

 

CON CHỮ VÀ CON RUỒI

 

Một nhà ảo thuật có thói quen giúp vui cho đám khán giả của hắn bằng trò vặt sau đây. Sau khi đã để cho căn phòng thật thoáng gió và đóng cửa lại, hắn cúi khom người xuống một cái bàn lớn bằng gỗ dái ngựa rồi phát âm chữ “ruồi” một cách cẩn trọng. Và ngay lập tức một con ruồi chạy ra giữa bàn, dùng cái vòi mềm bé xíu của nó để dò dẫm lớp vẹc-ni bóng loáng và xoa hai chân trước vào nhau như bất cứ con ruồi nào trong thiên nhiên. Thế rồi, một lần nữa, nhà ảo thuật lại cúi khom mình xuống cái bàn và phát âm chữ “ruồi”. Và con ruồi té ngửa chỏng cẳng lên như bị sét đánh. Quan sát qua kính phóng đại, người ta chỉ thấy một cái xác rỗng khô, không có ruột gan, không có cử động, không có một chút ánh sáng nào từ cặp mắt đa đồng tử của nó. Nhà ảo thuật lúc ấy mới nhìn đám khán giả với một nụ cười khiêm tốn, chờ đợi những lời khen mà hắn đáng được hưởng.

Tôi luôn luôn thấy đây là một trò tệ hại. Rốt cuộc thì tới đâu chứ? Đầu tiên, chẳng có gì cả, và cuối cùng, chỉ có cái xác của một con ruồi. Thật là tiến bộ! Và người ta lại còn phải mất công vất đi những xác chết — mặc dù có một bà già, rất ái mộ nhà ảo thuật, thường đợi lúc không ai lưu ý thì lén nhặt lấy. Trò này làm hỏng cái quy luật: “không bao giờ có hai mà chẳng có ba”. Ta mong đợi thêm một lần phát âm chữ “ruồi” nữa để làm cho cái xác biến mất không còn vết tích; theo cách đó thì rốt cuộc mọi sự cũng giống y như lúc bắt đầu, ngoại trừ trong ký ức của ta, nơi chẳng cần có thêm cái trò này cũng đã đủ ngổn ngang lắm rồi.

Tôi phải nói thêm rằng hắn là một nhà ảo thuật khá tầm thường, một kẻ thất bại, kẻ đã từng ngó ngoáy món thi ca và triết học mà không gặp may, bèn chuyển tham vọng vào trò ảo thuật; và thậm chí trong lĩnh vực này hắn cũng chẳng làm được cái quái gì cho ra trò.

 

 

--------------------
Dịch từ nguyên tác “Le mot et la mouche”, trong René Daumal, Les Pouvoirs de la parole: Essais et Notes, II (1935-1943) – Édition Établie par Claudio Rugafiori (Paris: Éditions Gallimard, 1972).
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021