thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những cuộc giã từ

 

Người bạn tôi, cứ xem như vậy, buổi sáng nào cũng dậy rất sớm, năm mười phút sau khi thức giấc, khoảng chừng như vậy, anh có mặt tại quán cà phê bình dân quen thuộc...

“Cho tôi một ly cà phê đặc biệt...” Anh nói với cô Út Nhị, con ông chủ quán, giọng đặc biệt dịu dàng, bình thường giọng anh không dịu dàng như vậy, dù nói với một người mà anh thấy đặc biệt dễ mến như cô Út Nhị, từng nhiều lần mỉm cười trong giấc mơ của anh.

Anh nhìn lần cuối căn nhà trọ anh đã ở, chiếc giường sắt nhà binh cũ gỉ, mấy cái rương chồng lên nhau làm bàn, tủ quần áo trống rỗng... Cây mận nữa, cây mận không bao giờ có trái, khẳng khiu còi cọc trước căn nhà lụp xụp, thấp dưới thân cây trồi ra cái mấu gỗ cứng nhẵn như đá cuội.

“Chú sắp đi xa hả?”

Anh gật đầu. Không cần anh gật đầu, cô Út Nhị cũng biết anh sắp đi xa: cái túi xách khá lớn đặt bên cạnh chỗ anh ngồi. Anh thu xếp trong túi xách toàn bộ tài sản của anh: quần áo ở dưới, rồi vài quyển sách tờ báo cũ nát, trên cùng là cái khung lồng bức ảnh Charlot-đi-tìm-vàng...

Ông chủ quán từ phía trong đi tới. Anh đưa ra chiếc chìa khoá.

“Đây là chìa khoá nhà, nhờ bác đưa lại cho ông Vịnh.”

Giọng nói ông chủ quán rầu rầu:

“Anh dọn về ở chỗ nào?”

Anh chỉ ngón tay xuống túi xách:

“Cái túi xách này mang tới đâu mà chẳng được... Cũng hơi xa một chút. Bác có biết cái chúng cư ở đường Lý Tự Trọng, đối diện Bệnh Viện Nhi Đồng hai, tức bệnh viện Grall cũ? Tôi tới ở đó.”

“Ở đó thì tốt quá. Chỗ đó là trung tâm Sài Gòn. Chỗ bệnh viện Grall của Tây hồi trước, trên đường Lý Tự Trọng, tức là đường Gia Long cũ đó mà. Đường Gia Long có những cây me trải dài suốt hai bên vỉa hè, quanh năm xanh tươi mát mẻ. Anh thuê ở đó chắc phải mắc tiền lắm nhỉ?”

Anh gật đầu với ông chủ quán. Nào có chuyện anh thuê trọ một căn phòng ở chúng cư Lý Tự Trọng. Anh đã nói khống, để ông chủ quán tốt bụng, dĩ nhiên cả cô Út Nhị đặc biệt dễ mến nữa, an tâm về chuyện anh đã có một nơi trú ngụ. Một căn phòng ở chúng cư Lý Tự Trọng có thật, của ông Khoát, một người anh quen biết. Ông Khoát là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Tám, chín năm tù ngoài miền Bắc trở về, gia đình ông Khoát ở miệt Vĩnh Long đã tan nát. Ông thuê một căn phòng trong chúng cư đó để ở một mình. Anh nghĩ sẽ rất vui nếu được ở chung với ông Khoát, anh đã tưởng tượng mình được ông Khoát bảo tới ở chung, không chừng có những giấc mơ màng anh đã ngỡ thật thế. Nhưng sự thật không có chuyện ở chung gì hết.

Anh nhìn cái quán lần cuối, như nhìn lần cuối căn nhà anh đã ở. Anh bắt gặp ánh mắt cô Út Nhị.

“Ở đó đi xe đạp tới đây chừng một tiếng đồng hồ là cùng.”

Anh nào có ở nơi anh vừa nói đó. Anh cũng chẳng biết sẽ xoay trở, thu xếp được một nơi trú ngụ tại Sài Gòn hay không, để đi xe đạp tới quán cà phê bình dân này mất chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng anh biết chắc chắn anh sẽ đi xe đạp trở lại đây mỗi buổi sáng hay mỗi buổi chiều, dù phải đạp xe lâu vài tiếng đồng hồ chăng nữa. Anh nhìn đăm đăm cô Út Nhị. Bấy lâu nay cô gái đã dùng thứ chất ngọt thay thế, để pha cà phê dành riêng cho người phải kiêng đường như anh, dù anh có thể uống cà phê không đường. Út Nhị bảo anh không nên uống như vậy, “ở đây lấy thứ cà phê rẻ tiền, phải có đường mới uống đặng...” Anh nhớ bấy lâu nay cô Út Nhị đã pha cho anh bao nhiêu ly cà phê đặc biệt...

“Sẽ tái ngộ!...”

Anh chào cô Út Nhị đang đứng im sững. Ông chủ quán bắt tay anh, vừa rời, ông sực nhớ, nói vội:

“À, anh có cái thơ cô Huyền Thoại gởi, tôi quên mất chớ!”

Bức thư ngắn ngủn, chỉ là một tin nhắn của Huyền Thoại: Nếu có dịp về Đơn Dương, anh biết sẽ gặp Huyền Thoại ở đâu rồi nhỉ...

 

---------

 

Huyền Thoại, bút danh cho nghề nghiệp hoạ sĩ của Hạnh, cô gái xinh đẹp, và một vẻ mệt mỏi làm dáng thêm cho cuộc sống nghệ sĩ phóng túng. Anh từng nói bút danh Huyền Thoại cải-lương-chi-bảo hơn cả cô đào Bạch Tuyết. Hạnh không giận, có lẽ cũng không bận tâm, có vẻ Hạnh như chưa từng nghe anh nói thế. Anh không nhớ trường hợp gặp Hạnh, quen nhau rồi thân thiết từ nhiều năm, nhiều thời gian không liên lạc, rồi gặp lại với tình thân thuở nào, như chưa bao giờ xa biệt. Anh ngờ rằng đôi lúc cả Hạnh, cũng như anh, đã có ảo tưởng về một tình yêu giữa hai người. Nhưng hiển nhiên đó là một mối quan hệ đặc biệt, nghĩa là có đủ thứ tình cảm trong mối quan hệ đó.

Ngôi nhà của Hạnh trên sườn núi ở đầu đèo Dran, liền sát thị trấn của huyện Đơn Dương. Đọc bức thư ngắn ngủn của Hạnh, anh hình dung tức thì cuộc gặp gỡ, thị trấn Dran buổi sáng hay buổi chiều cũng mù sương, cũng gió heo may hiu hắt, Hạnh và áo ấm và khăn choàng cổ, đẹp như sắp để hiện hình trong một bức tranh sơn dầu.

Tức thì anh đạp xe tới nhà một người bạn tên Hiển. Anh gọi Hiển là bạn cũng đúng, bạn thân nữa là đằng khác, nhưng anh vẫn thấy lạ lùng khi Hiển và anh lại là bạn của nhau. Chiếc xe đạp khung nhôm rất tốt, hiệu Alcyon, xe đạp xưa của Pháp, Hiển đã cho anh hơn một năm. Anh vẫn thích thú đi chiếc xe đạp ấy khắp thành phố rộng lớn. Bây giờ anh đạp xe tới nhà Hiển, nhờ cậy chút ít tiền bạc. Ít nhất anh phải có tiền để mua một vé xe đò lên Đà Lạt, Đơn Dương. Hiển giàu có, vẫn nhắn anh khi nào cần tiền cứ nói cho Hiển biết.

Anh bấm chuông ngoài cổng sắt của ngôi biệt thự. Liên ra mở cổng, vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người đang đứng trước mặt. Chính anh đã giới thiệu Liên với Hiển, và họ chung sống với nhau đúng vào ngày Hiển cho anh chiếc xe đạp. Anh không thể nhớ chính xác đã gặp Liên ra sao, nhưng biết Liên bỏ người chồng và hai đứa con ở thị xã B’lao, về Sài Gòn ở nhà người quen biết. Anh chàng Hiển-playboy rất thích Liên, người đàn bà trẻ ngỡ chưa từng có chồng, đằm thắm một vẻ đẹp nhục cảm. Hiển reo lên khi thấy anh:

“Ồ, lâu quá mình mới được cái vinh hạnh đón rồng tới nhà tôm...”

Hiển bảo anh, kẻ vô gia cư. là rồng, tới ngôi biệt thự của Hiển, là nơi ở của tôm! Thăm hỏi vài câu cho mau xong chuyện, anh muốn rút ngắn cuộc gặp gỡ này.

“Tôi trả lại bạn cái xe đạp... Bạn giúp tôi chút tiền mua cái vé xe đò lên Đà Lạt...”

Hiển cười rộ:

“Một cái vé xe đò lớn cỡ nào vậy? Còn cái xe đạp thì mình đã tặng cậu từ khuya rồi mà, sao lại có chuyện trả lại. Mình sẽ cất cái xe đạp cổ lỗ sĩ này ở chỗ nào?...”

Liên đang đi vào phía trong, quay lại nói nhanh:

“Để thỉnh thoảng em đi... Đi đâu đó gần gần, dùng xe đạp cũng tiện.”

Hiển đã ấn sâu cái phong bì đựng tiền vào túi áo anh, hai người bắt tay từ giã. Liên dắt chiếc xe đạp, để tựa bên bờ tường xanh dày cây thằn lằn bò lên cao sát ngang mái ngôi biệt thự.

 

---------

 

Ngồi quán cà phê cũ, nghe chưa hết một bài hát quen thuộc, anh vội rời thành phố Đà Lạt, đi thị trấn Dran tìm gặp Hạnh. Trên đường đi, anh mường tượng ngôi nhà gỗ của Hạnh trên sườn núi đầu đèo Dran, một khu vực rộng lớn trồng nhiều cây trái từ lâu đời chung quanh ngôi nhà, Hạnh đã từng nói với anh, từng rủ anh về cùng Hạnh chăm sóc vườn cây...

Anh hỏi thăm đứa bé đang học bài trên một hiên nhà vắng vẻ. Đứa bé mau mắn chỉ tay về phía khu vườn, những cây hồng cổ thụ, ngôi nhà gỗ thấp thoáng trong đó.

Hạnh ở đâu gần đó cũng đang về nhà, đứng lại bên một cây hồng, nheo mắt ngó anh. Hai người cùng đi tới, hai cánh tay Hạnh dang sẵn, ôm choàng lấy anh.

“Hoá ra em vẫn được ôm lấy anh một lần cuối... Đừng nói em cải-lương-chi-bảo hơn cả cô đào Bạch Tuyết nữa nhé, vì thật sự đây là vòng tay em ôm anh lần cuối cùng...”

Hạnh đã xong thủ tục giấy tờ định cư ở nước Úc. Và ngay sáng ngày mai, Hạnh sẽ đi chuyến du lịch xuyên Việt cùng người chị họ, trước khi rời quê hương xứ sở...

“Em nhắn cầu âu vậy thôi, nào ngờ được gặp anh lần cuối thật. Anh định trở về Đơn Dương lần này sẽ là ‘Le repos du guerrier’ hả? Em không tưởng tượng được anh sẽ như vậy. Em nhớ nhiều lần anh đã xác nhận, anh là kẻ suốt đời chạy theo ảo ảnh...”

Đúng là anh đã nói như vậy. Suốt đời anh chạy theo ảo ảnh, hình như anh chỉ còn lẽ sống đó, dù đó là những ảo ảnh. Bây giờ anh trở lại Đơn Dương, tìm gặp Hạnh, không phải là một cuộc nghỉ ngơi. Anh chưa bao giờ chiến đấu, tranh giành lấy một thứ gì trong cuộc sống để mà mệt mỏi. Anh chỉ tìm một chỗ để sống, khô rắn cụ thể như vậy. Anh đang thấy mình không còn một-chỗ-dưới-mặt-trời...

Ở tạm vài chỗ thân quen tại thành phố Đà Lạt, thảng hoặc anh về ở nhà người chị ẩn dật buồn rầu trong lòng thị trấn Dran. Hai tháng sau anh trở lại Sài Gòn, xin làm chân bảo vệ tại một bãi giữ xe hơi mà anh quen biết người chủ qua Hiển. Cái chòi trong khu đất trống ở đây cũng có thể là nơi trú ngụ qua ngày, cũng là một-chỗ-dưới-mặt-trời. Mỗi sáng anh lại có thể đi bộ hoặc đi xe ôm tới cái quán bình dân, uống ly cà phê đặc biệt của cô Út Nhị...

Anh ngỡ ngàng trước căn nhà lạ hoắc thay thế quán cà phê. Gia đình cô Út Nhị đã dời chuyển tới một chỗ nào đó, cũng là một-chỗ-dưới-mặt-trời, như ngôi nhà gỗ của Hạnh ở Đơn-Dương-cố-quận, như chỗ nào đó nơi một đất nước xa cách ngàn trùng.

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021