thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chung Do Kwan – Trong sương mù

 

Khi tôi lên máy bay đi Mỹ, sau này tôi mới biết, Chung Do Kwan có mặt ở phi trường. Hắn đứng đâu, tôi không biết. Bạn bè anh em đưa tiễn tôi rất đông. Không ai trong số đó biết mặt Chung. Có thể một vài anh em có biết mặt Chung dưới một tên khác – điều đó không nằm trong hiểu biết, cũng không nằm trong những giới hạn tưởng tượng của tôi. Phi trường Tân Sơn Nhứt hôm ấy, vào giờ chúng tôi có mặt, sương mù bao phủ dày đặc. Có phải nhờ đó mà Chung đã dễ dàng không bị ai nhìn thấy? Cho đến khi tôi bỏ lại Saigon sau lưng, Chung đối với những bạn bè thường xuyên lui tới với tôi vẫn không hiện hữu. Anh ấy vẫn là một người không có quốc tịch, không có khai sinh, không nguyên quán, không trú quán, không gia đình, không bà con, không cả hình thù. Bạn bè thì có lẽ phải tính là mọi người: anh ấy đi đứng bình thường, nói tiếng Việt giọng bắc như người Việt, gặp ai cũng chào hỏi, cười nói, như một người dễ tính. Nhưng tôi từng tiếp xúc với Chung trước đó khá lâu. Chung hoàn toàn không phải dễ tính. Chàng thanh niên ấy dễ hi vọng, và khi thất vọng cũng không dễ bỏ qua. Hiện giờ Chung là ai giữa Saigon, tôi không thể nào biết đích xác...

Những ngày còn ở Saigon, tôi không gặp Chung thường như với những anh em bạn bè khác. Giữa tôi và Chung có phải đã có một bí mật chung, thích thú đến nỗi chúng tôi thà ít quan hệ để có thể kéo dài tình trạng ấy, còn hơn là thường xuyên gặp nhau để mọi chuyện đổ bể? Tôi không biết. Cả hai chúng tôi gặp nhau không ai, và không khi nào đề cập đến chuyện này. Thế tuy nhiên, khi qua đến Mỹ, nhớ lại bài thơ của Chung, nhớ tới cái khuôn mặt ngổ ngáo và hai đường đen mỏng dính kẻ lên mặt thay cho hai con mắt trời ban cho kia, núp sau đôi kính cận dày liên tục được Chung gỡ ra để đưa xuống vạt áo thun lau chùi, thú thật tôi nhớ Chung không kém những anh em bạn bè ngày đêm gặp gỡ và làm việc với nhau. Một lần ngồi ở Salt Lake Roasting Company ở góc đường 500 East 400 South, nhìn xuống cái trạm xăng sáng đèn chìm trong tuyết tháng Giêng, tôi lấy giấy bút ra chép lại bài thơ của Chung, rồi buồn bã ghi lên giấy mấy chữ về chàng thanh niên kỳ lạ ấy.

 

Chiếc quần jeans xanh bạc màu... [*]

 

“... Tôi gặp Chung Do Kwan cả thảy đâu năm bảy lần. Đầu năm 1975, anh khoảng trên dưới mười tám tuổi, sinh viên Đại Hàn, cũng đến Việt Nam để học tiếng Việt, như Yoshiharu Hasegawa trước đó ít lâu, từ Nhật Bản. Bây giờ, tôi e nhất là vấn đề tiếng Việt của tôi. Để sống lẫn lộn với người Việt Nam trong xã hội Việt Nam, lẽ dĩ nhiên tôi phải hiểu tiếng nói của những người sống ở Việt Nam, nhưng hiện tại tôi chưa thể nói giỏi tiếng VN được. Nhưng, tôi phải vượt qua điều khó khăn này, nên tôi sẽ cố gắng làm như thế. Tôi muốn cố gắng học tiếng VN... [**] Chung đến Saigon từ một vùng ngoại ô Hán Thành. Lần đầu tiên anh bước vào văn phòng làm việc của tôi ở Bộ Giáo Dục là vào giữa giờ trưa, áo trắng quần jeans xanh bạc màu, chân mang bata cũ, kính cận dày cộm, tóc húi cua, tất nhiên, vai đeo một cái túi vải nâu to: tất cả cái sống ở trong đó, mà nặng nhất, anh bảo, là cuốn từ điển Anh-Việt.

 

Ảnh chụp tại nhà riêng của HNB, trong một ngõ hẻm đường TMG, SG trước 1975.
Trái qua phải: Diễm Châu và Yoshiharu Hasegawa (sau);
Hoàng Ngọc Biên và Nguyễn Thu Hồng, Tân Nhân & Tân Dân (trước).

 

Anh đem đến món quà người bạn gái làm việc cho một nguyệt san của tổ chức Unesco ở Hán Thành gửi cho tôi, một tập thơ của Kim Chi Hà. Kim Jean Sook bảo là để tôi học tiếng Triều Tiên, hẳn là cảm hứng từ câu chuyện tôi từng kể cho cô nghe ở Kyoto về việc bà nội tôi, mù chữ, đã tự học được tiếng Việt bằng truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng cũng rất có thể là để nhắc tôi nhớ đến một người em trai của cô, sinh viên, từng bị cảnh sát Hán Thành cho ngồi tù về tội phổ biến thơ của tác giả này...

 

Kim Jean Sook, biên tập viên Nguyệt san Unesco, Seoul.
Ảnh: HWANG YOK PENG – Tokyo, 1974.

 

Suốt buổi chiều, sau khi ăn một tô mì gói, Chung nằm ngủ ngay trên nền gạch bông, bên cạnh bàn làm việc của tôi, đầu gối lên cái túi vải nâu có cuốn từ điển. Khi chia tay, Chung chưa có địa chỉ...

... Tháng Bảy 1975. Một buổi sáng, khi đưa vợ đi chợ Trương Minh Giảng, bấy giờ được đổi đời thành chợ Nguyễn Văn Trỗi, tôi gặp Chung ngồi ăn mì quảng, một mình, vẫn với cái túi vải bên người. Tôi ngồi gần, thấy tô mì đỏ ớt bốc khói làm mờ cả hai mặt kính cận của anh. Chung lặng lẽ chào tôi bằng chỉ một cái cười mỉm...

... Mấy tuần lễ trước khi tôi dẹp hẳn tiệm café “Fernand Léger”, đâu khoảng giữa 1983 có lẽ, một đêm mưa dầm, sắp tới giờ giới nghiêm, đường phố vắng ngắt, giữa lúc tôi sắp đóng cửa ra về, Chung ở đâu hiện ra ngay trước cửa tiệm, bên cạnh cái cột đèn xi măng lơ lửng một tấm kẽm móp méo sơn đỏ với dòng chữ vàng đậm “YẾU SINH LÝ? Hỏi chú Ba Cầu Bông...” với một người bạn gái mà Chung giới thiệu với vợ chồng tôi trước là sinh viên Đại học Vạn Hạnh. Chung đưa tay chỉ cái cơ sở nay, giữa áo quần vải vóc, người ta còn treo cả chiếu, và những khẩu hiệu quen thuộc, ở bên kia đường, chỗ cái tranh Léger phóng lớn có thể nhìn thấy. Chiếc quần jeans Chung mặc bạc màu hơn, dưới chân một đôi dép Nhật đã mòn. Lần này chúng tôi ngồi chuyện trò khá lâu, và đến bấy giờ tôi mới biết cái buổi chiều “sum họp” của văn nghệ sĩ Saigon ở Toà Đại sứ Đại Hàn trước mặt trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Saigon, vừa tức thì được tiếp quản, ngày đầu tiên khi thành phố này “hoàn toàn sạch bóng quân thù”, khi tôi nghe anh ca sĩ nhà binh “100% em ơi” réo rắt ba chữ “Hồ Chí Minh”, chữ “Chí” anh kéo dài thành “Chíííí”, thì Chung cũng được nghe tiếng chí ấy của chàng lính chiến, ở một góc phòng bên cạnh, nhưng anh tránh gặp tôi. Tôi hỏi Chung hiện làm gì, anh trả lời, nguyên văn: “thì tôi vẫn đang học tiếng Việt.” Sau mấy tuần trà, nghĩ lại, hình như Chung không nói gì nhiều. Thế nhưng chuyện trò qua lại, tôi nhận ra là Chung hiểu gần hết mọi việc. Tôi cũng nhận ra là, nói sao cho đúng chữ đây, anh đã vỡ mộng. Người bạn gái trông hiền lành, thông minh, ít nói, gương mặt hơi Hoa hoa một chút, nét mặt thanh tao nhưng nhìn từ phía sau thì cái lưng rõ ràng là to đùng – có vẻ rất thân với anh. Khi ra về, Chung nói rất tiếc là “không gặp anh được thường”, và mong có dịp chuyện trò với tôi nhiều hơn. Chung bước ra khỏi tiệm với cùng cái cười mỉm trước đó hơn tám năm, ở chợ Nguyễn Văn Trỗi.

... Mấy ngày sau, tôi gặp, mà không gặp anh: Chung gửi cho tôi một bài thơ dài, qua đường bưu điện, với con dấu từ thành phố Hồ Chí Minh, không phải về nhà, mà về tiệm café “Fernand Léger”. Một bản tiếng Triều Tiên và một bản tiếng Việt, Tạ lỗi Trường Sơn, do cô bạn gái chuyển ngữ, cả hai đều chép tay, trên giấy tập học trò. Cũng theo kiểu nói của cô Kim, Chung viết thêm bên lề “để anh học tiếng Triều Tiên”.

Tôi còn gặp Chung lần nào nữa? Đúng ra tôi gặp anh nhiều hơn thế. Trước hay sau vụ bài thơ, tôi không nhớ. Những biến chuyển trong xã hội và trên thế giới diễn ra mau quá, tôi có khi quên mất người bạn trẻ Đại Hàn. Có điều tôi nhớ chắc, là sau hai lần đổi tiền, chúng tôi còn gặp nhau mấy lần nữa, chỉ gặp giữa đám đông, trong tiệm sách, tiệm phở, một lần khác ở chợ, vẫn ở cái chỗ mì quảng, một lần khác nữa ở chùa, đúng vào đêm lễ Phật đản, và mỗt lần, lạ thay, trên lề một quán cóc, ngồi uống café với những bạn viết văn trẻ, trong số đó tôi có biết mặt mấy người. Gặp nhau, mỉm cười, im lặng. Chung ngày càng gầy và càng giống người Việt Nam. Đôi mắt mỏng như hai vạch bút chì của anh sau hai mặt kính tròn (Chung đã đổi kính), cái duyên ở chỗ đó, có lẽ vẫn cùng thức với anh những đêm trắng, nay hình như đã hiện rõ hơn một tí, còn cái đầu tóc húi cua của ngày mới đến Việt Nam thì cứ dài ra, dài ra – trong khi người anh thì có vẻ nhỏ đi, nhỏ đi...

... Thân thiết thế, nhưng với tôi Kwan vẫn là một cái bóng trong sương mù. Tôi nhớ có lần tôi hỏi: Này Chung, thật ra tên anh là Chung, họ là Kwan, hay tên là Kwan, họ là Chung? Chung mỉm cười: tên gì họ gì cũng thế thôi... anh không thấy sao, ngoai ngoải (cách nói rặt nam bộ, nhưng anh phát âm giọng bắc) người ta xưng tên họ búa xua, cô hai dượng tám, anh năm anh bảy, thay đổi xoành xoạch!”

 

“ ... cái đầu tóc húi cua của ngày mới đến Việt Nam thì cứ
dài ra, dài ra – trong khi người anh thì có vẻ nhỏ đi, nhỏ đi...

 

 

_________________________

[*]Trích thư cho Diễm Châu ở Strasbourg, Pháp, gửi từ Salt Lake City, Hoa kỳ, năm 1993, để dùng làm Lời giới thiệu tập thơ Tạ lỗi Trường Sơn – ấn phẩm dự kiến của Nhà xuất bản Trình bầy. Trước đó, trong thư gửi từ Strasbourg, DC có lần tỏ ý ngại “tác giả còn ở trong nước, bài thơ in ở nước ngoài, e sẽ bị rắc rối chăng...”

[**]Trích thư Yoshiharu Hasegawa ngày 23.01.1975 - gửi từ Tokyo.

 

 

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021