thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hạ hồi

 

CÁI SUY TƯỞNG

 

Rời phần nghệ thuật, xin qua phần học thuật.[1]

Cái đóng góp ở địa hạt này nhằm tiếp tay giúp con người hay thêm, tốt thêm. Bách gia chư tử đều là những đấng suy nghĩ về triết, về đạo; không có “tử” nào gieo vần chuyên nghiệp, kể tiếu lâm chuyên nghiệp, vẽ tranh tôm chuyên nghiệp. Có Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Mặc Tử v.v... Có luôn Lão Tử là kẻ xúi ai nấy đừng làm gì cả, cứ lửng lơ con cá vàng. Xúi đừng làm cũng như xúi cố làm, đều là những phát biểu đóng góp, hữu dụng. Khác với phía nghệ thuật. Không hề có Lý (Bạch) Tử, Đỗ (Phủ) Tử. Hát cực hay như Trương Chi không thành Trương Tử, soạn nhạc giỏi như Kê Khang cũng không được gọi là Kê Tử.

Học thuật nhằm cải tiến cuộc sống, nhằm cải thiện con người. Cái giá trị của kiến thức là ở chỗ cao sâu và mới mẻ. Để được tiếp nhận niềm nở, cái sau phải cao hơn, phải mới hơn cái trước. Người cổ sơ lưu lại hình vẽ ở hang động, lưu lại những bộ xương cốt trong huyệt mộ; hậu thế gặp được hình vẽ càng xưa càng quí, gặp được xương cốt càng xưa càng hay. Nhưng về mặt học thuật thì kiến thức đưa ra càng mới càng tốt. Sách dạy ở nhà trường mỗi năm mỗi bổ sung, chỉnh đốn, cho cập nhật.

Do đó một người viết đã “có tuổi” không mấy hào hứng khi ngoái nhìn “sự nghiệp” mình. Lắm lúc không còn hứng thú tiếp tục sự nghiệp suy tưởng.

Riêng bản thân tôi trong khoảng mười năm trước Hiệp định Genève đã sống trong khu vực cộng sản. Ở đó muốn viết phải viết đúng chiều hướng. Tôi không thuận chiều hướng; sau mười năm, rời Liên khu V ra đi, không có thành tích viết lách gì.

Sau 1955, tôi đọc huyên thiên, loá mắt, thấy gì cũng ham. Cái viết bấy giờ đâm ra huyên thiên. Cứ thế vài chục năm; rồi bị văng ra khỏi Việt Nam. Mọi cái đổi mới: mình xa lạ, sống lạc lõng, sống lai rai, suy nghĩ lai rai... Cái viết càng lai rai.

Huyên thiên với lai rai không phải là những chữ nặng ký. Vả lại kẻ đánh giá một người không thể chính là người ấy. Chuyện “tự phán” may ra cụ Phan làm lấy mới tránh khỏi lố lăng. Bởi vậy ở đây chỉ có dăm ba điều thuật lại, kể lại; không có lời phán xét.

Nói chung trong hai mươi năm trước 1975 mọi ba hoa của mình đại khái là về hai cái: văn nghệ và chính trị. Văn nghệ là cái mình chúi đầu làm, chính trị là cái đè nặng lên số phận miền đất mình đang sống.

Viết với đọc, mình đã trằn trọc háo hức trong bao nhiêu năm, bấy giờ gặp cơ hội, tha hồ vung vít. Vả lại bấy giờ ở Miền Nam văn học bột phát, thịnh mãn chưa từng có. Di dân ở Bắc kéo vào tở mở, cùng với khối người chợt thoát chế độ cộng sản ở miền Trung, họ mở ra một cảnh tưng bừng. Văn giới hoạt động tíu tít. Tôi bám theo cơ hội, vừa viết phần mình vừa trầm trồ ca ngợi cái viết của người xung quanh, vừa đọc thiên hạ tìm hiểu tứ phương vừa nghí ngố về trào lưu này xu hướng nọ. Tóm lại, về mặt văn nghệ, bấy giờ mình là đứa hớn hở.

Về mặt chính trị, cái vui không được bao lâu. Vào khoảng năm năm sau Hiệp ước Genève, ở Miền Nam xuất lộ những dấu hiệu phân liệt. Người Bắc mới người Bắc cũ khác ý nhau, kẻ Bắc người Nam khác tính nhau, lớp trẻ hôm nay với lớp già hôm qua khác quan điểm, lớp từng lăn lộn chín mười năm trong các chiến khu bỏ trốn về với lớp đi du học nhìn tình hình Việt Nam từ các xứ Âu Mỹ nhận định khác nhau, kẻ tôn giáo này người thuộc giáo phái nọ phản ứng cách khác nhau v.v... Cảnh nhốn nháo, tranh chấp, hỗn loạn mỗi lúc một gay gắt.

Về sự chuyển biến tinh thần trước tình hình, xin lấy trường hợp Vũ Hoàng Chương làm tiêu biểu. Tiên sinh là một tên tuổi lớn, được kính trọng; hầu hết thơ văn của ông được nhớ thuộc rộng rãi, khỏi cần trích dẫn dông dài.

Thoạt mới di cư vào Nam, tiên sinh sôi nổi; Miền Nam tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất phế nhân vật cũ lập chế độ mới, thi nhân reo mừng: “Lá phiếu trưng cầu một hiển linh.” Ông có cả một ‘Bài ca Bình Bắc’ trong tập Hoa đăng xuất bản vào buổi ấy.

Tám năm sau, đón tết Quí Mão (1963) ông Vũ có hai câu:

Tám giao thừa, chín năm dư

Cành mai trắng mộng, đêm trừ tịch suông.

Nghe buồn hiu.

Đầu năm Canh Tuất (1970) trong văn giới có những thì thào lo ngại về lão thi nhân. Ông Nguyễn Mạnh Côn thay mặt báo Văn đến gặp Vũ Hoàng Chương. Ông Vũ nói thẳng: “Tôi bây giờ chỉ chờ ngày chết thôi. Lắm lúc muốn tự tử.” Ông Nguyễn “nghe mà lạnh gáy”, không dám tin ở tai mình. Một tuần lễ sau, ông Nguyễn trở lại nhà ông Vũ hỏi thêm cho cẩn thận. Ông Vũ (cũng cẩn thận) xác nhận: Muốn chết.

Năm 1975, Bắc quân vào Sài Gòn, có người bảo ông bà Vũ đã sẵn thuốc độc cho ba người: vợ chồng và cậu con trai. Thuốc độc chưa kịp dùng thì ông bị bắt vào tù. Ra khỏi nhà tù, ông Vũ chết một mình.

Đó là diễn tiến trong giai đoạn cuối đời ở một nhân vật can trường. Cùng thời gian ấy, kẻ cầm bút xoàng xĩnh loay hoay theo cách xoàng xĩnh. Năm 1966, tôi lo lắng về sự phân hoá trong thái độ chính trị ở Miền Nam.[2] Năm 1968, kêu hoảng: Không khéo cả nước vào tay cộng sản.[3] Cuối năm ấy, hoảng hốt báo động.[4] Một tháng sau, cùng năm ấy, tôi buông ra “tiếng cú” bất tường.[5] Đầu năm 1975: đại hoạ. Con cú may mắn thoát hiểm.

Những năm chót là những năm bấn loạn: đánh nhau ác liệt, dân chết lính chết, dân mất đất mất... Trong tình hình ấy lại phát lên tiếng cú, tai nào chịu dung nạp một báo hiệu như thế? Vậy mà không biết toà soạn Bách Khoa đã phân trần ra sao, rốt cuộc bài báo cũng được xuất hiện. Nghĩ lại về những cố gắng của nhà báo, về sự nhân nhượng của cơ quan kiểm duyệt: thật quí hoá.

Nhưng về bản thân của bài viết, thực chẳng có tác dụng nào. Trong tai hoạ, cái viết tất nhiên không phải để chơi. Mà bảo rằng để... dùng, thì lại không thành một công cụ hữu dụng gì cả. Nghe chới với, chẳng ra làm sao.

 

TIẾNG CỰA MÌNH CỦA TRANG GIẤY

 

Bây giờ hoàn cảnh đổi khác. Cục diện thế giới biến chuyển sâu xa. Các đại cường thay đổi chiến lược, các chế độ lỗi thời loay hoay tìm cách tự giải thể, tự... sụp đổ cách êm ái... Hoàn cảnh mới lăm lăm những món vũ khí khốc liệt, những sách lược cực đoan. Kẻ cầm bút trông lại cây bút, thấy nó ngo ngoe mà ngán ngẩm: Hoàn cảnh nó loại bỏ mình?

Viết chơi thì đây không phải lúc viết chơi; viết để dùng thì cái viết của mình lại e không xứng để dùng. Khoản thời gian còn lại trong đời ít dần, rồi rất ít. Thời khoản rất ít còn lại không dùng được vào việc gì, cái ít lẽ ra là thiếu thốn lại hoá thừa thãi.

Một câu thơ của ông Trần Vấn Lệ ám ảnh tôi. Ông Trần than thở: “Mỗi ngày là một ngày xưa”.

Ngày xưa không còn nữa: đáng quí. Tất cả thời xưa, cũng có thể đáng quí luôn. Nhưng khi cái xưa không chịu ở yên tại vị trí, nó cứ lướt thướt kéo về ám ảnh mình, thì khốn đốn thôi. Mỗi một ngày qua, thời gian chôn nó trân trọng, có thổn thức, có tiếc thương, đủ lễ nghi. Lẽ ra nó nằm yên dưới mồ yên mả đẹp. Xem đấy: ngày qua của trâu, bò, ruồi, muỗi... là ngày qua hẳn. Tốt thôi. Còn lũ ngày xưa của con người — đặc biệt là của đám người cầm bút — chúng nó quá quắt.

Trong cuốn Đôi bạn của Nhất Linh, anh chàng Dũng có lần đưa mẹ con cô Loan đi Hà Nội. Đêm trăng, bà cụ yên giấc, Dũng cùng Loan đi dạo phố một lát. Trên đường phố, gió phất tà áo của Loan, chạm vào tay Dũng. Chạm nhẹ, chút xíu thôi. Cả hai xúc động. Trong Bướm trắng, Trương lẻn vô phòng hít trộm chiếc áo lót của Thu vừa mới cổi vất ra giường. Trong Xóm Cầu Mới, cô Mùi lén nằm lên giường của Siêu, đắp chăn của Siêu, hít mùi gối của Siêu. Trong cuốn Loạn của Chu Tử, bé Liễu từng được cậu Xương cởi quần áo, công kênh trên vai, đem ra ao, cùng tắm với lũ em nhỏ; hơn mười năm sau, chính Liễu ấy lớn lên, nõn nà, sang trọng, làm chủ nhà thổ và tình cờ một hôm đấm bóp cho Xương, nhận ra người “cậu” tàn tạ, Liễu khóc nấc lên, đè đầu “cậu” xuống hôn lấy hôn để. Edgar Poe một đêm để con quạ giữa khuya đến kêu lên mấy tiếng tai quái rợn người. Gustave Flaubert gặp bà Schlésinger một lần, lằng nhằng với bà trong truyện cả 33 năm v.v...

Sống ở đời ai chẳng gặp chuyện: chuyện hay chuyện dở, chuyện buồn chuyện vui. Thời gian trôi qua, rồi chuyện xảy ra ngoài đời tan biến dần, mất dần. Có thế con người ta mới sống được, cuộc đời mới trôi xuôi suôn sẻ. Bé Mùi nhi đồng thành cô Mùi thiếu nữ, có lúc nóng người vì hoả bốc bất ngờ; rồi cô lấy chồng; rồi con cái đùm đề, cháu chắt đông đảo lít nhít đầy nhà... Mùi hoá kiếp thành bà, già nua, bận bịu, lẩm cẩm... Bấy giờ đố bà còn nhớ được mùi chiếc gối của Siêu nó ra làm sao.

Thế nhưng ông Nhất Linh thì không được thế. Sách ông còn đấy. Trong đó có tà áo đêm trăng, có chiếc gối ở đầu giường ai... Lỡ lọt vào sách ông, chúng nó không tự biến mất được. Chúng ám ông suốt đời. Cũng như con quạ bí hiểm ám Edgar Poe. Như bà Schlésinger ám Gustave Flaubert...

Chúng nó cũng có quấy ông nọ bà kia, cô này cậu khác trong giới độc giả, nhưng thỉnh thoảng thôi, nhẹ thôi. Còn ám ảnh, quấy động tác giả thì quấy kỹ, tới chết. Chao ôi! Đêm nay một con quạ đen, đêm mai cả bầy cáo trắng, rồi vài sợi tóc mai lơ phơ, một màu áo nhàn nhạt v.v... chúng từ một cuốn sách, một câu thơ trót viết ra đã lâu, lén lút mò về tìm tác giả, ngó đăm đăm. Ông tác giả nào, bà tác giả nào chịu thấu hả trời!

Cặp mắt, tiếng kêu, làn da, hơi thở v.v... của những người nọ vật kia có liên hệ xa gần thế nào với ông bà tác giả? Ông bà tác giả có liên hệ gì, nợ nần gì với chúng? Không rõ đâu. Mơ hồ lắm. Rắc rối lắm. Xa xôi lắm. Cử chỉ nọ, nhân vật kia, có thể là cái tác giả yêu thích nhất, có thể là cái ghét sợ nhất; có thể là cái tác giả chưa từng biết, chỉ nghe qua rồi mơ ước, có thể là thực tại xấu xa trây lì ám ảnh mãi không cách nào xua đuổi nổi, ngấy muốn chết!

Tôi lại nghĩ tới ông Trần Vấn Lệ:

Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi!

Những cây thông nói với trời điều chi?

Hồ Xuân Hương, liễu thầm thì

Phải chăng thông đã nói gì mà quên?

(‘Tôi về thăm chỗ tôi đi’)

Liễu thầm thì bảo vậy có tin được không? Thông nói rồi thông quên tuốt! Cả thông, cả liễu, cả hồ, cả Đà Lạt, cả Trời đều sống thảnh thơi, an lành, nhẹ nhõm. Ngay người đời nói chung, thỉnh thoảng có gặp điều gì — hoặc vui hoặc buồn — đem ra tỉ tê với bạn bè; rồi trải qua năm tháng biền biệt cũng có thể quên dần, có khi quên luôn. Chỉ có các tác giả là không thoát được quá khứ. Nó nằm đó, đủ bầy đủ lũ, im lặng mà chòng chọc. Nó ám ảnh đấng sinh thành không buông tha.

Buổi trưa rạo rực xa xưa, một đêm trằn trọc mấy chục năm trước, một làn da, một bàn tay, gót chân, tiếng guốc, tiếng khua lén lút, một sáng nọ chiều kia trong vô số sáng chiều trong đời mình... Những cái như thế tốt cả, quí cả. Hít áo lót: tốt. Vùi đầu vào ngực “người ta”: tốt. Những cái như thế làm ra cuộc sống, ra cái hấp dẫn của cuộc sống. Nhưng xong việc, chúng nó nên mờ đi, biến đi. Những cái quí còn nên tự xoá dần, huống hồ những cái kỳ cục! Đã thế, các tác giả lại còn bị thúc đẩy: Viết cho sâu vào, sâu tuốt vào tiềm thức. Ối!

Vừa rồi nêu ra là những tên tuổi lớn. Thực ra, người viết lớn người viết nhỏ, đại văn hào tiểu văn nô, đã viết đều điêu đứng, càng viết càng điêu đứng. Thời gian, ngày tháng của kẻ khác đến rồi đi, lặng lẽ. Ở người viết, chúng nó thành oan hồn uổng tử, kêu khóc tỉ tê...

Mọi cuộc đời đều kết thúc. Trước tan biến là nghỉ ngơi. Hưu là nghỉ (cũng có nghĩa là vui). Bởi vậy hưu thì hưu dưỡng, hưu nhàn, hưu hạ. Ở người viết là cái hưu hoảng, hưu hốt. Đó là những tiếng đã có từ khuya, đặt ra để tiện dùng, nằm sẵn trong các tự điển.

Người viết nghỉ ngơi trong hổn hển. Nằm thở phì phà phì phào bên cạnh một ngổn ngang, khúc mắc, u ám... Đêm khuya thao thức, chợt nghe sột soạt: tiếng cựa mình của mấy trang giấy cũ. Bèn thảng thốt. Giật nẩy người.

— Vậy bỏ quách. Ai bảo ham. Viết lách làm gì?

— Thì đấy. Nào mình có viết gì nữa đâu. Đây là nói về nghiệp “cũ” thôi.

 

Tháng 3–2006

 

(In trong cuốn Cuối Cùng của Võ Phiến, Thế Kỷ 21 xuất bản tại California, USA, 2010)

 

_________________________

[1]Phần trước, xin xem bài “Thẫn thờ” cùng tác giả, trên tạp chí Thế kỷ 21 số ... tháng... năm 2006.

[2]Tức bài “Từng lớp cách nhau”, viết tháng 4-1966, đăng ở tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn, in lại trong cuốn Tạp luận, năm 1987.

[3]Bài “Dù có bao giờ”, viết tháng 7-1968, đăng ở Bách Khoa, in lại trong cuốn Tạp luận, năm 1987.

[4]Bài “Bắt trẻ đồng xanh”, viết tháng 10-1968, đăng ở Bách Khoa, in lại trong cuốn Tạp luận, năm 1987.

[5]Bài “Tiếng cú”, viết tháng 11-1968, đăng ở Bách Khoa, in lại trong Tạp luận, năm 1987.    


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021