thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chân trời hoang tưởng

 

 

 

CHÂN TRỜI HOANG TƯỞNG

 

Ta khóc những chân trời không có người bay
Và lại khóc những người bay không có chân trời
TD

 

Câu hỏi trở đi trở lại đầy day dứt: đâu là điều quan trọng hơn giữa chữ nghĩa và ý tưởng? Chữ nghĩa, hay sự viết, là một nỗi ám ảnh, một nỗi ám ảnh nhiều khi tới mức trống rỗng. Những con chữ với vũ điệu riêng của chúng liệu có thể thành thân xác từ một cấu trúc vô hình? Ý tưởng mở ra những chân trời, cũng có thể là chỉ là những chân trời hứa hẹn, những chân trời hoang tưởng. Chữ nghĩa dịch dời những chân trời như ánh đèn pha trong đêm tối. Chữ nghĩa là mầm sống còn ý tưởng là trạng thái hoài thai. Trong 9 tháng 10 ngày hoài thai một mầm sống, người mẹ cảm nhận một niềm hạnh phúc lặng lẽ, cái sẽ trao cho bà một sức khoẻ phi thường. Hoài thai là một trạng thái tâm lý gần với niềm tin. Những người phụ nữ được uống một loại thuốc nam khiến bụng phình to và thân hình phù thũng, cũng tin rằng mình đang hoài thai một mầm sống và trải qua cảm giác hạnh phúc được làm mẹ. Đó là một sự hoài thai hướng về những chân trời hoang tưởng. Những người mẹ hoài thai và chứng kiến đứa con ra đời, ngưỡng mộ sự đổi thay từng ngày của đứa trẻ và sự diệu kỳ của sự sống. Bé lớn lên với sự tưới tắm và với sự ham sống tự thân. Bé là của mẹ và không chỉ là của mẹ nữa. Chữ nghĩa khi đã được ý tưởng kích hoạt sẽ tự nó tìm thấy hình hài, sức sống, tìm thấy chân trời nơi nó thả vào đó những sắc màu biểu cảm của tâm hồn, của mỗi sự tồn tại của cái gọi là văn bản. Có người nói: kiến thức đem lại cho con người điều gì quan trọng nhất? Đó là tự do. Nhưng kiến thức tự thân nó cũng là những rào cản được dựng nên bởi định kiến nối tiếp định kiến, niềm tin mới phá vỡ niềm tin xưa, những chân lý không tìm thấy điểm mốc để kiểm chứng. Cái còn lại cuối cùng là những chữ nghĩa-mầm sống gào thét đòi cơn hoài thai để tồn tại. Một sự gào thét điên cuồng của những con chữ ám ảnh, ràng buộc, siết chặt cái thòng lọng của nghiệp chướng trong đó nhà văn và những kẻ phu chữ suốt đời làm nô lệ. Không ít người tin rằng bản thân hoàn cảnh và những mâu thuẫn cá nhân nội tại kích thích họ viết, dù là viết những điều nhảm nhí nhất, sáo rỗng nhất, không để diễn tả mâu thuẫn hay bất cứ bi kịch tình huống nào. Nhưng đó chỉ là sự phình đại của một nhu cầu được vạch vào không gian trắng của trí tưởng tượng một vài nét vẽ nguệch ngoạc không chủ đích với điểm xuất phát là trực giác mơ hồ, tiềm thức mông lung. Cái thúc đẩy họ đi đến hành vi đó không gì khác là mầm sống-chữ nghĩa, một bầy đàn ngỗ nghịch và phá quấy linh hồn. Như những con ngựa bất kham không được kiềm toả, thường khi chúng phản bội lại người viết ra chúng. Nếu có ý tưởng, chúng phản lại bởi lối diễn giải. Nếu trống rỗng ý tưởng, chúng phản lại bởi sự trơn trượt của lãng quên. Cơn hoài thai đó là giấc mơ mỗi ngày hằng khao khát, như khát khao được làm mẹ. Có những đứa con được ra đời từ một cuộc hôn phối chính chuyên, nhưng cũng có những đứa con hoang ra đời từ một cuộc hiếp dâm, từ một cuộc tình vụng trộm, từ một giấc mơ ngủ với thần linh, từ một cơn dâm mộng đầy thú tính,... Chữ nghĩa cũng vậy, không phải cuộc hoài thai nào cũng đẻ ra tượng đài ngôn ngữ. Có những cuộc hoài tha không phải từ trứng và tinh trùng của mẹ và cha, mà từ sự thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người khác. Mà không hề biết. Hoặc biết cũng không thể cưỡng lại. Chữ nghĩa luôn phản thùng như thế. Ta tự do vì nó là của ta. Ta mất tự do vì nó mượn ta để đẻ con cho người khác. Nó chiêu tập ta vào một mặt trận, ví dụ mặt trận hệ tư tưởng. Hạnh phúc vì được làm mẹ, được chiến đấu để bảo vệ cho con mình có được hình hài hoàn mỹ không ai có thể phản bác được, ta không để ý rằng, kẻ thù của ta, với hệ tư tưởng đối lập, đã rời xa vũ đài ý thức hệ từ lâu rồi. Hắn chỉ giăng ra cái tấn trò mặt trận hệ tư tưởng để ta lơ đi những mặt trận khác, nơi hắn tha hồ làm những trò bỉ ổi, vô luân, trong khi vẫn ra rả phun ra chữ nghĩa có định hướng tư tưởng nhằm kích động ta tiếp tục đẻ con.

Không, đó không phải là một cơn hoài thai, đó là một cơ chế sinh sản có điều kiện. Cơn hoài thai cần đến một chân trời, dù là hoang tưởng. Bộ máy sinh sản có thể là vô tính, nhưng cơn hoài thai vẫn diễn ra, không phải 9 tháng 10 ngày, mà là một kiếp người. Vì giờ đây, mọi không gian đã nhiễm từ tính, các ý nghĩa đã trở nên bão hoà, các bậc thang tư duy đã thay đổi trật tự, các hệ quy chiếu đã chuyển từ không gian 3 chiều sang đa chiều, vô cực. Mỗi ngày, thay vì tư duy ta tìm những điểm hút phù phiếm từ thế giới thị giác, vì nó tưới tắm, nhuận sắc, huyễn hoặc cái chân trời hoang tưởng của ta theo những cách thức bất khả đoán. Ta dán khắp nơi trong nhà, đặc biệt trong toilet những tấm poster, tranh, ảnh để kích thích một khát vọng mơ hồ. Mỗi ngày ta ú ớ thốt ra một thông điệp mà chính ta còn đang kiếm tìm ý nghĩa. Và ta trượt đi như thế, mỗi ngày.

Như một con ngựa bất kham, chữ nghĩa cần bị quất roi vào đít, và ghìm đầu nó xuống, ta ghé vào tai nó nói rành rọt: hôm nay mi phải làm cho ta một việc, đó là viết cho ta từng chữ cái một, a, b, c, d,... xếp ngay ngắn thành những từ ta được học trong trường mẫu giáo khi ta hoàn toàn chưa hiểu ý nghĩa gì: phấn, bảng, cây, con gà, cái bàn,... Mi không thể tước đoạt tự do của ta bằng cách cuốn ta vào một cơn cuồng dâm tinh thần. Ta sẽ giúp mi lấy lại thăng bằng và sự uyển chuyển như ánh sáng đèn pha mỗi ngày rọi theo những bước dịch chuyển của những chân trời, dù là hoang tưởng. Những chân trời sẽ kéo dài miên viễn niềm hoan lạc của sự hoài thai.

 

17/4/2010

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021