thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Suy diễn ngày thứ Bảy

 

 

 

SUY DIỄN NGÀY THỨ BẢY

 

Ham muốn, đó là nguồn gốc của tội lỗi?

Ham muốn một trái táo, Adam đã đẩy cả nhân loại vào trận đồ nhiễu nhương của ý thức tồn tại, để rồi một ngày, thế hệ con cháu của chàng nhận ra sự lầm lạc, xa lạ ngay trong căn-nhà-ảo-tưởng của chính mình. Ham muốn một tình yêu thuỷ chung vĩnh cửu, Médée sa đoạ trong lời nguyền khốc hại, mà ở đó hạt giống yêu đương và khát vọng trả thù được gieo mầm trên cái chết của hai kẻ tội đồ máu mủ yểu mệnh. Ham muốn một lần hoá kiếp, nàng tiên cá của Andersen phải trả giá bằng sự tuyệt vọng làm tiêu tan cái ảo tưởng đẹp đẽ từng có về loài người và tình yêu vĩnh cửu. Ham muốn một đức tin, một sự lòng lành cứu rỗi trinh khiết và trọn vẹn, Alissa[*] đẩy mình vào ngõ cụt của hoài nghi tôn giáo để rồi vong thân cho cái đức tin mà tự thân nàng biết rằng nó không còn tồn tại. Và Moricand[**] ơi, cái ham muốn sống của chàng cũng đồng thời là cái khát khao huỷ diệt mạnh mẽ nhất trong cơn rồ dại tự đẩy mình vào vực thẳm hố sâu.

Con người rên xiết trong đau thương, hoài nghi trong tồn tại, tuyệt vọng trong tình yêu, cô đơn trong hoan lạc. Đó là cái thú vui được tự hành xác, đày đoạ bản thân hòng tìm kiếm mơ hồ cái tuyệt thặng đau đớn. Nhưng có đoạ đày nào có thể xoa dịu và làm thoả mãn cái khát vọng đau thương tự hoại kia? Loài người vui tìm khoái lạc trong việc chứng kiến tâm hồn thổ huyết, thân thể ráo kiệt và cuối cùng thu hẹp sự chọn lựa bằng sự rên rỉ tự giác bên bờ vực thẳm – cái kết thúc đã được vạch sẵn trong đầu từ trước khi con người thực hiện cuộc hành hình đầy lạc thú và sa đoạ.

Trong tương quan tồn tại giữa những cá nhân trong xã hội, con người được học bài học đầu tiên là về tình thương, trách nhiệm và đạo đức. Khiến kẻ khác phải đau thương bất hạnh, đó là tội lỗi bị lên án bởi vô vàn lời rao giảng kinh viện đạo đức nhân sinh. Thế còn tự gây ra thương tổn cho mình, đó có phải là tội lỗi? Con người từ khi sinh ra đã gánh lấy trách nhiệm về sinh mệnh của cá nhân. Và đến lúc trưởng thành, con người được định hướng thứ lý tưởng về trách nhiệm, vai trò cũng như ý nghĩa của tồn tại cá nhân trong quan hệ cộng đồng. Ý nghĩa cuộc sống, lâu dần lại trở thành thói quen, người ta nghĩ về nó như là ý niệm về sự cống hiến, về sự hy sinh, cho cộng đồng, nhân loại... Bất cứ khái niệm vĩ mô nào cũng có thể đạo mạo khoác lên nó cái áo chùng đen, mà đức tin là thứ khái niệm mơ hồ huyễn ảo nhất: sống có ý nghĩa. Trong khi cổ xuý cho tín điều to tát lý tưởng kia, người ta đã vô tình hoặc cố ý bỏ rơi nhân tố thiết yếu của tồn tại: cá nhân.

Lịch sử loài người nhìn lại chính là thứ lịch sử được tạo nên bởi sự toả sáng của các cá nhân xuất chúng. Bước đi từ xã hội công xã nguyên thuỷ (tạm gọi là xã hội không khuôn mặt người) đến xã hội hiện đại là một chặng đường dài mà con người khổ hại, đau đớn với phẫu thuật rạch đâm mổ xẻ chính bản thân mình để tìm kiếm ý nghĩa thực sự của tồn tại. Tồn tại, do đó là một hành trình thoát xác khỏi cái vỏ bọc cộng đồng để quay về với tự ngã. Tôi là ai? Tôi ở đâu đến? Tôi sẽ đi về đâu? Cuộc sống này cần thiết cho ai khi mà những lọc lừa, đói khổ, chiến tranh, tật bệnh... là hình thái sinh tồn duy nhất của nó?... Càng cố trả lời, con người càng đến gần với thứ ánh sáng bệch nhợt phía cuối đường (và dường như là thứ ánh sáng duy nhất), và kết quả nhận được không gì khác ngoài hố thẳm tạo sinh bởi ảo giác tuyệt vọng. Tuyệt vọng là nguyên nhân, là động lực, là sự kích thích, là đam mê, cuồng vọng trước nhất đẩy con người vào cái bẫy vướng mắc của tư tưởng; tuyệt vọng cũng là thứ duy nhất đang chờ đón kẻ ngây thơ, cả tin, cuồng dại ở cuối hành trình.

Nếu chuyến đi dài thảm thiết đó rốt cuộc cũng chỉ là vòng tròn đều đặn không kẽ hở, kín lối thoát, thì tại sao cứ phải đâm đầu vào nó như loài thiêu thân tuyệt đường, mù quáng? Câu trả lời sẽ không làm thoả mãn kẻ đang háo hức lắng nghe, cũng như chẳng mở ra một cứu rỗi nào khả dĩ tươi sáng, tốt đẹp. Hạnh phúc có khiến người ta cảm giác được rằng bản thân đang sống? Xin thưa, hạnh phúc, nếu có, chỉ là thứ ảo tưởng lầm lạc khoác áo đức hạnh. Hạnh phúc vẽ ra một ảo tưởng đê mê khiến kẻ trong cuộc không ngừng ngộ nhận về cuộc sống mà hắn đang nếm trải hòng lấy cắp của hắn cái cảm giác đau đớn hoan ai trần thế. Nghe có vẻ nghịch nhĩ, nhưng thử tưởng tượng như người Ai-cập về cái thế giới sau khi chết, khi đến trước thần Công Lý và đặt trái tim lên bàn cân sinh tử, điều gì khiến bàn cân ấy giữ được thế cân bằng vĩnh cửu? Xin thưa, khổ đau. Khi chưa nếm trải đau thương thác loạn, khi chưa ngập ngụa trong lầy lội xung đột giằng xéo, khi chưa điên cuồng khốc hại tâm tư... kẻ đó chưa vinh hạnh bước chân vào cõi sống, hoặc có đi qua nó nhưng bằng thể xác của kẻ vong mồ.

Vậy chẳng lẽ rốt cuộc mục đích của mỗi người sống trên đời đều là tìm kiếm đau khổ và đày đoạ tinh thần? Sai lầm nốt. Khổ đau mê dại chỉ là cái giá phải trả để tồn tại như một linh vật đau thương trong lễ hiến tế Sự Sống. Vậy muốn sống, loài người phải từ khước hạnh phúc và ôm khư khư lấy bất hạnh như kẻ sắp chết bấu víu bài thuốc Tử Sinh? Không, hoàn toàn sai. Sống là từ khước, nhưng không phải hạnh phúc, mà là cái ảo tưởng hạnh phúc. Niềm vui, nụ cười, hân hoan, luyến ái... chỉ như thứ phục trang loè loẹt giả tạo, hời hợt không chút giá trị. Nó đến với con người trong một thời điểm, khiến họ mê mẩn bần thần, nhưng sau khi rút lui, nó chỉ để lại duy nhất trong lòng người cái khoảng không vô nghĩa trống rỗng. Không một chút lưu dấu, như thứ trí nhớ tồi của kẻ đãng trí ngớ ngẩn. Nếu nói nước mắt, nụ cười, niềm vui, may mắn... kia đều là giả ảo thì đâu mới là hạnh phúc thực sự? Hạnh phúc thực sự phải nảy mầm và nở hoa trên mảnh đất đau thương, cô độc, bất hạnh. Hạnh phúc chưa khi nào ly khai khỏi khổ đau, như hình thể sắc tướng và cái bóng tối bất động của nó, chúng song hành và cùng tồn tại. Hạnh phúc được đau thương, tự đày đoạ và thấy mình đày đoạ khốn khổ khốn nạn là cái hoan lạc phi trần thế, phi thực tại nhất. Cái hoan lạc không thể cắt nghĩa, nằm ngoài địa hạt của ngôn từ, âm sắc, hình tiếng. Thứ duy nhất có thể định nghĩa nó là vĩnh cửu. Đi tìm hạnh phúc lại gặp vĩnh cửu – cõi lạc thái mà kẻ lỡ chân bỗng chốc trở thành tông đồ cuồng tín.

Loài người là sinh vật yếu đuối nhất được Thượng Đế tạo tác. Thế nên để giúp loài người có được sức mạnh vượt qua những thách thức trong chặng đường bi đát của đời sống, Thượng Đế đã tặng cho loài người món quà quý giá nhất mà Ngài có thể nghĩ đến lúc ấy: sự mù quáng. Mù quáng đến nay vẫn là thứ sức mạnh khiến con người liên tiếp đặt ra và liên tiếp phá vỡ các giới hạn, thậm chí cả giới hạn sống. Bản chất của tôn giáo là mù quáng, thế nên con người tìm đến tôn giáo như kẻ đói khát tìm đến cái no ấm an ủi giả tạo. Kẻ tù nhân đoạ đày đau thương cô độc là tín đồ của hạnh phúc, và theo cách nào đó cũng là của vĩnh cửu. Hoài vọng vĩnh cửu cả đời để cuối cùng họ nhận ra rằng con đường duy nhất tìm đến vĩnh cửu, hình thái tồn tại duy nhất của vĩnh cửu, đó là cái Chết. Vì sợ chết nên chung cuộc kẻ tội đồ phản bội đức tin của chính họ.

Và phản bội đức tin chính là cách trả thù kinh hoại nhất đối với cuộc sống, vì một bận đã trót cợt ngạo sinh ra Những Đứa Mình.

 

SG’08
 
Minh hoạ:
Sufrimiento, hoạ sĩ vô danh
(Tiền Vệ sưu tập)

 

_________________________

[*]André Gide, Khung cửa hẹp.

[**]Henry Miller, Ác quỷ trên thiên đàng.

 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021