thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tùy bút không tên (dành cho nàng Cemse Allak)

 

Tên nàng là Cemse Allak. Chúng tôi không quen biết và tôi chưa gặp nàng bao giờ. Nàng đã qua đời vào ngày bảy tháng sáu, cách đây hơn một tháng, ở tuổi ba mươi lăm, người phụ nữ đó, người phụ nữ tôi chưa từng gặp và sẽ không bao giờ có thể gặp nàng được nữa. Nàng đã từng sống ở một nơi rất xa nơi ở của tôi, thị xã Yaylim, nước Thổ. Tôi không hình dung được nàng lẫn nơi ở của nàng, tất nhiên, và bằng tất cả trí tưởng tượng của mình mỗi khi nghĩ về nàng, tôi bắt gặp một đôi mắt, đôi mắt trong veo xinh đẹp nay đã vĩnh viễn khép lại.

Tôi biết nàng chiều nay khi tình cờ đọc một bài báo về cái chết của nàng. Những gì tôi đã đọc làm tôi cảm thấy ghê tởm, trong một thoáng, ghê tởm mọi thứ, ghê tởm chính bản thân mình dù điều đó hơi có phần lố bịch. Vì sao một cái chết như hàng chục hàng trăm cái chết diễn ra mỗi giây đồng hồ lại làm tôi xáo trộn như thế? Có phải tôi là người đã dửng dưng nhìn đoàn người đi biểu tình ở các thành phố lớn của nước Mỹ chống chiến tranh Iraq? Có phải tôi là người đã từ chối tham gia đoàn sinh viên phản chiến tụ tập về trung tâm thành phố mỗi ngày chủ nhật vài tháng trước đây? Tôi đã từ chối những cuộc diễu hành, những biểu ngữ, và trong tôi, từ lâu không còn những vọng tưởng về việc chống lại Ác Quỷ và những kẻ tiếm danh. Chỉ vì một điều đơn giản, thật đơn giản, trong thế giới bấn loạn mỗi ngày, với những goá phụ chiến tranh hai mươi tuổi sẵn sàng ôm bom lao vào gầm xe buýt và hô to danh xưng của chúa trời, chúng ta không thể nhận dạng được Ác Quỷ, hay nói chính xác hơn, Ác Quỷ duy nhất mà chúng ta có thể khẳng định lại chính là bản thân chúng ta. Huỷ diệt nó, đồng nghĩa với việc chấm dứt sự tồn tại của chính mình. Tôi không có ý rao giảng một đạo thuyết nào cả, tôi nhìn thế giới bằng đôi mắt thờ ơ của một con người vừa vượt qua tuổi hai mươi, cảm thấy những gì đang diễn ra ngoài kia, nếu không làm đề tài để nói chuyện phiếm thì chẳng còn một lý do gì để tôi phải xen vào, nó không liên quan đến tôi, và tôi càng đứng xa nó bao nhiêu thì thế giới này sẽ dễ thở hơn bấy nhiêu. Đối với tôi, thế giới của chúng ta là một thế giới “không thể thay đổi được”, một thế giới trong ca khúc Across the universe của John Lennon, “nothing’s gonna change my world”, chứ không phải là thế giới Imagine đầy những từ ngữ sáo rỗng. Vậy vì lý do gì ngày hôm nay trong lòng tôi dấy mãi lên một nỗi chán chường và mệt mỏi đến thế này?

Tôi đã đi tìm nàng chiều nay, gõ tên nàng vào trang web Google và chờ đợi. Tôi chờ đợi sự phản ứng dữ dội của thế giới đối với cái chết của nàng, như người ta vẫn thường làm mỗi khi Ác Quỷ bị nhận diện. Nhưng tôi đã lầm, cái chết của nàng không là gì cả, vỏn vẹn bốn địa chỉ có tên nàng trong đó, một trang web của người Hi Lạp, trang chính của tờ Turkey-Post và trang sức khoẻ thế giới của đại học Havard, trích một đoạn nói về nàng từ tờ NY Times. Ngoài trang web của Havard ra, trang web trích lại vài dòng tin ngắn từ NY Times, tôi không thể tìm thấy một mẩu tin về nàng trong ba trang web còn lại. Hoặc mẩu tin về nàng quá nhỏ trong hàng đống hàng đống tin về Iraq, Bush và Blair, Thổ có đưa quân sang Iraq hay không, có cho liên quân vào Thổ hay không, những cố gắng hội nhập vào châu Âu của nước Thổ Hồi giáo vân vân và vân vân, hoặc là mẩu tin đã quá lâu rồi để người ta giữ nó lại. Hình như người Thổ đang cố quên nàng đi như quên một vết bẩn (vâng, cái chết của nàng là một vết bẩn của nhân loại), một cản vật trong tiến trình hội nhập vào châu Âu của quê hương nàng.

“Người nào chưa bao giờ làm việc xấu xin hãy ném viên đá đầu tiên”. Jesus đã nói như vậy khi ông chứng kiến một cuộc xử phạt ném đá cho đến chết một người phụ nữ vì tội gian dâm. Cách đây hơn hai ngàn năm, có một con người, ít nhất, đã cản ngăn được một điều gì tồi tệ sắp diễn ra trước mắt mình. Tôi đã thờ ơ với thế giới, với những cuộc chiến vô nghĩa, tôi thờ ơ với chuyện của người dưng. Và nếu như có ai đã từng lý luận với tôi rằng “nếu ai cũng như anh thì sẽ chẳng ai xuống đường để, ít nhiều, làm giảm đi sự tàn khốc của cuộc chiến” thì tôi xin thưa lại rằng, “nếu ai cũng cố làm như tôi thì có lẽ cuộc chiến đã không xảy ra”. Điều tệ hại nhất mà tôi phát hiện trong mỗi chúng ta (nói chung, trong chính bản thân tôi nói riêng) là sự bày tỏ hình ảnh của chúng ta đối với cuộc sống bên ngoài, the appearance. Nó là vũ khí duy nhất và mạnh mẽ vô cùng của Ác Quỷ trong mỗi chúng ta. Đó là lý do tôi đã cố gắng thờ ơ với chính sự xuất hiện của mình, tôi cố gắng tước bỏ đi, hạn chế sức công phá từ cái vũ khí duy nhất đó. Nhưng nếu tôi đứng trước nàng, vào lúc đó, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ lẳng lặng nhìn nàng quị xuống sau từng loạt đá và cầu nguyện cho nàng, bảo với nàng rằng cái chết, đó là một sự giải thoát, nàng phải chịu trách nhiệm về những hành động của nàng, về số phận của nàng, không ai có thể cứu nàng, kể cả tôi, mỗi chúng ta phải tự cứu lấy chính mình, vân vân. Không, tôi không thể làm như vậy, tôi không phải chúa trời (nếu có một thượng đế như thế cho tất cả chúng ta), tôi là một Ác Quỷ, và cũng là một con người.

Nàng bị hình phạt ném đá cho đến chết vì chửa hoang. Ở nước tôi, người ta cũng đã từng làm những chuyện tương tự thế, người phụ nữ không chồng mà chửa bị trói chặt, bỏ lên bè đẩy ra sông, từ đó nói về những người chửa hoang, hay những người ngoại tình, gian dâm, người ta thường nói “con ấy đáng bỏ bè trôi sông”. Đó là chuyện từ lâu. Tuy ngày nay đã không còn những hình phạt thiếu tình người như vậy nữa, người phụ nữ chửa hoang vẫn phải chịu cái nhìn soi mói của dư luận. Tôi dùng từ chửa hoang mà dân tộc tôi vẫn thường dùng để chỉ những người phụ nữ không có chồng nhưng lại mang thai. Ở đất nước tôi, người ta thống kê tỉ lệ phá thai năm sau cao hơn năm trước, và tuổi trung bình của người phụ nữ phải đi phá thai càng lúc càng nhỏ lại. Nếu nói xã hội không đồng tình với những cô bé tuổi đời còn quá trẻ, chưa đến độ tuổi sinh sản, chưa phát triển đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần đã phải làm mẹ, thì đó là một điều vô cùng hiển nhiên. Nhưng một người phụ nữ, ít nhất đã qua tuổi có thể lập gia đình, thì việc có con đối với họ nên được xem là một việc bình thường. Họ có những chọn lựa của họ, vì sao chúng ta lại bất công đến như vậy khi tước đi quyền làm mẹ của một con người nếu con người đó không muốn phải phụ thuộc vào một người khác? Nếu có một dư luận như vậy tôi xin từ bỏ dư luận đó, có một xã hội như vậy tôi xin từ bỏ xã hội đó, và nếu có một thế giới như vậy thì sao?

Cemse Allak đã bị trừng phạt vì nàng làm hoen ố danh dự của gia đình, báo chí gọi những trường hợp như thế là giết người vì danh dự, honor killings. Nàng đã làm tình, với sự thoả thuận, hay đã bị cưỡng hiếp bởi một người đàn ông trong cùng thị xã Yaylim. Điều đó đa số người dân ở Yaylim không biết, và có lẽ không cần biết.

“Những kẻ giết người đã giải thích “nhân danh danh dự gia đình và dòng họ” để làm việc này. Họ lại được đa số dân chúng đồng tình và pháp luật trước tín ngưỡng và tập tục thâm căn cố đế cũng đành cho họ hưởng sự phân xử khoan hồng.”

“Dân làng và các luật sư địa phương cho biết thêm người đàn ông đã làm cho cô ta mang thai cũng đáng chết như cô để bảo vệ danh dự các gia đình trong câu chuyện tình không được tập tục thừa nhận.”

Tôi biết đến Thổ một phần từ Azit Nêxin, một phần khác từ một tấm bưu thiếp với mười mấy phong cảnh thu nhỏ của những lâu đài tráng lệ. Hôm nay qua cái chết của nàng, tôi biết thêm một hủ tục man rợ, ngu dốt được khắc sâu vào trí não của một số những con người ở đó, vâng, những Con Người, bằng lưỡi dao chuôi nạm vàng khắc rõ hai chữ Danh Dự. Nhân danh, có một bài hát mang tên Nhân danh của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Đắc Xuân năm 1968 trong tập hợp những bài mà ông gọi là "Tâm Phẫn Ca" (bài ca nổi giận). Nhân danh lý tưởng. Nhân danh tổ quốc. Nhân danh ruộng đất. Nhân danh giống nòi. Nhân danh công lý, tự do, bác ái, vân vân, cả danh dự nữa chứ… Sao mà chúng vang lên nghe thối hoăng đến thế?

Cemse Allak, nàng đang làm tôi buồn lắm đó. Trong một buổi chiều mưa lạnh và trời âm u ở thành phố nhỏ xa xôi tôi không thể làm gì hơn là ngồi viết những dòng suy nghĩ thiếu mạch lạc về nàng, về sự ra đi của nàng, về tôi. Có lẽ tôi sẽ không được biết đến nàng nếu như nàng qua đời ngay trong cái buổi trừng phạt đáng nguyền rủa ấy.

“Sau khi thụ hình, Allak không chết ngay như người đàn ông đã dan díu với cô mà trong bảy tháng sau khi bị ném đá, cô ta đã sống trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh. Sọ bị vỡ, nạn nhân nằm bất động trên giường bệnh của một bệnh viện ở Yaylim, không thể có được một cử động nào khác kể cả nói năng ngoài việc khẽ lay động tròng mắt để giao thiệp với cuộc đời lạnh lùng bên ngoài. Tuy nhiên, chính nhờ đôi mắt cô có thể hiện được chút cảm xúc của mình đối với những người phụ nữ thương cảm hoàn cảnh cô đã đến thăm hỏi hoặc săn sóc cô. Thân nhân Allak chỉ tới nơi con em mình hấp hối một lần duy nhất không phải để thăm mà để báo cho bệnh viện biết là họ không có tiền thuốc thang cho cô và tuỳ bệnh viện cho cô ta nằm lại hay không, đối với họ khô g quan hệ. Bào thai trong bụng Allak chết sáu tuần sau lần người mẹ bị tấn công và khi Allak chết vào ngày bảy tháng sáu, không ai trong gia đình cô đến nhận xác và cũng chẳng có bà con thân thích nào tới đưa cô ra mộ địa.”

Bài báo cho biết, chính nhờ sự sống sót thêm bảy tháng của nàng mà “cái xác vô hồn nằm trong bệnh viện thị xã Yaylim đã làm động lòng, gây căm phẫn và xấu hổ cho không ít người khác nhất là giới trí thức, dân biểu và nhà báo Thổ”. Vậy nếu nàng qua đời ngay trong ngày đen tối ấy, chắc hẳn sự việc đã chìm lắng và mọi người cũng sẵn sàng bằng lòng với một sự sắp xếp như vậy. Chính một luật sư người Thổ đã, ông Demirkesen, luật sư của người đã ném đá giết chết nàng, đã ngạc nhiên khi thấy giới báo chí và dư luận quá quan tâm đến việc này. Tôi không biết, tôi không chứng kiến tận mắt những gì đã xảy ra cách đây gần nửa vòng trái đất, nên tôi không dám tin hết tất cả những gì mình nghe kể lại, vì ngay cả việc tin vào hết những điều đó cũng đã là khó tin rồi. Bài báo cho biết những người đã giết chết nàng chính là những người trong dòng họ của nàng, cụ thể hơn, dẫn đầu là anh ruột của nàng với sự ủng hộ của đa số cư dân trong vùng, cái chết của Allak “làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì cho rằng như thế là công lý đã được thi hành”. Bài báo cho biết nếu Allak may mắn hồi phục thì sẽ có lôi thôi to, gia đình người đàn ông cùng chịu bị ném đá với cô sẽ trả thù, dù trước đó “báo chí địa phương đã đăng tải hình ảnh hai gia đình qua trung gian thuyết phục đã nâng chén cởi bỏ oán thù với tiêu đề Hoà giải sau vụ giết người vì danh dự”.

Có lẽ tôi đã quá bị ám ảnh bởi hành động giết người man rợ đó nên tôi cảm thấy tôi cần phải viết một vài điều, và đó là lý do mà tôi đã viết hôm nay. Có lẽ nếu như Semce Allak là một phụ nữ Canada láng giềng của tôi, gặp phải trường hợp tưong tự và, giả sử, bị gia đình nàng quay mặt, nàng bị đuổi ra khỏi nhà, thì chắc tôi đã không xúc động đến như vậy. Có lẽ vì chính những cái hành động vì danh dự đó, những hành động của Ác Quỷ sử dụng vũ khí ‘danh dự gia đình’ để kết liễu sự tồn tại của ba con người khác, đã làm tôi điên tiết lên. Và thêm một lý do chính nữa, những hành động đó chống lại tình cảm, chống lại nhục dục, chống lại tính dâm trong mỗi con người. Một điều thật không thể chịu đựng nổi. Một phần xuất phát từ cái hủ tục vô nhân đạo kia chính là quan niệm về sự trong trắng của người phụ nữ. Người phụ nữ phải gìn vàng giữ ngọc cho đến đêm tân hôn. Nếu tôi chống lại điều này thì bao nhiêu phần trăm nhân loại sẽ đứng cùng phía tôi? Ở đây, trên trang viết này, tôi đang đấu tranh với chính mình, với Ác Quỷ trong tôi nên tôi sẽ không thờ ơ mà sẽ đối đầu với những vấn đề, tôi xin hỏi lại, bao nhiêu phần trăm quí vị con người sẽ đứng cùng phía tôi? Có lẽ không nhiều. Hoặc có lẽ nhiều nhưng thực sự thì không nhiều. Tôi không biết.

Bài báo có đăng tải tấm hình mười mấy người phụ nữ cùng khiêng cỗ quan tài của nàng ra nghĩa trang. Cuối cùng, dù lẻ loi, cũng có những người phụ nữ đến cạnh Semce Allak. Trong số họ tôi thấy những người phụ nữ mặc quần áo kiểu thành thị và cả những người phụ nữ mặc những bộ đồ quê mùa của nông thôn chất phác. Những con người đấy có lẽ vẫn còn những ràng buộc quá lớn về danh dự, nhưng ít nhất, tình cảm đã vượt lên trên, dù là trong một lần ngắn ngủi. Đám tang được tổ chức bởi lòng hảo tâm và đồng cảm của hàng trăm phụ nữ tình nguyện đến dự lần ra đi cuối cùng của một con người, không có gia đình họ hàng, không có nốt bóng dáng của một người đàn ông nào cả. Phải chăng đó là lòng thương hại, thương hại cho một con người đã lầm lạc để dẫn đến một kết cục bi thảm, và Semce Allak, nàng có cần lòng thương hại muộn màng đó không? Khi số phận một con người, còn sống hay đã chết, được định đoạt bằng lòng thương hại của kẻ khác thì con người đó đã bị tước đi quyền làm người mất rồi. Tôi không thương hại cho Semce Allak, nếu có thương hại cho ai, thì người đó trước hết là tôi.

Báo chí Thổ có làm ầm ĩ về cái chết của nàng. Người ta rối rít thông qua những điều khoản chống lại sự khoan hồng dành cho những kẻ giết người nhân danh danh dự (điều khoản chống giảm khinh hình phạt cho các vụ sát nhân vì danh dự gia đình được thông qua hai ngày trước đám tang của Semce Allak). Đáng buồn thay, theo như bài báo mà tôi đọc, “đạo luật mới này là một phần trong cố gắng rộng hơn của Thổ muốn gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và sâu xa hơn nữa nhằm trả lời câu hỏi xưa cũ hàng bao thế kỷ là vị trí của Thổ trên bản đồ thế giới là ở châu Âu hay ở Trung Đông”. Cuối cùng thì người ta cũng đem chính trị vào, hay nói cách khác, nàng Semce Allak, nàng đã từng là vật cản của quốc gia mà nàng đã sống, để rồi khi người ta bước qua vật cản đó, nàng trở thành nấc thang để quê hương nàng đi lên. Vị trí của nước Thổ ở đâu, ôi chao, điều đó mới thật là quan trọng biết bao!

Chửa hoang. Tôi nhớ nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương. Tôi nhớ bài thơ “Không chồng mà chửa”. Nói chính xác hơn tôi không thuộc cả bài thơ nên tôi nhớ mỗi câu cuối “không có, nhưng mà có, mới ngoan”, xuất phát từ câu ca dao:

Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường

Thế đó. Có phải cuộc sống này đối với nhà thơ là một trò đùa, là một trò hề, một vở kịch hài không hơn không kém. Cuộc sống này càng tạo ra thêm bao nhiêu bi luỵ thì trong mắt nàng nó trở nên càng hài hước. Có người thích nàng đến mê mệt, gọi nàng là nhà nữ quyền (feminist) đầu tiên của Việt Nam. Có người chê nàng vì nàng nói lên những điều quá kín đáo, đi ngược lại với truyền thống khép nép của phụ nữ Á Đông. Có người, không biết là hài hước hay chân thật, bảo rằng nàng dùng thơ để khẩu dâm. Tôi không có nhiều ý kiến về nàng, và hình như tư liệu về cuộc đời nàng quá ít để người ta có thể nói nhiều về nàng. Những bài thơ của nàng là một sự nổi loạn, có lẽ đây là đánh giá duy nhất của tôi (và tất nhiên nó có thể là đánh giá của cả triệu người khác trước tôi rồi). Nổi loạn, đó là nàng, tất cả, một sự nổi loạn đầy thách thức với xã hội chung quanh. Vì sao nàng nổi loạn và điều đó có liên quan gì tới xã hội hay bản năng tính dục, tôi xin được để lại cho những nhà phân tích. Nàng đã sửa “chửa hoang” thành “chửa ngoan”, tả cảnh làm tình ở nhiều góc độ, dùng từ ngữ vô cùng đáo để, nhưng nàng đã không thực sự “chửa ngoan” một lần, và nhờ vậy, không phải hứng chịu tất cả những khổ đau từ cái mà nàng gọi là “một việc làm ngoan ngoãn”.

Quay trở lại với Semce Allak, tôi nhớ đôi mắt nàng. Nhớ? Tôi có dùng sai từ không nhỉ? Viết liên tục hơn sáu tiếng đồng hồ quả đã làm cho đầu óc tôi mệt mỏi. Mỗi lần tôi nhắm mắt cho đầu óc thư giãn tôi lại nhìn thấy một đôi mắt trong trẻo mở to. Đôi mắt mở to không phải vì nó đang ngắm nghía một cảnh đẹp hay ngạc nhiên thích thú thưởng thức một điều kì diệu, không phải nó mở to trong giây phút cực khoái giữa những tiếng rên rỉ, nó mở to đơn giản vì nó không thể khép lại, nó chống chọi với những gì đang bắt buộc nó phải nhắm lại, nó là cửa ngỏ duy nhất để sự sống từ thế giới ngoài kia còn quanh quẩn bên nàng. Tôi cảm thấy hai con ngươi đen lay láy kia đang lay động, đang khẽ di chuyển qua lại, trái phải, phải trái như những tín hiệu. Người ta bảo nàng nằm bất động như thế trong gần bảy tháng, hộp sọ bị vỡ, nàng không nói được, tay chân không cử động được, thoi thóp thở và sống nốt những ngày còn lại của cuộc đời dưới sự chở che của những người xa lạ. Ánh mắt đó chứa đựng gì, có lẽ sẽ không ai có thể hiểu nổi, ngoài cái mà người ta gọi là lòng biết ơn. Ôi, ánh mắt buồn bã của nàng Semce Allak đang nằm im lìm trong một bệnh viện ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh mà tôi chưa bao giờ đặt chân tới, ánh mắt đó thiêu cháy tất cả sự thờ ơ trong lòng, tất cả những khoảng cách tôi tự đặt ra giữa mình và thế giới. Phải chăng những khoảng cách tôi vẽ nên để đề phòng Ác Quỷ lại chính là một thứ vũ khí hiểm ác khác của Ác Quỷ trong tôi. Ánh mắt của nàng là gì và tôi là ai, là Tôi hay là Ác Quỷ trong tôi mà tôi không thể nào thoát ra sự chế ngự của nó được, dù đã vùng vẫy, đã quẫy đạp từ lần đầu đối mặt? Ánh mắt đó với tôi còn là một câu hỏi, và dĩ nhiên là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Có lẽ đây là những dòng cuối cùng, tôi nghĩ tôi đã cố gắng nói lên hết suy nghĩ của mình. Với Semce Allak, nàng đã hành hạ tôi suốt hai ngày liền cùng một nỗi buồn mà có lẽ nhiều người khác sẽ cho rằng tôi đã quá yếu đuối, đã quá dễ đau khổ với những chuyện như thế này, điều mà trước nay tôi thường né tránh, né tránh vì tôi biết tôi không làm gì được, vì sợ rồi tôi chính bản thân tôi lại trở thành một tay sai cho Ác Quỷ. Nhưng nếu có biết chuyện này xin nàng đừng bận tâm, vì tôi đã nói, ở đâu đó trong những dòng này, rằng tôi viết nó ra cho nàng và cho cả tôi. Thoáng xuất hiện giữa những giờ viết tôi có mơ ước được gửi bài viết này đến nhiều người trên thế giới, để họ biết về nàng, để họ có thể biết tôi đang nghĩ gì (ở một khía cạnh nào đó, hình ảnh của tôi), và ít ra cũng chia sẻ được nỗi buồn của tôi lúc này. Nhưng nghĩ kĩ đó là một việc làm không cần thiết, họ biết, rồi sẽ quên, như tôi rồi sẽ quên nàng trong cuộc sống bộn bề này. Nàng Semce Allak ơi, nếu giữa những cơn cực khoái là một sự thoả thuận thì nàng đã đưa một người đàn ông đến sự phản bội người vợ của anh ta, nhưng tôi không trách nàng vì chuyện đó khi nàng sống trong một đất nước mà chế độ đa thê là chuyện bình thường. Nàng có thể là một người phụ nữ dâm đãng, lẳng lơ, ưa thích chuyện gối chăn, thì đã sao? Nếu trong triết lý phật giáo người ta gọi đó là những giới luật không thể vượt qua vì đó là những ham muốn, thì ham muốn tình dục là một con quỉ láu lỉnh, một con quỉ nếu không bị dòm ngó, dè bỉu, bị tác động từ phía bên ngoài, từ dư luận, từ những tập tục xuất phát từ cái thưở hoang vu nào không còn ai nhớ nổi nữa, và nếu được đối xử một cách tử tế nó sẽ đem lại niềm vui cho loài người.

Tôi đang đối diện và bị ngự trị bởi Ác Quỷ. Nó có nhiều ngón hiểm. Còn tôi có những câu hỏi chưa có câu trả lời.

 

Viết trong đêm 20 tháng 7 ở Waterloo,
P.K.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021