thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đọc

 

 

Minh hoạ: Nguyễn Tôn Hiệt

 

ĐỌC

 

Bà Quỳ quẹo xe vào bãi đậu nhà dưỡng lão Morningside dành cho những người khiếm thị. Chuyện rách bao đồ chợ ở Phát Tài đã làm bà trễ mất 5 phút. Đây là lần đầu bà đi làm trễ. Bốn năm trước, mẩu rao vặt tìm người trên báo đã đề: Wanted: Reader.

Bà Quỳ ngồi vào ghế cạnh đầu giường, hỏi bằng tiếng Anh lai giọng:

“Hôm nay ông muốn đọc sách braille một mình hay muốn nghe tôi đọc?”

Ông già đầu sói râu chòm trắng trả lời bằng tiếng Anh cũng lai giọng:

“Tôi tên Ulyanov.”

“Hân hạnh. Nhưng ông đã tự giới thiệu tuần trước.”

“À.”

“Ông bảo muốn nghe truyện kể về nước Nga.”

“Liên Xô.”

“Vâng. Liên Xô. Sắp là Liên Xô.”

Bà Quỳ mở sách đến trang 335 của quyển Hồi Ức:

“Một hôm, sau buổi ăn trưa, lúc Ilyich đang chuẩn bị đi thư viện và tôi vừa dọn xong chén bát, Bronski vào nói: ‘Bộ chưa nghe tin gì à? Nước Nga vừa xảy ra cuộc cách mạng!’”

Bà Quỳ ngưng đọc, uống ngụm nước. Ông Ulyanov hỏi:

“Cách mạng nào?”

“Cách mạng tháng Hai, năm 1917.”

“Bà đọc tiếp đi.”

“Báo Pravda bắt đầu ra vào ngày 18 tháng Ba ở St. Petersburg. Ngày 20 là Ilyich bắt đầu gửi loạt ‘Thư Xa.’ ... Bây giờ đọc lại, sau bao năm, tôi vẫn trông thấy Ilyich trước mặt, to như lúc sống, với sự tỉnh táo dị thường của ông ấy về cuộc chiến đấu vũ trang không nhân nhượng phải xảy ra, không thể dung túng bất cứ thái độ ngập ngừng nào.”

“‘Tôi’ đây là ai?”

“Ông quên rồi à? Là Krupskaya, vợ Lenin, người đang hồi ức.”

“Bà ấy gọi chồng bằng Ilyich.”

“Ừ, Ilyich.”

Bà Quỳ nhìn ra cửa sổ. Nắng đổ chéo trên tường. Bà đọc:

“Ở Berne, chúng tôi cả thảy 30 người, không tính Robert, đứa bé trai 4 tuổi tóc quăn thành lọn… Lúc lên tàu hoả, không ai xét hành lý hay thông hành của chúng tôi. Ilyich rút sâu vào chính mình. Ý tưởng ông chạy về phía trước, về nước Nga. Mọi người nói những mẩu chuyện vặt. Giọng Robert oang oang, dội lại suốt chiều dài toa xe.”

“Bà này, cho tôi cầm quyển sách kia, ở đầu giường, quyển viết bằng braille.”

“Tên tôi là gì, ông có nhớ không?”

“Quỳ. Bà đến từ một nơi nào đó mà chúng tôi sẽ thắng.”

“Đã. Sách ông đây.”

Bà Quỳ đọc tiếp:

“Giọng Robert oang oang, dội lại.”

Ông Ulyanov nhớ hình như câu ấy bà ta đọc rồi. Giọng Robert oang oang. Robert. À, thằng bé 4 tuổi, tóc quăn, nói tiếng Pháp. Ông Ulyanov thấy những lọn tóc đỏ của Robert, những mảng thâm kim màu cà rốt trên hai gò má Robert. Một bước đi, hai bước nhảy. Tiếng chân của Robert gõ trên sàn tàu. Thanh âm lớn dần. Họ lên tàu bao giờ? Đây rồi, dòng chữ braille từng chấm chi chít nổi trên trang giấy. Ông Ulyanov rà đầu ngón tay từ trái qua phải, từng hàng:

Lenin vẫn đứng ở sân ga kia mà, trước Berne còn sân ga Zurich.

Zurich tháng này trời còn lạnh lắm. Chưa có phái đoàn 30 người đang chờ ở Berne. Bảng tróc sơn chỉ về Berne. Berne hay Berlin? Berlin hay Stockholm? Stockholm hay Beloostrov? Beloostrov hay Petrograd? Ilyich thọc tay vào túi áo khoác. Lớp vải lót túi có lỗ rách. Ngón tay Ilyich sờ vào mép vải tưa sợi của chỗ rách. Lá thư nằm trong đó, gấp tư. Tàu còn lâu mới đến. Dễ nửa tiếng nữa. Trên thềm ga lưa thưa vài người. Không cần đọc, Ilyich tự nhủ. Ilyich moi mẩu giấy ra từ túi, bước lại phía thùng bỏ rác. Ilyich đi ngang thùng rác mà không dừng lại. Mẩu giấy gấp tư vẫn cầm trong tay. Ilyich thọc tay trở vào túi. Hơi ấm và độ láng của lớp satin làm Ilyich dễ chịu. Mẩu giấy thấm lấy hơi ấm.

Trời ráo hoảnh. Tàu rút còi hai.

 

Tiếng còi tan. Giọng bà Quỳ rõ lại:

“Ở Petrograd, Ilyich được chở bằng xe bọc sắt đến dinh thự Krzesinska, chỗ ở của Trung Ương Đảng Bolshevik. Ilyich hét lên vào đám đông tụ tập hai bên đường: ‘Cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới muôn năm!’”

Ngón tay ông Ulyanov rà trên những mụn giấy nham nhám. Ilyich bước lên tàu hoả. Mẩu giấy gấp tư, mẩu giấy gấp tư viết gì trong đó? Quyển Hồi Ức của Krupskaya bà Quỳ đang đọc có nói đến không? Quyển sách bằng chữ braille ông đang rà đầu ngón tay có nói đến không? Ông xoay sang bà Quỳ:

“Trước đó, trên tàu, Lenin đã làm gì?”

Bà Quỳ lật ngược lại vài trang:

“Mặt Ilyich trắng bệch. Người sĩ quan Đức ngồi trước mặt. Hai bên đã cãi nhau trước đó, về thế giới trước mặt đang chờ ở trạm cuối của chuyến tàu.”

Đầu ngón tay ông Ulyanov di động:

Mặt Ilyich như không còn máu. Râu và tóc Ilyich bắt đầu phai màu. Mới đầu chỉ vài sợi bạc đi từ chân ra đến ngọn, người nhìn phải ghé sát vào mới thấy. Ilyich muốn đứng dậy, tránh ánh mắt của người sĩ quan Đức thất trận trở về. Nhưng chân Ilyich nặng trịch, dán xuống sàn tàu. Sàn tàu bằng gỗ, vang vang tiếng chân Robert, một bước đi hai bước nhảy, to dần.

Robert đã đến trước mặt, kéo tay Ilyich đứng lên. Người Ilyich nặng như một pho tượng bằng kim hợp. Êtes vous prêt? Ilyich bất động. Những sợi tóc trắng đi từ gốc ra ngọn. Mắt gã sĩ quan Đức thua trận bắt nắng, ánh lên trong suốt.

Est-ce que vous êtes prêt?

Bà Quỳ hỏi:

“Ông có nghe tôi đọc gì không?”

“Có. Bà cứ đọc đi.”

Ngón tay ông vẫn rà trên mặt giấy.

Ilyich ra đứng một mình ngoài hành lang tàu hoả ngó lung ra đồng trống. Tiếng chân của Robert nhảy trên sàn tàu, vang vang, dội lại, càng lúc càng lớn dần. Robert dừng lại trước mặt Ilyich: Est-ce que vous êtes prêt? Đầu tàu lao đi vùn vụt. Toa xe chao đảo, sáng, tối, sáng, tối. Bánh xe nghiến xuống đường sắt xẹt lửa. Sẵn sàng chưa? Ready or not. Tàu lao đến chỗ rẽ. Robert hỏi Ilyich: Đi về phía nào? Chọn đi. Lẹ. Ilyich chỉ về bên trái. Tàu lao trên đường sắt rẽ về bên trái.

Sẵn sàng chưa?

 

*

 

Trước trận chiến, lúc quân Bạch Nga và Hồng Nga đang dàn chờ nhau trong những khu rừng chung quanh, họ — dân trong thành phố — cũng chuẩn bị.

Họ chờ những đứa con trai trở về.

Họ làm cuộc tẩy rửa từ sáng sớm. Ông Ulyanov mang khăn trải giường và áo gối ra giặt ngoài bể nước đục. Ông chà lâu lắm, bằng chiếc bàn chải không xà-bông. Màu vải thô trắng ngà không nổi bọt. Lớp vải phập phồng những khoảng không khí đùn bên dưới, bể nhỏ thành những hàng bong bóng chạy dài theo vết chà của bàn chải. Ông xả, ông vắt, ông giũ. Nước len lỏi luồn vào tay áo ông lành lạnh. Cuối cùng, ông mang những tấm trải giường phơi lên sợi kẽm căng dọc hàng cây bạch dương cao vút. Xong ông đến rửa mặt ở bể nước trong.

Nắng lên, màu ngà như màu vải thô của những tấm trải giường trên dây phơi. Năm tấm bay lấp phấp trong nắng ngà. Vải trong vì ướt, có thể nhìn xuyên suốt đến khu rừng mà những đội dọ thám đang tuần hành. Nắng rọi lên thân cây bạch dương cột kẽm. Màu sáng rực rỡ trên vỏ cây trắng, trắng hơn những tấm trải giường, trắng dội lại từ thân cây này sang thân cây khác, tràn vào tận phần dầy đặc nhất của khu rừng.

Những người đàn ông và đàn bà hàng xóm của ông làm việc từng cặp, mỗi người cầm một đầu tấm trải giường giũ mạnh. Họ chuyền tay nhau đổ những xô nước xuống đường lát đá cục. Họ trải drap trắng lên mặt đường. Những người đàn bà xoắn váy phủ phục chà mặt vải drap bằng thứ bàn chải rễ cây, thô cứng. Trước đó, họ đã làm như thế với những sàn nhà gỗ. Mùi gỗ đang bốc hơi hăng hắc. Cả thành phố bay phấp phới những tấm drap ướt treo trên những sợi dây căng giữa những bức tường đá, giữa những hàng cây bạch dương.

Lúc Bạch và Hồng quân len lỏi đổ vào giữa phố thì những viên gạch lót đường vừa ráo. Màu đá xanh chỗ nhạt chỗ thẫm chạy suốt những quảng đường nắng đổ.

Chưa có tiếng súng nào. Những tấm trải giường chưa khô.

 

*

 

Giữa trưa, sau bản tin đài giải phóng tường thuật xe tăng ủi sập cổng sắt dinh Độc Lập, biến cuộc bàn giao chính phủ thành cuộc qui hàng của những tù binh, Quỳ ngó ra tán cây bàng ngoài cửa sổ. Nắng hong khô mọi dấu vết của độ ẩm trên lá. Quỳ nghe tiếng xôn xao của hàng xóm. Phải là tiếng náo nức. Có lẽ họ trở về sau khi ra đón xe tăng quân giải phóng. Đài giải phóng tường thuật như vậy. Quỳ nghe tiếng họ nổi lửa, nghe tiếng nước sôi. Quỳ chờ nghe tiếng rống của những con vật.

Trời vẫn trưa. Quỳ ra đường vừa đi vừa chạy len vào giữa những đoàn quân thắng trận. Các cậu có biết đội ấy đã về đến chưa? Hai mươi năm lẻ, em có sẽ nhận ra anh không? Hai mươi năm lẻ, hạn định của cuộc tập kết, của cuộc giải phóng, tiền kỳ của vinh quang? Quỳ nhắm mắt thấy nắng đang loé sáng trên lớp nhựa những quãng đường rộng băng ngang trung tâm thành phố từ cuối thế kỷ 19, trên thép tôn những xóm nhà lao động mọc lên hai mươi năm trước, trên quân xa giải phóng vẫn đang lăn bánh đổ về thành, trên lớp ván những thau huyết heo đang hứng.

“Em đến đây làm gì?”

Quỳ cúi đầu thấy một lớp bụi phủ lên mu bàn chân đi dép. Bụi khắn vào kẽ chân, quanh vành móng. Nắng bắt đầu ngả về phía sau lưng Quỳ.

Lúc trở về nhà, Quỳ thấy người ta đang bắt đầu ăn mừng. Ăn đến đâu, người ta làm cỗ đến đó. Quỳ ra sân mài dao trên đá soàn soạt, chờ nghe tiếng rống của những con vật xoạc móng ghị lại lúc bị lôi đi. Quỳ ấn gối xuống cổ họng con vật, mũi dao lúc đầu trượt trên lông. Sau không trượt nữa. Những chén tiết chưa đặc, mùi tràn trên mặt bàn thắp sáng, len qua những khe cửa không cài chốt, ra mọi ngóc ngách của con hẻm tối.

Quỳ bước trên mặt đất nhèm nhẹp ướt.

Quỳ lên giường giữa độ nóng tăng dần. Lúc Quỳ ngủ, trời mưa. Mới đầu lâm râm, khe khẽ như móc len vào kẽ lá. Sau chảy ngập chỗ đất sát sinh, tràn vào gốc cây bàng hai hàng chạy suốt con đường. Tán lá vươn ra trong đêm. Cỏ mọc giữa những kẽ nứt của xi-măng trong sân, của mặt nhựa trên đường. Rong rêu bắt đầu trùm lên bóp nghẹt hết mọi thứ, hút hết oxy. Và màu xanh bắt đầu chảy như màu nước, nhoè nhoẹt xanh. Quỳ nghe vẳng bên tai đài (đài nào?) loan báo nguy cơ dịch tả.

Nhưng bây giờ trời vẫn đang trưa và khô ráo. Nắng chưa ngả về phía sau lưng Quỳ.

 

*

 

Ông Ulyanov rà tay trên những mụn nổi ở mặt giấy.

Ilyich trên chuyến xe lửa, lỗ rách trong túi áo. Người Trung Uý bại trận nói gì đó, mặt Ilyich trắng nhợt.

C’est à vous, monsieur, que je dis, Robert hét. Tiếng chân Robert nhảy trên sàn tàu càng lúc càng xa.

Lenin rờ mẩu giấy gấp tư.

C’est à vous, monsieur, que j’écris.

Thưa ông. Đừng về.

Ký tên: Vladimir Ilyich Ulyanov.

Tàu chạy về Petrograd.

15 triệu người chết trong trận nội chiến kéo dài từ 1917-1921. Trong số đó có 250.000 người thường dân bị an ninh Cheka thủ tiêu. Vladimir I. Lenin ký lệnh thành lập cơ quan Cheka ngày 20 tháng 12, 1917 để tiêu diệt các phần tử chống đối từ phía hữu lẫn phía tả.

Năm 1924, Petrograd đổi tên thành Leningrad.

Sẵn sàng chưa?

Robert. Đứng lại!

 

(Tháng 5, 2010)

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021