thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người không thể ngủ một mình

 

 

NGƯỜI KHÔNG THỂ NGỦ MỘT MÌNH

 

Ngày đi xa, tôi mang mễnh trong lòng nhiều tâm sự, canh cánh nhất là về chuyện chị Hảo, người chị họ thân yêu của tôi. Chị Hảo tiễn tôi ra xe, dúi vào tay tôi một bịch trái lê đã gọt sẵn. “Em mang theo ăn dọc đường cho đỡ khát.” Tôi nói: “Lâu lâu em gọi về thăm chị.” Chị Hảo cười, buồn buồn. Chị lấy che tay ánh nắng đang xế về tây, ngã dài trên những bụi hoa vàng liu riu trên con đường trước mặt. Tôi biết rằng những cú điện thoại viễn liên chuyện trò vớ vẩn sẽ chẳng giúp gì cho chị. Chị cần tôi. Đúng hơn là cần một người. Một người bên cạnh chị. Chưa đủ. Chị cần một người... nằm ngủ bên cạnh chị. Chị Hảo tôi là người không bao giờ có thể ngủ một mình.

Tôi không nói đùa đâu. Mỗi người có những chỗ nhược của mình. Chỗ nhược của chị tôi là ở đó. Mà lại không thể nói ra được. Là người thân cận trong gia đình tôi rõ điều ấy hơn ai hết. Chị Hảo có những cái sợ rất kỳ quặc. Chị sợ ngủ một mình. Ý tôi nói ngủ đây là giấc ngủ, là trạng thái nghỉ ngơi thả lỏng của hệ thần kinh chớ không mang nghĩa bóng nghĩa gió gì khác. Không ai ngờ được. Nếu chụp lấy một bà hàng xóm hay một anh đồng nghiệp mà hỏi về chị Hảo thì chắc chắn họ sẽ nói: “Cô Hảo hả. Cô ấy dễ thương lắm. Người xinh đẹp, có học thức, tận tuỵ với con cái không ai bằng.” Chị Hảo giấu nhẹm cái khổ sở của mình như người ta giấu những vết sẹo trên lưng. Chị nói nhỏ: “Chỉ một mình em biết. Một mình em biết thôi đấy.”

Tôi hỏi: “Tại sao chị không thể ngủ một mình?” Chị đáp: “Tại sợ.”

Tôi nói: “Chị sợ là sợ cái gì? Nếu sợ thì đóng cửa phòng lại mà ngủ.” Chị Hảo nói: “Đóng cửa càng sợ hơn. Chị có cảm tưởng như có người núp trong tủ áo... Hoặc trong nhà tắm. Nếu đóng cửa lỡ nó bước ra, nó làm gì mình, mình kêu ai nghe.” Tôi nói: “Vậy thì để hở cửa.” Chị nói: “Hở cửa thì chị sợ người bên ngoài lẻn vô. Chị có nhiều ác mộng về chuyện này.” Rồi chị níu tay tôi gần như khóc: “Em. Tối nay hai đứa nhỏ đi trại hè. Em qua ngủ với chị. Chị trải cái nệm kế bên giường chị cho em nằm. Ngủ một mình chị sợ lắm.” Tôi bực dọc: “Chị thật hết thuốc chữa. Không lẽ suốt đời chị không thể ngủ một mình?” Chị Hảo có vẻ xấu hổ. Đã mấy năm nay chị ngủ chung phòng với con mặc dù con chị không thích. Chúng thường thắp đèn học bài tới khuya hoặc rù rì với bạn. Sự có mặt của chị làm chúng mất tự nhiên. Chúng xin sắm một cái laptop mang xuống phòng ăn rị mọ một mình. Lại có những khi chúng rủ bạn về chơi thì chị mất chỗ. Chị trải mền ngủ ở hành lang. Trông kỳ cục hết chỗ nói. Nhà cửa lộn tùng phèo. Chị Hảo lặng thinh khép nép nghe tôi xài xể: “Không có con ma nào trong tủ áo hoặc trong nhà tắm hết. Chị phải quăng cái nết xấu đó ra đường. Ở đời người ta sợ nghèo, sợ đói, sợ tai ương, bệnh tật. Không ai đi sợ những cái quái đản như chị. Nhỏ thì ngủ với má, lớn ngủ với chồng, chồng chết ngủ với con, con đi chơi thì ngủ với em. Em phải trị dứt căn bệnh trầm kha này của chị. Tối nay em không qua.” Nói rồi tôi bỏ đi. Tôi quyết không để cái tính hay yếu lòng của mình lung lạc. Tôi biết chắc chắn tối nay chị Hảo sẽ thức trắng dờ con mắt. Chị càng ngày càng lún sâu vào bãi lầy của hoang tưởng và mộng mị. Chị đeo những bất an trên lưng mình như con lạc đà đeo cái bướu của nó.

Cách đây mấy năm, dạo chồng chị mới mất, tôi thường qua ngủ với chị. Vì tội. Người đàn bà ấy mừng húm, nấu đồ ăn ngon đãi tôi, cho tiền đi mua sắm, cho tiền đi xi-nê. Chị bung cái giường xếp để cạnh giường chị cho tôi nằm. Chị nói: “Chị khiếp lắm. Không có em chị không tài nào nhắm mắt. Chị có cảm tưởng như anh Khang ngồi dưới chân mình.”

Tôi nói: “Chị bình tĩnh. Chị phải nói cặn kẽ cho em nghe những cái sợ của chị. Đâu phải tới bây giờ anh Khang mất chị mới kêu em qua ngủ chung. Hồi anh Khang còn sống, mỗi khi ảnh đi công tác chị đều kêu em. Cũng may là còn có em. Mai mốt em đi lấy chồng thì chị kêu ai?” Chị Hảo đỏ mặt: “Chị hay bị ác mộng.” Tôi hỏi: “Ác mộng như thế nào?”

Chị Hảo im lìm một lát. Nước da dần dần trắng bệch. Chị bước tới đóng khít cửa tủ áo và cửa phòng tắm, chui lên giường trùm chăn tới cổ rồi mới bắt đầu kể. Tròng mắt của chị có lúc đảo rất nhanh vào những góc tối của căn phòng, có lúc đăm đăm dán vào tấm tranh có người đàn bà choàng khăn khuất nửa khuôn mặt. (Sau này chị đã gỡ tấm tranh ấy đem liệng ra bãi rác. Chị không “kham” nổi thứ ấy. Nó làm chị nổi da gà. Dẹp cho khuất mắt. Tôi nhớ là chị đã nói như vậy.) Tôi nghĩ: “Chị Hảo là người có óc tưởng tượng rất sung mãn.”

Chị Hảo kể: “Hồi nhỏ chị vẫn ngủ một mình chớ không phải ngủ với má đâu. Chị chẳng sợ cái gì. Mấy đứa trong xóm rủ chị chơi năm mười ngoài nghĩa địa chị còn không sợ. Cho tới một lần hồi chị đâu 12, 13 tuổi thì má dẫn chị về quê thăm ông Nội. Ông Nội cho chị ngủ trên bộ ngựa ở gian trước sát bên cửa sổ cho mát. Cửa sổ này trông ra một khoảng vườn rộng trồng rất nhiều chuối. Những cây chuối ban đêm trông như những thân người. Có người có đầu. Có người cụt đầu. Đêm có trăng. Trăng dọi qua song cửa, qua cái lưới mùng. Trăng lướt trên mình chị. Ánh trăng lờ mờ, mông lung, huyền ảo. Giấc ngủ đến với chị vừa cạn cợt, vừa đứt khúc. Có lẽ đêm đó chị ăn quá no nên khó ngủ hay vì lạ nhà lạ giường mà chị thao thức hàng giờ. Mở mắt ra, chị thấy những con muỗi bám ngoài tấm lưới mùng. Mở mắt lần nữa, chị thấy ngọn đèn dầu leo heo cháy đỏ. Tiếp tục mở mắt, chị thoắt trông thấy bóng một người, rõ ràng là một người đang bám hai tay vào những chấn song của cửa sổ dòm vô mùng của chị. Chị chồm người lên để xem hắn là ai thì không ngồi dậy được. Cả người chị như bị một lực đè xuống, lưỡi thụt vào trong. Chị ú ớ, ú ớ. Cái người kia thì không làm gì. Hắn đứng đó, lù lù một khối đen sờ sững. Tóc hắn bù xù, vai nhô lên, khoác trên người nhiều lớp áo nên trông lùng bùng thế nào. Chị vùng vẫy đến toát mồ hôi. Lúc ngồi dậy được thì ô hay, cái chỗ chị ngỡ là cửa sổ thì không phải cửa sổ. Cái cửa sổ vẫn nằm bên trái còn cái chỗ hắn đứng là phía dưới chân chị. Chỗ ấy không có gì cả, là khoảng không đấy thôi.

Từ đó chị bắt đầu sợ. Chị ôm mền gối qua ngủ với má. Má chị không buồn hỏi tại sao. Ba chị đã mất. Chị ngủ một nửa giường, má chị một nửa. Chị an tâm khi bên cạnh có người. Những khi má chị có việc đi đâu thì trên chiếc giường đó chị lại gặp ác mộng. Vẫn là những ác mộng cùng một kiểu. Những người mặc đồ đen đứng dưới chân, đứng bên cạnh. Chị thấy mình đông cứng, phải giãy giụa rất lâu mới thoát ra được. Qua được rồi thì lả đi vì mệt và hãi hùng.

Sau khi lấy chồng thỉnh thoảng ác mộng cũng còn. Chúng vẫn hành hạ chị vào những đêm anh Khang đi vắng. Dù chị đã biết trước để đề phòng nhưng không cách nào diệt chúng được. Chị để gối đầy xung quanh giường, gần như bó rọ người trong chăn để có cảm giác được che chắn giữa bốn bên thành trì nhưng không có kết quả. Rồi chị đọc kinh, lần chuỗi. Làm gì làm, chị không vô hiệu hoá được sự tấn công của những lực vô hình tác động lên tiềm thức yếu đuối mong manh của chị. Có lần chị thấy hai con chuột bò qua đùi mình. Những cái móng của chúng cấu lên da. Lớp da chỗ ấy dày lên như da trâu, tua tủa những sợi lông vừa dài vừa cứng. Có khi chị thấy mình đứng trong thang máy mà xung quanh không có vách, trống không toang hoác như miếng ván treo toòng teng bốn góc bốn sợi dây. Cái thang ấy bị rút ngược lên chót vót rồi thả xuống vù vù giữa thinh không. Không biết bám vào đâu cho khỏi rớt, chị rú lên vì sợ hãi... Lần đó mới kinh hoàng. Kinh hoàng hơn là một lần chị thấy một người đàn bà thấp lùn bé tí trùm mặt trùm khăn đi lướt thật nhanh như cơn gió từ sau cửa phòng tắm đến sát giường thò tay chận cổ chị. Những ngón tay của bà ta lạnh như nước đá, nhám như vỏ cây. Những thứ chuột bọ, thang máy, kẻ lạ mặt ấy là ai chị hoàn toàn không biết. Chị chỉ ngủ được khi bên cạnh có người. Chỉ sự hiện diện của con người mới tạo cho chị cảm giác an toàn.”

Tôi suy nghĩ rất lung về những điều chị Hảo kể. Tôi không phải là nhà phân tâm học. Tôi thương chị bằng tình thương của đứa em khờ. Tôi hiểu sự việc qua câu nói dân gian: “Người làm sao chiêm bao làm vậy.” Mộng mị là phản ảnh của đời sống. Chỉ có những bất an của đời sống mới tạo ra mộng mị. Chỉ có cảm giác bị hất hủi, bị lãng quên, bị bỏ rơi bỏ rớt, bị thương tổn, bị rẻ rúng mới hoá ra những thứ chuột bọ, thang máy, người đàn bà thấp lùn trùm khăn trùm mặt chận hầu chận họng người ta. Đời sống của chị Hảo dường như không có vẻ gì rắc rối. Ban ngày chị làm việc cho một nhà dưỡng lão. Sau giờ làm chị về với hai đứa con. Bao giờ tôi cũng thấy chị nấu cơm, làm bánh, nấu rau nấu xúp cho con. Rồi dạy chúng học. Rồi trồng cây, làm vườn. Một bề nổi hiền lành giản dị. Một bề sâu u ẩn, lạc loài. Tôi lưu tâm đến một điều rằng chị Hảo không có bạn. Những người tới chơi nhà chị trước đây là bạn anh Khang. Từ khi anh mất thì những người lui tới là bạn của hai đứa con chị hoặc bố mẹ của chúng làm cầu nối cho bọn trẻ kết thân. Có lần chị nói: “Sao chị thấy ai chị cũng sợ.” Tôi bảo: “Chị sợ con người mà cũng cần con người. Đúng không?” Chị làm thinh. Một lần khác chị sụt sùi kể: “Hồi mới lấy chồng chị mong có con để sau này đi chơi làm bạn với con. Mẹ con hủ hỉ. Bây giờ mới vỡ lẽ. Con là con. Mình là mình. Nó không giống mình. Mình không giống nó. Mình cũng chẳng giống ai... Lạc lõng thế nào.” Sau những buổi tiệc tùng ăn nhậu, hai đứa con không màng tới mẹ đang ẩn nhẫn đi nhặt từng đầu mẩu thuốc lá mà người ta vứt bừa bãi ngoài vườn. Chị là con còng trơ trọi trên bãi bùn sau khi nước rút. Chị là người tột cùng cô đơn.

Có thể tôi đã hiểu về chị quá thô thiển. Một đứa em khờ, một đứa con nít lý giải sự đời như bài toán một cộng một bằng hai. Tôi có gợi ý xa xôi (vì không dám nói thẳng) với ba má để tìm cách giúp chị Hảo như đưa chị đến bác sĩ chẳng hạn, nhưng ai cũng lơ là. Con Hảo có bệnh hoạn gì mà thầy với thuốc. Bao nhiêu người không được như nó. Nhà cửa, việc làm, con cái... Khi bước vào một căn phòng người ta thường chỉ nhìn bàn ghế, tranh ảnh, bình hoa, cùng lắm là đèn đuốc. Mấy ai ngước lên soi mói một cái lỗ thông hơi hoặc bắt thang trèo lên rầm thượng để coi xà nhà có bao nhiêu mối mọt hoặc chui xuống đất nẻ kiểm tra các ống nước đang rỉ sét tới mức độ nào. Chị Hảo không kể lể gì thêm. Phần tôi cũng không giúp gì chị hơn được. Đời sống tẻ ra hàng trăm nhánh. Tôi qua nhà ngủ với chị Hảo được một thời gian rồi thôi. Tới lúc tôi cũng phải từ giã chị mà đi.

Tôi nói: “Chị à. Các con chị rồi có lúc phải đi xa. Em cũng không thể ở mãi bên cạnh chị. Chị phải tập dần cho quen vì không thể tìm đâu ra một người ngủ cạnh chị suốt đời. Chị nhắm mắt lại đi. Coi như nằm trên thuyền độc mộc. Nước trôi. Thuyền trôi. Nhấp nhô. Lờ lững. Những cụm rong bập bềnh xanh ngắt. Trời trong... Nước trong... Chị không phải sợ hãi một điều gì. Cửa ngoài đã khoá. Nhà có hệ thống báo động. Chị yên lòng. Trời trong... Nước trong... Thân tâm thường lạc... ”

Chị Hảo nhắm nghiền mắt. Khuôn mặt bơ phờ. Tôi khép cửa phòng chị lại. Ở phương trời xa tôi chẳng hiểu đêm đêm chị sẽ làm gì dưới những tầng ngầm của tâm linh, nơi ngập tràn hình bóng ma quái kinh dị, như đáy một hồ nước hoàn toàn bất lực với nắng dãi mưa dầu bên trên. Ai đã soi mặt mình trên ấy? Nỗi nhọc nhằn, căng thẳng, cô đơn, trầm uất...? Tôi nhớ chị. Lâu lâu tôi có điện thoại về hỏi thăm. Chị kể rằng đã xin ở đâu về một con chó to tướng thay cho hai đứa con lớn lên lần lượt xa nhà.

Khi tôi được gia đình báo tin dữ, hối hả chạy về thì chị Hảo đang trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Chị bị một khối u trong bụng mọc nhánh mọc rễ tràn lan. Chị nằm thoi thóp, tóc buông trắng xoá bềnh bồng như cước, má hõm sâu, môi khe khẽ động. Tôi đem vào một cái ghế bố kê sát giường chị. Tôi vừa khóc vừa nói: “Tối nay em ngủ trong này với chị.” Lạ thay, lần đầu tiên người đàn bà ấy không hề mừng rỡ. Chị cố gom hết sức tàn lực tận mỉm một nụ cười sau chót: “Em về đi. Chị ngủ một mình được. Chị không còn sợ gì nữa. Coi như nằm trên thuyền độc mộc. Nước trôi. Thuyền trôi. Nhấp nhô. Lờ lững. Những cụm rong bập bềnh xanh ngắt. Trời trong... Nước trong... Em về đi. Chị ngủ một mình được. Chị hết sợ rồi.”

Chị tôi đã lâm chung trên chiếc giường ngàn thu của chị. Chị đã trôi vào giấc ngủ dài nhất của đời mình, thanh thản như cánh hoa nương theo dòng nước về nơi cuối đất cùng trời. Không có ai bên cạnh nhưng gương mặt chị phẳng phiu bình lặng như bờ cát nghỉ yên không xao gợn. Tôi tự hỏi có phải chăng chị đã không còn cảm giác bị hất hủi, bị lãng quên, bị bỏ rơi bỏ rớt, bị thương tổn, bị rẻ rúng, những cảm giác thụ động đã ăn luồn và khống chế chị suốt một kiếp người. Chính chị bây giờ mới là người bỏ rơi thiên hạ. Chính chị bây giờ mới là người lãng quên tất cả cái thế gian ô trược buồn phiền. Chính vào giờ phút tuyệt cùng của sinh mệnh, cái con người hằng sợ hãi con người bỗng dưng cảm thấy mình ngợp trong thứ hạnh phúc rã rời được tung hê hết thảy. Chị không còn cần ai nữa. Trong giấc ngủ sau cùng.

 

5/2010

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021