thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hòn đảo

 

 

HÒN ĐẢO

 

Tôi vừa từ hòn đảo về. Điều này có nghĩa là tôi phải điều chỉnh lại vài thứ để thích hợp với nhịp sống bình thường. Việc đầu tiên tôi làm, khi còn đang ngồi trên chiếc phà trở về đất liền, là lấy chiếc đồng hồ ở đáy túi xách ra, đeo vào cổ tay và bắt đầu mở máy điện thoại di động. Thời gian và những cuộc điện đàm không hiện hữu trên hòn đảo. Người ta đến đảo để sống như thuở máy điện thoại, và xưa hơn nữa, chiếc đồng hồ cũng chưa được phát minh. Ngày được đếm bằng những vết khắc trên vỏ cây. Và đêm được thắp sáng bằng những ngọn bạch lạp còn lại của thế kỷ mười chín.

Ở đó, mỗi người cũng là một hòn đảo. Chẳng phải là qui luật, nhưng thường người đến đảo chỉ có một mình, và ở trong những căn nhà bằng gỗ cách xa nhau, nên họ không nói chuyện với ai. Cũng không nói chuyện với người nào ở bờ biển bên kia. Mọi máy điện thoại di động đều trong trạng thái tắt. Âm thanh nghe được là tiếng gió vi vu vào ban ngày, và tiếng côn trùng hoà lẫn tiếng sóng biển vào ban đêm. Người ta bỏ lại đất liền sau lưng, ra đảo, để chức năng trò chuyện với đồng loại có dịp tạm nghỉ. Từ đó, biết đâu, họ có thể nghe tiếng ra nói của chính mình.

Vài người nổi tiếng đã hình thành những điều kỳ diệu ở hòn đảo. Một lần, nhà văn chuyên viết truyện kinh dị Stephen King, đã âm thầm đến đảo này ở một tháng để hoàn thành quyển truyện nổi tiếng, sau đó dựng thành phim Sát nhân trên đảo vắng, doanh thu lớn. Sau đó tài tử đáng yêu của tôi, Tom Hanks đã quay phần lớn các cảnh trong phim bốn sao Cast Away tại đây. Và thú vị nhất là trường hợp Bill Gate, ông đã trải qua cả một mùa hè ở hòn đảo để nghiền ngẫm cái chi, và ngay sau đó vào khoảng cuối năm 1985 hãng MicroSoft giới thiệu với thế giới vi tính một môi trường điều hành độc đáo mang tên Windows.

Tôi tìm đến hòn đảo như một chọn lựa thứ nhì. Bất ngờ, trúng số độc đắc, tôi phân vân giữa hai chọn lựa: cưới vợ, hay mua một mảnh đất trên hòn đảo. Cuối cùng, tôi chọn hòn đảo. Mỗi lần ra đảo, tôi có cảm giác như trở về nhà, trở về với chính mình. Tôi hì hục xây những lâu đài bằng cát trên bờ biển, rồi chờ nhìn thuỷ triều lên, chầm chậm cuốn trôi đi từng bức tường, từng hào luỹ. Tôi lang thang trong rừng, hái những trái sim, trái cò ke, gặm nhấm lại hương vị ngây ngô của tuổi thơ xưa. Tôi nhóm lửa, nướng những củ khoai, củ sắn, hương vị ngây ngấy lan toả đầy ngôi nhà bằng gỗ ấm cúng.

Từ hòn đảo trở về lần này, ngoài những chiếc lá cây kỳ dị tôi mang về để làm mẫu dạy học, trong túi xách của tôi còn có một con thuyền giấy. Tôi bắt gặp con thuyền này khi đang chạy dọc bờ biển, cố gắng kéo một con diều lên trong gió lộng. Con thuyền nằm hiền lành trên bờ cát như một chiếc vỏ sò màu trắng. Đáng lẽ tôi không chú ý đến nó, nhưng hình như nó đã lên tiếng gọi tôi. Trong mênh mang gió biển, tôi nghe phong phanh:

“Ông vẫn còn ở đấy à?”

Tôi cũng giật mình như Robinson Crusoe nhìn thấy bóng một con tàu ngoài khơi. Đang nghi ngờ những gì mình nghe thấy, thì nó lên tiếng lần nữa:

“Ông ơi, vẫn còn ở đấy à?”

Trên thân giấy của chiếc thuyền, nghiêng nghiêng một dòng chữ thanh thanh: “Are you still there?” Không biết đây là tên của chiếc thuyền, hay là một lời nhắn. Cũng không biết chiếc thuyền giấy này do một cư dân trên đảo bỏ lại, hay nó đã trôi dạt từ ngoài khơi vào.

Đêm đó, dưới ngọn nến lung linh trong căn nhà gỗ còn thoang thoảng mùi khoai nướng hồi chiều, tôi tẩn mẩn gấp một chiếc thuyền giấy, và nắn nót viết một dòng chữ trên trên mạn thuyền: “Vâng, tôi vẫn còn đây.”

Và dưới ánh trăng vàng sóng sánh, tôi đã làm một việc không biết nên gọi là trẻ con hay lãng mạn nữa: thả chiếc thuyền giấy của tôi xuống biển.

Lúc ngồi trên chiếc phà trở về đất liền, tôi lần trong túi xách, mang chiếc thuyền giấy nhặt được ra, đọc lại. “Are you still there?”. Nét chữ này trông quen thuộc lắm, như thể của một người cũng cô đơn. Cô đơn, nhưng lại trốn tránh những giao tiếp, những xôn xao, huyên náo của người và người.

Trên bầu trời, mây trắng giăng một dải dài, như chiếc cầu nối không gian của hòn đảo với đất liền. Phải chăng đó cũng là một cách giao tiếp, không lời. Lần tới, chắc là tôi lại có thêm một chút háo hức nữa để trở ra hòn đảo. Tôi hi vọng sẽ bắt gặp một chiếc thuyền giấy thứ hai.

 

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021