thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em làm ơn im đi, được không?

 

Bản dịch của Lâm Vũ Thao

 

RAYMOND CARVER

(1938-1988)

 

Raymond Carver sinh tại Clatskanie, Oregon, năm 1938, và lớn lên tại Yakima, Washington State. Thân phụ của ông là một công nhân hãng cưa và thân mẫu làm nghề hầu bàn và thư ký văn phòng. Vì lập gia đình sớm, rất nhiều năm ông phải xem việc viết văn là thứ yếu, và dành thì giờ để kiếm sống. Tuy vậy, ông vẫn theo học khoá viết văn sáng tạo của John Gardner tại Chicago State College. Trong suốt thời gian đó, ông phải làm việc như một người gác cổng bệnh viện, một nhà biên tập sách giáo khoa, một tay bán dạo từ điển, một lao công tạp dịch ở trạm xăng và một người chở hàng. Những kinh nghiệm ấy và những trạng huống gia đình ngày càng tuyệt vọng vẫn thường là đề tài trong thơ và truyện ngắn của ông. Ông đã từng được vài ấn quán nhỏ xuất bản một số tập thơ, và một tập truyện ngắn với số ấn bản ít trong những năm 1960 và đầu 1970, nhưng mãi đến khi tập truyện ngắn Will You Please Be Quiet, Please? ra đời vào năm 1976, tên tuổi ông mới được biết đến.
 
Truyện ngắn “Will you please be quiet, please?” [“Em làm ơn im đi, được không?”] là truyện chủ trong cuốn ấy.
 
[Xin xem thêm chi tiết tiểu sử và tác phẩm của Carver trong mục tác giả].

 

__________

 

EM LÀM ƠN IM ĐI, ĐƯỢC KHÔNG?

 

I

 

Khi Ralph Wyman mười tám tuối và lần đầu tiên xa nhà, cha anh — hiệu trưởng trường Tiểu học Jefferson và là người thổi kèn trumpet xô-lô trong ban nhạc của Câu lạc bộ Weaverville Elks — dạy anh rằng đời là một chuyện nghiêm chỉnh, một cuộc mạo hiểm đòi hỏi sự mạnh mẽ và chí hướng ở một người trẻ tuổi vừa mới khởi đi, một con đường lắm chông gai, đó là điều ai cũng biết, nhưng cũng nhiều tưởng thưởng, cha của Ralph Wyman tin vào điều đó và bảo anh thế.

Nhưng khi ở đại học, Ralph mù mờ phương hướng. Anh vừa nghĩ rằng mình muốn trở thành bác sĩ vừa nghĩ mình muốn trở thành luật sư, anh học vài khoá y khoa sơ cấp và vài khoá về lịch sử pháp quyền và luật kinh doanh, nhưng rồi xác định rằng mình chẳng có sự trơ lì cần thiết cho ngành y lẫn khả năng đọc triền miên cho ngành luật, đặc biệt là khi phải đọc về tài sản và thừa kế. Mặc dù thỉnh thoảng anh vẫn đăng ký học các lớp về khoa học và kinh doanh, Ralph học cả các lớp triết học và văn chương và cảm thấy mình như trên ngưỡng cửa của một sự tự khám phá lớn lao. Nhưng điều ấy chẳng bao giờ đến. Chính trong thời gian ấy, khoảng thời gian sa sút nhất như về sau này anh tự nhận, Ralph tin rằng anh gần như sụp đổ; anh đàn đúm và đêm nào cũng say bét nhè. Anh uống nhiều đến độ tiếng tăm nổi như cồn và mọi người gọi anh là Jackson, theo tên người pha rượu ở quán The Keg.

Rồi, năm thứ ba đại học, Ralph bắt đầu chịu ảnh hưởng của một giáo sư có sức lôi cuốn đặc biệt. Đó là tiến sĩ Maxwell; Ralph không bao giờ quên ông được. Ông đẹp trai, duyên dáng, tầm mới hơn bốn mươi, phong thái tinh tế, giọng nói phảng phất chất miền Nam. Ông đã từng đi học ở Valderbilt, nghiên cứu ở châu Âu, rồi sau cộng tác với một, hai tạp chí văn chương bên bờ Đông. Sau này Ralph sẽ bảo gần như chỉ sau một đêm là Ralph quyết định theo nghề dạy học. Anh bỏ rượu, bắt đầu chú tâm học hành, và chỉ trong một năm được bầu vào Omega Psi, hội thân hữu báo chí toàn quốc; anh trở thành hội viên Câu lạc bộ tiếng Anh; được mời đến dự cùng cây đàn cello mà đã ba năm anh không sờ đến, tham gia nhóm nhạc thính phòng sinh viên vừa mới thành lập; thậm chí anh còn đắc cử chức thư ký của lớp năm cuối. Đúng khi đó anh gặp Marian Ross — một cô gái mảnh mai, xinh xắn với nước da sáng, người đã ngồi cạnh anh trong lớp học về Chaucer.

Marian Ross để tóc dài, thích mặc áo thun cao cổ và luôn đeo một túi xách da dây dài đong đưa trên vai. Đôi mắt cô to, như thâu hết mọi vật vào trong một cái nhìn. Ralph thích đi chơi với Marian. Họ cùng đến quán The Keg và một vài chỗ khác mà mọi người hay đến, nhưng họ không bao giờ để chuyện đi chơi hay chuyện đính hôn mùa hè năm sau len vào chuyện học. Họ là những sinh viên nghiêm túc, và hai bên cha mẹ cuối cùng tán thành chuyện hai người. Mùa xuân, họ cùng đi thực tập tại một trường trung hoc ở Chico, và vào tháng sáu, cùng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Hai tuần sau họ làm đám cưới ở nhà thờ St. James Episcopal.

Đêm trước đám cưới, tay trong tay họ nguyện mãi mãi giữ gìn niềm hứng khởi và vẻ bí ẩn của cuộc sống lứa đôi.

Họ lái xe đến Guadalajara hưởng tuần trăng mật, và mặc dù cả hai thấy thích thú khi viếng thăm những nhà thờ đổ nát và những bảo tàng tranh tối tranh sáng cũng như những chiều đi mua sắm, khám phá chợ búa, Ralph thầm kinh sợ với tình trạng bẩn thỉu và sự phóng đãng công khai mà anh nhìn thấy, và muốn nhanh quay về với sự an toàn của California. Nhưng cái cảnh tượng mà anh luôn nhớ và cũng làm anh cảm thấy bất an nhất thì chẳng liên quan gì đến Mexico cả. Đó là một buổi chiều muộn, gần như là tối, Marian đứng chống tay bất động tì lên hàng lan can sắt của căn nhà họ thuê trong khi Ralph đi về từ con đường bụi mù bên dưới. Mái tóc cô xoã dài trước vai, cô không nhìn anh mà nhìn vào cái gì đó xa xăm. Cô mặc váy trắng, choàng khăn màu đỏ tươi quanh cổ, và anh có thể nhìn thấy ngực cô phập phồng sau lớp vải trắng. Anh kẹp một chai rượu vang sẫm, không dán nhãn, dưới cánh tay, và cảnh tượng này gợi lên trong Ralph một cái gì đó trong một cuốn phim, một khoảnh khắc hết sức kịch tính mà Marian vào vai thật trọn vẹn còn anh thì không.

Trước khi đi hưởng tuần trăng mật họ đã nhận dạy ở một trường trung học ở Euroka, một thị trấn thuộc vùng chuyên đốn gỗ ở phía bắc tiểu bang. Được một năm, sau khi họ thấy chắc chắn rằng ngôi trường và thị trấn này đúng là nơi họ muốn gắn bó, họ mua một ngôi nhà ở quận Fire Hill. Ralph cảm thấy, mà không cần thật sự nghĩ ngợi nhiều, rằng anh và Marian hiểu nhau một cách hoàn hảo — ít nhất cũng đến mức mà hai con người có thể hiểu được về nhau. Hơn nữa, Ralph cảm thấy anh tự hiểu mình — cái gì anh có thể làm, cái gì không, và anh đang đi về đâu bằng sự tự đánh giá thận trọng chính mình.

Hai con của họ tên là Dorothea và Robert, giờ một đứa đã năm tuổi và một đứa bốn tuổi. Vài tháng sau khi sinh Robert, Marian được mời làm giáo viên tiếng Pháp và tiếng Anh ở một trường trung cấp ngoài rìa thị trấn, còn Ralph vẫn dạy ở trường trung học. Họ tự cho mình là một đôi hạnh phúc, cuộc sống hôn nhân của họ cho đến giờ này chỉ có một trục trặc duy nhất xảy ra lâu rồi, vào mùa đông cách đây hai năm. Kể từ đó họ chưa bao giờ nhắc lại. Nhưng đôi khi Ralph nghĩ về chuyện ấy — thật lòng, anh phải thừa nhận rằng anh nghĩ về chuyện ấy ngày càng nhiều. Những hình ảnh ghê sợ ngày càng hiện lên trong mắt anh, những chi tiết không thể chịu đựng được. Vì anh đinh ninh rằng vợ anh đã từng một lần phản bội anh với một gã tên là Mitchell Anderson.

Nhưng giờ này là một đêm chủ nhật tháng mười một, bọn trẻ đã ngủ say còn Ralph cũng buồn ngủ, anh ngồi trên ghế sofa chấm bài, tiếng ra-đi-ô văng vẳng ra từ nhà bếp, nơi Marian đang là quần áo, và anh cảm thấy hạnh phúc ngập tràn. Anh ngắm nhìn tập bài trước mặt anh một lúc rồi xếp chúng lại và tắt đèn.

“Xong rồi hả anh?” Marian mỉm cười và hỏi khi anh đi vào nhà bếp. Cô đang ngồi trên một cái ghế cao, và cô dựng đứng bàn là dậy như thể cô đang đợi anh.

“Còn lâu,” anh nhăn mặt nói, vứt xấp bài lên bàn bếp.

Cô bật cười — cái cười rạng rỡ, vui sướng — và ngẩng mặt lên đợi được hôn, và anh hôn nhẹ lên má cô. Anh kéo ghế ra và ngồi xuống, ngả người ra sau trên chân ghế và ngắm vợ. Cô lại mỉm cười rồi hạ mắt xuống.

“Anh hơi buồn ngủ,” anh nói.

“Cà phê nhé?” cô hỏi, chồm người qua và lấy mu bàn tay sờ vào bình pha cà phê.

Anh lắc đầu.

Cô cầm điếu thuốc đang cháy dở trong gạt tàn lên, rít một hơi trong lúc nhìn xuống sàn nhà, rồi đặt điếu thuốc lại trong gạt tàn. Cô nhìn chồng, nét ấm áp tràn gương mặt. Cô cao, vóc người mềm mại, ngực cao, eo thon, và cặp mắt to, tuyệt vời.

“Anh có bao giờ nghĩ về bữa tiệc ấy không?” cô hỏi, vẫn nhìn anh.

Anh giật mình và ngọ ngoạy trong ghế, và anh nói: “Bữa tiệc nào? Em định nói bữa tiệc cách đây hai, ba năm?”

Cô gật đầu.

Anh đợi, và khi thấy cô không giải thích gì thêm, anh nói: “Có chuyện gì? Sao em mang chuyện đó ra, có chuyện gì thế?” Rồi tiếp: “Rốt cuộc là đêm đó anh ta hôn em, đúng không? Ý anh là, anh biết anh ta hôn em. Anh ta cố hôn em, hay là không?”

“Em chỉ nghĩ về chuyện đó và em hỏi anh, có thế thôi,” cô nói. “Thỉnh thoảng em nghĩ về chuyện đó,” cô nói.

“Hừm, anh ta đã hôn em, phải không. Thôi nào, Marian,” anh nói.

“Anh có bao giờ nghĩ về đêm hôm ấy không?” cô hỏi.

Anh nói: “Không hẳn. Chuyện đó lâu rồi, đúng không? Cách đây ba hay bốn năm. Bây giờ em kể anh nghe được rồi đấy. Anh vẫn là anh chàng Jackson ngày xưa mà em từng tâm sự, nhớ không?” Và cả hai đột nhiên cùng bật cười, rồi đột nhiên cô bảo: “Có.” Cô nói, “Anh ta có hôn em mấy cái.” Cô mỉm cười.

Anh biết anh nên cố mỉm cười cùng cô, nhưng anh không thể. Anh bảo: “Thế mà trước đây em bảo là anh ta không hôn em. Em bảo anh ta chỉ choàng tay qua người em khi đang lái xe. Vậy là sao?”

“Sao anh lại làm như thế?” cô lơ mơ hỏi. “Cô đi đâu cả đêm?” anh gào lên, đứng chắn trước mặt cô, chân sũng nước, nắm tay co lại để đánh tiếp. Rồi cô nói: “Em chẳng làm gì cả. Sao anh đánh em?” cô nói.

“Thế nào mình lại nói đến chuyện này nhỉ?” cô hỏi.

“Em khơi chuyện ra,” anh trả lời.

Cô lắc đầu. “Em không biết cái gì khiến em nghĩ về chuyện ấy nữa.” Cô mím môi và chăm chú nhìn sàn nhà. Rồi cô đứng thẳng người lại ngẩng nhìn lên. “Anh, nếu anh cất cái bàn là quần áo này cho em, em sẽ pha một đồ uống gì nóng nóng. Rượu rum pha bơ. Anh thấy sao?”

“Được,” anh nói.

Cô vào phòng khách bật đèn rồi cúi xuống nhặt một cuốn tạp chí trên sàn. Anh ngắm hông vợ dưới cái váy len kẻ ô. Cô lại trước cửa sổ và đứng đó nhìn ra đèn đường. Cô vuốt tay xuống váy rồi nhét áo vào trong. Anh tự hỏi không biết cô có tự hỏi mình rằng liệu anh có đang ngắm cô không?

Sau khi dựng cái bàn là quần áo vào trong góc cửa, anh ngồi xuống, và khi cô vào bếp, anh hỏi: “Này, đêm hôm đó giữa em và Mitchell Anderson còn diễn ra chuyện gì nữa?”

“Không có gì cả,” cô đáp. “Em đang nghĩ về chuyện khác.”

“Chuyện gì?”

“Về các con, về cái váy mà em muốn mua cho Dorothea vào Lễ phục sinh tới. Và em đang nghĩ về buổi lên lớp ngày mai. Sinh viên hiểu thế nào về chàng Rimbaud đẹp trai,” và cô bật cười. “Em không có ý gieo vần đâu, thật đấy, Ralph, và thật đấy, chẳng có chuyện gì khác xảy ra đâu. Em xin lỗi em đã nói gì về chuyện đó.”

“Được rồi,” anh nói.

Anh đứng dậy, tựa vào tường bên cạnh tủ lạnh, nhìn vợ xúc đường cho vào hai cái cốc và khuấy rượu rum lên. Nước bắt đầu sôi.

“Em này, bây giờ chuyện đã được mang ra rồi,” anh nói, “và chuyện đó cũng đã cách đây bốn năm, nên anh nghĩ chẳng có lý do gì khiến mình bây giờ không thể nói về chuyện đó được nếu mình muốn. Đúng không?”

Cô nói, “Nhưng chẳng có gì để nói cả.”

Anh nói, “Anh muốn biết.”

Cô nói, “Biết gì cơ?”

“Ngoài chuyện hôn em ra thì anh ta còn làm gì. Chúng mình là người lớn. Mình không gặp nhà Anderson hàng năm rồi còn gì và có thể mình chẳng bao giờ gặp lại họ, mà chuyện đó đã xảy ra lâu lắm rồi, nên có lý gì mà mình không thể nói về chuyện đó?” Anh hơi ngạc nhiên về chất lý sự trong giọng của mình. Anh ngồi xuống, nhìn tấm khăn trải bàn rồi ngước lên nhìn vợ. “Thế nào?” anh hỏi.

“Hừm”, cô cười láu lỉnh, hất đầu sang một bên một cách rất nữ tính, nhớ lại. “Không, Ralph, thật đấy. Thật ra em không nên kể thì hơn.”

“Chúa ơi, Marian. Bây giờ anh nói nghiêm túc đấy,” anh nói, và đột nhiên anh hiểu là anh thật sự muốn thế.

Cô tắt bếp gas, đặt tay lên ghế rồi ngồi xuống, gót chân gác lên chỗ tựa tay. Cô hơi chồm về phía trước, cánh tay tì lên gối, ngực áp vào áo. Cô gẩy một cái gì đó trên váy rồi ngước lên.

“Anh có nhớ là Emily đã ra về cùng với nhà Beatty, không hiểu sao Mitchell vẫn còn ở lại. Phải nói là đêm hôm ấy trông anh ấy không ổn lắm. Em không rõ, có thể là Emily và anh ấy đang lục đục, nhưng em không rõ lắm. Lúc đó, anh, em, nhà Franklin và Mitchell Anderson vẫn còn ở lại. Cả hội đều đã ngà ngà. Ralph, em không nhớ rõ chuyện diễn ra thế nào, nhưng đột nhiên chỉ mình Mitchell và em tình cờ có mặt trong nhà bếp cùng một lúc, lúc đó chẳng còn tí whisky nào, chỉ còn một chai vang trắng đang uống dở. Lúc đó phải gần một giờ, bởi vì Mitchell nói: ‘Nếu mình bay trên những đôi cánh khổng lồ thì mình có thể đến kịp trước khi tiệm rượu đóng cửa.’ Anh có biết là anh ấy có thể diễn đến mức nào khi anh ấy muốn không? Giọng mềm mỏng, diễn tả bằng nét mặt? Nói chung, anh ta rất ma lanh về chuyện đó. Ít nhất vào lúc đó có vẻ như thế. Và rất say nữa, em có thể thêm. Em cũng say. Đó là một phút bốc đồng Ralph ạ. Em không biết tại sao em làm như thế, đừng hỏi em, nhưng khi anh ấy bảo ‘chúng ta đi nào’, em đã đồng ý. Bọn em ra phía sau, chỗ anh ấy đậu xe. Bọn em chỉ đi... như thế... thậm chí không mang áo khoác theo, nghĩ rằng chỉ đi một tí teo. Em không biết bọn em nghĩ gì, em nghĩ gì, em không biết tại sao em lại đi, Ralph ạ. Bốc đồng, em chỉ có thể trả lời như thế. Một bốc đồng sai lầm.” Cô ngừng lại. “Đêm hôm đó em có lỗi, Ralph, em xin lỗi. Lẽ ra em không nên làm như thế — em biết điều đó.”

“Chúa ơi!” Cái từ ấy trượt ra khỏi miệng anh. “Nhưng lúc nào em cũng như thế, Marian!” Và ngay lập tức anh biết rằng anh vừa bật ra một sự thật mới mẻ và sâu sắc.

Đầu anh tràn ngập những lời cáo buộc, và anh cố tập trung vào một điểm cụ thể. Anh nhìn xuống bàn tay mình và nhận thấy chúng có cùng cảm giác vô hồn mà chúng từng có cái ngày anh nhìn cô đứng trên ban công. Anh nhặt cây bút chì đỏ chấm bài đang nằm trên bàn lên rồi lại đặt nó xuống.

“Anh đang nghe đây,” anh nói.

“Nghe cái gì cơ?” cô nói. “Anh đang cộc cằn và trở nên bực dọc, Ralph. Chẳng vì cái gì cả — chẳng vì cái gì, anh à... không có chuyện gì khác cả,” cô nói.

“Tiếp tục đi,” anh nói.

Cô nói, “Rốt cuộc là có chuyện với chúng ta? Anh có biết là chuyện này bắt đầu như thế nào không? Bởi vì em chẳng biết chuyện này bắt đầu như thế nào.”

Anh bảo, “Tiếp tục đi, Marian.”

“Tất cả chỉ có thế, Ralph,” cô nói. “Em bảo rồi. Bọn em phóng xe đi. Bọn em trò chuyện. Anh ấy hôn em. Em vẫn không rõ tại sao bọn em có thể đi đến ba giờ đồng hồ — hay là bất cứ cái gì mà anh nói là bọn em làm.”

“Kể đi, Marian,” anh nói, anh biết rằng còn nữa và biết rằng anh đã luôn biết điều đấy. Anh cảm thấy nôn nao trong bụng, và rồi anh bảo: “Thôi. Nếu em không muốn kể cũng được. Thật ra anh nghĩ anh chỉ nên biết đến đấy.” Anh thoáng nghĩ rằng nếu anh chưa lấy vợ, đêm nay anh đã ở một nơi nào khác làm một việc gì khác, rằng sẽ là một nơi nào đó yên lặng.

“Ralph này,” cô nói, “anh sẽ không giận, phải không? Ralph? Chúng ta chỉ nói chuyện thôi. Anh sẽ không giận, phải không?” Cô chuyển sang ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh bàn.

Anh nói, “Anh sẽ không giận.”

Cô nói, “Hứa nhé?”

Anh nói, “Hứa.”

Cô châm một điếu thuốc. Anh đột nhiên có mong ước lớn lao được nhìn thấy lũ trẻ, kéo chúng dậy và lôi ra khỏi giường, nặng nề và vẫn còn mê ngủ, giữ mỗi đứa một bên gối, kéo chúng đi cho đến khi chúng tỉnh dậy. Anh chuyển sang chú ý đến một trong những cỗ xe đen nhánh bé tí đặt trên khăn trải bàn. Bốn chú ngựa trắng cũng bé tí tung vó kéo từng cỗ xe đen, người đánh xe ngựa đội chiếc mũ cao vung tay lên, những hòm xiểng được treo trễ xuống từ nóc xe, và một thứ trông giống như cái đèn dầu lủng lẳng một bên, và nếu anh có lắng nghe gì thì đó là nghe từ bên trong cỗ xe đen.

“... Bọn em đi thẳng đến tiệm rượu, em ngồi đợi trong xe cho đến lúc anh ấy đi ra. Một tay anh ấy cầm túi đựng chai rượu, tay kia cầm một bao ni-lông đựng đá. Anh ấy loạng choạng ngồi vào xe. Em không nhận ra là anh ấy say mèm cho đến lúc bọn em bắt đầu lái về. Em để ý cái cách anh ấy lái. Chậm kinh khủng. Anh ấy gục cả người lên tay lái. Mắt anh ta long lanh. Bọn em tán đủ thứ chuyện chẳng có ý nghĩa gì cả. Em chẳng nhớ nữa. Bọn em nói về Nietzsche. Strindberg. Anh ấy đạo diễn vở Nàng Julie trong học kỳ thứ hai. Rồi cái gì đó về chuyện Norman Mailer đâm vào ngực vợ. Rồi anh ấy dừng lại một lúc giữa đường. Rồi mỗi đứa lấy chai ra nốc một ngụm. Anh ấy nói anh ấy ghét nghĩ đến việc em bị đâm vào ngực. Anh ấy nói anh ấy muốn hôn lên ngực em. Anh ấy đánh xe ra vệ đường. Anh ấy gục đầu vào lòng em...”

Giọng cô gấp gáp, anh ngồi hai tay khoanh trên bàn ngắm nhìn môi vợ. Mắt anh lướt vòng quanh bếp — bếp lò, hộp đựng khăn giấy, bếp lò, tủ ly, lò nướng bánh mì, ngược lại môi của vợ, ngược lại cỗ xe trên khăn trải bàn. Anh cảm thấy một ham muốn lạ lùng dành cho vợ thoáng qua phần bụng dưới của mình, rồi anh cảm nhận được nhịp xóc đều đều của cỗ xe, anh muốn kêu ngừng lại và anh nghe vợ nói: “Anh ấy bảo chúng mình làm chuyện ấy nhé?” Và rồi cô nói: “Em đáng trách. Em là người đáng trách. Anh ấy bảo tuỳ em quyết định, em có thể làm bất kỳ điều gì em muốn.”

Anh nhắm mắt lại. Anh lắc đầu, cố nghĩ ra những khả năng khác, những kết luận khác. Anh thật sự băn khoăn liệu anh có thể hồi tưởng lại đêm ấy cách đây hai năm và tưởng tượng ra chính anh đi vào bếp đúng lúc họ ra đến cửa, nghe giọng chính mình xúc động mạnh, ồ không, không, em không được đi đâu với gã Mitchell Anderson đấy. Chẳng những hắn say mà hắn còn là một tài xế tồi, và bây giờ em phải đi ngủ để thức dậy với Robert và Dorothea vào buổi sáng và dừng lại! Em phải dừng lại!

Anh mở mắt ra. Cô đang lấy tay che mặt và khóc rưng rức.

“Tại sao em làm vậy, Marian?” anh hỏi.

Cô lắc đầu mà không ngẩng lên.

Rồi đột nhiên anh biết hết. Đầu anh căng lên. Cả một lúc lâu anh chỉ có thể nhìn trừng trừng ngờ nghệch vào tay mình. Anh đã biết hết! Đầu anh gầm rú vì cái anh biết.

“Chúa ơi! Không! Marian! Giê-su-ma, lạy Chúa tôi!” anh nói, bật người ra khỏi bàn. “Chúa ơi! Không, Marian!”

“Không, không,” cô nói, hất đầu ra phía sau.

“Cô đã để cho hắn!” anh gào lên.

“Không, không,” cô nức nở.

“Cô đã để cho hắn! Làm chuyện đó! Đúng không? Đúng không? Làm một cái! Có phải hắn nói vậy không? Trả lời tôi đi!” anh gào lên. “Hắn ta có phụt trong người cô không? Cô có để cho hắn phụt trong người cô không khi cô và hắn làm chuyện đó?”

“Nghe em, nghe em này Ralph,” cô nghẹn ngào, “em thề với anh là anh ta không. Anh ta không ra. Anh ta không ra trong người em.” Cô nảy người từ bên này sang bên kia ghế.

“Ôi Chúa! Quỷ tha ma bắt cô đi!” anh rít lên.

“Chúa ơi!” cô nói, đứng dậy, chìa tay ra. “Chúng mình điên hả, Ralph. Chúng mình mất trí chưa? Ralph? Tha lỗi cho em, Ralph. Tha lỗi cho em.”

“Đừng chạm vào tôi! Tránh ra!” anh gào. Anh đang gào.

Cô bắt đầu thở hổn hển, sợ hãi. Cô cố ôm anh lại. Nhưng anh tóm lấy vai cô và hất cô ra.

“Tha lỗi cho em, Ralph. Em van anh, Ralph!” cô gào lên.

 

II

 

Anh phải dừng lại và vịn vào một cái xe trước khi đi tiếp. Có hai cặp trong trang phục dạ hội đang đi trên vỉa hè hướng về phía anh, và một trong hai người đàn ông đang kể chuyện bằng giọng rất to. Những người khác cười giòn giã. Ralph rời khỏi chỗ chiếc xe và băng qua đường. Mất vài phút anh đến được quán Blake, chỗ buổi chiều anh thỉnh thoảng ghé vào nhâm nhi tí bia với Dick Koenig trước khi đón con ở trường mẫu giáo.

Bên trong quán tối. Nến lập loè trong những chiếc chai cổ dài trên những chiếc bàn dọc theo tường. Ralph nhìn lướt qua những bóng trai gái đang trò chuyện, đầu chụm vào nhau. Một cặp ngồi gần cửa ngừng nói chuyện và ngẩng lên nhìn anh. Một vật hình hộp treo trên trần xoay qua xoay lại ném ra những tia sáng. Hai người đàn ông ngồi phía cuối quán, và một bóng người đứng tựa vào máy chọn nhạc trong góc, hai bàn tay toẽ ra hai bên cái ly. Anh ta sắp sửa chơi một cái gì đó, Ralph nghĩ như thể vừa có một phát hiện tối quan trọng, anh đứng giữa sàn nhìn anh ta.

“Ralph! Ngài Wyman!”

Anh nhìn quanh. Hoá ra là David Parks gọi anh từ bên sau quầy bar. Ralph bước lại, tì mạnh vào quầy bar rồi chuồi người lên cái ghế cao.

“Em rót một cái nhé, bác?” Parks cầm một cái ly trong tay, mỉm cười. Ralph gật đầu, nhìn Parks nghiêng cái ly dười vòi bia, rồi nhẹ nhàng dựng thẳng nó lên khi đầy.

“Công việc thế nào, bác?” Parks gác chân lên một cái kệ phía dưới quầy bar. “Ai sẽ thắng trận đấu tuần tới, bác?” Ralph lắc đầu, nâng ly bia lên môi. Parks khẽ ho. “Em mua cho bác một ly nhé. Em đãi bác ly này.” Anh ta buông chân xuống, gật đầu khẳng định, và lần tay vào túi dưới tạp dề. “Đây. Tôi có mấy đồng đây này,” Ralph nói và móc ra mấy đồng lẻ, kiểm tra chúng trong tay mình. Một đồng hai mươi lăm xu, một đồng mười xu, hai đồng năm xu, hai đồng một xu. Anh đếm chúng như thể có một mật mã cần được giải. Anh đặt đồng hai mươi lăm đô-la xuống và đứng lên, bỏ mấy đồng lẻ lại vào trong túi. Người kia vẫn đứng trước máy chọn nhạc, hai tay vẫn xoè ra hai bên ly.

Ra ngoài, Ralph ngoảnh lại, ngần ngừ nghĩ xem mình nên làm gì. Tim anh thình thịch như thể anh đang chạy. Cánh cửa bật mở sau lưng anh và một đôi trai gái bước ra. Ralph nhích ra tránh đường cho họ và họ ngồi vào xe đỗ bên lề đường và Ralph thấy cô gái hất tóc khi ngồi vào xe. Anh chưa bao giờ nhìn thấy gì đáng sợ như thế.

Anh đi bộ đến cuối dãy nhà, băng qua đường, đi thêm một dãy nhà nữa rồi quyết định đi thẳng vào trung tâm thị trấn. Anh rảo bước, tay nắm tròn trong túi quần, giày nện trên hè phố. Anh chớp mắt liên tục và nghĩ thật khó tin đây là nơi anh sống. Anh lắc đầu. Anh muốn ngồi lại một chỗ nào đó một lúc để nghĩ về nó, nhưng anh biết anh không thể ngồi, không thể nghĩ về nó. Anh nhớ lại có lần anh thấy một người đàn ông ngồi bên vệ đường ở Arcata, một ông già râu ria xồm xoàm đội mũ len nâu ngồi co ro. Và rồi Ralph nghĩ đến: Marian! Dorothea! Robert! Không thể được! Anh cố tưởng tượng hai mươi năm tới mọi chuyện ra thế nào. Nhưng anh không thể tưởng tượng được gì. Rồi anh tưởng tượng bắt gặp một mẩu giấy chuyền tay giữa đám học sinh trong đó viết Chúng mình làm chuyện ấy nhé? Rồi anh không thể nghĩ được nữa. Rồi anh cảm thấy hoàn toàn dửng dưng. Rồi anh nghĩ về Marian. Anh nghĩ về Marian như anh mới gặp cách đây ít giờ, mặt nhăn nhúm. Rồi Marian nằm trên sàn nhà, mồm đầy máu: “Tai sao anh đánh em?” Rồi Marian thò tay vào dưới váy cởi nịt bít tất. Rồi Marian nhấc váy lên ưỡn người ra sau. Rồi Marian kích động, Marian gào lên: Nào! Nào! Nào!

Anh đứng lại. Anh tin rằng mình sắp nôn. Anh tiến lại mép vỉa hè. Anh nuốt nước bọt liên tục, ngẩng đầu lên khi một đám thiếu niên reo hò phóng xe ngang qua, nhấn một hồi còi có tiếng nhạc dài. Ừ, quả có một cái ác lớn lao đang thúc đẩy thế giới, anh nghĩ, và nó chỉ cần một lối trượt nho nhỏ, một cửa ngỏ nho nhỏ.

Anh đi đến Phố số 2, khu mà người ta vẫn gọi là “Phố Hai”. Nó bắt đầu từ đây ở Shelton, dưới những ngọn đèn đường cuối dãy nhà cũ cho thuê, chạy dài bốn hay năm dãy phố nữa cho đến cầu tàu, chỗ buộc những chiếc thuyền đánh cá. Anh đã đến khu này một lần, cách đây sáu năm, đến một cửa hàng đồ cũ để lục lọi những kệ sách cũ. Có một tiệm rượu bên kia đường, và anh có thể nhìn thấy một người đàn ông đứng đọc báo bên trong cửa kính.

Cái chuông cửa ngân lên. Âm thanh làm Ralph suýt khóc. Anh mua mấy điếu thuốc rồi quay ra, đi dọc theo con phố, nhìn vào các cửa sổ, một số cái có dán biển: một buổi khiêu vũ, gánh xiếc Shrine đã đến và đi mùa hè vừa rồi, một cuộc bầu cử — bầu Fred C. Walters làm uỷ viên Hội đồng. Anh thấy bồn rửa bát và những vòng nối ống nước nằm vương vãi trên bàn qua một trong những cửa sổ mà anh nhìn vào, và những cái này cũng làm anh rơi nước mắt. Anh đến một phòng tập thể dục của Vic Tanney, ở đó anh nhìn thấy ánh sáng hắt ra dưới màn cửa, nghe thấy tiếng nước toé và tiếng gọi nhau í ới trong hồ bơi bên trong. Phố bây giờ sáng hơn, ánh sáng hắt ra từ những quán cà phê và quán bar hai bên phố, người cũng đông hơn, từng nhóm ba bốn người nhưng thỉnh thoảng cũng có một người đàn ông đi một mình hoặc một phụ nữ mặc quần màu sáng rảo bước vội vã. Anh dừng lại trước một cửa sổ và nhìn mấy người da đen chơi bi-da, khói lẩn quẩn trong ánh đèn thắp phía trên bàn. Một người đang thoa phấn lên cơ, đầu đội mũ, miệng ngậm thuốc, nói gì đấy với một người khác rồi cả hai cùng ngoác miệng cười, rồi người kia chăm chú ngắm mấy quả bi và cúi xuống bàn.

Ralph dừng lại trước Jim’s Oyster House. Anh chưa từng đến đây, chưa từng đến bất kỳ những chỗ như thế này. Phía trên cánh cửa dòng chữ JIM’S OYSTER HOUSE được gắn bằng những bóng đèn vàng. Phía trên dòng chữ, được gắn vào một cái lồng sắt, có một cái vỏ nghêu lớn chiếu đèn neon sáng và một đôi chân người thò ra. Phần thân được giấu trong vỏ và đôi chân nhấp nháy đỏ, lên xuống, nên chúng trông có vẻ như đang đá. Ralph dùng điếu thuốc đang cháy dở châm một điếu khác rồi đẩy cửa vào.

Bên trong đông đúc, người nghẹt trên sàn nhảy, tay đan vào nhau, để hờ chờ ban nhạc bắt đầu chơi lại. Ralph len lỏi đến phía quầy bar, và có lúc một cô gái say bám vào áo khoác anh. Không còn cái ghế nào, nên anh đành đứng phía cuối quầy bar giữa một nhân viên bảo vệ và một anh chàng mặc đồ jean nhăn nhúm. Nhìn vào gương, anh có thể thấy được ban nhạc ngồi ở bàn đang đứng dậy. Họ mặc sơ-mi trắng, quần đen, cổ đeo nơ đỏ. Có một bếp lửa bằng gas phía sau một đống củi kim loại, và cái bục dành cho ban nhạc ngay bên cạnh bếp lửa này. Một nhạc công gá thử dây đàn ghi-ta điện, nói gì đó với những người kia và cười ra vẻ hiểu ý. Ban nhạc bắt đầu chơi.

Ralph nâng ly và uống cạn. Ở đằng kia quầy bar Ralph nghe thấy tiếng một phụ nữ giận dữ: “Này, đây nói cho mà biết, thế nào cũng có rắc rối đấy nhé.” Các nhạc công chơi xong bản nhạc và bắt đầu một bản khác. Một trong số họ, tay chơi bass, tiến lại micrô và bắt đầu hát. Nhưng Ralph không hiểu anh ta hát gì. Khi ban nhạc nghỉ giải lao lần nữa, Ralph nhìn quanh xem toa-lét chỗ nào. Anh nhìn ra cánh cửa đóng mở liên tục ở đầu kia của quầy bar và hướng về phía đó. Anh hơi lảo đảo, biết rằng mình đã say. Bên trên một trong những cánh cửa là một giá sừng hươu. Anh thấy một người đi vào và một người khác giữ cánh cửa rồi đi ra. Vào trong, xếp hàng sau ba người khác, anh thấy mình nhìn chằm chằm vào hình vẽ một cặp đùi dạng ra khoe âm hộ trên tường bên cạnh máy bán lược bỏ túi. Bên dưới là dòng chữ viết tháu XƠI EM ĐI, dưới nữa ai đấy viết thêm Betty M. xơi đi — RA 52275. Người đứng trước Ralph nhích lên, Ralph bước tới một bước, tim anh co thắt dưới trọng lượng của Betty. Cuối cùng, anh đến trước bồn và bắt đầu tiểu. Đó là một tia chớp loé lên. Anh thở dài, rướn người lên trước, cụng đầu lên tường. Ôi chao, Betty, anh nghĩ. Đời anh đã thay đổi, anh sẵn sàng để hiểu điều đó. Anh lơ mơ tự hỏi liệu những người khác có thể nhìn vào một sự kiện trong đời họ và cảm nhận trong nó những thành phần nhỏ bé của một thảm hoạ mà sau đó hướng cuộc đời họ sang một ngả hoàn toàn khác? Anh đứng đó một lúc nữa rồi nhìn xuống: anh đã tiểu lên tay mình. Anh lại bồn rửa tay, quyết định không dùng thỏi xà phòng bẩn mà chỉ vặn cho nước chảy qua tay. Lúc anh kéo khăn giấy xuống, anh dí mặt vào gương và nhìn vào mắt mình. Một cái mặt: chẳng có gì bất thường. Anh sờ vào gương, nhưng lại tránh ra vì một người khác cố vượt qua anh đến chỗ bồn rửa tay.

Khi anh ra cửa, anh để ý thấy một cánh cửa khác ở đầu bên kia hành lang. Anh đi tới và nhìn qua cửa kính, thấy bốn người đang chơi bài quanh một chiếc bàn dường như màu xanh lá cây. Với Ralph dường như bên trong có vẻ thật là tĩnh lặng và yên bình, những cử động câm của những người kia như hàm ngôn và chất chứa nhiều ý nghĩa. Anh tì vào kính và nhìn họ cho đến khi anh cảm thấy họ đang nhìn anh.

Phía đằng quầy bar tiếng ghi-ta đang chơi ầm ĩ, mọi người bắt đầu vỗ tay và huýt sáo. Một phụ nữ đứng tuổi phục phịch trong chiếc váy đầm trắng đang bị đẩy lên sân khấu. Chị ta cố vùng vẫy nhưng Ralph có thể nhận thấy chỉ là vùng vẫy giả vờ, và cuối cùng chị ta chịu cầm lấy micrô và khẽ nhún người. Đám đông huýt sáo và giẫm chân rầm rầm. Đột nhiên anh biết rằng không gì có thể giải cứu được anh ngoại trừ việc vào trong phòng kia cùng với những người chơi bài, xem họ. Anh móc ví ra, giơ lên xem thử còn bao nhiêu. Phía sau anh, chị gái kia bắt đầu hát bằng một thứ giọng trầm buồn ngủ.

Nhà cái ngẩng đầu lên.

“Muốn nhập hội à?” anh ta hỏi, nhìn quét khắp người Ralph và chia bài một lần nữa. Những người khác nhướn mắt lên rồi quay lại nhìn những quân bài nằm rải rác trên bàn. Họ cầm bài lên, người ngồi xoay lưng lại Ralph thở hắt ra bằng mũi, ngọ ngoạy trong ghế tỏ vẻ khó chịu.

“Benny, mang thêm một cái ghế!” nhà cái gọi ông già đang quét dưới gầm cái bàn chất đầy ghế chổng ngược. Nhà cái là một tay đô con; anh ta mặc sơ-mi trắng, cổ mở, tay áo xắn để lộ cẳng tay mập và lông quăn đen. Ralph hít một hơi dài.

“Uống gì không?” Benny hỏi khi mang ghế đến bàn.

Ralph đưa ông già một đô-la và cởi áo khoác ra. Ông già đỡ lấy áo khoác, treo gần cửa khi ông đi ra. Hai người trong đám nhích ghế cho Ralph ngồi xuống đối diện với nhà cái.

“Khoẻ không?” nhà cái hỏi, không nhìn lên.

“Bình thường,” Ralph đáp.

Nhà cái nói nhẹ nhàng, vẫn không nhìn lên: “Chơi bài nhỏ ăn hoặc năm lá. Mỗi ván cược không quá năm đô.”

Ralph gật đầu, khi ván đó xong anh mua mười lăm đô phỉnh. Anh ngắm những quân bài được ném quanh bàn, nhặt bài của mình lên theo cách anh đã thấy cha anh làm, luồn quân này dưới quân kia khi chúng rơi trước mặt anh. Anh nhướn mắt nhìn vào mặt những người khác. Anh tự hỏi không biết chuyện đó có xảy ra với ai trong số họ không.

Trong vòng nửa tiếng đồng hồ anh thắng hai ván, và, không cần đếm đống phỉnh trước mặt anh nghĩ anh vẫn còn khoản mười lăm hay thậm chí hai mươi đô la. Anh trả tiền cho một ly nữa bằng một phỉnh và đột nhiên nhận ra rằng tối hôm đấy anh đã đi một quãng đường dài, một quãng đường dài trong cuộc đời. Jackson, anh nghĩ. Anh có thể là Jackson.

“Anh cược hay không?” một người hỏi. “Clyde, cược thế nào nhỉ, lạy Chúa?” anh ta hỏi nhà cái.

“Ba đô”, nhà cái nói.

“Cược,” Ralph nói. “Tôi cược.” Anh đặt ba phỉnh vào giữa bàn.

Nhà cái ngẩng lên rồi lại nhìn bài của mình. “Nếu cậu thật sự muốn tưng bừng, đêm nay chúng ta có thể đến chỗ tôi khi chúng ta xong ở đây,” nhà cái nói.

“Không, thế được rồi,” Ralph nói. “Tối nay đủ tưng bừng rồi. Tối nay tôi mới phát hiện ra. Vợ tôi lăng nhăng với một thằng khác cách đây hai năm. Tối nay tôi mới phát hiện ra.” Anh hắng giọng.

Một người gác bài xuống và châm xì-gà. Anh ta nhìn Ralph chằm chặp trong khi bập thuốc, rồi vẫy tắt que diêm và cầm bài lên. Nhà cái ngẩng lên, gác hai tay lên bàn, lông đen cứng trên cánh tay nâu sẫm.

“Cậu làm việc ở đây?” anh ta hỏi Ralph.

“Tôi sống ở đây,” Ralph nói. Anh thấy ráo hoảnh, trống rỗng rã rời.

“Mình có chơi tiếp hay không?” một người hỏi. “Clyde?”

“Gượm tí nào,” nhà cái nói.

“Vì Chúa,” anh ta khẽ nói.

“Tối nay cậu phát hiện ra cái gì?” nhà cái hỏi.

“Vợ tôi,” Ralph nói. “Tôi phát hiện ra.”

Trong ngõ hẻm, anh lại móc ví ra, lần đếm những tờ tiền còn lại: hai đô la — và anh nghĩ anh còn vài đồng xu trong túi. Đủ để kiếm một cái gì đó ăn. Nhưng anh không đói, anh tựa người vào toà nhà, gắng nghĩ ngợi. Một chiếc xe rẽ vào ngõ, dừng lại rồi lùi ra. Anh bắt đầu đi bộ. Anh đi lại trên con đường lúc đến. Anh đi sát vào các toà nhà, tránh những nhóm trai gái ồn ào đi lại trên vỉa hè. Anh nghe tiếng một phụ nữ mặc áo khoác dài nói với người đàn ông đi cùng: “Hoàn toàn không phải như thế, Bruce. Anh không hiểu gì cả.”

Anh dừng lại trước tiệm rượu. Vào trong anh tiến lại quầy và quan sát những hàng chai dài xếp ngay ngắn. Anh mua nửa pint rượu rum và thêm mấy điếu thuốc. Hình những cây cọ trên nhãn chai, những tàu lá to rũ xuống với hồ nước trên nền xa đập vào mắt anh, và anh chợt nhận ra rum! Và anh nghĩ anh sẽ ngất. Người bán hàng, một người gầy, hói mặc quần có dây đeo, bỏ chai rượu vào trong túi giấy, tính tiền và nháy mắt. “Đêm nay ra trò đấy nhỉ?” ông nói.

Ra ngoài, Ralph đi về phía cầu tàu; anh nghĩ anh muốn nhìn ánh đèn phản chiếu xuống nước. Anh mường tượng Tiến sĩ Maxwell sẽ xử lý một tình huống tương tự như thế nào, và anh thò tay vào túi giấy trong khi đang đi, bóc lớp niêm của cái chai nhỏ và dừng lại trước một lối vào nhà để tu một hơi dài, và nghĩ Tiến sĩ Maxwell hẳn sẽ ngồi một cách huy hoàng bên mép nước. Anh băng qua môt vài lối xe điện cũ và rẽ vào một ngõ khác, tối hơn. Anh đã nghe được tiếng sóng ồm oàm dưới chân cầu tàu, và rồi anh nghe thấy ai đó lại gần sau lưng anh. Một tên da đen nhỏ thó mặc áo khoác da bước ra trước mặt anh, nói: “Cho xin một phút thôi, anh bạn.” Ralph định đi vòng qua. Gã kia nói: “Có Chúa chứng giám, bé con, mày giẫm lên chân tao đấy!” Ralph chưa kịp chạy thì đã bị gã da đen đấm một cú vào bụng, và khi Ralph rên rỉ, chực ngã thì gã kia đấm vào mũi anh, làm anh bật vào tường, anh ngồi gục xuống, một chân gập lại, đang cố nhấc người lên thì gã da đen tát vào má anh và đấm anh bò lăn ra vỉa hè.

 

III

 

Anh nhìn cố định vào một chỗ và thấy chúng, vài chục con, lượn vòng và bổ nhào dưới đám mù, chim biển, những con chim từ biển bay vào đây giờ này buổi sáng. Đường hãy còn nhờ nhờ tối trong sương mù giăng; và anh phải thận trọng để tránh đạp lũ sên đang bò qua vệ đường ẩm ướt. Một chiếc xe hơi để đèn sáng chạy chậm lại khi đi ngang qua anh. Một chiếc khác lướt qua. Rồi một chiếc khác nữa. Anh nhận ra họ là công nhân nhà máy, anh thì thầm với chính mình. Đó là sáng thứ hai. Anh rẽ vào một góc phố, đi ngang qua quán Blake: rèm cửa cuốn lên, mấy cái chai rỗng như đứng canh sau cửa. Trời lạnh. Anh cố đi thật nhanh, thỉnh thoảng khoanh tay và rụt vai. Rồi anh cũng về đến nhà, đèn ở cổng vẫn sáng, cửa sổ tối. Anh băng qua bãi cỏ rồi vòng ra sau nhà. Anh vặn quả đấm cửa, cánh cửa mở ra yên ắng và căn nhà cũng yên ắng. Kia là cái ghế cao bên cạnh giá phơi bát đĩa. Kia là cái bàn nơi họ đã ngồi. Anh đã đứng lên từ ghế sofa, vào nhà bếp, ngồi xuống. Anh đã làm gì nữa? Anh đã chẳng làm gì nữa cả. Anh nhìn cái đồng hồ phía trên bếp lò. Anh có thể ngó vào phòng ăn, cái bàn trải khăn đăng-ten, đôi hồng hạc bằng thuỷ tinh nặng nề giữa bàn, cánh xoè ra, rèm phía trên bàn để mở. Có phải vợ anh đã đứng ở cửa sổ kia ngóng đợi anh về? Anh bước lên tấm thảm phòng khách. Áo khoác của của cô vất trên ghế sofa, trong ánh sáng mờ mờ anh vẫn nhận ra cái gạt tàn đầy nhóc đầu lọc thuốc. Anh để ý thấy danh bạ điện thoại để mở trên bàn uống trà khi đi ngang qua. Anh khựng lại trước cánh cửa phòng ngủ mở hờ. Dường như đối với anh mọi thứ đều mở. Trong giây lát anh kháng cự lại cái ý muốn mở cửa nhìn cô, và rồi anh khẽ đẩy cửa mở rộng ra chút nữa. Cô đang ngủ, đầu chệch khỏi gối, xoay vào tường, mái tóc đen của cô xoã trên khăn trải giường, những tấm phủ dồn lại quanh vai, hờ hững trễ xuống chân giường. Cô nằm nghiêng, thân thể bí ẩn của cô tạo thành một góc nơi hông. Anh nhìn trừng trừng. Sau tất cả mọi chuyện, anh nên làm gì đây? Lấy đồ rồi bỏ đi? Tới khách sạn? Thu xếp vài chuyện gì đó? Người ta phải cư xử như thế nào trong những tình huống như thế này? Anh hiểu những sự việc đã diễn ra. Nhưng anh không hiểu bây giờ phải làm những việc gì. Căn nhà rất yên ắng.

Anh ngồi bên bàn trong nhà bếp, đầu gục vào tay. Anh chẳng biết phải làm gì. Không phải chỉ ngay bây giờ, anh nghĩ, không phải trong chuyện này, không phải chỉ về chuyện này, hôm nay và ngày mai, mà tất cả những ngày khác. Rồi anh nghe tiếng lũ trẻ khuấy động. Anh ngồi thẳng dậy và cố mỉm cười khi chúng vào trong bếp.

“Bố, bố”, chúng reo lên, những thân hình bé nhỏ chạy lại với anh.

“Bổ kể chuyện đi”, con trai anh nói, trèo vào lòng anh.

“Bố không kể chuyện đâu,” con gái anh nói. “Còn sớm quá nên không thể kể chuyện được, phải không bố?”

“Mặt bố có gì thế,” con trai anh nói, trỏ ngón tay.

“Để con xem nào,” con gái anh nói. “Bố để con xem.”

“Tội nghiệp bố,” con trai anh nói.

“Bố làm gì cái mặt bố thế?” con gái anh hỏi.

“Không có gì đâu”, Ralph đáp. “Mọi chuyện ổn cả mà, con gái cưng. Robert, con trèo xuống nào, bố nghe có tiếng mẹ.”

Ralph bước nhanh vào buồng tắm, khoá cửa lại.

“Bố có ở đây không?” anh nghe tiếng Marian hỏi. “Bố đâu, trong buồng tắm à? Ralph?”

“Mẹ, mẹ!” tiếng con gái anh kêu. “Mặt bố bị thương.”

“Ralph!” Cô vặn nắm đấm. “Ralph, cho em vào, Ralph? Cho em vào, anh. Em muốn gặp anh, Ralph? Đi mà!”

Anh bảo, “Đi đi, Marian.”

Cô nói, “Em không đi. Thôi nào, Ralph, mở cửa một phút thôi, anh! Em chỉ muốn nhìn anh, Ralph. Ralph? Con nói anh bị thương? Có chuyện gì không anh, Ralph?”

Anh bảo, “Đi đi.”

Cô nói, “Ralph, mở cửa đi mà anh.”

Anh bảo, “Em làm ơn im đi, được không?”

Anh nghe tiếng cô đợi ở cửa, anh thấy nắm đấm xoay lần nữa, và rồi nghe tiếng cô đi lại trong bếp, cho bọn trẻ ăn sáng, trả lời những câu hỏi của chúng. Anh nhìn mình trong gương một lúc lâu. Anh nhại chính mình. Anh cố tạo ra nhiều vẻ mặt khác nhau. Rồi anh bỏ cuộc. Anh quay ra, ngồi trên mép bồn tắm, tháo dây giày. Anh ngồi đó, tay cầm một chiếc giày, nhìn những chiếc thuyền buồm lướt qua đại dương xanh mênh mông là tấm màn phòng tắm bằng nhựa. Anh nghĩ đến những chiếc xe nhỏ màu đen trên khăn trải bàn và suýt kêu lên Ngừng lại! Anh cởi cúc áo, thở dài, khom người vào bồn tắm, và lắp nút vào chỗ xả nước. Anh vặn nước nóng, và hơi bắt đầu bốc lên.

Anh đứng trần truồng trên nền gạch trước khi bước vào bồn tắm. Anh nắn chỗ mỡ chảy sệ bên lườn. Anh ngắm nghía mặt mình một lần nữa trong tấm gương đã mờ đi. Anh giật mình khi nghe Marian gọi tên.

“Ralph, con đang chơi trong phòng. Em đã gọi Von Williams nói anh không đi làm hôm nay, và em cũng sẽ ở nhà.” Rồi cô tiếp: “Em đã làm sẵn bữa sáng ngon lành trên bếp, khi nào tắm xong thì anh ăn nhé. Ralph?”

“Làm ơn im đi,” anh nói.

Anh ở trong buồng tắm cho đến khi anh nghe tiếng vợ trong phòng các con. Cô đang mặc quần áo cho chúng, hỏi không phải là chúng muốn chơi với Warren và Roy hay sao? Anh đi băng qua nhà, vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Anh nhìn cái giường trước khi trườn vào. Anh nằm ngửa nhìn trần nhà. Anh đã đứng lên từ ghế sofa, đã vào nhà bếp, đã... ngồi... xuống. Anh nhắm mắt lại và xoay người nằm nghiêng khi Marian vào trong phòng. Cô cởi váy, ngồi xuống bên giường. Cô luồn tay vào dưới tấm đắp và bắt đầu vuốt ve chỗ thắt lưng anh.

“Ralph,” cô gọi.

Anh gồng người lại khi cô chạm vào, rồi anh thả lỏng một chút. Thả lỏng môt chút thì dễ chịu hơn. Tay cô lần qua hông anh, qua bụng anh và bây giờ thì người cô áp vào người anh, dịch chuyển tới lui trên người anh. Anh ghìm mình lại, sau này anh nhớ vậy, lâu hết mức có thể. Và anh nghiêng sang cô. Anh lăn qua lăn lại trong giấc ngủ lẽ ra là tuyệt vời, và anh vẫn còn xoay trở, kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ tràn ngập trong anh.

 

 

------------
Lâm Vũ Thao dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Will you please be quiet, please?”, trong Raymond Carver, Will You Please Quiet, Please? (London: The Harvill Press, 1999).

 

 

Đã đăng:

Người cha  (truyện / tuỳ bút) 
“The Father”, một truyện ngắn tiêu biểu cho lối viết “minimalist” của Raymond Carver (1938-1988) — một trong những tên tuổi đáng nhớ của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Kinh nghiệm viết truyện ngắn  (tiểu luận / nhận định) 
Tôi đã viết và đăng báo truyện ngắn đầu tiên của tôi vào năm 1963, cách đây hai mươi lăm năm, và bị lôi cuốn vào việc viết truyện ngắn kể từ đó. Tôi nghĩ một phần (chỉ một phần thôi) cái khuynh hướng thiên về tính cách ngắn gọn và căng thẳng phải có liên hệ đến sự kiện rằng tôi vừa là nhà thơ vừa là nhà viết truyện ngắn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thêm một điều nữa  (truyện / tuỳ bút) 
Maxine, vợ của L.D., đuổi anh ra khỏi nhà vào buổi tối chị đi làm về, thấy L.D. lại say rượu và nói năng lỗ mãng với Rae, đứa con gái mười lăm tuổi của họ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những sự vật nhỏ bé  (truyện / tuỳ bút) 
[...] Đồ chó đẻ! Tôi rất vui mừng thấy ông ra đi! Nàng bắt đầu khóc. Ông không dám nhìn thẳng vào mặt tôi, phải không?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Về truyện hư cấu đương đại  (tiểu luận / nhận định) 
Theo như tôi nghĩ, có lẽ tác phẩm tốt nhất, tác phẩm thú vị và thoả mãn nhất về nhiều mặt, thậm chí, có lẽ, tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là tác phẩm được viết dưới hình thức truyện ngắn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sợi lông  (truyện / tuỳ bút) 
Hắn dùng lưỡi khều nó một lúc rồi ngồi dậy trên giường và bắt đầu dùng hai ngón tay nhổ nó. Ngoài kia, một ngày đẹp trời sắp bắt đầu... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021