thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khẩu trang [I-IV]

 

Tôi nhìn cô. Ngày nào tôi cũng nhìn cô. Mỗi ngày ít nhất là hai lần.
Sự thật, tôi không biết cô là ai. Tôi cứ nhìn.

 

I.

 

Xanh dương

Hôm kia, 2/3 khuôn mặt của cô là màu xanh dương nhạt. Giống như màu của nước.

Tôi nhớ đến hôm nọ, tôi đã thấy mười khối não trên tay mình. Mười khối não đến từ sự nhão nhoét của hai bàn tay đã ngâm trong mảng màu xanh dương ấy quá lâu. Sự thể thì nước trong phòng tắm của nhà tôi màu trắng, không phải màu xanh. Đôi lúc, tôi muốn gọi nước là màu trắng. Việc này ngỡ như đơn giản nhưng cuối cùng tôi vẫn không làm được. Khi nghĩ đến vật thể đó, não trạng của tôi chưa kịp định hình chữ “nước” thì màu xanh dương đã đến trước.

Tôi vẫn chưa thể gọi nước là màu trắng. Có lẽ vì đại dương ngoài kia quá lớn.

Nước vốn không phải màu xanh. Và nó cũng không phải là màu trắng.

Chỉ có phòng tắm nhà tôi là trắng.

Gạch trắng. Tường trắng. Sơn trắng. Lavabo trắng. Bồn cầu trắng. Gương trắng.

Đôi bàn chân lấm lem bùn đất của tôi vấy bẩn, in những đốm đen li ti trên nền gạch trắng.

Tôi cởi áo. Dựa vào bức tường trắng thở dài. Bức tường thẩm thấu những phức cảm trong tôi.

Nước tung toé. Màu sơn trên cao ẩm nước trắng.

Tôi hì hục rũ bỏ bụi đường ở lavabo trắng.

Mặc nhiên để nỗi buồn trong cơ thể trôi đến bồn cầu trắng.

Nhìn vào gương trắng, tôi tự hỏi: đã thật sự rũ bỏ được bụi đường và nỗi buồn trong cơ thể?

 

Cuối cùng, tôi không gọi nước là màu trắng một lần nào. Nếu tôi gọi nó là màu trắng, tôi cũng sẽ chẳng khác với những người vì đại dương màu xanh mà gọi nước là màu xanh. Đương nhiên, khi gọi nước là màu xanh, tôi vẫn giống họ.

Nước không màu, hay nó có màu trong suốt. Tôi biết thế. Nếu tôi gọi nước là màu trong suốt, tôi vừa đúng lại vừa khác với số đông. Tuy vậy, trong tầng ý thức nào đó của tôi vẫn không thể chấp nhận được sự thật ấy. Cái sự thật rằng nước không thể làm chủ màu sắc của nó, phó mặc cho xung quanh biến chuyển bản thân. Và như thế, nước mất đi sự tự do của mình. Nhưng tôi nghĩ, nước có bao giờ được tự do? Nó luôn cần một cái hố để mọi người biết đến sự tồn tại của mình. Hồ, sông là những cái hố nhỏ. Và cả biển, cả đại dương cũng chỉ là những cái hố lớn. Nếu không có những cái hố này, nếu mặt đất phẳng lì, nước sẽ chạm vào đất, biến thành đất. Người ta sẽ không thấy nước nữa. Chỉ còn lại mặt đất nhão nhoét. Mười khối não đó vẫn còn nhão nhoét trong tay tôi dù toàn thân người đã được lau khô ráo.

Não trên từng ngón tay của tôi có nhiều nếp nhăn, xoắn xít, vây cuộn từng thớ thịt.

Lúc nhỏ, mỗi lần nhìn hai bàn tay nhăn nheo vì tắm quá lâu, tôi chỉ nghĩ rằng đây là bàn tay của người già. Chỉ trong một tích tắc, tay tôi đã già đi. Một khuôn mặt non trẻ nhưng lại có bàn tay của người già. Lần đầu tiên sợ hãi, tôi đưa tay cho mẹ xem. Có ai vì tắm mà già đi không? Không, con đừng lo. Chốc nữa, tay con sẽ trẻ lại.

 

II.

 

Có ai vì tắm mà già đi không?

Bây giờ tôi đã nhận ra đây không phải là điều bất khả dĩ.

 

Người ta chỉ tắm khi nào cảm thấy người mình thật nhơ nhuốc, những vết ố đang hoen gỉ nỗi buồn trên nhiều nhiều phần da thịt. Tắm để thanh tẩy bản thể, tìm lại sự tươi trẻ. Và khi không tìm được sự tươi trẻ, nỗi buồn cứ nép chặt vào da thịt cào cấu sau mỗi lần thanh tẩy, người ta nhận thấy mình đã già. Kể cả khi nghĩ rằng mình đã tìm lại được tuổi xuân, con người vẫn luôn già đi hàng giờ, hàng giờ. Cảm giác tươi mới trên cơ thể sau mỗi lần thanh tẩy không thể cứu vãn được sự già đi của nó trong khoảng cách vài giờ đồng hồ giữa hai lần tắm.

Cứ như thế, con người ta già đi lúc nào không hay sau mỗi lần tắm.

 

Cơ thể tôi luồn lách qua một hình tròn, hai hình ống trụ. Ngày nào nó cũng phải khổ sở luồn qua đó. Nhưng đấy chỉ mới là phần trên. Phần dưới của nó lại phải tiếp tục luồn qua hai hình ống trụ.

Vào một lần nào đó, trước và sau khi tắm, tôi vô tình nhận thấy rằng khi cởi đồ ra, tôi đã luôn cởi quần trước, áo sau. Khi mặc đồ vào thì ngược lại. Tôi tự hỏi những người khác thì như thế nào? Sự trái ngược trình tự của quần và áo khi mặc vào, cởi ra có hàm chứa một ý nghĩa tâm thức nào trong con người tôi không?

Lẽ đương nhiên, đó chỉ là những thắc mắc vu vơ của tôi. Tôi tự hỏi và ngay lúc đó chưa dành đến một giây để suy nghĩ câu trả lời. Bây giờ, tôi cũng không nhớ vì lẽ gì lần tắm lúc ấy, câu hỏi đó lại thành hình.

 

Quần áo chỉnh tề.

Tôi xoè rộng hai bàn tay để ngay tầm mắt nhìn. Mười khối não vẫn còn nguyên trên đó.

Bây giờ, khi nhìn mười bàn tay nhăn nheo này, tôi không còn nghĩ đó là tay của người già nữa. Tôi bắt đầu nhìn ra nó giống một khối não nhỏ từ lúc ăn não heo. Mẹ cho tôi ăn vào dịp tôi chuẩn bị thi đại học vì lí do “ăn gì bổ nấy, ăn não bổ não, thông minh, sáng suốt hơn”. Cuối cùng, tôi đã thi đậu đại học. Tôi không biết mình có thật sự thông minh, sáng suốt hơn khi ăn nhiều não heo như vậy không? Tôi chỉ biết một điều, mỗi ngày trôi qua, tôi lại có cảm giác não trong đầu tôi mỗi ngày một tăng khối lượng vì phải chất chứa quá nhiều điều nghĩ ngợi. Biết đâu có khi kí ức từ bộ não của những chú heo kia đã thật sự thâm nhập vào luồng suy nghĩ của não tôi.

Não trong đầu tôi nặng quá!

Cứ sau mỗi lần tắm nó lại một nặng thêm. Vì vậy, nó phải trút bớt trọng lượng của mình sang mười đầu ngón tay.

A! Thì ra não của tôi có hình dạng như vậy. Nhăn nheo như da của một người già.

Tôi khoái trá đưa não vào trong miệng cắn.

Tôi ăn não của mình mỗi ngày.

Tôi không ăn não heo nữa.

Tôi đã quá no khi ăn não của mình.

 

III.

 

Sau khi chấm dứt khẩu phần thức ăn não, tôi lại bước vào phòng tắm trắng, nhìn chiếc gương trắng và chải lại mái tóc rối bù mà lúc vừa tắm xong vội mặc áo vào trước, chưa kịp làm cho nó ngay ngắn.

Khuôn mặt tôi lộ diện dần sau lớp màn tóc.

“Khuôn mặt con nhìn lúc nào cũng buồn. Chẳng khi nào thấy mặt con tươi tỉnh hơn được một chút. Có lẽ vì vậy mà nó đem lại sự xui xẻo cho con quá nhiều,” mẹ tôi đã nói như thế khi cùng ăn cơm với tôi, lúc đó, tôi đang ăn não heo.

 

Giờ đây, qua tấm gương, tôi chỉ chú ý đúng 1/3 khuôn mặt của mình. Tức là phần từ trán đến dưới hai mắt. Có lẽ cái khuôn mặt mà mẹ tôi nói đến chủ yếu xuất phát từ khoảng 1/3 này. Đôi mắt của tôi nhìn có vẻ gì đó bần thần giống như mắt của một người đang buồn bã tìm kiếm một điều nào đó vừa đánh mất trong giấc mơ khi mới thức dậy. Cho dù khoảng 2/3 dưới, cái miệng tôi có toét ra hết cỡ thì nhìn toàn vẹn 3/3 vẫn thấy đó không phải là khuôn mặt của một người đang cười. Dường như, đó là vì người ta khó tìm lại được thứ đã đánh mất trong giấc mơ.

Tôi lại nhớ đến 1/3 khuôn mặt của cô gái đi chung tuyến xe bus cả lượt đi và về với tôi mỗi ngày. Giá mà mẹ tôi thấy được 1/3 khuôn mặt của cô gái đó. Vì nếu thấy 1/3 khuôn mặt ấy, có lẽ, mẹ đã không tủi hờn vì khuôn mặt u ám của con gái mình.

Tuy chỉ thấy được 1/3, tôi vẫn cảm nhận rất rõ, nếu thấy hết cả khuôn mặt của cô, đó sẽ là một khuôn mặt ảo não hơn tôi rất nhiều. Mái tóc cô để dài, loà xoà che gần hết cả phần trán. Một vài cọng đã bắt đầu lấn sang phần mắt. Tôi không biết đó là vì cô chưa kịp cắt ngắn hay vốn dĩ cô thích tóc mái dài ủ rũ như vậy. Nếu như không tính phần tóc, khoảng khuôn mặt cô mà tôi nhìn được chỉ có 1/6. Tôi chỉ thấy đúng mỗi đôi mắt của cô. Đó là đôi mắt của một người muốn mãi mãi chìm trong giấc mơ để tìm lại những thứ mình đã đánh mất. Đôi mắt đó buồn vì chối từ sự tỉnh táo, sự mở ra toang hoác của hai mí mắt. Như vậy, cô hơn tôi cả một cấp bậc.

 

Tôi cứ nhìn cô và bắt đầu tưởng tượng ra câu chuyện trong đầu mình: tôi sẽ chào hỏi cô khi chuyến xe bus này đến trạm cuối, tôi sẽ bảo cô cởi bỏ khẩu trang, cô sẽ chấp nhận (tôi không biết cô có vui vẻ khi làm điều đó hay không vì chỉ thấy được 1/6 khuôn mặt của cô), lớp khẩu trang được cởi bỏ, ngay lập tức tôi yêu cô, tôi không biết rõ tôi có yêu cô thật lòng hay không, điều tôi muốn làm nhất sau khi yêu cô là dẫn cô về nhà để gặp mẹ tôi, tôi tự hào chỉ vào khuôn mặt của cô mà nói, “đây là người con yêu, mẹ thấy không, khuôn mặt của cô ấy còn buồn hơn con nữa nhưng cô ấy vẫn rất đẹp, và con vẫn có thể yêu một người có khuôn mặt lúc nào cũng muộn phiền đấy thôi”, mẹ tôi sẽ gật đầu mỉm cười hài lòng, từ đó, bà sẽ không trách móc tôi vì khuôn mặt nữa bởi lẽ khi mang khuôn mặt sầu thảm vẫn có thể được một ai đó yêu tha thiết, tình yêu của tôi dành cho cô ấy là một minh chứng, vì vậy, sau này cũng sẽ có một người nào đó yêu lại khuôn mặt của tôi.

Câu chuyện tưởng tượng trong đầu tôi chấm dứt ở đó với một kết thúc có hậu. Mẹ tôi tỏ ra khá sốt ruột khi đến giờ này vẫn chưa ai yêu tôi dù tôi đã yêu đơn phương rất nhiều người và thường hay than thở với bà về tình yêu. Bà quy hết tất cả chuyện bất thành là do khuôn mặt của tôi. Tôi nghĩ, trong câu chuyện tưởng tượng đó, tôi yêu bản thân mình hơn là yêu cô. Tôi chỉ muốn lấy cô như một hình nhân thế mạng cho những rắc rối của tôi.

 

Thân hình cô lắc lư theo chiếc xe. Càng ra ngoại thành, đường đi càng gập ghềnh, xe càng lắc lư, đôi lúc dừng lại đột ngột.

Vẫn còn vài chiếc ghế trống trên xe nhưng cô không ngồi. Lúc nào cô cũng đứng dù có còn ghế trống hay không. Ngay cả khi người soát vé xe yêu cầu cô ngồi, cô chỉ lắc đầu. Họ yêu cầu cô lần thứ hai, cô chỉ đơn giản bảo rằng: “Trạm sau, chắc chắn sẽ có người già. Em cứ đứng sẵn vậy nhường chỗ cho họ. Em cũng muốn đứng để tranh thủ tập thể dục cho khoẻ người nữa” (khi nói như vậy, cô vẫn không gỡ bỏ khẩu trang ra).

Ban đầu, không một người nhân viên nào quen với việc ghế còn trống mà có người đứng. Sau một tuần, họ mặc nhiên coi đó là điều bình thường.

Cô luôn đứng ngay góc cột ở cửa sau xe. Ánh mắt cô đăm đắm nhìn ra khung cảnh phía ngoài. Nó cho tôi một cảm giác khá lạ lùng. Tôi luôn có cảm tưởng như cô sắp ra khỏi xe ở trạm kế tiếp.

Trạm đầu tiên đỗ, cô không bước ra khỏi xe. Ánh mắt cô chăm chú nhìn con đường đang trôi ngang.

Trạm thứ hai đỗ, cô vẫn không bước ra khỏi xe. Con đường vẫn trôi ngang trong mắt cô.

...

Dường như, trạm nào cô cũng muốn dừng lại mà dường như không trạm nào khiến cô thật sự muốn dừng lại. Hay là vì cô không thể dừng lại bất cứ trạm nào cho dù trong lòng có mong muốn?

Trông cô cứ như một người mộng du đang lang thang vô định trên những con đường trong giấc mơ của mình. Hết con đường này đến con đường kia.

 

Lẽ dĩ nhiên, tất cả những suy nghĩ trên chỉ là huyễn tưởng của tôi trong khoảng thời gian rảnh rỗi nhìn ngắm cô trên xe bus.

Ngay từ đầu, tôi đã biết chắc chắn rằng cô cũng sẽ dừng lại ở trạm cuối giống như tôi. Cô mặc bộ quân phục màu xanh lá. Cô đang trải qua kì học quân sự giống như tôi.

 

IV.

 

Tôi luôn thích ngồi vị trí ở cửa sau, gần bên cạnh cửa sổ khi đi xe bus. Khoảng thời gian khi bắt đầu đi xe bus, tôi thay đổi chỗ ngồi thường xuyên. Cho đến khi phát hiện vị trí lí tưởng này, tôi đã luôn ngồi ở đó. Nó lí tưởng với tôi vì ngồi ở đây, tôi vừa có thể ngắm được khuôn mặt và phản ứng của những người lên xuống xe bus, lại vừa có thể nhìn khung cảnh qua cửa sổ. Tất nhiên, đối tượng nhìn ngắm đầu tiên vẫn quan trọng hơn và là nguyên nhân chính yếu của tôi khi thích ngồi ở đây. Bởi lẽ, ngắm cảnh thì ngồi bên cửa sổ bất cứ vị trí nào cũng có thể thấy được nhưng nhìn cận cảnh nhất khuôn mặt của những người lên xuống xe bus thì chỉ có vị trí này.

Vì sở thích hay thói quen đó, tôi vô tình nhìn ngắm cô mỗi ngày ít nhất hai lần. Và rồi việc tôi nhìn ngắm cô đã trở thành một thói quen hay sở thích lúc nào không hay.

 

Xe dừng lại ở bến.

Xuống bến xe, nếu ai có đeo khẩu trang, họ đều gỡ bỏ nó ra.

Khẩu trang màu xanh dương nhạt vẫn che 2/3, à không, 4/6 khuôn mặt của cô.

Cô không đi xe ôm. Cô đi bộ.

Tôi thích đi bộ để vừa thong thả ngắm cảnh đường, vừa tranh thủ tập thể dục.

Tôi hiểu cảm giác sức khoẻ ốm yếu mà không có thời gian tập thể dục. Nhưng tôi không tranh thủ đến mức luôn đứng trên xe bus như cô.

Có lẽ... sức khoẻ của cô rất kém.

Tôi lặng lẽ đi bộ theo sau cô một quãng đường dài.

Nhiều lúc, tôi muốn vượt lên cô, nhân lúc cô không chú ý, tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ lớp khẩu trang của cô để xem 4/6 khuôn mặt còn lại ấy.

“Dù gì khi vào trường, cô ấy cũng sẽ phải gỡ bỏ khẩu trang”, tôi nghĩ như thế và lại tiếp tục lầm lũi bước theo sau cô.

 

Tôi đã lầm. Ngay cả khi đã có hiệu lệnh tập hợp, cô vẫn cứ đeo khẩu trang. Tôi đành phải về đại đội của mình. Tôi ở đại đội 2. Có vẻ như cô ở tận đại đội 9, 10. Tôi hoàn toàn không thể thấy được cô. Bóng cô đã hoà vào rừng áo xanh lá.

“Tại sao đã vào hàng ngũ tập trung rồi mà một số em vẫn còn đeo ba lô, xắn tay áo lên cao, không đội mũ, có em còn đeo cả khẩu trang. Tất cả các em phải lập tức chỉnh trang lại quân phục, tác phong.”

Dù giọng nói đó rất nghiêm trang và dõng dạc, tôi vẫn phì cười ở đoạn “... có em còn đeo cả khẩu trang...”, khi nghĩ đến khuôn mặt của cô gái ấy. Có lẽ bây giờ, 5/6 khuôn mặt của cô đã lộ diện. Tôi tự hỏi vì sao cô không thể tháo bỏ khẩu trang ấy sớm hơn?

 

(còn tiếp)

 

 

------------

Đã đăng:

Chia tay  (truyện / tuỳ bút) 
dấu chấm của tôi đâu mất rồi? ai? ai lấy đi dấu chấm của tôi? ai hay là những ai? không. dấu chấm của tôi không bị lấy đi mất. nó vẫn còn đó. nằm ở phía dưới dấu hỏi. vì còn dấu hỏi nên còn dấu chấm. vậy là tôi vẫn còn có thể tiếp tục viết được bằng cách lấy dấu chấm từ dấu hỏi. phải. dấu chấm vẫn còn tồn tại. nó chỉ bị lấy mất đi cái gọi là qui tắc dấu chấm. thứ qui tắc bắt buộc sau một dấu chấm phải nở lên một bông hoa. một và chỉ một mà thôi. nhiều hơn một chút cũng không được... (...)
 
Khói  (truyện / tuỳ bút) 
Điếu thuốc trong tay tôi đã tàn. Từ lúc nào đó, những làn khói không còn bay ra từ cái ống giấy màu trắng ấy nữa... Điếu thuốc ấy đến lúc phải tàn hay do chính bàn tay tôi tự dập tắt nó đi? Tôi thật sự không biết được câu trả lời. Có lẽ độ vài phút trước. Tôi ước chừng như thế. Trong cái trục thời gian mà người ta đã chia ra chính xác rằng 1 ngày có 24 giờ, 1 giờ có 60 phút, 1 phút có 60 giây... dường như vẫn luôn có những khoảng thời gian mơ hồ len lỏi giữa 1, 24 và 60. Nó là những khoảnh khắc ta đột nhiên mất ý niệm về thời gian, có một điều gì đó trong vũ trụ không còn tồn tại nữa... (...)
 
Sóng  (truyện / tuỳ bút) 
Có một ngày, tôi chợt phát hiện rằng ở một nơi nào đó trên thế giới tồn tại một khu rừng. Một khu rừng mà ở đó ánh sáng sinh ra bóng tối. Hay có thể nói cách khác, những tia sáng chứa trong nó màu của bóng tối. Tôi không biết liệu cách nói nào sẽ đúng hơn? Ánh sáng sinh ra bóng tối hay vốn dĩ ánh sáng vẫn thường chứa trong nó bóng tối?... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021