thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đoá hồng vàng
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)

 

Không phải Giambattista Marino -- con người lẫy lừng được tất cả miệng lưỡi của cái Danh (một hình ảnh ông ưa thích) đồng tâm ca tụng là tân Homer hay tân Dante -- đã qua đời vào chiều hôm đó hay chiều hôm sau, mà chính cái sự kiện bất động và im lặng xảy ra chiều hôm đó, quả thật, đã là cử chỉ cuối cùng của đời ông. Dưới sức nặng của tuổi đời và bao nhiêu niềm vinh dự, ông nằm chết trên một chiếc giường Tây Ban Nha rộng thênh thang có những trụ chạm trổ. Chúng ta dễ dàng hình dung một hành lang yên tĩnh cách đó vài bước, nhìn về hướng tây, và dưới đó, là những tượng cẩm thạch và những tàn nguyệt quế và một thảo viên có những bậc tam cấp thoai thoải soi bóng trên mặt hồ nước hình chữ nhật. Một người đàn bà đã cắm một đoá hồng vàng vào chiếc cốc có chân đế; và ông không khỏi thầm thì những câu thơ ngay cả chính ông giờ đây cũng đã, nói cho đúng, hơi chán rồi:

                       Porpora de' giardin, pompa de' prato,

                       Gemma di primavera, occhio d'aprile...

Rồi sự mặc khải xảy đến. Marino thấy đoá hồng như Adam đã thấy nó trên Thiên Đàng, và ông nhận ra rằng đoá hồng nằm bên trong sự vĩnh cửu của chính nó, chứ không phải trong câu chữ của ông; và rằng chúng ta chỉ có thể nói về nó, ngụ ý về nó, nhưng không bao giờ thực sự diễn tả nó; và rằng những pho sách đồ sộ, ngạo nghễ, toả ánh kim nhũ ở góc phòng đã chẳng là -- như óc phù phiếm của ông đã tưởng -- một tấm gương phản ánh thế giới, mà thật ra chỉ là một vật thể thêm vào thế giới.

Marino đạt khoảnh khắc khai ngộ ấy vào giờ hoàng hôn của đời ông, và Homer và Dante có lẽ cũng đã đạt điều ấy.

 

Nguyên tác: "Una rosa amarilla", trong Jorge Luis Borges, El hacedor [Kẻ tạo tác],
(Madrid: Alianza Editorial, 1972)

____________________________________________________

Ghi chú của người dịch:

Borges trích hai câu thơ tiếng Ý trên đây từ bài "L'adone" của Giambattista Marino (1569-1625). Tạm dịch:

Sắc tía của thảo viên, vẻ tráng lệ của đồng cỏ,

Viên ngọc của mùa xuân, con mắt của tháng tư...

____________________________________________________

Cùng một tác giả:

"Một lời nguyện cầu"

"Huyền thoại"

"Dreamtigers"

"Argumentum Ornithologicum"

"Cuộc đối thoại về một cuộc đối thoại"

"Borges và tôi"

"Chiếc đĩa"


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021