thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nay Sương ở Tà Nung

 

Tặng Tiêu Dao Bảo Cự

 

Những ngày này của anh ở thành phố Đà Lạt trở nên quá hoang vu, người thân quen gần như chẳng còn ai để gặp. Buổi sáng anh uống cà-phê trong quán ngoài phố với bạn, gần như là người bạn duy nhất ở đây — Thăng, The Last of the Mohicans. Rời quán, Thăng đi làm phận sự bảo vệ tại một trường học. Đi Tà Nung, anh quyết định như vậy, để thoát khỏi tình trạng trống rỗng của một ngày. Anh không biết gì về Tà Nung ngoài cái địa danh, Tà Nung thu hút anh vì tên gọi của nó, và vì nguồn tin không biết anh nghe được từ đâu, Tà Nung là nơi sản xuất một thứ rượu vang chưa hề có ở Việt Nam.

Thăng chỉ dẫn anh chỗ đón xe buýt tại thành phố Đà Lạt, đi khoảng ba chục cây số là tới Tà Nung.

 

---------

Anh ngỡ sẽ gặp một buôn làng của người dân tộc thiểu số, như Tutr’a ở Đơn Dương. Hoá ra không phải. Đấy là Tà Nung thuở trước, bây giờ người miền Bắc vào đây lập vùng kinh tế mới, xây dựng thành Thị trấn Tà Nung.

Rời xa vùng trung tâm Tà Nung, những phố xá nhà cửa như mọi thị trấn anh đã đi qua, anh gặp con đường đất nhạt màu, quạnh vắng, rừng núi xanh thẳm cuối tầm mắt.

Trong quán lều tranh trơ vơ giữa đường, anh là người khách thứ hai. Cô gái vào quán có lẽ trước anh chút ít, phin cà-phê trước mặt cô gái còn đang nhỏ giọt. Cô gái khá xinh đẹp, nhìn anh chăm chú ngạc nhiên, gật đầu chào anh. “Hình như tôi đã từng gặp cô ở đâu rồi.” “Gặp tôi ở đâu rồi ư?... Tôi là Nay Sương.” Cái tên thoát ra đầy tự tin, từ đôi môi đều đặn, đậm nét và hoà hợp trên gương mặt. “Cô là Nay Sương ở thị trấn Dran?” Cô gái cười nhẹ, nói: “Anh cứ yên tâm, tôi không trùng tên với ai ở thị trấn Dran.”

Anh ngồi một bên bàn, trước mặt cô gái, nhìn chung quanh để gọi thức uống. Nay Sương nhấc cái phin cà-phê đặt xuống mặt bàn, thản nhiên nói: “Anh biết pha cà-phê đấy chứ? Thích uống thế nào cứ tự động làm.” Anh không hiểu gì hết, hỏi cô gái: “Vậy chủ quán đâu? Cô cũng tự pha cà-phê à?” Nay Sương không trả lời, đứng lên, đi tới phía quầy gỗ có để ly tách, phin pha cà-phê, bình thủy... Anh nhìn phía sau lưng Nay Sương, nghe cô gái hỏi: “Anh cũng uống cà-phê phin chứ? Đen hay nâu hay cà-phê đá?” Anh nói, giọng ra vẻ tự nhiên, thân thuộc: “Nâu!”

Nay Sương trở lại bàn, phin cà-phê nhỏ giọt đen đậm xuống cái ly có chút sữa ở đáy. “Hơi ít sữa phải không? Như vậy mới ra ‘nâu’, đúng điệu Hà Nội của anh đấy.” Anh từng ra Hà Nội, họ gọi cà-phê sữa vắn gọn để ra vẻ sành điệu là “nâu”. Cô gái uống thật chậm rãi ly cà-phê đen nóng, miệng ly không rời xa đôi môi đều đặn rõ nét. “Có vẻ cô đã ra Hà Nội... Tôi không phải là người Hà Nội như cô nghĩ. Tôi rời Hà Nội vào Đà Lạt từ nhỏ, không hề là người Hà-Nội-nâu một chút xíu nào.” Cô gái cười, rung cả thân hình đầy đặn, gợi cảm: “Nói đùa anh một-chút-xíu thôi... Mà sao anh biết tôi ở Dran, anh gặp tôi hồi nào?”

Nhận ra vẻ tìm kiếm của anh, cô gái nói: “Anh bận tâm làm gì chủ quán ở đâu, đã có cà-phê cho anh, lại có người tiếp chuyện nữa. Anh nên nhớ lại những ngày ở Dran.”

Đúng là anh đã sống ở Dran thời gian dài, chỉ không trở lại từ hơn một năm nay, khi chị Tường mất. Chị Tường xinh đẹp và ở vậy, chờ người yêu đã xa biệt từ những năm Cách Mạng Mùa Thu. Chị và người bạn thân của anh ở Đà Lạt — Thăng, Người Mohican Cuối Cùng — thường nhắc tới Nay Sương. Cả hai đều nói đấy là cô gái thích hợp, và sẽ là hạnh phúc của đời anh nếu anh có duyên gặp gỡ. Tuy nhiên những ngày ở thị trấn Dran anh chưa từng gặp Nay Sương, có lẽ những ngày đó cô gái ở thành phố Đà Lạt, đang học tại Lycée Yersin.

Anh nói: “Cô biết Thăng chứ? Tôi từng nghe Thăng nói về cô, ngay cả hôm qua, Thăng vẫn còn nhắc tới cô, Không biết bây giờ Nay Sương còn ở Dran hay đã đi nước ngoài?...” Cô gái reo lên: “Ah! The Last of the Mohicans!”

Anh ngắm nhìn Nay Sương, cô gái thích hợp và sẽ là hạnh phúc của đời anh nếu anh có duyên gặp gỡ, da ngăm-bánh-mật, nước-da-bồ-quân, như người ta nói, như vẫn thấy ở màu da người dân tộc thiểu số. “Nay Sương là người Koho hay H’mông?” “Anh thực sự quan tâm tôi thuộc sắc tộc nào à? Nếu tôi nói tôi là người Koho hay ngược lại, thì anh sẽ biết gì hơn? Anh có bận tâm nghiên cứu về dân tộc học? ” Anh thừa nhận cô gái nói đúng, anh biết Nay Sương là người Koho hay người H’mông thì cũng không khác gì nhau. Có thể anh biết chút đỉnh, vì anh đã thấy và đã nghe nhiều người nói: người Koho, người H’mông khác biệt hẳn người Ra-đê, là những người còn nhiều vẻ hoang dã. Anh thấy Nay Sương không khác những phụ nữ Việt Nam, mạnh mẽ hơn và mang chút gì đó huyền bí của núi rừng.

Anh khuấy cà-phê sữa và nói: “Tôi luôn luôn uống cà-phê đen chứ không phải ‘nâu’ như lúc này, và hút thuốc lá Bastos xanh đã mấy chục năm, từ lúc quen biết cha Cassaigne, ông giám mục người Pháp ở trại phong Di Linh, ông ấy chết hồi cuối năm một chín bảy ba... Nhiều buổi sáng trong những năm một chín sáu tám một chín sáu chín, tôi uống cà-phê ở đường Nhà Chung bên hông Nhà Thờ Con Gà với cha Cassaigne. Ông ấy đẹp như điêu khắc gia Rodin, rậm râu hơn. Ông luôn luôn uống cà-phê đen và hút thuốc lá Bastos xanh, thuở đó thuốc Bastos không có đầu lọc, và tên thuốc Bastos viết theo nguyên ngữ Tây Ban Nha, mẫu tự cuối là Z chứ không phải S theo tiếng Pháp như bây giờ. Cha Cassaigne xem tôi là một người bạn vong niên.” “Bây giờ anh còn nhiều bạn không, ngoài anh Thăng ở đường Bùi Thị Xuân?” “Thăng gần như là người bạn duy nhất của tôi còn lại tại Đà Lạt, vẫn ở đường Bùi Thị Xuân, làm bảo vệ của trường trung học phổ thông Nguyễn Du đối diện nhà. Thăng đi làm, tôi thấy một ngày quá dài quá trống, nên mới có chuyến đi Tà Nung như cô thấy trước mắt đây... Và tôi phải bày tỏ nỗi vui mừng, rất vui mừng được gặp Nay Sương ở Tà Nung.”

Anh không thể biết cô gái cảm nghĩ ra sao khi anh bày tỏ như vậy, gương mặt cô gái Koho hay H’mông hay sắc tộc nào đó với đôi mắt đẹp hơi nheo lại, mi dài đậm muốn chạm vào nhau, mơ màng nhìn con đường đất nhạt màu xa hút, hẳn là lối vào buôn làng ở Tà Nung. Cùng lúc anh nhớ lại niềm vui lần đầu gặp gỡ Tiêu Dao Bảo Cự ở Đà Lạt, người mà anh từng nghe nói tới từ rất nhiều năm trước. Niềm vui gặp bạn mới, sự thật là vậy, Tiêu Dao Bảo Cự bằng tuổi anh, một dáng vẻ cô độc dịu dàng bí ẩn, và một quá trình cuộc sống khác hẳn anh. Qua mấy buổi chuyện trò, đọc cuốn nhật ký đã công bố như một tác phẩm của nhà văn, anh nhận ra Tiêu Dao Bảo Cự và anh có cùng một bản chất văn nghệ và có quá nhiều tính nết giống nhau. Anh nghĩ anh sẽ phải nói thêm với Nay Sương về bạn hữu của anh, người bạn mới Tiêu Dao Bảo Cự gặp gỡ cách đây đúng một tuần lễ.

“Bây giờ anh làm gì?” Anh nghe Nay Sương hỏi đột ngột. “Bây giờ tôi làm gì hả? Tự nhiên tôi thấy khó trả lời... Người bạn tôi mới gặp là nhà văn, trong một lần công an thẩm vấn đã hỏi tương tự vậy, người bạn tôi cũng thấy khó để xác nhận mình là nhà văn. Người bạn ghi lại lúc ấy trong tác phẩm vốn là cuốn nhật ký, tôi có mang theo đây...” Anh đọc: T. còn đề nghị tôi lấy tư cách nhà văn để cam đoan. Tôi nói tôi làm việc với công an trên tư cách công dân chứ không phải nhà văn, vả lại tôi không tự cho mình là nhà văn mà chỉ là một người cầm bút. T. nói anh ta rất trọng nhà văn còn công dân thì bây giờ cũng có quá nhiều công dân ‘ba búa’, trộm cắp, xì ke ma tuý đủ cả. Anh ta cứ nằng nặc yêu cầu tôi cam đoan với tư cách nhà văn. Tôi thấy hoá ra nhà văn đối với công an cũng có giá phần nào nên tôi xiêu lòng viết theo ý anh ta.

Anh cất trở lại cuốn nhật ký của Tiêu Dao Bảo Cự vào trong ba-lô. Nay Sương nói: “Vậy là đủ để tôi biết anh làm gì rồi! Nhà văn! Cách trả lời của nhà văn có khác!... Tôi cũng trân trọng nhà văn, có lẽ trân trọng yêu quý nhà văn hơn cả ông công an thẩm vấn người bạn mới của anh. Và tôi cũng xiêu lòng vì anh là nhà văn, như người bạn mới của anh xiêu lòng vì sự ngưỡng mộ nhà văn của ông công an đó.” Nay Sương bày tỏ ý nghĩ thật hồn nhiên, lại thông minh khéo nói nữa, đúng là cô gái từng học ở Lycée Yersin Đà Lạt.

Anh thốt nhiên thấy mình như vừa thức giấc hay vừa rơi vào cơn mơ: cảnh tượng lạ lùng, lều quán vắng giữa đồng không mông quạnh, và Nay Sương trong hư tưởng hiện ra bằng xương bằng thịt. “Nay Sương làm gì ở đây?... À... chắc Nay Sương làm việc trong công ty sản xuất rượu vang của người nước ngoài?” Anh hỏi Nay Sương, chợt nghĩ có thể cô gái đã lập gia đình với một ông người Pháp hay một ông người Ý.

Anh vừa dứt lời, Nay Sương đứng ngay dậy, đi qua phía anh. Vòng tay ôm lấy anh, Nay Sương thì thầm: “Gọi em là em... và hôn em đi... đừng hỏi em gì cả.” Anh vòng tay quanh thân thể đầy đặn đầm ấm của Nay Sương, hơi kiễng chân lên để hôn vì Nay Sương cao lớn, lại đi giày cao gót nữa.

 

---------

Thăng nói: “Tôi không nghĩ mình lại khoẻ như vậy, vác bạn say mèm ở quán rượu trên Khu Hoà Bình, về tới nhà dám gần ba cây số... Vai mình hơi ê một chút, hai chân bây giờ mới bắt đầu mỏi mỏi. Lúc say rượu, thân thể người ta nặng hơn bình thường.”

Hoá ra anh đã không đi Tà Nung mà vào một quán rượu, ở con đường cao nhất phố núi, phía trên Khu Hoà Bình trung tâm Đà Lạt. Hình như anh đã uống khá nhiều rượu vang, chắc chắn nhiều hơn một chai vang Bordeaux mà ông tiếp viên nhà hàng rất lịch sự, áo sơ-mi dài tay trắng toát có cài khuy thắt nơ, trịnh trọng quảng cáo chào mời: “Rượu vang Bordeaux mang nhãn hiệu Château Chaubinet là số một! Năm sản xuất hai ngàn lẻ bảy cũng là số một!”

Thăng bảo giấc mơ của anh thật lạ lùng, những gì anh thấy trong mơ về Tà Nung anh chưa từng tới, và Nay Sương anh chưa từng gặp, gần đúng y hệt trong thực tế. Và cũng vì say bất tỉnh, anh mới biết tại sao bạn hữu gọi Thăng là The Last of the Mohicans. Người-cuối-cùng-của-bộ-lạc-Mohicans đầy sức lực, dũng mãnh vác kẻ say rượu trên vai, đi bộ đường dốc lên xuống uốn lượn gần ba cây số mà chỉ ê vai mỏi chân một chút.

 

Sài Gòn 13.8.2010

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021