thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà văn

 

Quán rộng rinh, có vài ba người. Hai người là khách ngồi uống rượu, một hay hai người của quán thấp thoáng đây đó. Đăng không có cảm giác trống vắng do cách sắp đặt trong quán, vả lại men rượu ngấm dần, Đăng thấy bừng bừng, có lẽ mặt anh đã hồng lên. Đăng nhìn quanh, không có tấm gương nào để soi, như thường thấy có gắn gương ở những quán giống kiểu quán này, trang trí mỹ thuật công phu, hình như theo phong cách thế kỷ mười chín ở nước Pháp. Đăng biết những kiểu dáng như vậy qua phim ảnh sách báo, anh chưa từng ra khỏi đất nước xứ sở.

Chấn nói: “Cũng nhờ cái tự truyện bạn viết, mình mới gặp được bạn.” Chấn là bạn học với Đăng từ thời học sinh tiểu học ở Đa Thọ - Đà Lạt, sau đó Chấn sang Pháp, hai người xa cách nhau đã hơn nửa thế kỷ, không hề có liên lạc, bây giờ gặp lại, Đăng rủ Chấn tới uống rượu ở quán này. “Tôi cứ nghĩ bạn là nhà văn thì phải ở trong Hội nhà văn, về Sài Gòn hỏi thăm mới biết bạn chả ở trong Hội nhà văn gì cả, cũng may ở Hội nhà văn có người biết số điện thoại của bạn...” Hai chai rượu vang Chi-lê cạn kiệt, hình như cả hai người đã ngà ngà say. “Hội nhà văn đâu phải chỗ cư ngụ của nhà văn mà anh tìm tôi ở đó.” “Thế bạn không phải là hội viên Hội nhà văn thật à? Họ không thâu nhận bạn...” Đăng cười muốn sặc rượu, ngắt lời bạn: “Ý Chấn nói là ‘kết nạp’ phải không? Họ có đề nghị tôi làm đơn để họ kết nạp đấy chứ. Lúc đó tôi hỏi nhà văn Anh Đức, tức là cái ông nhà văn Việt cộng ở trong ban chấp hành Hội nhà văn thành phố, một năm Hội nhà văn của các ông tổ chức liên hoan ăn nhậu mấy lần mà bảo tôi làm đơn xin vào Hội?”

Đăng nhìn ngắm người bạn thuở nhỏ, hơn nửa thế kỷ sau mới gặp lại, ấy vậy mà không thấy lạ lẫm gì, vẫn là chàng Chấn đẹp trai từ bé, cứ thế cứ thế mà lớn lên, và nay thì mái tóc chớm muối tiêu rồi. “Vẫn y khuôn Vũ Đức Chấn đẹp trai thuở nào.” Đăng nói vậy, Chấn cười cười: “Mình làm sao đẹp trai bằng bạn được... Mà bây giờ tụi mình là đẹp lão chứ còn đẹp trai gì nữa. Hôm mình đọc cái tự truyện của bạn đăng ở tờ báo bên Mỹ, mình mừng quá. Hoá ra cái anh chàng Nguyễn Như Đăng ốm nhom ốm nhách, học giỏi nhưng chúa lười, quậy phá một cây, bây giờ là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, mình thấy vinh hạnh lây. Nhà văn Nguyễn Đăng, bạn thân của mình từ thuở nhỏ!... Phải nói là may mắn thật đấy, mình lười đọc báo chí thơ văn cũng chỉ vì bận chuyện đô vật, vật lộn với đô-la quá mệt rồi, chứ mình mê thơ văn lắm, mình đọc trúng cái tự truyện của bạn, mới có cái may mắn để gặp bạn hôm nay.” “Tôi chuyên viết tự truyện mà, truyện gì tôi viết cũng khởi sự từ tôi.” Chấn ngạc nhiên: “Vậy thì bạn là một trường hợp lạ lùng đấy chứ. Tôi nghĩ nhà văn là người chuyên viết truyện từ óc tưởng tượng, từ hư cấu, chứ có thấy ai chuyên viết khởi-sự-từ-tôi như bạn nói.” “Có chứ, ít nhất một nhà văn là người bạn mới của tôi ở Đà Lạt, chín mươi chín phần trăm truyện ngắn của anh là tự truyện, Truyện Khởi Sự Từ Tôi. Đó là nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự.” Chấn nhìn Đăng thán phục, nói: “Thú vị nhỉ, bản thân là nhà văn đã vinh dự, lại bạn bè với những con người đáng tôn quý là nhà văn. Hồi ở Pháp, được làm việc ở một nhà in mình đã thấy vẻ vang, sau đó sang Mỹ không có cơ hội quý báu như vậy nữa. Bây giờ mình làm việc trong một xưởng đồ hộp, cuộc sống chất ngất toàn đồ hộp với đồ hộp. Lúc nãy thoáng thấy hộp cá hộp thịt gì đấy mình đã ớn tới cổ, mới bảo tay chạy bàn ra ngoài mua thứ gì khác đấy chứ. Cái quán lớn thế này mà chả có đồ gì để nhậu.” Đăng nói: “Đây là quán rượu kiểu Tây, nghĩa là có đủ loại rượu và có cà phê, chứ không phải quán nhậu như thường thấy ở Sài Gòn.” Hai chai rượu vang Chi-lê đã cạn kiệt, hai người đã ngà ngà say, bây giờ uống cà phê. Đăng ngó nhãn hiệu trên hộp cà phê để trong ngăn tủ kính của quán: Cà Phê Ban Mê, hàng dưới ghi địa chỉ sản xuất tại thành phố Buôn Ma Thuột, anh nói: “Được đấy, tôi vẫn thích gọi là cà phê Ban Mê, tức là thành phố Ban Mê Thuột, xứ Buồn-Muôn-Thuở của những người lính Việt Nam Cộng Hoà thuở trước.”

Chấn nhìn ra khắp phía ngoài, khung cảnh quán lạ lùng, toà nhà kiên cố giữa vùng hoang sơ, có cái ao khá lớn gần đấy, xa nữa là bờ bụi rừng cây, thấp thoáng những mái nhà một thôn làng nào đó. Chấn nhìn mãi cái ao, nói không biết tại sao lại có cái ao ở đấy. “Bạn có nhớ quyển truyện La mare au diable - Ao có ma - của nữ văn sĩ George Sand không nhỉ?” “Có biết nhưng chưa đọc. Tôi chỉ đọc cuốn truyện tình quê của bà ấy từ lâu lắm rồi, La petite Fadette - Cô gái Fadette -, trong đó có hai anh em sinh đôi quá quấn quít nhau ấy mà.”

Chấn sực nhớ người em sinh đôi của Đăng học cùng trường ở Đa Thọ, lúc đó đã nổi tiếng giỏi Văn. “À, người em song sinh của bạn bây giờ có trở thành nhà văn như bạn không?” Giọng Đăng buồn rầu: “Em tôi bị liệt bại từ nhỏ, nằm một chỗ sống đời thực vật, còn trở thành gì được nữa. Ông thầy thuốc chích quá liều hay sao ấy trong một cơn bệnh, em tôi trở nên bán thân bất toại. Có lẽ khi đó anh đã rời Đa Thọ đi Pháp nên không biết.” Chấn thở dài rồi chép miệng, nói: “Vậy thì quá tội nghiệp cho người em song sinh của bạn, nếu không thì hẳn đã trở thành nhà văn như bạn. Người em song sinh với bạn tên là gì nhỉ... à Thái Đăng... hồi tụi mình học ở Đa Thọ, Thái Đăng đã nổi tiếng khắp Đà Lạt là rất giỏi môn Tập Làm Văn... À, hai anh em song sinh nên được đặt cùng một tên à?” “Cha mẹ chúng tôi thích đặt như vậy, chứ đâu phải có luật định nào để đặt tên cho anh em sinh đôi như vậy. Chúng tôi chỉ khác tên đệm mà thôi, em tôi là Thái Đăng, tôi là Như Đăng.” “Ừ, như thế cũng hay. Mà hai anh em song sinh thì một người trở thành nhà văn là được rồi. Bởi hai anh em song sinh tuy hai mà một. Mình nghĩ, đấy là sự sắp đặt của tạo hoá. Hai anh em song sinh, giống nhau tới mức người trong nhà còn lộn, mà lại cùng trở thành nhà văn nữa thì kỳ quá. Ông Trời phải công bằng chứ, cho một trong hai người được vinh dự là nhà văn mà thôi.”

Cơn mưa từ phía rừng cây kéo tới, trên mặt ao lúc này mù sương, lan toả trong làn mưa. Chấn có cảm giác rõ rệt sương mù từ cái ao bốc lên. Hình như quán âm u từ nãy giờ nhưng không thấy bật đèn sáng. “Đâu có kỳ quá như anh nói. Tại sao Thái Đăng lại không có thể trở thành một nhà văn?” “Ừ nhỉ... nằm một chỗ cũng vẫn trở thành nhà văn được chứ, như nữ văn sĩ Carson McCullers của Mỹ đó. Mình thấy kỳ ở chỗ hai người đã quá giống nhau rồi, chả cần giống thêm cái nghề nghiệp gì nữa.” “Ý nghĩ đó mới kỳ. Anh em sinh đôi chỉ giống nhau ở mặt mũi thân thể tứ chi, chứ cái hệ thống ‘gène’ đâu giống nhau.” “Ừ, đúng rồi, mình nhớ mình từng đọc sách nói về song sinh, cả quyển truyện Solid Mandala của nhà văn Úc được giải Nobel... Patrick White: Anh em song sinh, bản chất tính tình trí tuệ khuynh hướng khác hẳn nhau, có thể là trái ngược nhau nữa. Như vậy người em song sinh của bạn không là nhà văn như bạn thì đúng quá rồi. Thái Đăng có thể là một nhà khoa học, khác hẳn một nhà văn.” “Anh nói đúng. Em tôi đã là một nhà khoa học, một nhà khoa-học-xã-hội-nhân-văn, chính xác là một nhà văn. Cái tự truyện anh đọc ở tờ báo bên Mỹ, anh tưởng là của tôi, chính là của em tôi.” Chấn, đôi mắt tròn xoe, nói: “Đấy là tự truyện của bạn chứ. Mình nhớ kỹ trong tự truyện ấy chả có tí gì là của một ‘homme perclus’ như bản thân tác giả là em của bạn.” Đăng cười, nói khẽ: “Anh không để ý tâm lý của người khuyết tật đấy thôi, họ luôn giấu nhẹm cái khuyết tật của bản thân, như loài mèo vùi kín cục phẩn của nó vậy. Với lại, loại Tự truyện - Khởi-sự-từ-tôi vẫn là truyện, viết TR, chứ không phải chuyện, viết CH, như câu chuyện kể về mình với bạn phương xa, hay bản tường trình, thành khẩn khai báo cho anh công an khu vực nắm rõ. Anh không nên hiểu tự truyện như vậy. Tự truyện không phải là chỗ để người mù sờ voi, rồi mô tả con voi cho chính mình nhận biết. Một tự truyện trăm phần trăm của nhà văn vẫn cần tới tưởng tượng, vẫn cần hư cấu như mọi sáng tác phẩm.” “Thế còn những truyện ngắn khác, là của bạn hay của người em?” “Tất cả những truyện ngắn mọi người tưởng của tôi, vì chính tôi đã tự nhận của mình, đều là truyện ngắn của nhà văn Thái Đăng, người em sinh đôi của Như Đăng tôi. Anh biết rồi đấy, em tôi nằm một chỗ trong bốn bức vách nhà, chỉ có tôi đi gửi truyện đăng báo, liên hệ nhà xuất bản, vân vân. Cũng may cho gã khốn kiếp tôi, là chúng tôi cùng tên, chỉ khác tên đệm, nên tôi rất mừng khi em tôi lấy bút danh, bỏ tên đệm, chỉ còn là Nguyễn Đăng...”

Chấn khổ sở nghe câu chuyện của Đăng, anh có cảm giác loay hoay, lùng bùng trong đầu, hỏi Đăng: “Bạn không nói đùa đấy chứ? Mình khó tin chuyện này lắm, chuyện động trời đấy! Người như bạn lại không phải là nhà văn?” Đăng nói hết sức nghiêm chỉnh: “Người như tôi hay như ai cũng có thể rất giống một nhà văn. Thú thật với anh, tôi thích được là nhà văn lắm, nhưng khốn nỗi chỉ có mỗi lòng mong mỏi được là nhà văn. Tôi từng thử viết truyện ngắn đấy chứ, cũng được đăng báo văn nghệ thành phố vài ba lần, với bút danh Gia Nhĩ Văn, là phiên âm Hán Việt tên ông Calvin, người khởi xướng đạo Tin Lành ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Tên nghe cũng hay hay phải không, nhưng hơi giống mấy ông nội Ba Tàu nên tôi cũng bỏ luôn. Cái quan trọng là truyện tôi viết dở ẹc, không xứng đáng nếu so với truyện của Nguyễn Đăng. Bởi vậy nên bấy lâu nay tôi đã đích thực là một kẻ tiếm đoạt đớn hèn, rất đáng hổ thẹn. Đúng là thằng anh khốn kiếp, ăn cắp gia tài của đứa em tật nguyền.”

Chấn nhìn ra ngoài trời đã tạnh mưa từ lúc nào, mù sương trên cái ao đã tan hết. Đèn trong quán bật sáng, Chấn ngỡ khi quay lại Đăng biến mất rồi, như con ma, Chấn đã tưởng tượng từ cái ao hiện lên trò chuyện với anh.

Đăng vẫn ngồi trước mặt Chấn, khẽ đặt tách cà phê Ban Mê huyền hoặc đã uống cạn xuống mặt bàn, cái bàn gỗ quý, viền chạm trổ hoa văn kiểu cách thế kỷ mười chín, có lẽ vậy.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021