thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đại ca

 

Dĩ nhiên tôi nghe tiếng Thái Lai từ khuya rồi, thuở tôi lang thang cùng đám dân vô lại, riết rồi quên cả tên cha mẹ đặt cho (Thơ của Đăng). Thuở ấy, ở miệt Khánh Hội tức quận Tư - Sài Gòn, một quán nước bình dân, cà phê rẻ tiền, uống từng ngụm nhỏ vì nóng hổi, anh ba Tôn Đản chủ quán, trước khi chắt cà phê cho khách, đã ngâm cái ly trong ấm nước sôi sùng sục trên bếp lò than hồng. Từ cái quán đó, tôi gặp một chàng đẹp trai, một diễn viên điện ảnh Ấn Độ nhỏ con và lặng lẽ, đôi mắt trầm tư dưới hàng mi, hàng chân mày đậm: Điềm Khắc Kim, chuyên cướp ngân hàng, mười vụ thành công cả mười. Cái lý do mà tôi thấy được là ai cũng tin rằng có cả một băng cướp, và cảnh sát truy bắt, luôn để vuột mất con chuột cô đơn, và Điềm Khắc Kim lại bình thản ra ngồi quán của anh ba Tôn Đản. Cái bữa mà tôi đứng dậy trả tiền ly cà phê sữa nóng, anh ba Tôn Đản nói: “Chú ấy trả tiền cho anh rồi”, tôi trở lại quán liền hôm sau. Điềm Khắc Kim sang ngồi chung bàn, nói: “Em muốn làm quen với anh... Anh vận đồ của mấy ông cán bộ xây dựng nông thôn hả?” Tôi gật đầu, cho Điềm Khắc Kim biết là đúng vậy, “Tôi vẫn ưa bộ đồ đen này, chứ từ lâu đã rời bỏ trại Chí Linh ở Vũng Tàu, là trung tâm huấn luyện của lực lượng xây dựng nông thôn.” Và một tình bạn thứ thiệt đã nảy nở giữa hai người, tôi và tên-cướp-ngân-hàng. Hai dòng thơ chẳng biết ở đâu tôi nhớ được, tôi viết vào cuốn báo văn nghệ tặng Điềm Khắc Kim: Thi nhân, du đãng, tù đày / Bao người mong vậy nhưng rày được đâu. Nghĩa là tôi muốn ngợi ca chính tôi và Điềm Khắc Kim. Trong quán anh ba Tôn Đản, ai cũng biết tôi từng có thơ đăng báo, họ gọi tôi là “chàng văn nghệ sĩ bụi đời”. Điềm Khắc Kim đọc hai dòng thơ, rất cảm động, nói: “Nhưng em không xứng danh du đãng. Em chỉ cướp tiền nhà băng để xài thôi mà. Du đãng phải như anh Đại Cathay, anh Lâm-thợ-điện hay anh Thái Lai ở Đà Lạt.” Tôi biết Lâm-thợ-điện từ lúc tôi học ở Trường trung học Chu Văn An, Lâm-thợ-điện học trên tôi vài lớp, bỏ học, làm du đãng chuyên nghiệp. Lúc đó tung hoành ở trường Chu Văn An là băng nhóm Chu Bá Sương, tôi được nhập băng cũng vì có học chút ít quyền Anh, võ sĩ lừng danh người gốc Hoa Leng-kê-cheng, tức Lương Kế Chính chỉ dạy. Tôi biết tiếng tăm Thái Lai từ lúc đó, từ Lâm-thợ-điện ở Sài Gòn.

Tôi chỉ gặp Thái Lai một lần, trong phòng trà Kivini ở Đà Lạt, tôi vào nghe nhạc vì cái bảng hiệu của phòng trà, do Kim Vui, nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh, làm chủ. Tên bảng hiệu “Kim Vui” bện bằng dây thừng, lằng ngoằng thành “Kivini”. Người bạn đưa ngón tay chỉ trỏ trong ánh đèn mờ ảo: “Thái và Lai đấy!” Tôi nghe tiếng nói của Thái hay Lai: “Tối nay Nữ hoàng Mai Hắc Đế không hát hả?” Gọi nữ ca sĩ Khánh Ly là Nữ-hoàng-Mai-Hắc-Đế, bởi lúc đó người ta chỉ biết Khánh Ly là cô Mai đen, nước da ngăm, màu trái bồ quân, hát ở phòng trà Kivini. Không có Nữ hoàng Mai Hắc Đế, Thái và Lai không ngồi lại. Tôi nhìn theo Thái và Lai đi ra, trong ánh đèn mờ ảo, và thoáng chốc hai anh em ruột, hai tay anh chị khét tiếng Đà Lạt thuở ấy, những năm một chín sáu mươi, biến mất dạng. Tôi chỉ nghe nói có trận đụng độ giữa Thái Lai, dĩ nhiên một trong hai anh em, với Lâm-thợ-điện, khi tay anh chị Sài Gòn bén mảng tới Đà Lạt.

Sau này, nghĩa là mãi sau biến cố lịch sử đau buồn Ba mươi Tháng Tư - Một chín bảy lăm, Chàng-văn-nghệ-sĩ-bụi-đời của quán Anh Ba Tôn Đản viết một truyện ngắn, hư cấu chuyện hai tay anh chị của Đà Lạt, và cho tay anh chị Sài Gòn Lâm-thợ-điện suýt nữa cắt béng “cái giống” của Thái. Tôi chỉ biết sự thật do Thăng, một bạn học của Lai từ bậc tiểu học ở Đà Lạt. Nghĩa là chỉ có Lai — Thăng gọi là Ba Lai — mới đích thực là đại ca, còn Thái là người anh ruột của đại ca mà thôi. Thăng đọc truyện ngắn Madagouilh của tôi, nói: “Hoá ra bạn chẳng biết gì về Thái Lai cả! Còn trận đụng độ với Lâm-thợ-điện ở phía trên chợ Đà Lạt, trước quán cà phê Tùng, Lâm-thợ-điện bị Ba Lai đạp lăn long lóc mấy chục bậc cấp, lăn từ trên phố mà lăn xuống, nằm ngửa mặt trước chợ Đà Lạt. Thấy lưỡi dao ‘lam’ cạo râu mà Lâm-thợ-điện luôn cột dây thun trong tay áo, Ba Lai bứt nó ra, ném xuống mặt Lâm, trúng sát cạnh sống mũi, chỉ tưa máu chứ không để lại vết sẹo nào cho tay anh chị Sài Gòn cả.”

Tôi nghe nói Thái Lai, mà thật sự chỉ có Thái, sau Ba mươi Tháng Tư về làm ăn tại Madagouilh, một thị trấn thuộc tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt trên trăm rưởi cây số. Sau đó Thái được đi định cư ở Mỹ theo diện HO, vì Thái là cán bộ xây dựng nông thôn thuộc Tỉnh đoàn Xây dựng nông thôn tỉnh Tuyên Đức — tên gọi cũ của một phần tỉnh Lâm Đồng. Từ đó mà tôi viết cái truyện ngắn về Thái ở Madagouilh. Còn đại ca Ba Lai vẫn tại vị ở thành phố cao nguyên, dĩ nhiên bây giờ đã quá là buổi-hoàng-hôn-của-thần-tượng. Tuy nhiên tôi vẫn muốn gặp Ba Lai vang-bóng-một-thời đại ca

Tôi vẫn muốn gặp tay anh chị khá đặc biệt như Thăng nói, “Ba Lai bảo chỉ muốn làm một tay giang hồ, một tay anh chị, để thoả cái tính khí anh hùng của nam nhi, chứ đâu phải là kẻ có dòng máu sát nhân giống như những tên giết mướn. Mình đã thấy cái ‘bayonet’ của Ba Lai, đại ca đã lụi vài chục tên côn đồ, vài chục cha nội hợm hĩnh. Thấy Ba Lai quấn vải thật chặt, chỉ để hở tí đầu mũi dao, mình hỏi thì Ba Lai bảo, lụi vào bụng cha nội nào, tí mũi dao này chỉ làm đổ máu chứ không thể làm đổ ruột, thằng cha bị lụi không thể chết được. Bởi vậy Ba Lai chưa từng phải ngồi đếm những cuốn lịch dày.”

Tôi vẫn muốn gặp đại ca, dù bây giờ như Thăng nói, “Ba Lai già rồi, gần bảy mươi rồi, hết xí quách rồi, còn đại ca gì nữa. Thuở xưa ham uýnh lộn, thằng học trò oắt tì lớp nhất tiểu học đã nổi danh gan lì đầu bò đầu bướu, bị đánh té lăn té lộn vẫn đứng dậy uýnh nhau tiếp. Bạn ghiền xi-nê chắc còn nhớ phim “Hud Bannon”, do tài tử có gương mặt đẹp trai và du đãng Paul Newman thủ vai chứ? Lúc mình học lên bậc trung học đệ nhị cấp thì Ba Lai học làm theo gã ngang tàng du đãng Hud Bannon, tối ngày thách thức ‘par corps’, đấm nhau tay đôi với bất cứ gã nào ở Đà Lạt, dù Ba Lai có nhỏ con hơn nhiều đối thủ. Tôi hỏi Thăng, Ba Lai có võ nghệ gì không, Thăng chỉ ức đoán: “Chắc Ba Lai từng học võ, vì mình thấy Ba Lai kiêng nhậu món thịt cầy. Có ông thầy dạy võ ngày xưa ở đây, theo học ông thầy này, phải thề nguyền kiêng cữ nhiều thứ, trong đó có cái vụ kiêng ăn thịt cầy. Nghe nói môn võ của ông thầy này tuyệt diệu lắm, chỉ dùng rất ít sức lực mà hạ đối thủ nhanh như chớp. Nhưng dù Ba Lai có võ, bây giờ cũng chẳng còn sức đâu để mà ra đòn. Cái bụng của Ba Lai cứ như cái thùng nước lèo hủ tíu ấy mà.”

Tôi muốn gặp đại ca lắm, Thăng đã hẹn tôi vài lần đến bến ‘xe ôm’, nhưng đều gặp lúc Ba Lai chở khách đi rồi. Thăng lại không sử dụng điện thoại, không cả biết số điện thoại hay số nhà của Ba Lai, nên chẳng có cách nào gặp gỡ.

Cuối cùng tôi cũng gặp Ba Lai, ở thị trấn Liên Nghĩa, cách thành phố Đà Lạt vài chục cây số. Tôi uống cà phê trong một quán nước bình dân, trong quán chỉ có một ông già ngồi trầm ngâm uống rượu đế. Cách đó vài chục bước chân, đám đông đứng vây quanh một người nằm sóng soài trên mặt đường, dưới cơn mưa lất phất. Tôi hơi ngạc nhiên trước ông già ngồi trầm ngâm uống rượu, trong khi mọi người xúm quanh chỗ ấy, chắc là người nào đó đã bị trúng gió độc, hoặc bị kẻ nào tông xe vào rồi bỏ chạy luôn. Tuy nhiên cũng không thấy ai làm gì, kêu xe cấp cứu hoặc vực nạn nhân dậy, đưa vào quán để thoa dầu gió chẳng hạn. Những người vây quanh chỉ đứng nhìn.

Một thanh niên rời đám đông, vừa đi tới chỗ ông già vừa la lên: “Lão ấy đã tỉnh, lão đã hấp háy con mắt, chắc sắp đứng dậy được rồi đó.” Tôi nghe ông già thở phào, uống cạn phần rượu còn lại trong ly rồi cười, nói: “Anh Ba cũng hồi hộp, sợ thằng chả tiêu rồi, phiền lắm. Anh Ba đã tính, uống cạn nửa lít đế mà thằng chả chưa tỉnh dậy, thì thằng chả đi đời nhà ma thiệt rồi. Coi vậy chớ số anh Ba hổng phải vô tù thêm lần nào nữa.” Nói xong, ông già đặt tiền dưới chai rượu, đứng dậy, đội mũ bảo hiểm, lên xe gắn máy có máng thêm một chiếc mũ bảo hiểm nữa, rời khỏi quán.

Tôi hỏi chàng thanh niên: “Ông Ba Lai đó phải không?” Chàng thanh niên định trở lại chỗ đám đông, day mặt nói: “Ổng hiền lắm, có đụng độ ai bao giờ đâu. Bị cái lão cán bộ hưu trí kia cậy thế chánh quyền, chọc tức ổng. Nhỏ tuổi hơn ổng mà dám lấy tay xoa đầu ổng. Ổng biểu, dầu ổng không phải người Miên, nhưng không thể xoa đầu ổng đặng. Lão cán bộ hưu trí nói: ‘Xoa đầu cậu đấy, có sao không?’ Ổng ngồi im. Lão lại xì một tiếng khinh rẻ, nói lớn giọng: ‘Tưởng đã có sao chứ. Thôi cậu ngồi đấy nhá, chờ tối đến có sao, tớ đi đây’. Lão vừa đi tới chỗ đó đó, ông Ba Lai đứng dậy, đi nhanh tới, kêu lớn: ‘Dừng lại, con heo!’ Rồi lẹ như chớp, ổng xỉa bàn tay vào cần cổ lão, lão té xuống liền, nằm một đống ở đó bây giờ mới tỉnh...”

Sau lần gặp tình cờ này, tôi chưa gặp lại đại ca, nhưng chắc chắn sẽ có dịp, chắc chắn như vậy.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021