thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một người rất bận

 

Tôi tự nhủ thầm “Lại thêm một tháng Tư! Lại thêm một sinh nhựt!” — như tôi vẫn thường nhủ như vậy trong nhiều dịp khác: “Lại Tết nữa rồi, lại thêm một tuổi, mới đây đã lại cuối tháng, trời đã lại lập đông”, vân vân. Giọng nói lộ vẻ băn khoăn, hối tiếc — hối tiếc một cái gì đó mình muốn làm mà làm không kịp, làm không kịp rồi băn khoăn.

Tôi muốn làm gì? Cũng không phải đây là lần đầu tiên tôi tự hỏi (lẩm cẩm) như vậy. Cổ nhân có dạy: “Người không lo xa ắt có buồn gần.” Vậy, (đáng lẽ phải chấm chấm xuống hàng chỗ này) muốn cho hợp lý, hành động ta phải hướng về tương lai. Nhứt là ở xứ này tôi thấy nhan nhản cái cảnh bô lão lê gót (nghĩa đen) lủi thủi dưới trời Paris lạnh cóng, không phải như ở xứ ta “Ba má già thì ba má ở với tui”. Lần này, không biết lần thứ mấy (hay năm thứ mấy) tôi tự bảo mình phải thân hành tới nhà băng mượn tiền để mua nhà, kẻo rồi càng già càng khó mượn. Ý định hãy còn đó. Và cái viễn ảnh tôi và vợ (vừa hiền vừa già) chống gậy xích-xích trên vỉa hè Montparnasse cũng hãy còn đó.

Mà con người sinh ra đâu phải chỉ để đi cày mua nhà và đóng hưu liễm. Con người sinh ra trên trái đất, trái đất quay xung quanh mặt trời, mặt trời nằm ở ngoại ô Ngân Hà, và Ngân Hà ta chỉ là một trong muôn tỉ thiên hà khác trong vũ trụ. Do đó mối liên hệ giữa ta và vũ trụ, cái cứu cánh của ta trong đời sống chắc phải phức tạp hơn nhiều ba cái vụ hưu liễm. Có rảnh tôi phải tìm hiểu thêm cái “thế sự đại mộng” này mới được — mặc dù thực thể tối thượng của vũ trụ, nếu có, nó nằm ngoài ngôn ngữ con người. Tuy nhiên tôi cũng phải tìm đọc các thuyết mới nhứt. Nghe nói thay vì phình ra như thuyết cũ, vũ trụ có thể xọp vô, và không chừng đã không ngừng xì xọp như vậy từ muôn thuở — như mấy ông Chà-Và đã nói từ thuở Tây Mỹ còn ở lỗ.

À, nghe nói muốn thoát khỏi bến mê, cần phải tham thiền và suy tư dữ lắm. Có khi phải ngồi ngó vách tường sáu bảy năm, lột hết mi mắt cho khỏi buồn ngủ, hoặc phải ẩn thân nơi cổ tự cheo leo sườn núi. Hình như khi ngồi thiền và đạt tới tiêu diêu thì trán các vị này phát ra những làn sóng cực lạc ghi nhận được bằng máy đo khoa học, có thừa phát lại lập vi bằng — có vậy Tây Mỹ mới chịu tin. Tôi cũng muốn thử tu thân, nếu có rảnh. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân thì dù có cạo đầu khoác áo cà sa, cùng lắm tôi cũng sẽ chỉ là một thứ sư hổ mang, khi ở núi vắng thì tịnh, khi sa chân vào chỗ chị em ta thì tâm thần lại hôn mê. Chẳng trách gì Lê Ngọa Triều đã thả yêu nữ làm test các sư, như sử ta còn chép.

Không hiểu mắc mớ gì mà tôi hay lo những chuyện bao đồng như vậy. Những đề tài nói trên cộng thêm các mục thiên văn (địa võng), triết lý (chết lý), ái tình (canh chua cá kho), chính trị (chính em), văn nghệ (văn gừng) được đem ra bàn thường xuyên với mấy thằng bạn dạy học ở trường Tân Văn, những năm 70, quanh một bàn ghép dài có la-de xí quách và mấy em cắn hột dưa lắc cắc, ở Chợ Đủi khít bên trường.

Một bận nhân bàn về Trang Tử và nói tới con bướm, thằng bạn dạy vạn vật cho rằng cái nhìn của nó về con bướm là xác thực nhứt, còn thằng bạn dạy tâm lý thì cho rằng cái nội tâm của con bướm mới là trung thực nhứt. Tụi nó lôi tôi ra làm trọng tài. Tôi nói con bướm hay đời sống gì cũng đều có trước con người và lời nói hết ráo. Vì vậy, bây giờ có khoa sinh-lý-bướm hay tâm-lý-bướm hay không thì con bướm vẫn là con bướm, và nó vẫn sẽ bay sẽ lượn như nó đã lượn như vậy từ... khuya. Tụi nó nhìn nhận tôi có lý, nhưng mà là cái lý của con cua. Cũng bởi hay tranh luận nhì nhằng vậy đó mà một bận Tạ Ký nổi nóng vác ghế rượt tôi chạy ngờ ngờ trong Chợ Đủi. Bây giờ nghe nói Tạ Ký đã bỏ mạng. Tạ Ký ơi! Nếu ngày nào trở lại xứ mình, ta sẽ khuân một két la-de ra mả anh, ta sẽ uống một chai, rót một chai xuống nấm mộ tàn, như lời anh đã dặn bạn bè “nếu một mai tao chết...” và nhắc thơ anh “Ai làm cho tóc bạc đầu, cho câu kỳ ngộ thành câu giã từ”...

Tôi chợt nhớ tới một số bạn bè, đứa còn ở trong trại “học tập”, đứa đã được thả, mà tôi tự hứa là sẽ tìm cách bắt liên lạc trở lại, hoặc thư từ — khi rảnh (lại khi rảnh!). Chắc tôi sẽ bối rối không ít phải viết thư. Viết để an ủi (tụi nó cần an ủi?), để mang đến hy vọng (hay ảo vọng), để trấn an (hay nói dóc), hoặc viết nói huỵch toẹt như mình nghĩ (cho tụi nó trở vào trại học tiếp?). Nhưng điều chắc chắn là phải làm một cái gì đó, chẳng lẽ khoanh tay ngồi ngó.

Tôi cũng tự hứa khi rảnh sẽ nghiên cứu chiến lược vùng Đông Nam Á trong cuối thế kỷ này để đi tìm một triển vọng cho Việt Nam. Ghê chưa? Nhưng tìm hiểu là một lẽ, còn thiết thực làm một cái gì là một lẽ khác. Thiết thực nhất là gửi thuốc men quần áo cho bè bạn và con cái nheo nhóc của tụi nó. Vẫn biết cứu nước đâu phải chỉ có vậy!

À! Khi rảnh tôi còn phải viết thư cho cô bồ cũ của tôi nữa. Từ năm ngoái nàng mời tôi sang Gia Nã Đại chơi mùa hè này, nàng chịu giấy khứ hồi — nàng đã thôi chồng. Tôi còn dụ dự mà bà xã tôi lại... bàn ra (phải hiểu cho vợ nhà). Bên tình bên hiếu. Ngót nghét ba tháng nữa là hè rồi mà tôi vẫn cứ chờ khi rảnh. Hồi đó cũng suýt vì nàng mà tôi đã vì tình bỏ mạng. Tuổi hai mươi yêu sao quá thể! Bây giờ không biết tim ta có còn rung động vì đàn bà hay thiếu nữ được chăng? Lại nằm đêm tự hỏi!

Mà hơn cả năm nay nhịp đập của tim tôi cũng kỳ lạ lắm, vốn biết chút đỉnh nhạc lý nên tôi cố ý nghe thử. Thói thường tim người ta chỉ đập nhịp hai (đít-cô?), mà tim tôi cứ độ mươi mười lăm phút lại chêm một nhịp ba... Một dòng sông xanh xanh... tập-tập-xình! Tập-tập-xình!... làm tôi chới với. Tôi cũng định bụng khi rảnh sẽ đi thăm bác sĩ chuyên khoa tim xem sao. Năm trước có khi cả ngày mới có một nhịp ba, sau đó rút xuống còn nửa ngày, rồi kế đó cả giờ, bây giờ cứ độ mươi mười lăm phút là ... tập-tập-xình! Sông dài... sông dài... hải lý... tập-tập-xình... tập-tập-xình...

Nghĩ cho cùng, nhịp tim của tôi có thể là kết quả của lối làm việc thiếu kế hoạch của mình — nói nôm na là thiếu pờ-lanh-ninh. Lẽ ra tôi phải kê hết mọi thứ phải làm khi rảnh, rồi khi rảnh tôi sắp xếp lại cho có thứ tự, sau đó cứ thế mà thi hành khi rảnh. Kìa xem như khi xưa Khổng Minh hạ bút thảo cẩm nang ban cho các tướng trước khi xuất chinh: Đoạn quân sư bèn ung dung dẫm xà và tọa lầu... mà khảy đờn! Không đít-cô, không tango, không nhịp ba, mà lả lướt một khúc Khổng Minh Tọa Lầu lưu danh hậu thế. Vậy thiết nghĩ điều cốt yếu là phải bắt đầu. Dù bận tới đâu tôi cũng phải bắt đầu. Dù bắt đầu không đúng khúc đầu cũng không quan hệ gì. Vì chủ yếu là bắt đầu.

Tôi thay quần áo xuống đường. Để bắt đầu, tôi phải đi tới phòng mạch bác sĩ chuyên tim cách đây mấy dãy phố để lấy hẹn. Tôi ghé tiệm cà-phê đầu đường gọi cái bia giải lao. Nghĩ tới Tạ Ký, tôi nâng ly nốc một mạch láng te. “Người ta sanh ra ở đời là để sống. Mọi thứ khác chỉ là bày đặt”. Tôi gọi thêm cái bia nữa. Sống cái đã rồi hẵng tư từ tính sau, nếu có rảnh. Tim tôi lại chêm một nhịp ba — “Biết rồi! Bộ gấp lắm hả cha nội?”

 

 

 

-----------------------

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021