thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Câu chuyện cà phê

 

1.

Tôi xoay xoay cốc cà phê nóng hổi trong tay, hớp lấy một ngụm nhỏ. McCafe luễnh loãng, vị hơi chua và vô cùng... nhạt [hẳn nhiên rồi]. Tôi nhìn quanh quất khắp cửa hiệu McDonald, thức uống được chuộng nhất là cà phê: nóng, hoặc đá, latte, mocha. Và tất nhiên, những góc xôn xao náo nhiệt nhất là bàn cà phê của cánh đàn ông người Việt: người khua tay phụ họa lời nói, kẻ trầm ngâm gật gù.

Đó là một buổi sáng như hàng vạn buổi sáng thường nhật khác, năm 2010. Tức là đã hơn 500 năm theo tài liệu ghi chép trên giấy và không dưới 1000 năm theo ước đoán tính từ khi con người khám phá ra thứ “linh dược” mang tên cà phê.

 

2.

Gọi cà phê là một thú vui tao nhã — như đối ẩm bình thơ — cũng đúng, mà là “độc dược” cũng chẳng ngoa. Thứ thức uống đen sóng sánh đó đã “mê hoặc” được biết bao nhiêu tín đồ, mà người Việt cũng là một phần trong số đó.

Người Việt không khó tính với thú vui này. Chỉ một vỉa hè chật hẹp, kê vài cái ghế con con, có bàn thì tốt mà không có cũng chẳng hề hấn gì, thế là thành một góc cà phê thú vị. Nhìn đất nhìn trời nhìn người và xe cộ qua lại. Đó là những “quán” cà phê dễ thấy, dễ tìm nhất ở Việt Nam, mà người ta quen gọi là cà phê quán cóc, cà phê lề đường, vỉa hè. Còn với người Việt xa xứ, cà phê là những cốc nhựa đổ đầy loại cà phê “công nghiệp” pha bằng máy, chứ không còn là cà phê phin hay cà phê lược vải như ở quê nhà nữa. Nhưng có hề gì. Thói quen nhâm nhi cà phê của người Việt không hề quá đề cao bản chất cà phê, mà cốt yếu là ở “bạn cà phê”, ở “hương thơm” toả ra từ những câu chuyện vụn vặt.

Cà phê cà phê cà phê. Một thứ âm thanh trầm ấm, gợi lên vẻ nâu non êm ái và thân thuộc. Cà phê, như bạn hữu. Cà phê, là lời mời, là câu chào. Và rất nhiều khi là khởi đầu một tình thân: Ê, Cà phê không?

Người Việt ở đâu, đến đâu cũng thấy tụ họp bên những bàn cà phê — sao không phải là một thú vui khác, một hoạt động khác, mà chính là cà phê? — quây quần rôm rả. Bởi một lẽ đơn giản, từ bao giờ, cà phê đã nghiễm nhiên trở thành một sợi dây vô hình nối kết những tâm hồn Việt, duy trì và bao bọc những tình thân.

 

3.

Trở lại câu chuyện cà phê Mỹ một chút. Người Mỹ chuộng cà phê nhanh, loãng và nhạt. Không “ngồi đồng” như người Việt, mà “to-go”. Tôi tự hỏi những câu chuyện có thể “to-go”, tình thương mến có thể “to-go” chăng? Người Việt chúng ta khác. Có lúc, ngay cả giữa những người lạ với nhau, chỉ cần nhích ghế lại gần một chút, thế là quen. Là anh anh em em, tôi tôi cậu cậu chuyện vãn không ngớt. Phải chăng vì một lẽ, chúng ta thuộc “nòi tình” [ cách nói của cụ Chu Mạnh Trinh trong bài tựa “Truyện Kiều”]. Hẳn giống nòi ấy không vì những cốc cà phê nhạt mà hoá ra lợt lạt nghĩa tình với nhau đi.

Hẳn là không rồi. Ừ, tôi cũng mong được vậy.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021