thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bụi loãng trong lòng thương nhớ

 

quê tôi ở giữa kinh thành
có những phố phường nho nhỏ
có những buổi chiều xanh xanh
bụi loãng trong lòng thương nhớ
Vĩnh Lộc

 

"Anh còn nhớ em không?”

Câu hỏi tiếp theo cái khều vai nhẹ. Tôi quay lại. Buổi chiều đang xuống, trời hâm hấp nóng. Trong bóng tối nhá nhem, người con gái mặc áo trắng ngắn tay, dáng tiều tụy. Tóc chải sát trên trán tròn, buộc túm lại phía sau, hai gò má nhô cao và cánh tay háp nắng, mắt mở lớn nhìn thẳng vào mắt tôi. Ngờ ngợ. Nàng mỉm cười nhẹ. Một chặp ngắn.

"Hình như... hình như đã có gặp em rồi, đâu đó...”

Ngập ngừng. Nụ cười quen quen.

"Bộ không nhận ra em thiệt sao?”

Gõ cửa trí nhớ, kêu gọi nhớ đi, nhớ đi.

"Có phải em là... em là...”

Khẽ gật đầu, nhoẻn cười.

"Phải, em là...”

Một con chim én chợt sà xuống thấp, vụt xẹt ngang đầu, rồi vút lên cao vội vã... Từ giã hoàng hôn trong mắt em / Tôi đi tìm những phố không đèn / Gió mùa thu sớm bao dư vị / Của chút hương thầm khi mới quen...

 
mây sớm nay về u ám quá
đường sầu ướt át phố mờ sương
ta xé lòng nhau làm mấy mảnh
anh một phương và tôi một phương
 

Bài thơ Giã biệt của Vĩnh Lộc, Nhựt đem tới khoe với tôi, cắt từ tạp chí Văn nghệ Tiền phong. Thời gian đó có rất nhiều người làm thơ sáu chữ, thể thơ mà Đinh Hùng đã đem ra thử nghiệm trước đó.

 
mới hôm nào đây hội ngộ
mùa mưa về ướt kinh thành
anh đến cười trong bỡ ngỡ
tình ta chớm giữa mùa xanh
 

Cái tình nói ở đây là tình bạn, một thứ tình thân vô cùng khắng khít, hết lòng và bền bĩ — nhứt là bền bĩ. Bạn, mà là bạn thân, đời người chỉ có một hai. Cho dù bạn ta có từ giã cuộc chơi ở cõi đời này, tình bạn cũng vẫn còn đó. Cho tới khi nào, ai biết?

Thời trung học, Nhựt học trên tôi một lớp, nhưng sau Lộc anh tôi một lớp, trường Cao tiểu Vĩnh Long. Nhựt quen với tôi qua Lộc. Năm đó bãi trường, sân khấu học trò cho diễn tuồng Ngô Quyền phá giặc Tàu. Lộc thủ vai chánh. Nhựt thủ vai... “con cọp”, để cho vai Ngô Quyền thêm uy nghi lẫm liệt. Nói cọp là cọp thứ thiệt chớ không phải nói giả ngộ đâu nghe. Trên sân khấu, dưới ánh đèn màu, Nhựt nằm dài trong chuồng cọp (dĩ nhiên), trên người khoác một lớp da cọp giấy màu vàng cam sậm có vẽ sọc rằn sọc đen, và không cần nói năng chi cả. Tuy nhiên, cọp giấy cũng không biết gầm, không biết ngoắc đuôi, cũng không biết hù biết cắn một ai hết. Chỉ có nằm dài ra mà “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”. Chờ tới lúc hạ màn vãn hát, cởi liền tù tì cái áo sọc rằn ra để mà... lãnh lương cọp. Khoẻ re!

Sau này, mãi về sau này, sau khi đã rời bỏ ánh đèn sân khấu, và giã từ cuộc đời nghệ sĩ phong ba vô cùng vất vả, thỉnh thoảng nhậu nhẹt có dịp nhắc lại cái vai “con cọp” độc nhất vô nhị võ lâm, Nhựt cũng cười ruồi cười cọp theo Lộc và tôi mà mặt mũi sượng trâng. Chắc là kép độc còn tiếc nuối cái thời đại vàng son vô cùng le lói thuở nào. Coi vậy mà mấy em nhỏ hậu phương cũng đã một thời mê mệt vì cái tài diễn xuất độc đáo của mầm non chớ bộ.

Mới giới thiệu thì chỉ gọi là biết nhau sơ sơ vậy thôi. Tôi học giỏi nên Nhựt khoái và “nể” mặt. Thời cuộc đưa đẩy, Lộc sang Mỹ Tho du học. Rồi kế đó xuống đường ủng hộ trò Ơn chống Tây nên phải tháo lui về Vĩnh Long tị nạn chánh trị để né công an. Trên con đường (Gia long) tẩu quốc, một tay chàng bồng theo nương tử Lệ Dung, còn tay kia thì ôm tập thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, tự tay mình chép lấy. Và chính nhờ tập thơ này mà Nhựt và tôi khám phá mình có một đam mê giống nhau: Mê thơ. “Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em hái mẹ già em thương / Mẹ già một nắng hai sương...”

Hai mầm non thơ thẩn theo dõi đều đều diễn đàn Thơ rộn rịp trên tờ Văn nghệ Tiền phong. Mê Tạ Ký với những dòng lục bát tự tình: “Có người thường hỏi thăm tôi / Viết trang tình sử đến hồi cuối chưa? (...) Thưa rằng không viết nữa rồi / Một trăm câu chuyện trên đời giống nhau”. Hoặc bài thơ sáu chữ ngậm ngùi của Vĩnh Lộc: Giã biệt.

 
hai cánh bèo trôi bớt lẻ
sông dài cũng đỡ tràng giang
ta ép chung từng tiếng lệ
chia nhau nửa giấc kê vàng
 

Nhựt và tôi chép thơ hai đứa cùng nhau làm trong những tập giấy trắng dầy cộm có bìa cứng. Sau này mọt mối không biết từ đâu thình lình kéo tới và âm thầm lén lút gặm nhấm mấy tập thơ tuyệt tác bìa cứng của hai đại thi hào tan tành xí quách. Có biết đâu làm như vậy là đã vô tình gây thiệt hại nặng nề cho nền thi ca của nước Văn lang ta, và cũng đã làm thất một mùa thơ mênh mông bát ngát (... kéo dài xa tít tận chân trời!) Ăn nhằm loại thơ này thì khó tiêu là cái chắc! Bảo đảm địch cũng đã tổn thất nặng nề — đã rút lui bỏ lại nhiều vũ khí, nhiều răng, nhiều càng và nhiều xác đồng đội bị tử thương vì chứng viêm bao tử cấp tính ngoài mặt trận.

Tuy nhiên, sau cụ Nguyễn Du và bà Đoàn thị Điểm, nền thi ca của cái đất nước bốn ngàn năm văn hiến của ta cũng đã trải qua một thời đại vàng son không thua gì thời Thịnh Đường của Lý Bạch và Đỗ Phủ bên Tàu. Chứng tích còn đó rành rành. Hết cãi: Trích “Những đoá hạnh phúc không ngờ”:

 
(...) Xuân nối xuân. Tết này nối qua Tết khác. Rồi lại Tết nữa. Tết năm đó Nhựt và tôi học trò ở Sài gòn cùng về Vĩnh Long ăn Tết. Hai đứa nay đều đã trở thành cậu tú, Nhựt ban triết, tôi ban toán. Từ thuở còn học chung ở trường Cao tiểu Vĩnh Long, Nhựt và tôi rất khắng khít và thường làm thơ (thẩn) khoe cho nhau coi. Có bài tôi viết một đoạn, Nhựt viết đoạn tiếp, bên tung bên hứng rất đúng luật, các vần vế đối nhau chan chát, rùm rụp.
 
Nhựt và tôi khoái la cà ở quán chị Tư Tùng ngoài chợ Vĩnh Long, cạnh dòng Tiền giang trăng thanh gió mát. Hai đứa ưa rà rà ở đây là vì thời gian đó tôi cặp với em Tuyết, Nhựt cặp với em Sáu. Hai đứa mua vải có chấm vuông lục sậm đặt may hai cái áo mới giống hịt nhau để mặc Tết. Tròng hai cái áo le lói, xỏ hai cái quần jeans, Nhựt đèo tôi cỡi chiếc Lambretta bình bịch đổ bộ xuống quán ong bướm với nhị Kiều. Thấy hai đấng cao bồi hương thôn cỡi ngựa sắt xuất hiện, Tuyết và Sáu hớn hở ra mặt, lăng xăng tíu tít.
 
Tiết xuân mát mẻ, giai nhân mơn mởn, hai đứa bèn nổi hứng kêu rượu Bisquit pha xô đa hầu rót vào mạch máu cho xuân thêm nồng. Hai Kiều mân mó áo mới khen đẹp. Noi gương Lý Bạch và Tản Đà, rượu ngấm độ nửa tuần, Nhựt và tôi hối hai Kiều đem bút mực và giấy trắng cho hai thi bá đề thơ “Áo mới”. Thơ rằng:
 
Hôm nay mình mặc áo mới
Áo xanh nắng vàng phơi phới
Ô hay! Lòng bỗng rộn ràng
Mới hay tiết xuân vừa tới
 
Ai mà dám xâm mình chê bốn câu mở đầu tuyệt vời trên đây ắt là phải bước qua xác chết của hai đấng thi sĩ hương thôn. Nhựt một đoạn, tôi một đoạn, theo đà đó mà bài thơ song tấu cứ dài ra ngoằn ngoằn. Thỉnh thoảng em Tuyết và em Sáu ghé mắt “coi cọp” và rú lên cười rúc rích. Quả thiệt, thơ xuất thần tới mức đó thì hai Kiều chỉ còn nước e lệ mà nép vào dưới hoa là cái chắc. Tôi hỏi Tuyết chớ thiệt tình thấy hai anh làm thơ có thớ không? Em bé chuyên môn xay rau má và chặt dừa tươi hoảng quá buột miệng khen túi bụi: “Hay lắm! Anh với anh Nhựt làm thơ hay lắm!”
 
Nổi máu cỡi bò hương thôn, tôi muốn tặng cho em nhỏ ngưỡng thơ sành điệu một món quà ăn Tết sẽ mãi mãi còn khắc sâu suốt cả cuộc đời bán quán của em. Tôi dắt Tuyết ra chợ nhà lồng cho em nhỏ tha hồ chọn lựa. Nàng dạo tới dạo lui, liếc qua liếc lại, thỉnh thoảng ngó tôi rồi dừng bước lại trước một sạp bán guốc. Nàng ướm thử nhiều đôi, cuối cùng chọn một đôi guốc mộc sơn xanh láng bóng đóng quai trắng. Tuyết ôm tro tro đôi guốc mới tinh khôi trên ngực, nói để dành mùng một Tết đem ra mang. Tôi không chịu, bắt nàng phải mang liền đôi guốc mới. Tuyết mang guốc xanh đi tới đi lui, guốc mộc vang dội trên mặt nước Tiền giang lốc cốc mà đối với hai thi bá nghe ra tuồng như đã vang lừng giai điệu. Hai mầm non văn nghệ bèn nương theo đà khởi hứng mà tiếp tục tung ra những khúc tao đàn lâm ly cho bài thơ “con cóc” của mình, hầu vạch ra bước thang mây để đi vào văn học sử một cách trịnh trọng như các bậc tiền bối:
 
Em đi guốc mới xinh xinh
Anh mặc áo mới tình tình
Hạnh phúc mai cành một đoá
Ngát hương xuân mới đôi mình
 
Và tôi đã thò tay hái đoá hạnh phúc không ngờ đó đem về chưng cho cái tuổi vừa chớm say mê tình dục nao nức của mình trong ba bữa Tết ngợp trời hương sắc. Thò tay mà ngắt ngọn ngò, thương em đứt ruột giả đò làm lơ... (...)
 

“Phải! Em là...” Tôi ngắt ngang: “Có phải em là Hoa? Là Hoa ở Cầu Bông đó phải không?” Người con gái chớp mắt, gật nhẹ đầu: “Phải, em là Hoa đây anh Kiệt!” Tôi chới với, buột miệng:

“Trời ơi! Sao em thay đổi nhiều quá vậy? Làm anh nhìn không ra. Hồi đó...” Tôi bỏ lửng câu nói. Hoa cúi đầu nín thinh. Hoàng hôn chập choạng. Buổi chiều Hàng Xanh, ôi, buổi chiều muộn màng! Im lặng hồi lâu. Tôi mở lời trở lại:

“Còn Nhựt đâu? Em có bắc liên lạc lại được với Nhựt không?” Hoa ngửng lên lắc đầu, nước mắt bật ra lăn xuống gò má hóp. Buổi chiều, ôi, buổi chiều!... Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài... Tôi rút túi đưa cho Hoa chiếc khăn giấy.

“Em đi đâu có một mình, và đi đâu mà tay không vậy?” Hoa đưa khăn lên chặm mắt, xòe ngó bàn tay trống trơn của mình, các ngón tay gầy guộc. Thở dài.

“Em buồn quá nên đi dạo chơi cho khuây khoả. Rồi lang thang từ Cầu Bông xuống tới đây. (Ngập ngừng) Em... Em bây giờ... chắc em bây giờ xấu lắm phải không anh?” Hoa hít nhẹ. Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng...

Phải, tôi nhìn Hoa không ra cũng phải. Tôi nhớ một người con gái gầy gầy, dáng dong dỏng cao, mặc áo dài xanh rêu tà ngắn, nước da trắng, son phấn nhẹ, kiếng mát thời trang híp pi có hai tròng lớn tròn vo che gần hết nửa mặt, tóc xõa dài chải mướt. Vậy mà bây giờ!... Cô gái gầy nhom háp nắng trước mặt với cái áo trắng đơn sơ tay ngắn thì làm sao mà tôi nhìn cho ra được Hoa thuở ban đầu, Hoa của cái “thuở ân ái mong manh như nắng lụa...”

Lần đó, thêm một lần nữa, Nhựt lại từ Nha Trang bay vào Sài gòn bổ thuốc tây đem về cho tiệm thuốc của vợ và của mình ở miệt biển. “Nha Trang! là miền quê hương cát trắng... Có những đêm nghe vọng lại... ầm ầm tiếng sóng xa đưa...” Thời đó, thời chiến, Mỹ và đồng minh đóng quân tiếp tế ào ào qua cửa Vịnh Cam Ranh. Nhờ móc nối thầu thiếc lặt vặt nên Nhựt cũng kiếm chác được lai rai. Đôi khi nhờ “chó ngáp phải ruồi” nên vớ được món bở. Cũng tốt thôi! Biết đâu chừng nhờ kiếp trước đã có bố thí nhiều nên bây giờ được hưởng phước đáo lai. Thình lình vớ được tiền “chó ngáp”, chàng bèn giấu vợ nhà để du hí lẻ tẻ với bạn bè – ông chồng “đức hạnh đầy người” nào mà chẳng vậy? Mỗi lần Nhựt về tới Sài gòn, tấp vào đóng đô ở Hàng Xanh với tôi và Ánh thì kể như là ngư ông về biển cả, như cá gặp nước, như rồng gặp mây, như Chệt gặp mì. Tha hồ mà vẫy vùng. Tha hồ mà múa gậy vườn hoang. Tha hồ mà ăn quán ngủ đình. Tha hồ mà hưởng lạc đúng kiểu dân Nam cờ chịu chơi thứ thiệt. Nhựt khoái chí không thể tả. Một đêm nọ về tới đầu ngõ, tôi vừa rà thắng cho xe chậm lại để đậu thì Nhựt đã mở cửa nhảy ào đại xuống xe. Đoạn, chàng tự động lăn đùng ra mặt lộ mà giẫy tê tê, vừa giẫy giụa vừa la hét om sòm: “Trời ơi! sướng quá! Trời ơi! đã quá! Đã quá!...” Ánh cười ngặt nghẽo: “Anh Nhựt! Bộ anh điên rồi hả?” Điên? Thì cứ điên đại thử coi! Không phải điên vì tình, mà là điên vì “quá đã!” Cũng được. Đâu có sao. No stars where!

Nhựt trốn vợ mình thì tôi cũng bắt chước theo mà trốn vợ nhà chăng? Không! Tôi đường đường ra đi, có sự vụ lệnh đóng dấu nhà nước đàng hoàng. Lệnh trưng dụng để phục vụ... dưới cờ (Bà Đại?) “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn... Quan với quân lên đường... Đoàn ngựa xe cuối cùng...” Ngựa đây là ngựa mã lực. Xe đây là xe jeep. Còn quan đây là quan tư, tức thiếu tá Thứ. Chưa hết. Đoàn đây là “đoàn ta”, gồm năm đấng ông chồng đạo đức cách mạng đầy người y hịt nhau: Thứ thủ khoa Võ bị, Danh hiệu trưởng (có trại gà), Lộc giáo sư (triết), Nhựt dược sĩ (thầu vặt), và Kiệt chuyên viên (cành cạch). Về mặt binh nghiệp: Cấp bực “khoá sinh dự bị sĩ quan”, nôm na là “lính 9 tuần” được biệt phái về dân sự để phục vụ tổ quốc, cà nhỏng chống xâm lăng... trường kỳ. Địa bàn hành quân: Chợ Cũ (tửu quán Tài Nam), và động Bà Đại miệt Phú nhuận.

Có ai đoán trước được là đúng vào thời điểm “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” nghiệp số đoạn trường của Hoa đi vào một “khúc quanh lịch sử”: Một lần nữa, Nhựt bổ thuốc giùm cho vợ nhà. Lại tấp vào Hàng Xanh thăm người bổn xứ cho phỉ lòng thương nhớ. Buổi chiều, Nhựt và tôi đánh xe tới đón Lộc mãn giờ dạy thêm ở trường Tân Văn gần Chợ Đũi để đi “hát dạo”. Như thường lệ. Nhựt vụt than sao bỗng nhiên thèm “mấy em” quá trời. Mà một khi bị dâm nó “hành” thì phải biết! Đi lên động bà Đại thì quá xa. Hơn nữa, lại còn phải trở về cho kịp hẹn với Thứ và Danh ở Tài Nam. Ngẫm nghĩ hồi lâu, Lộc bèn vỗ trán “À” lên một tiếng rồi nói gần Chợ Đũi, ngay tại đường Trần Quí Cáp này có một căn “nhà riêng” nhỏ đặc biệt chỉ tiếp khách quen mặt tín cẩn (chọn mặt gởi vàng?) Mấy em ở đó xinh lắm. Ờ! Thì đi!

Quanh co ngõ hẻm. Cô chủ trẻ đích thân ra mở cửa, niềm nỡ đón chào. Mời các anh vào ngồi chơi để cô còn chạy đi gọi người, vì mấy em không thường trực có mặt tại chỗ. Ba đứa nhấm nháp bia ngồi chờ ở phòng khách nhỏ. Nói chuyện bá vơ. Bỗng có tiếng lách cách, rèm trúc chợt khua động. Rồi từ phía sau rèm bước ra một em dáng người thanh tú, thân cao dong dỏng, mặt mũi xinh xắn, nét mày tươi tắn, toả hương dìu dịu, áo dài xanh rêu, lưng vờn uốn éo. Phải chăng là ta đã sa chân vào động yêu của Thanh Xà Bạch Xà? Lộc khoái, tôi khoái, Nhựt cũng khoái. Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng. Cả ba. Em khẽ cúi đầu chào mấy anh rồi đi thẳng ra hàng ba , hai tay dắt chiếc xe gắn máy Caddy nhỏ định xô cửa ra về. Nhựt lật đật đứng dậy chạy theo níu xe em lại nài nỉ. “Em ơi! em ơi! xít lại gần đây nào. Nhớ tới nhớ tới những linh hồn thiếu (gì?)”... Em một mực lắc đầu. Nhựt xuống vọng cổ òn ỷ. Nhưng em vẫn cứ nằng nặc nhứt định phải về vì sợ má trông –- sau này mới biết em dối mẹ là mình làm thơ ký cho hãng buôn (thì cũng là làm bizinết, thời chiến). Kịp khi đó, cô chủ trở về (tay không), nói thêm vào nên em mới xiêu lòng, dựng xe lại, đi trở vào với Nhựt. Nhựt hí hửng, tay dắt em, tay vén màn trúc, rồi cả hai khuất dạng sau cánh rừng tre. Tôi nhâm nhi bia, ngó quanh quất, chờ tới phiên mình. Háo hức. Thường khi thì Nhựt rất thảo ăn, để cho tôi đi tiên phong khai trận. Vậy mà lần này! Chờ hồi lâu... Rất lâu...

Cuối cùng Nhựt và em quần áo chỉnh tề vén màn trúc bước ra, miệng tủm tỉm (vui là cái chắc!). Nhựt nói: “Thôi mình đi ăn. Em cũng đi với tụi mình. Tui mời”. (Thế là ta hụt ăn! Tức dội!) Nhựt giới thiệu. Chừng đó mới biết tên em là Hoa. Hoa, cũng như tên người yêu học trò của tôi ở xóm Bến đò, bên dòng sông Định tường. Nhưng sau này rõ ra thì tên thiệt của Kiều má gọi ở nhà là Thương. Nói chung thì em Kiều nào cũng giấu biệt cái tên cúng cơm của mình khi đăng ký vào sổ Đoạn trường, và ban phép lành cho mình một cái mỹ danh khác cũng như Lan mượn tên của Điệp mà đi tu. Tối hôm đó, ở quán Tài Nam, tiệc nhậu “Đoàn ta” có thêm được một bông Hoa biết làm duyên, biết cười tình, biết nói lẳng. Và cũng biết chuốc rượu “bí tỉ” đến chết anh hùng. Nè nè! Dô dô một cái! Ha ha ha!... Dời thuyền ghé lại thăm tình / Chong đèn thêm rượu còn dành tiệc vui...

Rồi kể từ cái đêm định mạng cay nghiệt xui khiến cho em Kiều Thanh xà giáp mặt với chàng Kim Trọng dược sĩ kiêm nhà thầu (vặt), Nhựt nhắm mắt đưa bước chân tình ái vào cuộc đời sương gió đầy phong ba của Hoa: Chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Và “anh đưa nàng... anh đưa nàng (ớ) về dinh”! Tưởng chừng như cuối cùng, Hoa đã tìm được nơi nương tựa. Bừng trong môi, dựng đoạn trường / Tấm nương tử lạc loài nương náu người. Rồi cũng kể từ đó, biết bao là nước chảy qua cầu... Để rồi bây giờ đây, Kiều chợt từ đâu trở về đứng trước mặt tôi, gầy nhom, héo hắt, tiều tụy. Nàng đó! Hoa đó! Một thân thể quyến rũ ngày xưa những tưởng đã lọt vào vòng tay ham muốn, mà cho tới giờ vẫn còn xa lạ. Tôi bùi ngùi choàng tay mình lên bờ vai co ro của Hoa, dìu nàng đi. Đi, đi em... Nhẹ bước chiêm bao tưởng lạc đường / Rưng rưng mùi phấn bỗng ngùi thương / Sương đầm vai áo mong manh lệ / Sao rụng bay vào tóc dạ hương...

 
quê tôi ở giữa kinh thành
có những phố phường nho nhỏ
có những buổi chiều xanh xanh
bụi loãng trong lòng thương nhớ...
 

Thiệt ra thì quê tôi không phải là Vĩnh Long. Tôi chào đời ở vùng đất nằm tận cuối phía Nam đất nước: Bạc liêu là xứ quê mùa / Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều châu. Khi ba tôi thuận theo ý trời, quyết định dời đô lên Vĩnh Long để gầy dựng một triều đại Hậu-hậu-Lê huy hoàng mới thì ấu chúa cũng theo chưn rồng của phụ vương mà tiến lên... Và nhập học lớp nhứt bực tiểu học tại kinh đô mới. Rồi nhờ học giỏi nên ấu chúa trúng tuyển vào lớp đệ thất trường Cao tiểu Vĩnh Long. Kế đến, nhờ có Ngô Quyền vì tổ quốc mà lên sân khấu phá giặc Tàu lần nữa nên tôi mới được làm quen với con Hùm Xám (le lói!) mang tên Nhựt.

Gia đình tôi gốc lao động (vinh quang!), vô sản ba đời liền tù tì. Nhà tôi là một trại mộc gần rạp hát nên hát tối ngày. Mà ngay cả ở trong trại thì thợ thuyền cũng hát cải lương ra rả suốt buổi, hơn nữa lại còn bào đục rầm chát rộn ràng không dứt — trừ những lúc “mệt nghỉ”. Bên ngoài hát bóng trong nhà cải lương, đều đều, đều đều. Đó là chưa kể đèn dầu lù mù, muỗi cắn ào ào và nhức răng kinh niên. Vậy mà tôi vẫn học được, mà lại còn học giỏi nữa chớ. Thiệt là phục em nhỏ sát đất. Còn Nhựt thì lại thuộc hàng con nhà “gia giáo”. Má Nhựt vốn là cô giáo, sau thăng lên cấp giáo sư trung học. Bà nuôi con một mình, hai trai hai gái, có mòi khắt khe. Cũng dễ hiểu thôi. Có lẽ vì vậy mà Nhựt khoái tấp vô cái trại mộc loạn cào cào của ông già “quá cỡ thợ mộc” của tôi để được ăn uống, du hí, đàn đúm, làm thơ, cười giỡn thả giàn.

Sau này, khi tới tuổi mê gái, Nhựt và tôi còn lôi cả hai em Tuyết và em Sáu bán quán về trại mộc thứ hai của ba tôi ở Cầu Lộ mà vầy cuộc mây mưa với Thanh xà Bạch xà hương thôn. Đêm khuya, hai đứa căng cái mùng lớn trên bộ divan lớn thợ vừa đánh bóng xong hồi chiều. Rồi cả bốn đứa, Nhựt, Sáu, Tuyết và tôi chun hết vô đó mà làm giặc. Hai cuộc tình lâm ly đẫm mồ hôi (nhứt là mồ hôi) và nước mắt của một mùa hè dậy thì. Tuy vậy, cơm ai nấy ăn, hồn ai nấy giữ, chớ không có lạng quạng “trao đổi tù binh” giữa canh khuya bất tử. Thế nhưng đôi lúc cũng mỏi mệt (ngất ngư!), mê mớ, vô tình quơ hốt, lạc đạn, cầm nhầm. Một bận, Nhựt tâm sự với tôi là trong tâm khảm mình, Nhựt chỉ ghi nhận được là “Tuyết chỉ có một cái... vú”! Thuở đó, đôi vú trổ mã của Tuyết đẹp và chắc hết xẩy. Dầy dầy sẵn đúc hai bầu thiên nhiên! Như vậy là chàng chỉ mới hưởng được có một nửa “của zời”. Thật đáng tiếc! Đáng tiếc!

Còn tôi, khi nào tôi lặn lội tới nhà Nhựt chơi là để được bình an mà hưởng nhàn. Dẫn tới nhà Nhựt là một con đường đất nhỏ lồi lõm chạy dọc theo con sông Cái Cá, một nhánh sông nhỏ của dòng Cổ Chiên, bát ngát minh mông lúc nào cũng cuồn cuộn phù sa lợn cợn ngầu đục. Nhánh sông nhỏ ngày hai buổi dạo con nước ròng lớn lên xuống lặng lờ, sóng nhỏ xôn xao vỗ lách tách, các giề lục bình trôi xuôi lờ đờ chậm chạp, cá sông thỉnh thoảng trồi lên ăn mống chớp nhoáng rồi lặn liền xuống dòng nước đục biệt tăm. Cảm giác bình an, khoan hoà, nhàn nhã.

Ngôi nhà của Nhựt khang trang, cất bằng gạch ngói gồm nhiều gian, dàn trải trên một khu đất rộng. Vừa bước vô nhà đã cảm thấy mát lạnh liền tức khắc. Vài khóm tre già lay lắt lá nhỏ thanh tú sau hè, gió trưa luồn đưa các thân tre cạ vào nhau kẽo kẹt, êm ả. Đôi ba gốc chuối lá rộng đứng phơi nắng nóng vàng hực đó đây... Gió đưa bụi chuối sau hè / Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ. Giậu rào bên hông nhà trải dài rải rác những lùm dạ lý xanh um, toả hương thơm ngào ngạt lúc đêm về. Thơm ngất ngây, thơm chóng mặt. Những đêm sáng trăng, thỉnh thoảng Nhựt và tôi cùng ra ngồi ở băng đá cẩm thạch lấm chấm đỏ kê trước hàng ba. Ngắm dòng sông nhỏ lặng lờ cuốn chở theo trăng sáng dịu dàng, nghe con cá quẫy nước ẩm đục, nghe dạ lý lùa hương thơm bát ngát thấm tận từng tế bào, từng thớ thịt. Lòng êm ả, không biết nói chi. Và cũng không cần nói năng gì. Cũng không hay biết là mình đang hạnh phúc...

 
tôi kiếm hoài trong ánh đèn
hình bóng phố nhà yêu dấu
thương anh buồn hát đôi câu
nhớ ánh trăng xưa hiền hậu
 

Sau này, khi đã lăn xả vào đời sống tất bật, ồn ào, giả tạo, mệt nhoài ở thủ đô, nhiều khi sực nhớ lại cái “ánh trăng xưa hiền hậu” trên dòng sông nhỏ cũng hiền hậu như trăng, lòng chợt se thắt ngậm ngùi. Và chép miệng: “Mình đã đánh mất cái hồn nhiên tự bao giờ!”

Về nhân dạng, Nhựt cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai. Còn tôi, con ông già (quá cỡ) thợ mộc, thì đối lập (chính trị) lại hết những thứ đó. Học giỏi gì thì giỏi, nhưng mà “cái lưng mốc thít cái đầu chôm bôm” thì bảo đảm là hỏng kiểu một trăm phần trăm dưới cặp mắt thơ ngây của mấy em nhỏ hậu phương. Vì vậy, khi phải chạm trán (ui da!) thực tế trên chiến trường tình ái đối đầu với Nhựt thì xin thú thiệt với đại ca là đàn em... hơi có mặc cảm! May mắn thay, hai tay súng miệt vườn chưa bao giờ có dịp “thí mạng cùi” với nhau vì người đẹp. Thế nhưng, đôi khi cũng có em cứ nằng nặc thích “cái đầu chôm bôm”, thế mới lạ! (Ôi! cái bụng dạ bí hiểm của đàn bà!) Có lẽ kiếp trước em đã vụng dường tu cho nên bây giờ mới bị sao quả tạ nó chiếu. Hay là em tin thiệt lời má dạy: “Con ơi! chồng xấu dễ xài”? Tin kiểu đó thì cũng kể như là mê tín dị đoan. Các em có bao giờ đọc qua thiên tình sử đẫm mồ hôi và nước mắt của Người Ruồi gieo máu lửa chưa? Nên tìm đọc mau mau, kẻo không lại trao duyên lầm tướng cướp. Chừng đó có hối cũng không kịp.

Con nhà gia giáo, trắng trẻo, đẹp trai, thì con đường tình ái của chàng chừng như đã được vạch sẵn: phẳng phiu, tráng nhựa, thẳng tắp, và hai bên đường có trồng hoa sim tím (tím cả chiều hoang biền biệt!) Có dè đâu “đất bằng bỗng rắc chông gai”: Ma đưa lối, quỷ đem dường / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi! Kể từ lúc chập chững bước vào đời, từ thuở còn là học trò, cho tới lúc lâm trận mịt mù với yêu nữ, bồ bịch của Nhựt toàn là ca ve và Kiều nữ: Mai, Tuyết, Phượng, Hương, Du, Hoa... và còn em nhỏ bạc mạng nào khác nữa? Tôi nói bồ bịch chớ không dùng hai chữ người yêu. Cả đời mình, theo chỗ tôi suy gẫm, không biết là Nhựt có thiệt sự yêu ai không nữa. Thì cũng như tôi. Xêm xêm. Vậy thôi. Cái đó gọi là “giỡn mặt ái tình”. Nhiều lúc gây ra án mạng và té bể mặt, không kể còn bể luôn cái gì khác nữa. (Đau thấu trời!) Tuy nhiên, tôi cũng biết qua được ba người con gái nhà lành trong đời Nhựt: Xuyến học trò, Ngọc em gái Nha Trang, và... vợ Nhựt, dĩ nhiên. Hết!

Như đã nói, Nhựt học trên tôi một lớp, còn Lộc thì hai lớp. Ấy vậy mà tôi lại đậu tú tài hai một lượt với Lộc. Mới biết, Lộc đã hết sức thương em và kiên nhẫn, dẫm chưn tại chỗ hai năm liền chờ đợi thằng em chậm chạp cù lần của mình, để cùng nhau tới Trường an một lượt. Và năm sau, khi tôi sắp sửa lên đường du học Canada, Nhựt vẫn hãy còn ạch đụi liên tiếp hai năm với bằng tú tài hai tại Đà lạt, và cuộc vật lộn vẫn chưa có dấu hiệu gì sắp kết thúc. Sau khi rớt năm đầu Tú 2, Nhựt được bà hiền mẫu ưu ái thuyên chuyển từ trường J.J.Rousseau Sài gòn lên trường Yersin Đà lạt. Lý do: ở thủ đô có nhiều vũ trường, Nhựt mới tập tễnh biết nhót nên ham quá, bèn học hành theo kiểu “trường phái (rất ư là) tượng trưng”. Sau khi thuyên chuyển ngoài mặt trận, bà mẹ thầy Mạnh Tử tưởng phen này đà yên chí lớn. Cần nhắc lại là khi xưa, mẹ con thầy Mạnh Tử (học trò ruột của đức Khổng Tử) ở cạnh một lò giết heo. Ngày ngày bà hiền mẫu ngó qua lò thịt, thấy cảnh máu chảy đầu rơi nên hoảng quá (có lẽ lo sợ đấng con chí hiếu của mình bắt chước hàng xóm mà... thọc huyết ai đó bất tử?) Bèn gọi điện thoại cầm tay kêu xe cam nhông lớn cấp tốc tới dọn nhà mẹ con bà đi nơi khác liền tù tì. Nhờ vậy mà thầy Mạnh Tử sau này mới đỗ đạt thành danh và trở nên một nhà đạo đức khét tiếng của mấy ông Trời con. Cách đây mấy năm, tôi về chơi Đà lạt, nhìn lại cảnh cũ chợt nhớ chuyện xưa, bèn hạ bút viết nên thiên truyện ngắn Ngồi đờn xuống thung lũng hầu “gợi giấc mơ xưa”. Có đoạn sau đây nhắc nhở về cái thuở non nước an lạc thái bình ấy:

Sau ba chục năm tròn bỏ xứ ra đi, lần này từ Paris trở về ngay giữa tháng Sáu, tôi đem tới cho Đà Lạt một tai hoạ: Mùa Mưa! Mưa gì mà mưa không dứt hột! Sáng mưa trưa mưa chiều mưa tối mưa khuya mưa. Mưa thúi đất. Lần đầu tiên lên thăm thành phố cao nguyên này lúc vừa mới đậu xong Tú Tài hai, thời kết tình với Tuyết quán nước. Cái cảm giác ám ảnh tôi thời đó là trời Đà Lạt nhiều mây xám tới mức khiến tôi ngất ngư lâm bịnh. Mình mẩy toả nhiệt hừng hực. Buổi sáng có sương mù gây gây lạnh. Trai gái chưng diện đẹp đẽ, áo dài, veston, khăn quàng quấn cổ co ro. Mấy cô nho nhỏ má đỏ hồng hồng — nốt ruồi ngay mặt nhiều chồng không sai! Nhà cửa thưa thớt. Tiếp tiếp dốc lên dốc xuống lung tung. Đồi cỏ, đồi cỏ, đồi cỏ. Thoáng mát, bao la. Nhựt đèo tôi trên xe Lambretta, Lộc anh tôi phóng Vespa kèm theo sát bên, cười cười nói nói, tay đưa lên cao khoa múa huyên thiên.
 
Thời đó, Lộc theo học đại học sư phạm năm đầu tiên mở ra tại Đà Lạt, ban Triết. Nhựt thi hỏng tú Hai ở Sài Gòn vì mê nhảy hơn mê học nên bị má mình đày lên Đà Lạt, những mong nơi đèo cao heo hút, chàng mê nhót sẽ bị bó giò, đành phải hồi chánh mà trở lại với đèn sách. Dè đâu Đà Lạt cũng có tiệm nhảy, cũng có ca ve. Tối tối Nhựt la cà ở vũ trường, tay cầm maracasse lúc lắc tỉ tê với ban nhạc tới khuya, mon histoire c'est l'histoire d'un amour. Nhựt cặp bồ với Hương, một em ca ve rất rành sáu câu tango, dọn về ở chung. Chàng và nàng bèn mở lớp cấp tốc tại gia để dạy cho tôi múa lèo vì tôi sắp lên đường sang Canada du học. Em bé quê học quá giỏi nên được cấp học bổng Colombo, xin ngả nón chào và xá em một cái! Mang chuông đi đấm xứ người mà không biết giựt be bop, lạng tango , ẹo cha cha, quay valse, sụm boléro là kể như ăn mày nơi đất khách và may tay dài dài chịu trận. Ối thôi là phăng-ta-xi đủ kiểu hết: quay ngược, quay xuôi, giựt qua, giựt lại, dùng dằng, dục dặc, à terre, bật ngửa rờ đất, đá gió lên trời, lâu lâu lại hét lên một tiếng như sư tử hống! Ậy! Vậy chớ một khi đã qua tới Québec rồi là mấy em bé Còi québecoise hậu phương cứ trầm trồ ngó hai cái cẳng dẻo nhẹo như cứt mũi của Kiệt tui mà chết mê chết mệt. Chỉ nằng nặc đòi theo thụ giáo và xin làm em nuôi đại ca. Em nuôi gì mà lắc boléro cái đít cứ õng ẹo õng ẹo thấy phát ghét! Chân quê dẻo nhẹo dông dài / Mua vui cũng đặng một vài trống canh. (...)
 

Thời gian ở Đà lạt, vì vẫn tiếp tục mê nhót, Nhựt thi rớt lên rớt xuống Tú 2 liên tiếp hai năm, gây đau khổ cho bà hiền mẫu của mình không ít. Cuối cùng, bà mẹ thầy Mạnh Tử lại lấy một quyết định sáng suốt: thuyên chuyển thằng hiếu tử của mình trở ngược về trường J.J.Rousseau Sài gòn. Nhựt cũng đổi hướng kinh sử, chuyển từ ban Khoa học sang ban Triết, giống như Lộc. Và lần này thì cuối cùng, chàng mới ra khỏi địa đạo: Nhựt đậu Tú 2, ban Triết. Chạnh nhớ cái thuở khiêu nhảy nhót tung hoành của mình ngày trước, cộng với cái nghề Tú Triết mới toanh bây giờ, chàng bèn nảy ra sáng kiến lấy cho mình cái bút hiệu vi vút là “Triết Vũ” khi làm thơ. Cứ theo đà này thì cái tên thi sĩ Triết Vũ chắc chắn sẽ hiên ngang đi vào văn học sử (hết biết đường ra...) của nước Văn lang ta. Đúng y chang theo nguyện vọng của hai đại thi bá kiêm cao bồi hương thôn Nhựt - Kiệt hồi cái thuở còn hàn vi ngồi làm thơ “con cóc” ở chợ cá, khiến cho hai Kiều Tuyết Sáu phải e lệ nép vào dưới hoa bên bờ sông định mạng Tiền giang thuở trước.

Tổng kết tình hình quốc tế: Xuất thân là một con Hùm xám nhỏ khiêm nhượng ở tỉnh lẻ, nhờ khéo tu luyên, thầy Mạnh tử đã lột xác trở thành Bạch diện thư sinh tú tài, kiêm thi sĩ Triết Vũ. Rồi sau đó thừa thắng xông lên, đỗ Cử nhân Dược sĩ, cưới được vợ “có thớ”. Đoạn tiến về miền quê hương cát trắng, mở tiệm thuốc tây (kiêm thầu vặt), công thành danh toại vô cùng vinh hiển tại thủ phủ Nha Trang. Trong suốt đoạn đường chiến binh này, bà hiền mẫu không ngừng lúp xúp chạy theo, không ngớt khuyến khích la rầy, đôi khi dùng cả biện pháp mạnh. Và mệt nhứt là đã nhiều phen xỉu lên xỉu xuống vô cùng vất vả. Mới biết, nếu khi xưa có Người Ruồi gieo máu lửa thì giờ đây, lại có thêm Người Rồng phun thuốc khai quang. “Kẻ kia tám đạp, người này nửa thoi”! Làm thiên hạ ngã lăn ra mà chết như ruồi. Than ôi! Phàm sinh ra đời làm con mà đối xử với mẹ như thế ấy, xét ra chẳng phải là đáng hổ thẹn lắm ru? Ôi! Cái tội bất hiếu biết kiếp nào chuộc được! “Ân sư ôi! Cúi xin ân sư (ư ư)... tha thứ tội (ơ) tình...

Cũng trong truyện đó, còn có thêm một đoạn ngắn:

(...) Nhưng lần này, năm hai ngàn lẻ mấy, tôi chỉ về Đà Lạt có mình ên. Lộc đã mổ tim và hiện cắm dùi ở Canada, Montréal. Nhựt thì đã cắt bỏ bớt một lá phổi, hiện đứng bán thuốc Tây lẻ ở Mỹ, Sacramento. Cùng một lứa bên trời lận đận. Tôi từ lâu đã xếp hết bút nghiên, quăng hết cày bừa nên liên tiếp mấy năm vừa qua có chán vạn thời giờ để cà nhỏng chống xâm lăng. Thiệt tình mà nói, ngay cả trong thời kỳ «toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến», tôi cũng vẫn chỉ cà nhỏng chống xâm lăng mà thôi. Ở xứ mình: chống! Qua xứ người: vẫn tiếp tục chống! Lập trường chính trị rất vững. Ba chục năm chiến tranh, từ 1945 tới 1975, hết giặc Tây, giặc Mỹ đến chiến tranh Quốc - Cộng, hầm bà lằng sắn cấu (sấu cắn). Chết liệt địa! Còn sống sót được tới ngày hôm nay phải kể như là có chơn mạng đế vương. Đã có biết bao nhiêu bạn bè tôi, thân lao lý đến bao giờ, nước non tàn một cuộc cờ trắng tay! (...)
 

Thời gian tôi trở về thăm Đà lạt, Lộc và Nhựt đã gác kiếm giang hồ từ lâu. Người Rồng ham nhót có lẽ đã phun hết thuốc (chắc không?) Còn tôi, Người Ruồi, lại sắp bay lạc vào mê cung của tiểu yêu nữ Thanh xà (thêm một lần nữa! Lần cuối?) Chết bỏ! “Má ơi con má hư rồi! Còn đâu má gả má đòi bạc trăm!

 
Kỷ niệm thơm từ năm ngón tay
Trăng lên từ nét gợn đôi mày
Bóng hoa huyền ảo nghiêng vầng trán
Chưa ngát ân tình hương đã bay
 

Hương đã bay... đã bay... Bye bye!... Bái bai!... Hương ơi! Hương ơi! Xin chớ vội, đừng bay gấp! Tuy nhiên, vào cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy” thì hương vẫn chưa kịp vỗ cánh bay đi. Hương chỉ mới vừa hạ cánh xuống lâu đài tình ái. Khi dược sĩ Kim Trọng đã rước được Kiều ra khỏi lầu xanh rồi thì đôi trẻ bèn tính chuyện xây Túp lều lý tưởng. Ở đâu? Thì ngay tại nhà Hoa! Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm trong một ngõ hẻm (Bùi Hữu Nghĩa?) ngoắt ngoéo gần Cầu Bông (Cầu Hoa?) Nhà lót gạch trơn đại khái, vách ván, mái tôn, có gác lửng. Hoa sống chung với một bà mẹ già và một cô em gái – mà hình như Hoa ngầm “cáp” cho tôi, nhưng tôi lại không có ý kiến: tôi đang dính nhựa trong một “vũng lầy của chúng ta” khác nữa, còn chưa biết cách nào mà rút chưn ra cho được đây. Toàn là một lũ đầu xanh vương khổ hận.

Thị sát ngôi nhà của Hoa, tôi cũng đã đoán chừng là trong “Túp lều lý tưởng” này, nếu phải thi hành “tứ khoái” thường nhựt, đều đều, ắt sẽ gặp vấn đề — nhứt là khi giải quyết “đệ tứ quyền”, sẽ vô cùng khó khăn! Rồi giả thử hôm nào đó, rủi ro bị chột bụng nặng mới tính sao đây? Không lẽ cứ chập chập chạy vô nhà nằm, rồi chập chập lại chạy ra ngoài nhà, rèn rẹt? Đó là chưa kể đôi lúc phải xếp hàng làm ? (Có những tiểu tiết hết sức “khỉ” như vậy đó mà nó đã giết chết những mối tình lớn nhứt và lãng mạn nhứt trên đời! Có đi “thực tế” mới biết là đường thế đồ gót rỗ kỳ khu!) Để có tiện nghi tối thiểu, tôi phải chở Nhựt xuống Chợ Cũ mua sắm mùng mền, nệm gối, vật liệu vệ sinh lỉnh kỉnh, cộng thêm một cái quạt máy National... Và nhứt là ì ạch rước về một vị “Lãnh tụ” anh minh Hitachi. Nhưng tôi thấy Nhựt rất là hồ hởi và vui vẻ trẻ trung như con trai vừa mới nhớn. Nhìn đôi trẻ tíu tít mà bắt cảm động. “Nước mắt nhỏ sa, em lấy khăn mu soa em chặm / Cái điệu vợ chồng ngàn dặm khó quên!” Tôi hiểu. Tôi rất hiểu và thông cảm vì sao mà Nhựt đã hành động “xâm mình” và liều mạng như thế đó. “Thà chết sướng hơn!” Hay là trong lúc tâm lý đang xuống tới mức cực cùng như hiện nay, Nhựt tưởng vậy. Và tin như vậy. Tôi đã từng chứng kiến và chia sẻ nỗi khổ tâm của Nhựt. Tôi (và luôn cả Ánh) khâm phục Nhựt sao đã có thể kiên nhẫn, và nhứt là chịu đựng được tới mức đó! Hơn nữa, Nhựt vốn xưa nay là một “kép chơi”, một playboy đã từng quen thói vẫy vùng. Gặp tôi, có lẽ tôi đã bỏ cuộc. Hoặc đã dứt điểm từ lâu.

Lộc học khoa tâm lý và đọc Freud nhiều. Lộc và tôi thỉnh thoảng có bàn về “trường hợp” của Nhựt. Nhìn xuyên qua đời sống của kép độc từ thuở nhỏ, rồi được đào tạo lúc lớn lên, sau này rời khỏi gia đình để trọ học ở tỉnh khác, đến lúc va chạm thực tế với cái “yin”, những cô gái dễ dãi, những người đàn bà bụi đời... Rồi giải thích, rồi diễn giải, rồi gọi là “hiểu” Nhựt. Hiểu tại sao Nhựt đã hành động như vậy, tại sao Nhựt đã chọn “đào” như vậy, tại sao Nhựt đã khứng chịu nghịch cảnh nổi như vậy. Một cách nào đó, Nhựt là một “con bệnh tâm lý”? Cả tôi cũng vậy. Và Lộc cũng vậy. Mà có ai thực sự bình thường trên đời này? Đức Giáo hoàng? Hay là Đạt lai Lạt ma? Là Freud? Là Mẹ Têrêsa? Là Tần thủy hoàng? Lộc nói, nghĩ cho cùng, không ai có thể được coi như là bạn thiệt sự của Nhựt, ngoài Lộc và tôi. Có lẽ đúng. Và chắc đúng vậy. Một đêm nọ, say ngất ngưởng, Nhựt bá lấy cổ tôi mà lầu bầu: “Không ai biết chia sẻ tận tình cái vui cái buồn của tui hơn là bồ!” Ngoài hai tiếng xưng hô “mầy tao” thông thường, dân Nam cờ còn có thói quen gọi nhau bằng “bồ” lúc còn nhỏ. Rồi sau đó, lúc lớn lên, trở thành cố tật, không bỏ được nữa. Cứ gọi nhau bằng “bồ” hoài hoài cho tới chết. Bồ? Phải đó “bồ”!

Thời gian đầu, sau khi “anh theo nàng... (chớ) anh theo nàng (ớ) về dinh” thì đi đâu với Hoa, Nhựt cũng nài nỉ kéo tôi theo cho bằng được để kèm trẻ tư gia: đi dạo phố, đi uống nước, đi nghe nhạc, đi coi hát, đi rà rà, đi lên đi xuống... Ai đi ngang / qua Cầu Bông / té xuống sông / ướt cái quần ni lông / Dô đây em / dù trời khuya anh cũng đưa em dìa... Gì chớ từ Cầu Bông mà về Túp lều lý tưởng thì là gần xịt.

Nhưng thỉnh thoảng chàng và nàng cũng đi xa hơn. Xa rất xa. Lên tới Đà lạt. Nhưng lên Đà lạt để làm gì? Thì để “hưỏng tuần trăng muộn”, còn phải hỏi! Nhưng kéo tôi theo để làm gì? “Ai mà biết được!” Khi nghĩ lại, có lẽ để làm nhân chứng thời cuộc — bất đắc dĩ. “Ai lên xứ hoa đào dừng chân / Hái giùm một cành hoa...” Hoa thì đã hái rồi, và cũng đã cắm vô bình từ khuya, khỏi cần hái nữa. Ba đứa ở khách sạn, chung hết một phòng. Nói như Nhựt: Bộ ba ông Táo. Nói như ba tôi: Ba thoi vô một chỗ! Trong phòng chỉ có vỏn vẹn một cái giường lớn (bà con thử nghĩ!) Cái giường, cho dù có lớn cách mấy đi nữa, thì cũng làm sao mà tránh khỏi được tên bay đạn lạc giữa màn đêm dày đặc? Hơn nữa, mặc dầu (và luôn cả mặt mỡ) trước khi lên giường đi ngủ, đã có dặn kỹ trước là “xin em đừng có nhúc nhích, đổ uổng!”, và cũng “xin bà con vui lòng vặn nghe nhỏ bớt để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần yên lặng nghỉ ngơi”. Vậy mà trong bóng tối mịt mùng, phong ba vẫn cứ nổi lên rần rật, chập từng chập vẫn cứ thét roi cầu Vị ào ào gió thu! Như vậy cả đêm. “Suốt đêm rót rọt”. Là giết đời nhau đấy biết không? Chỉ còn có nước ngửa mặt lên trần nhà lù mù bên trên khóc ba tiếng cười ba tiếng mà than rằng: “Xanh kia thăm thẳm từng trên / Vì ai nhảy dựng cho nên nỗi này?” Khóc xong, bèn rút khăn mu soa ra mà lau lệ.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là xét về mặt đối nội. Còn đối ngoại thì sao? “Xuất sắc! Hết chỗ chê!” Lúc ngồi xe đò nhỏ chật ních từ Sài gòn lên Đà lạt, tôi ngồi sát nách một người đàn bà vừa đẹp vừa lẳng. Cái thân Bạch xà cứ uốn éo, mềm mềm nhũn nhũn (thấy ghét ghê!). Lại còn thơm phức nữa chớ. Để lụy anh hùng em hỡi! Gợi chuyện làm quen. Biết đâu... Nàng là vợ một chàng đại úy phục vụ tại trường Võ bị. Cho địa chỉ mời “anh Kiệt” có dịp tới chơi. Tới thì tới. Sợ ai?

Đến ngày hẹn, trên đường ba đứa tấp vô chợ Hoà bình thỉnh một chai rượu Chianti hai lít, bọc rơm trắng rất là mỹ thuật. Và cả một bó hoa lớn. Xong tà tà tiến về nhà người đẹp – nhưng than ôi! Hoa đà có chủ! Vì không có dợt tuồng trước nên tôi cương đại với gia chủ rằng hai bạn ta là đôi vợ chồng son. Khi ngồi vào bàn khai mạc đại yến, nữ gia chủ quay sang hỏi Hoa:

“Anh chị cưới nhau từ hồi nào?”

Bị phỏng vấn thình lình, em nhỏ hậu phương bấn quá bèn ấp úng:

“Dạ... dạ... em hổng biết!”

Gia chủ chới với. Tôi cũng chới với không kém. Chập sau, quốc hội lại lên tiếng tiếp tục chất vấn gay gắt chánh phủ (lâm thời):

“Anh chị có được mấy con rồi?”

Em nhỏ hậu phương lại nghe hỏi bất ngờ nên giựt mình, hồn vía lên mây. Lại ấp úng:

“Dạ... dạ... dạ em cũng hổng biết!”

Ối thôi! Phen này thì kể như đành phải bể mặt trận... giải phóng miền Nam! Cháy nhà ra mặt chuột. “Ôi Kim lang hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ nay!” May thay! Nữ gia chủ là người sành điệu và hiếu khách nên chỉ đưa mắt nhung liếc xéo tôi một cái (ui da!) rồi mỉm cười tủm tỉm. Nhựt cũng nhích mép lên cười mím chi cọp (nghề của chàng!) Cũng trong một tiếng tơ đồng / Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. Còn em nhỏ hậu phương, người đã gây ra tai nạn ngoại giao thì lại che miệng... cười ngặt nghẽo! (Bà con thử nghĩ!) Xin giở nón chào thua em. Còn tôi thì chỉ còn có nước (lại) ngửa cổ lên trời khóc ba tiếng cười ba tiếng và (lại) than rằng: “Thiên sinh chi Tui hà do sinh Nhựt?” (Nếu không hiểu cái “nho chùm” này thì xin xem lại Tam quốc chí).

Sau lần xuất quân để “hưởng tuần trăng muộn” ở xứ anh đào và đại thắng về mặt ngoại giao, tôi ít còn dịp lẽo đẽo theo kèm trẻ tư gia như trước nữa. Tuy nhiên, mặt trận miền Đông xem chừng vẫn yên tĩnh. Chiều chiều ngồi nhâm nhi bia ướp lạnh một mình trước sân nhà ở Hàng xanh, tôi thường ngóng về hướng Cầu Bông và tưởng tượng... Tưởng tượng giờ này trong Túp lều lý tưởng, một cảnh thanh bình thời xửa thời xưa...

 
thơ anh làm em hát
tơ em dệt anh may
ta xây đời bằng mộng
như tiếng nhịp con thoi
 
xa quá quê anh đồi núi
nương dâu bãi sắn thơm nồng
đôi mắt mẹ già mong mỏi
chiều chiều bên song ngóng trông
 

Ra tới Nha Trang đã thấy bắt đầu có đồi có núi, tuy không cao lắm. Đồi cát trắng và núi thấp che chở cho vịnh Cam Ranh, biến vịnh thành nơi đậu cho tàu lớn rất an toàn, lòng vịnh sâu thẳm. Nhứt là tàu chiến. Và chính vì vậy nên mới đổ nợ. Mới có giặc Pháp, giặc Mỹ — và sẽ còn cường quốc nào khác nữa? Cũng giống như nghèo mạt rệp mà có vợ giai nhân. Chỉ có từ chết tới bị thương! May mà vịnh Cam Ranh không biết cắm sừng. Trời đất thiệt là chí công!

Tôi về nước đâu được ba năm thì Nhựt vĩnh viễn giã từ vũ trường và (lỡ bước) sang ngang. Chàng tốt nghiệp dược sĩ, cưới vợ người Nha Trang (đồng khoá) rồi nhổ neo rút dù. Súp lê ba tàu ra biển Bắc / Tay vịn song sắt / Miệng chắc lưỡi kêu trời!... Bên vợ rất “có thớ” ở Nha Trang. Nhà cửa lớn, có tiệm thuốc tây lớn, và có luôn cả một cái rạp hát ta lớn – chuyên hát tuồng Ấn độ có hoàng tử Chà và lắc bụng cà ri, và phim xì thẩu có Chệt chửi nhau bằng tiếng Cắc chú. Bruce Lee thuở đó mới ra lò, Đường sơn đại huynh, đấm đá tưng bừng, con nít người lớn vỗ tay rốp rốp, hốt bạc cắc ào ào. Ánh và tôi là bạn duy nhứt của Nhựt được đặt gót ngọc vào tư dinh của vợ chồng dược sĩ và được đãi cơm thịnh soạn. Bao luôn vé máy bay khứ hồi. Thời đó tôi làm nô bộc cho nhà nước nên lương hướng rất bết bát, ý là lương chuyên viên cao hơn so với nhiều từng lớp khác. Nhựt có tiền rủng rỉnh, nhưng khi vào Sài gòn chỉ dắt tôi đi ăn nhậu, em út, và nhứt là tới các nhà may Trẻ đặt may quần áo mới, hợp thời trang để le lói với mấy em nhỏ hậu phương. Nhưng đặc biệt là Nhựt chưa hề đưa tiền cho tôi bỏ túi xài lặt vặt. Có lần Nhựt tâm sự với Ánh là đưa tiền mặt sợ tôi tự ái (!) mà giận bạn mình. Thiệt là Nhựt đã hiểu rõ tâm lý bạn mình rất sâu sắc. Nhựt mà đưa tiền mặt thì tôi sẽ giận cành hông... là cái chắc! Tuy nhiên, lên tới một mức nào đó, có lẽ tôi sẽ nhắm mắt làm lơ, coi như xí xoá, và cũng đành “cắn răng mà nuốt trộng con thằn lằn”! Có lần tôi đưa ra định nghĩa: “Bạn tốt là bạn để cho bạn mình lợi dụng chút đỉnh”. Và Nhựt gật gù tán đồng. Lợi dụng hay là chia sớt?

Thời gian Nhựt đóng đô ở Nha Trang, xảy ra một vụ chạm súng lẻ tẻ. Nhựt và tôi có chung một bạn thân chịu chơi còn hơn cả hai đứa tôi: Hai Võ, cũng gốc người Vĩnh Long. Hồi thuở 18 tuổi, Hai Võ được bầu làm Lực sĩ đẹp Sài gòn (đẹp nhứt!) trong một cuộc tranh tài hết sức gay go. Mà không phải chỉ có vậy thôi. Chàng còn biết cả mần thơ (bất hủ): “Đời anh đau khổ / Tình đời thổ thổ!” “thổ thổ” có nghĩa là nước da ngăm ngăm như người Thổ (Miên), ý muốn nói tình đời xám xịt. Ấy vậy mà chính Lực sĩ đã mua tặng tôi tập thơ của Nguyên Sa, ấn bản đầu tiên, vừa mới ra lò, in xấu hoắc. Như vậy mới là “loạ”! Ngoài cái chuyện Hai Võ là lực sĩ đẹp nhứt Sài gòn, tưởng cũng cần nhắc tôi vốn là người học giỏi nhứt Vĩnh Long, Lộc là người ca hay nhứt tỉnh, còn Nhựt là chàng học trò “nhót” sớm nhứt tỉnh nhà. Toàn là những nghệ sĩ thượng thặng, đu vèo vèo (ăn bứt xa Tạc Zăng) mà không cần lưới hứng bên dưới. Chết bỏ!

Gặp lại nhau ở phòng tập Tự do, Sài gòn, Nhựt rủ Hai Võ ra vùng biển cát trắng mà mở phòng tập thể dục thẩm mỹ (Nhựt bỏ vốn) là hốt bạc. Hai Võ nghe lọt lỗ tai. Ra tới Nha Trang, ngày ngày chàng lực sĩ đẹp tắm biển, thoa dầu bóng lưỡng tà tà đi dạo biểu diễn bắp thịt trên bãi. Vô cùng le lói. Có mang kiếng mát Rayban cũng vẫn bị chói như thường. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao / Đường đường một đấng anh hào!, đương nhiên Hai Võ trở thành thần tượng của mấy em đứng bán quán giải khát trên bãi. Trong số có một em hết sức là sexy Ma Ri Lĩnh. Nhưng em lại vốn là bồ đương thời của một chàng công an chìm có súng chìm 6 viên lận lưng. Vậy là sanh giặc. Chàng công an bị đào cắm sừng bèn nổi tam bành Hoạn Thư rút súng chìm có nạp đủ 6 viên rượt theo lực sĩ đẹp mà bắn chát chát. Vì bắp thịt quá nở nang, khi chạy bị cản gió nên vận tốc của lực sĩ có mòi suy giảm. Dược sĩ (kiêm nhà thầu) thấy vậy hoảng quá, sợ bị đền nhân mạng bất tử. Bèn cấp tốc mua vé máy bay cho lực sĩ đẹp hồi hương gấp gấp. Về lại phòng tập Tự do mà cử tạ cho nó an toàn... trên xa lộ.

Lần nào Nhựt từ Nha Trang vô tôi cũng bỏ nhiệm sở để chở Nhựt đi lung tung bổ thuốc... cho vợ. Các nhà bào chế và kho dược phẩm nằm rải rác khắp nơi trong Sài gòn và ngoại ô. Dĩ nhiên không phải chỉ có mỗi cái công tác bạc bẽo đó. Còn có cái màn phụ diễn vô cùng hấp dẫn: “Ướm qua mấy Kiều”. Sớm đào trưa lý đêm hồng phấn / Tuyết Hạnh sương Quỳnh máu Đỗ Quyên. Nói “phụ diễn” mà là “phụ” thiệt chăng? Nhưng thiệt tình mà nói thì tôi vốn không phải là một con hải cẩu chính cống, ngày đêm chỉ nghĩ tới “chuyện đó”, không thiết gì tới ăn uống nghỉ ngơi. Chưa lần nào tôi tự ý vác vũ khí đi hành hiệp một mình. Nhưng bạn bè (bạn thì phải , dĩ nhiên!) kéo tôi đi thì tôi đi, ai tới đâu tôi tới đó, “giữa hàng hùng binh có tui đi hàng nhì”, vậy thôi. Đúng như định nghĩa của một người bạn trung thành!

Nhưng ở đời có qua thì phải có lại mới toại lòng nhau. Nhựt vô Sài gòn đều đều thì tôi cũng ra Nha Trang lai rai. Lần đầu tiên có Ánh và hai con cùng đi theo. Buổi tiễn đưa lòng vướng thê nhi. Lần thứ hai, tôi ra Nha Trang có một mình. Không diễn lại cái màn Phạm Công xuất trận mà “dưới chưn ngựa lại thêm hai trẻ rộn ràng (chập xùm!) / ra đánh giặc sao lại kình càng như vậy? (chập xùm!)” Lần này Nhựt lấy cớ đi giao thuốc ở Ban mê thuột để rứt áo ra đi. Tôi tá túc ở nhà bạn Nhựt nên “chém vè” dễ dàng. Tà tà mà lượm hoa rơi.

Buổi tối ở Nha Trang sắp từ giã nhau, Nhựt đưa cho tôi một tập thơ mỏng in xoàng xỉnh, dặn tôi đọc đi, trong thơ có những từ ngữ mượn từ Kinh Phật nên âm hưởng lạ lắm. Tập thơ này do một người con gái tên Ngọc tặng cho Nhựt lúc quen nhau. Ngọc? Ngọc nào? Tối đêm đó tôi chong đèn đọc hết tập thơ mỏng, khám phá những chữ lạ trong Kinh vô cùng hứng thú:

 
em từ rửa mặt chân như
nghiêng soi hạt nước mời hư không về
thau hương hiện kính bồ đề
phấn son chìm lắng hạt mê luân hồi
 

Ngất ngây. Thích lắm. Và cũng rất hoà hợp với tâm tính mình. Lâu rồi không còn làm thơ. Chỉ lăn xả vào cuộc vui. Những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm”. Tự nhiên đêm đó thấy thèm làm thơ trở lại. Và thơ lục bát, như Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe Nhựt nhắc tới cái tên Ngọc, em gái Nha Trang. Rồi quên bẵng đi. Không có dịp nhắc tới lần nào nữa. Một năm. Hai năm, có lẽ...

Cho tới một bận nọ, Nhựt lại từ Nha Trang vào. Không ghé nhà tôi. Cũng không ghé sở. Hẹn gặp nhau buổi tối ở quán ăn. Tới quán, gặp Nhựt đang ngồi đó với một cô gái trẻ, tóc xõa dài, tuổi chừng hai mươi. Xinh xinh. Có nụ cười hiền. Đôi môi đầy đặn. Mà ngực em lại còn đầy đặn hơn nữa. Nhưng lúc đó tôi còn đang kẹt leo đèo lội núi ngất ngư nên lòng nào dám tưởng! Nhựt giới thiệu. Mới rõ ra em là Ngọc. Ngọc “Động hoa vàng”, tới bây giờ mới biết mặt. Dù Nhựt không nói thêm chi tiết, nhưng linh tính cũng cho tôi biết Ngọc là “đào nhí” của chàng. Mục đích buổi gặp gỡ: em gái Nha Trang vào Sài gòn học thêm để tiến thân. Nhưng e thân gái dặm trường bơ vơ rủi gặp sói dữ nên nhờ bạn ta giúp đỡ và hướng dẫn buổi ban đầu cho “con nai vàng ngơ ngác”. Giao đào nhí tận tay bạn hiền (zước cụ xơi?) rồi rút lui, tin bạn đến thế thì thôi! Lên non chọn đá thử vàng / Thử cho đúng lượng, mấy ngàn anh cũng mua. Thách thức thần linh chăng? Hay là noi gương Lưu Bình Dương Lễ mà biệt phái Châu Long theo phò bạn hiền?

Tuy nhiên, chung cuộc tôi cũng đã tốt đẹp làm tròn bổn phận công dân đối với nhà nước. Luôn cả đối với chánh quyền, luật pháp, đối với đất nước, bạn hiền, đối với mẹ già, em dại – em gái Nha Trang. Tôi chở nàng đi mua sắm mùng mền nệm gối (thêm một lần nữa!), chỉ thiếu cái quạt máy National và lãnh tụ Hitachi. Kiếm luôn nhà trọ cho em gái. Phục lăn! Sau đó tôi lại quay về với “vũng lầy của chúng ta” vô cùng bi thảm Đông dương, bị Thanh xà Bạch xà tiếp tục quấn riết nên quên bẵng người em gái Nha Trang mang tên Ngọc.

 
xa quá mà thôi chuyện cũ
thời gian chẳng có tâm tình
đếm mãi đêm dài trên phố
cho rầu cả trái tim anh
 

Bỏ con én liệng vút cao, bỏ cơn gió nóng lững lờ, bỏ áo tím hoàng hôn trên hàng cột điện, bỏ thời gian biền biệt lại sau lưng, “Đi, đi em...” Nhẹ bước chiêm bao tưởng lạc đường... Hoa và tôi chầm chậm sánh bước bên nhau, đi trở ngược về hướng Bà chiểu. Giã biệt hoàng hôn. Trời tối xuống mau. Xe cộ xuôi ngược xì xầm. Thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh vụt vã, hụ còi, ào ào, gấp rút. Đã quá quen. Hôm nào không có những chiếc xe màu ô liu phóng vèo vèo, thấy thiếu thiếu, và lo lo trong bụng.

Im lặng. Thỉnh thoảng quay đầu qua ngó nhau. Tay choàng lên vai như đôi nhân tình. Định mở lời, lại thôi. Như sợ làm bật máu vết thương trở lại lần nữa. Hai chữ néon “Hoa Hồng” màu hồng chói chang chớp tắt bên lề trái... Hoa Hồng... Hoa Hồng... chớp tắt chớp tắt. Tôi dìu Hoa quẹo vào quán thụt sâu phía trong, “mình vô đây ngồi uống nước nói chuyện chơi”. Đây là quán nước của Nghĩa và Dung, có nhiều cô gái nhí nhảnh trẻ măng phục vụ. Chỉ bán rặt có mỗi một thứ: bia. Bia, nhưng mà là “bia ôm”: vừa nốc bia, vừa ôm em. Nghĩa làm hiệu trưởng ở Hậu nghĩa, coi như là đệ tử của Lộc. Lái xe Florida đỏ mui sập phóng ào ào, bay tóc trán. Rất chịu chơi. Lương nhà nước chẳng thấm vào đâu, như muối bỏ biển. Bèn bàn cùng vợ mở quán Bia ôm để tăng cường ngân sách. Thời buổi giặc giã, các em nhỏ hậu phương rời bỏ ruộng nương chạy xô ra thành phố nườm nượp, không biết nghề ngỗng gì. Chỉ còn một công việc dễ nhứt: khui bia. Bởi lẽ đó quán Bia ôm mọc lên như nấm. Làm lính chết nay sống mai, ai biết trước được. Gặp nhau là “dô! dô!”. Thì cứ bia cái đã. Thì cứ ôm cái đã. Vui một đêm nay, rồi mai lên đường...

Lúc nào “mặt trận” lắng dịu, được thong dong, tôi thường vác xác tới đây, chui vào Hoa Hồng chà lết với mấy em nhỏ hậu phương còn nặng mùi đồng ruộng để giải khuây. Và cũng để tìm lại... cái dư vị quê hương thời thơ ấu! Vẫn là do “xa quê hương nhớ mẹ hiền” mà ra hết cả. “Phàm đã làm bổn phận một đứa con chí hiếu thì phải...” Uống bia miễn phí (free free free!) Chỉ bo cho mấy em chút đỉnh (?) tiền ôm tượng trưng thôi – còn những thứ khác thì tùy thuộc vào tài năng của từng kép hát. “Thì xin chút ít gọi là duyên sau”. Bắc thang lên hỏi ông Trời / Đem tiền cho gái có đòi được đâu! Trong quán lúc nào cũng ồn ào, rậm rật. Lần đầu tiên gặp nhau nhậu nhẹt ở Chợ Cũ, một buổi tối thứ bảy, Nhựt và Nghĩa đã gây gổ nhau một trận kịch liệt. Sau khi gây xong, hai tay mệt mỏi và xỉn quá nên ôm nhau ngủ gục trên xe Floride tới sáng. Hai kép độc đều “ngang” như nhau, gây là phải. Lộc và tôi phải can ra mãi, không thôi ắt đã có màn thượng cẳng chưn hạ cẳng tay. Nhưng sau đó rồi thì hai kép chơi lại rất khoái nhau. Luật giang hồ nó như vậy đó. Về phần mình, Dung cũng đã đôi ba phen túm cổ đấng ông chồng đức hạnh đầy người của mình đang lúc chàng quả tang phạm pháp... ngay tại quán! Thì cây nhà lá vườn cho nó đỡ hao địa. Đã bảo: “Chịu chơi thì đừng có run”. Hoặc nói cách khác: “Chịu run thì đừng có chơi!”. Chưa chắc thằng nầy sợ thằng nào! Và cũng chưa chắc thằng nào sợ thằng nầy!

Tối nay tự nhiên thấy “anh Kiệt của em” dắt đào riêng tà tà tới quán, mấy em “gheisa ôm” hậu phương đi ngang bàn cứ nguýt dài liếc xéo (làm cho em nhỏ thắt dọng wá chời!), nhưng không dám xáp vô ngồi ẩu. Trong bầu không khí ồn ào nực nồng mùi bia và khói thuốc, tôi cố gắng nói lớn để cho Hoa nghe được — rất là lãng mạn hoa sim tím!

“Em có liên lạc gì với Nhựt được không?”

Hoa lắc đầu:

“Gần bốn năm tháng nay rồi em không có tin tức gì của ảnh hết. Còn anh?”

Tôi cũng lắc đầu.

“Vì sao mà Nhựt bỏ em ra đi bất tử vậy?”

“Em cũng không biết. Buổi tối hôm đó anh Nhựt cũng ngủ chung với em như thường lệ. Sáng dậy thấy ảnh đâu mất. Em tưởng là ảnh ra Sài gòn đi công chuyện. Nhưng mà rồi em chờ cả ngày cũng không thấy ảnh về. Em...”

Hoa nấc lên một tiếng nhỏ rồi không nói được nữa. Nước mắt bật ra lăn tròn xuống má hàng hàng, rũ rượi. Khi người yêu tôi khóc / Trời cũng giăng sầu... Khi người yêu tôi khóc / Thành phố buồn thiu... Tôi nói thầm: “Thôi rồi! Con Cá Thòi lòi đã lặn thêm một lần nữa!” Khi nào Nhựt thình lình mất tích, Lộc và tôi thường than với nhau như vậy. Nhựt có thói quen thỉnh thoảng trốn biệt hết mọi người, có kiếm cách mấy cũng không ra. Giống như con cá thòi lòi đeo trên bặp dừa trôi sông. Bất thần, thòi lòi nhảy chủm xuống nước, rồi lặn sâu biệt dạng. Tới lúc nào đó, thòi lòi tự ý muốn trồi lên thì trồi. Khi ngó thấy cặp mắt lồi không giống ai hấp háy trở lại trên mặt nước mới biết: Cá Thòi lòi đã tái xuất giang hồ! Chờ cho nước mắt em dịu xuống, tôi gặng hỏi:

“Em với Nhựt có gây gổ gì với nhau không?”

Hoa lắc đầu:

“Không có gây với nhau chuyện gì hết. Nhưng... nhưng lúc sau này em thấy ảnh hơi buồn buồn. Không biết buồn gì. Em... em có gợi cho ảnh nói... mà ảnh không chịu nói”.

Hai đứa bàn bạc, đưa ra vài giả thuyết loanh quanh về duyên cớ mất tích của Nhựt. Cũng chẳng đi tới đâu. Con cá thòi lòi phen này đã lặn thiệt rồi. Và lặn kỹ! Hoa than thở:

“Từ ngày ảnh lẳng lặng bỏ đi, em rầu muốn chết. Em ngả bịnh liên miên. Nhiều lúc em muốn tự vận chết phứt đi cho rồi... Em... em khổ quá anh Kiệt ơi!”

Tôi lặng thinh không biết nói gì để an ủi nàng. Hoa đưa khăn lên chặm mắt:

“Anh Nhựt... Anh Nhựt ảnh ác lắm! Phải chi... phải chi ảnh để thây kệ cho em làm đĩ. Em đâu có biểu ảnh lôi em ra khỏi chỗ đó làm gì. Biết ảnh rồi... bây giờ... bây giờ em không thể nào... làm đĩ trở lại được nữa... Anh nghĩ coi... Ảnh ác lắm!”

Hoa đưa hai tay lên ôm mặt, khóc mùi mẫn. Bàn bên cạnh quay lại ngó, lộ vẻ áy náy. Tôi hết sức bối rối. Tự nhiên cảm thấy mình cũng đã dự phần làm khổ Hoa, dù không cố tình. May thay, kịp lúc đó Dung xuất hiện. Ngó thấy tôi, liền kêu lớn: “Anh Kiệt!”, rồi xăm xăm đi tới bàn kéo ghế ngồi xuống. Có người lạ, Hoa cũng cố gắng lấy bình tĩnh lại. Giới thiệu: “Dung, bà chủ quán. Còn đây là Hoa, bạn gái của anh”. Dung ngó hai đứa tủm tỉm có vẻ nghi ngờ. Anh xin thề với em hết miễu qua chùa / Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê?

Ba đứa nói chuyện trời trăng mây nước. Thấy Hoa khuyây khoả, vui vui lên được chút ít, tôi cũng yên bụng phần nào. Hỏi chuyện làm ăn, Dung cho biết khá lắm nên mở thêm một quán thứ hai ở mặt tiền. Nhưng một mình Dung coi hai quán không xuể, không biết có ai tin cẩn để giao bớt. Được lời như cởi tấc lòng! Rõ ràng “người ngay Trời Phật cũng thương”. Tôi nói Hoa đang rảnh rang, có thể giúp Dung một tay. Hai bên hợp tác, ăn chia. Nhiều chia nhiều, ít chia ít. Tôi đứng bảo đảm cho Hoa, có gì tôi chịu trách nhiệm (hiên ngang Người Ruồi!).

Và sự hợp tác đã diễn tiến tốt đẹp. Hoa dọn về cư ngụ ở một phòng khang trang nằm ngay trên quán Hoa Hồng 2. Giờ đây, tôi lại càng thêm vững cái thân “cơm no bò cỡi”. Hồng 1, Hồng 2 gì cũng đều free free free hết cả. Chắc là kiếp trước có tu (...hú!) Hoa dần dần lấy lại quân bình cho đời sống của mình. Những tưởng phen này Kiều đã xoá tên trong sổ Đoạn trường. Có dè đâu... Xanh kia thăm thẳm tầng trên / Vì ai gây dựng cho nên nỗi này!

 

Anh Kiệt có biết em là ai đây không?”

Giọng nữ ở đầu dây bên kia lạ hoắc. Điện thoại viễn liên từ Mỹ gọi sang Paris. Ai mà nói giọng miền Nam hơi trọ trẹ, dù rất nhẹ.

“Nếu anh không nhớ thì em xin nhắc với anh, tên em bắt đầu bằng chữ N...”

“N hả?... Ừ... ừ... để coi... Nhung, Nguyệt, Nhi...” Nghĩ không ra, chần chờ, bất quyết.

“Cho anh biết thêm, em gốc gác ở Nha Trang”

Nha Trang? Lẩm nhẩm kiểm điểm lẹ trong đầu, mình đời nào có bồ ở Nha Trang. Bồ Nam kỳ có, Bắc kỳ có, còn Trung kỳ... Trung kỳ thì lại là em người xứ Huệ, giọng đặc sệt sông Hương chớ đâu phải...

“Nói thêm để giúp anh nhớ nha... Động hoa vàng... Sao? anh nhớ ra chưa?

Trong đầu chợt lóe lên:

“Ngọc! À Ngọc! Trời ơi... Ngọc! Đang ở đâu vậy?”

“Em đang ở Virginia...”

Vậy là qua một người bạn hoạ sĩ, Ngọc đã móc nối liên lạc được với tôi. Ôi thôi! Thiếu gì chuyện để kể lể với nhau. Nhưng chuyện gì thì chuyện, cuối cùng cũng đi tới hỏi thăm tin tức của Nhựt, dĩ nhiên. Tôi cho biết tôi chỉ gặp lại Nhựt có mỗi một lần hồi ở Montparnasse, trong những năm 80. Rồi kể từ đó cho đến nay, đã gần 20 năm qua, tôi không cách gì liên lạc được với Nhựt hết, mặc dầu có trong tay mình địa chỉ và điện thoại của Nhựt ở Sacramento. Điên thoại, không ai bắt. Gởi thơ, không ai trả lời. Biệt vô âm tín. Vô vọng! Tuy nhiên, tôi cũng đọc cho Ngọc ghi lại toạ độ của chàng. Cầu may.

Đời sống gia đình Ngọc bây giờ đã ổn định, ăn nên làm ra. Thỉnh thoảng Ngọc làm thơ có vần để thở than nỗi nhớ quê hương và mối tình duy nhứt đã tan vỡ ở tuổi đôi mươi. Vẫn chưa quên được. “Người đi đi mãi thôi đành / Chôn mùa trăng cũ sau vành nón nghiêng / Xếp đôi vạt áo ưu phiền / Giấu trong mắt lệ sầu riêng một đời” Sầu chia nửa đời may ra còn cứu vãn được, chớ sầu riêng một đời là kể như hết thuốc chữa! Ngọc cho in tập thơ, và thực hiện một CD thơ mình do Hồng Vân diễn ngâm. Ngọc nói sẽ tổ chức một buổi ra mắt tập thơ tại vùng mình ở nếu tôi nhận lời bay sang Virginia để nói chuyện. Ờ! Ai trả vé cho ta thì ta đi (trên đời sao lại có người tốt đến thế!) Điệu này, bắt buộc tôi phải tin kiếp trước mình đã từng ăn chay nằm đất đến mòn răng lủng đất... là cái chắc!

Sau buổi ra mắt thơ có phụ diễn ca nhạc xôm tụ khá thành công, tôi bất đắc dĩ phải nhận một công tác mới vô cùng cam go: Hộ tống Chiêu Quân trên con đường cống Hồ. Diễn nôm: Cùng đi với Ngọc tới Sacramento để gặp lại Nhựt. Phạm Công trùng phùng Cúc Hoa, vầy duyên can lệ. Chàng từ đi vào nơi gió cát / Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao? Nơi nào hả? Thì ở tại Cali chớ đâu! Người chồng cao quý đã bằng lòng cho Ngọc gặp mặt lại Người tình lỡ của mình một lần cuối (lần cuối thôi nghen!) Trên đời sao lại có người hào hiệp đến thế!

Đáp xuống phi trường, đẩy hành lý ra đã thấy Nhựt đứng chờ lù lù ở đó. Mừng quá! Ôm cứng. Bổi hổi bồi hồi. Nhựt lúc này trông có vẻ phong lưu, quần hai nếp ủi bén ngót, áo sơ mi lụa sẫm cổ cao tay dài. duy có một điểm hơi lạ, đôi mắt của Nhựt coi mòi hơi lộ ra hơn trước – sau này được biết vì chứng đau yết hầu và điều trị bằng phóng xạ. Cũng tốt thôi! Cho chẳng hổ danh là “Phàm một con cá Thòi lòi...” (thì phải lòi con mắt!) Dặn hờ: “Đừng có lặn bất tử nửa chừng nghe bồ. Tui sẽ kẹt lắm đó nghe. Biết làm sao mà ăn nói với đấng lang quân của người ta đây?” Tuy nhiên, tôi cũng kín đáo “chém vè” để cho mầm non nữ sĩ và Người Tình lỡ (quá lỡ!) được tha hồ mà thổn thức mí nhau: “Đến nay tôi hiểu thì tôi đã / Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi! / Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt / Sợ quá đi anh... có một người...

“Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải chia tay...”. Ngọc rứt áo trở về Virginia trong tiếc nhớ ngổn ngang. Tôi ở thêm một ngày nữa với Nhựt, trước khi bay tới Minnesota thăm Cung Tiến bạn ta. Rồi sẵn đường bay sang thăm Lộc ở Montreal – Québec, cái Xứ tuyết suýt nữa đã chôn thây Người Ruồi dưới ngôi mồ tình ái thời sinh viên. Nhựt hỏi thăm tôi về Hoa. Tôi nói theo lời Dung kể lại thì sau khi quán Hoa Hồng đóng cửa, Hoa trôi giạt về miền quê sống lây lất rồi bị lâm bịnh ngặt nghèo. May có người đàn ông không biết gốc gác kịp thời cứu Hoa thoát chết. Để đền đáp ơn nghĩa, Hoa đã nhận sống chung với người đó. Tôi dừng lại hồi lâu. “Nghe Dung nói là hình như người đàn ông đó mắc chứng nan y như Hàn Mặc Tử”. Tôi thấy Nhựt tái mặt, đưa hai tay lên ôm đầu. Rồi cúi mặt rất lâu, không biết nghĩ gì. Tôi cũng chỉ biết thở dài im lặng. Thoắt nhiên tôi nhớ đến bốn câu thơ của Nguyễn Du ở đoạn kết truyện Kiều:

 
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
 

Hồi ở Nha Trang, Nhựt đã bị mổ và cắt phổi một lần – và nhân đó mà được giải ngũ. Qua Mỹ, Nhựt lại bị cắt phổi thêm một lần nữa. Giờ thỉnh thoảng trong ngày phải trợ thở thêm bằng oxy. Cộng thêm chứng đau yết hầu trì trệ. Phần Lộc thì năm ngoái cũng vừa mới mổ tim. Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy... Còn tôi, may quá, chỉ mắc có mỗi cái chứng điên. Thỉnh thoảng, đầu óc rối beng, dây nhợ đứt lung tung, bèn nổi điên một phát cho đỡ buồn. Kỳ dư, cơ thể, tâm can tì phế thận đều không hề hấn gì hết. Wê ri gút! Có lẽ nhờ “dô” rượu chát tây đều đều mỗi ngày chăng? Ngó Nhựt thở mệt nhọc, tôi rất buồn bã, lo ngại và bận tâm. Dù không nói ra, trong bụng tôi cũng thầm nghĩ rằng đây rất có thể là lần cuối cùng tôi gặp Nhựt. Nơi vùng đất trích xa lạ này, biết đâu chẳng là chia tay nhau lần cuối? Nhựt Sacramento, tôi Paris. Sổ thanh phong địch ly đình vãn / Quân hướng Tiêu tương, ngã hướng Tần. Tôi không được chứng kiến mối tình đầu của Nhựt và Xuyến ở Mỹ Tho. Nhưng tôi đã theo dõi cuộc tình nghiệt ngã của Nhựt và Hoa ở Sài gòn. Tôi cũng là nhân chứng mối tình đầu của Ngọc dành cho Nhựt ở quê hương, nhưng cũng là mối tình cuối cùng của Nhựt và Ngọc ở Sacramento.

Mặc dù hai đứa hết sức hoà đồng khăng khít, nhưng giữa Nhựt và tôi vẫn luôn luôn có một cái gì đó trắc trở, ngăn cách. Gia đình hai đứa thuộc hai giới khác nhau, phía Nhựt thì khe khắt, bên tôi thì thả lỏng. Thời trung học ở Vĩnh Long, hai đứa không cùng chung một lớp. Kế đó, khi Nhựt sang học Mỹ Tho thì tôi ở lại Vĩnh Long. Khi tôi sang Mỹ Tho học thì Nhựt lên Sài gòn. Khi tôi lên Sài gòn học thì Nhựt chuyển lên Đà lạt. Khi Nhựt trở về Sài gòn thì tôi xuất ngoại du học Canada. Sau khi tôi tốt nghiệp trở về Sài gòn thì Nhựt lại di tản ra Nha Trang lập nghiệp. Mỗi năm hoạ hoằn gặp nhau một hai lần là quý lắm. Có khi không gặp nhau lần nào hết. Chẳng thư từ, cũng không điện thoại, vì thời đó ở Việt nam rất hiếm. Vậy mà tình bạn vẫn vô cùng bền bĩ, cho dù cách biệt nhau vời vợi. Người ở phương trời ta ở đây / Chờ mong phương nọ ngóng phương này / Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm / Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.

Như một điềm báo trước, ngay từ thời trung học, để làm quen, Nhựt đã cắt báo tặng cho tôi bài thơ ngậm ngùi của Vĩnh Lộc: Giã biệt.

 
mây sớm nay về u ám quá
đường sầu ướt át phố mờ sương
ta xé lòng nhau làm mấy mảnh
anh một phương và tôi một phương
 
anh đã đi rồi thôi nhắc nhở
cánh bằng khuất nẻo mấy trời sương
đường phố sài gòn bưng bít gió
tôi biết nơi nào gửi nhớ thương
 

Tôi đã về thăm Việt nam đôi ba lần. Còn Nhựt thì chưa một lần nào. Về ở lại chơi Sài gòn, đi qua những con đường cũ, những phố xá xưa kia, chạnh nhớ những lần chở Nhựt loanh quanh đi bổ thuốc chở về Nha Trang. Trở lại Chợ Cũ, nơi năm tay hảo hớn đã một thời vùng vẫy năm xưa, như một hung thủ trở lại nơi mình đã gây án mạng. Hàng quán bây giờ lạ hoắc. Không khí cũng hoàn toàn xa lạ. Ngơ ngẩn ngẩn ngơ. Như tâm trạng nhân vật của Kafka trong Toà lâu đài. Dân Sài gòn bây giờ ăn nhậu ì xèo, giàu ăn theo giàu, nghèo ăn theo nghèo. Đại tửu lầu, quán ăn lớn, quán ăn nhỏ, quán cóc sạp tre, trên hè phố đại lộ, trong hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào cũng nhậu, giờ nào cũng ăn. “Dô! Dô!”, xùm xụp, rồn rột, rụp rụp. Dường như sống trên đời chỉ có mỗi một mục đích duy nhứt: Ăn nhậu. Dân miền Nam từ hồi đó tới giờ vẫn vậy.

Đôi khi ngồi ở một góc phố quen, ngó người trên đường qua lại rậm rật, tính nhẫm lại đời mình. Nghĩ tới bạn bè giờ đã tứ tán. Sực nhớ lại lời chú Bảy Cu ở Xa lộ một thuở xa xưa đã tâm sự vặt trong những lúc ngất ngưởng ba ngù (mà chiều nào chú cũng vậy): “Đời người không có bạn như cây cổ thụ không có lá.” Ôi! Mới sao là chí lý! Nghĩ tới Nhựt và những giờ phút chung buồn chung vui dài dài suốt cuộc đời của hai đứa. Những tưởng mình sẽ tiếc nuối. Nhưng không. Tuyệt nhiên không. Lạ thiệt! Cũng không oán trách mình đã sanh nhầm thế kỷ, chào đời vào cái giai đoạn 30 năm binh lửa triền miên. Cũng không hối hận mình đã sống bê bối. Cũng không “hãnh diện” mình đã nếm đủ mùi đời (?) Cắc cớ hỏi nếu được hồi xuân, sẽ sống y chang lại như vậy hay không, cũng không biết. Tôi đã sinh ra thì tôi sống. Tôi có một cuộc đời thì tôi sống cuộc đời đó. Tôi không mơ ước sống khác hơn và cũng không ham muốn gì hết ráo. Nói tôi dửng dưng thì không hẳn vậy. Nói tôi cam chịu cũng không đúng. Nếu nói tôi chấp nhận thì thử hỏi tôi có thể không chấp nhận được chăng? Và phải làm như thế nào để không chấp nhận? Mà để làm gì mới được chớ? Phủ nhận cái nầy thì sẽ lại chấp nhận cái khác. Phủ nhận hoài được sao? Một cách giản dị: tôi sống. Thế thôi. Tôi sống, chớ không phải tôi đã sống. Mọi chuyện đã đến, rồi trôi qua. Như dòng Cổ chiên vậy đó. Khi sống, đâu ai có thể đứng được ở trên bờ của sông đời mà ngó. Từ đời kiếp nào dòng đời cũng vẫn luân trôi hoài hoài như vậy thôi. Gọi đó là cái lẽ Vô thường?

Tôi cũng về thăm lại Vĩnh Long. Những con đường cũ, ngày xưa hai buổi đi về, những cây cầu hồi đó, chỗ tôi đã tắm sông, những sân chơi học trò, nơi có bà già quê hương ngồi bán cà rem thuở trước. Như chuyện cổ tích. Bây giờ cái gì cũng đã thay đổi hết. Nếu không thay đổi thì đó mới quả thiệt là điều kỳ lạ. Đâu ai có thể chận đứng dòng sông lại để được tắm hoài trong lòng nước cũ. Bởi lẽ, chính sự thay đổi, sự chuyển động, cái biến dịch làm nên đời sống. Dừng hết lại thì đời sống đóng băng. Chỗ toạ lạc của chùa xưa bây giờ là tiệm tạp hoá bày biện lỉnh kỉnh. Sân vận động xưa bây giờ là công viên có hoa có bướm, có tre xanh, có két đỏ. Và có cả những cặp tình nhân học trò còn rất “con nít”. Đi sớm hơn thời trước nhiều. Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, như Xuân Diệu đã thúc giục? Lòng tôi rộng mà lượng trời cứ chật / Không cho dài thời trẻ của nhân gian.

Tôi đã có những cuộc tình không tới. Nhựt đã có những yêu đương dang dở nửa chừng. Hoan lạc vô vàn. Khổ đau muốn chết. Như yêu đương tự đời đời kiếp kiếp. Như từ thuở trăng xanh vừa mọc ở đầu non. Yêu đến. Rồi yêu đi. Như luồng gió thoảng. Thuở ân ái mong manh như nắng lụa. Như cơn lốc vụt xoáy ào ào. Hai năm tình lận đận / Hai đứa cùng hư hao / Hai năm tình lận đận / Hai đứa đành xa nhau...

Trở về đi lại con đường đất ngày xưa dẫn tới nhà Nhựt. Con đường bây giờ trải đá vụn, bước đi âm vang rào rạo dưới chưn. Cây cối xưa, rào giậu cũ giờ đã hoàn toàn khác lạ. Giàn dạ lý về đâu mất biệt. Chỗ dạ lý, một hàng lùm bụi lấp xấp xanh um trổ bông vàng lay lắt không hương thơm, không biết tên gì. Hàng ba trước nhà trống trơn. Ghế đá cẩm thạch lấm chấm đỏ không còn nữa. Gian nhà xưa của Nhựt trông dường như thụt sâu hơn vào phía sau, mái ngói rêu mốc lệch xiêu, bên trong lù mù om tối. Về đây buồn trông cánh chim bay / Về đây buồn nghe gió heo may / Về đây đâu còn phút sum vầy / Đâu còn thắm niềm say / Lạnh lùng ngắm trời mây...

Nhưng dòng sông Cái Cá vẫn còn đó, lững lờ con nước lớn. Về để ngắm lại nơi xưa. Không về để kiếm lại không gian cũ. Một thời làm thơ học trò thơm mùi mực thiệt thà đã theo sông Cái Cá đổ vào dòng Cổ Chiên trôi ra biển. Một không gian ngất ngây hương dạ lý cũng đã theo những cụm mây trắng mà bay đi biệt tích. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản / Bạch vân thiên tải không du du...

Giờ đây chỉ còn lại tôi bâng khuâng đứng một mình ngậm ngùi thơ giã biệt. Cùng con sông nhỏ hiền hậu trôi xuôi trong thời gian ẩm đục lặng lờ. Còn lại đây gian nhà xưa om tối, con sông ngày cũ lặng thinh, và mình tôi đứng bơ vơ trong buổi chiều đang xuống. Buổi chiều hoài niệm xanh xanh. Buổi chiều xanh xanh mờ toả không gian mình dư hương bụi loãng trong lòng thương nhớ...

 
Bagnolet, ngoại ô Paris
tháng chín 2008
 
 
_______
Thơ trong bài này mượn của ca dao, Kiều, Cung oán, Chinh phụ ngâm, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị, Vương Hàn, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Đinh Hùng, Quang Dũng, TTKH, Vĩnh Lộc, Bùi Giáng, Tạ Ký, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên.
 
Lời ca mượn của Phạm Duy, Lê Thương, Châu Kỳ, Hoàng Thi Thơ, bài ca “Nha Trang” và “Khi người yêu tôi khóc”.

 

 

 

-----------------------

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021