thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tự tử

 

Tôi thường nghĩ về cái chết và mơ về nó một cách thực lòng.

Tôi uống thuốc và định bụng sẽ kết thúc đời mình vào đêm nay. Đó là 50 viên Seduxen. Giá đủ hiểu biết như bây giờ, tôi sẽ thay cốc nước bằng một cốc rượu. Tôi mở nhạc The Cranberies và nghe đi nghe lại bài “Animal Instinct”. Đó quả là một kết thúc rất đẹp. Chắc chắn là người ta sẽ đến viếng tôi. Và trong đám viếng thì còn ai có thể nói xấu tôi nữa. Mọi người sẽ kể về những dự định của tôi đang có. Và những người thông hiểu thì sẽ thấy ở tôi một viễn cảnh hết sức tốt đẹp. Rằng nếu số phận của tôi tốt hơn, chắc chắn tôi sẽ rất thành công trong bước đường tương lai. Mọi người sẽ tìm cách gợi lại nhiều câu chuyện đã từng có với tôi. Nhất là những tình cảm thân ái. Nhưng tôi thật không dám chắc những người tình liệu có ai dám đứng ra để nói rằng tôi đã từng rất gần gũi với họ. Bởi như thế khác nào bảo rằng cái chết của tôi là do sự lãng quên của họ gây nên. Và thiên hạ sẽ chẳng nhìn họ bằng con mắt đồng thiện được nữa.

Có phải khủng khiếp nhất là khi nhìn thấy người tình cũ của mình trơ trơ trước mặt thiên hạ, lạnh cứng? Làm sao có thể bình ổn được khi nghĩ rằng mình đã làm tình với một xác chết? Những người yêu nhau thì cái chết là thứ trang sức rất sang trọng để tôn vinh tình yêu và sự thiết tha của họ. Nhưng những người tình cũ thì không bao giờ có thể khóc lóc ầm ĩ trước mặt thiên hạ, cũng không thể đứng ngoài mà chậm rãi lau nước mắt. Bởi khi anh đoạn tuyệt tình yêu thì chẳng đồng nghĩa với việc gây ra một án mạng đó à? Vì thế nếu tôi mà chết đi thì những người tình cũ của tôi sẽ chẳng bao giờ nên đến. Họ sẽ nằm ở nhà và mỗi người sẽ mơ về lần đầu tiên làm tình với tôi như thế nào. Cung cách này hẳn là dễ chịu hơn khi nhìn thấy tôi trơ tráo cứng ngắc trong quan tài, mà không biết nên khóc hay nên cười. Khoảng cách chiêm nghiệm từ xa đó cho phép họ có được một thái độ đúng mực và một tình cảm chân thành. Và nếu cần thiết thì họ có thể khóc, khóc to hay nhỏ tuỳ ý mỗi người. Cũng nên tưởng tượng ra cảnh nếu duyên số cho gặp nhau (dĩ nhiên là nếu tính cách tôi dễ chịu hơn) thì số phận chắc hẳn đã không quá éo le như vậy.

Nhưng dù sao, ít nhất, cái chết của tôi cũng sẽ cho họ đôi phút yên lặng, xoài mình ra khỏi cuộc sống mà ngẫm nghĩ đôi chút về những gì có thể ngẫm nghĩ được.

Song thuốc chưa ngấm vào người thì tôi đã dậy bê một chậu nước vào và cố móc họng ra mà nôn oẹ. Tôi nghe hết mười lăm lần ba bài hát đầu mà vẫn không mê đi chút nào. Thôi, cơ sự như thế là hết. Tôi lồm cồm bò dậy và nghĩ mình tự tử để làm gì? Nghĩ mãi không tìm ra ý nghĩa nào cho tới khi trong đầu tôi vang rền những tiếng thảm thiết của mẹ thì tôi lục đục mở khoá cửa. Lúc này thì cần phải sống. Vì thế, tôi chạy nhanh đến viện nhìn cô y sĩ vừa bưng một ấm nước dội vào họng tôi qua một cái ống nhựa mềm vừa lẩm bẩm chửi những đồ điên không chết quách đi còn sống dậy làm phiền người khác.

Người tự tử hụt thường có một niềm kiêu hãnh khác thường. Thiên hạ xung quanh dĩ nhiên sẽ lắm lời sỉ vả sau lưng nhưng khi ngồi một mình ắt cũng phải giật nảy mà nghĩ: Liệu mình có làm gì nên tội? Nhưng trong vài tháng, bao giờ họ cũng sẽ nhìn bạn mà tỏ lòng âu yếm và thông cảm.

Nhưng trước khi chết lần nữa, tôi sẽ phải đè bẹp hắn. Bằng cách nào vào được nhà hắn thì tôi không biết. Tôi phải phá những gì tôi muốn. Và có thể giết hắn. Một nhát dao thì quá thường. Nhưng cũng không sao cả khi ta nhìn thấy ta đâm hắn như đâm một mớ giẻ rách. Và hắn thì không thể kêu được nữa mà chỉ hự hự mấy tiếng và đồng thời đôi mắt xếp hẳn lại. Trước khi hắn kịp làm điều đó thì ta đã băm nát công trình của hắn ra nhiều mnh. Hắn sẽ chỉ có thể nhìn và không còn chút hi vọng nào cứu sống bản thân cũng như công trình của hắn.

Nhưng nghĩ kĩ, việc ra tòa và bị kết án chẳng đem lại một vinh dự nào cả. Cái chết nếu không mang theo vinh dự thì hi sinh kiểu đó cũng đi tong.

Tôi đứng bên bờ sông. Nước cuồn cuộn. Trầm mình là một thủ pháp quá cổ điển, chỉ dành cho những người ngốc nghếch. Rồi bụng sẽ ỏng nước, mặt sẽ bung bủng vàng. Có khác gì bảo với những người thăm viếng: chân tướng tôi tởm lợm thế đấy. Mà tởm lợm thật. Người ta vừa đi viếng vừa bịt mũi thì có hay ho gì? Vào cái thời buổi ô nhiễm môi trường mà uống nước sông đầy mùi phân thì còn thì là thể diện. Người chết nằm như con cá chép ươn chẳng ai thèm mua.

Vậy thì tại sao tôi lại không cắt mạch máu?

Tôi nằm trên giường hay trong toilet. Vấn đề là làm sao có thể giấu đi cái dao lam và máu me đừng chảy nhiều. Nhưng dù sao thì chết kiểu ấy vẫn thê thảm quá. Chưa tính đến lúc có thể có người nào đó ngất xỉu trước xác mình. Rối người ta còn phải lau chùi dọn dẹp. Ai có thể ngửi được mùi máu tanh nồng và cọ rửa hàng đống máu đã khô đông trên sàn nhà hay trên chiếu mà không nôn oẹ? Cái chết gây ra cảnh tượng kinh hoàng như vậy quả thật sẽ gây bất mãn cho người đời. Và ai còn dám thuê tiếp căn hộ tôi đang ở? Bà chủ nhà già yếu hay mộng mị liệu có thể sống qua chuyện này không? Thiên hạ sẽ nhìn xác mình đi qua mà nghĩ thế nào? Bao nhiêu người sẽ chuyển đi khỏi khu tập thể ấy?

Nhưng tôi chẳng thể nào không chết. Cuộc sống quá nặng nề với tôi. Tôi chẳng biết làm gì cả. Tôi sinh ra để làm một cái gì đó, nhưng không bao giờ tôi có thể làm một điều gì cho đến nơi đến chốn. Trong khi những người khác yên ổn với cuộc sống. Sinh con đẻ cái và rồi lại sinh con đẻ cái. Nghĩ lại, tôi thấy tôi đã cố gắng nhưng cái gì cũng chạy tuột khỏi tôi cứ như là một trò thách đố. Tôi cũng biết hi sinh, nhưng vẫn cứ bị nốc ao và bị lừa gạt như thường. Tôi chẳng có khả năng miễn dịch hay kháng cự gì cả. Và tôi cũng chẳng có một chút khả năng nào để thích ứng với cuộc sống này. Tôi thuộc lớp người thích tự tử và lấy đó làm một niềm vui êm đềm. Nhưng không phải lúc nào ý chí mãnh liệt ấy cũng đến. Và đôi lần khi nó đến thì tôi lại bị người ta cứu thoát hoặc chính tôi tự giải cứu cho tôi. Và rồi cứ thế những mưu toan ngấm ngầm. Nhưng chẳng bao giờ thực hiện được. Có nhiều đêm tôi khóc triền miên bởi nỗi bất lực giữa sự lựa chọn sống tiếp hay kết thúc. Tôi oán giận việc tôi có mặt ở cuộc đời. Nếu cho tôi lựa chọn, thì tôi chẳng bao giờ đến đây, dù cho tôi đã nếm được bao nhiêu vị ngọt. Tôi tồn tại, và mỗi quyết định của tôi đều tác động đến người khác một cách rõ ràng quyết liệt. Tôi cũng không thể bỏ nhà đi biệt tích và sống lang thang đầu đường xó chợ. Giải pháp nước đôi ấy không bao giờ thuyết phục tôi được. Cho đến lúc, tôi chỉ còn cầu mong, một sáng trở dậy, mình đã bất động tắt thở trên giường. Cái chết đến ngoài ý muốn là một giải pháp tốt đẹp nhất. Tôi sẽ không bị ai nguyền rủa. Mọi người sẽ chẳng bao giờ biết đến những ý nghĩ đáng xấu hổ của tôi. Đám tang sẽ diễn ra trong bầu không khí tiếc thương lặng lẽ. Và mọi người sẽ đổ tại số phận. Và ai cũng có thể nhớ đến tôi với đôi chút kỉ niệm tuy nhạt nhoà nhưng êm ái.

Rốt cuộc thì giải pháp bình yên ấy chỉ là trò chờ sung rụng. Nó quá hiền triết, không hợp với bản tính của tôi.

Tôi cũng đã nghe thấy chuyện một số người tự mổ bụng hoặc cắt lưỡi nhưng thật sự thì tôi chẳng có đầu óc khủng bố. Hơn nữa, một cái chết như thế thì thật quá tởm lợm. Treo cổ cũng chẳng đẹp đẽ gì. Có đôi lần tôi quyết định tự tử bằng cách nín thở. Nhưng đó là thử thách ghê gớm nhất và tôi không làm được. Hay là chết dưới bể bơi? Song chẳng lẽ tôi lại thích hù doạ người khác hay sao? Và bao nhiêu tiền bạc người ta đổ vào công trình sẽ đi tong cả. Chết dưới biển? Nhưng có bao giờ tôi cũng ra biển được đâu. Hoặc giả có thì cũng chưa bao giờ tôi nảy sinh ra ý nghĩ tự tử vào kì nghỉ hè.

Nhưng chẳng lẽ tôi không còn cách nào khác?

Không nên đắn đo nhiều nữa. Tôi chọn một ngôi nhà cao tầng cũ nát sắp được xây lại. Cái khung cửa sắt to và chắc chắn thế mà chỉ cần hai bàn tay nhỏ bé yếu ớt của tôi nó cũng đã bị bẻ cong như trong truyền thuyết. Ngoài trời gió cao và thoáng vô cùng. Một cái chết như thế có lẽ vẫn là thanh cao nhất. Tôi nhớ bức tranh “Tự tử” của nữ danh họa Kahlo. Một hình ảnh duyên dáng chứa đựng huyền thoại và hiện thực. Tóc tôi sẽ bay như thiên thần và chắc chắn tôi mặc một bộ đồ váy dài trắng. Cũng không cần. Chỉ cần mặc thế nào cho kín đáo bởi nếu chết mà phơi bụng ra trắng hếu thì chả có gì là đẹp. Tất cả đều phải gọn gàng để khi người ta nhìn, không ai muốn quay mặt đi. Và phải làm thế nào để không bị bỏ quên lâu quá. Ruồi nhặng là thứ không thể đùa được.

Tôi lách nhẹ nhàng qua cửa và vươn người ra. Ngoài kia, dưới xa, từng đoàn người như kiến chạy lao xao trên những con đường xanh đỏ. Giá như tôi có thể bay lên mà mất hút khỏi thế giới này như Margarita thì hùng vĩ biết mấy. Tôi sẽ thay cái chổi thần bằng cái khăn thổ cẩm. Như thế dân tộc hơn rất nhiều, nền nã hợp thời hơn. Nhưng thôi.

Tôi nhảy xuống đúng lúc có người cách đó chừng vào trăm mét. Khi rơi tôi không hét gì cả, sợ người ta tưởng mình ân hận. Tôi rơi ngang, hơi chúc đầu xuống. Đầu tôi đập xuống nền xi măng. Máu chảy ri rỉ từ trán.

Dân tình ồ ạt kéo tới. Một tay từng trải nhất nói: “ Chết mẹ nó rồi còn 113 cái đéo gì!”

Tôi nhẹ nhàng kéo chăn: “Ngủ đi, kết thúc một ngày!”

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021