thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cảm hứng khi nhận thiệp xuân của hoạ sĩ Lê Thiết Cương

 

Lại một cái Tết nữa và những ai nhạy cảm đều thấy đang dần mất đi những tấm thiệp xuân. Phải chăng giờ đây và tương lai, Tết Việt chỉ là bánh kẹo, rượu, thịt... thứ văn hoá thoả mãn tình trạng đói của cái bụng hơn là tìm tới những món ăn tinh thần!

Bạn có thể nói: dù gọi là thiệp xuân, đó chỉ là một miếng giấy với ít hình ảnh, ít ngôn ngữ chúc Tết, và trong thời đại đa phương tiện truyền thông này, cũng đáng để thiệp xuân chết đi cho rồi!

Tôi nhớ, mùa xuân và Tết đối với tuổi thơ của chúng tôi, trước tiên, chính là những tấm thiệp tự làm để gởi đến những người mà chúng tôi cho rằng nếu không có thiệp xuân của chúng tôi thì Tết và mùa xuân mới của họ sẽ không tròn đầy. Có khi, với thiệp xuân, chúng tôi tự nhận mình là ngôn sứ của mùa xuân mới.

Rồi lúc có chút tiền, tôi lại tìm tới những điểm bán thiệp xuân để mua và gởi đi. Gởi đi tấm thiệp mình mua, tôi có cảm giác mình đã thực hiện một thứ lễ nghi về Tết. Ở một góc nhìn khác, coi như tôi “mua” được thông điệp mùa xuân từ những tấm thiệp có chất lượng in ấn, mỹ thuật cao để chia sẻ với người mà tôi yêu quí.

Ngay cả khi không gởi tấm thiệp cho những người mà suốt năm tôi phải sống chung đụng, không thèm gởi thiệp cho họ, cái “cõi” ích kỷ của tôi cũng thấy sướng với lý lẽ rằng: Mùa xuân của tao không quơởn đâu mà đến với tụi chơi xấu.

Thiệp xuân là thứ tình có khi ngây thơ, chính vì thế nó trong sạch, không bao giờ ô nhiễm, và có thể đề kháng lại thứ bệnh dịch đang lây lan trong xuân đỏ với thói hối lộ bằng bì thư lì xì bự, bằng rượu ngoại, hoa kiểng đắt giá... hoặc thoái hoá như thói lấy lòng xun xoe khúm núm của một số kiểu chúc Tết.

Bây giờ người ta cứ bắn tin chúc Tết bằng điện thoại di động, mail, blog... Các phương tiện hiện đại ngày càng hoàn thiện công thức kết nối mùa xuân giữa “người máy với người rô bô”. Và chắc chắn điều này sẽ làm cái đầu và ngón tay chúng ta trở nên tinh vi hơn chớ không bao giờ cho phép chúng ta tinh tế và giàu cảm xúc như lúc nhìn ngắm tấm thiệp tân xuân.

Khi xuân tàn, cất một tấm thiệp là cất cả mùa xuân vào hộc tủ, vào ngăn kéo; rồi giữa mùa hè hay mùa đông nào đó, bất chợt ta lấy mùa xuân cũ ra nhìn lại mà yêu thương mình, yêu thương người thân, người tình xuân trước.

Một cái Tết, một mùa xuân sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu mỗi cá nhân không sở hữu được cho mình một góc, dù là bé xíu trong dòng luân chuyển của thời gian bất tận. Tôi không sợ bị cho là khiên cưỡng, tôi cứ cho rằng thiệp xuân chính là thông điệp xuân không bao giờ tàn phai của từng người. Với một tấm thiệp xuân gởi cho nhau, không bao giờ mỗi người phải đối diện với “... xuân tàn hoa rụng hết...”

Bạn hãy tin rằng, vào một tương lai xa, sẽ có một cậu bé nào đó cùng gia đình đến ở trong ngôi nhà cũ của bạn. Cậu bé sẽ làm gì khi dọn dẹp đống đồ cũ của bạn và phát hiện ra những tấm thiệp xuân? Tôi tin vì sự tò mò, hiếu kỳ, nên trước khi nó vứt những tấm thiệp ố màu cũ rách vào thùng rác hoặc đem bán ve chai, nó sẽ đọc qua... Lúc đó, bạn và tất cả những mùa xuân đã qua sẽ hiện ra rực rỡ tròn đầy trong mắt, trong ý nghĩ của cậu bé. Thiệp xuân và thông điệp xuân của bạn chỉ cần một lần hiển hiện là đủ trở thành một phần tiếng hát bất tử của thời gian.

 

Thiệp xuân của hoạ sĩ Lê Thiết Cương

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021