thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Liệt kê những kết luận của Moinous

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

RAYMOND FEDERMAN

(1928-2009)

 

Raymond Federman — nhà văn, nhà thơ, luận giả, dịch giả — là một khuôn mặt quan trọng của văn chương hậu hiện đại. Ông sinh tại Pháp năm 1928, sống tại Mỹ từ năm 1947. Sau khi phục vị trong quân đội Mỹ tại Đại Hàn và Nhật (1951-1954), ông theo học tại Columbia University, đậu cử nhân văn chương hạng tối ưu năm 1957, và sau đó đậu thạc sĩ văn chương năm 1958 và tiến sĩ văn chương năm 1963 tại U.C.L.A. với luận án về Samiel Beckett. Từ đó, ông giảng dạy văn chương Pháp và Anh tại University of California at Santa Barbara và tại SUNY-Buffalo. Sau khi giữ chức trưởng khoa văn chương (Melodia E. Jones Chair of Literature) tại SUNY-Buffalo, ông về hưu với tước hiệu Distinguished Emeritus Professor (năm 2000).
 
Raymond Federman đã xuất bản mười cuốn tiểu thuyết: Double or Nothing (1971, đoạt các giải “Frances Steloff Fiction Prize” và “The Panache Experimental Fiction Prize”); Amer Eldorado (viết bằng tiếng Pháp, 1974, được đề cử giải “Médicis”); Take It or Leave It (1976); The Voice in the Closet (1979); The Twofold Vibration (1982); Smiles on Washington Square (1985, đoạt giải “The American Book Award” của tổ chức The Before Columbus Foundation); To Whom It May Concern (1990); La Fourrure de ma Tante Rachel (viết bằng tiếng Pháp, 1997); Loose Shoes (2001); và Aunt Rachel's Fur (2001); năm tập thơ: Among the Beasts (1967); Me Too (1975); Duel-Duel (1990); Now Then (1992), 99 Hand-Written Poems (2001); bốn cuốn sách phê bình về Samuel Beckett; ba tập tiểu luận; rất nhiều dịch phẩm và một số kịch bản.
 
Tác phẩm của ông đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ trên thế giới, và được đăng tải trên vô số tập san văn học ở Mỹ và các nước khác. Nhiều nhà phê bình và nghiên cứu đã viết về Raymond Federman, đặc biệt là cuốn sách dày 400 trang, Federman From A to X-X-X-X,của Larry McCaffery, Doug Rice và Thomas Hartl (San Diego State University Press, 1998), và số đặc biệt dành riêng cho ông, dày 500 trang, của tạp chí The Journal of Experimental Fiction (2002).
 
Raymond Federman qua đời vào sáng ngày 6 tháng 10 năm 2009.

 

_________

 

LIỆT KÊ NHỮNG KẾT LUẬN CỦA MOINOUS

 

Bị lâm vào thế kẹt như thế này giữa hai thời điểm, giữa hai cái phi thực tại, mà một cái ông chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ thám hiểm, cho dù ổng vốn say mê những nơi chốn kỳ lạ, Moinous, thay vì nhìn ra bên ngoài mình để xem mình là ai và mình đang đi về đâu, thì lại quay vào bên trong, như cây mọc vào hướng trong theo kiểu nói của ông bạn già Sam,[1] và lao vào đào sâu tìm hiểu chính mình, để xem xem, một lần dứt khoát, mình có thể hiểu chính mình hay không...

Kết luận thứ nhất ông đạt được, giữa một số kết luận khác, trong khi tự xâm nhập ấy, nếu ta có thể tự cho phép mình ăn nói vặn vẹo một chút, là cho dù ổng có thể là một nhà văn giỏi, thời gian sẽ trả lời, như Sam[1] thường nói, thì ổng vẫn là một con người quá quắt không ai chịu nổi, không chịu nổi theo nghĩa đen của từ này, không ai hiểu nổi, đúng như ổng nhận ra là chính mình cũng không hiểu nổi mình...

Kết luận thứ hai, một cái kết luận dễ đạt được, là Moinous tự bịa ra mình, thực sự, Moinous bảo, vẫn trong tình trạng đang tự xâm nhập mình, là không hề có Moinous nào. Moinous tự bịa ra mình và tự xoá bỏ mình ngay ở mỗi tư thế ổng đang có mặt, ổng thích nghi với những hoàn cảnh của thời điểm, thuận hay nghịch với ý muốn không thành vấn đề một khi nó đưa đến cùng một kết thúc như nhau, Sam[1] chắc chắn sẽ nói như thế, và Moinous phải thích nghi, nếu không thì ông chẳng thể là Moinous...

Kết luận thứ ba cho ai nấy biết là Moinous sống cuộc sống của mình theo kiểu tự cấu trúc quả cảm, mặc dù với những người khác nó lại có vẻ như là một thứ tự giải cấu thống thiết, Moinous diễn tả ý niệm này bằng cách nói trong đầu mình, je vais toujours vers le devenir.[2] Moinous lúc nào cũng tự phản ảnh bằng hai ngôn ngữ...

Kết luận thứ tư là một thứ kết luận trong một kết luận, nó kết luận rằng Moinous đang di chuyển về một cái trở thành bất định và nhất thời, hoặc như Sam có lần phát biểu, ổng di chuyển về phía trước để thất bại đẹp đẽ hơn...

Kết luận thứ năm tự nó là hiển nhiên, nó cho thấy dứt khoát một lần là Moinous tự mâu thuẫn một cách thô bạo và không gì chữa được, nhưng hạ hồi, như ông già Sam[1] hẳn có lần nhấn mạnh, bởi lẽ tất cả những gì Moinous nói đều xoá mất sạch, ổng chẳng nói gì cả...

Kết luận thứ sáu công khai nhìn nhận rằng toàn bộ tác phẩm của Moinous đã đươc tạo dựng từ một cuộc sống yêu đương rối rắm và hỗn loạn, Moinous làm ra một bảng liệt kê tinh thần...

tình yêu đem cho
tình yêu bị khước từ
tình yêu nhận được
tình yêu vắng mặt
tình yêu gián đoạn
tình yêu tìm thấy lại
tình yêu sai hướng
tình yêu không bao giờ tìm thấy
tình yêu tạm mất

Moinous mỉm cười khi âu yếm ngắm nghía cái bảng liệt kê của mình...

Trong kết luận thứ bảy Moinous nghỉ xả hơi và tự hỏi phải chăng ổng tiên tri trong tác phẩm của mình, ổng lắc đầu trong đầu mình, và vui vẻ mỉm cười trước ý nghĩ ngớ ngẩn này, và trước cái cách ổng tưởng tượng ra cái đầu của mình trong đầu mình đang mỉm cười cái mỉm cười đang cười trước cái cười mỉm, Moinous đi lạc trở lại vào kết luận kế tiếp của ổng...

Trong kết luận thứ tám Moinous nghĩ là đối với những người khác ổng hẳn có vẻ rất điên rồ, như Sam[1] từng mô tả William Butler Yeats[3]...

Kết luận thứ chin khiến Moinous nhìn nhận rằng quan điểm của ông về vấn đề thái độ xã hội đúng ra là không kiên định, có tính nước đôi, và thường là khó ưa và dễ gây bực mình, nhưng trong vấn đề chính trị, Moinous lại là người không thay đổi và kiên trì, ông vẫn là một kẻ khuynh tả...

Kết luận thứ mười lạc đường dẫn tới sự kiện Moinous sinh ra là đã thuận tay trái, nhưng vì vào tuổi thiếu thời yếu ớt cổ tay bên trái bị gãy khiến ông phải phản bội cái vụ thuận tay trái tự nhiên của mình, ổng trở thành thuận tay phải, và điều này có thể giải thích cái tật khủng hoảng ưa nghi ngờ kinh niên của ông, Moinous thường tán thành bằng một cử động của cái đầu ông trong đầu ông, không mỉm cười...

Trong kết luận thứ mười một Moinous tự hỏi, nếu đối với những người khác ông có vẻ ngớ ngẩn khi ông kể chuyện của mình, Moinous có khối chuyện để kể, và ông thích đem chuyện ra kể, ông nhún vai trong đầu mình, và nói lầm bầm, nghe thì nghe, không nghe thì thôi...

Trong kết luận thứ mười hai, Moinous nói mà vai vẫn còn nhún, ngớ ngẩn có lẽ, nhưng không giống những tên ngớ ngẩn khác, như ổng nhìn nhận với chính mình rằng cái ngớ ngẩn của ổng là độc nhất vô nhị...

Kết luận thứ mười ba là kết luận quan trọng, bên trong dòng suy nghĩ của Moinous, bởi nó nêu ra câu hỏi là cuộc đời ông có trùng khớp với tác phẩm của ông hay không, hoặc ngược lại, và cả hai phải chăng là một phần của cùng một mô hình, chúng phải là như thế, Moinous kết luận, nếu không, ông không thể tiếp tục sống và viết...

Kết luận thứ mười bốn phát biểu mạnh mẽ rằng chính vì cuộc đời Moinous là một cuộc-đời-không-ngừng-tiến-hành, nên tác phẩm của ổng cũng là một tác-phẩm-đang-tiến-hành, Moinous có vẻ tư lự khi ông tự ngẫm nghĩ việc này xa hơn và tự hỏi phải chăng điều đó có nghĩa là cả hai thứ cuộc đời và tác phẩm của ông sẽ luôn luôn cứ lở dở như vậy...

Trong kết luận thứ mười lăm Moinous nhìn nhận cuộc đời ông là một sư mâu thuẫn dữ dội, nhưng đấy thật ra là nguồn thôi thúc nghệ thuật của ông...

Kết luận thứ mười sáu đào sâu ngay chỗ kết luận thứ mười lăm còn để lại, và vạch cho thấy chính sự thiếu tư tin bên trong Moinous và bản chất chia phân không giảm được nơi ông lại là nguồn động lực thúc đẩy cái viết của ông...

Kết luận thứ mười bảy khiến Moinous, với giọng châm biếm nhẹ nhàng, thực hiện một bảng liệt kê tinh thần những gì đang ám ảnh ông... bảng liệt kê quả là không đầy đủ...

hoá thân
truyền đạt
người chết nhưng không nhất thiết là cái chết
phương tiện nghệ thuật nhưng không là phương tiện huyền bí
những hệ thống siêu nhiên
bói số
trùng khớp
bản năng giới tính
xổ số
thể thao

Trong kết luận thứ mười tám Moinous tuyên bố là ông quan tâm đến đời sống con người hơn đời sống thực vật, mặc dù ông vẫn cho cây cối một ngoại lệ. Moinous thích cây, và nếu ông phải đầu thai, là điều ông không tin sẽ xảy ra, ông sẽ xin trở lại làm một cái cây, ông không biết ông muốn làm cây loại gì, nhưng nếu có thể ông thích trở lại làm một cái cây cao oai nghiêm nằm trên đỉnh đồi...

Kết luận thứ mười chín làm Moinous khó xử nhưng buộc ông phải thừa nhận là cái thời tuổi trẻ đầy cản trở của ông, cái bản năng sinh dục đàn ông của ông, cái kiểu kết giao tình cảm khác thường của ông với ít người may mắn, những tên happy fous,[4] như ổng vẫn thích nói, những cuộc phiêu lưu tình ái đã đưa ông đến chỗ phải nhìn nhận tính nữ trong con người ông như là cái nguồn của sức sáng tạo nơi ông...

Trong kết luận thứ hai mươi Moinous tái xác định mỹ học của mình, cuộc đời hình thành bằng những câu chuyện kể, vậy nên cuộc đời ông là chuyện kể cuộc đời ông, Moinous nháy mắt với Moinous trong đầu ông...

Trong kết luận thứ hai mươi mốt Moinous tự hỏi phải chăng ông là kẻ ưa sinh sự, nhẫn tâm, coi thường mọi thứ, không biết tôn trọng, ích kỷ, tàn bạo, chỉ tin vào tầng lớp ưu tú, rồi ông lại hỏi phải chăng ông là kẻ hoà nhã, tốt bụng, rộng lượng, ân cần, chu đáo, biết quan tâm, lễ độ, ông kết luận ông là người giữ được thăng bằng...

Kết luận thứ hai mươi hai nêu ra câu hỏi phải chăng Moinous có khuynh hướng nói quá dông dài, quá ba hoa, và tính nói dông dài và ba hoa của ổng là những tấm bình phong che đậy cái bất an và bất tài của ông về ngôn ngữ...

Trong kết luận thứ hai mươi ba, Moinous tự khen trong chuyện viết lách đã có thể thoát khỏi kiểu lạm dụng học thực[5] trong những kiểu nói thật vậy, hơn nữa, nó là thế, vậy thì, cho nên, nêu bật, vân vân, ông cũng tự khen là đã xoay xở để không dùng những từ cồng kềnh như gợi nhớ, chứng minh, ý ngụ, phác hoạ, tới chừng mức mà, và những từ khác mà giờ đây ổng không sao nhớ được...

Kết luận thứ hai mươi tư đem lại một chút ánh sáng lấp lánh trong mắt ông khi ông xem xét bằng cách nào ông đã xoay xở để tránh viết ra trong tác phẩm của mình những loại câu báo chí mà người ta thường bắt gặp trong những bài viết tồi, để minh hoạ Moinous đọc lại trong đầu một câu trong một bài viết ông vừa mới bắt gặp, Tuy thế đúng là đã lệch xa tiêu điểm khi không nắm được sự du nhập bi đát của một viễn tượng nghiêm khắc nhìn vào một hành động không thể đảo ngược được như một định mệnh mà người ta không thể lựa chọn, [6] Moinous lắc đầu ghê tởm...

Kết luận thứ hai mươi lăm khiến Moinous hỏi phải chăng nàng thơ của ông rốt cuộc đã chuyện trò với ông, hay giờ đây đã quá muộn, Moinous đưa nắm tay đánh mạnh lên chỗ dựa tay trên chiếc ghế ông ngồi để suy tư, và hét lớn, tất nhiên là hét trong đầu ông thôi, không, không quá muộn đâu, nàng thơ sẽ chuyện trò với ta...

Kết luận thứ hai mươi sáu mang một tầm quan trọng chủ yếu bởi lẽ nó liên hệ tới cuộc chiến đấu không bao giờ dứt của nhà văn, trong trường hợp này là Moinous, để hiểu ra những ảnh tượng dơ bẩn đang đe doạ sẽ chỉ huy ông từ đâu đến...

Trong phần hai của kết luận này, Moinous cứ khăng khăng tìm mọi cách làm sao bảo đảm là những ảnh tượng ấy cứ sẽ tiếp tục đến, têtu comme une mule,[7] như mẹ ông thường vẫn hay nói về ông...

Kết luận thứ hai mươi bảy khiến Moinous tự hỏi có chăng một mối liên kết nào đó giữa dục tính và cái ma lực của chuyện viết lách, Moinous không theo dõi ý nghĩ này xa hơn bao nhiêu, bởi lẽ ông biết là cho đến nay đi sát bên cạnh những giai đoạn năng lực dục tính và tình trạng rối loạn trong cuộc đời ông lúc nào cũng là những thời kỳ bùng nổ kỳ diệu trong công việc của ông...

Kết luận thứ hai mươi tám được phát biểu ngắn, sự hóm hỉnh phi lý...

Trong kết luận thứ hai mươi chín Moinous tự hỏi phải chăng ông nên giảm dần những lối phô trương của mình...

Kết luận thứ ba mươi gồm một danh sách khác trong đó Moinous tự hỏi phải chăng ông là...

một tay thủ dâm do bị ám ảnh
một con người bị sa thải
một kẻ mồ côi thật sự
un gourmand[8]
un con[9]
một thiên tài
một kẻ biểu diễn nhào lộn
một con người bị loạn trí
một con người điên cuồng
một con người quanh co
một con người dễ thương
một kẻ khờ

Moinous nghỉ một lát, và lại thêm một danh sách nữa trong đó ông tự hỏi phải chăng ông là kẻ

hoang tưởng
dâm đãng
nhút nhát
điên khùng
hạnh phúc
đố kỵ
tục tĩu
bị chứng trầm cảm
không ai chịu nổi

Trong một danh sách thứ ba, Moinous vẫn thích làm danh sách, ông tự hỏi phải chăng ông sợ...

bị bất lực

không nói được

đau đớn

cô đơn

chết

béo phị

chuột & rắn

Moinous tự hỏi trong kết luận thứ ba mươi mốt phải chăng ông muốn đánh lừa chính mình để được nhìn nhận... ông do dự... rồi quyết định ông không phải là người quyết định...

Kết luận thứ ba mươi mốt là một kết luận lớn lao trong suy diễn, Ta có như Ta là chăng, Moinous hỏi, bởi lẽ mẹ ta đã buộc ta phải ngưng yêu chính mình quá sớm, và trong khi ông tự hỏi mình cái câu hỏi phức tạp như vậy, Moinous, vì một lý do không giải thích được, nhớ lại dòng thơ của William Butler Yeats, a shudder in the loin engenders there the broken wall, the burning roof and tower...[3]

Kết luận thứ ba mươi hai đạt đến với ít nhiều e ngại, Moinous hỏi phải chăng cuộc đời ông sống đã vô ích khi xây dựng một vở tuồng đầy những đối nghịch, những thứ đi ngược bản thân, những mặt nạ, những ẩn dụ, trong khi ông vốn ghét cay ghét đắng những thứ ẩn dụ, Moinous kết luận, không, như thế thì quá tầm thường, quá giản đơn, tự nó quá hiển nhiên...

Kết luận thứ ba mươi ba Moinous lo lắng về xương cốt của mình, đống xương ấy sẽ tìm ra nơi an nghỉ cuối cùng của chúng ở đâu đây, nếu người ta chôn chúng, thì ông muốn bộ xương sẽ được chôn đứng thẳng, và nếu xương của ông phải biến thành tro, thì ông muốn tro ấy phải được đặt trong một thứ đồ đựng rất cao và gầy, cắm xuống đất. Moinous muốn khi chết vẫn trong tư thế đứng, Moinous phá ra cười rũ rượi trong đầu...

Trong kết luận thứ ba mươi bốn Moinous giải thích rằng quá khứ là cái ta lẽ ra không nên từng sống, hiện tại là cái ta không cần phải sống, tương lai là nơi các nghệ sĩ sống...

Trong kết luận thứ ba mươi lăm Moinous quyết định ông là kết hợp của những giai đoạn văn minh quá khứ và hiện tại, những mảnh nhỏ từ trong sách và trong báo, những mẩu vụn của nhân loại, những miếng giẻ và vải vụn áo quần vá lại với nhau y như tâm hồn con người...

Kết luận cuối cùng của Moinous mang hình dạng một phát biểu thơ, bởi lẽ ông vẫn bị kẹt giữa hai cái phi thực tại...

nằm yên trong ngôi mộ
cái tối mù sẽ tối mù hơn
và khi gió thổi đến gần
từ khoảng không và rú gầm
nó sẽ làm mớ xương già của ta khua lách cách

Moinous đứng dậy từ chiếc ghế tư duy của ông và đi thẳng đến bàn viết để viết xuống những kết luận của mình...

Trong khi viết xuống những kết luận ông nghĩ ra được trong quá trình thăm dò nội tâm của chính mình, ông dừng lại một lúc để ngẫm nghĩ xa hơn, không phải nghĩ về mớ xương của mình, mà là những chữ nghĩa của mình...

Chữ nghĩa của ta liệu có sẽ vẫn lung lay sau khi ta đã thay đổi câu cú, liệu chúng có tiếp tục khua lách cách trong lịch sử khi không còn có ta, hay sẽ có một tiếng thở dài nhẹ lòng từ những tiềm lực khi chúng lên tiếng thì thầm, này Moinous, mi lẽ ra không nên có mặt trên đời này, lẽ ra mi nên để những người chết được yên?

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Tức Samuel Beckett, một bạn văn thân thiết của Raymond Federman

 
Ray và Sam tại tiệm café La Closerie des Lilas, Paris

[2]Tiếng Pháp trong nguyên tác: je vais toujours vers le devenir có nghĩa “lúc nào tôi cũng đi về hướng cái trở thành.”

[3]William Butler Yeats [1865-1939] là nhà thơ và kịch tác gia Ái Nhĩ Lan, một trong những gương mặt hàng đầu của văn chương thế kỷ XX, từng được giải Nobel Văn chương năm 1923. Đoạn thơ trích của Yeats [a shudder in the loin engenders there the broken wall, the burning roof and tower...] là hai dòng đầu trong khổ thơ thứ ba của bài thơ “Leda And the Swan” của Yeats – bài thơ dựa trên một câu chuyện huyền thoại Hi-lạp: Leda là vợ của Tyndareus bị thần [của các vị thần] Zeus cưỡng hiếp. Zeus nổi tiếng chuyên cải trang làm nhiều con vật / đồ vật khác nhau để chiếm lĩnh phụ nữ, trong trường hợp cưỡng hiếp Leda là một con thiên nga, nên bài có nhan đề là “Leda và Thiên nga”. A shudder in the loins engenders there mô tả Leda có thai và sinh ra Helen về sau trở thành người phụ nữ đẹp nhất được hàng ngàn đàn ông theo đuổi. The broken wall, the burning roof and tower nói về thành Trojan bị đốt cháy, và Leda tuy không gây ra cuộc chiến thành Trojan, vẫn là một trong những nguyên do gián tiếp của cuộc chiến ấy. Cụm từ “rùng mình ở chỗ thắt lưng” cho biết hoặc con thiên nga, hoặc Leda đã lên tới chỗ cực khoái; và từ “sinh ra” cho biết con thiên nga làm Leda mang thai.

 
Leda And the Swan, một phiên bản thế kỷ 16 phỏng theo một bức
tranh đã bị thất lạc của Michelangelo [National Gallery, London]

[4]Nửa tiếng Anh nửa tiếng Pháp trong nguyên tác: happy fous có nghĩa “những tên điên khùng may mắn.”

[5]Thay vì academic [học thuật] Raymond Federman phịa ra chữ cacademic cho nên tới lượt mình người dịch đành phải phịa ra chữ học thực. Vả chăng trong chữ cacademic, có chữ caca, cũng là một loại có thể “thực”, và có nghĩa là “rác rưởi, cứt ỉa”...

[6]Rõ ràng Raymond Federman phê phán bút pháp phô trương và [gọt giũa một cách] cầu kỳ trong văn chương báo chí, với những từ khoe khoang, kêu mà rỗng – cái nhìn viễn tượng nghiêm khắc [excoriating vision], hành động không thể đảo ngược [irrevocable action], định mệnh ta không thể lựa chọn [unelectable destiny] – và cụm từ rườm rà dư thừa, như lệch xa tiêu điểm khi không nắm được [wide of the mark in failing to grasp]. Đại loại, có thể cho rằng thay vì nói “It overlooks the value of seeing one's actions as predicting one's destiny”, hay đơn giản hơn, “Action makes the man” thì một số nhà báo tán phét thành một câu dài thòng... mà ý nghĩa lạc mất tiêu vì bị đè nặng bởi những từ khoe khoang làm dáng trí thức.

[7]Tiếng Pháp trong nguyên tác, có nghĩa “cứng đầu như một con la cái” – ý nói “đầu bò đầu bướu”

[8]Tiếng Pháp trong nguyên tác: một tên tham ăn.

[9]Tiếng Pháp trong nguyên tác: một tên ngu xuẩn.

 

 
---------------------
“Liệt kê những kết luận của Moinous” dịch từ nguyên tác “List of Moinous’s Conclusions” do tác giả gửi, bài viết được đăng trên blog của Raymond Federman, August 06, 2005.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021