thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“Chúng ta gần như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ...”

 

 

“CHÚNG TA GẦN NHƯ ĐÁNH MẤT NGÔN NGỮ NƠI CÕI LẠ...”

 

Xe đổ rác đi qua mỗi sáng thứ tư; con quạ giựt mình bay thốc lên nóc nhà, lúc xe rác rồ máy ngừng trước cây cam. Nó xuống bếp hâm lại cá nục kho với khóm và loại cá thu mackerel (tây gọi là cá ma cạo, cá ma cô, marquereau) hấp chín trong rổ tre. Một chút cơm, hai con cá, một chút nước mắm, một chút chanh và bốn trái ớt hiểm, thế là đủ lương thực trần gian tuyệt vời cho buổi sáng lướt sang buổi chiều... Nó thương những trái ớt hiểm, thương những trái ớt xanh, ớt đỏ, ớt vàng, ớt bị, ớt sừng, ớt kiểng; nó rất thương loại ớt cay và thơm (cay nhất và thơm nhất là loại ớt tròn dẹp, gọi là ớt vùng Antilles). Ôi, những trái ớt, bao nhiêu trái ớt đã đi qua trong bao tử nó và bây giờ trở thành hư vô... Bông ớt cũng trắng như bông cam, tại sao ớt không được đi vào văn chương như bao nhiêu bông trái khác? (Dường như là ớt chỉ được xuất hiện thơ mộng trong thơ hai cu — haiku — của Nhật, như bài thơ nào đó của thi sĩ Kikaku?)[*] Không biết bao nhiêu con cá đã đầu thai trong cơ thể nó từ lúc nhỏ cho tới bây giờ? Cuộc đời càng về chiều thì nhân loại càng thích ăn cá để chuẩn bị trở về biển. Lại những câu thơ của Trakl lướt nhẹ qua trang giấy: “Cá và thú săn, rồi một lát nữa, lướt nhẹ đi mất. / Rồi chẳng bao lâu linh hồn màu xanh và chuyến đi dài lê thê đen tối / ly biệt tách rời ta ra khỏi những kẻ thương yêu, những kẻ khác. / Buổi chiều di động đổi dời hình tượng và ý nghĩa.” [**] Màu xanh của buổi tịch dương và ban đêm lướt nhẹ qua linh hồn màu xanh của người thơ chết yểu; người thơ lướt nhẹ qua cuộc đời như một hơi thở chắt chiu của con cá còn sống trong rổ chợ chiều. Rồi thì cũng phải giã từ những kẻ thân yêu, những kẻ khác của loài người hoang phế tử vong; nhà thơ là kẻ lên đường xa lạ, bước nhẹ vào màu xanh của đêm tối để xa lìa loài người sa đoạ; sự chuyển hoá của buổi chiều màu xanh lướt nhẹ vào đêm tối thiên thanh và giã từ tất cả hình tượng và ý nghĩa của ngày, đêm, năm, tháng chợ đời. Rác rưởi, bông hoa, chim cá và thú rừng của thời gian quá khứ đang lướt nhẹ vào linh hồn xanh lơ trong chuyến đi dài lê thê hoang vu vào màu xanh đêm tối. Trong sự tách rời ly biệt của kẻ xa lạ, của kẻ lang thang, ly biệt tách rời cả những gì nó đã thương yêu nhất; tất cả đều trở nên khác hẳn, hình ảnh không còn là hình ảnh xưa nay; tất cả xưa nay đều lướt nhẹ đi mất, và chỉ còn màu xanh di động nhẹ nhàng trong buổi chiều, lướt nhẹ qua đêm tối xanh xanh. Những trái cam vàng của Garden Grove ở California lướt nhẹ từ chiều qua đêm, rồi sau cùng trở thành những trái cam xanh của những đồng quê Việt Nam: một chuyến lộn ngược quay đầu trở về quê hương, không kém bi tráng như cái die vaterländische Umkehr của Hölderlin,[***] trong thời gian tàn khốc mà Hölderlin bước đi hoang vu vào cơn điên loạn thiêng liêng và đối mặt thường trực với những bí ẩn bi tráng của Oedipus và Antigone trong sự chuyển hoá bí mật của ngôn ngữ: “Chúng ta gần như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ...” [****]

 

 

---------------------------------------------------------------------------------------
Tuỳ bút trên đây là chương thứ 16 trong cuốn
Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất của Phạm Công Thiện
(California, USA: nxb Trần Thi, 1988)
[Nhan đề “Chúng ta gần như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ...” do Hoàng Ngọc-Tuấn thêm vào].

 

 

_____________________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn (19.05.2011):

[*]Bài thơ của Takarai Kikaku (1661-1707) Phạm Công Thiện nhắc đến ở đây là một bài haiku mà người ta truyền tụng rằng Kikaku đã đọc cho Basho nghe: “Những con chuồn chuồn đỏ / Ngắt đi đôi cánh / Những trái ớt”. Giai thoại cho rằng sau khi nghe bài haiku này, Basho đã đáp lại: “Không, đó chưa phải là haiku. Phải như thế này: Những trái ớt / Gắn thêm đôi cánh / Những con chuồn chuồn.” Kikaku cúi đầu, thưa: “Bây giờ tôi đã lĩnh hội.”

[**]Những câu Phạm Công Thiện trích dịch ở đây là đoạn thứ 3 trong bài thơ “Herbstseele” [Hồn thu] của Georg Trakl (1887-1914). Nguyên tác Đức ngữ của đoạn ấy là: “Bald entgleitet Fisch und Wild. / Blaue Seele, dunkles Wandern / Schied uns bald von Lieben, Andern. / Abend wechselt Sinn und Bild.” [Trong tập Sebastian im Traum (1915)]

[***]Friedrich Hölderlin (1770-1843) nói đến ý niệm “die vaterländische Umkehr” trong tiểu luận “Anmerkungen zur Antigonä” (1804), in lại trong bộ Hölderlin Werke und Briefe Band 2 (Frankfurt am Main: Insel Verlag, 1969, trang 783-790).

[****]Câu “Chúng ta gần như đánh mất ngôn ngữ nơi cõi lạ...” nằm ở đoạn đầu tiên của bài thơ “Mnemosyne” của Friedrich Hölderlin (trong Zweite Fassung Werke I, trang 199.). Nguyên văn đoạn ấy như sau: “Ein Zeichen sind wir / deutungslos, / Schmerzlos sind wir und / haben fast / Die Sprache in der / Fremde verloren” [Chúng ta là một dấu hiệu, vô nghĩa, / Chúng ta vô cảm và gần như đánh mất / Ngôn ngữ / nơi cõi lạ].

 

 

------------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021