thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nụ cười của một giáo sư [III]

 

Và chúng tôi bắt đầu hát.

Chúng tôi hát bài Đường phượng hoàng trên đỉnh non cao... Khi chúng tôi hát bài đó thì giáo sư cũng gõ tay vào bàn và nhịp chân dưới đất.

Chúng tôi hát đến khoảng 8 giờ 30 phút thì bắt đầu có hiện tượng muốn học. Dấu hiệu của những kẻ muốn học thường là ngáp dài và kêu đau ở đâu đó. Khi tất cả chúng tôi cảm thấy đau ở ngực thì đó cũng là thời khắc buổi học bắt đầu.

Hôm nay, điều làm chúng tôi cảm thấy thích thú là cuốn giáo án của giáo sư. Thực ra thì ngày nào ông ta cũng cầm trên tay cuốn giáo án đó. Rõ ràng đó là một cuốn giáo án cũ. Bụi bay lên từ đó mỗi khi giáo sư giở nó ra.

Chúng tôi đồng thanh: “Thật kỳ diệu.”

Và giáo sư bắt đầu nói về những điều kỳ diệu. Ông luôn có cách lập luận riêng của mình mà những giáo sư khác không hề có được. Ông bước xuống gần với chúng tôi hơn rồi hỏi chúng tôi về điều kỳ diệu. Chúng tôi nói điều kỳ diệu chẳng bao giờ thức dậy. Giáo sư lấy tay nhích kính trên mũi lên rồi nói: “Ngày xưa có một đàn cừu.” Chúng tôi lại cười rộ lên và cùng đồng thanh: “Ngày nay cũng có một đàn cừu.” Và chúng tôi đề nghị giáo sư vẽ đàn cừu đó lên bảng. Đàn cừu mà giáo sư vẽ là những con cừu có bốn chân. Chúng tôi lắc đầu và nói: “Hai chân. Hai chân, thưa ông.” Và cuối cùng giáo sư vẽ những con cừu chỉ có hai chân. Chúng tôi đứng lên và đập tay xuống bàn, nhiều đứa đứng lên trên ghế và hò hét: “Thật kỳ diệu, thưa ông, đó là điều kỳ diệu.” Rồi giáo sư tiếp tục thuyết giảng về đàn cừu của ông.

Khi tất cả chúng tôi ngáp thì giáo sư vẫn tiếp tục lật thêm những trang giáo án của mình. Bụi đỏ bay lên khắp phòng và chúng tôi thấy đó cũng là điều kỳ diệu.

“Ngày xưa có những kẻ ăn biển.” Giáo sư nói.

Chúng tôi như kẻ hành khất trên sa mạc gặp nước. Chúng tôi lại rộ lên. “Thế đấy. Ông lại thế rồi đấy. Nhạy cảm, thưa ông. Thưa ông, đó là vấn đề nhạy cảm.” Giáo sư bắt đầu nói về sự nhạy cảm.

“Chỗ nào nhạy cảm nhất trên thân thể chúng ta?” Bao giờ cũng thế, giáo sư bao giờ cũng bắt đầu cách triển khai vấn đề của mình bằng những câu hỏi. Chúng tôi cười khúc khích. Những đứa con gái mặt đỏ lên. “Nói xem nào?” Giáo sư lại hỏi. Vẫn không có ai trả lời. “Nhạy cảm là chỗ ít được nói tới, hoặc chỉ được nói tới trong bóng đêm và những chỗ ít người.” Giáo sư nói. Cuối cùng thì phía cuối lớp có một kẻ hét lên: “Lồn, thưa ngài. Như thế đó là lồn, phải không, thưa ngài?” Và cuối cùng chúng tôi đều nhất trí với nhau rằng lồn là chỗ nhạy cảm và chỉ được phép nói đến nó trong bóng đêm.

Giáo sư vẫn tiếp tục lật lên những trang giáo án của ngài. Bây giờ ngài lật đến những trang giáo án đã mọc rêu. Chúng tôi thấy rêu mọc trên những trang giáo án của ngài.

“Ông tao nói rêu chỉ mọc trên đất.” Một đứa nói. “Đồ ngu, rêu có thể mọc trên những khoé miệng của tất cả chúng ta.” Một đứa khác nói, rồi nó lại tiếp tục: “Hôm qua ba tao ngủ dậy và ông hét lên khi đánh răng. Ông không thể mở miệng ra để đưa bàn chải vào. Rêu mọc đầy trên hai mép của ông và cả nhà tao lăn ra cười. Bà nội tao cười đến nỗi ỉa ra cả quần đấy.”

“Ngày nay cũng có những kẻ ăn biển.” Giáo sư nói. Chúng tôi ngước lên.

“Pontus... Poseidon....” Chúng tôi hét lên và ho sặc sụa.

Giáo sư lấy kính ra và lau bụi trên kính, rồi cũng hét lên: “Nhầm rồi, như thế là nhầm rồi, những kẻ ăn biển không có cây đinh ba khổng lồ. Chúng đứng trên tàu và gặm biển. Và những kẻ dưới sóng vẫn đội sóng lên dâng cho chúng. Chúng nuốt tất cả những cột sóng khổng lồ. Chúng đến và đi rất nhanh. Chúng đến khi mặt trời lặn và ra đi khi bình minh chưa lên. Chúng là quái vật tỉ chân. Chúng là quái vật tỉ mắt.”

 Chúng tôi im bặt và sợ hãi.

Không đứa nào hét lên nữa.

“Chúng ăn mặt đất không thưa ngài?” Một cô bé ba mắt đứng lên và run rẩy hỏi.

“Có. Chúng ăn mặt đất trong những bữa tiệc lớn. Vào những bữa tiệc lớn, chúng cúi gằm xuống và ăn mặt đất. Thậm chí chúng ngốn cả những cột mốc bằng thép. Tương truyền rằng chúng có thể nuốt chửng cả những con phố, những khu rừng và những dòng thác khổng lồ ở phía Bắc.” Giáo sư nói. Ngài nhìn ra bên ngoài cửa sổ như cảnh giác một điều gì đó, rồi ngài đưa tay lên miệng ra hiệu cho chúng tôi im lặng, và ngài tiếp tục: “Chúng có tỉ tai, tỉ mắt. Đó là những con quái vật tỉ chân rón rén trong màn đêm.” Có những tiếng khóc bật lên. “Mẹ ơi.” Những đứa yếu tim lại rên rỉ.

Đây là buổi học yên tĩnh nhất trong năm của chúng tôi. Giáo sư đưa tay nhìn vào đồng hồ rồi nói: “Chúng sẽ xuất hiện vào ngày trăng tròn và biến mất khi mặt trăng khuyết.” Ông nói, rồi lại nhìn ra ngoài. “Những cái chân của chúng có ở khắp nơi. Xung quanh chúng ta có những cái chân của chúng.”

“Vô hình chứ?” Một đứa trong chúng tôi nói qua kẽ răng.

“Hiện hữu rõ ràng.” Giáo sư nói. “Những cái chân của chúng có thể di chuyển và biến thành thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó và thậm chí biến thành cha mẹ của các em.” Tiếng khóc lại bật lên. Chúng tôi kêu mẹ kêu cha, và giáo sư nói: “Chúng có thể biến thành mẹ của chúng ta và gặm đất khi chúng ta đi ngủ.”

“Phải làm gì chứ, thưa ông?” Chúng tôi nói và cố tìm một cái gì đó để bám víu.

“Nhắm mắt lại và hát bài Đường phượng hoàng trên đỉnh non cao. Giáo sư nói, và chúng tôi cùng nhau hát rồi thấy lòng mình ấm lại. Tiếng hát của chúng tôi lan toả trong không gian và chúng tôi tin tưởng rằng, với tiếng hát, chúng tôi sẽ chế ngự được những con quái vật ăn biển, những con quái vật ăn đất.

Chúng tôi sẽ hát và đợi ngày chúng tới từ trùng dương.

Giáo sư khả ái của chúng tôi vừa hát vừa cười, và rõ ràng đó vẫn chỉ là cách ông ta khóc trước những vấn đề hệ trọng.

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021