thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thời của những slogan

 

Hoa hậu là đẹp. Và người mang danh hiệu hoa hậu tất nhiên là người đẹp nhất trong một cuộc thi về sắc đẹp. Cô M đã đoạt được danh hiệu ấy khi cô vừa 18 tuổi và tốt nghiệp phổ thông. Vì thế, đẹp là toả sáng. Trong cuộc họp báo ra mắt báo chí về các hoạt động trong tương lai của đương kim hoa hậu, cô M còn chứng tỏ đẹp là tự tin khi cô phát biểu: “Đẹp là tài năng.”

Một phóng viên hỏi: “Cô có thể chứng minh tài năng của mình không?”

Cô cười rất tươi, đẹp (không phải) là cái đáng ghét, nói: “Sắc đẹp tự nó có khả năng thuyết phục, chinh phục. Vì thế, sắc đẹp (còn) là lý lẽ. Đồng thời, sắc đẹp (cũng) là chân lý. Sắc đẹp mang lại hạnh phúc (cho tôi cũng như) cho những ai được nhìn ngắm nó. Nếu sắc đẹp thiếu một ngôn ngữ tự thân, đó chưa đủ gọi là đẹp. Nói một cách khác, hoa hậu là tài năng”.

Anh phóng viên toát mồ hôi, hỏi tiếp: “Thưa cô, đây có phải là một trong các bài mà cô phải học thuộc lòng không ạ?”

Cô M tỏ ra đẹp là bản lĩnh, đốp chát: “Anh cho rằng cứ là hoa hậu thì phải ngu à”?

Mọi người cười ầm ĩ.

Anh phóng viên nói: “Xin lỗi cô. Tôi có bằng chứng về kịch bản của cuộc thi hoa hậu vừa qua, cũng như kịch bản của cuộc họp báo này.”

Cô M một lần nữa cho người ta thấy đẹp là kiêu hãnh: “Cứ cho là như thế. Việc tôi học thuộc bài không chứng tỏ đẹp là giỏi sao?”

Mọi người vỗ tay.

Ngay sau cuộc họp báo, một đại gia vào hàng sử sách (thời ra biển lớn) đã gặp cô và đề nghị không phải chức danh đại sứ thương mại mà là tổng giám đốc một công ty truyền thông. Tuy nhiên, đó không phải là sở nguyện của cô. Cô không chỉ muốn đẹp là nổi tiếng, đẹp là tiền, hay đẹp là quyền lực, mà đẹp (còn phải) là tâm hồn. Cô muốn trở thành nhà văn.

 

Việc các hoa hậu đi làm đại sứ thiện chí hay làm từ thiện quá tầm thường, xoàng xĩnh. Với cô, đẹp là khác biệt. Ngoài những buổi biểu diễn trên sàn catwalk, hoặc tham dự các event để duy trì một mức sống xứng đáng, cô vùi mình vào chữ nghĩa. Nhưng cô có thể viết về điều gì? Tâm hồn cô, tất nhiên đẹp và đẹp là văn chương. Kể chuyện cô đã trở thành hoa hậu như thế nào ư? Có thể gây sốc, nhưng cô không muốn đụng chạm và làm hoen ố thanh danh của mình. Kể chuyện cô đã được thương lượng mua bán ra sao sau khi đăng quang? Cũng là chuyện quá dơ bẩn. Sáng tạo là đẹp. Cô cần cho công chúng biết hoa hậu (của họ) là đỉnh cao. Cô vật lộn với chữ và cô tin rằng mình đang lao động nghiêm túc. Nhưng cô không hề biết rằng chữ nghĩa cũng giống như sắc đẹp (của cô) tự nó có thể sáng loà hay tối tăm, tự nó là quyền lực hay vô nghĩa mà cô không thể đụng chạm tới.

Cô hút thuốc. Cô uống rượu. Cô làm tình. Và cô mơ màng, cô chảy nước, cô ói mửa. Trác táng hay dấn thân, cô liều mình như tất nhiên phải thế. Chữ nghĩa vẫn giấu mình ở đâu đó. Nhà văn không phải là kẻ kể chuyện, một người nào đó đã nói. Chính vì thế cô không tìm cách để kể một câu chuyện. Có quá nhiều chuyện để kể trong cuộc sống của cô. Nhà văn phải làm chứng cho thời đại của mình, một người khác lại bảo. Làm chứng nhân thì mấy ông nhà báo không phải đã làm tốt hơn ư? Nhà văn phải là lương tâm của cuộc sống. Xin dành cho các vị tu sĩ. Nhà văn phải biết định hướng cho con người, phục vụ Đảng và tổ quốc. Việc này độc quyền của các cán bộ tuyên giáo rồi. Nhà văn là gì? Là kẻ phản kháng? Cô chẳng dại.

Cuối cùng, cô nghĩ tốt nhất mình cứ là một hoa hậu. Đẹp là vĩnh cửu. Và như Dostoievsky nói, cái đẹp cứu rỗi thế giới. Như thế, đẹp là vinh quang. Cô còn cần gì? Một vẻ đẹp hoàn hảo?

Một người bạn cô bảo: “Hãy đi học tiếng Hoa.”

Cô hỏi lại: “Để đi tắt đón đầu sự thống trị của Bắc Kinh à?”

Người bạn nói: “Nó thống trị lâu rồi. Vấn đề của mày là để hiểu thế nào là sự hoàn hảo.”

Cô bảo: “Nói xem.”

Người bạn nói: “Trong tiếng Hoa, chữ ‘Hảo’ được định nghĩa theo kiểu chiết tự là một phụ nữ có con.”

Cô cười: “Ý mày là tao phải kiếm một thằng chồng rồi đẻ con?”

Người bạn nói: “Một phụ nữ có con, không có nghĩa là phải có chồng.”

Cô lại cười: “Ô-kê. Được.”

Cô nói tiếp: “Mày dám cho tao đứa con không?”

Người bạn nói: “Nếu mày thích”.

 

Khi mang thai đến tháng thứ bảy, cô biết cô có thể trở thành nhà văn thật sự. Cô biết cô cần viết gì và viết như thế nào. Nhưng một câu hỏi đã khiến cô không bao giờ trở thành nhà văn: “Viết để làm gì?”

Lúc này, cô đã là một cựu hoa hậu. Và cô hiểu ra đẹp không là gì cả. Đẹp chỉ là sự an ủi. Đôi khi đẹp là hoài niệm cái đã mất.

 

27-5-2011

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021