thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Linh hồn của bóng tối

 

 

LINH HỒN CỦA BÓNG TỐI

 

nửa đêm
một người đàn bà rơi xuống
(thơ Lưu Mêlan)

 

 

1.

 

Người ta đã định nghĩa ánh sáng là gì, nhưng người ta không định nghĩa được bóng tối. Họ chỉ nói đơn giản, bóng tối là một nơi không có ánh sáng.

 

2.

 

Gã mở mắt, dường như vậy. Không rõ gã đã trở về từ đâu, sau một giấc ngủ, hay một cơn hôn mê. Chỉ biết rằng nhận thức đầu tiên là chung quanh đầy bóng tối. Một chút ánh sáng mong manh nhất cũng không. Mắt đã mở, hay mắt đã mù? Gã tự hỏi trong hoang mang.

Cùng một lúc, gã có hai cảm giác trái ngược về cơ thể mình: rất nặng và rất nhẹ. Dường như gã mắc kẹt giữa một không gian đặc quánh. Gã nghĩ mình đang bị giam cầm trong một cái hồ bằng thuỷ tinh, đổ đầy sáp nến. Loại thuỷ tinh màu đen và sáp nến trong như nước. Vì không có ánh sáng nên thứ sáp trong veo ấy cũng chỉ là màu đen.

Có thể nào có một loại ánh sáng màu đen? Hay một thứ lửa nào đó đã đốt cháy rụi ánh sáng, chỉ còn bóng tối.

Trong bóng tối này, gã mất phương hướng. Không còn khái niệm trên, dưới, ngang, dọc. Gã đang nằm, đang ngồi, hay đang bị treo ngược lên. Không biết. Gã bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi lởn vởn như những lớp sóng âm u dập dềnh trên biển đêm. Gã không dám cử động, hay không thể cử động. Chỉ e rằng một cử động nhỏ cũng khiến cơ thể mất thăng bằng, rơi vào một không gian khác, xa lạ và bất trắc hơn.

Giữa sự hoang mang ấy, ý thức chợt loé lên một câu hỏi về thời gian. Trước khi lâm vào tình trạng này gã ở đâu, là ai? Một cách vô thức, gã thử áp dụng một phương pháp gọi là phương pháp đi tìm cái chìa khoá xe. Buổi sáng, một người vào garage, lấy xe đi làm, mới hay mình không có chìa khoá xe. Cách hay nhất để tìm chiếc chìa khoá là áp dụng thuật quay phim ngược. Bắt đầu từ garage trí nhớ đi ngược lại phòng khách, phòng ăn, nhà tắm, phòng ngủ... Nghĩa là tất cả những nơi trong nhà người ấy đã dừng lại, làm việc gì đó, rồi đi qua. Từ hiện tại lần ngược về quá khứ cho đến khi tìm ra cái chìa khoá. Áp dụng phương pháp này, người ta có thể tìm ra chìa khoá ở một nơi không ngờ nhất: trong tủ lạnh.

Nhưng, gã không thể. Trong bóng tối, không có thời gian, không có giây, phút, giờ, ngày để gã lần tìm ngược lại quá khứ của mình. Hình phạt đáng sợ nhất đối với một người tù là bị giam trong bóng tối. Ở đó họ bị mất ý niệm về thời gian và không gian. Bị cắt đứt liên hệ với đồng loại và môi trường chung quanh. Khi ấy, cô đơn trở nên tuyệt đối, đến không thể chịu đựng nổi.

Gã nhúc nhích.

Những tưởng sợ hãi đã làm tê liệt ý chí, nhưng gã đã thực sự có một cử động nhỏ. Rất nhỏ, như một cái nháy mắt. Khi nhìn một pho tượng Phật thật lâu, người ta sẽ thấy, trong một sát na, con mắt bằng thạch cao của Phật nháy một cái. Rồi người ta phân vân không biết mắt Phật nháy, hay mắt mình nháy. Chỉ có một cách để biết là thử lại. Thử lại nhìn Phật thật lâu, thử làm một cử động. Nhưng khi thử cử động lần nữa, gã đã vận dụng cơ bắp nhiều hơn nên cơ thể mất thăng bằng, nghiêng qua một bên, và rơi xuống. Đúng như điều gã đã sợ hãi, gã đang rơi vào một không gian khác.

Một vực sâu.

Sâu hun hút như bóng tối của bóng tối. Rơi đến đâu, cơ thể của gã tan ra đến đó. Đến một lúc gã không cảm thấy mình đang rơi nữa. Khi ấy, phần vật chất của gã đã hoàn toàn tan biến, hoà vào bóng tối. Gã trở nên một phần của bóng tối. Nói cách khác, gã cũng chính là bóng tối. Gã biết, gã chẳng còn lối thoát nào nữa, cho đến khi...

 

3.

 

Người đàn bà mở cửa.

Ánh sáng tràn vào căn phòng, như một thứ bom napal, đốt cháy bóng tối. Bóng tối chết đi không một lời kêu than. Từ ấy, người đàn bà sống trong một căn phòng đầy ánh sáng, mà không hay mình đang sống chung với một linh hồn của bóng tối.

 

4.

 

Người đàn bà làm thơ, những bài thơ đầy bóng tối

 

 

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021