thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vai người điên

 

Đạo diễn trao cho chị xấp bản thảo kịch bản: “Em đọc kỹ. Vai này không giống những vai trước của em, đòi hỏi nhiều công phu tập luyện.” Chị cuộn tập giấy lại làm giả như cây kèn đưa lên miệng thổi pôm pôm. Giọng chị giễu cợt: “Em thổi được bài Dòng Sông Xanh. Anh làm khán giả đi.” Trước khi xoay lưng đi, đạo diễn ngó ngoái lại nhìn chị lần nữa. Anh không cười: “Em không nên coi thường vai diễn. Một diễn viên phụ vẫn có tư cách của một diễn viên phụ.” Chị mở túi lẳng lặng nhét tập kịch bản vào trong.

Bên hông nhà hát có một cánh cửa nhỏ. Các diễn viên khi ra về đều phải băng ngang cánh cửa này. Giờ vãn hát luôn luôn có một đám đông dồn cục chật cứng ở đây để chờ xem mặt nghệ sĩ. Họ ăn uống nhồm nhoàm, xả rác tưới hột sen, ngồi lê đôi mách, bàn ra tán vào đủ loại đề tài. Những diễn viên chính luôn bị đám người hâm mộ này quấy rầy. Họ chồm tới hớn hở chào đón, giành giựt để bắt tay, lôi cô đào anh kép ra chụp hình, đôi khi chỉ mong sờ chạm vào người các diễn viên như sờ vào bóng dáng tâm tình của chính họ ít phút trước đây trên sân khấu. Những diễn viên phụ thì chẳng ai nhìn thấy. Họ lẩn vào bóng tối rất nhanh như những con ốc ma thụt sâu vào vỏ, thoắt cái đã biến mất, lẫn lộn vào đám sỏi đá vô danh rải rác khắp nơi trên mặt đất khôn cùng.

Chị nhìn thấy một tờ quảng cáo chương trình của vở diễn trước dán ở cánh cửa ấy đã bong ra. Bao lâu rồi nhỉ? Không nhớ nữa. Chị gỡ tờ giấy xuống, vò trong tay rồi ném vào thùng rác. Tấm giấy không có ảnh của chị. Người ta chỉ chụp và in hình những diễn viên chính.

Vai mới của chị được mô tả như thế này:

 

Trưa.

Nhà hát vắng tanh. Nắng nung như bốc khói trên những bậc thang trước sảnh đường. Một cô gái rất trẻ, rụt rè như học trò không thuộc bài thò đầu vào hai cánh cửa của khán phòng. Bên trong tối om. Tất cả màn đều vẹt ra. Trên sân khấu hai thanh niên đang đẩy một giàn gươm giáo từ trong ra ngoài. Họ vừa làm vừa chửi tục, thỉnh thoảng cười hô hố. “Ê, từ từ. Coi chừng dập tay tao mậy.” “Từ từ tới chừng nào xong? Còn hai cái trống tổ sì nái đó. Gả cho ai?”

“Cô tìm ai?” Một người từ trong bóng tối nhô ra với chai bia trên tay hất hàm hỏi. Ông ta thấp, tròn, cụt ngủn như đòn chả lụa, mặt chè bè, lỗ rỗ, đầu đội mũ như cái chóp trên đầu con chim.

“Tôi... không tìm ai cả.” Cô gái đáp. Tuy vậy, mắt cô vẫn liếc sâu vào bên trong, làm như còn muốn thấy xa hơn nữa, vượt qua tấm phông, xuyên suốt tới hậu trường. Có điều gã kia đã án trước mặt. Gã nhìn cô chòng chọc.

“Vậy cô cần gì? Bảy giờ rưỡi mới có xuất.”

“Tôi tới lấy vé.”

“Vé của ai?”

“Của tôi. Anh Thụy dặn là có dành sẵn cho tôi hai vé. Anh ấy nói tôi cứ tới lấy sẽ có người đưa.”

“Tưởng gì. Muốn lấy vé thì qua bên đây.”

Cô gái đi theo gã qua căn phòng đối diện bên kia hành lang. Một chị đang ngồi khâu những vạt áo dài sút sổ. Y trang, đạo cụ ngổn ngang. Những bộ áo kim tuyến lướt thướt nhìn gần rất cũ và dơ, lớp vải lót rách bươm, thậm chí bốc mùi. Gã chộp lấy cái song lang trên bàn nhịp cóc cóc. Chị phụ nữ dừng tay ngước lên hỏi gã:

“Kiếm chuyện gì đây?”

“Ông Thụy nói có hai vé cho cô này. Cổ tới lấy.”

Chị đàn bà mở một cái hộp đựng nhiều xấp phong bì ràng lại với nhau bằng dây thun có ghi tên, đánh số hàng, số ghế. Cô gái nhướn mắt nhìn qua kẽ tay của chị ta.

“Anh Thụy nói là vé sẽ để trong cái phong bì ghi tên em. Em là Hương. Chị coi giùm...”

Chị kia lục tới lục lui một hồi, nhăn mặt:

“Không thấy. Không có cái phong bì nào tên Hương.”

Người đàn ông quay sang cô gái:

“Không thấy. Chắc ổng quên rồi. Ông Thụy bận lắm. Chẳng nhớ gì đâu. Cô về đi. Chừng nào ổng tới tôi nhắc ổng rồi tôi giữ cho cô. Gần giờ diễn cô gặp tôi trước cửa rạp.”

Cô gái hỏi:

“Khoảng chừng nào ổng tới?”

“Ai mà biết. Thế nào ổng cũng tới mà. Không có ổng làm sao mở màn.”

Gã đàn ông đứng tréo chân, một tay chống vào tường một tay chống nạnh. Bộ râu của gã dơ dáy và khả ố không chịu được. Răng gã to, thưa, lởm chởm làm như có thể nhai được cả gỗ. Cô gái đứng tần ngần trước tấm áp-phích lớn có in hình các diễn viên với khuôn mặt được tô vẽ rất đậm. Gã nọ nheo nheo đôi mắt ti hí của gã. Gã đã quá rành những cô gái có cái điệu bộ rón rén che che đậy đậy như thế này. Chắc có chuyện giăng tơ giăng nhện gì ở đây. Gã trở lại chỗ ngồi khi nãy cầm chai bia nốc cạn. Cô gái nói:

“Khi nào xong vở, anh cho tôi xin cái áp-phích này nhé. Anh giữ giùm rồi tôi tới lấy.”

Gã lầu bầu:

“Lấy làm mẹ gì. Ít bữa rồi cũng quăng.”

 

Bảy giờ chiều.

Cửa rạp không mở được vì thiên hạ ùn ùn. Gã đàn ông khi nãy bước ra quát lớn:

“Xin bà con giữ trật tự. Ai chưa có vé xin ra quầy mua vé. Ai có vé rồi xin cầm trên tay xếp hàng tuần tự đi vào.”

Cô gái quần áo xộc xệch tách khỏi đám đông bước vội về phía hắn:

“Anh có hỏi anh Thụy giùm tôi không? Anh ấy hứa cho tôi hai vé mà.”

Gã nói:

“Tôi không hỏi cho cô được. Hồi chiều đài truyền thanh truyền hình đến phỏng vấn. Hai cái xe truyền hình còn đậu đó, thấy không? Ông ấy bù đầu bù cổ.”

“Hay anh cho tôi vào đi. Tôi đến tìm anh ấy để lấy vé rồi tôi trở ra đưa cho anh.”

“Tôi không cho cô vào được.”

“Vậy tôi phải làm sao?”

“Cô cảm phiền mua vé đi. Có vé thì vào, không có thì thôi. Tôi không thể giải quyết được gì trong lúc này.”

Mưa rơi lâm thâm trên những đầu người chen chúc. Đám đông bắt đầu rối loạn. Cô gái bị ai đó giẫm lên chân rồi chính cô lại giẫm lên chân người khác. Người ta túa vào hàng hiên, hỗn độn, chửi rủa và chẳng cần lịch sự. Cô gái bị một người đẩy văng ra ngoài mưa. Mắt cô thoáng nhìn thấy tấm poster dán ở vách rạp bị nước bắn vào làm dộp, mềm đi, mặt mũi diễn viên người nào người nấy méo mó, phình ra lõm vào. Một cặp trai gái che đầu bằng tờ báo chạy lúp xúp về phía cửa hông của nhà hát. Đám đông ùa lên, nhốn nháo: “Kìa. Kìa. Phải con ca sĩ với cái thằng đánh trống đó không? Trên sân khấu coi đẹp mà nhìn gần sao tả tơi quá vậy.” “Thằng đó hút ông ơi. Không thấy da mặt nó xảm xảm hay sao.”

Ngoài bậc thềm cô gái nhìn dòng người len lách qua khe cửa hẹp. Mưa vẫn rơi. Dửng dưng. Từ tốn. Chẳng biết những giọt nước ấy có thấm ướt được những nung nấu trong lòng cô hay không?

 

Giờ giải lao.

Không biết làm cách nào cô gái lọt được vào hậu trường. Trong ấy quanh co, chằng chịt như mê cung. Lượt lượt người đi qua đi lại trên các hành lang. Có người đeo máy ảnh, người đeo máy quay phim. Trước ngực người nào cũng có bảng tên ghi rõ phận sự. Trong các phòng hoá trang, đèn sáng rực. Một cô ca sĩ xiêm y rực rỡ đứng xoay qua xoay lại, sửa sửa cái micro cài trên cổ áo. Mấy người khác dặm dặm phấn. Một anh ở trần trùng trục, đầu chải cao như bờm ngựa, thụt ra thụt vô la bài hãi: “Mấy bà có thấy sợi dây chuyền của tui đâu không?” Một bà to béo xỉ mặt hắn: “Đồ đĩ ngựa.” Cô gái định hỏi một ông đứng tuổi ngồi rung đùi ngoáy ngoáy mấy sợi ria mép rằng có thấy người diễn viên chính ở đâu không thì một nhân viên có đeo bảng tên sà tới nhìn xói vào mặt cô, hỏi giật giọng:

“Chị này vô đây làm gì? Chỗ này là khu vực riêng của đoàn. Chị là khán giả thì ra ngoài kia.”

“Tôi...” cô gái ấp úng. “Tôi tìm anh Thụy. Anh ấy hứa...”

“Chị đợi vãn hát rồi tới gặp người ta. Bây giờ lộn xộn lắm. Chị không có nhiệm vụ, mời chị ra ngoài giùm.”

Gã vừa nói vừa đẩy. Hai cùi chỏ của gã khuỳnh lên một cách thô bạo. Vừa lúc ấy một người đàn ông bước ngang, người tầm thước, dáng dấp quen thuộc. Anh vận một cái áo chẽn bó sát, mang hia, đeo bộ râu giả rậm đen, mắt vẽ to và xếch ngược theo kiểu võ quan đời cổ. Cô gái mừng rỡ buột miệng kêu lớn: “Anh Thụy. Anh Thụy.” Người diễn viên quay lại nhìn cô, bỡ ngỡ, cười cười, chẳng biết có nhận ra người gọi mình là ai không thì bị một người khác từ đâu lao tới. “Xin lỗi anh. Xin lỗi anh. Tôi là người của báo Sân Khấu. Nhất định tôi phải có bài viết về anh. Tôi rất hiểu anh. Nhân vật của anh là chân dung của đời sống, là tình cảm của cộng đồng...” Anh diễn viên khoát tay: “Cám ơn. Cám ơn. Xin vui lòng chờ tôi hút điếu thuốc. Từ nãy giờ tôi thèm thuốc quá mà chưa hút được.” Ông đó lập tức chìa ra gói thuốc và sẵn sàng bật diêm châm lửa: “Đây. Đây. Có thuốc đây. Lại đầu đằng kia với tôi nhé. Chỗ này ồn ào quá. Đi, đi với tôi.” Cô gái đứng lặng nhìn ông nhà báo vồ chụp lấy người diễn viên và lôi tuột đi cái rụp như xem một đoạn phim. Cô nhớ lại ánh mắt của anh dưới đôi mày giả, mi giả và màu chì đen kịt nhìn mình trong tích tắc khi nãy. Hình như anh ta không nhận ra cô. Cũng có thể. Người ta không thể nào nhận ra người mình chỉ gặp ít phút ngắn ngủi rồi chia tay một năm trước đây, nhất là trong cái cảnh bát nháo như thế này. Người diễn viên đi rồi, gã bảo vệ khi ấy mới đến gần cô cười nhếch. “Sao? Ra ngoài được chưa?” Cô gái dấm dúi bước đi. Có tiếng chuông, tiếng nhắc nhở khán giả trở về chỗ ngồi. Đèn tắt, màn mở ra, âm nhạc chan hoà.

 

Vãn hát.

Cô gái lẻn ra ngoài trước khi hạ màn, giành một chỗ sát cánh cửa bên hông nhà hát. Anh Thụy sẽ đi ngang vị trí này và nhất định anh không thể không nhìn thấy cô được.

Thế nhưng nụ cười của anh ta cũng vẫn chỉ treo đòng đưa nửa miệng khi cô gọi tên anh. Vẫn là cái nhìn rỗng ruột, không quen. “Cám ơn. Cám ơn.” Anh ta quay lại, bắt tay cô và nói cụt ngủn như thế rồi vội vã bươn đi trong rừng rừng những cánh tay đưa ra vói vói. Đèn flash từ các máy ảnh loé lên nhấp nháy. Cô gái biết là đã hết. Cô đã mệt nhoài. Đám người ái mộ sôi động, xèo xèo những lời bình phẩm. “Con đó giựt chồng người ta bị tạt sơn lên đầu. Không biết hả.” “Vậy chớ cái thằng đóng vai anh võ tướng đẹp trai đó. Nửa đêm vợ ghen đánh cho một trận bầm mặt phải ôm đầu ra bót cảnh sát thì sao. Nhà nó sát vách nhà tui. Tui biết rõ mà.”

Nửa giờ sau thì cánh cửa bên hông nhà hát được đóng sập lại và gài ngang bằng một ổ khoá kềnh càng.

 

Hai ngày sau.

Cô gái trở lại nhà hát vào buổi trưa. Vẫn cái không khí lạnh tanh khi rạp vắng người. Vẫn cái gã thấp, tròn như đòn chả lụa hôm trước ngồi vắt vẻo ở bậc thang. Gã tằn mằn những lá bài, cầm lên búng búng.

“Đoàn đi rồi. Cô về đi. Tám tháng sau trở lại.” Giọng gã rè rè.

“Đi hồi nào?” Cô gái có vẻ hốt hoảng.

“Hồi nãy.”

“Lâu chưa? Chắc họ còn ngoài phi trường hả. Anh... anh biết họ đi phi trường nào không? Có thể tôi chạy tới đó may ra còn gặp.”

“Tôi không biết phi trường nào hết. Cô nghe rõ chưa?”

“Anh... anh có số phone của đoàn không? Anh cho tôi xin đi. Tôi muốn nói chuyện với anh Thụy một chút.”

“Tôi-không-có-số-phone-nào-cả.”

“Hay... nếu anh sợ phạm nguyên tắc thì anh gọi giùm tôi đi. Nói với anh Thụy tôi tên là Hương. Tôi muốn nói chuyện với anh ấy. Ba phút thôi mà. Được không?”

“Xin lỗi cô. Tốt nhất là cô về đi. Ông ta đã quên. Hoặc cố tình quên hay giả vờ quên. Chẳng lẽ cô không nhận ra?”

“Nhưng rõ ràng anh ấy có viết thư cho tôi, hứa sẽ gặp lại tôi và hứa tặng vé hát cho tôi nữa. Chắc tại vì anh ấy lăng xăng và đông người quá nên không nhận ra tôi.”

“Có thể anh ta không nhận ra cô. Hoặc giả vờ không nhận ra. Kiểu nào cũng được.”

“Nhưng...”

“Cô à. Xin phép cho tôi hỏi cô câu này. Cô là cái gì của ông ấy?”

“Tôi... tôi không là cái gì của anh ấy cả. Năm ngoái... tôi mua của anh ấy một đĩa nhạc trong buổi biểu diễn, anh ấy ký tên vào đĩa cho tôi và hứa sẽ gặp lại tôi. Thế thôi.”

“Vậy thì quá rõ rồi. Cô có biết là mỗi ngày ông ấy tiếp xúc với bao nhiêu người, làm việc với bao nhiêu người, hứa hẹn với bao nhiêu ngưòi? Cô chẳng phải bạn thân, cũng chẳng phải bà con của ông ấy. Thậm chí số phone của ông ấy cô cũng không biết. Vậy thì cô khư khư rịt vào người cái lời hứa không kèo không cột ấy làm gì.”

“Nhưng...”

“Xin lỗi cô. Tôi xin lập lại với cô là tôi không có số phone nào của ông ta hết. Tôi không thể giúp gì cho cô trong trường hợp này.”

“Anh à... Tôi...”

“Thôi được. Tôi có cách này hay lắm đây. Tôi nghe nói là đoàn đang tuyển diễn viên. Cô muốn gặp anh kép của cô thì ghi tên đi thế nào cũng được nhận.”

“Tôi không biết đờn cũng không biết hát làm sao theo đoàn.”

“Cô không cần đờn, không cần hát. Tôi nghĩ... cô có thể thủ một vai trên sân khấu.”

“Vai gì?”

“Vai điên chớ vai gì. Nếu tôi là trưởng đoàn thì tôi giao cho cô cái vai đó. Trên đời tôi chưa thấy ai điên như cô.”

Cô gái còn ngơ ngác thì gã đã đưa bàn tay u nần, nhơm nhớp của gã vỗ lên trán cô:

“Thôi về đi. Điên vừa vừa thôi bà nội.”

 

*

 

Màn vừa khép lại, đạo diễn đã chạy ù vào hậu trường để gặp nữ diễn viên phụ thủ vai cô gái. Anh ôm chặt người đồng sự của mình một cách nồng nhiệt thiếu điều muốn bóp nát lấy cô.

“Giỏi lắm. Em vào vai con nhỏ khùng khùng điên điên ấy rất ngọt. Hồi tập tuồng anh đã luôn luôn nhắc em: CÔ ĐƠN-CHÂN THÀNH-NHIỀU HOANG TƯỞNG là 3 yếu tố cốt lõi để xây dựng nhân vật người điên. Trưởng đoàn hứa khao tụi mình một chầu. Em đi được chứ?”

Người diễn viên gỡ vòng ôm siết chặt của đạo diễn:

“Được rồi. Cho em thở chút đi. Anh cứ ra ngoài đó trước. Em ra sau. Quán Chiều Thứ Bảy chớ gì.”

Đạo diễn đưa hai tay lên trời tươi cười rạng rỡ:

“Em đã vắt sức rất nhiều cho vai diễn. Anh sẽ có một chầu riêng cho em.”

Đạo diễn phóng lên thang lầu rầm rập, hai tay vỗ vào đùi bốp bốp. Ngồi một mình trong phòng hoá trang dưới tầng hầm của nhà hát, người diễn viên vẫn còn nghe được tiếng khuân vác đồ đạc của các nhân viên hậu trường, tiếng những thùng gỗ nặng trịch kéo lê trên đất, tiếng xếp ghế ầm ầm, tiếng anh nhạc công nào hứng chí rúc lên một hồi kèn lanh lảnh theo sau là chuỗi cười giòn tan, khoái trá. Nàng gỡ món tóc giả, đôi hoa tai giả, lông mi giả, các dây buộc tóc, cất vào hộp. Lớp phấn sáp chảy nhão, lỏng ra, tuột xuống để lộ một dung nhan có tuổi đời gấp hai, gấp ba lần nhân vật trên sân khấu. Tiếng những lời thoại trong vở hát ban nãy lổn rổn bên tai như cái băng cassette quay đi quay lại nhiều lần: “Cô muốn gặp anh kép của cô hả. Thì xin vô đoàn đi. Cô đóng tuồng được mà. Đóng vai điên đó.” Người diễn viên bật cười cái rột. Nàng đã đóng cái vai điên đó quá thuần thục suốt cuộc đời của nàng rồi. Những cử động, nhịp điệu, phối hợp, diễn xuất trên sân khấu chỉ cần nhấn nút là bật ra như quán tính. Nàng mở túi lấy xấp kịch bản còn mới như chẳng hề giở ra bao nhiêu, lật lật vài trang xong quẳng vào một góc bừa bãi những tờ quảng cáo chương trình, giấy vụn, bằng khen, những miếng gỗ viền vàng có khắc tên của đoàn hát. “Anh ạ,” nàng lẩm bẩm như thì thầm với đạo diễn “em có tập tành gì đâu. CÔ ĐƠN-CHÂN THÀNH-NHIỀU HOANG TƯỞNG. Vai người điên rốt lại chỉ có bấy nhiêu thôi sao. Có gì khó đâu. Không diễn cũng là diễn.” [*]

Như những diễn viên phụ khác, nàng bước ra khỏi nhà hát, băng ngang đám đông mà không ai nhìn thấy, lẩn rất nhanh vào bóng tối như con ốc ma rút vào vỏ, thoắt cái đã biến mất trong bụi lùm nào. Đêm tối mênh mông. Những cái vỏ ốc xù xì, lấm lem bùn đất, tròn tròn, lăn lăn, lẫn lộn với hằng hà sa số những hòn sỏi hòn đá vô danh rải rác khắp nơi trên mặt đất khôn cùng.

 

 

_________________________

[*]“Không diễn cũng là diễn”. Thơ Cao Nghi Bình.

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021