thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lập xuân còn lạnh

 

1.

 

Một con chim sẻ vấp chân trên một sợi dây điện, lộn nhào xuống đất. Nhưng nó chẳng rớt, nó quạt cánh vài cái rồi lại bay lên đậu trên sợi dây điện, mắt ngó nghiêng ngửa, lung tung. Tôi theo dõi nó trong cửa sổ khép, tấm màn cửa vừa đủ kẽ hở để nhìn. Tôi không có thì giờ nhìn nó nhiều, vì còn việc phải làm. Dầu vậy, ngó nó một chút, tôi thấy lòng thoải mái và trở lại công việc nhẹ nhàng hơn.

Bà cụ nhà tôi lụm cụm đi ra, như thường lệ lại hỏi hôm nay thứ mấy ngày mấy để bà xé lịch. Bà chăm chỉ làm việc này như một con ong, hãnh diện vì mình còn có việc để làm, và cho rằng điều đó có thể giúp tôi biết ngày giờ mà làm việc, vì tôi làm việc không nhớ ngày giờ. Khi trả lời cho bà thì tôi biết rằng mùa thu đã bỏ nhà ra đi từ mấy hôm rồi, và đông đang trở lại.

Có một cú điện thoại gọi đến. Nhìn con số trên mặt cell phone tôi biết cú gọi từ nước ngoài, một nước nào đó chưa rõ.

Tôi bấm cái nút bên trái và chúng tôi nói chuyện với nhau.

Bên đó mấy giờ rồi mày?

7 giờ tối, hơn bên đó 11 giờ.

Bên đó mùa gì rồi mày?

Mới qua mùa thu, mà thật ra bên này làm gì có mùa thu, mùa thu đã chết đã chết rồi em nhớ cho em nhớ cho.

Stop, ngớ ngẩn. Có đâu mà chết.

Ừ nhỉ, ngớ ngẩn thật. Bên đó lạnh chưa mày?

Lạnh rồi, nhưng chưa lạnh lắm, vừa đủ xài thôi. Có mỗi một cái áo jacket mặc từ năm ngoái đến năm nay mà vẫn chưa đi dry clean.

Chắc là đã hôi lắm rồi.

Người phụ nữ bên cạnh chưa lưu ý điều đó. Hay là vì bà đã quen nghe mùi hôi của mình.

Tiếng cười khúc khích gẫy từng đoạn trong cell phone. Lâu lắm chưa nghe hắn cười giọng thoải mái như vậy. Mắt tôi chợt nhìn qua cửa sổ và thấy con chim trượt chân lần nữa trên sợi dây điện. Tôi kêu ồ.

Gì đó mày?

Một con chim bị trượt chân, té trong mùa đông.

Thôi cha nội, mơ mộng vừa phải để người ta còn chỗ mà sống với.

Ừ nhỉ, thôi có gì nói đi, điện thoại qua đây sáng sớm như vầy có phải chỉ để hỏi ngày giờ thời tiết.

Báo cho mày một tin vui. Bác sĩ chẩn đoán tao bị ung thư.

Tin vui? Tôi hỏi.

Phải nói vậy để đỡ buồn.

Tao buồn quá. Tôi lơ mơ nói, không biết mình nói gì.

Thôi đừng buồn nữa. Chuẩn bị tiền về đây tiễn tao sang sông lần hai. Con vi trùng ung thư đang đứng bên cạnh tao đây nè. Nó hỏi thăm mày đó.

Bỗng dưng tôi cảm thấy ghét con vi trùng ung thư đó mặc dù nó chẳng có gì đáng ghét, đáng yêu là khác. Tôi cảm thấy buồn thật, vì chắc là sẽ ít có dịp nghe điện thoại vào lúc sáng sớm, từ nửa địa cầu bên kia, nghe một tiếng cười, và hình dung ra người đang cười với đầy đủ mặt mũi chân tay, thậm chí còn có thể giơ tay ra, chạm vào người nó.

Khi tắt điện thoại, tôi lại nhìn ra cửa, con chim đã bay mất, sợi dây điện chẳng còn con chim nào.

Tôi chậm chạp, khòm lưng trở lại bàn viết.

 

2.

 

Tôi ngồi trong quán cà phê Starbucks từ thành phố Hurst ngó ra. Những người Mỹ sạch trơn và tự tin đi qua lại giữa mầu nắng vàng đang úa vì thu đã gần qua. Tôi cảm thấy sảng khoái khi ở đây. Tôi cũng cảm thấy ân hận vì mình đã quên rất vội quê hương mà mình vừa từ đó trở về.

Trung viết:

Thưa anh,

Hãy gởi cho em tất cả những gì anh đã viết ra, ngay cả những bản nháp, ngay cả những bản không là bản nháp...

Bức thư hơi lạ, không hiểu muốn nói gì. Tôi không có thói quen viết nháp. Tôi viết ra tất cả những gì tôi nghĩ trong đầu, rồi đọc lại, có khi hàng mấy chục lần, khi ngồi không, nhiều khi không biết đọc để làm gì, như một người đói nhai ngấu nghiến tất cả những gì cho vào miệng, như con bò nhai lại một thứ cỏ quen thuộc mà vẫn nhai. Nhưng tôi yêu bức thư ngắn ấy, vì tôi biết có người muốn đọc những gì mình viết, tin cậy tất cả những gì mình viết, không nề hà hay hoặc dở. Dĩ nhiên có những lúc viết rất dở. Tại sao vậy?

Trung không phải chỉ là một người biết đọc. Anh ta còn là một người biết viết, thậm chí có những trang rất hay. Tôi cũng không biết vì sao anh ta xưng em với tôi, tôi thật ra chỉ hơn anh ta vài tuổi, có thể mày tao được. Nhưng tôi thích chữ em được xưng bởi một người đàn ông hơi lớn tuổi, và khi gọi anh ta bằng em, tôi có cảm giác ngứa ngáy ở miệng, một thứ khoái cảm tự nhiên.

Thư viết thêm:

... sao anh không thử viết về những dòng sông..., mà anh đã từng đi qua..

Tôi hỏi lại:

... tại sao là những dòng sông mà không phải là biển...

Tôi vốn yêu biển hơn là sông. Nhưng tôi khởi sự nhớ về những dòng sông tôi đã từng thấy và đi qua trong đời. Buổi sáng nay rất ngẫu nhiên, tôi lái xe đến quán cà phê, trong sự yên tĩnh của Hurst, dưới nắng. Tôi đã làm việc xong, công việc của một con ong cần mẫn, xây tổ, tôi yêu thích làm việc, và cũng yêu thích sự tự do sau khi làm việc. Tôi mở laptop, lại nhận được một đoạn thư ngắn không đầu đuôi, của Trung:

Thưa anh,

Hôm nay em mới vừa đi vào trong thung lũng về, trong thung lũng có một con suối đẹp, tựa như một dòng sông nhỏ...

... thế thôi, không có gì hết.

Tôi hình dung dòng suối hẹp chảy qua thung lũng. Dường như nó đang chảy qua trí óc tôi, và sáng lên, như vừa ra khỏi một tunnel ngoằn ngoèo. Tôi mở một tấm hình trong những tấm hình tôi đã chụp những nơi chốn tôi vừa đi qua, tôi thấy tôi ngồi bên cạnh và nhìn ra một dòng sông.

Có thể đây là một ước mơ lâu đời của tôi, mặc dù tôi vốn sợ nước và bóng tối. Tôi muốn ngồi bên cạnh một dòng sông, ngồi một mình, không có ai để sờ soạng ngọ nguậy hoặc thì thào nói năng. Rồi có một người nào đó bất ngờ đến, đi trên cỏ, nhẹ như thể hồn ma của Đạm Tiên, đến từ phía sau, bịt mắt, với đôi tay mềm mại, và nói: mình sẽ ở với nhau trọn đời nhé. Chỉ là những suy nghĩ của một người mắc bệnh trầm cảm. Nhưng nó luôn luôn bắt đầu bằng một dòng sông. Dòng sông luôn là một cái gì đó bắt đầu. Nó đã bắt đầu khi tôi đến quán cà phê, mở laptop, và những email của Trung nhảy múa như một gã phù thủy còn trẻ và đẹp trai, ở đâu đó. Nơi người ta nhảy nhót những điệu trẻ trung, áo quần sặc sỡ.

Tôi hỏi lại.

... có phải dòng sông đó bắt nguồn từ một nơi không hề có bóng người?

Còn phải hỏi. Nó luôn luôn bắt đầu từ một nơi không có bóng người, nơi thiên nhiên còn nguyên vẹn, chưa bị dấu chân người làm hỏng trinh tiết. Nơi nếu có người đến, thì là những người không muốn, không thích mặc quần áo, để gió thổi cho những chiếc lá mỏng bay dính vào thân thể. Hoặc nằm xuống, đè lên cỏ, cho cỏ bám vào người.

Thư cuối, Trung viết:

Bây giờ thì em xin rút lui ra khỏi cuộc đời anh, lẽ ra em phải rút lui từ lâu rồi, nhưng cảm thấy mình chưa làm xong công việc phải làm. Em biết rõ rằng em không có thật, cũng chỉ là một nhân vật trong tưởng tượng của anh mà thôi. Tội nghiệp những nhà văn, không thể sống một đời thật, đành sống cùng những con người không có thật trên đời.

 

3.

 

Chàng trai, ban đầu cảm thấy hơi mắc cỡ, nhưng khi cái áo đã cởi ra, và bị quăng đi tự do, tự nhiên rơi rớt đâu đó trên cỏ, cố ý tạo ra một sự tình cờ, chẳng còn mắc cỡ nữa. Một sự phấn khích mới mẻ đến từ dưới hai bàn chân, chạy lên hai chân, định vượt qua khoảng cách giữa đùi và bụng, nhưng không vượt qua được, nó dừng lại ở đó, khiến chàng trai phải cúi xuống nhìn, hơi ngạc nhiên vì sự lạ lùng kỳ diệu, bí ẩn phơi trần, giữa một thiên nhiên trần trụi. Không có một bóng người nào cả, chỉ có bóng mây, bóng cây và bóng nắng, cộng với bóng chàng. Dòng sông chảy len lỏi giữa hai bờ cây cối rậm rạp, tiếng róc rách luồn qua những kẽ hở của sỏi đá làm chàng nhớ đến cái cảm xúc cách đây nhiều năm, khi còn là một thiếu niên, nhìn lũ trẻ con trần truồng chạy nhảy la hét trên đồng cỏ xa nhà, xa làng, không ai biết, không ai thấy. Cái cảm xúc chàng nhận được lúc ấy là sự tự do hoàn toàn, cái tự do buông thả phóng túng và mê đắm, tự do của thân thể, của suy nghĩ, tự do của không gian và thời gian. Chàng muốn thử. Có thể sẽ không còn giống hệt như cảm xúc ngày cũ, nhưng cũng có thể sẽ thú vị hơn. Nếu chỉ có một người nào đó lân la đâu đó, ghé mắt nhìn, cảm xúc phấn khích của tự do sẽ không còn nữa, sẽ mất ý nghĩa. Tự do. Chàng chợt muốn la lớn lên, như một chiến sĩ chiến thắng, đem tự do thật trở lại. Chàng muốn la lớn hơn nữa, cho sự phấn khích tăng lên cường độ, tăng lên nhiệt độ, tốc độ và độ cứng của tuổi thanh xuân.

Chợt chàng trai nghe một tiếng hú làm chàng giật mình, định khép hai chân lại, tự vệ. Tiếng hú tưởng xa mà rất gần. Định thần một lúc chàng nhận ra, tiếng hú của lũ trẻ chăn dê xa nhà.

Nghi ơi, tới đây, tới đây mau.

Nghi nhảy xuống khỏi tàng cây đang ngồi. Mới đây thôi chứ xa xôi gì đâu.

Thấy gì không, lũ trẻ nói, có những bàn chân lớn in trên cát ướt của ven bờ suối, lớn hơn dấu chân của tụi mình. Chắc có một, hai ba người nào đó, chắc chắn là người lạ, không phải trong bọn mình, chắc không phải trong làng mình.

Tự do với bọn trẻ lúc ấy chỉ là tự do chơi đùa, chạy nhảy trong khoảng không bao la ngút ngàn, cỏ hoang và hoa dại, nắng quái cháy khét trên tóc, đêm về để nguyên thân thể và mùi vị hoang dại mà ngủ, chẳng cần tắm, không ai quan tâm, chúng đơn sơ như những con dê ngơ ngác đây đó.

Nghi lúc nào cũng là một đứa trẻ lớn hơn, dù tuổi thì nhỏ hơn.

Tao nghi là người tiền sử. Nghi nhớ loáng thoáng trong một quyển sách coi ké đâu đó trên chợ.

Người tiền sử là người gì? Lũ trẻ quây quần lại, hỏi.

Là những người xưa rất xưa, hồi chưa có ông bà, chưa có ba má, chưa có tụi mình, chưa có gì hết.

Họ mặc đồ gì? Một thằng bé tò mò.

Chẳng có mặc đồ gì hết. Có đồ đâu mà mặc. Nghi phì cười.

Trần truồng vậy hả?

Vậy thì tụi mình cũng là những người tiền sử vậy. Lũ trẻ, lớn nhất chừng mười hai mười ba, chưa có đứa nào đang thời kỳ dậy thì, đồng loạt tuột quần áo, đúng ra là chỉ có quần, trẻ quê không có áo, tồng ngồng nhảy tưng tưng lên như những con vượn con, rồi đồng loạt lao xuống suối. Những con dê hiền lành ngơ ngác nhìn. Chỉ có Nghi đứng yên, không làm giống đám bạn. Nhưng thèm làm như vậy, mà không dám. E dè, mắc cỡ. Mắc cỡ, e dè cái gì, chỉ có thiên nhiên, lũ trẻ hồn nhiên. Có đứa nào đã biết toan tính gì đâu. Đơn giản như những cục đất.

Một vài năm sau đó làng xóm không bình an nữa vì những người tiền sử cứ rón rén, bí mật trở lại, làm con suối nhỏ cũng dậy sóng, và nhuốm máu, vài người dân làng chết úp mặt xuống nước, đồng cỏ khô hạn, đàn dê bị bán đổ bán tháo. Những đứa trẻ lớn lên một chút, không còn ngây thơ nữa, sự tự do suy tưởng và chạy nhảy trần truồng cũng bị tước đoạt. Đứa đi theo những con người tiền sử (không quần áo) vào trong rừng sâu hơn. Đứa nào không muốn theo họ thì phải rời làng quê lên tỉnh, vì làng quê đã chia đôi. Nghi trong số những đứa trẻ rời làng quê. Cha mẹ Nghi vốn là người thành phố, chán thành phố về quê, khi quê không an toàn nữa thì trở lại thành phố.

Trong những ngày những đêm học bài ôn thi dưới ánh đèn vàng thành phố, thỉnh thoảng nghe lại âm thanh của những tiếng hú trẻ thơ.

Nghi... i... i... Nghi... i... i.. ơi.

Nghi rời bàn học lại gần cửa sổ nhìn lên vầng trăng, những vết xám, đen loang lổ trong bóng trăng như những sắc màu buồn, đơn điệu của đàn dê và lũ trẻ chăn dê. Đứa trẻ mới lớn cảm thấy ngậm ngùi, nhớ những đứa trẻ bây giờ đã lớn lên không biết nơi nào. Sống hay chết. Và làng quê xưa bây giờ ra sao. Không biết. Cuộc sống đưa những dòng nước đi xa nguồn.

Đứa trẻ mới lớn tập đối thoại với mình cho nguôi ngoai niềm nhớ.

 

4.

 

Một cô gái kể cho tôi nghe chuyện này và đề nghị tôi viết lại vì cô nói rằng cô thích lối viết truyện nửa kín nửa hở, nửa thật nửa giả, nửa này nửa kia muốn hiểu sao thì hiểu của tôi. Cô muốn cho mọi người nghe câu chuyện của cô nhưng đồng thời cũng không muốn mọi người biết rõ việc đó. Nói chung cô muốn tôi viết một chuyện của cô nhưng phải làm sao cho mọi người không biết chắc đó là chuyện của cô, mà có thể là chuyện của một người nào đó, cho mọi người đoán già đoán non hụt hơi cho vui. Càng đánh lạc hướng càng nhiều càng tốt nhưng phải giữ cái hướng chính của mình, đừng đi lạc. Thật là rắc rối. Tôi chưa chắc có một bản lãnh như vậy. Tôi cũng muốn nói với cô rằng thật ra chuyện của cô chẳng có gì là quan trọng đến nỗi mọi người phải quan tâm tới, có khi chẳng có ai để ý, như mình lầm tưởng. Như hầu hết những truyện tôi viết để rất nhiều sức lực vào đó mà có ai thèm ngó tới hay nói một câu nào đâu. Nhưng tôi thấy tội nghiệp cô, có nhiều ảo tưởng hơi giống mình, nên nói là sẽ viết, khi có hứng.

Tôi nói rằng tôi sẽ hoá thân làm nhân vật chính, như vậy sẽ hấp dẫn hơn. Cô đồng ý.

Cô có lối kể huỵch toẹt chẳng văn chương cầu kỳ gì cả. Cô nói cái job đó là của tôi, không phải của cô (vậy mà cô thích lối viết của tôi, tôi chẳng hiểu). Lẽ ra cô phải nhờ một người có khiếu viết truyện ma thì hợp lý hơn.

Cô nói có anh chàng kia tán cô, chuyện đó bình thường. Bất hạnh cho những cô gái không có ai tán.

Nhưng cô nói thêm một chi tiết, hy vọng tôi giật mình.

Anh này thua tôi đến 15 tuổi.

Tôi nhíu mày: có nghĩa là sao, nói cụ thể cô bao nhiêu anh kia bao nhiêu, đừng nói rằng cô 25 anh kia 10 tuổi với tôi nhé.

Cô cười khúc khích: anh nhìn tôi trẻ lắm sao mà nói tôi 25, thật ra tôi 35.

Còn anh kia 20. Tôi thêm vào.

Sao anh thông minh thế? Cô liếc.

Thấy tôi cười, cô nói thêm, giọng nhỏ hơn, xin lỗi, tôi hơi nói ăn gian, tôi sợ anh la lớn lên, tôi sẽ độn thổ mất, thật ra ảnh mới 18. Cô nói con số này nhỏ hơn nữa, và nói một cách khó khăn.

Thua cô 17. Tôi trừ nhanh.

Thật ra tôi cũng chưa đến 35, còn vài tháng. Cô nói càng lúc càng nhỏ.

Tôi nhìn cô, tự nhiên thấy không có chút cảm tình, buột miệng nói thêm, không kịp giữ sự tế nhị: người ta gọi đó là dụ dỗ con nít.

Á à, cô tằng hắng, coi vậy chứ không có con nít lắm đâu, chỉ có khuôn mặt con nít, chứ những thứ khác đều đã trưởng thành.

Sao cô biết? Tôi lại sơ ý một cách tội lỗi.

Cô đỏ mặt, sự đỏ mặt này có thể thường nhìn thấy trên mặt những cô gái khoảng 20 trở lại, ít thấy ở những cô 35.

Tôi nói xin lỗi, và nói, cô nói tiếp đi.

Thấy cô yên lặng không nói gì cả mà lại nhìn ra ngoài đồng trống, nơi có những cọng cỏ đuôi chồn phất phơ khoẻ mạnh nhưng lại cong vẹo trong gió, tôi ước ao phải chi tôi cũng khoẻ mạnh giống như vậy. Và cảm thấy hơi ngậm ngùi. Cả hai chúng tôi đều mang vẻ ngậm ngùi, nhìn ra đổng trống, nơi có những cọng cỏ đuôi chồn có hình dáng vui mắt lắc lư qua lại.

Cô thấy những cọng cỏ kia có hình dáng giống cái gì? Tôi hỏi cho vui.

Một cái gì đó trông xuội lơ, rất đáng thương.

Cô nghĩ vậy sao? Tôi hơi giật mình.

Tôi trả thù việc anh nói tôi dụ dỗ con nít. Cô có vẻ hăng hái trở lại, nhờ cách chuyển đề tài rất khéo léo của tôi.

Trả thù là sao? Tôi hơi chột dạ.

Anh thông minh lắm mà, anh tự biết khỏi cần tôi giải thích. Cô ta có vẻ thông minh hơn tôi tưởng.

Tôi làm bộ đánh trống lảng một cách hợp pháp: thôi trở lại đề tài chính đi. Anh chàng kia thua cô 17 tuổi, một trẻ vị thành niên, thế mà đã biết tán gái, già trước tuổi. Nhưng tán như thế nào?

Anh ta nắm tay, nhìn vào mắt tôi, nói: tôi yêu em.

Cô có nằm mơ không? Nói xong tôi tự vả vào miệng mình một cái. Nãy giờ tôi ăn nói bừa bãi không ý tứ gì cả, giống như người bị ai hớp hồn. Thật ra tôi hơi thấy tiếc cho chàng trai quá trẻ mới 18 tuổi, đi tán một cô gái hơn mình 17 tuổi. Tôi làm bài toán nhẩm trong đầu. Mười năm sau cô ta đã 45 còn mày mới vừa 28. Nhóc ơi, 28 tuổi của một chàng trai, như một khu rừng hoang dại vừa mở cửa. Phí phạm thế.

Cô ta không hề nghe câu nói bộp chộp của tôi, cô mơ màng.

Nhìn khuôn mặt trẻ con của anh ta tôi muốn cười, nhưng tôi biết nếu tôi nói không thì tôi sẽ khóc, khóc suốt đời, không làm sao nín được.

Tôi ước ao cô ta sẽ nói không, để cô ta khóc suốt đời. Tội nghiệp thằng nhỏ còn quá nhỏ.

Tôi tuy còn nhỏ tuổi, nhưng tôi đã trưởng thành. Nếu không tin em có thể thử. Anh ta nói vậy.

Tôi muốn nhảy nhổm lên: Anh ta nói vậy sao?

Tôi bịa anh làm cái quái gì. Cô ta nói giọng cáu kỉnh, nghiến răng như muốn nhai nát tôi.

Tôi muốn nói: để an ủi ảo tưởng. Nhưng lần này tôi ngậm miệng kịp. Tại sao tôi có vẻ tàn ác với một cô gái. Cô ta có vẻ đáng thương. Cô ta chỉ có tội là yêu một đứa con trai trẻ tuổi hơn mình. Nhưng đó là tội sao? Thiếu gì những người còn làm nhiều điều tội lỗi hơn. Tôi cố gắng biện hộ một cách hùng hồn.

Tất cả những đứa trẻ đều nói như vậy, không có gì lạ. Nhưng cô trả lời sao? Tôi lấy lại bình tĩnh, vái trời cô ta đừng thử.

Tôi không có thử đâu, tôi chưa đến nỗi khùng điên quá mức như vậy. Nhưng anh nghĩ sao? Tôi thấy yêu anh ta. Bây giờ thì tôi muốn thử

Tôi nhìn ra đồng trống để thư giãn cái đầu phải suy nghĩ nhiều trong một thời gian quá ngắn. Chi tiết này làm tôi căng thẳng. Cô ta đong đưa chân dưới ghế, tỏ vẻ bồn chồn.

Ủa mà, cô kể cho tôi nghe chuyện cô để tôi viết truyện, chứ đâu phải để làm cố vấn tình cảm cho cô. Việc cô cô phải tự giải quyết lấy chứ hỏi tôi làm gì. Tôi nói giọng khô như nắng.

Thôi anh không cần viết truyện nữa, tôi xin anh trả lời câu hỏi của tôi.

Cô hãy hỏi cô, hỏi rằng cô làm điều đó đúng hay sai, nên hay không. Cô tự biết câu trả lời. Tôi cáu kỉnh đáp.

Một người đàn ông yêu một người đàn bà, là sai hay sao?

Một người đàn bà yêu một đứa con nít. Tôi sửa lại, giọng cao lên.

Một đứa con nít yêu một người đàn bà là sai hay sao? Cô ta nhất định sửa lại.

Không phải một đứa con nít yêu một người đàn bà, mà là một người đàn bà yêu một đứa con nít. Tôi nhào tới tấn công cô ta, nhưng cảm thấy mình đang đứng trên một lớp bùn mềm nhũn, sau mỗi cú đánh tôi lún xuống một chút.

Không phải tôi. Tôi gào lên.

 

5.

 

Phần một, phần hai, phần ba phần bốn, nhiều phần đã đi qua, như dòng sông trôi qua nhiều quốc gia, nhiều giai đoạn cuộc đời. Bấy giờ là buổi chiều. Mùa đông sớm, chiều thường mang dáng vẻ của một người nặng nhọc vì sinh kế, lê từng bước trở về nhà.

Tôi trở về nhà, cũng mang dáng vẻ mệt nhọc.

Tôi ngồi trước mặt, sau lưng là những ảo ảnh đã nhạt nhoà gần hết, chỉ còn những vết bẩn, cố gắng tẩy xoá nhiều lần bằng những hoá chất mạnh, mà không phai. Nhìn những vết bẩn đó thật bực mình, bứt rứt, như ai đó lỡ tay đổ cà phê lên mặt vải trắng. Sáng nay tôi không nhìn những con chim nữa, mà nhìn những đám mây đang bay, một việc ít khi làm. Ít thì giờ để ngó lên trời ngắm những thứ chỉ là phù vân, đến rồi đi.

Nghi, có tiếng gọi. Tôi sẵn sàng đối thoại và quay lại. Có ánh sáng như là một cái đèn pha từ cao dọi xuống, nhưng không làm chói mắt. Tôi ngồi trong vùng đèn pha đó. Toàn thân chìm trong bóng tối, nhưng khuôn mặt thì sáng lên.

Anh là Nghi, chàng trai đã từng ôm ấp một ước vọng không thể thực hiện được? Hay là Trung, giấc mơ chưa bao giờ thấy? Quan toà hỏi.

Nghi, và cả Trung nữa. Tôi đáp nhỏ.

Rồi anh đã mang cho nó đôi cánh, chính anh đã mang đôi cánh ấy, bay lên, nhưng cánh rách, gẫy, rơi.

Đúng. Tôi đáp.

Anh đã bị thương, rồi đứng dậy chạy đi, rồi lại bị thương, nhiều lần trong đời, đến nỗi không thể nào đếm được nữa.

Phải. Cộc lốc như sỏi ném vào vách gỗ.

Cô gái mà anh thù ghét đâu rồi?

Đã chết trong một giấc ngủ muộn.

Bây giờ anh muốn gì nữa mà đến đây? Anh muốn nói gì?

Tôi không muốn đến đây. Chính ước vọng tôi mang tôi đến đây. Tôi chẳng muốn nói gì cả. Tôi thấy nơi này là nơi tôi đã đến nhiều chục năm trước, rất quen thuộc, có chút gì thân ái. Xem kìa, những bông hoa khô rơi bên chiếc ghế trống. Tôi muốn ngủ một giấc. Ngủ thôi, và thức dậy, không muốn chết.

Thôi ngủ đi, đứa bé tội nghiệp. Ngươi đã mòn mỏi, rách rưới quá, trông tàn tạ như một căn nhà bỏ hoang không có cửa, tất cả rỗng toác và toang hoác. Những sự đoạ đầy của ngươi đã hầu như qua hết rồi, chỉ còn lại vài giọt cà phê đã khô dưới đáy ly. Tội nghiệp ngươi cứ loay hoay mãi. Nằm xuống đây và ngủ đi.

Ngày mai trời sẽ nắng đấy. Lập Xuân đã đến rồi, dù vẫn còn hơi lạnh.

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021