thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trò chuyện với ẩn sĩ

 

Ẩn sĩ là gì?

 

— Ẩn sĩ là gì?

— Như Lão Tử, đi vào rừng và không bao giờ quay trở lại cuộc đời nữa. Đến bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ Lão Tử, Trang Tử còn sống. Chính sự bí ẩn khiến cho người ta tin tưởng và hi vọng vào họ.

— Ẩn sĩ có nên viết sách?

— Những gì hay nhất, tốt nhất, đã được viết ra bởi các vĩ nhân, sách vở không cần thêm điều gì. Cuốn sách hay nhất của thời đại nào, là do thời đại đó viết ra.

 

— Vậy có gì là sai lầm không?

— Có chứ. Những ai còn nghĩ đến sai lầm là đang sai lầm. Không có cái đúng, không có cái sai. Mọi thứ đều có gốc rễ của nó. Đừng vì cây xanh mà ăn quả thối, đừng vì quả thối mà đốn cây xanh.

 

— Cái đúng thì sao?

— Nếu mùa xuân hoa nở, điều đó không có gì là đúng. Khi nào không phải mùa xuân mà hoa lá đều bừng nở, hãy nghĩ đến cái đúng.

 

— Ẩn sĩ là người tốt hay xấu?

— Chỉ là ẩn sĩ.

 

— Cái ác thì sao?

— Không có cái ác, chỉ có quả thối.

 

— Vậy tìm Lão Tử nơi đâu?

— Nơi của ông ấy.

 

— Xin làm một bài thơ

— Ẩn sĩ không làm thơ.

 

— Ông ấy làm gì?

— Ông ấy làm nên sự quên lãng.

 

— Có cần thiết không?

— Không.

 

— Hãy quay lại đi, phía trước là rừng rậm

— Không

 

Bí kíp của ẩn sĩ

 

— Ẩn sĩ có bí kíp chăng?

— Ẩn sĩ khác người đi rừng ở chỗ anh là kẻ giác ngộ. Bản thân người ấy cũng không biết lúc nào giác ngộ, lúc nào chỉ là người thường. Anh không có kiến thức. Kiến thức chính là cái túi rỗng, trong đó đựng tình yêu.

 

— Tác phẩm dễ đọc nhất?

— Sách của Lão Tử. Ông ấy chỉ nói về đạo Trời. Đạo ấy vô tình, không ai sai khiến được. Vô vi không phải không làm gì, mà là làm theo đạo Trời. Ai nghĩ mình lớn hơn Trời Đất, là kẻ chưa trưởng thành.

— Người trần sao biết được ý ông Trời mà làm theo?

— Ý muôn người, ý muôn loài là ý Trời. Khổng Tử nói ông ấy “thuật nhi bất tác”, ấy là làm theo đạo Trời. San định những cái hay trong nghi lễ, chọn lọc những bài thơ của muôn người, dạy môn sinh sống theo nhân nghĩa, ấy là theo đạo Trời, chứ không phải theo ý riêng của con người ông ấy. Đạo Trời có ở khắp nơi là thế. Nguyễn Trãi nói khi nào thiên hạ không còn tiếng khóc oán sầu, vang tiếng đàn ca, ấy là gốc rễ của nhạc thành ra nghệ thuật của chốn cung đình. Ấy là soạn nhạc theo ý Trời. Đạo Trời sẽ vận hành đến đó.

 

— Vậy sách nào khó hiểu nhất?

— Sách của Trang Tử. Ông nói có con cá khổng lồ, lại bảo có giống chim vô cùng lớn. Người ta cả ngàn năm không biết ông nói đến điều gì: Con cá ấy có thực không? Nó có thực thì để làm gì? Ta chỉ biết đến cây Xư, là giống cây vô dụng, nên trường cửu. Thế gian phải như cây Xư, không mưu cầu những điều lợi lộc, sống an nhiên, ắt sẽ trường tồn. Như con cá lớn, con chim dữ, muôn loài không thể sống sót được. Muôn loài bị hại, đạo Trời quyết không dung tha.

 

— Những hình vẽ trong hang động có phải là đạo?

— Vẽ gì?

— Vẽ người, với muôn loài.

— Đúng.

 

— Lão Tử và Khổng Tử khác nhau điểm gì?

— Ta gặp được Khổng Tử, còn Lão Tử thì không.

— Khổng Tử nói gì?

— Khổng Tử nói ông là người Bách Việt. Việt Nam xanh, Bách Việt trường tồn.

— Ẩn sĩ nói sao?

— Ta không nói gì. Nơi nào có trống đồng, nơi ấy là con dân Bách Việt. Biết bao nhiêu loài trống khác, có khắp mọi nơi thì sao. Nhân gian đều chung nguồn cội. Chỉ có một chữ Nhân dùng cho mọi người.

— Trống dùng làm gì vậy?

— Hãy nhớ đến những câu chuyện cổ. Trống là nhạc cụ để gọi ông Trời, âm thanh thức tỉnh con người và vạn vật tìm đến đạo Trời.

— Khi nào dùng tới trống?

— Khi con người tìm về nguồn cội của mình và của muôn loài.

 

— Khổng Tử nói chưa thấy ai hiếu đạo như hiếu sắc, nghĩa là sao? Ông ấy gặp gỡ người đẹp để học hỏi điều gì?

— Câu nói của Khổng Tử cũng như khi ta nói: Những gì gần gũi với con người đều không xa lạ đối với ta. Thánh nhân đều như con người và con người đều như thánh nhân. Nếu thánh nhân không phải con người sao hiểu được con người? Người ta, bẩm sinh ai cũng là thánh nhân, bởi vậy mới hiểu được thần thánh và mới đại diện cho đạo Trời.

 

— Vì sao con người có nhiều màu da đen, trắng, vàng, nâu…

— Đấy là ngụy trang.

— Các tôn giáo cũng thế sao?

— Tôn giáo không phải da con tắc kè mà là con tắc kè.

— Nho vì sao không thành tôn giáo?

— Nho có dạy người ta làm quan. Quan nhất thời.

— Khổng Tử quá giản dị và nhu nhược chăng?

— Có thể nói như vậy. Hình pháp khó giúp người ta giác ngộ. Cái cần được hình pháp bảo vệ chính là mạng sống của con người. Hình pháp không nên là cái cớ để dễ bề hại người hay trừng phạt một cách bất lực.

 

— Trong rừng có xã hội không?

— Xã hội ký ức.

— Có xã hội tốt, xã hội xấu chăng?

— Sai, chỉ có xã hội phù hợp hay không phù hợp.

 

— Có người xấu, người tốt chăng?

— Chỉ có con người.

 

— Nguyên nhân của chiến tranh là lợi ích?

— Không phải. Chiến tranh là thua lỗ. Hãy hỏi xem ai là kẻ gây ra chiến tranh. Hitler đã gây chiến để củng cố và tạo dựng địa vị của ông ta ở đất nước, ở châu lục, thậm chí là cả thế giới. Nhưng ông ta không thể thắng được đạo Trời. Đạo Trời không dùng cho một cá nhân. Ngọc ấn trao lại cho nhân dân, bảo kiếm trả thần Kim Quy.

 

— Thế nào là thảm họa thiên nhiên?

— Thiên nhiên không gây thảm họa, tự con người mà thôi. Thiên nhiên tự xưa nay vẫn thế, có thay đổi gì không?

 

Vì sao ra đi

 

— Ẩn sĩ ra đi vì buồn giận cuộc sống chăng?

— Không buồn giận, chỉ vì không chịu đựng được

— Những kẻ khác vẫn chịu đựng được mà

— Vâng, chính vì vậy họ đã không là ẩn sĩ

 

— Cuộc sống ẩn dật thú vị hơn chăng?

— Không phải như thế. Nó chỉ là nơi nương náu cuối cùng.

 

— Ẩn sĩ và cái chết khác gì nhau?

— Như nước và mây, có quá trình ngưng tụ nằm xen kẽ.

 

— Xin hỏi một câu quan trọng: Ẩn sĩ không tiếc cuộc sống, không có trách nhiệm gì với cuộc đời kia ư?

— Xin hỏi lại một câu: Nếu nói như thế thì không bao giờ có ẩn sĩ ư?

 

— Trước khi đi vào rừng ta thấy ẩn sĩ còn ngửa tay xin một bát cơm, không thấy xấu hổ sao?

— Những kẻ cho mới là người phải xấu hổ. Họ đã có một cái gì đó để cho. Nếu không xấu hổ, họ đã không bao giờ chia nắm cơm của mình. Xấu hổ, đó là một đặc tính vốn có trong loài vật hoang dã và ngây thơ, nhưng chúng hiếm khi xuất hiện trong đời sống con người. Khất thực là cách để con người biết cách xấu hổ và đắng miệng khi ăn bát cơm ngon trên xác người khác.

 

— Tình yêu là gì?

— Nó là cái bẫy, để bắt những con thú lớn. Một vở kịch, để giải trí cho những kẻ không có trái tim.

 

— Có ngày tận thế không?

— Ngày tận thế của con người hay ngày tận thế của thiên nhiên? Có con người có thể không có thiên nhiên, nhưng có thiên nhiên rồi sẽ có con người.

 

— Giờ đây ta đã hiểu vì sao có các ẩn sĩ. Họ trốn tránh ngày tận thế.

— Ẩn sĩ không quan tâm đến ngày tận thế.

 

— Có nên sợ loài người không?

— Những người giỏi nhất đều sợ loài người. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm,… đều cất lên tiếng than về loài người. Lòng tham của con người là vô đáy, cũng như sự ngu dốt của con người là vô tận. Lòng tham thì đáng khinh, ngu dốt thì đáng tránh. Tiền bạc là con đỉa hàng trăm vòi, hút hết máu của lịch sử khiến nó còn lại như một cái thân tàn ma dại lết qua cái gọi là thời gian.

 

— Hiền tài là nguyên khí chăng?

— Không đúng. Hiền tài mà bị nhà giàu điều khiển, khác nào con rối bị giật dây. Nước nghèo mà lại lắm nhà giàu, chính trị sẽ hủ bại và đi đến diệt vong bởi lúc nước lâm nguy thì người ta không sức đương đầu. Nước giàu, không cần có lắm con buôn chính trị như một đàn đỉa lởn vởn, lúc đó nguyên khí quốc gia mới phát tiết được.

 

— Câu nói: giặc ngồi sau lưng nhà vua nghĩa là sao?

— Mỵ Châu vì tình nên đã đánh dấu cho giặc đuổi theo giết nhà vua. Không phải có tội với cha, mà có tội với đất nước. Đừng nên trách nhà vua đã phải thực thi pháp luật của quốc gia theo yêu cầu của các thần. Mỵ Châu chết được hóa thành thần, đó là ân sủng được hưởng về sau chứ không thể nói là tuyệt tình. Mỵ Châu thành thần, cũng sẽ thực thi pháp luật chứ không dung thứ cho kẻ tay sai. Trọng Thủy là kẻ ngoại bang, rể là khách, nên không cần thiết phải xử.

 

— Phải chăng người ta quá lụy vì tình?

— Tình không có tội, lụy vì tình không có tội, nhưng biến tình thành cái bẫy là trọng tội.

— Vậy sẽ xử ra sao?

— Những gì thuộc về tình, không thể xử bằng lý. Cái đó đèn Trời soi xét để luận định.

— Luật Trời cũng phải thiên vị chứ?

— Ta chưa nghe đến chuyện đó bao giờ.

 

— Số phận là gì?

— Số phận là giới hạn khả năng của con người. Có thể vượt qua số phận đó, nhưng không phải bằng mưu mẹo hay tiền bạc, quen biết, mà bằng cái Đức.

— Có người cúng dường nhiều tiền bạc để hòng thoát tội thì sao?

— Các thần không biết dùng tiền. Thần linh không có sở cầu.

 

— Có người tìm mộ rất giỏi, phải chăng khác thường?

— Ta không biết nên nói là không biết. Nhưng chắc hẳn làm được việc đó không hề dễ dàng.

 

— Người ta lên núi đào vàng rất nhiều, hẳn là có tội?

— Người nghèo vì miếng cơm để sống có gì đáng trách, ấy là rừng cho họ. Nhưng nhớ rằng không làm giàu như thế được bao giờ. Có nhà văn đã từng nhắc nhở: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

 

— Thế giới phẳng nghĩa là gì?

— Thế giới là thế giới, không thể ví von với cái gì.

 

— Bụt có phải là Phật?

— Bụt không phải Phật. Phật ở xứ Ấn Độ, Bụt ở Việt Nam.

 

— Nghe nói trên đảo gì đó ở Ấn Độ có những người nói tiếng Môn-Khmer, vậy họ đến từ đâu?

— Họ đến từ lịch sử.

 

Nhường ngôi

 

— Ta muốn nhường ngôi cho ẩn sĩ

— Ẩn sĩ không nắm quyền bính

— Coi thường chăng?

— Khổng Tử đi hàng chục nước để thi triển đạo của mình, mà thân danh đều thất sủng. Khi ông ấy chết, tư tưởng nho gia đã lưu truyền trên đời. Ông ấy không biết rằng, người đời chỉ có thể dùng tư tưởng của Khổng Khâu chứ không thể dùng ông ấy.

— Dùng tư tưởng như thế nào?

— Quyền biến của thiên hạ, ông ấy không can dự được.

 

— Ẩn sĩ đắc dụng thời loạn hay bình?

— Thời nào cũng như nhau, chỉ vì thành công hơn mà người đời biết tiếng. Kẻ thực sự giỏi giang người không ai biết đến.

 

— Vai trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm với phương Nam?

— Xứ Nam gặp thời nhiễu nhương luôn bị ngoại xâm, bên trong thì nội tộc hại nhau, muôn dân đau khổ, bèn dâng kế sách để các Chúa đi giúp, đem cảnh thái bình. Thời thượng cổ các xứ vốn đều một cội. Tần Thủy Hoàng hợp nhất các xứ Trung Hoa, các chúa thống nhất các xứ này. Hãy xem, văn hóa Chăm khắp nơi trên đất Bắc, nào có xa cách gì. Tự xưa người một nhà.

 

— Khổng Minh chẳng phải xuống núi cầm quân giúp Lưu Hoàng Thúc sao?

— Hãy xem ông ấy làm được những gì? Cái ông ấy để lại họa chăng những giai thoại chinh chiến lẫy lừng. Chiến thắng không thuộc ông ấy. Tào Tháo chỉ tin vào Tào Tháo, Khổng Minh tin vào Trời nhưng rút cục không hơn Tào Tháo.

 

— Với nhà thơ thì sao?

— Nhà thơ là tinh hoa của ngôn từ, ẩn sĩ là tinh hoa của im lặng.

— Nhà khoa học?

— Nhà khoa học là tinh hoa của lời giải, ẩn sĩ là tinh hoa của lời đố.

— Người lao động cực khổ?

— Họ là bậc thầy của ẩn sĩ. Mồ hôi của họ là những nốt nhạc trong bản trường ca không lời của các quê hương.

 

— Chung quy, ẩn cư là một cái nghề.

— Một nghiệp.

 

— Im lặng làm tổn hại đến ngôn ngữ không?

— Ngôn ngữ như tấm huy chương, im lặng là mặt sau.

— Có ngôn ngữ giàu và ngôn ngữ nghèo?

— Nhiều không phải giàu, ít không phải nghèo.

 

— Nguyễn Trãi nói “lòng người cực hiểm”, vậy ngôn ngữ cũng thế chăng?

— Người ta chết vì lời nói chứ không phải vì đao kiếm. Đao kiếm vô tình.

 

— Người ở mãi trong núi có phải ẩn sĩ?

— Không hẳn. Kẻ nào có lời mời gọi mà dứt khoát không ra, chính hắn là ẩn sĩ.

 

— Vào rừng mới là ẩn sĩ chăng?

— Ẩn sĩ nghĩa là dấu mình, nhưng đích thực, ấy là không can dự vào việc đời.

— Ẩn sĩ xưa nay có ít hay nhiều?

— Câu ấy tự đã là câu trả lời.

 

— Có người cứ hỏi ta về triết học, với triết học có gì khác?

— Triết học tìm hiểu xem biết bơi có trước hay con cá có trước. Biết bơi quyết định con cá, hay con cá quyết định biết bơi? Ẩn sĩ cũng vậy. Anh ta phải trả lời câu hỏi: anh ta có trước hay ẩn sĩ có trước.

 

— Ẩn sĩ có biết bơi?

— Ta chỉ bơi được một vòng quanh cái hồ bằng nửa sân bóng đá.

 

— Ta muốn làm ẩn sĩ.

— Còn sở cầu, ắt khó có thành tựu. Như người đi đêm mà muốn đi nhanh, thực khó tới nơi.

 

Nhân vật văn chương

 

— Ẩn sĩ là nhân vật có thực?

— Chỉ là một nhân vật văn học thuần túy

 

— Văn học thì có ích gì?

— Nó có ích với người yêu thích văn học

 

— Người yêu thích văn học là ai

— Ồ, những kẻ mộng mơ. Những người khốn khó mà tài sản vỏn vẹn là ước mơ.

— Ẩn sĩ có yêu văn học không?

— Tôi yêu văn học.

 

— Ẩn sĩ là một con người?

— Không, tôi chỉ là một giấc mơ nhỏ nhoi.

 

— Vì sao giấc mơ về miền núi non xa thẳm lại cuốn hút ẩn sĩ?

— Bởi tôi sinh ra ở đó. Tôi mơ về xứ ấy.

— Rừng núi đẹp chăng?

— Chỉ là rừng núi.

 

— Người yêu văn chương quý tình bạn, ẩn sĩ không nhớ bạn bè của mình sao?

— Có chứ. Nhưng tôi cũng nhớ con nai, con sóc nữa.

— Bốn mùa còn quay trở lại, chúng ta sẽ gặp nhau

— Ta không ra đi, nên không trở lại

 

— Trên rừng có sóng điện thoại không?

— Sóng ở trong tâm mình

 

— Trên rừng có hoa thơm cỏ lạ chăng

— Hoa thơm cỏ lạ trong lòng muôn loài

 

— Ngày vui có thể kết thúc chăng

— Không, ngày vui mãi mãi

 

— Vì sao vậy?

— Đừng bao giờ để niềm vui rời khỏi lòng mình.

 

Tam Lệ
(viết trên Đồi Sim của Nguyễn Đức Vân, tháng 7/2011)

 

Tam Lệ và nhà sư Nguyễn Đức Vân trên đồi sim ca dao, Lâm Đồng, 7/2011.

 

Nguyễn Đức Vân và cha là thi sĩ Nguyễn Đức Sơn trên đồi Phương Bối, 7/2011.
Ảnh: Tam Lệ

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021