thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con rùa của cu Đan

 

Cu Đan ra đời ở Mỹ, cha mẹ là người Việt, sống ở tiểu bang Washington miền Tây Bắc.

Nó là đứa bé hiền lành và mẫn cảm. Thật ra tên nó viết tắc là Dan thay cho Daniel trong tiếng Anh, Đan là tên tiếng Việt bố nó đặt cho dễ đọc trong cách phát âm của cả hai ngôn ngữ.

Năm lên 3 tuổi, Đan theo bố mẹ về Việt Nam lần đầu, lúc đó còn quá nhỏ nên không nhớ gì về chuyến đi ấy. Ở nhà bố mẹ nói tiếng Việt với nhau nên Đan cũng học được chút chút. Nghĩa là có thể nghe hiểu và nói một vài câu thông thường đơn giản. Khi đi học và ra ngoài thì hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh, về nhà xem TV cũng bằng tiếng Anh. Nói chuyện với bố mẹ, Đan nói ba rọi, nửa Anh nửa Việt.

Năm 7 tuổi, vào mùa hè, Đan theo bố mẹ về thăm Việt Nam lần thứ hai, và ở lại đây một tháng. Khi về Sài Gòn, ở nhà ngoại, Đan được các cậu, dì và những anh chị họ chăm sóc và cưng chiều rất nhiều, khác hẳn với khi ở Mỹ chỉ thui thủi một mình. Đan thấy cái gì cũng lạ, từ những con thằn lằn đuổi cắn nhau trên vách nhà, đến cái bếp với đủ thứ hầm bà lằng của bà ngoại và dì út Thành.

Hầm bà lằng, nghe thiệt là ngộ. Cu Bo, em họ lớn hơn Đan một tuổi, con dì út Thành, láu lỉnh giải thích: Hầm là nấu món gì đó thiệt chín, chín nhừ, như má hầm gà với đậu; bà là bà chằn hay la mắng thiệt là dễ ớn như... bà ngoại; còn lằng là... thằn lằn. Hầm bà lằng là hầm nhừ bà ngoại con thằn lằn!

Đan nghi ngờ, chờ tối bố đi nhậu về, hỏi bố giải thích vì sao ở đây không có bão tuyết mà vẫn bị cúp điện, vì sao không hầm ông ngoại con thằn lằn mà hầm bà ngoại của nó, vì sao lại ăn thằn lằn...? Những cái vì sao của Đan làm cả nhà cười ngất, và mẹ cũng quên la bố tội đi nhậu.

Trời Sài Gòn mùa hè thật nóng, nóng đến ngộp thở. Washington mùa này cũng nóng, nhưng cái nóng ở bên đó ẩm, dễ chịu hơn. Sài Gòn lại còn bụi và ồn. Những ngày đầu mới về Đan chỉ ở trong phòng có gắn máy lạnh, những ngày sau quen dần mới ra ngoài chơi. Vả lại ngoài sân có các anh chị đùa giỡn rần rần vui hơn. Đan cũng tập nói tiếng Việt trơn tru hơn, tuy vẫn phải chêm thêm tiếng Anh vào, hoặc bí quá thì chạy vào hỏi mẹ. Chiều chiều chú Nghĩa, chồng dì út, lấy xe Dream chở Đan đi chơi. Đan thích ngồi xe gắn máy tuy hơi khó chịu vì phải mang mặt nạ chống bụi rất ngộp thở. Thường thì hai chú cháu đi các nơi cho thuê cần câu ngồi câu cá hóng gió đồng và uống Coca (Coca ở Việt Nam ngọt mà lại ít gas, Đan nhận xét như vậy). Hay là đi các siêu thị cho Đan mua đồ chơi điện tử game boy. Đan có để dành được gần 100 đô-la, tiền công phụ bố rửa xe, để chi tiêu cho những vụ này. Nhưng nó rất tiết kiệm, đắn đo và so sánh giá cả mãi mới mua một món cho riêng mình tuy rằng những thứ này so với bên Mỹ thì rẻ hơn khá nhiều. Nhưng nó lại hào phóng mua quà tặng mọi người. Sinh nhật ông ngoại, nó mua tặng ông một hộp kẹo sô-cô-la, rồi giải thích với mọi người rằng người già luôn thích ăn ngọt. Mọi người đưa Đan đi các khu vui chơi như công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Sài Gòn Water Park... nhưng Đan không thích, cậu chỉ muốn ở nhà chơi đùa với Bo và các anh chị khác. Về đây có dì út và bà ngoại nấu thức ăn Việt ngon, nó tạm quên các món ăn Mỹ.

Một hôm, khi bố chở Đan đi lòng vòng ngang đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngang hông dinh Thống Nhất, thì thấy người ta bày bán các con khỉ nhỏ, chó, sóc, chim... nhốt trong những cái lồng trên vỉa hè. Hai bố con ghé xe lại xem. Đan thấy các con rùa nhỏ kích thước bằng nửa bao thuốc lá thiệt ngộ. Thấy Đan thích, bố bảo Đan chọn mua một con. Đan chọn được một con có mai màu xanh lá cây rất tươi, đầu cổ cũng màu xanh. Mang về, Đan mê con rùa quá, bỏ quên những trò chơi điện tử khác.

Đây là lần đầu tiên trong đời Đan cảm thấy mình có trách nhiệm với một sinh vật bé xíu yếu ớt, mỏng manh như thế. Chú Nghĩa làm nhà cho rùa bằng một cái thau nhựa đổ lưng cát, có máng đựng nước uống, có đĩa đựng rau cải. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên Đan làm là kéo cái thau đặt dưới gầm giường ra để thăm rùa. Nó canh đồng hồ cứ mỗi giờ là chạy vào xem rùa có khoẻ không, có nhu cầu gì không. Chiều lại mang rùa ra thả vào chậu nước cho rùa... tắm. Đan đặt tên cho nó là Xanh, và băn khoăn không biết nó là he (cậu) hay là she (cô).

Rồi cũng đến ngày phải trở về Mỹ, chuyến bay sẽ cất cánh vào lúc nửa đêm. Bố mẹ đã sắp đặt hành lý vào va-li và cân đủ mỗi cái 30 ký theo đúng quy định. Đồ đạc của bố mẹ và Đan không nhiều, nhưng bà con và bạn bè gởi nhờ thì hết 2/3 tổng số hành lý. Phần Đan, nó phải mang một ba-lô nhỏ đựng vật dụng cá nhân cho riêng mình.

Còn Xanh thì sao đây? Quả là nan giải. Theo luật pháp nước Mỹ thì người ta không được mang theo các loại động vật vào nước. Và luật của Mỹ thì không thể giỡn mặt được. Bố mẹ và mọi người khuyên giải, an ủi Đan. Bo hứa là sẽ chăm sóc cho Xanh thật chu đáo cho tới khi Đan lại về. Đan buồn thiu, không rời được rùa.

Tối đó cả nhà đi ăn tối để chia tay, Đan cũng mang Xanh theo. Về đến nhà mọi người lại bận rộn dặn dò, lăng xăng gọi xe taxi để ra phi trường. Đan lẳng lặng thu xếp ba-lô của mình. Máy bay cất cánh đến Seoul lại đổi sang chuyến khác bay thẳng về phi trường Washington.

Khi về đến nhà, Đan vội vã mang ba-lô chạy vào phòng. Lôi những món đồ chơi và bộ áo quần trong ba-lô ra, dưới đáy là chiếc hộp kem ly bằng nhựa có Xanh trong đó với mấy cọng cải xà-lách. Thì ra Đan dấu Xanh theo suốt cuộc hành trình. Chiếc hộp được xoi mấy lỗ thủng nhỏ cho Xanh thở đã vượt qua các trạm kiểm soát và máy soi quang tuyến mà không bị phát hiện. Mẹ la Đan một trận thật dữ vì suýt gây rắc rối cho cả nhà.

Hôm sau, hai bố con ra tiệm bán đồ cũ mua một cái chậu thuỷ tinh để Đan làm nhà mới cho Xanh. Lo lắng vì sự thay đổi khí hậu trong mùa lạnh, Đan đặt chậu gần lò sưởi và gắn cái nhiệt kế canh cho vừa đủ ấm mà không quá nóng. Đan ngồi hàng giờ quan sát xem nó thích ăn loại rau cải nào để ra chợ mua. Đan giữ kín Xanh như một điều bí mật, không khoe với ai, kể cả bạn bè thân. Thỉnh thoảng mẹ lại bắt gặp Đan đặt Xanh lên lòng bàn tay, rù rì trò chuyện với nó, nghe kỹ thì đó là những chuyện loáng thoáng liên hệ đến Sài Gòn, đến ông bà ngoại, đến cô Hạnh, dì út, chú Nghĩa và Bo. Đan thì thầm với con rùa bằng tiếng Việt không chuẩn. Bố hỏi đùa, Sao con không nói chuyện với nó bằng tiếng Anh cho dễ? Đan trả lời khẳng định, bằng tiếng Việt, Vì nó ở Việt Nam nên phải nói tiếng Việt Nam!

Xanh sống được hơn nửa năm thì chết. Có lẽ vì nó không thích hợp được với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông vùng Bắc Mỹ. Con rùa nằm im lìm không thò đầu ra nữa dù hai bố con làm đủ mọi cách để giúp nó hồi sinh. Ủ nó vào tay, hà hơi, rảy nước... đều không hiệu nghiệm. Quá trễ để mang nó đến bác sĩ thú y, vả lại phải khai báo rắc rối lắm. Hay nó chết vì buồn? Không thể biết được, nhưng Đan thì buồn ghê gớm.

Hai bố con bỏ xác rùa trong hộp thuốc xì-gà bằng gỗ rồi mang ra chôn ở gốc cây sau nhà. Những ngày sau Đan lấy những tấm hình chụp nó và Bo ngồi bệt trên sàn gạch hoa ở nhà ngoại với cái thau nuôi rùa ra xem, rồi chọn một tấm chụp nó đang nằm sấp chiêm ngưỡng con rùa mang dán lên vách phòng ngủ.

Năm sau, bố mẹ ly dị, mẹ dời nhà từ Washington sang Texas. Đan theo sống với mẹ, bố ở lại Washington. Hai bố con chỉ nói chuyện với nhau qua phone vào những tối cuối tuần. Thỉnh thoảng, mỗi năm một lần, Đan bay qua thăm và ở lại với bố vài ngày. Đan đi một mình, mẹ mua vé và gởi Đan theo phi hành đoàn. Một năm sau, bố về Việt Nam thăm bà nội bệnh nặng, cho đến khi bà mất bố mới trở lại Mỹ.

Rồi chú út em của bố về Sài Gòn làm việc, bố cũng về theo. Mùa hè năm rồi, Đan lại một mình trên lưng cõng chiếc ba-lô bay từ Texas về Sài Gòn thăm bố. Đan ở nhà ngoại, đi bơi với Bo mỗi chiều và nói tiếng Việt giỏi hơn.

Những kinh nghiệm về đời sống ở Việt Nam đối với Đan trong chuyến về này vẫn còn lạ lẫm, nhưng nó quen và hiểu dần. Nhiều người bán lottery (vé số) quá, ngồi một chút trong quán cũng có vài người đến mời mua. Nhiều người xả rác quá, ngồi ăn ở đâu nhả xương và vất giấy ở đó, lại xài toilet paper (giấy vệ sinh) chùi miệng. Nhiều người alcoholic (người nghiện rượu) quá. Nhiều người hút thuốc quá, hầu như đàn ông ai cũng hút. Bố nữa, bố cũng hút thuốc lại sau khi đã bỏ hẳn ở Mỹ. Nhiều người ngồi bấm cell phone (điện thoại di động) suốt ngày. Cứ chừng 20 cửa hiệu ngoài đường thế nào cũng có 1 hay 2 cửa hiệu bán điện thoại, Đan đếm rồi nhận xét.

Bo hỏi: Con Xanh đâu rồi, Đan mang nó ra nấu lẩu rùa rồi hả? Đan chỉ tay lên trời, nghiêm giọng trách Bo: Bo nói bậy nè, Xanh bò lên trời rồi, chắc giờ nó ở heaven!

Mẹ ở Mỹ, bố không ở nhà ngoại, cũng không thể hỏi ai khác, mà nó thì chưa biết chữ thiên đường bằng tiếng Việt. Hai đứa bắt ghế lấy cuốn tự điển Anh-Việt to kềnh trên kệ xuống ngồi lật tra chữ heaven.

 

 
 
----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021