thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phố Vilin

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

GEORGES PEREC

(1936-1982)

 

 

PHỐ VILIN

 

1

 

Thứ Năm 27 tháng hai 1969,

khoảng 4 giờ chiều

 

Phố Vilin bắt đầu lưng chừng số nhà 29 phố des Couronnes, đối diện những toà nhà mới, những chung cư HLM[1] mới xây mà trông đã có một cái gì cũ rồi.

Phía bên phải (phía số chẵn), là một toà nhà ba mặt: một mặt tiền trông ra phố Vilin, một mặt tiền khác trông ra phố des Couronnes, mặt thứ ba, hẹp, vẽ ra một góc lơi do hai con phố giao nhau; tầng trệt là một nhà hàng–café mặt trước sơn màu trời xanh điểm thêm một màu vàng.

Phía bên trái (phía số lẻ), nhà số 1 mới đây đã được sơn quét lại. Toà nhà này, như người ta cho tôi biết, là nơi ngày xưa bố mẹ của mẹ tôi ở. Không có hộp thư nào đặt ở lối ra vào nhỏ xíu. Ở tầng trệt, một cửa tiệm, ngày xưa là tiệm bán đồ đạc trong nhà (dấu vết những chữ MEUBLES[2] vẫn còn trông thấy được), nay nhìn vào những hàng hoá trước tiệm mà đoán thì có lẽ người ta bày biện lại thành một cửa hàng xén. Tiệm đóng cửa và tắt đèn.

Từ nhà số 2 vọng ra một điệu nhạc jazz, loại revival [3] (Sidney Bechet? hay, đúng ra là Maxim Saury[4]).

Phía số lẻ: một tiệm bán sơn màu

                         căn nhà số 3, vừa được sơn quét lại

                         Đồ may sẵn Dệt kim

                         “AU BON TRAVAIL”[5]

                         “LAITERIE PARISIENNE”[6]

Kể từ nhà số 3, là dứt các căn được sơn quét.

Ở nhà số 5, một cửa hàng nhuộm “Bác sĩ Áo quần”,[7] rồi tới BESNARD Đồ may sẵn.

Đối diện, nhà số 4: Tiệm bán khuy nút

Nhà số 7, bảng hiệu cắt nổi bằng kim loại: POMPES trên mặt tiền

             Pompes Couppez et Chapuis: tiệm có vẻ như đã đóng cửa từ lâu.

Tiếp sau đó, vẫn bên phía số lẻ, là một cửa hiệu nhỏ không nhận diện được.

Nhà số 9, Restaurant-Bar Marcel

Nhà số 6, Ống nước vệ sinh

Nhà số 6, Tiệm tóc Soprani

Nhà số 9 và số 11, hai tiệm đóng cửa

Nhà số 11, Tiệm giặt Vilin

Một hàng rào bê tông, sau số nhà 11, làm thành góc phố Julien-Lacroix.

Nhà số 10, Tiệm lọc da gia công

Nhà số 10, trước là một cửa hàng giấy bút - hàng xén

Nhà số 12, ở góc phố: H. Selibter, Quần đủ loại.

Xe cộ đỗ hầu như suốt dọc lề đường bên phía số lẻ.

 

Triền dốc đại loại vẫn thế (rất nghiêng) trên toàn bộ con phố. Đường phố lát gạch. Phố Julien-Lacroix cắt ngang khoảng gần giữa đoạn đầu con đường – và là đoạn dài hơn.

Ở chỗ giao nhau (phía bên số chẵn của cả hai con phố), là một căn nhà được tu sửa với một cái ban công bằng sắt uốn ở tầng một và có ghi, lặp lại hai lần:

COI CHỪNG CẦU THANG

Không có dấu vết cầu thang nào ở đây; một lát sau người ta hiểu ra đây là những bậc thang ở chỗ cuối con đường: với xe cộ, kể từ phố Julien-Lacroix, thì phố Vilin trở thành một ngõ cụt.

Ở chỗ giao nhau (phía bên số lẻ trên phố Vilin, phía bên số chẵn trên phố kia), một cửa hàng thực phẩm đại lý rượu Vins Préfontaines (căn cứ vào một tấm biển hiệu treo trên cửa) và Vins du Postillon (theo tấm bạt che nắng).

 

Nhà số 19, một căn dài một tầng.

Nhà số 16, là một tiệm đóng cửa trước có thể là một tiệm bán thịt.

Nhà số 18, một khách sạn có đủ đồ dùng kèm theo là một tiệm café - rượu: Khách sạn Constantine.

Nhà số 22, một tiệm café cũ, đóng cửa, không đèn đuốc: người ta chỉ thấy được một tấm kính lớn hình trái soan treo ở cuối tiệm. Ở trên, tầng lầu hai, là một cái ban công dài bằng sắt uốn, mấy thứ áo quần giặt hong khô. Trên cửa tiệm café, là một cái biển:

NHÀ ĐÓNG CỬA NGÀY CHỦ NHẬT

Nhà số 24 (đây là căn nhà ngày xưa tôi từng sống):

Ban đầu là một căn nhà một tầng, tầng trệt có một cửa lớn (bị bít kín); chung quanh, vẫn còn những dấu sơn và phía trên, chưa hoàn toàn bị xoá mờ, là dòng chữ

TIỆM LÀM TÓC CÁC BÀ

Rồi đến một căn nhà thấp với một cánh cửa lớn mở ra một cái sân dài lát gạch nhiều chỗ cao thấp không đồng đều (những dãy tam cấp hai hay ba bậc). Bên phải, là một căn nhà dài một tầng (ngày xưa nhìn ra đường qua cánh cửa bị bít kín của tiệm làm tóc) có một bậc thềm đôi bằng xi măng (đây là căn nhà chúng tôi từng sống; tiệm làm tóc là của mẹ tôi).

Tuốt trong cùng, là một căn không rõ hình thù. Bên trái, những thứ trông như chuồng thỏ.

Tôi không trở vào bên trong.

Một ông già, từ phía sau đi ra, bước xuống ba bậc cấp dẫn đến “nơi ở” của chúng tôi. Một ông già khác bước vào vác theo một cái ba lô nặng (đồ giặt chăng?) trên vai. Rồi, sau cùng, là một cô bé.

 

Nhà số 25, đối diện, một căn có hai cổng ra vào song đôi ngó ra một cái sân dài và tối và một tiệm đóng cửa nhưng từ trong đó phát ra một tiếng động đều đặn: như tiếng những nhát búa, nhưng nghe “máy móc” hơn và ít mạnh hơn; qua một ô kính bẩn thỉu, người ta có thể nhận diện một chiếc máy may, nhưng không thấy ai ngồi may.

Nhà số 27, một tiệm đóng cửa tên “La Maison du Taleth” với những bảng hiệu còn nhìn thấy được, bằng tiếng Do-thái xưa, và những chữ MOHEL, CHOHET, NHÀ SÁCH CỬA HÀNG GIẤY BÚT, MẶT HÀNG THỜ PHỤNG, ĐỒ CHƠI trên một mặt tiền sơn xanh đã phai màu.

Ở chỗ nhà số 29, là một tường rào bằng đá xây quét sơn trắng mới toanh. Dấu vết những căn phòng với giấy hoa dán tường màu vàng và ngả vàng còn nhìn thấy rõ trên hông nhà số 31.

Nhà số 31 là một ngôi nhà bị bít kín. Các cửa sổ ở hai tầng lầu một cũng bị bít. Màn trướng ở tầng ba thì vẫn còn. Tầng trệt là một cửa tiệm bị bít kín

 

NĂNG LƯỢNG                                            ÁNH SÁNG

A.   MARTIN

CUỐN DÂY ĐIỆN                                               ĐỘNG CƠ

    TRANG BỊ NHÀ MÁY

 

Nhà số 33 một ngôi nhà bị bít kín.

Con đường đi đến đây, bên phải, làm thành một góc khoảng 30°. Phía bên số chẵn, đường dừng lại ở số nhà 38; sau đó là một túp lều bằng gạch đỏ, rồi tới một bậc câu thang đến từ lối đi Julien-Lacroix là lối đi chính nó cũng thế, nhưng hơi thấp hơn phố Vilin một tí, cũng đến từ phố des Couronnes. Tiếp đến là một bãi đất trống lớn, với đá vụn lẫn lộn trong cỏ thưa.

Phía bên số lẻ, lưng chừng nhà số 49, bên trái, đường lại làm thành một góc thứ hai, cũng khoảng 30°: điều đó làm cho con đường nhìn chung có dáng chữ S kéo rất dài (như trong ký hiệu chữ ).

Phía bên số lẻ, con đường chấm dứt ở lưng chừng các số nhà 53-55 bằng một bực thềm, hay đúng hơn là ba bậc cấp, chính chúng cũng phác vẽ một khúc quanh đôi (hình dáng ít giống một chữ S hơn là một dấu chấm hỏi viết ngược).

Nhà số 49 là một ngôi nhà màu vàng ở tầng lầu hai có thêm một tầng mái bằng kẽm. Có hai cửa sổ ở tầng lầu một. Ở một cánh cửa (cửa sổ bên phải từ chỗ tôi đứng), có một bà già đang nhìn tôi. Ở tầng trệt, có (trước đây?) một dòng chữ “NHÀ THẦU XÂY CẤT”.

Nhà số 47, một ngôi nhà bị bít kín với những vết sơn đỏ trên tường. Nhà số 45, là một cửa tiệm đóng cửa và một căn nhà ba tầng lầu ngày xưa là

HOTEL DU MONT-BLANC

Phòng ngủ và Văn phòng có trang bị đồ đạc

 

Nhà số 34, xưa là một tiệm Rượu vang và Rượu mạnh.

Đâu đâu cũng toàn những cánh cửa sổ che kín.

Nhà số 53-55, có một cửa hàng bán Rượu vang và Than đốt “AU REPOS DE LA MONTAGNE”: căn nhà nứt làm đôi ngay chính giữa, từ dưới lên trên, có dãy số 5-4-68 (đây là ngày tháng ghi trên mặt trát thạch cao). Người ta đã xây tường bít ba cửa lớn dẫn tới ba cửa sổ ở tầng một.

 
 
Hôtel du Mont-Blanc – Au Repos de la Montagne

 

Trên cùng các bậc cấp, người ta đến một ngã tư trông ra phố Piat bên trái, phố Envierges trước mặt, phố Transvaal bên phải. Ở chỗ giao nhau của phố Envierges và phố Transvaal, có một tiệm bánh mì quét màu đất son đẹp đẽ. Dọc theo lan can của bập cấp, cạnh một cột đèn đường, có một chiếc xe máy sơn màu sặc sỡ chói chang bắt chước màu da một con thú hoang. Hai anh chàng người Algérie chống khuỷu tay đứng một lúc. Hai anh chàng Da đen bước lên các bậc cấp. Mặc dù trời đúng ra là đầy mây, người ta vẫn nhận ra một toàn cảnh khá mênh mông: những nhà thờ, những cao ốc mới, Điện Panthéon?

Trên khu đất trống, có hai thằng bé đang song đấu, lấy các móc quần áo làm gươm.

 

Vào bảy giờ tối, tôi lại trở qua đây, đi gần như chạy, để nhìn xem khi đêm xuống con phố Vilin này giống cái gì. Có rất ít cửa sổ sáng đèn – mỗi căn đâu chỉ có hai cửa – ở đoạn trên của con đường, nhưng nhiều hơn cả là ở đầu đường. Tiệm café cũ ở số 22 sáng đèn, đầy cả người Algérie. Đây cũng là một khách sạn (tôi nhìn thấy một tấm biển “Giá thuê phòng”).

Nhiều cửa hàng tôi cứ tưởng đã đóng cửa vĩnh viễn lại có ánh đèn.

 

 

2

 

Thứ Năm 25 tháng sáu 1970

khoảng 4 giờ chiều

 

Người ta họp chợ trên đại lộ Belleville. Các công trình đường sá tiếp tục trên phố des Couronnes. Toà nhà đang xây dựng ở góc phố J.-P.-Timbaud. Nguyên một khối nhà cửa người ta đập đổ ở góc phố des Couronnes. Xa hơn một chút trên đại lộ, những chiếc xe CRS[8] (những biến cố rắc rối gần đây giữa người Do-thái và Ả-rập).

Vilin là đường có chiều cấm đi; người ta không được quyền đi ngược lên phố này. Xe cộ đỗ bên phía số lẻ.

Số 1 và số 3 là nhà được sơn quét lại. Nhà số 1 có một tiệm thực phẩm đã đóng cửa và một cửa hàng xén còn mở cửa. Ở tầng lầu hai, có một người đàn ông đứng trước cửa sổ nhà mình.

Nhà số 3, một cửa tiệm bán màu và một cửa hàng bán đồ dệt kim. Bà bán hàng trong tiệm màu tưởng tôi là nhân viên nhà chức trách:

– Sao, ông đến đánh sập chúng tôi sao?

Nhà số 2, là một nhà hàng - café, nhà số 4, một tiệm bán khuy nút. Công trình đường sá: thiết kế đường khí tự nhiên Lacq.

Nhà số 5, tiệm bán sữa Sữa Paris, Docteur du Vêtement, Nhuộm Sửa áo quần. Áo quần may sẵn Besnard.

Người ta nghe từ trên vọng xuống một điệu nhạc Ả-rập.

Nhà số 6, Đặt ống Vệ sinh. Tiệm tóc A. Soprani, Mở cửa các đêm thứ Năm (cửa hàng có vẻ như mới tân trang).

Nhà số 7, Máy bơm COUPPEZ (đóng cửa): hai phần ba tầng lầu đã bị xây tường bít kín. Một cửa tiệm khác đóng cửa. Một bảng thông báo nhỏ viết bằng bút nỉ, đã bị xoá trừ màu đỏ: Tôi bán                thứ Ba thứ Tư

Nhà số 8 là một căn có ba tầng lầu, có hai người đàn bà đứng ngay cửa sổ. Nhà số 9, nhà hàng - café MARCEL, và một tiệm đóng cửa. Nhà số 10, đóng cửa, Gia công Lọc da và cùng đóng cửa là một tiệm bán giấy bút kim chỉ. Nhà số 11, một cửa hàng đóng cửa; nhà số 13, một nhà giặt có mặt tiền màu xanh đã bị phai. Một căn hộ bị xây kín tường ở tầng lầu hai. Số 12 là một căn nhà có năm tầng lầu. Ở tầng trệt, là tiệm Selibter, Quần đủ loại. Số 14, một căn nhà cũng bị bít kín và số 15 cũng thế (chỗ giao nhau với phố Julien-Lacroix). Nhà số 16, một nhà ngày xưa là cửa hàng thịt? Nhà số 17, một tiệm thực phẩm cũ nay trở thành một tiệm rượu - café (người ta vẽ bằng sơn chữ “BAR CAFÉ” màu trắng lên cánh cửa). Nhà số 18: Hôtel de Constantine Khách sạn có sẵn đồ đạc Café - Quán Rượu. Nhà số 19, số 21 và số 23 là những căn nhà một tầng, đổ nát; nhà số 20 là một căn có bốn tầng, đổ nát, tầng thứ tư hình như bị bít kín. Nhà số 22, một tiệm café - khách sạn? Nhà số 24, nằm trong sân con, có một con mèo trong một cái hầm than. Tấm biển ghi TIỆM LÀM TÓC CÁC BÀ còn nhìn thấy được. Mấy tấm bích chương của Đảng CS. Nhà số 25, một cửa hàng đóng cửa. Nhà số 26, một tầng trệt bị bít kín. Nhà số 27, một cửa hàng đóng cửa. Tiếp sau, cho đến nhà số 41, là một tường rào thấp bằng xi măng. Nhà số 30, một căn nhà hai tầng, bít kín một phần; một cửa hàng thời trang. Nhà số 32, những tiệm bị bít kín (Rượu Vang & Rượu mạnh). Nhà số 34 bị xây tường kín gần như toàn bộ. Sau nhà số 36 là bắt đầu khu đất trống.

Từ nhà số 41 đến nhà số 49, hầu như tất cả các căn nhà đều bị tường xây kín, trong số đó, có căn số 45, là HÔTEL DU MONT-BLANC. Ở số 49, một căn nhà màu vàng, xưa là nhà thầu xây dựng, có một bà đứng ngay cửa sổ tầng một. Nhà số 51, số 53, số 55 là những căn còn rớt lại (A LA MONTAGNE, Rượu Vang & Rượu mạnh).

 
 
Những bậc thang trên phố Vilin – Paris trong sương mù, từ phố Vilin nhìn xuống

 

 

3

 

Thứ Tư 13 tháng giêng 1971.

 

Lạnh khô. Nắng.

 

Phía trên cửa nhà số 1, có một mặt trán hình tam giác. Tiệm bên trái, sơn xanh lam, lòng thòng một tấm vải lều rách màu đỏ, đóng cửa. Tiệm bên phải có lẽ bán những đồ dùng cho thợ may. Nhà số 3, một cửa hàng bán màu và dòng chữ “Au Bon Accueil”[9], Đồ may sẵn, Dệt kim. Nhà số 2, nhà hàng - café. Nhà số 4, tiệm bán khuy nút. Nhà số 5, Tiệm bơ sữa Paris và Phòng Bác sĩ Áo quần, Tiệm nhuộm, Tiệm ủi, Besnard, Đồ may sẵn. Nhà số 7, một căn bị đập bỏ, với một tường rào trên đó có dán bích chương quảng cáo báo La Cause du peuple.[10] Nhà số 6, Ống nước Vệ sinh và Hớt tóc. Nhà số 9, một nhà hàng café tiệm rượu: MARCEL’S, và một cửa tiệm đóng cửa. Nhà số 11, một cửa hàng đóng cửa và VILIN-LAVERIE (góc đường Julien-Lacroix):

Vì Trưng dụng

Đóng cửa vĩnh viễn

24 Tháng Mười hai

 

Nhà số 10, Tiệm lọc da gia công và một cửa hàng bán giấy bút - hàng xén. Nhà số 12, Quần đủ loại. Nhà số 14, một căn đóng cửa, nhà số 15, một căn bị đập bỏ. Nhà số 17, Tiệm rượu Tầng hầm; trên tấm vải lều: CHEZ HADDADI FARID; trên cánh cửa lớn là dòng chữ:

Novo Otvoren

Jugoslovenski[11]

Café-restoran

                  Kod Milene

 

Tiệm bán thịt sơn màu xanh lá cây đóng cửa, một tiệm khác cũng thế. Ở nhà số 18: HÔTEL DE CONSTANTINE, café - tiệm rượu; nhà số 22, một tiệm café - khách sạn; nhà số 19 và số 21, những căn bị bít kín? nhà số 26? Nhà số 24: làm tóc các bà (không phải cửa tiệm, mà chỉ dấu vết của cái bảng hiệu vẽ trên tường), trong sân nhà số 24, những xà nhà sắt thép; mấy người thợ đối diện đang sửa mái nhà (của một căn ở phố des Couronnes?) Xa xa là những cần trục.

 

Số 25, số 27: những tiệm đóng cửa; bắt đầu từ số nhà 27: những tường rào thấp. Nhà số 28, nhà còn có người ở; nhà số 30, một cửa hàng thời trang với chữ THỜI TRANG viết bằng tiếng Anh; nhà số 32: tiệm Rượu vang & Rượu mạnh đóng cửa. Nhà số 34 và nhà số 36 là những nhà ổ chuột. Một bà đi ra từ nhà số 36: bà sống ở đấy từ 36 năm nay; bà chỉ đến đây ba tháng thôi; bà còn nhớ rất rõ cô làm tóc ở số nhà 24:

– Cô ta ở lại không lâu lắm.

Nhà số 41, số 43, số 45 (Khách sạn Mont-Blanc), số 47 là những căn bị bít kín. Sau đó là đến những tường rào thấp.

Xe cộ đỗ suốt dọc con phố. Có mấy người đi đường.

Ở số nhà 49, một bà đứng ho ngay cửa sổ. Nhà số 51 (tiệm Le Repos de la Montagne, rượu vang) đóng cửa. Tuốt trên cao là một bãi đất trống. Một nhà kho với một tấm biển hiệu mới toanh:

VÂT LIỆU NHỰA

 

 

4

 

Chủ nhật 5 tháng mười một 1972

khoảng 2 giờ chiều

 

Nhà số 1 vẫn luôn nằm ở đấy. Nhà số 2, số 3: bán màu và đồ may sẵn “Au bon accueil”; nhà số 4: Khuy nút (đóng cửa); nhà số 5: Tiệm sữa nay trở thành tiệm ống nước? Nhà số 6: tiệm tóc. Nhà số 7 đập bỏ. Nhà số 8, nhà số 9? Nhà số 10: tiệm lọc da. Nhà số 11 đập bỏ, nhà số 12: Selibter, nhà số 13 đập bỏ; nhà số 14: một căn bị đập bỏ, một cửa tiệm còn đứng nguyên; nhà số 15 hoàn toàn bị đập bỏ. Nhà số 16? Nhà số 17: tiệm rượu tầng hầm. Nhà số 18: Khách sạn Constantine. Số 19? số 20? số 21 đập bỏ. Số 22: Khách sạn - café. Số 23? số 24 vẫn nguyên vẹn, số 25: một tiệm đóng cửa; số 26: những khung cửa sổ tường xây bít kín, số 27, tường bít kín, số 28, số 30, 36 vẫn đứng nguyên.

Một con mèo vằn và một con mèo đen trong sân nhà số 24.

Sau nhà số 27, phía bên nhà số lẻ, không còn gì; sau nhà số 26, bên phía số chẵn, không còn gì. Trên căn nhà số 30, mấy bích chương Johnny Halliday.

Tuốt trên cao: VẬT LIỆU NHỰA

Trên khu đất trống có một công trường đập phá.

Những con bồ câu, mèo, xác xe hơi.

 

Tôi gặp một cậu bé 10 tuổi; nó ra đời ở số nhà 16: tám tuần nữa nó sẽ trở về xứ của nó, là nước Do-thái.

 

 

5

 

Thứ Năm 21 tháng mười một 1974,

khoảng 1 giờ trưa

 

Những chung cư HLM nằm phía dưới đường des Couronnes chấm dứt.

Phía dưới phố Vilin có vẻ như hãy còn hơi náo nhiệt: rác chất thành đống, áo quần treo ở các cửa sổ.

Nhà số 1 vẫn còn nguyên vẹn. Ở nhà số 7, có một khoảng đất trống  và một tường rào thấp; Besnard Quần áo may sẵn, nhà số 5, đã đóng cửa; nhà số 9, nhà hàng tiệm rượu MARCEL’s đóng cửa; nhà số 6, có một tiệm (làm tóc) mở cửa và một tiệm đóng cửa, nhà số 4, một cửa hàng bán khuy nút?

 

Ở chỗ giao nhau giữa phố Vilin và phố Julien-Lacroix, đứng nguyên chỉ còn có Selibter Tiệm quần; ba góc kia đã bị chiếm mất, hai góc dành cho các khu đất trống, góc còn lại là một căn nhà hoàn toàn bi tường xây bít kín.

Nhà số 18 và nhà số 20 là những tiệm café - khách sạn hãy còn đứng được, cũng như nhà số 20 và nhà số 24.

Phía bên số lẻ, nhà số 21 đang bị đập bỏ (người ta trông thấy những xe máy ủi, những máy xúc, lửa), nhà số 23 và nhà số 25 đã bị phá tanh banh. Sau nhà số 25 không còn có gì cả.

Ở chỗ nhà số 26, một chiếc xe móc nhỏ được sắp xếp dùng như một túp lều. Xác xe hơi.

Những đống rác không ai hốt (phố Julien-Lacroix, những chú lính quân dịch làm thay cho các người dọn rác đang đình công).

Một con chim sẻ chết nằm giữa đường lộ. Nhà số 30, một bích chương nhỏ:

                  Tờ tin chính thức của toà thị chính thành phố Paris

                  25-26-27 tháng tám 1974

                  Trưng dụng nhà số 28 và nhà số 30

                  Thiết lập một khoảng không gian mở công cộng trong vùng Paris 20.

 

Chẳng có gì bên kia nhà số 30. Những tường rào, những khu đất trống nơi đám người bận rộn tưng bừng đập phá xe phế thải. Những bích chương quảng cáo bầu cử dán trên tường rào.

 

 

6

 

27 tháng Chín 1975,

khoảng 2 giờ sáng

 

Gần toàn bộ nhà phía bên số lẻ đều bị bít kín bởi những tường rào xi măng. Trên một bức tường rào đó là một dòng chữ graffiti:

LAO ĐỘNG = CỰC HÌNH

 

 

 
Georges Perec trên đường Vilin, trước nhà số 27...

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]HLM: Habitation à loyer modéré / Nhà ở với giá thuê vừa phải.

[2]Đồ đạc trong nhà: tủ, bàn, ghế vân vân...

[3]Revival: Một loại nhạc jazz xuất hiện vào cuối những năm 40 và kéo dài đến cuối những năm 50, làm “hồi sinh” lại phong cách Dixieland jazz (vốn thịnh hành hồi đầu thế kỷ 20, thoái trào trong những năm 30 (khi phong cách swing bắt đầu nở rộ), và h2âu như tàn lụi ở đầu những năm 40 (khi phong cách bebop lên ngôi). Các đặc điểm của Dixieland jazz gồm có dàn nhạc kèn (trumpet/cornet, trombone và clarinet) được phụ hoạ bởi guitar/banjo, contre-bass/tuba, piano và bộ trống; chuyên chơi những bài march, ragtime, blues, với kỹ thuật ứng tấu nhiều bè. Bên cạnh việc bắt chước lại những nhạc phẩm Dixieland jazz cũ, phong trào revival cũng mang đến những nét cách tân, và tạo nên một phong cách gọi là “Progressive Dixieland” (kết hợp các đặc tính của Dixielandbebop). [Phụ chú của HN-T]

[4]Sydney Béchet [1897-1959] là một nhạs sĩ jazz [saxophone, clarinet] và là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ. Nhiều người Việt Nam bắt đầu làm quen với tiếng kèn “ứng biến tài tình” của ông qua bài Summertime của G. Gershwin, thu đĩa từ... 1939. Maxim Saury [sinh 1928] là một nhạc sĩ jazz Pháp [clarinet] – một gương mặt tiêu biểu của thời kỳ jazz New Orleans ở Khu Saint-Germain-des-Prés, Pháp, trong những năm 50 và 60.

[5]Nơi làm việc chu đáo

[6]Tiệm bơ sữa Paris

[7]Docteur du Vêtement: Bác sĩ Áo quần, một cách nói như ngày nay người ta gọi Thái Thanh, chẳng hạn, là ca sĩ “chuyên trị” nhạc Phạm Duy, hay Khánh Ly là ca sĩ “chuyên trị” nhạc Trịnh Công Sơn, Lê Đạt là nhà thơ chuyên trị...

[8]CRS: Xe Cảnh sát Pháp – viết tắt từ chữ Compagnies Républicaines de Sécurité.

[9]Au Bon Accueil: Nơi tiếp đón nồng hậu.

[10]La Cause du peuple: Một tờ báo [từ tuần báo lên nhật báo] thuộc cánh tả vô sản ở Pháp, tuy lấy từ tên một tờ báo do nhà văn nữ George Sand sáng lập [1848] nhưng hồi sinh năm 1968 giữa phong trào sinh viên tháng Năm 1968 ở Paris do sáng kiến của kiến trúc sư Roland Castro, tờ báo chủ trương đường lối maoiste, một thời được thực hiện và sự ủng hộ của nhiều tên tuổi như Michel Le Bris, André Glucksmann, Jean-Pierre Le Dantec, và cả những đại thụ như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser. [Bạn đọc nếu có quan tâm, có thể đọc vài bài viết trên tạp chí Trình bầy trước 1975 ở Saigon]

 
 

[11]Novo Otvoren: Mới mở cửa, mới khai trương - Jugoslovenski: Nam Tư.

 

 

---------------------
“Phố Vilin” dịch từ nguyên tác “La rue Vilin” trong Georges Perec, L’infra-ordinaire, Tủ sách La Librairie du XXè siècle, Seuil, 1989.

 

 

-------------

Đã đăng:

... Đã hơn 10 năm nay anh tài xế / không ra khỏi nhà / người nấu ăn chỉ làm mỗi món trứng / nguyên vỏ / con người đau khổ hầu như chẳng có việc làm... | chính ông sẽ có mặt trong bức hoạ / vẽ theo kiểu các hoạ sĩ thời / Phục hưng lúc nào cũng dành cho mình / một chỗ nhỏ xíu // ông sẽ đứng, đố diện tấm tranh... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Đảo Ellis: Mô tả một dự án  (truyện / tuỳ bút) 
... Cái tôi đi tìm ở Đảo Ellis, đó đích thị là hình ảnh của cái điểm không có đường trở lại ấy, là nhận thức về sự cắt đứt cội nguồn ấy. Cái tôi muốn tra vấn, đặt thành câu hỏi, đem thử thách, đó là cái gốc rễ của chính tôi trên cái nơi không có chỗ ấy, là cái không có mặt, cái điểm nứt làm cơ sở cho mọi cuộc tìm kiếm dấu vết, tìm kiếm lời nói, tìm kiếm Người Khác... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Khởi đầu, mọi thứ có vẻ đơn giản: tôi muốn viết, và tôi đã viết. Cứ mải miết viết, tôi trở thành nhà văn, trước tiên, lâu ngày là chỉ cho mình tôi thôi, rồi ngày hôm nay là cho cả những người khác. Trên nguyên tắc, tôi không cần phải tự biện minh (cả trước mắt tôi, cũng như trước mắt những người khác): tôi là nhà văn, đó là một sự kiện đã được nhìn nhận, một sự hiển nhiên, một định nghĩa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Klébert Chrome  (tiểu luận / nhận định) 
Những trái táo là gi? Tại sao những trái táo? Cây táo có quyền gì? Chúng ta biết rõ, là rất nhiều lúc, cây táo tin chắc về quyền chính đáng của mình, và thật là vô ích, nếu không bảo là nguy hiểm, nếu ta tự đặt ra những câu hỏi về tính hợp thức, tính xác đáng của sự hiện hữu của nó và của chức năng của nó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tăng lương  (kịch bản) 
Kịch bản truyền thanh với ngôn ngữ hí lộng kỳ đặc của Georges Perec (1936-1982) — một trong những ngòi bút giàu sáng tạo nhất của văn chương Pháp thế kỷ 20. [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Nhảy dù  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối một buổi họp của nhóm tạp chí Arguments tại Paris, 10 tháng Giêng 1959, Georges Perec xin Jean Duvignaud cho được phát biểu. Thay vì một lời phát biểu bình thường trong một buổi họp, Perec đã kể một câu chuyện. "Truyện ngắn" này chính là bản chép lại cuốn băng ghi âm lời phát biểu của ông. [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Những nơi chốn trốn chơi  (truyện / tuỳ bút) 
Chợ tem trong những khu vườn ở Champs-Élysées chỉ mở cửa vào ngày thứ Năm và Chủ nhật. Nó biết thế, nhưng nó tự nhủ có lẽ mình sẽ gặp một người nào đó, một ông già vô công rồi nghề nhìn vào tập tem của mình, dừng lại ở con tem Blériot màu nâu xám... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tôi ra đời*  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi ra đời ngày 7.3.36. Bao nhiêu chục, bao nhiêu trăm lần tôi đã viết cái câu ấy? Tôi chẳng biết. Tôi biết rằng tôi đã bắt đầu khá sớm, rất sớm trước khi cái dự kiến viết một tiểu sử tự thuật thành hình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một bài thơ  (thơ) 
Có phải ta đã thử ôm cổ tay em / bằng những ngón tay ta? / Hôm nay mưa rạch nhựa đường / Trong đầu ta không có một quang cảnh nào khác / Ta không thể nghĩ đến / quang cảnh em, những nơi chốn em đi qua trong bóng tối... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Chuyến đi mùa đông  (truyện / tuỳ bút) 
... Ông đã đọc đúng: điều này có nghĩa là Vernier đã “trích dẫn” một câu thơ của Mallarmé hai năm trước khi có câu thơ ấy, đã đạo văn của Verlaine mười năm trước khi có bài “Những khúc ariettes bị quên lãng” của nhà thơ này, đã viết theo kiểu Gustave Kahn gần một phần tư thế kỷ trước ông ta!... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Trước hết có những điều rất dễ làm, những điều tôi có thể làm ngay từ hôm nay [...] Rồi đến những điều hơi quan trọng hơn một chút, những điều cần đến những quyết định, những điều mà tôi tự nhủ, nếu tôi làm chúng, có lẽ cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tiếp cận cái gì?  (tiểu luận / nhận định) 
Hãy tra vấn cái dường như quá hiển nhiên đến độ chúng ta không còn nhớ nguồn gốc của nó nữa. Hãy tái phát hiện sự kinh ngạc... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cách ngôn  (tiểu luận / nhận định) 
Nhà văn Marcel Benabou thuộc nhóm OuLiPo đã nghĩ ra một cái máy chế tạo cách ngôn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021