thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
San Francisco / Haight & Trieste...

 

[một bài viết cũ để nhớ những ngày đi rong cùng nhà thơ Hoàng Ngọc Biên]

 

Caffe Trieste, photo: Justin Korn

 

SAN FRANCISCO / HAIGHT & TRIESTE

 

“Nếu bạn đến San Francisco... đừng quên cài một bông hoa lên mái tóc...” Bốn mươi năm trước, tay hippie cao kều Scott MacKenzie ngồi xếp bằng nghêu ngao ca khúc danh tiếng này của John Phillips. Bông hoa ấy chính là những bông hoa năm cánh màu vàng cam – biểu tượng của phong trào hippie đang tràn ngập trong giới trẻ Mỹ và loang đi khắp thế giới...

Khi tôi đến, San Francisco vẫn nguyên vẹn là thành phố danh tiếng của nước Mỹ, nhưng những bông hoa hippie ngày ấy đã lụi tàn: nó đã trở thành thì quá khứ của một lịch sử không dài, nhưng dấu tích hippie vẫn còn được “bảo tồn” bằng khu phố Haight-Asbury dài chưa đến một cây số. “Làng hippie” ngày xưa nay trở thành con phố chen chúc các quán ăn Tibet, Cuba, cửa hiệu sách cũ, đồ lưu niệm, quần áo mũ nón, dĩa nhạc, posters... của một thời vàng son. Và người khách châu Á đi cùng tôi, túi vải áo nâu dáng vẻ như một ẩn sĩ đang chúi mũi vào giá sách cũ kia biết đâu chính là một chàng hippie, chàng beatnik thuở nào đang tìm lại ánh hồi quang một thời vang bóng?

San Francisco vẫn mang đủ quá khứ, hiện tại trong lòng nó bằng một trong nhiều địa chỉ danh tiếng: Caffe Trieste – một nơi phải đến.

Caffe Trieste có một lịch sử. Lịch sử ấy bắt đầu từ đâu, không quan trọng: từ cái anh chàng thanh niên ngư dân nghèo Giovanni Gianni của vùng Trieste ở Ý, mười lăm tuổi đi học hát opera, làm nghề lau chùi cửa kính ở San Francisco những ngày đầu di cư qua Mỹ... Cái tên lịch sử này toạ lạc trên số 610 góc phố Vallejo/Grant, là tiệm cà-phê expresso & cappuccino đầu tiên mở ở Bờ biển phía Tây California năm 1956 [nay vẫn còn hơi ấm hồi tưởng của cái bàn nơi Francis Ford Coppola ngồi nhiều tháng trời đẽo gọt kịch bản The Godfather, cũng là nơi một thời từng trở thành “phòng khách” của Jack Kerouac, Allen Ginsberg và những nhà thơ beatniks bạn bè, nói cách khác, của cả một Beat Generation]. Từ khi khai trương cách nay hơn nửa thế kỷ đã nổi tiếng với cách kết hợp từ phong vị nước Ý cổ xưa, đến thơ ca Bohemien, âm nhạc và nghệ thuật, Caffe Trieste đã đi vào nhiều tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ danh tiếng thế giới như Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky... Tôi còn nhớ, cuối những năm 80, trên cái máy chữ cũ rích ở nhà một người bạn vong niên, tôi đã được đọc bản dịch mấy câu thơ về Caffe Trieste:

Tôi đã trở lại góc phố Vallejo
và Grant như một tiếng dội
với đôi môi giờ đây
thích nụ hôn hơn chữ nghĩa
Ở đây chẳng có gì thay đổi. Kể
cả bàn ghế kể cả thời tiết...
 
Joseph Brodsky – “Café Trieste: San Francisco”, 1980.
 

Buổi chiều đầu tiên được đón từ San Francisco về San Jose, tôi đã được đi trở ngược qua Golden Gate phía vịnh biển để bước vào Caffe Trieste lần đầu tiên trong đời, ở thành phố Sausalito, một địa điểm đặc biệt trên phố Bridgeway. Gió từ vịnh San Francisco rười rượi và se lạnh. Một ly expresso thơm ngát... Nhưng phải đợi đến lần thứ hai khi trở lại San Francisco, tôi mới được Hoàng Ngọc Trường đưa đến góc phố Vallejo/Grant. Caffe Trieste nơi đây mới đích thực là địa chỉ lịch sử, là nơi tiền phong – địa chỉ đầu tiên tạo nên “thương hiệu” Caffe Trieste của ông chủ trên 85 tuổi Papa Gianni... Tất cả những nhà thơ danh tiếng [Tutti poeti – theo cách nói pha tiếng Ý của Papa] thường ngồi đây, những đêm đọc thơ, jazz, những chương trình nhạc cổ điển và cả opera cũng thường xuyên thực hiện ở đây... Xưa vốn thế – nay vẫn thế...

... Vỉa hè gió lạnh căm căm, hai bàn tay được sưởi ấm bằng cách ôm tròn ly cà-phê bằng giấy nóng bỏng. Nhưng còn hơn thế nữa, cái ấm áp được truyền đi từ Hoàng Ngọc Biên, người bạn già, con người không muốn ai gọi là uyên bác, chỉ làm thơ cho vui, chàng beatnik thuở nào giờ thanh thản kín đáo quan sát niềm vui của gã trẻ tuổi (chỉ trẻ hơn ông, tất nhiên!) khi ngồi trên vỉa hè trước một quán cà-phê có lịch sử hơn nửa thế kỷ, bằng nghệ thuật và cả mùi hương của nó. Và nếu Trường không sáng ý tìm mua ngay một chiếc máy ảnh chụp nhanh, có lẽ cái gã ngốc nghếch bay nửa vòng trái đất đến được Caffe Trieste kia, mang theo cái máy ảnh... hết pin, sẽ tiếc hùi hụi, sẽ hằn học, hậm hực, hầm hừ nguyền rủa chính mình một cách xứng đáng...

Có gì thay đổi? Thì vẫn là cái thay đổi không tránh được: khách ra vào có thể dùng internet cho cái laptop kè kè theo mình và theo thời đại. Cái không thay đổi là hầu hết còn mang những cái berets đen cũ mèm, cả người dùng laptop cũng như những người dùng cái đầu hai thứ tóc, hay không còn tóc, đều có thể đang đi tìm những chữ đắt nhất cho một bài thơ nào đó...

Có gì giống nhau giữa cư dân San Francisco và cái gã quê mùa này, cũng như bao nhiêu nhà thơ nhà văn ở ngay San Francisco hay chỉ đến viếng San Francisco, trước khi đến Caffe Trieste ở góc phố Vallejo/Grant? Hầu hết đều mới bước ra khỏi nhà xuất bản & tiệm sách City Lights Books của một người gốc Ý khác, nhà thơ beatnik nổi tiếng Lawrence Ferlinghetti.

 

 
--------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021