thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Quixote

 

Phan Quỳnh Trâm dịch theo bản dịch tiếng Anh.
Hoàng Ngọc-Tuấn hiệu đính theo nguyên tác tiếng Tây-ban-nha.

 

JORGE LUIS BORGES

(1899-1986)

 
Không được giải Nobel, không ăn khách và cũng không hề viết tiểu thuyết, nhưng Jorge Luis Borges vẫn được xem là một trong vài nhà văn lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới trong thế kỷ 20 vừa qua. Ông được khen ngợi là một cây bút không ngừng cách tân và không ngừng khai phá. Ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã tham gia vào nhóm Ultraismo, cộng tác với tờ báo Martín Fierro và đồng sáng lập viên của tạp chí Proa: Cả ba đều nổi tiếng với tinh thần tiền vệ (avant-garde). Ngoài ra, mỗi sáng tác của ông, từ thơ đến truyện ngắn đều là những thử nghiệm độc đáo làm xô lệch hẳn những quy ước quen thuộc gắn liền với từng thể loại. Borges cũng được khen ngợi là một cây bút thông thái hiếm có. Từ nhỏ, ông đã học được nhiều ngoại ngữ (sinh ra ở Buenos Aires, Argentina, nhưng ông lại học tiếng Anh trước khi học tiếng Tây-ban-nha!), và gần như cả đời làm việc trong thư viện (lúc đầu là nhân viên soạn thư mục, sau là giám đốc Thư viện Quốc gia), ông đọc và hiểu sâu sắc rất nhiều nền văn học và văn hoá khác nhau. Chính sự thông thái này là nền tảng vững chắc cho các nỗ lực cách tân không mệt mỏi của ông.
 
Truyện "Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Quixote" dưới đây được dịch theo bản dịch tiếng Anh “Parable of Cervantes and the Quixote” của James E. Irby in trong Jorge Luis Borges, Labyrinths (New York: New Directions, 2007), James E. Irby biên tập và William Gibson giới thiệu. Đây là một trong những truyện ngắn nổi tiếng của Borges liên quan đến cuốn Don Quixote của Miguel de Cervantes, một tác phẩm rất được Borges ngưỡng mộ. Truyện ngắn này nói về mối liên hệ giữa nhân vật và tác giả, qua đó, Borges nêu lên quan điểm chính của ông về văn chương. Câu cuối cùng của truyện từ lâu đã trở thành một danh ngôn, được rất nhiều người nhắc nhở mỗi khi bàn về văn học.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

 

NGỤ NGÔN CỦA CERVANTES VÀ CUỐN QUIXOTE

 

Mệt mỏi với xứ sở Tây-ban-nha của mình, một người lính ngự lâm già nua tìm sự giải khuây trong những địa giới mênh mông của Ariosto,[1] trong vùng thung lũng ấy của mặt trăng nơi người ta lấy lại được thời gian đã bị hoang phí vì những giấc mơ,[1] và trong pho tượng thần bằng vàng ròng của Mohammed[2] đã bị Montalbán[3] đánh cắp.

Với sự tự giễu nhẹ nhàng, ông hình dung ra một người đàn ông cả tin — một kẻ có tâm trí bị khuấy động vì đọc những tuyệt tác, quyết định theo đuổi những cuộc phiêu lưu và những điều kỳ thú ở những nơi chốn phàm trần được gọi là El Toboso[4] hay Montiel.[5]

Bị đánh gục bởi thực tại, bởi xứ sở Tây-ban-nha, Don Quixote đã chết vào năm 1614 tại làng quê của ông. Ông được sống thêm một thời gian ngắn nhờ Miguel de Cervantes.

Đối với cả hai, kẻ mơ mộng và kẻ được mơ mộng, tất cả tình tiết của câu chuyện đã diễn ra trong sự xung đột của hai thế giới: cái thế giới phi thực trong những truyện phiêu lưu hành hiệp và cái thế giới tầm thường hàng ngày của thế kỷ thứ mười bảy.

Họ đã không ngờ rằng cuối cùng thì năm tháng sẽ xoá đi sự bất hòa ấy. Họ cũng không ngờ rằng La Mancha[6] và Montiel và hình dáng lỏng khỏng của người hiệp sĩ, trong con mắt của hậu thế, không hề kém thơ mộng hơn những cuộc phiêu lưu của Sinbad[7] hay những địa giới mênh mông của Ariosto.

Bởi khởi thuỷ của văn chương là huyền thoại, và tận cùng của nó thì cũng vậy.

 

 

_________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:

[1] Ariosto: tức là Ludovico Ariosto (1474-1533), nhà thơ người Ý, tác giả của cuốn sử thi lừng danh Orlando Furioso (“Hiệp sĩ Orlando điên loạn”). Trong tác phẩm này, Ariosto đã mô tả những địa giới và những sinh vật phi thực và thần kỳ, đặc biệt là cảnh hiệp sĩ Astolfo cưỡi con ngựa có cánh, du hành lên mặt trăng, nơi ông có thể tìm lại bất kỳ thứ gì đã bị đánh mất ở thế gian. Nhờ chuyến du hành đó, Astolfo tìm lại được trí nhớ và sự thông minh cho Orlando, kẻ đã trở nên điên loạn sau khi bị công chúa Angelina phụ bạc.

[2] Mohammed: tức là Mohammed ibn Teshufin, người đã chỉ huy đạo quân Hồi giáo tấn công đạo quân Thiên-chúa giáo của El Cid, theo như câu chuyện trong cuốn sử thi El Cid.

[3] Montalbán: tức là Rinaldo Montalbán, một nhân vật trong cuốn sử thi Tirante El Blanco (“Bạch y hiệp sĩ”) ở nước Ý thời Phục Hưng, được Cervantes thuật lại trong cuốn tiểu thuyết Don Quixote (cuốn sử thi này cũng chính là nguồn cảm hứng để Cervantes viết Don Quixote). Rinaldo Montalbán đã đánh cắp pho tượng bằng vàng của Mohammed ibn Teshufin trong cuộc chiến giữa đạo quân Hồi giáo của Mohammed và đạo quân Thiên-chúa giáo của El Cid. Trong cuốn sử thi El Cid, người chiến binh mang danh hiệu “El Cid” (tên thật là Rodrigo Diaz de Bivar) đã đánh bại quân đội của Mohammed vào thế kỷ thứ 11.

[4] El Toboso: một thị trấn thuộc tỉnh Toledo ở miền Castile-La Mancha, Tây-ban-nha. Đây là sinh quán của người đẹp Dulcinea del Toboso trong tiểu thuyết Don Quixote của Cervantes.

[5] Montiel: một quận thuộc tỉnh Ciudad Real ở miền Castile-La Mancha, Tây-ban-nha. Đây là nơi Don Quixote đã khởi sự cuộc phiêu lưu hành hiệp của ông.

[6] La Mancha: một miền cao nguyên rất rộng, bao gồm cả tỉnh Ciudad Real và một phần của các tỉnh Toledo, Albacete, và Cuenca. Phong cảnh hoang vu bát ngát với những cối xay gió lác đác đây đó của La Mancha là không gian của cuộc phiêu lưu hành hiệp của Don Quixote.

[7] Sinbad là một trong hai nhân vật cùng mang tên Sinbad (một người là phu khuân vác suốt đời nghèo khổ; một người là thuỷ thủ trở nên giàu sang sau khi trải qua bảy cuộc phiêu lưu kỳ thú). Câu chuyện về bảy cuộc phiêu lưu ấy được chính thuỷ thủ Sinbad kể lại cho người phu khuân vác nghe. Chuỗi truyện thần kỳ này xuất phát từ thời xa xưa ở Trung Đông, không rõ tác giả là ai.

 

 

-----------------------------------------------------------------------------------

Những bản dịch tác phẩm của Jorge Luis Borges đã đăng trên Tiền Vệ:

Kẻ tòng phạm  (thơ) 
Người ta đóng đinh tôi. Tôi phải là đinh, là thập tự giá. / Người ta đưa tôi một cái chén. Tôi phải là thuốc độc. / Người ta lừa tôi. Tôi phải là lời nói dối. / Người ta thiêu sống tôi. Tôi phải là địa ngục. / Tôi phải ca tụng và cám ơn từng giây từng phút... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm]
 
... MP-R: Ông nói rằng ông không phải là một nhà tư tưởng... Borges: Không, ý tôi muốn nói là tôi không có một hệ thống triết học nào của riêng mình. Tôi cũng không bao giờ thử làm điều đó. Tôi chỉ là một con người của chữ nghĩa. Cũng giống vậy, ví dụ như — à, tất nhiên, lẽ ra tôi không nên chọn ví dụ này — cũng như cách Dante sử dụng thần học cho mục đích của thơ ca, hay Milton cũng sử dụng thần học cho mục đích của thơ ông ấy, thì tại sao tôi không thể dùng triết học, đặc biệt là triết học duy tâm — thứ triết học đã thu hút tôi — để viết một câu chuyện hay một truyện ngắn? Tôi nghĩ rằng tôi được phép chứ, phải không? ... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Kẻ bị giam cầm  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi muốn biết anh đã nghĩ gì trong cái khoảnh khắc choáng váng khi quá khứ và hiện tại trộn lẫn vào nhau; tôi muốn biết liệu đứa con bị thất lạc đã được tái sinh và đã chết ngay trong giây phút ngây ngất đó, hay anh đã có thể, ít nhất như một đứa trẻ hay như một con chó, nhận ra được bố mẹ mình và ngôi nhà của mình... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm] (...)
 
Để nhìn dòng sông của thời gian và nước / và nhớ rằng Thời Gian cũng là một dòng sông khác, / để biết ta cũng phù lãng như dòng sông / và khuôn mặt của ta cũng trôi đi như nước... (có kèm băng ghi âm nguyên tác bài thơ qua giọng đọc của Jorge Luis Borges) [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Bản ngã song trùng  (truyện / tuỳ bút) 
Được gợi ý hay gợi hứng bởi những tấm gương, bởi mặt nước phẳng lặng và những người sinh đôi, cái ý niệm về bản ngã song trùng rất phổ biến ở nhiều xứ. Rất có thể những câu nói như câu “Một người bạn là một bản ngã khác của tôi” của Pythagoras, và câu “Hãy tự biết mình” của Plato, đã được gợi hứng từ ý niệm này... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[14.06.1986 - 14.06.2006: tưởng niệm 20 năm ngày mất JORGE LUIS BORGES] Có vẻ như không thật chút nào, nhưng câu chuyện cái đêm quá kỳ quặc ấy đã bắt đầu trong một cỗ xe ngựa thật gai mắt có hai cái bánh xe đỏ thắm, đầy oặp những người, cà dịch cà tang chạy qua những con đường nhỏ bằng đất nện, giữa những lò gạch và những lằn bánh... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
[14.06.1986 - 14.06.2006: tưởng niệm 20 năm ngày mất JORGE LUIS BORGES] Sợi dây đã mất tích. Cả cái mê lộ kia cũng đã mất hút. Giờ đây, chúng ta cũng không còn biết, phải chăng đó là một mê lộ bao quanh chúng ta, một vũ trụ bí ẩn, hay một cõi hỗn mang thật tình cờ... | Cái ý tưởng về một toà nhà dựng nên cho thiên hạ đi lạc có lẽ còn lạ lùng hơn là cái ý tưởng về một con người có đầu bò mộng, nhưng cả hai ý ấy bổ túc cho nhau và hình ảnh mê cung thật hợp với hình ảnh con Minotaure... | Đối với người An-nam, cọp hay những vị thần hiện thân nơi cọp cai quản các phương hướng của không gian... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Mười ba bài thơ của Jorge Luis Borges (1899-1986) — nhà văn, nhà thơ Á-căn-đình, và một trong những khuôn mặt văn chương hàng đầu của thế kỷ 20. [Bản dịch Diễm Châu]
 
Bài giảng về thơ [kỳ 3]  (tiểu luận / nhận định) 
Có một kinh nghiệm mỹ học khác, cũng lạ lùng không kém, đó là khoảnh khắc lúc nhà thơ trầm tư về tác phẩm sẽ viết, khoảnh khắc lúc nhà thơ đang khám phá hay phát minh tác phẩm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chín bài thơ tuyệt vời của Jorge Luis Borges về bông hồng do Diễm Châu sưu tầm từ nhiều tác phẩm khác nhau và dịch sang Việt văn...
 
Thày bói  (truyện / tuỳ bút) 
Ở Sumatra, có một người muốn thi lấy bằng tấn sĩ về khoa phù-thủy... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Bài giảng về thơ [kỳ 2]  (tiểu luận / nhận định) 
Có người nói rằng văn xuôi gần với hiện thực hơn thơ. Tôi nghĩ điều này là sai. Có một ý tưởng được truyền tụng là xuất phát từ nhà viết truyện ngắn Horacio Quiroga: nếu một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông, ta phải viết đơn giản là “một cơn gió lạnh thổi từ bờ sông.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bài giảng về thơ [kỳ 1]  (tiểu luận / nhận định) 
Chúng ta thay đổi không ngừng, và mỗi lần đọc một cuốn sách, mỗi lần đọc lại, mỗi hồi ức về cuộc đọc lại ấy, đều phát minh cái văn bản thêm một lần nữa. Ngay cái văn bản ấy cũng là dòng sông luôn thay đổi của Heraclitus... Chúng ta vẫn sai lầm khi tưởng rằng ngôn ngữ phản ảnh điều bí ẩn mà chúng ta gọi là hiện thực. Thật ra, ngôn ngữ là một điều gì khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bông hồng của Paracelse  (truyện / tuỳ bút) 
Trong xưởng thợ gồm hai gian ở tầng dưới mặt đất, Paracelse cầu xin Thượng đế của ông, Thượng đế mơ hồ của ông, bất cứ Thượng đế nào, gửi đến cho ông một môn đệ... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Mê lộ  (truyện / tuỳ bút) 
Đây là mê lộ Crète. Đây là mê lộ Crète mà trung tâm là con quái vật Minotaure... [Bản dịch Diễm Châu] (...)
 
Ngay cả sự thân mật của vầng trán em trong trẻo như một ngày hội / ngay cả sự riêng tư của thân thể em, hãy còn huyền bí và câm nín, hãy còn trẻ thơ... [Bản dịch Diễm Châu]
 
Một vấn nạn  (truyện / tuỳ bút) 
Chúng ta hãy tưởng tượng một tờ giấy trên đó có một văn bản tiếng Ả Rập được phát hiện ở Toledo... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Hoả ngục, I, 32  (truyện / tuỳ bút) 
... Ngươi chịu đựng sự giam cầm, nhưng ngươi sẽ ban một chữ cho bài thơ ấy... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những giây phút quằn quại giãy chết đã qua, giờ đây hắn nằm một mình -- cô đơn, tan nát và bị phế thải... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cốt truyện  (truyện / tuỳ bút) 
Định mệnh yêu thích những sự tái hoàn, biến thể, đối xứng... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhà dân tộc học  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi nghe chuyện này ở Texas, nhưng nó đã xảy ra ở một tiểu bang khác... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tưởng niệm J.F.K.  (truyện / tuỳ bút) 
Viên đạn này là viên đạn cũ... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những chiếc móng chân  (truyện / tuỳ bút) 
Đôi vớ mềm nuông chiều chúng mỗi ngày, và đôi giày da làm chúng cứng cáp hơn, nhưng những ngón chân của tôi chẳng màng biết đến. Chúng chỉ chú tâm vào một việc là nặn ra những chiếc móng chân... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đoá hồng vàng  (truyện / tuỳ bút) 
... Marino đạt khoảnh khắc khai ngộ ấy vào giờ hoàng hôn của đời ông, và Homer và Dante có lẽ cũng đã đạt điều ấy... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một lời nguyện cầu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi muốn chết hoàn toàn; tôi muốn chết với thân xác này, kẻ đồng hành của tôi... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Huyền thoại  (truyện / tuỳ bút) 
Cain và Abel gặp lại nhau sau khi Abel chết. Đang hành cước qua sa mạc, họ nhận ra nhau từ xa, vì cả hai đều cao lớn... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dreamtigers  (truyện / tuỳ bút) 
Thuở thơ ấu, tôi là một kẻ sùng phụng nhiệt thành của con hổ -- không phải là con báo đốm, loại “cọp” có đốm sống trên những phù đảo của loài thủy lan dọc theo miền đất Paraná và vùng rừng rậm Amazon, nhưng là con hổ thật... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Argumentum Ornithologicum  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh ấy thoáng qua trong một giây đồng hồ, hay có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim. Số lượng chim cố định hay bất định?... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Tôi đề nghị với Macedonio rằng chúng tôi tự tử để cuộc luận đàm đạt kết quả mà khỏi phải tốn công biện luận dài dòng... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Borges và tôi  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi sẽ còn lại trong Borges, chứ không phải trong tôi (nếu, quả thực, tôi là một kẻ nào đó có chút gì đáng kể), nhưng tôi nhận ra chính mình trong những cuốn sách của ông ấy còn ít hơn trong sách vở của những người khác... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Chiếc đĩa  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi là một người đốn củi. Tên tôi không đáng kể. Túp lều nơi tôi được sinh ra, và nơi tôi sắp chết đi, nằm ở bìa rừng. Họ nói những cánh rừng này tiếp tục trải dài, đến tận biển lớn vây quanh cả trái đất... [Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021