thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những suy tư về ngày 11 tháng 9 năm 2001

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm,
với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

 

 

NHỮNG SUY TƯ VỀ NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001

 

Chỉ đến bây giờ, sau vài năm trôi qua, tôi mới có thể viết về biến cố này. Tôi tránh viết về biến cố này ngay lúc đó, để mọi người suy nghĩ theo cách riêng của mình về hệ quả của cuộc tấn công.

Thật là khó mà chấp nhận rằng một thảm hoạ, trong một cách nào đó, lại có thể mang đến những kết quả tích cực. Khi chúng ta kinh hãi nhìn vào cái cảnh tượng trông giống như một một đoạn phim khoa học viễn tưởng — hai toà cao ốc đổ nhào xuống và mang theo hàng ngàn người trong đó — chúng ta lập tức có hai phản ứng: thứ nhất, một cảm giác bất lực và hãi hùng trước sự việc đang xảy ra; thứ nhì, một cảm tưởng rằng thế giới sẽ không bao giờ giống như trước nữa.

Thế giới sẽ không bao giờ giống như trước nữa, thật vậy; nhưng, sau một thời gian dài suy ngẫm về điều đã xảy ra, phải chăng chúng ta vẫn mang một cảm tưởng rằng tất cả những người đó đã chết một cách vô ích? Hoặc, thay vì những xác chết, bụi đất và những cột thép vặn vẹo, phải chăng một điều gì khác có thể được tìm thấy dưới đống đổ nát của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới?

Tôi tin rằng, vào một lúc nào đó, cuộc sống của mỗi con người đều chạm phải một thảm kịch. Đó có thể là sự tàn phá của một thành phố, cái chết của một đứa trẻ, một lời buộc tội vô căn cứ, một căn bệnh xuất hiện không một dấu hiệu báo trước và làm cho mình bị tàn tật vĩnh viễn. Cuộc sống là một sự rủi ro không ngừng, và bất cứ ai quên đi điều này thì sẽ không được chuẩn bị để đón nhận những thử thách mà số phận có thể mang đến. Bất cứ khi nào chúng ta đối diện với sự đau khổ không thể tránh được đó, chúng ta đành phải cố gắng tìm kiếm một ý nghĩa cho những gì đang xảy ra, để khắc phục sự sợ hãi của chúng ta, và để lập kế hoạch xây dựng lại.

Việc đầu tiên chúng ta phải làm khi đương đầu với sự đau khổ và bất an là chấp nhận chúng như chúng đã là vậy. Chúng ta không thể xem những cảm giác này như thể chúng không liên quan gì chúng ta, hoặc biến đổi chúng thành một sự trừng phạt để làm thỏa mãn cái mặc cảm tội lỗi vĩnh viễn của chúng ta. Dưới đống đổ nát của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới đã có nhiều người giống như chúng ta, họ đã cảm thấy an lạc hoặc bất hạnh, thoả mãn hoặc vẫn còn phấn đấu để vươn lên, họ có một gia đình đang đợi họ ở nhà, hoặc họ đã tuyệt vọng vì sự cô đơn trong một thành phố lớn. Họ đã là những người Mỹ, người Anh, người Đức, người Ba-tây, người Nhật; những người từ khắp nơi trên quả địa cầu, đến với nhau vì có một số phận chung — và đầy bí ẩn — cái số phận của việc thấy chính mình có mặt, vào khoảng chín giờ sáng, tại cùng một nơi, một nơi mà, đối với một số người, đã là nơi thú vị, và đối với một số người khác, là nơi ngột ngạt. Khi hai toà cao ốc sụp đổ, không chỉ những người này chết: tất cả chúng ta đã cùng chết một ít, và cả thế giới đã trở nên nhỏ bé hơn.

Khi đối diện với một sự mất mát to lớn, dù đó là vật chất, tinh thần, hoặc tâm lý, chúng ta cần nhớ lại những bài học tuyệt vời mà những nhà hiền triết đã dạy cho chúng ta: đó là sự kiên nhẫn, và cái tri giác chắc chắn rằng mọi điều trong cuộc sống này đều không trường cửu. Từ quan điểm đó, chúng ta hãy có một cái nhìn mới về những giá trị của chúng ta. Nếu thế giới sẽ không còn là nơi an toàn, ít nhất không an toàn trong nhiều năm nữa, thì tại sao chúng ta không lợi dụng sự thay đổi bất ngờ này, và dùng thì giờ của mình để làm những việc mà mình vẫn luôn muốn thực hiện, nhưng đã luôn thiếu can đảm để thực hiện? Vào buổi sáng của ngày 11 tháng 9 năm 2001, có bao nhiêu người hiện diện tại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới trái với ý muốn của chính họ, đang theo đuổi một sự nghiệp không thực sự thích hợp với họ, đang làm cái công việc họ không yêu thích, mà đơn giản chỉ vì nó là một công việc an toàn và có thể bảo đảm họ có đủ tiền hưu trí trong tuổi già?

Biến cố này đã mang đến sự thay đổi lớn trên thế giới, và những người đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát của hai toà cao ốc ấy giờ đây đang khiến cho chúng ta suy nghĩ lại về cuộc sống và những giá trị của chúng ta. Khi những toà cao ốc ấy sụp đổ, chúng kéo theo với chúng những ước mơ và những niềm hy vọng; nhưng đồng thời chúng mở ra cho chúng ta những chân trờI, và cho phép mỗi chúng ta suy tưởng về ý nghĩa của cuộc sống chúng ta.

Theo một câu chuyện đã được kể lại ngay sau khi thành phố Dresden[*] bị dội bom, một người đàn ông đang đi ngang qua một mảnh đất đầy những đống gạch đá đổ nát, nhìn thấy ba anh công nhân.

“Anh đang làm gì vậy?” ông hỏi.

Anh công nhân đầu tiên quay lại và trả lời: “Ông không thấy sao? Tôi đang di chuyển những tảng đá này!”

“Ông không thấy sao? Tôi đang làm việc để lãnh lương!” Anh công nhân thứ hai trả lời.

“Ông không thấy sao?” Anh công nhân thứ ba trả lời. “Tôi đang xây dựng lại ngôi giáo đường!’”

Mặc dù ba công nhân này đều cùng làm một việc, chỉ có một người nhận thức được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và công việc của anh ta. Chúng ta hãy hy vọng rằng trong cái thế giới hiện hữu sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, mỗi người chúng ta sẽ chứng tỏ có khả năng tự nâng mình lên từ bên dưới đống đổ nát của cảm xúc và xây cất lại ngôi giáo đường mà chúng ta đã luôn mơ ước, nhưng chưa bao giờ dám tạo dựng.

 

 

_________________________

[*]Dresden là thủ phủ và trung tâm chính trị và kinh tế của bang Sachsen ở Đức. Thành phố này đã từng bị tàn phá bởi những cuộc dội bom trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. [Chú thích của người dịch]

 

 

-----------------
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “Reflections on 11 September 2001”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 207-210.
 

 

 

Đã đăng:

Nữ Thánh Nhá Chica ở Baependi  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi tôi đang bước vào trong ngôi nhà, một người phụ nữ trẻ bước ra từ một tiệm quần áo và nói: “Tôi biết rằng cuốn sách Maktub của ông đã được đề tặng Nữ Thánh Nhá Chica. Tôi chắc rằng bà thực sự hài lòng.” Và cô ấy không nói gì khác nữa. Nhưng đó chính là dấu hiệu mà tôi đã chờ đợi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Du lịch một cách khác  (truyện / tuỳ bút) 
... Henry Miller thường nói rằng khám phá ra một giáo đường mà chưa từng có ai nghe đến thì quan trọng hơn là đi đến Rome và cảm thấy cần phải viếng Nhà Nguyện Sistina với hai trăm ngàn du khách khác la hét trong tai bạn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Về sự thanh nhã  (truyện / tuỳ bút) 
... Sự thanh nhã của cơ thể mà tôi đang nói đến thì xuất phát từ bên trong cơ thể chứ không từ bề mặt hời hợt bên ngoài; với sự thanh nhã đó, chúng ta vinh danh cái cung cách chúng ta đặt hai bàn chân trên mặt đất. Đó là lý do tại sao, bất cứ khi nào bạn cảm thấy không thoải mái trong tư thái đúng đắn, bạn đừng nên nghĩ rằng nó sai hoặc giả tạo. Thật vậy, sự thanh nhã không phải dễ dàng đạt được. Những bước chân thanh nhã làm cho con đường cảm thấy vinh dự bởi phẩm cách của kẻ hành hương... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Đám tang của tôi  (truyện / tuỳ bút) 
... Chúng ta cũng phải biết ơn cái chết, bởi vì nó làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của mỗi quyết định chúng ta đưa ra, hoặc không đưa ra; nó làm cho chúng ta dừng lại trước bất cứ hành vi nào khiến chúng ta bị vướng vào kiểu ‘sống mà như chết’, và, thay vào đó, nó thúc giục chúng ta bất chấp tất cả, đánh cược tất cả cho những điều mà chúng ta luôn luôn mơ ước thực hiện, bởi vì, dù chúng ta có thích hay không, thiên thần của cái chết vẫn đang chờ đợi chúng ta... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Phía bên kia của Tháp Babel  (truyện / tuỳ bút) 
... Khi Nhân Loại càng ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã tàn phá Tháp Babel, và mọi người bắt đầu nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, với sự khoan dung vô hạn của Ngài, Ngài cũng tạo nên những con người có khả năng xây dựng những chiếc cầu ngôn ngữ để giúp cho sự đối thoại và sự truyền bá tư tưởng của nhân loại. Những con người đó, những con người mà mỗi lần chúng ta mở một cuốn sách dịch ra để đọc, chúng ta hiếm khi chịu khó lưu ý đến tên tuổi của họ, chính là các dịch giả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Xin vinh danh người phụ nữ, người làm cho những kẻ cô đơn bớt đơn độc, người nuôi dưỡng những ai khao khát công lý, người làm cho kẻ áp bức cảm thấy khổ sở như những kẻ bị áp bức. Xin vinh danh người phụ nữ, người luôn mở rộng cửa, với đôi tay luôn làm việc và đôi chân luôn bước tới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Sách và thư viện (truyện / tuỳ bút)
... Hãy cho những cuốn sách của chúng ta tự do du hành, để rồi chúng được những bàn tay khác chạm vào, và được những đôi mắt khác thưởng thức. Trong lúc tôi viết điều này, tôi thoáng nhớ lại một bài thơ của Jorge Luis Borges nói về những cuốn sách không bao giờ được giở ra một lần nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm & Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Phương cách của cây cung (truyện / tuỳ bút)
... Là một người chiến binh của ánh sáng, một khi đã thực hiện nhiệm vụ và chuyển hoá ý định của mình thành động tác, thì anh ta không còn sợ gì nữa: anh ta đã làm những gì nên làm. Anh ta không để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thậm chí nếu mũi tên không chạm vào mục tiêu, anh ta sẽ có một cơ hội khác, bởi vì anh ta không thoả hiệp với sự hèn nhát... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Manuel lên thiên đàng (truyện / tuỳ bút)
Có một dạo, Manuel được thưởng thức sự tự do của tuổi hưu trí, không phải thức dậy vào một giờ nhất định, và có thể dùng thời gian để làm bất cứ điều gì ông muốn. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc ông lại rơi vào cơn trầm cảm. Ông cảm thấy vô dụng, bị loại ra khỏi cái xã hội mà ông đã góp phần xây dựng, bị những đứa con đã trưởng thành của ông bỏ rơi, ông không còn khả năng để hiểu ý nghĩa của cuộc sống, không hề băn khoăn để trả lời câu hỏi cũ kỹ: “Tôi đang làm gì đây?”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Manuel là một người tự do (truyện / tuỳ bút)
... Một đêm kia, một thiên thần hiện đến bên ông trong lúc ông đang ngủ: “Ông đã làm gì trong cuộc đời? Có phải ông đã cố gắng để sống đúng như những gì ông mơ ước?” Một ngày dài khác bắt đầu. Những tờ báo. Những tin tức trên đài truyền hình. Khu vườn. Bữa ăn trưa. Một giấc ngủ trưa ngắn. Ông có thể làm bất cứ những gì ông muốn, ngoại trừ, ngay bây giờ, ông khám phá ra rằng ông không còn muốn làm gì nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Thiên thần tiếp tục hỏi: “Liệu ông có khả năng bỏ ra ít nhất mười lăm phút mỗi ngày để ngắm nhìn thế giới và bản thân, mà không làm gì cả?” Manuel nói ông cũng muốn như thế, nhưng ông không có thời giờ. “Ông đang nói dối với tôi”, thiên thần nói. “Mọi người đều có thời giờ để làm điều đó. Chỉ vì họ thiếu sự quyết tâm. Làm việc là một điều may mắn khi nó giúp cho chúng ta suy nghĩ về việc chúng ta đang làm; nhưng nó trở thành một tai hoạ khi khi tác dụng của nó chỉ là để ngăn chặn chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Tôi tiếp tục đào nhổ những cây tôi không thích rồi xếp chúng vào một đống để đốt. Có lẽ tôi đã mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những chuyện đáng lẽ không cần phải suy nghĩ, mà cần phải ra tay để làm. Thế nhưng, mỗi động tác được thực hiện bởi một con người thì đều thiêng liêng và mang đầy những hệ quả, và điều đó khiến tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về việc tôi đang làm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Thành Cát Tư Hãn và con chim ưng (truyện / tuỳ bút)
... Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Câu chuyện của cây bút chì (truyện / tuỳ bút)
Một cậu bé xem bà ngoại viết một lá thư. Được một chốc thì cậu hỏi: “Có phải bà đang viết một câu chuyện về những gì chúng ta đã làm? Có phải câu chuyện này nói về cháu không?” Bà ngoại của cậu bé ngừng tay và nói với đứa cháu: “Thực sự là bà đang viết về cháu đó, nhưng cây bút chì bà đang dùng để viết còn quan trọng hơn những chữ bà viết, cháu à. Bà hy vọng rằng khi cháu lớn lên, cháu sẽ giống như cây bút chì này.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
... Thường thường bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi ở đàng xa — đẹp đẽ, lôi cuốn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng để đi đến đó, điều gì sẽ xảy ra? Chung quanh nó sẽ có rất nhiều lối đi; những rừng cây sẽ chắn lối giữa bạn và mục tiêu của bạn; và những gì bạn thấy rõ ràng trên bản đồ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thực tế. Vì vậy, bạn phải thử hết những lối đi và những đường mòn, cho đến một ngày nào đó, bạn tìm thấy đỉnh núi mà bạn muốn trèo lên... [Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm] (...)
 
Từ đây trở đi — và suốt hàng trăm năm sau nữa — Vũ Trụ sẽ hỗ trợ những chiến binh ánh sáng và ngăn chặn những kẻ mang định kiến. Năng lực của Quả Đất cần được làm mới lại. Những ý tưởng mới cần không gian. Thân thể và tâm hồn cần những thử thách mới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021