thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trích nhật ký của một y tá

 

Bệnh viện ngày... tháng... năm...

 

Ba giờ chiều.

Phòng cấp cứu gọi khẩn cho hay sắp chuyển đến một ca chấn thương nguy kịch. Nạn nhân bị đâm sáu nhát dao ở vai, ngực và vùng bụng, trong đó có một nhát rất hiểm, xuyên từ bẹ sườn bên phải, lách qua buồng phổi, thấu tới tim. Mình quẳng miếng sandwich đang ăn vào tủ lạnh. Hai chân mình run run. Nạn nhân mười lăm tuổi. Theo tường trình thì vụ xô xát xảy ra trong trường học, ngoài toán cứu thương có ba cảnh sát viên mặc đồng phục đi kèm. Máu nhểu lốm đốm suốt dọc hành lang từ chỗ người ta khiêng nạn nhân ra khỏi xe hồng thập tự cho tới chiếc giường trong phòng cấp cứu dành cho những ca hiểm nghèo. Nhìn thây người trắng nhợt xanh lè, không mạch, không huyết áp, nếu gọi là còn nước còn tát thì cái thứ nước đen ngòm dậy mùi tử khí ấy đã ồng ộc ngập lún cả chiếc xuồng sinh mệnh của nạn nhân rồi.

Truyền dịch. Truyền máu. Đặt ống hô hấp. Đặt ống thoát hơi màng phổi. Mình làm việc của mình. Bác sĩ làm việc của bác sĩ. Nạn nhân ngoẹo đầu một bên, máu và nước dãi ri rỉ từ miệng. Lớp lông măng mờ mờ trên cánh tay còn thơm mùi sách mùi vở như những cọng cỏ yếu ớt non tơ vừa chui ra khỏi đất. “Mở lồng ngực,” bác sĩ ra lệnh. Xương gãy thây kệ. Bằng mọi giá phải cứu cho được trái tim. Máu từ lỗ thủng ở động mạch chủ phọt lên như cái vòi tung toé. Máu lênh láng đọng vũng dưới sàn, máu vấy bẩn đầy ngực áo mình. Kiểu này là chết. Chết chắc. Chưa có một ca mở lồng ngực nào sống sót trong cuốn nhật ký dày cui của bệnh viện.

 

Mình chẳng muốn nhớ gì nhiều. Mình cũng đã quên mặt chú bé. Điều duy nhất còn đọng trong mắt mình, mình không bao giờ có thể quên, là cảnh tượng trái tim nhỏ bằng nắm tay có hình dạng như trái xoài con con đang quặn lên những nhịp sau cùng trong cái lồng ngực tang thương ấy. Mình đứng kề bên nó. Mình nhìn nó. Nó nhìn mình. Nó thoi thóp. Nó phập phều. Nó trồi lên thụp xuống như một người sắp chết đuối giữa bốn bề sóng dữ để thốt với mình những lời cuối: “Tôi muốn sống. Tôi muốn sống. Tôi không có tội.” Mình đưa tay vạch mí mắt của nạn nhân. Trong đôi đồng tử nở lớn không còn phản xạ, mình đã thoáng thấy cái vạt áo chùng đen của thần chết phất ngang rồi.

Hai giờ sau người ta gói thi thể ấy lại và chuyển xuống nhà xác.

Một bà già lao công người Mễ đẩy xô nước và cái cây lau nhà, đứng tần ngần trước bãi “chiến trường” đầy máu. Thấy mình, bà ngước lên nói ngơ ngẩn:

“Máu nhiều dữ.”

Mình lặng thinh không trả lời. Bà hốt những thứ dây nhợ, lọ thuốc, túi dịch truyền, bông băng dơ bẩn ... tứ tung đầy dẫy trên sàn nhà, cho vào thùng rác. Bà hỏi nữa:

“Ai đâm nó vậy cô? Tại sao đâm? Cô biết không?”

Mình đáp:

“Tôi không biết. Tôi không biết gì cả. Không ai biết.”

Bà già cúi xuống cặm cụi lau chùi. Trong phòng cấp cứu không ai biết gì thêm về nguyên nhân của vụ án mạng. Những tiếng rù rì, hỏi ron hỏi ren chỉ nóng lên một tí ti rồi nguội xuống liền. Không ai có nhiều thì giờ. Những ca cấp cứu khác tiếp tục vô, hết người này tới ngưòi khác.

 

Cứ tưởng sau mười mấy năm trong bệnh viện quá quen với mùi chết chóc mình đã chai đá rồi, mình chẳng còn nước mắt để khóc một người dưng. Nhưng không phải vậy... Ruột mình như thắt lại từng cơn. Đầu óc mình trôi trôi trên những hành lang của bệnh viện, trôi xuống tận nhà xác, trôi theo bước chân của những cảnh sát viên với mớ giấy má hồ sơ, ra ngoài bãi đậu xe. Dẹp mẹ những thứ giấy tờ ấy đi. Mình muốn hét lên như vậy. Mình tưởng tượng rồi những ngày kế tiếp sẽ có những phiên toà đem ra cân đong nặng nhẹ. Mình làm gì được đây? Hay là mình sẽ xồng xộc xông vào phòng xét xử mà gào lên rằng tôi chẳng cần biết cái nhát dao ấy xuất phát từ đâu, cố sát hay ngộ sát. Tôi cũng chẳng màng cái lý lẽ của mấy ông luật sư bào chữa rằng sở dĩ xảy ra thảm trạng là do nạn nhân đã làm bậy một điều gì trước đó chớ không lẽ tự dưng ai đâm ai..., vân vân. Cuối cùng thì mình sẽ thộp cổ ông toà mà hỏi rằng ông có bao giờ nhìn thấy tận mắt một trái tim nhỏ như trái xoài con con, kiệt sức vì mất máu, đang ngắc ngoải những cái giãy sau cùng trong lồng ngực bị mở tanh bành của đứa trẻ mười lăm tuổi hay chưa. Nếu ông nhìn thấy thì ông chẳng cần phải phân xử ai phải ai quấy trong vụ này. Một trái tim của đứa trẻ mười lăm tuổi thì không bao giờ có tội. Tội gì bây giờ?

 

Bảy giờ tối.

Bệnh viện đã lên đèn. Người thăm bệnh ở các trại lục tục ra về. Bãi đậu xe thưa dần. Một y công nặng nhọc đẩy chiếc xe trên chất chồng những bao khăn lông, quần áo, drap giường dơ dáy của bệnh nhân đem xuống khu giặt tẩy sát trùng. Lẩn thẩn mình tự hỏi không biết trong những cái bao chật căng đó bao nào đựng những tấm khăn và drap bê bết máu hồi nãy.

Mình giao ca lại cho người y tá trực đêm. Không hiểu vẻ mặt mình lúc ấy thế nào mà người bạn ngước lên chợt hỏi: “Sao mặt mày buồn xo vậy? Có gì không?” Mình gượng gạo: “Không có gì.” Xong mình tảng lờ, cùng anh ấy kiểm tra lại thuốc men, sổ sách. Rồi mình đưa cho anh ấy cái bịch nylon đựng đôi giày, bộ quần áo và cái đồng hồ của nạn nhân: “Đây là vật dụng tùy thân của người chết hồi nãy. Anh coi ghi giấy tờ và chuyển xuống nhà xác dùm tôi. Từ chiều giờ tôi lu bu quá chưa làm kịp.” Người bạn lấy mảnh giấy ghi tên, số hồ sơ của chú bé, dán vào bao, rồi xách tới bỏ chung với những cái bao khác ở góc phòng. Anh nhìn mình mỉm cười: “Rồi. Xong. Về ngủ ngon nhé. Mai gặp.” Mình cũng mỉm cười đáp lại: “Cám ơn anh. Mai gặp.”

Mình xách giỏ cơm bước ra khỏi phòng cấp cứu. Nụ cười dễ dãi và cử chỉ thản nhiên của anh y tá ca đêm bỗng dưng khiến mình chột dạ, ủa, nãy giờ mình đã bấn loạn lên vì chuyện gì. Đã có chuyện gì ghê gớm đâu. Nhà thương mà. Người ta chết đành đạch như cơm bữa. Mình còn chẳng biết chú bé ấy tên gì và mãi mãi sẽ không bao giờ biết. Người ta chỉ gọi cái tên chung là “John Doe” trong những trường hợp như thế. Vậy mà bày đặt đòi ra cãi ngoài toà. Mà toà nào? Toà ở đâu? Lấy tư cách gì? Chẳng lẽ người ta ngồi đó để nghe lập luận của một người chẳng có dây mơ rễ má gì bảo rằng tôi thấy trái tim ấy nó giãy đập, nó bấu víu lấy sự sống, tôi xót quá, tôi chịu không nổi, tôi cam đoan rằng nó không có tội (!)

 

Một làn gió phất phơ nhẹ thổi. Một người đi ngược về phía mình hớt hơ hớt hải: “Cô. Cô chỉ dùm tôi khoa sản ở đâu vậy cô?” Mình trả lời. Người ấy chẳng biết nghe lọt lỗ tai được bao nhiêu, quýnh quáng vọt đi mất. Mình mỉm cười tiếp tục bước. Thì đó, đã bảo chẳng có sự gì ghê gớm xảy ra mà. Nhà thương thì... vậy thôi. Mình mở cửa xe, ngồi vào tay lái và tự nhủ mình sẽ còn trở lại ngày mai, ngày kia và thêm ba chục năm nữa, có lẽ chẳng nên quá nặng lòng với hàng chữ ghi trong quyển sổ trực của phòng cấp cứu: “15 year old male. Stab wound. Expired after unsuccessful resuscitation.”

 

11/2011

 

 

-------------

Đã đăng:

Bên kia  (truyện / tuỳ bút) 
... Đang cười nói vui vẻ bỗng nàng rùng mình lạnh rợn sống lưng. Sau lưng Thạch bụi từ từ bốc lên mù mịt. Một toán người rất đông không hiểu từ đâu bất thần xuất hiện êm như ru tiến về phía Thạch. Mặt họ bị che khuất sau màn bụi nên nàng chỉ nhìn thấy rõ nhất cái khoảng từ vai trở xuống và hình như đó toàn là những người lạ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021