thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi nhà trên đối thông

 

Ở một bàn đối diện, anh ta nhìn tôi; cái nhìn thẳng thắn, cái nhìn dễ chịu nữa là đằng khác. Anh ta rời chỗ, xem chừng đi vào toa-lét; nhưng không, anh ta sang ngồi chung bàn với tôi. Tách cà phê của anh ta vẫn ở trên mặt bàn đối diện; có thể anh ta đã trả tiền, để trước khi rời quán anh ta qua bàn tôi chào hỏi làm quen. Anh ta làm quen bằng câu hỏi: “Bạn đã bao giờ có ý định tự vẫn?” Anh ta hỏi tự nhiên, tôi cũng trả lời tự nhiên như vậy: “Một nghìn lẻ một lần rồi.” Đúng là anh ta đã trả tiền ly cà phê của anh ta. Tôi cũng trả tiền ly cà phê của tôi. Không phải tôi đã uống cạn ly cà phê, còn uống nước trà nữa chứ, nhưng vì anh ta rủ tôi về nhà. Chúng tôi từ quán đi thẳng về nhà anh ta, trên một đồi thông. Anh ta chỉ nói “nhà tôi ở trên đồi”, tôi phải hiểu đấy là đồi thông. Trái đồi nào ở thành phố cao nguyên này không là đồi thông? Ấy tuy nhiên cũng có thể một trái đồi nào đó là đồi trọc mà tôi chưa từng biết; hoặc giả tôi từng thấy rồi, lại quên mất tiêu.

Đấy là đồi thông ở giữa thành phố. Tôi đoán chừng trái đồi ở giữa thành phố, làm sao chính xác cho được. Trái đồi rộng rinh, uốn lượn gần xa hút mắt. Tôi chưa từng nhớ được một lối lên đồi để xuống lại lối đó, dù tôi chủ tâm ghi nhớ; một nghìn lẻ một lần như vậy. Tôi thừa nhận, sau thời gian ở trong trại tâm thần của quân đội, trí nhớ tôi lẫn lộn nhiều thứ. Ở trại tâm thần đó, não bộ của tôi bị chạy điện hàng ngày, ròng rã hai năm. Tôi thừa nhận bây giờ mỗi khi đi đâu về, tôi lộn ngõ vào nhà. Thuở thanh niên, Uyên và tôi từng lên trái đồi này mấy nghìn lần. Uyên thường dẫn tôi tới chỗ có loài cỏ bọng nước phình lớn ngộ nghĩnh; chúng tôi đùa nghịch ôm nhau lăn lộn, những cỏ bọng nước vỡ lốp bốp. Nhớ Uyên đã xa, mấy nghìn lần tôi lên đồi thông này cố tìm lại đám cỏ bọng nước. Không bao giờ tôi tìm thấy loài cỏ ngộ nghĩnh đó, kể cả thời gian tôi chưa bị đưa vào trại tâm thần. Tôi cũng không thể nhớ được vì sao tôi lại bị đưa vào trại tâm thần; không chừng trí nhớ của tôi lộn xộn từ thuở mở mắt chào đời, Uyên từng đoan chắc như vậy.

Ngôi nhà của anh ta... ồ, tôi đã từng biết. Trí nhớ của tôi lộn xộn tới mấy đi nữa, tôi cũng không quên ngôi nhà trên đồi thông này. Ấy tuy nhiên không bao giờ tôi có ý định tìm lại, dù ngôi nhà này là nơi tôi đã hôn Uyên lần đầu tiên; cũng là lần đầu tiên tôi hôn một phụ nữ. Ngôi nhà hoang phế từ thuở đó; Uyên nói, đây là nơi chứa dụng cụ chơi gôn của người Pháp từ thời thuộc địa. “Chẳng có ma nào buồn tới ngôi nhà này đâu, đấy là lý do tôi ở đây,” anh ta nói vậy. Tôi cũng nghĩ vậy; ngôi nhà đẹp nữa là đằng khác, hoang phế nhưng chưa hư hại gì hết; lớp rong rêu dày đặc xem chừng đã góp phần bảo vệ vững chắc ngôi nhà. Tất nhiên có thể ai cũng sẽ rờn rợn, nghĩ tới ma khi tới ngôi nhà này. Tôi sợ ma, dù rằng tôi tin tưởng ma dễ thương hơn người ta mấy nghìn lần; và từ thuở nhỏ tôi đã quá thích những con ma trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. “Khi mình thành ma, chắc chắn con-ma-tôi vẫn được ở đây một mình. Một con ma hoàn toàn cô độc, thú vị thật,” anh ta nói tiếp. Tôi nảy ý định vào một phòng trong của ngôi nhà, tìm chỗ anh ta ngủ, xem có treo một sợi dây thòng lọng nào không; tôi bị ám bởi cuốn phim La Vérité, với chàng tài tử Laurent Terzieff thủ vai nhân vật treo sợi dây thừng lơ lửng trước mặt giường nằm, hẹn với cái chết.

Anh ta dẫn tôi đi xem đây đó trong ngôi nhà. Nơi cư ngụ của anh ta khá tươm tất, rõ ràng anh ta ở đây lâu dài; nơi ở chính thức của một nhà văn, tôi đoán vậy khi thấy cái bàn dài rộng, sách báo để đầy một góc, tập giấy viết, ly tách bình uống trà, phin cà phê... khắp trên mặt bàn. Bức vẽ chân dung cô gái Nhật Bản tôi thấy quen quen, đặt trên mặt kệ khá lớn đựng sách và những vật dụng linh tinh khác. Tôi đã thấy bức vẽ này ở đâu? Anh ta nói: “Tranh của bạn tôi, Nhữ Đăng. Bạn tôi làm thơ viết văn là chính, thỉnh thoảng vẽ chơi ấy mà.” Tôi từng đọc thơ và truyện ngắn của Nhữ Đăng trên báo, in thành sách nữa; tuy nhiên tôi không thể nhớ là những sách báo nào. “Đây là bản chụp bức vẽ, bản chính thì bạn tôi đã tặng một thiếu phụ ở Thị Trấn Sương Mù. Nhữ Đăng đa tình, đã sáu mươi mấy tuổi rồi vẫn yêu đương tha thiết. Tôi kính trọng tình yêu của Đăng. Tôi đã nghe câu chuyện Đăng kể về thiếu phụ ở Thị Trấn Sương Mù. Cô ấy khước từ nhiều chàng trai ngỏ lời yêu thương; rồi lấy chồng, một chàng hoàn toàn không có gì đồng điệu với cô ấy; một người chồng khô khan cục mịch và bạc nhược. Tuy nhiên cô ấy vẫn giữ đức lý của người vợ trung trinh, tận tụy với tình nghĩa vợ chồng suốt mười mấy năm. Tất nhiên như vậy, với tâm hồn đa cảm, làm sao cô ấy không mệt mỏi, để không khát vọng một tình yêu chưa từng có trong đời mình. Sự tình cờ hay số phận, cô ấy đã gặp ‘chân dung tình yêu’...” Anh ta vừa nói tới đây, tôi vội hỏi: là Nhữ Đăng? Anh ta lắc đầu: “Tôi kể chưa hết ‘hồi một’ mà! Cô ấy gặp chàng này, cũng trạc tuổi Nhữ Đăng, cách đây đã ba bốn năm; Nhữ Đăng thì cô ấy mới gặp chưa đầy một năm. ‘Chân dung tình yêu’ của cô ấy cũng viết văn làm thơ vẽ tranh, cũng có nhiều người biết đến tên tuổi chàng này, Thận Trọng Sáng. Tôi không biết Thận Trọng Sáng là tên thật hay bút danh mà nghe kỳ lạ quá; Nhữ Đăng bảo đấy là cái tên anh chàng lẽ ra phải là như vậy, chứ chẳng phải tên thật hay bút danh gì hết. Bạn tôi diễn dịch nôm na: Thận Trọng Sáng là sáng danh trái thận có trọng lượng! Bởi vì thực chất anh chàng Thận Trọng Sáng này là một gã lường gạt, một tên rù quyến phụ nữ, lợi dụng để thỏa mãn cho trái thận quá lớn của mình. Anh chàng đã khá cao tay, giả danh trái thận là trái tim để đến với cô ấy; đến với người đã mang trái tim của mình hòa nhập với ‘chân dung tình yêu’.

Cô ấy không được học hành bao nhiêu, chưa hết bậc trung học cơ sở; nhưng cô ấy sâu sắc và hiểu biết hơn mấy nghìn lần những người đã được học hành đến nơi đến chốn. Cô ấy là một dạng thông tuệ bẩm sinh; ít nhất thì cô ấy cũng có một phần đáng kể của tố chất ấy, Nhữ Đăng nói với tôi như vậy...” Anh ta ngừng kể câu chuyện, đưa miếng giấy mềm mịn cầm sẵn trong tay, lau bụi mặt kính lồng bức vẽ cô gái Nhật Bản. Tôi hỏi: “Cô ấy nhận ra chân dung đích thực của chàng văn nghệ sĩ giả mạo, chấm dứt tình yêu với gã họ Thận; hết ‘hồi một’, sang ‘hồi hai’ gặp Nhữ Đăng?” Anh ta lại lắc đầu, cười nhẹ và nói: “Không đơn giản như vậy, câu chuyện ly kỳ gay cấn hơn nhiều. Nhưng sao bạn gọi Thận Trọng Sáng là ‘chàng văn nghệ sĩ giả mạo’? Bạn đã đọc thơ văn, xem tranh của chàng này rồi?” “Tất nhiên tôi đã đọc thơ văn của chàng này rồi, xem cả tranh vẽ nữa; chỉ là những thứ rác rưởi. Chàng này là một thầy thuốc quá ham chút danh văn nghệ mà cố-đấm-ăn-xôi. Trong một cái-gọi-là-bài-thơ, anh chàng cố chứng tỏ mình là một trí thức văn nghệ, lồng vào đó mấy nhân vật của phim La Strada. Anh chàng chú thích dưới cái bài thơ khỉ tiều ấy, rằng: ‘La Strada là cuốn phim đã ảnh hưởng cả một thế hệ chúng tôi’! Thế mới lố bịch, tức cười chứ. Không biết anh đã xem phim La Strada của nhà điện ảnh Ý Federico Fellini chưa. Đây là một cuốn phim rất hay, bảo là tuyệt tác phẩm của điện ảnh thế giới cũng xứng đáng. Nhưng bảo cuốn phim La Strada đã ảnh hưởng cả một thế hệ, thì nó chả ảnh hưởng tới một thằng cha nào hết. Tại sao cứ phải ảnh hưởng này nọ, thông điệp kia khác, mới đáng kể? Anh có thấy một cái trò bày đặt ngu xuẩn đến như thế là cùng? Anh chàng còn vẽ vời nữa, hết cóp nhặt người này tới phỏng theo người khác, vẽ không hơn đứa con nít không năng khiếu mà cứ bày đặt vẽ vời. Đúng như bọn trưởng-giả-học-làm-sang, thấy Paul Klee vẽ cá, anh chàng cũng vẽ cá. Bởi vẽ con cá quá dễ, mà vẽ con cá lại là cùng-hội-cùng-thuyền với danh họa thế giới Paul Klee!”

Anh ta gật đầu, tiếp tục câu chuyện: “Bạn tôi nói, dù cô ấy thông tuệ bẩm sinh, tinh tế sâu sắc, nhưng khi yêu thì lại là chuyện khác, chuyện của con-tim-mù-lòa. Yêu anh chàng này rồi, cô ấy có còn tỉnh thức gì đâu, để nhận ra một con heo trong anh chàng họ Thận. Có lẽ anh chàng mang mặc cảm một gã đàn ông yếu kém sinh lý, lại muốn khoe khoang thành tích chinh phục phụ nữ không thua chàng Casanova đáng nể; nên khi đưa được cô ấy lên giường, anh chàng đã lấy máy ảnh tự động để tự chụp ảnh chuyện đang làm, để có bằng chứng yêu đương! Cô ấy chỉ nhẹ nhàng bảo anh chàng xóa bỏ tấm ảnh. Anh chàng bảo xóa bỏ rồi, ‘Dọa em thôi, chứ anh đâu giữ lại chuyện chúng mình trong một tấm hình; anh giữ mãi trong trái tim thiêng liêng ấy chứ!’ Anh chàng họ Thận còn thề thốt thêm nhiều lời thề mật đắng chết người nữa, tất nhiên cô ấy tin tưởng đúng là anh chàng đã xóa bỏ tấm ảnh...”

Tôi bật cười, hỏi anh ta: “Bạn anh có đặt máy ghi âm lúc họ làm chuyện ấy à?” Anh ta cũng bật cười, nói: “Cô ấy đã kể lại hết cho bạn tôi nghe đấy chứ, từ khi cô ấy quen biết bạn tôi... Cô ấy nói, nếu gặp bạn tôi trước, thì đã không thể có chuyện gì xảy ra với anh chàng họ Thận. Từ lúc biết Nhữ Đăng, đọc thơ văn của Nhữ, cô ấy nhận ra ngay thế nào là văn nghệ đích thực; cô ấy bảo, văn nghệ của Thận Trọng Sáng chỉ như cái vẩy cá mà thôi.” “Và cô ấy chấm dứt với chân-dung-tình-yêu họ Thận?” Anh ta lắc đầu: “Bạn tôi nói, cô ấy rất trân trọng tình yêu. Cô ấy đã yêu anh chàng họ Thận, thì thơ họa của anh chàng có dỏm tới đâu chăng nữa, cô ấy vẫn yêu anh chàng như vậy. Cái chính yếu của tình yêu, cô ấy không đặt trên chuyện văn nghệ, dù cô ấy rất có tâm hồn văn nghệ.

‘Hồi hai’ của câu chuyện này chỉ xảy ra, khi tấm ảnh anh chàng họ Thận chụp, bị vợ anh chàng phát giác. Cô ấy chấm dứt tình yêu với anh chàng họ Thận không phải vì tấm ảnh bị phát giác, mà vì sự trốn chạy của anh chàng. Anh chàng đã không bảo vệ cô ấy, mà chỉ bảo vệ gia đình của anh chàng; năn nỉ vợ, thề thốt vẫn không ngớt yêu thương vợ, và bảo rằng chuyện của anh chàng với cô ấy không có ý nghĩa nào hết, ngoài một trò đùa, một cô gái qua đường!

Tình yêu của cô ấy bị xúc phạm; cô ấy thấy mình bị lường gạt trắng trợn. Cô ấy chấm dứt tình yêu với anh chàng họ Thận là như vậy.” “Và ‘hồi hai’ bắt đầu, với người bạn của anh, tất nhiên là như vậy?” Anh ta lại lắc đầu: “Lâu nay tôi không gặp lại Nhữ, tôi không thể biết gì hơn về câu chuyện người thiếu phụ ở Thị Trấn Sương Mù. Bạn tôi là anh chàng đại lãng tử mà; và cũng không ngoại trừ, Nhữ đã đi rất xa, tới một cõi nào khác.” “Bạn anh có thể đã tự vẫn?” Anh ta gật đầu.

Anh ta bảo tôi vào một phòng trong của ngôi nhà để uống cà phê. Cửa sổ căn phòng mở ra một bụi cây dã quỳ, hoa nở vàng ngây ngất. Trong căn phòng chỉ có mấy tấm gỗ thông xẻ mỏng đặt sát cạnh bằng phẳng, trải chiếu cói, chiếc gối đặt ngay ngắn ở một phía đầu chiếu; chắc đây là chỗ ngủ của anh ta, nhưng tôi không thấy chiếc mền nào hết. Tôi hỏi anh ta ngủ không đắp mền hay sao; anh ta lắc đầu, nói: “Tôi chỉ cần nằm xuống, duỗi thẳng chân tay là đủ. Tôi nghỉ ngơi thư giãn chứ không ngủ gì hết, cứ thức trắng đêm như vậy thôi.” “Từ bao giờ?” Anh ta nói, đã hơn hai mươi năm.

Lúc xuống khỏi đồi thông, bước chậm trên con đường song song bờ hồ giữa thành phố cao nguyên, trí nhớ của tôi về một vài nhân vật tôi đã gặp trong cuộc sống, bất chợt hiện ra: Nhữ Đăng không phải là bạn của anh ta, mà là chính anh ta. Tôi từng nghe ai đó nói, Nhữ Đăng là người không ngủ đã hơn hai mươi năm, nhưng sức khỏe vẫn bình thường. Lúc đó tôi cũng nhớ ra bức vẽ cô gái Nhật Bản; bản chính của bức vẽ treo trong một quán cà phê ở Thị Trấn Sương Mù. Có lẽ người thiếu phụ mà anh ta nói tới, cô-bạn-của-Nhữ-Đăng, tôi cũng đã gặp trong quán ấy.

 

Cuối tháng 11.2011

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021