thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những mặt vua ở nhà ông Nghiễm

 

 

Từ mấy năm nay, thỉnh thoảng vài tháng tôi ghé thăm ông[*] một lần. Ông bằng tuổi cha tôi, ban đầu tôi gọi ông là chú, xưng cháu, nhưng về sau ông cho phép tôi được gọi là anh, và xưng em. Ngày ông thành danh thì tôi còn bé tí; tôi bắt đầu làm quen với những cuốn sách ông viết khi tôi đã là một cậu thanh niên, vào lúc gần như mọi tác phẩm của nền văn học miền Nam cũng đành[**] chịu cảnh lui vào bóng tối của một thời quá vãng như những tác giả đã viết ra chúng. Ông chịu chung hoàn cảnh khắc nghiệt với những bạn văn nghệ cùng thời của miền Nam; và họ cùng biến mất, hay nói đúng hơn là bị “hư vô hoá”, không ai nhắc nhở đến, như thể họ chưa từng hiện diện.

Ông ít tiếp khách. Tôi thảng hoặc ghé thăm ông vào buổi chiều, rồi tà tà ra vỉa hè góc đường Đặng Văn Ngữ ngồi uống mỗi người hai chai bia Sài Gòn đỏ, chờ khi trời vừa sụp tối, đèn đường thắp lên, thì về.

 

 

Nhà ông trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sĩ, gần khu nhà thờ Ba Chuông. Lần đầu khi tôi đến nhà ông chơi, ông bảo, “Cậu ngồi xuống đây chờ tôi chút nhé.” Ông với tay bật quạt máy rồi chỉ vào một trong bốn chiếc ghế gỗ được đặt sát tường của căn phòng khách hẹp. Tôi ngần ngại không dám ngồi xuống. Tôi ngần ngại không phải vì khép nép giữ lễ với ông, tuy rằng điều đó cũng là một lý do, nhưng không chỉ có thế. Điều làm tôi chưa dám ngồi xuống theo lời ông là ở những chiếc ghế, đúng hơn là ở mặt và lưng của những chiếc ghế, có tám cái chân dung được vẽ bằng sơn mài. Tám gương mặt như những gương mặt của các diễn viên được hoá trang trong các tuồng tích hát bội. Những gương mặt nếu không của vương thì cũng của tướng. Chúng chăm chăm nhìn tôi, đầy đe doạ.

Ông bảo, “Sao, ngồi đi chứ!”

“Dạ.” Tôi khẽ sờ vào gương mặt trên lưng ghế, rồi mặt ghế. Chất sơn mài trơn láng, lành lạnh. Bốn chiếc ghế trông khá giống nhau, nhưng nhìn kỹ thì chúng có bố cục khác nhau ở phần lưng ghế; hai chiếc có gương mặt theo chiều thẳng đứng, hai chiếc còn lại thì hướng về hai phía ngược nhau.

Tôi vẫn còn ngại, ngại lắm. Ai lại cả gan, bất kính dám đặt mông lên cái gương mặt đầy vẻ trấn áp tinh thần ấy bao giờ. Dẫu sao, mình là phận dân, dân đen. Dẫu sao, họ cũng là vương, là tướng, tuy là vương tướng trên mặt ghế. Tôi chưa từng làm một điều gì táo bạo tương tự như thế.

 

 

Ông ấn nhẹ lên vai tôi. Theo đà tay ông, tôi rón rén ngồi xuống, nhè nhẹ, sợ làm đau cái mặt nằm dưới mông. Trong thoáng chốc, tôi tưởng tượng nó méo đi, hay khẽ nhăn lại một chút vì trọng lượng của cơ thể tôi. Chắc đôi mắt của nó đã đổ hung quang vì giận dữ. Chắc nó sắp gầm lên thét bảo quân lính lôi tôi ra chém đầu vì tội phạm thượng, khi quân. Chắc cái tay đanh ác nằm sau lưng tôi sắp há miệng ngoạm tôi một cú rách thịt đổ máu để đời. Tôi có cảm giác như hai hàm răng có những chiếc sắc lẻm, cáu bẩn và đầy nọc độc đang cắm vào lưng mình.

Dường như đọc được những cảm xúc và ý nghĩ của tôi, ông Nghiễm cười, nụ cười thoáng qua thật nhanh, hóm hỉnh, “Cũng có lúc nên ngồi lên mặt vua để thấy như thế nào chứ? Và thiết lập lại lẽ công bằng, hả?”

“Dạ.” tôi đáp. Mông tôi mát và êm, lưng tôi vững và thoải mái; chúng an toàn, rất an toàn. Nhưng này, có nên đặt tên cho chúng – những mặt vua ấy – hay không? Chắc là không cần đâu.

 

 

Bạn hỏi tôi, Sài Gòn có gì ngộ không?

Có, có chứ. Có những mặt vua ở phòng khách nhà ông Nghiễm.

 

NAM ĐAN
Dallas, 26/10/2011

 

_________________________

[*]Ông Nghiễm: nhà văn Dương Nghiễm Mậu.

[**] Cũng đành: nhan đề một tập truyện của Dương Nghiễm Mậu.

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021