thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nơi chốn của những người vắng mặt

 

I. Công viên

Một công viên xa lạ. Rất xanh lá, cỏ, và trời. Nắng rực rỡ. Những lối đi lót đá. Tôi bước không tiếng động. Nhẹ hẫng. Không một cảm giác về trọng lượng cơ thể, chừng như đang bơi trong khoảng chân không. Mấy con hải âu lướt ngang đầu, kêu quang quác vô nghĩa. Có tiếng trẻ con chạy reo bên kia hàng trắc bá. Tôi tiến về phía đó.

Dưới bóng mát những tàn cây là những băng ghế dài kiểu cổ xưa. Lố nhố người già ngồi trên đó, đầu cúi gầm, khuôn mặt khuất sau những trang báo mở rộng. Lũ trẻ con đứng hoặc nằm trên bãi cỏ, im lặng. Không một chuyển động. Không một âm thanh nào cất lên. Những hình nhân bằng sáp. Lạnh lẽo. Vô cảm. Một cõi không có thực ư? Tiếng trẻ con chạy reo đâu rồi. Có thể nào chỉ là ảo giác?

Mấy giờ rồi? Tôi tự hỏi. Giá như có một cái mốc, một điểm tựa nào đó! Giá như tôi bắt được một điểm xác định, bất cứ điểm nào, trong thời gian để dò tìm sự thực. Ngươi là ai? Từ đâu đến đây? Muốn gì? Đây là đâu? Bây giờ là lúc nào trong cuộc sống của ngươi? Có phải ngươi đang sống?

"Thưa ngài, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Khuôn mặt vẫn khuất sau trang báo. Chiếc mũ da đắt tiền không chuyển động. Tôi không thể biết tôi nói bằng ngôn ngữ gì, nhưng tôi biết thứ ngôn ngữ tôi nói có thể diễn đạt ý muốn của tôi, và tôi tin rằng ai cũng hiểu.

"Thưa ngài, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Im lặng tuyệt đối. Bất động tuyệt đối. Tôi đọc trộm những hàng chữ trên trang báo quay về phía tôi. Dù không thể xác định được ngôn ngữ nào, tôi vẫn hiểu tất cả những gì in lên giấy. Một vụ giết người ghê rợn. Máu. Chất nổ. Sự tẩu thoát. Một cuộc liên hoan chào mừng tân lãnh tụ chính trị. Diễn văn. Rượu. Lời ca tụng. Một quái thai ra đời. Sự hiếu kỳ. Người mẹ. Niềm thất vọng. Một thiếu nữ xinh đẹp tự tử. Tình yêu. Ghen. Sự phụ rẫy. Một ngôi sao màn bạc vừa nhận giải thưởng. Tiền. Danh vọng. Đám đông ái mộ. Một chiếc tàu bị đánh đắm. Lửa. Súng đạn. Chiến tranh. Một hiệp ước quốc tế được ký kết. Từ ngữ. Trò bịp bợm. Sự rỗng tuếch.

"Thưa ngài, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Tôi lập lại. Lải nhải. Sự rỗng tuếch mở rộng trong tôi. Choáng váng.

"Bạn nhỏ ơi, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Đôi mắt xanh trong suốt. Hàng lông mi vàng hoe dài và đẹp lạ thường. Sức sống. Tuổi hồn nhiên. Đường tương lai vượt những chân trời. Niềm thơ ngây trao nhận tình người bao la không nghi ngại.

"Bạn nhỏ ơi, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Màu xanh trong làm nhớ đến những hòn bi ve thời thơ ấu. Những hòn bi trong ký ức xoay xoay. Đôi mắt sáng ngời sao vô hồn, không chớp?

"Bạn nhỏ ơi, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Cái gì đang mở rộng. Không gì cả. Chỉ có sự mở rộng. Tôi rơi vào trong đó. Hun hút sâu. Những mắt bi ve lạnh lùng. Những hoe vàng cỏ khô đồng cháy nắng. Những chân trời rất xa tín hiệu rạc rời không gửi tới. Môi tê khô lải nhải vụng về.

"Thưa bà, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Những sợi tóc trắng lấp lánh bạc. Người mẹ khả kính. Vầng trán thời gian mặt trời mặt trăng cày những luống âu lo. Tấm áo len dở dang giữa hai bàn tay khẳng khiu, đôi kin đan lặng nghỉ. Những mùa đông rất dài trong đời. Những mùa hè rất ngắn, không đủ thời giờ sưởi ấm đôi vai.

"Thưa bà, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Tóc bạc trắng màu tơ nhân tạo. Đâu rồi những tháng năm niềm ân cảm chứa chan? Những trẻ sơ sinh ra đời. Những dòng sữa. Hơi ấm vòng tay. Những tình người trời cho rất trong vá rất trắng. Những lời ru. Những khúc nhạc hành quân. Những chia tay đau đớn ngọt ngào. Những trở về căng ngực yêu thương.

"Thưa bà, thứ lỗi cho. Tôi muốn biết bây giờ là mấy giờ..." Khoảng trống khôn cùng. Đường rơi không giới hạn. Tĩnh vật. Những hình khối. Những khung cửa khép. Cuộc sống ở bên kia. Lẩn khuất. Niềm bí mật. Ngôn ngữ không còn là tín hiệu. Điểm tựa ở nơi nào?

Tôi quay trở lại. Mấy con hải âu lướt ngang đầu, kêu quang quác vô nghĩa. Không một cảm giác về trọng lượng cơ thể, chừng như đang bơi trong khoảng chân không. Nhẹ hẫng. Tôi bước không tiếng động. Những lối đi lót đá. Nắng rực rỡ. Rất xanh lá, cỏ, và trời.

Phía sau lưng, có tiếng trẻ con chạy reo. Bên kia hàng trắc bá.

 

II. Thành phố

Tôi bị cuốn theo dòng người cuồn cuộn tuôn về mọi phía. Những bộ y phục kiểu rất mới. Những toà nhà chọc trời che rợp thương khung. Những ô không gian đặc quánh. Lượng tiếng động vượt giới hạn giác quan đồng nghĩa niềm im lặng. Những chiếc hộp, những khối sắt lầm lì chuyển động. Những điểm đến định sẵn. Những con số chính xác. Sự sống đồng nghĩa sự chết.

Mọi ngày là ngày hội. Con người chào hỏi nhau lịch sự, ân cần. Những bàn tay siết chặt nhau. Giọng nói tự tin. Cử chỉ gọn gàng. Nhân ảnh trên đường phố và nhân ảnh trên những tấm bích chương không thể nào phân biệt. Những màu da không thể nào phân biệt. Những cá tính không thể nào phân biệt. Sự đồng nhất độc đáo. Cái chung đồng nhất với cái riêng. Tôi trở thành biểu tượng.

Đây rồi một khuôn mặt rất quen. Bất cứ khuôn mặt nào. Sự đồng nhất. Tôi mở môi, không một tiếng nói. Cố gắng. Vô ích. Dòng người xô đẩy cuốn đi. Tất cả những khuôn mặt đều rất quen. Tôi tìm thấy tôi trong đó.

- Chào bạn, mạnh giỏi chứ?

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Còn bạn?

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Trời hôm nay tốt đấy chứ nhỉ?

- Đúng thế, không tệ lắm...

Thành phố có ba triệu người. Trong một giờ có ba mươi triệu cuộc đối thoại lịch sự và ân cần diễn ra như thế. Không vất vả. Không cần suy nghĩ. Không ngộ nhận. Ngộ nhận là kẻ thù của hạnh phúc. Nền tảng của hạnh phúc là sự cảm thông. Sự cảm thông làm nẩy sinh tình yêu, tình người, tình bạn. Hạnh phúc cũng cần sự đồng nhất. Không phải thế sao? Những dị biệt chỉ tạo nên tranh chấp, bất hoà. Hạnh phúc chỉ có thể yên ngủ trên những thói quen. Con người không thể chợp mắt trên chiếc gối kẻ khác, dưới mái nhà xa lạ. Khi khủng bố và bạo sát là những điều xảy ra hàng ngày, hạnh phúc cũng cần những thứ đó. Đầu tựa trên chiếc gối mềm, dưới mái nhà mình, nghe đài phát thanh loan tin khủng bố và bạo sát ở một nơi nào đó, chẳng phải ta cảm thấy hạnh phúc hơn sao? Một ngày không được nghe, không được đọc một tin giết chóc là một ngày lạ thường. Cuộc sống lạc nhịp.

- Chào bạn, mạnh giỏi chứ?

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Còn bạn?

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Trời hôm nay tốt đấy chứ nhỉ?

- Đúng thế, không tệ lắm...

Đây rồi một khuôn mặt đáng yêu. Tôi thoáng bắt gặp màu xanh những mùa quá khứ. Mùa cổ tích. Mùa huyền thoại. Ai nắm giữ được màu xanh? Màu xanh tự nó hiện hữu, không đậu bám trên những trục không-thời. Màu xanh chân thực không nương tựa vào những lịch sử được viết sẵn.

Tôi cố gắng chen lách giữa những thân người di chuyển ngược xuôi, tiến về phía cô gái trẻ. Không thể nào nhớ nổi tên nàng. Mỗi khuôn mặt người đòi hỏi một tên gọi. Thành phố không tước đoạt ký ức con người, chỉ tước đoạt tất cả kỷ niệm, mà những tên người nằm trong vùng kỷ niệm. Tôi nhìn nàng. Mở môi không thành tiếng. Hãy cho tôi kỷ niệm. Hoặc những mẫu tự, những con số, những ký hiệu nào đó dịch được thành kỷ niệm. Hãy cho tôi một tên gọi chính xác về màu xanh tôi thoáng gặp trên khuôn mặt đáng yêu. Tôi nhìn vào mắt nàng. A, B, C, D, ...Z. Không thể nào có tên gọi cho màu xanh cổ xưa êm ái ấy. Màu mắt trong phản chiếu màu trời. Màu trời trên những màu biển mênh mông nắng chói. Khi tất cả con ngươi đều nhuốm bóng tối, phép lạ nào khiến nàng còn giữ được khoảng thiên thanh?

Nàng nhìn tôi với đôi mắt mỉm cười. Rồi bất giác lùa một bàn tay vào mớ tóc đen óng ả sau gáy cổ.

- Chào bạn, mạnh giỏi chứ?

Nàng nói. Tôi mở môi, không một tiếng thốt ra. Ngỡ ngàng, luống cuống. Đôi mắt nàng vẫn mỉm cười. Trong một khoảnh khắc đứng lặng của thời gian, tôi chợt thấy bàn tay mình nhấc lên, vòng qua sau gáy cổ. Một chốt lên dây thiều tự bao giờ nằm đó. Tôi xoay nhẹ mấy vòng. Ngực run lên niềm kinh ngạc.

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Còn bạn?

Môi tôi mấp máy. Những âm tiết phát ra gọn gàng, chính xác, tự tin. Ngữ nghĩa là gì? Tôi hoàn toàn thua cuộc. Tiếng nói của kẻ lạ mặt nào thốt qua miệng lưỡi tôi. Chốt dây thiều xoay xoay sau gáy cổ.

- Tôi mạnh giỏi, cảm ơn. Trời hôm nay tốt đấy chứ nhỉ?

Nàng nói. Khoảng thiên thanh vụt khép. Bóng tối phủ con ngươi. Đâu rồi mùa cổ tích? Đâu rồi mùa huyền thoại? Những mùa xưa?

- Đúng thế, không tệ lắm...

Người lạ mặt trong tôi trả lời. Ân cần, lịch sự. Rồi chúng tôi chia tay.

Dòng người cuồn cuộn tuôn về mọi phía. Những bộ y phục kiểu rất mới. Những toà nhà chọc trời che rợp thương khung. Những ô không gian đặc quánh. Lượng tiếng động vượt giới hạn giác quan đồng nghĩa niềm im lặng. Những chiếc hộp, những khối sắt lầm lì chuyển động. Những điểm đến định sẵn. Những con số chính xác. Sự sống đồng nghĩa sự chết.

Màu xanh đã chết.

 

III. Chuyến tàu

Một sân ga vắng người. Những đường sắt đen đủi, bằn bặt câm với vẻ lãnh đạm ghê rợn, trải tít tắp ngoài giới hạn của tầm mắt. "Cuối cùng rồi ai cũng phải ra đi", tôi tự nhủ. "Dù không biết sẽ đi về đâu". Tôi dự tưởng một chuyến tàu trong phút chốc sẽ đến. Nó phải đến để đưa tôi -- kẻ cuối cùng của thành phố -- ra đi. Tôi đã sẵn sàng.

Bên kia dãy tường đá thấp, những cao ốc trống hoác đứng chết lặng trần truồng dưới khối mây nhuốm bụi than không chuyển động. Không một con người và sinh vật nào còn lại. Không cả một hơi thở của gió. Chữ nghĩa cũng không còn tồn tại. Tất cả bảng chỉ đường đều trơ một nền trắng. Con người đã tháo gỡ tất cả từ và ý để mang về một thế giới khác. "Thế giới nào?" Tôi tự hỏi, và thấy mình rơi vào vô hạn.

Ngay lúc ấy, con tàu lầm lũi đến. Máy nổ không nghe tiếng, chỉ nghe những đường sắt lập cập rung chuyển. Rồi con tàu dừng lại. Những cánh cửa sắt đồng loạt mở ra. Tiếng kim loại rít ken két. "Mình sẽ đến một thế giới khác", tôi tự nhủ. "Mọi người sẽ gặp nhau ở đó". Thong thả bước vào khoang tàu, tôi cố hình dung một nơi chốn thật yên ả, sạch, và đẹp -- một nơi chốn nào đó cũ xưa hơn mọi quá khứ và mới mẻ hơn mọi tương lai. Tôi muốn chia sẻ với bất cứ ai về ý nghĩ đó, nhưng không tìm thấy một ánh mắt người.

Những cánh cửa sắt đồng loạt khép lại. Con tàu lướt tới. "Vĩnh biệt. Xin chào cuộc hành trình đầu tiên về một thế giới mới". Con tàu bứt thoát những cánh tay vô hình của không và thời gian. Tôi hiện hữu trên vận tốc.

"Hãy thử tưởng tượng đến ngày mai, giờ bình minh, khi con tàu đã dừng lại, cuộc hành trình đã kết thúc", tôi tự nhủ. "Một thế giới khác sẽ được tìm thấy. Nơi đó, mỗi đêm là kỷ niệm và mỗi ngày là niềm hy vọng. Nơi đó, không gian được đo bằng khoé nhìn của mắt, và thời gian bằng nhịp đập của tim". Con tàu hân hoan lướt về phía trước.

"Hãy thử tưởng tượng đến thế giới đó", tôi tự nhủ. "Nơi từ thành một với ý. Nơi sự yếu đuối được tôn vinh. Nơi không còn lịch sử mà chỉ có những chuyện tình. Nơi mọi con người đều hiển thánh". Những vòng bánh nhẹ hẫng cuốn tôi vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy mình biến thành nhân loại, mỗi người đều là tôi, ngồi chen chúc tựa vào vai nhau ấm áp những khoang xe. Hít thở. Nói cười. Trước mặt là sự sống. Một bầu trời rất xanh đang mở rộng. Một thế giới đang nở hoa, từng nụ, từng nụ, theo khoảng cách ngắn dần.

Đột nhiên tôi cảm thấy mọi khoảng cách đều là hư tưởng. Khởi thủy đồng nhất với chung cuộc. Tốc độ tuyệt đối đồng nhất với sự bất động. "Phải chăng hành trình này không có thực? Và tôi đã chẳng bao giờ ra đi?" Tôi choàng dậy, thảng thốt. "Và phải chăng thực sự không còn thế giới nào khác để đến?" Một màu trắng lạnh lùng, đặc quánh dán vào những ô cửa kính.

Nhân loại vụt biến mất khỏi khoang xe. Những băng ghế trơ trọi. Màu trắng chiếm hữu mọi giác quan tôi. "Có thể nào trên những băng ghế trống kia thực sự không có những con người như tôi, những kẻ đồng hành, đang ngồi đó? Hay phải chăng mỗi con người đều chỉ có thực trong cõi riêng của mình, hoàn toàn vô hình trước nhãn quan khách thế?" Tôi nhắm mắt lại và thấy chính mình không còn nữa.

Chỉ còn sự trong suốt, và niềm im lặng tột cùng. "Thực sự chỉ có một thế giới để sống. Và một con tàu chưa bao giờ lăn bánh".

 

-------------------------------------------------------

Truyện ngắn này được in lần đầu trong tạp chí Tập Họp số 3 (1988). Sau đó, truyện được in lại trong hợp tuyển Hai mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại, 1975-1995 (California: Đại Nam, 1995).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021