thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bay đi, những thiên thần ngái ngủ!

 

Vợ chồng anh Quang tôi từ Mỹ về thăm nhà tuần trước và ở lại cho tới qua tết Dương lịch. Chị Diana là người da trắng; sống với chồng, yêu chồng, chị học và biết nói tiếng Việt khá giỏi, cho dù giọng lơ lớ. Họ lấy nhau được hơn chục năm, có một cô con gái. Mỗi hai năm họ về Việt Nam một lần thăm gia đình.

Tình cờ, trong bữa ăn họp mặt gia đình bên ngoại, lần đầu anh gặp đứa cháu gái là Ngân; Ngân bảo, “Có thể cái áo mà cậu Quang đang mặc là do con thêu và may đấy.” Anh Quang đang mặc chiếc áo Polo màu đỏ, trên ngực áo có thêu hình ba thiên thần bay lượn, thổi sáo, ca múa, vinh danh Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, biểu tượng của lễ Giáng sinh.

Mọi người ngạc nhiên, nhưng qua lời giải thích của Ngân về các chi tiết trên chiếc áo thì quả thật hợp lý, có lẽ đúng là Ngân có góp tay vào việc sản xuất ra chiếc áo thật. Ngân đang là thợ may cho một công ty may mặc, công ty này chuyên may gia công cho một hãng hàng hiệu nước ngoài; lòng vòng sao loạt hàng áo thun này được bán vào thị trường Mỹ rồi tới tay chị dâu tôi mua cho chồng. Khi nghe Diana nói chị mua chiếc áo một phần vì thấy nó made in Vietnam và một phần do giá cũng khá rẻ, giảm giá rồi là 37 đô-la, Ngân le lưỡi nói, “Giá của nó bằng cả một tuần lương của cháu, vậy mà mỗi ngày cháu phải cặm cụi may, lắp ráp, hàng chục cái như vậy.” Ngân nói đùa tiếp, “Mặt hàng này được may từ hồi đầu năm, nhóm thợ may bọn cháu gọi nó là mặt hàng ‘những thiên thần ngáp’ hay văn hoa là ‘những thiên thần ngái ngủ’, vì khi phải hoàn thành để giao hàng bọn cháu phải làm thêm giờ, phải thức đêm suốt, trắng mắt ra để làm cho kịp thời hạn, lúc nào cũng trong trạng thái thèm ngủ, lúc nào cũng muốn ngáp, nên đùa đặt tên nó là vậy.”

Câu nói đùa của Ngân chỉ làm cho mọi người ái ngại. Anh Quang nói, “Thế giới bây giờ bé xíu như cái làng ta ở ngoài quê thôi, chứ không còn rộng mênh mông như ngày xưa nữa. Với kỹ thuật hiện đại, qua internet, thì ai cũng có thể có thông tin và liên lạc được với nhau dễ dàng, dù là đang ở mãi tận đâu đâu xa xôi. Chuyện cháu Ngân gặp lại chiếc áo mình may là hệ quả của tính toàn cầu hoá của thế kỷ này. Nhưng chuyện này muốn nói cho rõ thì dài dòng lắm.”

Mọi người há hốc nghe anh nói nhưng chẳng ai hiểu cái toàn cầu hoá là cái mốc xì gì. Cậu Toàn — em của mẹ tôi, ở ngoài Bắc vào, hiện làm công nhân cao su ở Bình Phước — nói, “Cái gì mà toàn cầu với bán cầu, cháu nói mà cậu không hiểu. Toàn cầu gì mà giai cấp, mà bóc lột đến thế cơ à? Lòng nào mà mặc cái áo bằng cả nửa tháng lương cực khổ của người ta. Nhìn Quang béo tốt như thằng Tây thực dân, hay như các ông cộ ở trung ương thấy trên ti-vi, chả bù với dân đen cạo mủ cho nông trường như cậu. Nếu cháu mà cũng ở ngoài quê thì cũng gầy còm như mọi người thôi.”

Liễu — chị họ của anh em tôi, mẹ của Ngân — đỡ lời, “Cậu Toàn nói thế chứ xa quê như em Quang thì chắc phải khổ lắm. Mình chỉ bỏ Quảng Bình vào Nam sống thôi mà đã khắc khoải thương nhớ ngoài ấy như thế nào, huống chi xa quê hương thăm thẳm! Kẻ xa quê hương thì giống như các ông thiên thần kia, đầu chưa tới trời, chân không đụng đất, cứ bay lơ lơ lửng lửng ở chốn không đâu. À, mà tôi không biết thiên thần là như thế nào cho mãi tới khi dọn vào Nam sống; trước đó, khi còn sống ở ngoài ấy thì chẳng thấy hình ảnh các thiên thần bao giờ. Có đôi lần, khi bà còn sống, nghe bà kể nhưng không thể hình dung ra được là mấy cậu bé bụ bẫm mũm mĩm như thế .”

Cậu Toàn, “Nói vậy cho vui thôi, chứ tao biết nó khổ lắm chứ. Chén cơm xứ người là chén cơm chan nước mắt. Vừa nhớ nhung quá khứ vừa lo vun đắp cho tương lai, nhưng rồi thì cũng ổn. Chỉ tội ông bà không còn sống để thấy cuộc đời con cháu thay đổi như thế nào. Mà chỉ chúng mày thay đổi thôi, chứ đời tao thì coi như xong rồi.”

Từ chuyện những thiên thần trên áo vượt đại dương, làm một vòng du lịch, rồi về lại trước mắt người may ra nó, đề tài trong buổi tiệc thay đổi, mọi người thay nhau kể lại một giai đoạn lịch sử của gia đình mình. Chuyện các cậu dì kể như sau:

Quê ngoại tôi ở Quảng Bình. Vào thời gian diễn ra cuộc di cư vào Nam thì ông ngoại tôi chỉ mang được 3 người con theo, trong đó có mẹ tôi, còn bà ngoại và ba người con còn lại và cả gia đình đều bị kẹt lại. Đất nước chia đôi, từ đó bặt tin nhau mãi cho đến sau năm 75 mới bắt lại được liên lạc. Đời sống xô đẩy, trong này ông ngoại còn trẻ, không chịu được đời sống cô quạnh nên lập gia đình mới, trong khi đó ở ngoài kia bà ngoại và những người còn lại sống một đời sống bi thảm, cùng cực. Từ đó tới cuối đời, bà sống như một người goá bụa, còn chồng mà không tăm tích, goá bụa non. Vì là gia đình có chút đất đai, lại theo Công giáo, lại có chồng vượt tuyến vào Nam, bà ngoại bị chính quyền mang ra đấu tố, may mà không bị giết, nhưng các cậu dì tôi và con cái của họ bị liệt vào thành phần xấu, bị nghi kỵ là có dính líu tới phản động, không có cơ hội tiến thân trong xã hội. Không có ai trong họ được vào đảng; thậm chí khi còn là thanh niên, cũng không có ai được vào đoàn; không có cơ hội học cao hơn cấp hai; không được nhận vào bộ đội, chỉ đi dân công khi địa phương có nhu cầu; họ chỉ là những nông dân hợp tác xã nghèo, thất học, không có chút vai vế trong làng xã.

Chính quyền gây đủ khó khăn cho người Công giáo, mọi sinh hoạt tín ngưỡng đều bị theo dõi và cản trở, thậm chí còn bị đe doạ đàn áp nếu không chấp hành. Bức tượng chúa Ki-Tô chịu nạn trên thánh giá bằng thạch cao được bà tôi lén bỏ xuống ao, còn số kinh sách, trong đó một bức ảnh nhỏ mô tả đêm đông ở hang Bê-lem gồm có Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ, vợ chồng Giu-se, Maria, và ba thiên thần bay chầu quanh, thì bà mang chôn cạnh bụi tre trong góc vườn.

Vậy là không còn nhà thờ, không còn linh mục chăn chiên, không còn kinh sách, chỉ còn Chúa ngự trong trí nhớ và lòng thương khó của tín đồ. Với những người trẻ như thế hệ của chị Liễu, thì lễ Giáng Sinh là điều gì xa lạ, khó hình dung được, ngoài những chi tiết chính được nghe bà tôi kể lại, như Chúa Hài Đồng ra đời trong nghèo khổ, và được cha mẹ mang đi lánh nạn. Liễu nghĩ đơn giản, ông Giu-se và bà Maria mang chúa Giê-su đi lánh nạn cũng giống như bố mẹ chị gánh hai đứa em, mỗi đứa trong một cái thúng treo trên đầu đòn gánh, lên núi tản cư lánh bom Mỹ vậy.

Có lần, bà tôi kể cho các cháu chuyện đêm Giáng sinh, các thiên thần bay quanh máng cỏ Chúa Hài Đồng, nhưng Liễu và các cháu bà phản đối, không tin rằng có những thiên thần như vậy, chắc bà già rồi nên nói lẫn. Hình ảnh các thiên thần là một khái niệm xa lạ, những đứa cháu của bà không thể hình dung ra cảnh tượng những em bé bụ bẩm xinh đẹp, có cánh như chim, có thể bay lượn trên trời, thổi sáo, ca múa để vinh danh Chúa Hài Đồng như thế nào. Cũng dễ hiểu thôi, thần thánh trong các chuyện Tàu cạnh bên cũng còn là hiếm thấy, huống chi là thiên thần trong tranh vẽ của các hoạ sĩ những thế kỷ trước tận bên trời Tây. Ở quê ngoại thời trước 1975 là thời các thiên thần vắng mặt!

Liễu kể, “Có lần tôi và bọn trẻ hỏi bà, ‘Bây giờ các thiên thần đang bay ở đâu vậy bà?’ Bà bảo, ‘Họ không bay trên trời, mà đang ở dưới đất?’ — ‘Sao có khi bà bảo thiên thần bay trên trời? Chắc bà lẫn rồi!’ — ‘Tiên sư chúng mày, lẫn sao được mà lẫn, bà già nhưng chưa lẫn. Tao còn nhớ nếu không ở dưới đất thì ở dưới ao! Nhưng nói khẽ thôi, kẻo chết.’ nói đến đó chắc bà biết mình vừa lỡ lời. Tôi truy tiếp, ‘Sao mẹ bảo bà mang Chúa giấu đi?’ — ‘Không mang giấu thì uỷ ban vào kiểm tra thấy, tịch thu mất à!’ — ‘Sao Chúa không ngăn uỷ ban lại bà nhỉ?’ Bà bí, không đáp được nữa, nhưng nước mắt rưng rưng, lát sau bà ra bờ ao khấn gì đó rồi ngồi mãi không vào, chắc lại khóc thầm. Tội!”

Tuy khó khăn là vậy, bà và con cháu cố gắng giữ đạo trong thầm lặng; mẹ bảo con, bà bảo cháu, nhớ đọc kinh làm dấu thánh, được đến đâu hay đến đó, trong sâu thẳm họ vẫn tin rằng Chúa sẽ không bỏ họ.

Năm 75, ngày đoàn tụ ngỡ rằng sẽ vui mừng lắm, nhưng không phải vậy. Ông bà gặp lại nhau vui thì vui nhưng trong nỗi bẽ bàng. May mà gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn, không ai chết trong cuộc chiến khốc liệt; vả lại ông bà cũng lớn tuổi rồi, mọi chuyện được giải thích và giải quyết êm thắm trong tinh thần thông cảm, tha thứ và thương yêu, theo cách tốt nhất có thể. Ông sống trong Nam, thỉnh thoảng ra thăm bà ngoài Bắc; các cậu dì nhận lại nhau, cố gắng giúp nhau trong khả năng, cho qua những khó khăn, đói nghèo thời hậu chiến; ở Sài Gòn, chủ yếu là cầm hơi với bo bo, mì sợi; còn ngoài quê thì khoai sắn trừ bữa, cốt yếu là cho khỏi chết đói. Mười năm sau anh em tôi lần lượt vượt biển, sang một đoạn đời khác.

Rồi đời sống tâm linh và tín ngưỡng cũng dần dà hồi phục. Điều bất ngờ là chẳng những hồi phục mà người ta còn nhiệt thành với đạo hơn. Bà tôi cho người tát ao, chỉ moi lên vài mảnh tượng thạch cao vỡ nát, còn mớ kinh sách và ảnh chôn ngoài vườn thì bị mối ăn và mục nát hết. Bà lấy vải gói những gì còn sót lại, bỏ vào rương gỗ nhỏ, cất trên bàn thờ.

Ông bà tôi lần lượt qua đời, ông trước bà sau. Với thế hệ sau, các anh chị em họ bên ngoại của tôi, được khuyến khích vào Nam sinh sống. Thế là lại một chia lìa nữa, nhưng lần này chủ yếu là do lý do kinh tế. Vào Nam, phần thì đi khai hoang những các vùng đất mới trên Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, phần khác — như chị em Ngân — cố nhập cư, bám vào Sài Gòn và các thành phố lớn đang phát triển về công nghiệp như Bình Dương, những nơi đang cần nhiều lực lượng công nhân. Đời sống còn nhiều khổ cực nhưng họ cũng thấy tốt hơn, phần nào văn minh hơn là ở ngoài quê, ít ra là không phải chịu những ám ảnh và thành kiến của một xã hội nông nghiệp lạc hậu, vừa cộng sản vừa phong kiến, áp đặt lên thân phận như trước.

Cuối bữa, Ngân nói với Diana, “Mợ đừng đi mua hàng ngoài phố, mắc lắm. Con đưa mợ đi mua hàng hiệu, nhưng giá rẻ thôi.”

Duyên, em Ngân, “Chị Ngân tài lắm, mợ để chị Ngân đưa đi mua hàng và trả giá cho khỏi bị lừa, rẻ hơn bên Mỹ, rẻ hơn ngoài phố, mà bảo đảm cũng có mấy thiên thần vừa ngáp vừa lượn y như trên áo của cậu Quang.”

Diana nói, “Ư, toi se theo cac chau di mua ao thien than ngap. Nhung qua mua Giang sinh roi, lam sao ma măc?”

Ừ, ngộ ha! Té ra mấy mươi năm nay những thiên thần vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống của gia đình tôi. Từ trong những trang kinh sách, trong tấm ảnh phai, họ bị /được vùi chôn xuống đất, rồi lặn xuống ao, rồi trồi lên mặt nước, rồi bay khỏi ao, bay vào xưởng may của cô cháu Ngân chúng tôi, bay lên cao, ngự trên trời, bay vượt đại dương, bay một vòng ta bà thế giới, bay trong cơn ngái ngủ, chắc vừa đập cánh vừa ngáp, qua Mỹ, vào tủ áo nhà anh tôi, rồi bay trở lại Sài Gòn, bây giờ lại có cơ bay đi Mỹ lần nữa.

Giá mà bà tôi còn sống để nghe con cháu kể chuyện các thiên thần — các thiên thần của một thời đại khác, vẫn chưa hết khó khăn nhưng đã khác nhiều với thời bưng bít, tăm tối của bà.

Các thiên thần thời toàn cầu hoá.

 

Giáng Sinh 2011

 

Truyện ngắn này có cảm hứng từ chương 1 của một cuốn sách của anh Nguyễn Hưng Quốc, xin tặng anh vậy. — Cao Thị Uyên.

 

 

--------------------

Truyện ngắn của Cao Thị Uyên trong mùa Giáng Sinh năm 2010:

Bay trên mùa Giáng Sinh  (truyện / tuỳ bút) 
... Với tôi, Giáng Sinh lại gợi đến mùa của ánh sáng và cánh bay. Một thứ ánh sáng và cánh bay kỳ ảo chỉ được nhìn thấy một lần trong đời bằng sự trong trẻo của tâm hồn thời thơ ấu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021