thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học

 

Tương lai là của chàng tất cả, dẫu rằng bây giờ chưa có tương lai
(Henry Miller – Thời của những kẻ giết người)

 

Đêm có cả miệng lưỡi của nó.

Và chàng đã lên đường trong đêm. Ai dám phủ nhận rằng đêm không lẻo mép. Đêm tối sẽ chỉ đường cho những vì sao rượt theo hình bóng của chàng và chàng sẽ không được cô độc như chàng muốn dù rằng bản thể chàng là một thứ bản thể chỉ hiện hữu trong sự cô độc.

Không một vị thần nào dám thảo ra một bộ luật như thế. Một bộ luật hòng trói chân chàng với những thứ chàng mơ. Đôi cánh của chàng là một đôi cánh vượt thoát và đã không biết bao nhiêu lần chàng xưng tụng và ngợi ca tự do, thứ tự do bát ngát mà chàng chưa bao giờ có được. “Hãy tránh xa những điều cấm kị”, chàng đã răn đe mình như thế trong bóng đêm. Nhưng chàng cùng với những người anh em đã trói cha chàng lại và giết ông ta trong niềm bấn loạn của con tim chàng. Và cha chàng, người cha vô hình, người cha nguyên thuỷ đã chết để lại một tấm pha lê trong suốt có hình trái tim. Chàng không thức nhận được bức thông điệp đó của thần linh nhưng chàng thực sự đã lên đường từ đó. Từ khi người ta giết những con cừu và lấy máu chúng vẩy lên đầu chúng thì chàng ra đi. Chàng ra đi nhưng cũng là tìm về. Tìm về với huyền thoại.

Ngay giây phút cái chết của người cha vô hình đó được thực thi cũng là giây phút chàng lên đường. Chàng ra đi như cái cách Rimbaud đi trong niềm hoan lạc của hắn. Dĩ nhiên sự ra đi của chàng có phần khiêm tốn hơn. “Sứ mệnh của thi ca là thức tỉnh” (Henry Miller). Đã từ lâu chàng nhận ra điều đó. Chàng lầm lũi đi trong bóng đêm và chàng càng nhận thức được sứ mệnh của mình. Những kẻ mắt sói phủ vây lấy chàng. Những kẻ cuồng ngôn, những kẻ nhược tiểu phủ vây lấy chàng. Trong cơn mộng mị chàng vẫn bước đi, chàng bước đi bằng cách nhắm hai mắt, và thẩm thấu ngoại giới bằng linh hồn của chàng. Sự viết và cảm hứng thi ca khiến cho linh hồn chàng hoan hỉ như chính sự hoan hỉ của loài rắn độc lột xác trong đêm.

Nàng Liberté đã hoan lạc cùng chàng trên con đường dẫn chàng đi tới miền đất hứa. Nàng Liberté đã cào nát trái tim chàng, đã xui khiến chàng làm những điều xằng bậy mà chàng không hề ngờ rằng những điều xằng bậy đó chính là những ngọn lửa thiêu huỷ những thứ tối tăm. Bằng chính những điều xằng bậy, tinh anh của chàng đã hiển lộ ra dưới ánh nắng ban mai. Một trái tim đớn hèn không còn hiện hữu trong lồng ngực của chàng nữa.

Những ai đã cùng chàng chia vui trong bữa tiệc ngôn từ mà chàng đã kiến tạo nên? Chàng không biết điều đó và chính sự bất tri của chàng khiến con tim, khối óc của chàng lạnh lùng hơn để dấn thân vào những vùng tăm tối. Khi mẹ chàng rống lên những tràng âm thanh kỳ quái: “taboo... taboo...” thì cũng chính là lúc một cuồng nhân cảm hứng xuất hiện trong chàng. Và có ai biết đâu đó chính là điều khiến cho chàng mơ mộng.

Phải không?

Chàng không phủ nhận xung quanh chàng có ba người truyền lửa cho chàng. Một người đàn bà cùng sống và uống với chàng thứ nước chết tiệt đó. Người đàn bà ấy luôn hiện hữu trong cõi mộng tưởng của chàng và cũng là người vợ đã thấu tận tâm can chàng. Một người là bằng hữu của chàng. Một chàng trai khiến cho chàng nhảy cẫng lên khi gặp hắn. Một người nữa, một người ở cách xa chàng mà chàng chỉ mường tượng một cách u u mê mê khuôn mặt của người đó bên kia khói sóng trùng khơi.

Nhưng liệu họ có cùng chàng đi qua bến lú bờ mê, đến tận nơi chàng sẽ đến, liệu họ có cùng chàng uống cạn cái thứ nước chết tiệt đó hay không. Trong bữa liên hoan của ngày mùa chín, liệu có mặt họ đến để chúc phúc và tụng ca tự do cùng chàng trong điệu đàn hoan ca vĩnh cửu của phút giây mặc khải đời người.

Họ sẽ bỏ rơi chàng?

Phải không?

“Mọi thứ vẫn đen đặc.” Chàng đã viết như thế trong bóng đêm. Trong quái trạng bất khả cứu rỗi, có những giây phút chàng trở nên “u mê ù lì” (Bùi Giáng). Nhưng chính sự phản tỉnh đã cứu thoát chàng ra khỏi vũng lầy tăm tối đó. Con Réflexion, con chó trung thành của chàng cùng với gã Se Decider trong tâm can chàng đã cứu rỗi cho chàng những phút giây chàng chạm chân vào bến lú.

Trên con đường sáng tạo mà chàng đang dấn bước có nhiều kẻ đeo mặt nạ bủa vây và nhảy múa những điệu múa của dị nhân trong những cơn mê sảng của chàng. Nhưng chàng đã gào thét lên một cách thống thiết: “Kẻ đeo mặt nạ không hiểu vấn đề này.”

Vậy thực ra điều gì đã khiến cho chàng mơ mộng đến giết cả cha, bỏ cả mẹ, bán rẻ cả lương tri, ngoa ngoắt với bằng hữu và quay mặt lại với tiền nhân? Đó chính là sự thức tỉnh của thi ca mà chàng đã từng mường tượng trong những giấc mơ ở những ngày tháng chăn bò rồi ngủ quên trên chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh. Nếu thi gia và tư tưởng gia là những kẻ cư lưu ngàn đời canh giữ cho ngôi nhà của hữu thể như chính sự hiểu của Nguyễn Mạnh Tiến (người bạn đã khiến cho chàng nhảy cẫng lên khi gặp hắn) trong sự kiến giải ý niệm của Martin Heidegger thì liệu chàng có mãi mơ về với thể tánh của thi ca hay không?

Chàng chưa đi hết con đường và vục mặt xuống dòng sông đó nên chàng đâm ra ú ớ. Sự vô ngôn của chàng chính là khối đá chưa được mài bóng để soi chiếu tâm thần chàng.

Trên những con sóng của dòng Hắc, trên những mảng màu khác nhau của bức tranh Thậm Phồn (mượn chữ của Hoàng Ngọc-Tuấn), chàng đã thực sự can dự vào một cuộc chơi mà ở đó không một vị thần ngổ ngáo nào dám thảo ra một bộ luật đóng khung mọi thứ như ở hiện thực trần trụi sau lưng chàng.

Và chàng đã nhận ra khuôn mặt thật của mình trong thời chơi mới. Khi văn chương tham dự vào những mê lộ mới, mê lộ của tâm thức, khi người ta không còn hứng thú trong việc lục lọc, săm soi lại các bảng giá trị trong truyền thống thì tất yếu chàng sẽ bước vào những cuộc chơi mới. Trong cuộc chơi mới của mình, dù muốn dù không, chàng cũng phải bội ước, một cuộc bội ước ráo hoảnh với lối chơi của những kẻ đeo mặt nạ quanh chàng. Và đó chính là con đường duy nhất để chàng đưa nghệ thuật của chàng hướng thượng. Câu chữ của chàng không còn là tấm gương phản ảnh một cách trung thực ngoại giới, mà trong khu vườn sáng tạo, chàng đã nhìn lại khuôn mặt của mình để từ đó bước vào kiến giải những bề khuất lấp trong chốn tiềm thức, những miền sâu thẳm trong cõi nội giới mà người ta đã ghẻ lạnh và hắt hủi chúng để xung tụng những điều vô nghĩa lý. Văn chương của chàng dường như đã khước từ hiện thực để làm một cuộc nội soi quyết liệt vào chính bản thể của người sáng tạo, và những ý‎ niệm trong cõi mộng của chàng cũng từ đó mà thoát thai.

Trong cuộc chơi của chàng mọi giá trị đều được cào bằng. Những phát ngôn trở nên không còn thứ bậc trong một hệ hình (paradigme) mới đã được làm phẳng. Sự hoài nghi bao trùm lên tư duy duy lý của chàng. Vì thế chàng đã phá vỡ, xô nát và làm vỡ vụn những quy tắc đã được găm sâu trong lí tính.

Đôi mắt buồn của con chim Culi đã tiên báo với chàng điều đó. Và vì sao đôi mắt của Culi ở chốn rừng thiêng lại buồn đến thế. “Tại sao nó buồn? Bởi vì nó biết.” (Jacques Dournes – Rừng, đàn bà, điên loạn). Sự u ám trong đôi mắt Culi là điều tiên báo cho vạn vật đi đến ngày tận diệt. Đó là những tiên tri của một loài thấu thị. Và bao giờ cũng thế, khởi thuỷ những kẻ thấu thị thì mù loà. Chàng không ngổ ngáo đến mức tự vỗ ngực và tụng xưng mình là một kẻ tiên tri thấu thị nhưng sự mơ về với thể tánh của thi ca đã mách lẻo với chàng và chỉ cho chàng thấy những thối rữa đang bao phủ cánh đồng trước mắt và không lâu sao đó bầy ruồi nhặng sẽ kéo tới và che phủ mặt trời.

Không khó để nhận thấy con người trong thế giới của chàng là những thân phận đứng trước sự đổ vỡ của trật tự đời sống, trở nên bơ vơ, lạc loài, vong thân. Bất tín nhận thức về ngoại giới đã đẩy con người trong thế giới của chàng đi đến MÙA HUỶ DIỆT. Tâm trạng hoài nghi, sự bất an bủa vây lấy những kẻ khốn cùng mà chàng đang khát khao ngày đêm cứu rỗi linh hồn của họ và dẫn dắt họ đi về phía có ánh sáng, dù chàng biết rằng họ phải đi qua mê lộ của những kẻ bịt mặt trước khi chạm được vào váy áo của Hemera.

Nếu có một vài kẻ nào đó dại dột can dự vào thế giới của chàng, thì đó cũng chính là lúc họ tham dự vào một cuộc chơi, một cuộc chơi hoàn toàn mới với những điều luật mới; luật chơi của sự đồng sáng tạo sẽ đưa họ đi ngược chiều với sự sắp đặt ban đầu của chàng. Và chàng không giấu đi sự hoan hỉ của mình khi người ta cũng vỗ cánh với chàng để bay lên. Hiện thực trong chàng không còn là sự phản chiếu hình ảnh ngoại giới một cách ngu si mà là những yếu tố cấu thành từ tâm thức của chàng. Chàng không còn vấn vương với những đường xưa lối cũ trong thi pháp văn chương của những kẻ tiểu nông, hạ đẳng. Thế giới của chàng không còn là những đại tự sự vẽ đúng khuôn mặt của hiện thực; những thông điệp mang tính phổ quát cũng đã chết với sự gượng gạo hũ nút của nó trong niềm tiếc nuối của những kẻ ngu dốt vĩ cuồng.

Rồi đây sẽ có đấy, rồi đây sẽ có những kẻ rỗi hơi, những kẻ vô công, cất công dã tràng đi tìm nghĩa duy nhất đúng trong những điều mà chàng đã mộng tưởng, và hòng đưa chàng đi đến chỗ lâm nguy.

Tính chất đa trị, xu hướng giải nhân cách hoá, giải thiêng, xem thế giới như là một hỗn trạng không hơn không kém đã đưa chàng đi đến một nơi xa lạ mà ở đó chàng đã khước từ cái cách cung kính của những kẻ nô lệ trước màu sắc của ngoại giới thống khổ.

Ý niệm vẫn mãi là những sợi dây ngầm ẩn bên dưới trò chơi và luật chơi của chàng. Trong sâu thẳm có thể diễn giải rằng cuộc chơi này là một nỗ lực biểu đạt đầy chủ động của chàng, một khát vọng tìm tòi và phô diễn những cách chơi kỳ quái mong cứu rỗi một điều gì đó mà chàng đã nhận diện nó trong mê. Sự phá vỡ trật tự thời gian và không gian, sự rỉ mòn của cảm thức, việc bỏ ngỏ các sự kiện một cách tràn lan vô cớ, việc rải chữ lên bề mặt văn bản như những ký hiệu manh mún, sự kết dính một cách lỏng lẻo giữa các ý tưởng trong cõi mộng của chàng đã thống trị hầu như toàn bộ thế giới mà chàng đã thêu dệt. Vậy, thật ra có phải đây là trò chơi vô nghĩa lý, một sự chơi khăm của kẻ cuồng tưởng muốn đả phá nghệ thuật chân chính? Không là vô nghĩa lý thì ý niệm nào được giấu dưới lớp hành ngôn trong một màn quảng diễn, một lối chơi khó ưa như thế của chàng? Vạn vật và con người đang hiện hữu trong một quái trạng bị xé nhỏ, một hiện thực đã bị làm sai lệch đến tận gốc rễ. Không còn một cách thức nào để xác định chúng xuất phát trong những điều kiện nào của thế giới hiện thực. Hay chính chàng đã khước từ hiện thực để đi vào một thế giới nguỵ tạo phát xuất từ sự nhận thức và dắt đường đưa lối của chính vô thức? Chàng đã cáo biệt hiện thực trần trụi để truy vấn những giấc mơ hoang tưởng có trong chốn tiềm thức của tộc loại. Và đó chính là một chiều kích mới của một dạng thực tại mới trong cuộc chơi ngổ ngáo của chàng.

“Tương lai bao giờ cũng đã và cũng sẽ thuộc về thi sĩ.”

Bằng câu nói này Henry Miller đã tự phong thánh cho gã.

Trên con đường sáng tạo chàng đã từng soi lại mình và có thể rồi đây đấng quyền năng sẽ bỏ rơi chàng, bởi có thể chàng là một kẻ đi hoang. Huyền thoại xa xăm sẽ không đón nhận chàng? Nhưng đã bao đêm chàng mơ thấy Rimbaud loã thể nhảy múa trên đỉnh Phong Nhũ để mê dụ và khiêu khích chàng.

Đó chính là điều khiến cho tâm can của chàng mơ mộng.

Phải không?

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021