thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tùy bút Solzhenitsyn [kỳ 4]

 

Bản dịch của Phạm Ngọc

 

ALEXANDER SOLZHENITSYN

(1918-2008)

 

Lời nói đầu
 
Trong di sản văn chương đồ sộ của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn (1918-2008), đoạt giải Nobel Văn chương năm 1970, có hai chuỗi đoản văn viết vào hai giai đoạn 1958-1963 — trong những chuyến du hành bằng xe đạp của nhà văn ở miền Trung nước Nga —, và 1996-1999 — khi trở về Nga sau hai mươi năm lưu đày biệt xứ, mà ông gọi đó là những ghi chép “vụn vặt”. Chính những cái “vụn vặt” ấy lại mang đậm tinh thần Nga nhất trong toàn bộ sáng tác của Solzhenitsyn, và chỉ khi ở trên mảnh đất Nga chôn nhau cắt rốn, nhà văn mới có cảm hứng để viết những đoản văn này. Trong bức thư gửi ban biên tập tạp chí Thế giới mới vào năm 1996 ông viết: “Chỉ sau khi trở về Nga, dường như tôi lại mới có thể viết chúng, còn ở đó (bang Vermont, Hoa Kì) — thì không thể nào!”.
 
Vào tháng 12 năm 1961, Solzhenitsyn đã trao cho Tvardovsky, tổng biên tập của tạp chí Thế giới mới một số đoản văn, song thể loại này không gây được sự chú ý. Mùa xuân 1964, tác giả có gửi bản thảo những đoản văn cho một số người bạn, và chúng nhanh chóng được phổ biến trong trào lưu “xuất bản tự do”. Đến mùa thu 1964, tạp chí Grani của Nga kiều tại Frankfurt lần đầu tiên đăng tải một loạt “Đoản văn” trên số báo 56.
 
Nếm trải đủ mọi cay đắng lẫn vinh quang trọn cuộc đời gần một thế kỉ, trong hai chuỗi đoản văn tác giả ghi lại những cảm nhận về tự do, về Tổ quốc, về những giá trị tinh thần của Chính thống giáo, về tuổi già, về cái chết và sau cái chết.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 32 đoản văn của Alexander Solzhenitsyn, mà chúng tôi đặt tựa là “Tùy bút Solzhenitsyn”.
 
Người dịch
 
------------------------
Dịch từ tiếng Nga Alexander Solzhenitsyn toàn tập (30 tập), Tập 1 — Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb Thời đại, Moskva, 2006.

 

___________

 

 

[1996-1999]

 

BAN MAI

 

Điều gì xảy ra với tâm hồn ta sau một đêm trường. Trong cái lặng lờ tê dại của giấc mơ, hồn anh dường như được tự do, tách rời thân xác, nhẹ nhàng lướt qua những khoảng không trong vắt, rũ hết bụi trần từng bám lấy khiến nó nhàu nhĩ trong ngày hôm qua, thậm chí nhiều năm ròng. Và tâm hồn anh trở lại cùng tuyết trắng tinh khôi. Trời đất ban mai trong sáng, rất đỗi bình yên rộng mở chào đón anh.

Suy tư gì trong giây phút ấy! Dường như anh sắp nắm bắt được điều gì đó mà anh chưa từng thấu hiểu — anh trở nên mẫn tiệp sáng láng không ngờ.

Anh lặng người đi. Trong con người anh, một cái gì đó mà anh chưa từng biết tới, chưa từng ngờ tới, sắp trỗi dậy đến nơi rồi. Hầu như nín thở, anh kêu gọi cái mầm tươi rói ấy, ngọn bạch huệ non tơ đang sắp nhô lên từ mặt hồ ngàn thu chưa gợn sóng.

Những khoảnh khắc diệu kì! Anh cao hơn chính bản thân mình. Anh có thể khám phá, quyết định, dự tính một điều gì đó không thể sánh được — chỉ có điều, đừng làm tản mác, đừng làm xao động cái mặt hồ phẳng lặng trong anh.

Nhưng chỉ sau giây lát, thế nào cũng có gì đó phá vỡ không gian đang căng như một sợi dây đàn ấy, có khi là một hành động, một lời nói của người lạ, có khi là một ý nghĩ vụn vặt của chính anh. Và phép màu biến mất. Cái mặt phẳng kì diệu ấy đột nhiên biến mất, hồ cũng mất tiêu.

Và suốt ngày, dù gắng công đến mấy, anh vẫn không sao tìm lại được cảm giác đó.

Mà chẳng phải sáng nào cũng có chuyện lạ thế đâu.

 

 

TẤM MÀN

 

Bệnh tim, tương tự lối sống của chúng ta — tiến triển của nó nằm trong một tấm màn đen kịt, và ta không biết được khi nào là ngày tận cùng — có thể ta đang ở ngưỡng rồi đấy, mà cũng có khi chưa, chưa chóng thế đâu.

Khi một khối u đang lớn dần đầy đe dọa trong người anh — thì nếu chẳng tự dối lòng, có thể đếm từng ngày cái thời hạn không hề ân hạn. Nhưng khi mắc bệnh tim — lắm lúc anh vẫn khoẻ như giả vờ, anh chưa bị buộc vào án tử, thậm chí cứ như không.

Một sự u mê được ban phúc. Món quà độ lượng của bề trên.

Còn khi bệnh tim bước vào thời kì trầm trọng — lại tựa như ngồi xà lim tử tù. Mỗi tối anh đợi xem, có chăng tiếng bước chân khua lạo xạo? đến để giải ta đi? Được cái mỗi sáng thức dậy là cả một niềm vui! nhẹ nhõm làm sao: thêm một ngày trọn vẹn Thượng đế ban cho ta. Biết bao, biết bao điều có thể nếm trải và thực hiện chỉ trong một ngày duy nhất ấy!

 

 

CHẠNG VẠNG

 

Tôi nhớ rất rõ cái tập quán ngồi trong bóng tối hoàng hôn rất phổ biến ở miền Nam. Được truyền lại từ thời trước cách mạng, và có lẽ được duy trì do điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm của những năm nội chiến. Nhưng tập quán này đã có từ xưa. Không rõ có phải là do khí hậu ấm áp kéo dài nhiều tháng của hoàng hôn phương Nam chăng? — song nhiều người vẫn giữ thói quen này: không bao giờ vội lên đèn. Những nhà có nuôi gia súc vẫn cố làm cho xong công việc trước khi chạng vạng, tuy nhiên, chẳng phải vì muốn đi ngủ sớm. Mọi người ra ngồi ngoài thềm, hay ở những băng ghế ngoài đường hoặc trong sân, còn không thì ngồi trong phòng, bên cửa sổ mở toang, không đèn đóm chi cả. Họ lẳng lặng ngồi xuống, từng người một, vẻ đăm chiêu. Và ngồi lặng thinh rất lâu.

Nếu có ai nói gì thì cũng chỉ nói khẽ, nhẹ nhàng, từ tốn. Không rõ vì sao trong lúc chuyện trò chẳng ai hào hứng tranh luận, gắt gỏng than phiền hoặc cãi vã. Những khuôn mặt mờ dần, rồi hoàn toàn không còn thấy nữa, bỗng toát lên vẻ gì khác lạ, cả trong giọng nói, điều mà chúng ta đã bỏ lỡ chưa kịp nhận ra qua nhiều năm ròng.

Một cảm giác duy nhất chưa từng được biết tràn ngập tâm hồn chúng tôi, lặng lẽ buông xuống từ vòm trời vừa tắt ánh dương quang, hòa vào không khí, luồn qua cửa sổ, đó là sự chín chắn sâu lắng, ý nghĩa mạch lạc của cuộc sống, điều khó thể nhận ra trong cái tất bật hối hả của ban ngày. Chúng ta đang chạm vào bí ẩn đã từng bỏ lỡ.

 

 

TIẾNG GÀ GÁY

 

Chúng ta đã quên, không còn nhớ nữa, còn thế hệ sau thì chưa từng được nghe những âm điệu khác nhau của tiếng gà thi nhau gáy giữa trưa hè trong những thôn làng hoang vắng, điêu tàn, không một bóng người. Từ sân này qua sân khác, bên kia đường, ngoài cổng làng, trong ánh nắng chói chang của mùa hè, giàn hợp xướng khúc khải hoàn ấy mới tuyệt vời làm sao.

Hiếm khi nào có được cảm giác bình yên trong tâm hồn như thế. Giai điệu tươi tắn, rung động, du dương, mạnh mẽ, mà không ồn ã những náo động tất bật hối hả, vang đến tai chúng ta, khiến khung cảnh quanh ta trở nên thanh bình hoan lạc, yên tĩnh chẳng gợn âu lo, khiến ngày hôm nay trôi chảy vào không gian ấy, và cớ sao không tiếp tục trôi mãi như thế? Hãy thực hiện nhiệm vụ cao cả của các ngươi đi.

Và ở đâu đây, một anh chàng diện bộ cánh màu cam phớt trắng ngạo nghễ đi qua đi lại, vươn cao chiếc mào đỏ rực của nhà hiệp sĩ quý tộc.

Không âu sầu buồn chán.

Giá như chúng ta cũng được thế.

 

 

SUY TƯ LÚC NỬA KHUYA

 

Hồi còn ở trại, ban ngày lao động xương cốt như dần, tối đến vừa kê đầu lên gối rơm đánh giấc đã nghe tiếng báo thức: "Dậ...ậậy mau!" Và làm gì có chuyện suy tư vào ban đêm được.

Còn trong cuộc sống hiện tại, quay như chong chóng, căng thẳng thần kinh, lướt vèo vèo — cả ngày suy nghĩ chưa kịp chín, chưa kịp sắp xếp cho có lớp lang, phải để dồn về sau. Đêm đến — chúng quay lại đòi nợ. Tấm màn ý thức của anh chỉ mới vừa bục một lỗ nhỏ, là chúng ập ngay vào anh như xông vào trận chiến và đè anh bẹp dúm. Và ý nghĩ nào độc địa nhất, xấc xược nhất sẽ lao vào cắn xé tâm hồn anh trước tiên.

Sự vững vàng, lòng tự trọng của anh không cho phép đầu hàng những cơn lốc xoáy này, mà phải chế ngự luồng tư tưởng đen tối và hướng nó vào điều lành mạnh. Luôn có một ý niệm và không chỉ một, đem lại cốt lõi bình yên cho tâm hồn — tựa như những hạt được đưa vào phản ứng hạt nhân để kìm hãm sự nổ tung. Chỉ khi biết tìm kiếm cái cốt lõi đó, tia sáng cứu rỗi của Chúa, hoặc kể cả nếu đã biết trước — cũng phải gìn giữ nó.

Khi đó tâm hồn và lí trí trở nên thanh khiết, những cơn lốc sẽ biến đi, và trải qua nhiều đêm thao thức trằn trọc sẽ nảy sinh những ý niệm lớn lao và tốt đẹp, mà có lẽ nào trong cái hối hả tất bật của ban ngày có thể với đến được?

Và còn cảm ơn những đêm thao thức: từ đó — thậm chí có thể quyết định được những điều chưa thể quyết.

Làm chủ được bản thân.

 

 

CẦU SIÊU CHO NGƯỜI CHẾT

 

Tập quán này do những người có cuộc sống thánh thiện truyền lại cho chúng ta với sự thông thái tuyệt đỉnh.

Vào thời trẻ tuổi bồng bột, khi quanh ta còn nhiều người thân, họ hàng, bè bạn — khó lòng mà hiểu được ý nghĩa của điều này. Song, theo năm tháng ta sẽ ngộ ra.

Cha mẹ qua đời, những người đồng trang lứa cũng lìa xa. Họ bỏ đi đâu? Có lẽ, điều này không sao đoán biết được, không tài nào hiểu nổi, ta không được ban cho khả năng đó. Tuy nhiên, với sự rõ ràng linh cảm được trong một chừng mực nào đó sẽ soi rọi, nhấp nháy tín hiệu cho ta biết là không — họ không biến mất.

Và chúng ta chẳng biết được gì hơn, chừng nào còn sống. Nhưng cầu nguyện cho linh hồn họ, nghĩa là bắc một nhịp cầu vô hình từ ta qua họ, từ họ qua ta — tỏa khắp thiên hà, mà gần gũi không gì ngăn trở. Phải, dường như có thể chạm vào họ. Và những người mà ta không nhận biết được ấy vẫn quen thuộc y như xưa. Nhưng sau nhiều năm rời xa ta, họ cũng có khác đi, những người lớn tuổi hơn ta, nay như đã trẻ hơn.

Nếu tập trung, thậm chí anh có thể cảm thấy trong hơi thở mình tiếng gọi, giọng ngập ngừng, lời báo trước của họ. Và đáp lại, anh gửi đến cho họ hơi ấm trần thế của mình, có thể ta giúp được gì đó chăng?

Và hẹn ngày gặp lại.

 

 

LỜI NGUYỆN CẦU CHO NƯỚC NGA

 

Lạy Cha lòng lành của chúng con!

Xin đừng bỏ mặc nước Nga nhiều đau thương của Người

trong cơn bàng hoàng của hôm nay,

trong thương tổn, trong bần cùng

trong tinh thần bấn loạn.

Lạy Chúa toàn năng!

Xin đừng để nước Nga bị diệt vong —

đừng như thế bao giờ.

Người đã ban cho dân tộc Nga

biết bao trái tim trung trực

và biết bao tài năng

Đừng để họ bị uốn cong, ngập chìm trong tăm tối,

không phụng vụ nhân danh Người!

 

 

 

-----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021