thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ngày Ấn Độ [II]

 

 

“Cái thuở ban đầu” khi mới đặt chân lên xứ sở này, tôi cảm thấy bỡ ngỡ chen lẫn một chút e ngại. Thử tưởng tượng một người từ một nước da vàng như Việt Nam, hay từ một nước có nhiều chủng tộc mà đa số là người da trắng như Mỹ chẳng hạn, bỗng dưng lọt vào một vùng ngoại ô của một thành phố Ấn Độ, người đông như kiến cỏ, nước da từ xám xịt đến đen nhẻm, y phục lạ lùng nhất là nữ giới, nói lia lịa với rất nhiều âm “r”, đi nườm nượp trên các ngã đường bụi bặm, đầy ổ gà, hoặc tụ lại quanh những gốc cây trú nắng trên những cánh đồng khô, hoặc xúm xít dưới các gầm cầu, các đền thờ hoang phế, hoặc chen nhau trong những quán ăn chật chội, dơ bẩn...

Và đặc biệt là tại các ga xe lửa, nhất là cái mùi của nó. Mùi sân ga, mùi người, mùi mồ hôi, mùi phân chim, phân chó, mùi khai khai, mùi máy móc dầu nhớt, mùi khói, mùi bụi. Những thứ mùi ấy tôi đã gặp từ lâu lắm hồi tôi còn nhỏ hằng năm được đi xe lửa từ Đà Lạt về Huế ăn Tết, nay gặp lại. Gặp lại người quen cũ tất nhiên là vui, gặp lại mùi hôi hám cũ cũng thấy “bồi hồi”. Và dường như hồi đó những ga xe lửa trên quê hương tôi còn có thêm mùi bắp nướng, khoai lang nướng, gà nướng quyện quánh với mùi củi cháy, mùi bụi than, mùi nước tiểu, và cả mùi phân người.

Bây giờ, nơi đây, không gian như đậm đặc lại. Hành khách chờ tàu nằm la liệt khắp nơi dưới bầu trời mênh mông xa trông chẳng khác gì những lớp cá mòi, cá hố, cá rựa, cá đao, cá lẹp, cá mần chặn ... được dân miền biển đem phơi khô trên những tấm vĩ tre đặt trên mặt cát nóng bỏng, hay trên các vỉa hè lồi lõm tồi tàn. Khi tàu mới ló dạng từ xa, những lớp người ngổn ngang ấy bật mình ngay dậy như người máy, rồi không ai bảo ai, chạy túa cuồn cuộn tràn lên tàu như sóng thần trong khi cũng từ các toa tàu ấy những lớp người khác không kém hung hãn ào ào đổ xuống như thác lũ. Hai lực lượng ngược chiều ấy xô đẩy nhau, níu kéo nhau, nhiều lúc cù cưa lui tới bất phân thắng bại, nhưng cuối cùng đâu cũng vào đấy, họ tách rời ra được nhau, kẻ lên toa, người xuống bến. Xơ xác, bèo nhèo, phờ phạc.

Giữa cảnh hỗn loạn đó là những dòng người khuân vác đi hàng một khá nhanh dọc theo các sân ga rồi leo lên những bậc thang tam cấp đi băng ngang chiếc cầu bắc trên cao nối liền các khu vực khác nhau của những khoảng sân lộ thiên rộng lớn, nhờ vậy họ tránh được những tuyến đường rầy chằng chịt cùng những đoàn tàu dài nằm lù lù bên dưới. Đúng ra họ không khuân vác, mỗi người phu thường đội trên đầu một hoặc hai cái va li lớn, hai tay xách những kiện hàng nặng khác, và đi băng băng. Trong đám người phu ấy, có người trông gầy gò ốm yếu hoặc đã lớn tuổi mái tóc bạc trắng rủ xuống cái mặt đen sì, nhưng tất cả đều đi nhanh như nhau, liền nhau thành một chuỗi dài. Thế ra họ đều rất khoẻ hoặc đã quen việc. Có lẽ khoẻ nhất trong thân thể của họ là những cái cổ cứng như gốc tre đực.

Tôi cũng có dịp ghé vào những quán nhỏ bên đường. Có một loại quán rất đông khách bán một thứ bánh mà giới bình dân thích lắm, đó là bánh “pa-ti” (mong rằng tôi không nói sai tên của nó). Tôi vào tìm được một chiếc ghế đẩu nhỏ, thấp, ngồi xuống chờ bà chủ quán chiên bánh.

 

Thật ra trong chuyến đi, tôi cũng có vài dịp gặp xã hội thượng lưu của Ấn Độ, hoặc đến những tiệm ăn sang trọng. Lớp người thượng lưu, trung lưu gần như đâu cũng như đâu, na ná giống nhau, từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Úc, từ Trung Đông sang Phi châu v.v ... Âu phục vừa vặn, láng lẩy, đúng mốt, màu sắc nâng đỡ nhau, cà vạt tiệp màu với áo sơ mi, với bộ đồ lớn, và cả đôi giày cũng phải cùng gam màu ấm, hoặc màu lạnh, hoặc màu dã thú thích hợp. Và thơm tho. Thơm mùi thuốc lá, thuốc xì-gà, mùi rượu mạnh, và cả mùi nước hoa đàn ông. Ấy là chưa kể y phục còn phải phù hợp với nước da, khuôn mặt, chiều cao, vóc dáng của người sử dụng. Tôi bỗng nghĩ đến một câu thơ tiếng Pháp mà Xuân Diệu đã ghi nó bên trên bài thơ Huyền Diệu của ông: “Les parfums, les couleurs, et les sons se répondent.” Nếu giới thượng lưu bây giờ gặp lúc cao hứng họp nhau ca hát, hoà nhạc thì họ rất đáng được tặng câu thơ nói trên. Trong một bài khác khi Xuân Diệu mới bước vào làng thơ, ông đã mô tả một buổi tối đầy ăm ắp cái hoà điệu nhịp nhàng và tình tứ của thiên nhiên:

Một tối bầu trời đắm sắc mây
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy.

Cũng thế, cái quần cắt thật khéo khi “tìm nghiêng xuống” cũng sẽ gặp ngay người bạn đồng điệu là đôi giày láng coóng, màu sắc ăn ý.

Phụ nữ lại càng tài nghệ hơn, mỹ thuật hơn, tinh vi hơn, phức tạp hơn, cầu kỳ hơn, mà ngòi bút rỉ sét của người viết bài này không dám động đến. Tuy nhiên ta phải nhìn nhận rằng dù lắm khi phụ nữ thích du nhập những kiểu cách ăn mặc thời trang của Tây phương, họ vẫn bảo thủ và bảo tồn được y phục duyên dáng cổ truyền. Áo dài Việt Nam, áo sari Ấn Độ, xường xám Tàu, kimono Nhật ... vẫn được dùng đến khi cần. Đàn ông thì khác, theo Tây phương hoàn toàn.

Giới thượng lưu là giới được toàn cầu hoá sớm nhất nếu họ không muốn hay không giữ nổi bản sắc văn hoá của đất nước của họ. Không chỉ ở y phục mà thôi, họ thường có cùng những phong cách, dáng điệu, cử chỉ, thói quen, sở thích như nhau. Thậm chí trong một tương lai nào đó, biết đâu họ sẽ chỉ muốn sử dụng một thứ ngôn ngữ mà thôi cho tiện việc giao dịch trong thương trường, trong kinh tế, chính trị, và cả trong nếp sống hàng ngày. Một hiện tượng nữa cần lưu ý là trong vòng mấy trăm năm nay, biết bao nhiêu tiếng nói của những bộ tộc nhỏ trên toàn thế giới đã bị tiêu vong, và cũng không ít ngôn ngữ của những nước nhỏ ở Nam Mỹ, Phi Châu, Nam Thái Bình Dương bị mai một. Số lượng ngôn ngữ riêng biệt của các dân tộc đã giảm đi nhiều, những ngôn ngữ “yếu” dần dần biến mất, những ngôn ngữ “mạnh” ngày càng phát triển. Ngôn ngữ, một bộ phận chủ yếu của một nền văn hoá nào đó mất đi, nền văn hoá ấy khó tồn tại. Cách đây gần một thế kỷ, ông Phạm Quỳnh đã nói đại khái rằng Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Ông quá hâm mộ Truyện Kiều nên nói thế thôi. Tuy nhiên, như đã đề cập trên, sự tồn vong của ngôn ngữ, của văn hoá gắn liền với sự mất còn của quê hương, đất nước. Tôi rất khâm phục những người Việt ở hải ngoại làm việc quần quật suốt ngày để có thể nuôi con cái ăn học đàng hoàng tại các trường bản xứ, và cuối tuần lại cho chúng nó đi học thêm tiếng Việt. Đó là một nỗ lực lớn lao trong việc gìn giữ tiếng nói của tổ tiên, nòi giống. Và tôi cũng nghĩ rằng, mong muốn rằng, vấn đề toàn cầu hoá chủ yếu nhằm vào kinh tế, đồng thời phải chấp nhận sự đa dạng của văn hoá, của ngôn ngữ.

 

Muốn tìm thấy nếp sống đặc thù của một dân tộc, do đó, phải tiếp cận với giới bình dân. Nhưng tôi không phải là một nhà dân tộc học mà chỉ là người có tính tò mò mỗi khi đến một nơi xa lạ. Và tôi lò dò đến những xóm nghèo. Xin trở lại cái quán bán bánh pa-ti.

Vừa bước vào quán tôi đã thấy cả chục người chờ, kẻ đứng người ngồi. Tôi tìm được một chiếc ghế đẩu nhỏ. Thật ra một người địa phuơng có lẽ biết tôi là người nước ngoài đã nhường chiếc ghế nhỏ cho tôi. Tôi cám ơn và ngồi xuống tò mò quan sát. Tôi đoán quán này bán bánh bột chiên. Một rổ bánh chưa chiên màu đen đặt gần lò lửa, trên lò là một cái chão lớn dầu ăn đầy xắp xắp. Đó là những chiếc bánh đen to bằng nắm tay trẻ em, nhưng dẹp và tròn, trông na ná như bánh tiêu. Dầu đang sôi riu riu trong chảo, bà chủ quán dùng chiếc vá nhỏ vớt ra những chiếc bánh đã chiên xong, rồi xúc bánh chưa chiên cho vào chảo. Lạ thay những chiếc bánh đen chưa chiên biến thành bánh trắng. Tôi nhìn kỹ hơn. Thì ra khi chiếc vá trong tay bà chủ trờ tới, đàn ruồi đen đậu kín chiếc bánh bay toả ra để lộ nguyên hình bánh làm bằng bột trắng. Tôi lặng lẽ đứng dậy len lén bước ra khỏi quán. Tiếng nói của bà chủ quán đuổi theo tôi, nhưng tôi chẳng hiểu bà nói gì, lẳng lặng đi thẳng. Người bình dân ở đây đã sống quen với ruồi nhặng, đã tạo được sức đề kháng đối với vi trùng hay chất độc, đã được miễn nhiễm. Còn tôi nếu ăn thứ bánh đó chắc chắn bị “lỏng bụng” ngay.

Cũng thế, trên sông Hằng ở những đoạn được dùng làm chốn yên nghỉ cuối cùng của rất nhiều người Ấn Độ nghèo khổ, ta có thể thấy những khúc xương người chưa cháy thành tro nổi lềnh bềnh. Thế mà gần đó vẫn có dăm ba người trần trùng trục lội nước bì bõm, hoặc tắm gội, giặt giũ. Họ không sợ bị nhiễm độc vì đã miễn nhiễm, hay là vì nước sông Hằng thiêng liêng đã hoá giải mọi thứ độc địa như ý kiến của một người bản địa mà tôi tiếp xúc. Anh chàng Ấn Độ ấy còn chỉ cho tôi thấy mấy khúc xương người trôi đằng xa. Tôi bảo xương nặng phải chìm chứ thì được trả lời rằng sau khi thiêu đốt, xương nó khô và nhẹ hơn nước cho nên nó nổi. Trả lời xong, anh ta hóm hỉnh nói thêm rằng cũng có thể đó là xương làm bằng đồ nhựa cho trẻ em thả xuống sông chơi.

Đằng trước cái quán bán bánh bột chiên, một con đường nhỏ lát đá lởm chởm chạy ngoằn ngoèo, và bên kia đường có mấy quán hớt tóc. Cái chòi thì đúng hơn. Chòi nhỏ xíu, nền đất, lợp lá, trong đó chỉ có một ghế ngồi. Trước ghế là cái bàn nhỏ trên đó dựng một tấm gương hình chữ nhật to bằng trang báo nhật trình, một lọ nước lạnh, một cục xà bong, một cái bàn chải lông mềm để nhúng nước bôi vào mặt khách hàng trước khi cạo râu, cạo mặt, một con dao cạo lưỡi sáng loáng, một cái tông-đơ, một cái kéo, hai cái lược chải tóc. Bên cạnh tấm gương, treo lủng lẳng chiếc khăn lông trắng đã ố màu, và một miếng da dùng để mài dao cạo. Mọi thứ trông na ná như quán hớt tóc ở nhà quê Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ. Chưa có khách, anh thợ hớt tóc ngồi rung đùi đọc báo. Thấy tôi dừng lại tò mò nhìn, anh ta đứng dậy, vội vàng lấy khăn lau nhanh chiếc ghế độc nhất và đưa tay chỉ ghế mời tôi vào. Tôi lắc đầu. Anh nhìn tôi, cười vui vẻ, rồi trở lại ghế ngồi xuống đọc báo tiếp.

Cạnh chòi hớt tóc là một dãy hàng bán trái cây, chuối, cam, quýt, chanh, v.v... và rất nhiều quả lựu chín nám. Và các loại rau. Các thứ đó đều nằm trong thúng, rổ, hoặc thùng giấy cũ, hoặc trên những chiếc lá to bảng, bày la liệt trên mặt đất. Các anh bán hàng, chứ không phải chị bán hàng, ngồi trên những chiếc ghế thấp rao hàng luôn miệng. Một anh nói được tiếng Anh giải thích rau quả ở đây nhỏ tí teo, trông èo uột nhưng tốt lắm, ngon lắm, không bị tiêm vào các thứ thuốc hoá học độc hại đâu. Tôi mua ăn thử vài trái. Đúng vậy, ngọt, thơm, ngon, và quá rẻ. Tôi mua thêm một ít mang theo, người bán hàng cám ơn rối rít.

Tôi cũng có dịp thử đi xe đạp lôi thay vì đi xe lôi có gắn máy, hoặc gọi ta-xi. Tha hồ trả giá. Thấy một anh trẻ tuổi, khoẻ mạnh, mặt mày khôi ngô, đoán rằng anh ta biết tiếng Anh, tôi đến cho biết nơi tôi cần tới và hỏi giá. Anh đáp:

“120 rupees.”

“100 nhé,” tôi trả giá.

Anh lắc đầu. Tôi bỏ đi. Anh chạy theo.

Tôi đứng lại hỏi:

“Anh chịu giá 100 phải không?”

Anh lại lắc đầu. Tôi định bụng trả 120 cũng được, cũng rẻ chán so với chuyến ta-xi mà tôi đã trả tiền để đến đó những lần trước, nhưng ngay miệng hỏi tiếp:

“Thế thì bao nhiêu?”

Anh bảo:

“80.”

Tôi buồn cười nhưng cũng nhắc lại tôi sẽ trả anh 100 như tôi đã nói hồi nãy, nhưng anh nhất định đòi 80 thôi.

Gặp các nhà sư Phật giáo hay các giáo sĩ của những tôn giáo khác, những người lao động lam lũ này ít khi kỳ kèo về giá cả. Trả bao nhiêu họ nhận bấy nhiêu.

Lẽ dĩ nhiên xứ nào cũng có người lương thiện, kẻ lưu manh, nhưng tôi nghĩ rằng những đức tính như đơn sơ, chơn chất, thật thà, có khi đến ngây thơ, còn tồn tại khá nhiều nơi đám người Ấn Độ bình dân. Từ chỗ ngại ngùng lúc ban đầu, dần dần tôi nhận ra rằng người bình dân Ấn Độ tại bản xứ rất dễ mến, dễ làm thân. Chỉ có điều họ lam lủ quá. Nước Ấn Độ đang phát triển mạnh, ai cũng nhận ra điều đó, nhưng người dân còn nghèo đói, thiếu thốn. Có lẽ họ chánh quyền muốn họ sống khắc khổ để có đủ khả năng “chạy đua” cạnh tranh với các nước giàu mạnh trên thế giới.

Tôi xin kể tiếp ra đây chuyến đi của chúng tôi từ Nepal qua Ấn Độ. ///Sau khi làm xong thủ tục quá cảnh tại biên giới, lúc đó khoảng gần 12 giờ trưa, vợ chồng chúng tôi vội vàng thuê một chiếc xe nhỏ bốn chỗ ngồi do một tài xế Ấn Độ lái đưa chúng tôi về một ngôi chùa trụ trì bởi một ni sư người Việt Nam toạ lạc tại thị trấn Kushinagar thuộc tiểu bang Uttar Pradesh miền Đông Bắc. Nhưng tại sao lại vội vàng? Chẳng qua tại vì một chuyện lục đục giữa chúng tôi không đáng để viết vào đây. Do vội vàng và cũng vì bực bội, tôi không buồn hỏi xem đường đi xa hay gần. Thật ra trong thâm tâm, tôi nghĩ có lẽ cũng không xa lắm. Chúng tôi ngồi băng sau cùng với hành lý xách tay khá lỉnh kỉnh, cái va li lớn thì đã được để sau cốp xe, tài xế ngồi một mình ở băng trước. Khi xe đã lăn bánh, để đỡ thắc mắc, tôi hỏi tài xế khi nào thì đến. Anh tài xế ít nói này chỉ trả lời, “Tối, nếu chạy nhanh.” Và chiếc xe phóng đi vùn vụt.

Tôi hơi chột dạ. Bây giờ mới buổi trưa, mà tối mới đến! Thế là phải mất hơn bảy tiếng ngồi trên chiếc xe này nếu không xẩy ra biến cố gì. Biến cố gì nhỉ? Biết đâu nơi xứ lạ quê người, anh tài xế rím rím này có thể đưa mình tới một nơi vắng vẻ nào đó để trấn lột. Hoặc có thể anh ta không biết đường mà cứ nhận lời đại, tới đâu thì tới. Chúng tôi thì mù tịt, không biết một tí gì về địa hình, địa vật, đường ngang lối dọc của cái xứ sở lạ hoắc này. Liệu có điều gì rủi ro xẩy ra hay không, tôi băn khoăn. Tôi không nói lên cái ý nghĩ ấy, nhưng nhìn vào vẻ thẩn thờ của vợ tôi, tôi biết cô ta cũng đang lo lắng lắm. Quá hai giờ trưa tôi hỏi có nên dừng xe lại kiếm cái gì ăn hay không, anh tài xế đáp “Không”, và cứ lầm lì nhìn con đường dài hun hút mịt mù đằng trước, một tay cầm bánh lái, tay kia tựa vào cánh cửa kính đã hạ hé xuống, gió lồng vào rần rật. Vợ tôi ngồi bên cạnh cũng im hơi lặng tiếng. Xe cứ phóng nhanh. Tôi nhìn con đường dài trước mặt, có cảm giác như chiếc xe là con quái vật nuốt trôi mọi thứ mà nó thấy. Nhìn trước chán lại quay sang ngó hai bên. Phong cảnh tiêu điều, hết những bãi đất hoang vắng mênh mông đến những cánh rừng thưa xơ xác. So với những nơi tôi đã qua, tôi thấy Nepal xanh tươi, nhẹ nhàng, trong khi Ấn Độ tiêu điều, bí hiểm.

Khoảng bốn giờ chiều, tách rời con đường lớn, chui qua một cái cổng rất cao và lở lói từng mảng, chiếc xe đâm sâu vào con đường nhỏ hai bên là những túp lều vách đất mái lá nằm cách nhau khá xa. Những làn khói, có lẽ khói cơm chiều, ôm lấy mái lều; trẻ em, có đứa trần truồng, chạy tới, chạy lui đùa giỡn. Đường nhỏ nhưng xe vẫn chạy nhanh, cái anh chàng này định chạy đi đâu mà hấp tấp quá vậy? Một đứa bé đang chạy dọc theo bờ cỏ bên đường bỗng đột ngột đổi hướng chạy xông ra, tài xế đạp thắng két một tiếng dài và lách nhanh. Tôi hoảng hốt nhìn lui. Đứa bé đứng sựng lại, khóc ré. Chiếc xe lại phóng nhanh hơn trong tiếng quát tháo của nhiều người. Tiếng quát đuổi theo không kịp, nghe thảng thốt trong một giây và tắt lịm ngay. Khi xe đã chạy xa, anh tài xế quay lui nhìn tôi như muốn phân trần. Tôi muốn nói vài lời khuyên anh nên giảm tốc độ, thì chiếc xe đã lại phóng nhanh hơn nữa, gió gào to trên kính xe mở hé. Xe không có máy lạnh, cửa kính phải hé mở để một chút gió lồng vào cho đỡ ngột ngạt.

Chiếc xe chạy hết con đường nhỏ rồi rẽ qua một con đường lớn khác, gia tăng tốc độ. Nắng đã tắt, buổi chiều tranh tối tranh sáng. Nhìn đồng hồ, hơn sáu giờ. Nhiều lần tôi muốn bảo tài xế dừng xe lại để tôi hỏi cho ra lẽ. Nhưng hỏi gì, tôi tự nhủ. Mình không biết đường sá, không có một ý niệm gì về địa lý của một nơi lạ lùng như thế này, thì biết gì mà hỏi. Anh tài xế có thể tha hồ bịa đặt hàng trăm câu trả lời nếu anh muốn. Cuối cùng tôi đành nói cho có nói:

“Sắp đến chưa hả anh?”

“Hơn một tiếng nữa.”

Vợ tôi vẫn ngồi im lặng bên tôi nhưng tôi biết cô ta đang theo dõi từng lời nói, từng cử chỉ và thái độ của tôi. Tôi cố giữ bình tĩnh.

Xe lại rẽ qua một lối khác. Con đường không nhỏ lắm nhưng tối tăm. Đèn pha của xe không đủ sức xuyên thủng đám sương mù vừa dâng lên, nhưng chiếc xe vẫn lủi tới như con quái vật đui mù chẳng cần biết phía trước có gì. Cứ lủi, lủi. Cái anh chàng tài xế này đang lên cơn điên chăng. Hay phải thi hành cấp tốc một toan tính gì. Đèn đóm nhà ai hai bên đường thưa thớt, leo lét, khi sáng khi tắt, trông như những chấm tia sáng phát ra từ những cây nhang trước gió. Tôi lại nhìn đồng hồ, hơn bảy giờ. Nếu anh chàng này nói đúng thì sắp tới chùa, nhưng nếu xe cứ băng băng chạy mãi, tôi sẽ bắt anh dừng lại, rồi tuỳ cơ ứng biến.

Khoảng 15 phút sau bỗng nghe thấy bánh xe siết lên mặt đường chối cả tai. Xe dừng lại đột ngột, chúng tôi nhào người ra phía trước. Tài xế vội vàng quay người lại:

“Xin lỗi ông bà. Đã đến nơi rồi, tôi không thấy rõ đường, suýt chạy tiếp. Mời ông bà xuống đây.”

Nói xong anh ta mở cửa xe, nhảy xuống, chạy quanh ra sau cốp mang cái va-li của chúng tôi đặt xuống trên bãi cỏ, rồi chạy đến mở cửa cho chúng tôi và chìa hai tay ra ý nói đã tới rồi, xuống nhanh đi chứ. Trông anh hấp tấp, vội vã, như bị ma đuổi. Như nhiều nơi khác, con đường này cũng không có lề đường, chúng tôi đặt ba cái xách tay trên bãi ngay chỗ chúng tôi đứng. Tôi hỏi:

“Chùa đâu?”

“Qua khỏi cái cổng ấy, đi một thêm một đoạn ngắn là đến.”

“Cổng đâu nào? Tôi chẳng thấy cái cổng ở nơi nào cả. Đường sá cũng không thấy. Sương mù xuống nhiều quá.”

“Không phải sương mù. Khói đó, một chốc nó tan hết ngay. Người ta đốt cây, đốt lá, đốt rác trừ muỗi. Xin ông bà trả tiền.”

Vợ tôi đã cầm sẵn tiền trong tay từ hồi nào, kể cả tiền “tip”, đưa ngay cho anh tài xế, tôi can không kịp. Anh ta cám ơn, nói thêm rằng anh phải chạy ngay trở lại con đường cũ về Nepal cho kịp chuyến đi khác. Tôi chưa kịp phản ứng anh đã phóng xe nhanh lẫn vào trong đám khói sau khi hét to, “Chùa ngay trước mặt.” Tôi cau mày nhìn vợ tôi, rồi nhìn chiếc va-li to đằng kia, và ba cái xách tay lỉnh kỉnh.

Cô ta nói dấm dẳn:

“Anh lo ba cái xách tay này, em kéo va-li. Chồng cái xách lớn lên va-li mà kéo cũng được. Rồi đi. Chứ có gì đâu.”

“Nhưng đi đâu?”

Lúc ấy cô ta mới ngẩn người ra. Chúng tôi đứng tại chỗ, chưa biết phải làm gì, cũng chẳng nhìn thấy được gì sau lớp khói mù mịt. Vài con côn trùng bay vù vù quanh quẩn rồi biến. Châu chấu hay cào cào, có lẽ. Để tỏ ra không hoảng hốt, đồng thời khoả lấp cái trống trải, tôi mang cái xách tay nặng đến cài lên trên chiếc va-li có bánh xe. Tôi nhẩm tính rằng tôi sẽ để vợ tôi đứng đây với hành lý, còn tôi thì đi quanh dò xem. Nhưng tôi lại nghĩ rằng làm như thế không ổn, tôi không thể để vợ tôi đứng một mình trong đám khói này. Vậy tôi phải làm gì? Sau một khoảnh khắc phân vân mà tôi nghĩ là khá lâu, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng chuông. Tiếng chuông chùa. Tôi nhìn về phía đó. Dường như khói đã tan đi bớt, tôi thấy mờ mờ hình dáng chiếc cổng, không phải cổng chùa, mà là thứ cổng dẫn vào những con đường nhỏ tôi đã gặp đây đó trên đất nước này. Tiếng chuông tiếp tục vang vang từng nhịp như tiếng đập của trái tim, của buồng phổi, như những đợt sóng dào dạt vỗ nhẹ vào bờ cát phẳng.

“Chùa đây rồi, anh ơi,” vợ tôi mừng rỡ reo lên, giọng nói thật ấm áp, khác hẳn thái độ lạnh lùng từ khi bước lên xe cho đến bây giờ.

Tôi cũng thấy yên tâm dù vẫn còn một chút lo âu:

“Nhưng có phải chùa mình định đến hay không,” tôi vui vẻ đáp. “Lỡ một ngôi chùa nào thuộc một tiểu bang nào khác của người Ấn Độ, hay của người Tây Tạng, người Đài Loan, người Nhật ... thì sao.”

“Thì cũng không sao cả. Mình chỉ xin ngủ tạm qua đêm mai tính.”

Tiếp theo, văng vẳng trong gió, tiếng tụng kinh. Vợ tôi và tôi đứng thẳng người im lặng lắng nghe. Hình như không phải tụng kinh bằng tiếng Việt. Tôi cố nghe kỹ hơn. Khác với vợ tôi, tôi không thuộc bài kinh nào cả, chỉ nhớ mang máng kinh này vài câu, kinh kia năm bảy tiếng, một ít câu chú, câu kệ, và thường thì chỉ nhận ra âm thanh thôi, không hiểu được nghĩa từ tiếng Phạn hay tiếng Hán. Sau một hồi kinh tụng bằng thứ tiếng gì mà tôi không thể nào đoán ra được, bỗng tôi nhận ra mấy chữ đầu của chú Đại Bi: “Nam mô thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni...” Tôi giật mình, mừng rỡ.

Đúng là chùa Linh Sơn của ni sư Thích Trí Thuận rồi. Ở một nước lạ lùng, trong đêm tối mịt mùng, nghe được tiếng chuông ấy, tiếng tụng kinh ấy, từ ngôi chùa Việt Nam ấy, quả là một niềm hạnh phúc lớn. Tôi quay nhìn vợ tôi muốn chia sẻ nỗi vui mừng. Cô ta không để ý đến tôi, lim dim mắt tụng kinh theo.

A, cái anh tài xế ít nói này lạ thật. Tôi không biết làm thế nào để tỏ lòng quý mến của tôi đối với anh bây giờ. Tôi tưởng tượng nếu chúng tôi lâm vào hoàn cảnh như thế này tại một nơi nào khác, hay ngay tại quê hương cũ của tôi, thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn không phải chuyện tốt đẹp. Tôi không thể không có cái ý nghĩ rằng mặc tất cả các thứ bê bối, dơ bẩn, nghèo nàn, người Ấn Độ, nhất là người bình dân, rất dễ mến, dễ làm thân. Càng hiểu biết họ nhiều hơn, càng tin cậy họ thêm.

 

Trong suốt thời gian đi đây đó trên bán lục địa Ấn Độ mênh mông, tôi thường nghĩ đến nước Tàu còn rộng lớn hơn mà tôi đã đến thăm tám năm về trước. Và so sánh, liên tưởng. Bắc Kinh vừa cổ kính, vừa hiện đại, Thượng Hải thì có thể so sánh với bất cứ thành phố lớn nào của phương Tây, Tô Châu, Hàng Châu dịu dàng, thơ mộng. Những ngoại ô, những miền quê cũng thật êm đềm, quyến rủ, và nó khơi dậy trong ta tình hoài hương, xui ta nhớ ao bèo, ao cá, luỹ tre, khóm chuối, đồi chè, nương khoai, vườn sắn, ngõ trúc, nhịp cầu, mái chùa, dặm liễu, tiếng gà gáy trưa, tiếng chuông ban chiều, tiếng mưa rơi trên mái lá ...

Nhiều cảnh của nước Tàu đẹp như trong thơ Nguyễn Du:

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng

như trong thơ Nguyễn Khuyến:

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây

như trong thơ Xuân Diệu:

Gió thầm mây lặng dáng thu xa
Mới tạnh mưa trưa chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua

Và nhất là như trong một số thơ của Huy Cận. Hình ảnh và cảm xúc của mấy câu đầu trong bài thơ Chiều Xưa tôi cũng tìm thấy trên đường đi đến Vạn Lý Trường Thành:

Buồn gieo theo gió ven hồ
Đèo cao quán chật bến đò lau thưa
Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về

Rồi một buổi sáng sớm trời lâm râm mưa bụi phủ mờ cả một vùng ngoại Hàng Châu, bỗng nghe tiếng gà gáy lúc gần lúc xa và nhìn thấy hàng cây hai bên đường đứng im phăng phắc, tôi lại nhớ mấy câu thơ trong bài Gà Gáy Trên Cánh Đồng Ba Vì Được Mùa cũng của Huy Cận:

Gà gáy đầu thôn gáy giữa thôn
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn
Đêm qua tắt gió cây không ngủ
Mưa sớm hàng cây đứng ngủ ngon

Chiếc xe lớn cứ thế đưa du khách qua nhiều nơi, và mọi người ngồi trên xe, có lẽ cũng như tôi, đều cảm thấy chuyến đi vô cùng thú vị. Cho đến một hôm.

Hôm đó xe dừng lại tại một ngoại ô của Bắc Kinh, du khách xuống xe để được thư giãn. Mấy người đàn bà bán những xâu chuỗi ngọc trai ùa tới mời mọc liền bị công an không biết từ đâu chạy đến xua đuổi, quát tháo. Những người bán hàng chạy tan tác mọi phía. Về sau tôi mới biết công an làm thế để du khách chỉ được mua những thứ ấy trong những cửa hàng quốc doanh. Sau đấy mấy phút, khi mọi người sửa soạn lên xe theo lệnh của hướng dẫn viên du lịch, tôi bỗng thấy một bà già, quá già, đứng bên vỉa hè khuất sau một bảng chỉ đường tay nách một rổ khoai lang nướng đang còn nóng, khói đang còn bốc lên. Tôi vội chạy tới mua hai củ, quá rẻ, tôi biếu luôn số tiền thối lại. Bà già vui mừng quá đỗi, nói ấp úng những gì tôi không hiểu, tôi cũng vui theo, rồi chạy tới chiếc xe đang nổ máy đứng chờ tôi. Khi xe đã chạy được một quãng ngắn, củ khoai ấm và thơm nằm gọn trong tay, tôi quay lại nhìn bà già như muốn nói một lời cám ơn mà tôi quên nói lúc nãy, thì thấy bà đang bị hai công an dùng roi đánh tới tấp vào lưng, vào đầu. Bà đưa tay quờ quạng đỡ, và lụm cụm chạy. Chiếc nón văng xuống đất, khoai trong rổ đổ xuống lề đường, nằm ngổn ngang. Tội nghiệp bà già quá. Thế là mất tiêu hết cả vốn liếng, lại còn bị đánh đập. Tôi cảm thấy mình có lỗi, vì dù sao tôi cũng đã dự phần gây nên nỗi bất hạnh ấy. Tôi tự hỏi không lẽ cửa hàng quốc doanh cũng có bán khoai lang nướng? Sự việc đó làm tôi thấy hụt hẫng như bị ai tạt cả chậu nước lạnh vào mặt. Phần còn lại của chuyến viếng thăm nước Tàu mất đi rất nhiều hào hứng. Ở Ấn Độ hiếm khi tôi gặp cảnh sát. Tôi cũng được biết rằng cảnh sát đối với dân bằng một lối hành xử nhã nhặn, đúng đắn hơn nhiều. Ấn Độ là một nước dân chủ, tự do, đa đảng; những hành động tàn bạo về phía chánh quyền không được luật pháp dung dưỡng, toa rập.

Chưa hết, tối hôm ấy sau khi ăn uống xong, thấy trời còn sáng, nhiều người trong chúng tôi muốn kéo nhau đi dạo một vòng gần thôi cho biết phố phường về đêm, nhưng bị cảnh cáo không được làm thế. Có biến cố gì xẩy ra, khách sạn sẽ không chịu trách nhiệm. Thế nghĩa là gì? Có bao giờ du khách đi dạo chơi lại tròng trách nhiệm vào đầu khách sạn. Chúng tôi tìm hướng dẫn viên du lịch hỏi cho ra lẽ, nhưng hắn ta biến mất từ hồi nào rồi. Đành phải chờ sáng hôm sau giải quyết một việc đã rồi.

Vì những bó buộc như thế nên tôi ít có dịp tiếp xúc với người dân bình thường. Nhưng ít không có nghĩa là không có. Khi đi chúng tôi thăm Vạn Lý Trường Thành gần Bắc Kinh, một cô người Tàu độ 18, 19 tuổi, mặt mày sáng sủa, hiền lành, cứ lẽo đẽo theo chân vợ tôi và tôi, tay cầm máy ảnh, thỉnh thoảng chụp vài tấm hình, chụp luôn cả chúng tôi, rồi nhìn chúng tôi, mỉm cười. Người hướng dẫn hôm ấy có lẽ vì mệt nên xin được đứng chờ bên dưới, hẹn giờ và ấn định nơi tập họp trước khi trở về khách sạn. Chúng tôi được tự do đi đâu thì đi, miễn là phải đi trên mặt thành. Không đi nổi thì đứng lại nghỉ ngơi, hoặc đi đến nơi hướng dẫn viên đang chờ. Trèo lên nhiều đoạn dốc cao và dài trên mặt thành rộng, qua nhiều vọng gác đã xây trước đây vài ngàn năm nay vẫn còn kiên cố, chúng tôi mệt muốn đứt hơi. Rồi từ dưới nhìn lên, chúng tôi thấy một con lạc đà có thắng đủ yên cương đang đứng ở nơi cao nhất với chủ nhân của nó, có cả cô bé đứng bên cạnh, đằng sau là bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Đẹp quá! Chúng tôi muốn đến đấy nhưng tay chân đã rã rời đành ngồi xuống trên bậc tam cấp nghỉ. Cô bé liền đưa tay vẫy gọi chúng tôi tíu tít, tay chỉ vào máy hình. Cô lại muốn chụp cho chúng tôi một tấm hình cạnh con lạc đà. Thấy cô sốt sắng quá, chúng tôi rán hết sức đi đến. Trên đường quay về nơi tập họp, nhiều lúc mệt đến đắng cả cổ họng, chúng tôi phải ngồi bệt xuống đất thở dốc. Cô bé dường như đã quen, vẫn còn tươi tỉnh, và vẫn đi theo chúng tôi. Tôi hỏi vài câu, cô bé chỉ ậm ừ, cười cười, và gật đầu. Thỉnh thoảng nói, “Yes, yes.” Hơn hai giờ sau chúng tôi mới về tới nơi tập họp, cô bé cười rất tươi và chào chia tay. Tôi hơi bỡ ngỡ vì sự có mặt của cô bé, nhưng cũng cảm thấy vui vui.

Tôi thích du lịch. Cái vĩ đại của Vạn Lý Trường Thành, cái lộng lẫy của Taj Mahal, cái thơ mộng của Hàng Châu, Tô Châu lẽ dĩ nhiên đã ghi dấu ấn rất đậm trong tôi, nhưng những cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi trên những con đường dài, có khi cũng nằm sâu trong ký ức. Một khuôn mặt cùng nụ cười bất chợt bắt gặp thoáng qua mau trên khung cửa sổ của chiếc xe lửa chạy ngược chiều, cái nón rách tả tơi và cánh tay gầy gò đưa lên chống đỡ roi vọt tới tấp quất vào, tiếng xin tiền dai dẳng, kiên nhẫn, thì thầm bên tai trên con đường dốc đi xuống từ một ngôi chùa, anh chàng tài xế bí hiểm và âm thầm như chiếc bóng ..., và nay cô bé vui tính lẽo đẽo đi theo, tay vẫy vẫy gọi chúng tôi chụp hình, những câu trả lời ậm à, và về sau nước mắt rưng rưng, chắc chắn tôi không bao giờ quên.

Ngày hôm sau khi xe sắp rời khách sạn để chở chúng tôi ra phi trường, cô bé lại xuất hiện, đưa xấp hình cô chụp hôm trước cho chúng tôi xem. Hầu hết các tấm hình đều có chúng tôi trong đó. Vợ tôi và tôi xem nhanh, định xin hoặc mua lại mấy tấm, nhưng thấy bất tiện, xin hoặc mua đều bất xứng, nên trả tất cả lại cho cô. Cô ngập ngừng, muốn nói gì rồi im, mặt thì buồn. Lạ hơn nữa, hai con mắt rưng rưng. Tôi ngạc nhiên, nhưng cũng phải cùng vợ tôi giã từ cô bé, đi vội ra xe cho kịp. Vợ tôi đi cạnh tôi nói đùa, “Anh có số đào hoa lắm đó, anh đi cô ấy buồn đấy.” Tôi không nghĩ như thế. Hình như có cái gì không bình thường. Tôi phải hỏi cô hướng dẫn viên xem sao. Vâng, hướng dẫn viên cũng là một phụ nữ nhanh nhẹn, nói tiếng Anh lưu loát.

Khi xe đã qua khỏi những khu phố đường sá đông nghẹt và tiến ra xa lộ, cô hướng dẫn mới từ những dãy ghế hàng đầu đi lần lần xuống các hàng ghế cuối gom những thẻ thông hành của hành khách để làm thủ tục gì đó. Lúc cô đến thu thẻ thông hành của tôi, cô đổi sắc mặt, nụ cười chào khách không còn, trông cô khó đăm đăm. Tôi hơi bực mình nhưng cũng hỏi xem cô có biết gì về cô bé cho tôi xem hình hồi nãy hay không, thì được trả lời rằng cô ấy là sinh viên mới vào Đại Học, cuối tuần đến khu thắng cảnh này chụp hình kiếm thêm chút tiền. Tôi sửng sốt, và hiểu ra ngay. Nhưng tôi cũng cứ hỏi:

“Cô ấy theo chúng tôi để chụp hình cho chúng tôi, phải không?”

“Chứ để làm gì nữa, thưa ông.”

“Thế mà tôi cứ tưởng cô ấy là du khách, tình cờ gặp chúng tôi, đi theo chơi cho vui. Sao cô ta không nói gì cả về chuyện chụp hình?”

“Biết tiếng Anh đâu mà nói.”

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, cô đổi sắc mặt ngay, cười tươi tươi hẳn lên:

“Ô, thế là hiểu lầm nhau rồi. Thường thì cô ấy muốn chụp hình cho ai, tôi thông ngôn giùm. Vừa rồi vì mệt tôi không cùng đi với quý vị, nên có ai thông ngôn cho cô ấy đâu. Và cô cứ tưởng quý vị hiểu việc làm của cô.”

“Nhưng khi thấy tôi không trả tiền, cô ấy phải đòi chứ. Tôi nhớ cô có đứng gần đấy, sao cô ta không nhờ cô thông ngôn giùm.”

“Con gái mới lớn mà, còn nhút nhát lắm. Với lại có lẽ cô ấy tưởng ông chê hình không đẹp, trả lại, nên cô không dám đòi tiền. Đúng, lúc ông trả lại xấp hình cho cô ta, tôi có đứng gần đấy, và tôi cũng nghĩ là ông khó tính lắm, nên tôi... Xin ông tha lỗi.”

Tôi không có tấm hình nào nhưng nghĩ lại thấy cô bé tội nghiệp quá. Tôi hỏi xem nên trả bao nhiêu tiền, và nhờ cô hướng dẫn viên trao tiền lại cho cô chụp hình được không. Cô vui vẻ nhận lời.

 

Qua những sự việc nói trên, tôi nghĩ rằng ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Nếu con số tốt xấu đó chênh lệch tuỳ địa phương, ấy là do ở hoàn cảnh sống, môi trường sống, cũng như do ở cấu trúc xã hội, cơ chế xã hội đã tác dụng lên trên con người. Gần đây có những tin tức cho biết người Tàu hiện nay rất lạnh lùng, vô cảm, nhìn cảnh khổ, hoạn nạn, hay cả cái chết diễn ra trước mặt mình không chút xúc động. Tại sao vậy? Có lẽ cũng vì những lý do vừa nêu trên. Không những thế, họ thường tham lam giành giật đến nỗi báo chí ở Hồng Kông, theo đài Pháp Quốc Quốc Tế (RFI) phát thanh ngày 7 tháng 2, 2012, đã viết rằng người Tàu ở Hoa Lục là một lũ châu chấu đi đến đâu ăn sạch đến đấy. Trong một phạm vi rộng lớn hơn, nếu người Ấn Độ đi đầu tư tại các nước ở Phi Châu chẳng hạn, họ nghĩ đến cái lợi cho cả hai bên, bên đi đầu tư và bên nhận đầu tư. Trung Quốc trái lại. Đầu tư đối với họ là bước thứ nhất. Bước thứ hai, chiếm hết của cải nơi họ đến đầu tư, để đi đến bước thứ ba, thuộc địa hoá. Hơn một triệu người Tàu mà số lớn là nông dân không có tay nghề chuyên môn, nhưng lại có vũ khí, được đưa đi phục vụ cho việc đầu tư tại Phi Châu, Nam Mỹ. Họ đi nườm nượp như những đoàn di dân bất tận. Nhiều nước ở Phi Châu, Nam Mỹ đã lên tiếng báo động ý đồ mở thuộc địa của Trung Quốc.

Một số quốc gia ở châu Á như Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Việt Nam cũng lâm vào tình trạng bị Trung Quốc khống chế nhiều mặt xuyên qua những dự án đầu tư, khai thác hầm mỏ, doanh thương. Không khéo lại bị mất cả chủ quyền, mất nước, trở thành thuộc địa của Tàu.

Gần đây, Miến Điện đang cố vùng vẫy để thoát ra khỏi nanh vuốt của Trung Quốc.

 

1/2012
(còn tiếp)

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021