thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi nhà của Matryona

 

Bản dịch của Phạm Ngọc

 

ALEXANDER SOLZHENITSYN

(1918-2008)

 

Lời người dịch
 
Alexander Solzhenitsyn viết xong truyện ngắn “Ngôi nhà của Matryona” vào năm 1959. Bản thảo được tác giả trao cho Alexander Tvardovsky (1910-1971), Tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới”, vào ngày 26/12/1961. Tuy nhiên, sau cuộc họp nội bộ, Ban biên tập đã kết luận: chưa phải thời điểm thích hợp để đăng truyện ngắn vào số tháng Giêng 1962. Đúng một năm sau “Ngôi nhà của Matryona” đã được phép đăng trên “Thế giới mới” cùng với “Trường hợp tại nhà ga Kochetovka” dưới nhan đề chung là Hai truyện ngắn. Hơn 100 ngàn bản của số báo này đã được bán hết sạch!
 
Nhan đề “Ngôi nhà của Matryona” do Tvardovsky đề nghị sửa lại từ tên truyện nguyên thủy “Xóm làng không tồn tại thiếu con người thánh thiện” — từ một câu cách ngôn dân gian Nga. Tvardovsky phát biểu: “Nhan đề không cần thiết phải mang tính giáo huấn như thế!”. Solzhenitsyn trả lời tương đối nhẹ nhàng: “Thôi, cứ coi như tôi không may với cái nhan đề ở chỗ các ông!”.
 
Năm 1989, truyện ngắn này được đăng lại trên tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” số 23 & 24 với số lượng 3.350.000 bản!
 
Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga trong Alexander Solzhenitsyn toàn tập, 30 tập, Tập 1 — Truyện ngắn & Đoản văn, Nxb “Thời đại”, Moskva 2006.

 

_____________

 

NGÔI NHÀ CỦA MATRYONA

 

Tại cột cây số 184 dọc theo tuyến đường sắt từ Moskva đi Murom và Kazan, từ hơn nửa năm nay, các đoàn tàu đều chạy chậm lại, từ từ như mò mẫm. Hành khách ai nấy đều dán mũi vào cửa kính và dồn ra phía chỗ trống đầu toa: sửa đường à? tàu có bị muộn không?

Nhưng không. Qua khỏi giao lộ, tàu dần dần chạy nhanh trở lại, hành khách đều trở về chỗ ngồi.

Chỉ có tài công và thợ máy là biết chuyện gì đã xảy ra.

Và cả tôi nữa.

 

 

1

 

Mùa hè 1956, từ một miền hoang mạc cát bụi nóng bỏng, tôi trở về Nga, không chủ đích. Chẳng một xó xỉnh nào có người chờ đợi hay gọi tôi về, tôi đã không được quay lại đây cả chục năm rồi. Điều tôi muốn bây giờ chỉ còn là được đặt chân lên dải đất miền Trung nước Nga, không nắng nóng, cây lá xào xạc trong rừng. Tôi muốn được chìm sâu và mất dạng ngay trong lòng đất Nga... nếu như điều ấy là có thể!

Một năm trước, ở phía bên này dãy Ural, tôi chỉ có thể được thuê để đẩy xe thồ là cùng. Người ta không thuê tôi làm việc ở công trường xây dựng dù chỉ với chức danh thợ điện. Trong khi đó tôi muốn làm nghề dạy học. Những người hiểu biết bảo tôi không nên phí tiền mua vé, vì chuyến đi sẽ chẳng đem lại lợi ích gì.

Nhưng hình như một điều gì đó bắt đầu thôi thúc. Khi bước lên cầu thang Sở giáo dục tỉnh Vladimir và hỏi thăm Phòng tổ chức cán bộ, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy nhân viên ở đây không còn ngồi trong những căn phòng sau cánh cửa bọc da đen, mà lại ngồi phía sau những vách ngăn bằng kiếng, i hệt như ở tiệm thuốc tây. Tôi rụt rè tiến đến một ô cửa, nghiêng người xuống hỏi:

— Xin lỗi, ở đây có cần giáo viên toán để dạy ở một vùng xa tuyến đường sắt không? Tôi muốn định cư luôn ở đó.

Người ta săm soi từng chữ trên giấy tờ của tôi, chạy tới chạy lui hết phòng này sang phòng khác, rồi gọi điện đi đâu đó. Dù sao, đây cũng là một trường hợp hiếm có, vì thường thì ai cũng xin việc ở thành phố, thành phố lớn càng tốt. Cuối cùng, người ta cũng bố trí việc làm cho tôi ở một nơi hẻo lánh mà nội cái tên “Đồng cỏ cao nguyên” cũng đủ làm lòng tôi vui sướng.

Thật xứng đáng với cái tên của nó. Trên một quả đồi giữa những thung lũng nhỏ, xa xa nhấp nhô những ngọn đồi khác, với rừng cây bao quanh, một cái ao và một con đập, Đồng cỏ cao nguyên đích thực là nơi mà người ta có thể thấy sống hay chết cũng chẳng có gì đáng phàn nàn! Tôi ngồi rất lâu trên một gốc cây trong cánh rừng thưa, và thầm ước phải chi mình có thể không cần ăn uống, miễn sao được ngồi đây lắng nghe tiếng cành lá xào xạc trong đêm vắng, tiếng máy thu thanh không bao giờ vọng đến, và mọi âm thanh khác trên cõi đời này đều im bặt.

Tiếc thay, không ai bán món gì có thể ăn được trên vùng đất này, người ta cũng không làm bánh mì. Cả làng phải tha thực phẩm trong những bao tải mãi tận trên tỉnh lị về.

Cực chẳng đã, tôi phải quay lại Phòng tổ chức để năn nỉ xin xỏ trước ô cửa. Thoạt tiên, người ta chẳng thèm nghe tôi nói. Nhưng sau đó, lại chạy tới chạy lui từ phòng này sang phòng khác, rồi điện thoại, rồi tiếng bút sột soạt trên giấy, rồi đóng dấu cái cộp trên quyết định của tôi: “Torfoproduct”.

Torfoproduct? [1] Lạ thật, đến Turgenev cũng chẳng nghĩ nổi người ta có thể “chế tạo” ra một cái tên tiếng Nga như thế!

Nhà ga Torfoproduct là một dãy nhà tạm bợ bằng gỗ màu xám cũ kĩ, ở đó treo một bảng thông báo nghe rất nghiêm: “Chỉ lên tàu phía bên sân ga!”, trên tấm bảng nguệch ngoạc thêm dòng chữ kẻ bằng đầu đinh nhọn “Và không cần vé!”. Và tại quầy vé người ta cũng thấy dòng chữ tương tự, hài hước đến buồn thảm, nhưng lại được khắc bằng dao: “Hết vé!”. Sau này tôi mới thấm thía í nghĩa của những dòng chữ viết thêm. Torfoproduct là nơi đi dễ khó về.

Nơi đây trước kia từng là rừng rậm không bước chân người, chưa bị tàn phá qua thời kì cách mạng. Nhưng rồi sau đó những công nhân mỏ than và xã viên nông trang tập thể kế cận đến đây để đốn gỗ. Chủ tịch nông trang, Gorshkov, đã đốn sạch nhiều hecta cây rừng để bán qua Odessa kiếm lợi, từ đó đưa nông trang đi lên, còn ông ta thì được nhận danh hiệu Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa.

Ngôi làng mọc lên không theo một trật tự gì giữa vùng trũng đầm lầy than bùn — những dãy nhà giống hệt nhau, tô trét nham nhở, i như vào thời những năm 30, mặt trước được chạm khắc với hàng hiên gắn kính, kiểu những năm 50. Nhưng bên trong nhà tuyệt nhiên không có một vách ngăn nào cao đến trần, vì thế tôi không thể kiếm được một phòng trọ với bốn bức tường thực sự.

Ống khói nhà máy tỏa nghi ngút khắp làng. Một tuyến đường sắt hẹp xuyên qua làng, từ đầu này tới đầu kia, với mấy cái đầu máy con con, cũng khói phun mù mịt, còi rúc inh tai, ì ạch kéo những toa hàng chở đầy than bùn nâu sẫm, từng tấm lớn hay nhỏ như viên gạch. Tôi có thể đoán mà không sợ nhầm là chiều chiều một máy phóng thanh treo trên cửa câu lạc bộ sẽ gào hết công suất, những gã say rượu sẽ lang thang trên đường rồi cuối cùng những nhát dao sẽ kết liễu cuộc vui.

Đấy, giấc mơ về một vùng nhỏ bé và iên tĩnh trên đất Nga đã đưa tôi đến đâu! Giờ đây tôi mới thấm thía dù sao nơi mà tôi rời bỏ ít nhất cũng còn có một căn nhà bằng đất có cửa trông ra sa mạc, đêm đêm hứng làn gió mát, và trên đầu chỉ có bầu trời đầy sao.

Nằm trên băng ghế ở sân ga, tôi không tài nào dỗ được giấc ngủ, và đến tờ mờ sáng tôi lại lang thang khắp làng. Bấy giờ tôi mới khám phá ra là có một cái chợ tí hon, và chỉ có một người đàn bà duy nhất vào giờ này đứng bán sữa. Tôi mua một chai và uống ngay tại chỗ.

Giọng nói của chị ta làm tôi ngạc nhiên hết sức. Không hẳn nói mà như là hát, khe khẽ và dịu dàng, và những lời phát ra từ miệng chị gợi trong tôi một nỗi buồn Á Đông:

Ơi người khách lạ phương nao

Uống đi cho thỏa khát khao tâm hồn [2]

— Còn chị từ đâu đến? — tôi vui vẻ hỏi lại.

Rồi tôi được biết xung quanh đây không phải chỉ có mỏ than, qua khỏi đường xe lửa là đến một ngọn đồi nhỏ, phía sau đồi là một ngôi làng có tên Talnovo. Theo người ta kể lại thì làng này đã có từ lâu, từ thời còn cô tiểu thư di-gan, và rừng rậm bao phủ khắp vùng. Rồi xa hơn nữa là một vùng nhiều làng mạc: Chaslitsy, Ovintsy, Spoudni, Shevertni, Shestimirovo, tất cả đều heo hút, cách xa đường sắt và đi về hướng bờ hồ.

Những cái tên đó như một ngọn gió lành, hứa hẹn với tôi miền đất Nga cổ kính.

Tôi liền đề nghị với người mới quen sau khi chợ tan dẫn tôi đến Talnovo, và tìm giúp tôi một nơi để ở trọ.

Tôi mà ở trọ thì chủ nhà cũng được hưởng ưu đãi: ngoài lương ra nhà trường còn cấp thêm cho tôi một xe than để sưởi ấm mùa đông. Vẻ lo lắng chợt hiện lên khuôn mặt của chị, thay cho vẻ dịu dàng lúc trước. Nhà chị không còn dư chỗ (chị và chồng còn phải nuôi dưỡng mẹ già), thế nên chị dẫn tôi đến nhà mấy người bà con của chị, hết nhà này đến nhà nọ. Nhưng không đâu có phòng riêng cả, vừa chật chội vừa ồn ào.

Cứ thế rồi chúng tôi đến một nơi có con suối gần khô cạn, trở thành một vũng nhỏ với chiếc cầu con con. Chưa có chỗ nào trong làng mà tôi thấy thơ mộng như ở đây: vài ba cây liễu, một căn nhà xiêu vẹo, bầy vịt đang lội dưới ao cùng mấy con ngỗng vừa rũ lông vừa leo lên bờ.

— Thôi, chỉ còn cách là đến nhà Matryona — người dẫn đường của tôi cũng cảm thấy mệt mỏi rồi — Có điều là không được sạch sẽ cho lắm, nhà cửa tuềnh toàng mà bà ấy lại bệnh nữa.

Ngôi nhà của Matryona cách đó không xa, bốn khung cửa sổ nằm ngay hàng bên phần râm mát ở phía sau, nóc nhà lợp bằng vỏ cây chia thành hai mái, mỗi bên trổ một ô cửa nhỏ ở tầng sát mái. Nhà không thấp — khoảng 18 thân gỗ tròn[3], tuy nhiên mái nhà đã mục, các súc gỗ làm vách nhà và cổng, xưa kia chắc phải bệ vệ lắm, nay đã ngả sang màu xám xịt vì quá cũ, ngay cả lớp vỏ bên ngoài cũng đã loang lổ rất nhiều.

Cánh cổng đã cài then, nhưng người dẫn đường của tôi, thay vì gõ cửa, đã luồn tay xuống phía dưới và kéo chốt cửa qua một bên, đó chỉ là biện pháp thô sơ để ngăn gia súc xổng chuồng và người lạ. Khoảnh sân nhỏ không có mái che, nhưng trong nhà gồm nhiều gian liên kết với nhau. Qua khỏi cửa ra vào là một cầu thang dẫn lên nhiều sàn gác thênh thang còn cách mái khá xa. Bên trái là một cầu thang khác dẫn lên “căn phòng lớn” biệt lập, không có lò sưởi, vài bậc thang khác lại dẫn xuống một cái gác xép dùng làm kho chứa đồ. Phía bên phải là nhà chính với tầng sát mái và tầng hầm.

Ngôi nhà này được cất lên lâu lắm rồi, rất chắc chắn, cho một gia đình đông người, nhưng giờ đây người duy nhất sống ở đó là một phụ nữ tuổi ngoài sáu mươi.

Khi tôi bước vào thì thấy bà đang nằm trên bệ lò sưởi kiểu Nga, sát cửa ra vào, trên người đắp những mảnh vải rách rưới sậm màu khó đoán được là loại gì, nhưng chắc chắn chẳng có chút giá trị, kể cả đối với đời sống dân lao động.

Trong ngôi nhà gỗ rộng lớn cũ kĩ, mà phía bên có cửa sổ tương đối còn tươm tất nhất, ngổn ngang những chậu gốm và thùng gỗ trồng những cây ficus, đặt trên mấy chiếc ghế đẩu và tấm phản. Những chậu cây ấy, tuy là loài vô tri nhưng ít nhất cũng có sức sống, đã phần nào lấp đi sự cô độc của bà chủ nhà. Chúng phát triển tự nhiên, hứng tất cả những tia nắng iếu ớt lọt vào từ hướng Bắc. Và trong cái ánh nắng sắp tắt đó, gương mặt tròn tròn của bà chủ nhà, hơi khuất sau ống khói lò sưởi, càng tăng thêm vẻ vàng vọt và bệnh hoạn. Đôi mắt mờ đục của bà cho thấy bệnh tật đã làm bà kiệt quệ.

Trong khi nói chuyện với tôi, bà vẫn nằm bẹp trên lò sưởi, đầu không lót gối, hướng về phía cửa nơi tôi đang đứng. Bà không tỏ vẻ vui mừng chút nào khi biết mình sắp có được một khách trọ, mà chỉ than thở về căn bệnh quái ác mà cơn đau vừa mới hành hạ bà xong: không phải tháng nào cũng lên cơn đau, nhưng cứ mỗi lần nó trở lại thì:

-... nó hành hạ tôi hai ba ngày liền, đến mức tôi không đứng dậy nổi, làm sao dọn dẹp, nấu ăn cho ông được, chứ tôi có tiếc gì cái nhà đâu, ông ở cũng tốt thôi...

Thế rồi bà liệt kê cho tôi một lô một lốc những căn nhà khác có thể cho tôi nhiều tiện nghi và iên tĩnh hơn, và bà muốn tôi đi một vòng xem thử. Nhưng tôi hiểu là số phận đã an bài cho tôi phải trọ lại ngôi nhà gỗ u ám này, với cái gương soi mờ đục không còn phản chiếu được gì nữa, với hai tấm bích chương giá chừng một vài rúp, màu sắc lòe loẹt cổ động về sách mới và mùa thu hoạch, được dán lên tường để trang trí. Điều tôi hài lòng nhất ở đây là do nghèo Matryona không có radio, và vì sống cô độc bà chẳng trò chuyện với ai.

Và mặc dù Matryona Vasilyevna buộc tôi phải đi thêm một vòng quanh làng, nhưng đến khi tôi trở lại lần thứ nhì bà vẫn cố thoái thác:

— Nhưng lỡ một ngày nào đó tôi không dọn dẹp, nấu nướng được thì ông sẽ làm sao? — lần này bà cũng cố đứng dậy được để tiếp tôi, và trong mắt bà thoáng hiện vẻ hài lòng khi thấy tôi trở lại.

Chúng tôi thỏa thuận về tiền thuê nhà và số than nhà trường cung cấp.

Sau này tôi mới biết, trong nhiều năm qua Matryona Vasilyevna không được lãnh một xu nào, vì bà không có tiền hưu trí. Những người thân giúp bà rất ít. Còn ở nông trang thì bà làm việc không lương mà chỉ lãnh những thẻ gỗ, tượng trưng cho ngày công lao động và được đánh dấu vào một cuốn sổ nhàu nát của người phụ trách chấm công.

Và thế là tôi ở trọ nhà Matryona Vasilyevna. Chúng tôi không ngăn phòng riêng. Giường của bà ở góc cửa ra vào, cạnh lò sưởi; còn tôi kê một cái giường xếp bên cạnh cửa sổ, và tôi dẹp gọn mấy chậu ficus iêu quý của Matryona để đặt một cái bàn nhỏ cạnh một cửa sổ khác. Trong làng đã có điện — người ta đã chạy đường dây điện vào làng từ thị trấn Shatura vào những năm 20. Báo chí thời đó thường viết “ngọn đèn của Ilich”, còn các bác nông dân lại trợn to mắt lên gọi: “Chúa tể ánh sáng![4].

Có thể những người khá giả trong làng cho rằng ngôi nhà của Matryona không phải là nơi ở lí tưởng, nhưng đối với chúng tôi — bà và tôi, thì lại quá tốt cho mùa thu và mùa đông năm ấy: mái nhà chưa bị dột vì mưa và những cơn gió lạnh buốt chưa quét sạch hết hơi ấm tỏa ra từ lò sưởi, trừ những lúc gần sáng, nhất là khi gió lùa vào từ phía nhà bị hỏng.

Ngoài Matryona và tôi, trong nhà còn có một con mèo, rất nhiều chuột và gián.

Con mèo đã khá già, nhưng điểm đáng chú í nhất là nó thọt một chân. Vì lòng thương hại, Matryona đã nuôi nó và từ đó nó trở thành một thành viên trong gia đình. Dù nó vẫn còn đủ bốn chân nhưng một chân rất iếu nên nó đi khập khiễng, dặt dẹo. Mỗi lần phóng từ lò sưởi xuống sàn, tiếng động khi chạm đất không “nhẹ như mèo”, mà ngược lại rất mạnh, ba cái chân nện xuống nền nhà cùng một lúc: “bịch” một cái! nên lúc đầu chưa quen tôi giật bắn mình. Nó phải đặt ba chân xuống cùng một lúc để đỡ cho cái chân thứ tư.

Tuy nhiên, nếu trong nhà lắm chuột, không phải là vì cô thọt không biết bắt chuột: nàng ta phóng nhanh như chớp vào góc nhà và quay ra với một chú tí ngoạm giữa hai hàm răng. Nếu bọn chuột thoát được móng vuốt của mèo là vì trước kia, vào thời đời sống còn khá giả, các bức vách đều được trang trí bằng cách dán lên lớp giấy dán tường màu xanh lá có dợn sóng, và không phải chỉ có một lớp mà đến năm lớp. Những lớp giấy dính chắc vào nhau, và nhiều chỗ bị tróc khỏi vách tạo thành một lớp da bên trong căn nhà. Giữa các súc gỗ tròn và lớp da bằng giấy dán tường, bọn chuột đã làm những lối đi và sột soạt trong đó một cách hỗn láo, thậm chí chúng còn chạy lên đến tận trần nhà. Cô mèo giận dữ đưa mắt dõi theo tiếng sột soạt của đám chuột nhưng đành bất lực không sao tóm được chúng.

Đôi khi nó cũng ăn gián, nhưng sau đó lại bị bệnh. Nơi duy nhất mà bọn gián còn tôn trọng là ranh giới bức vách ngăn cách miệng lò sưởi và nhà bếp với căn phòng bên trong. Chúng không bao giờ xâm nhập vào trong phòng cả. Trái lại, ở bếp thì lúc nhúc, ban đêm có khi tôi xuống uống nước, vừa bật đèn lên thì thấy khắp sàn nhà, trên ghế dài và ngay cả trên bức tường, cứ như một tấm thảm màu nâu sẫm, nhúc nhích không ngừng. Tôi mang hàn the từ phòng thí nghiệm ở trường về, rồi nhào với bột để làm thuốc diệt gián. Bọn gián bắt đầu bớt dần, nhưng Matryona lại sợ con mèo ăn phải chất độc ấy. Thế là chúng tôi ngưng chiến dịch diệt gián và chúng lại sinh sôi nảy nở như trước.

Ban đêm khi Matryona đã ngủ, và tôi ngồi làm việc sau bàn, tiếng chuột chạy rúc rích thật nhanh sau lớp giấy dán tường hòa với tiếng sột soạt, không lúc nào ngớt của bọn gián phía sau bức vách tạo nên âm thanh như tiếng sóng đại dương rì rầm từ xa xa vọng lại. Rồi tôi cũng quen đi, vả lại tiếng động đó thật ra không có gì xấu cả, trong đó không có sự lừa dối. Tiếng rì rào ấy chỉ nói lên sự sống của chúng mà thôi.

Và tôi cũng quen dần với cô gái trong tấm bích chương trên tường, lúc nào cũng chìa ra cho tôi những cuốn sách của Belinsky, Panferov và cả chồng sách khác không biết thuộc thể loại gì, nhưng được cái cô ta hoàn toàn im lặng. Tóm lại, tôi đã quen với tất cả mọi thứ trong ngôi nhà của Matryona.

Matryona thức dậy khoảng bốn, năm giờ sáng. Chiếc đồng hồ treo tường, bà mua cách đây hai mươi bảy năm ở cửa hàng thương nghiệp hợp tác xã, luôn luôn đi sớm, nhưng điều đó không làm bà lo lắng, miễn sao nó đừng chạy chậm và đừng làm bà bị trễ buổi sáng là được rồi. Bà bật đèn sau bếp lên và rón rén, lịch sự, cố không gây tiếng động. Bà nhóm bếp lò, ra vắt sữa dê (gia súc thì bà chỉ có bấy nhiêu: một con dê cái với bộ lông trắng bẩn và cặp sừng cong queo), rồi bà đi lấy nước nấu ăn trong ba cái soong nhỏ: một cho tôi, một cho bà và một cho con dê. Bà lấy ở tầng hầm ra một củ khoai nhỏ nhất cho con dê, củ vừa vừa thì dành cho bà, còn cho tôi — củ lớn nhất cỡ bằng quả trứng gà. Nói về củ lớn mới nhớ đến khoảnh vườn phủ đầy cát của bà, từ trước thế chiến đến nay chưa khi nào được bón phân, chỉ trồng khoai, hết mùa này sang mùa khác, và chưa bao giờ đào được một củ cho ra hồn.

Buổi sáng tôi hầu như không nghe bà làm việc. Tôi ngủ lâu lắm và thức dậy cùng lúc với ánh nắng trễ nãi của những ngày đông giá. Tôi vươn vai, thò đầu ra khỏi chăn và chiếc áo lông, thêm một cái áo bông từ thời còn trong trại đắp trên chân, phía dưới là một cái túi độn đầy rơm, chúng giữ ấm cho tôi ngay cả trong những đêm mà giá lạnh từ phương Bắc lùa vào những cánh cửa sổ lung lay của chúng tôi trong trại. Nghe tiếng động khe khẽ và kín đáo của bà sau bức vách, tôi nói vọng sang bằng một giọng chậm rãi:

— Chào bà Matryona Vasilyevna!

Và đáp lại lời chào của tôi bao giờ cũng là những lời nói ân cần khẽ vang lên từ sau bức vách, luôn bắt đầu bằng một loạt tiếng ro ro trầm trầm như giọng của người bà trong chuyện cổ tích:

— Hmm... mmm, chào ông!

Rồi một lát sau:

— Bữa điểm tâm của ông còn nóng hổi đây!

Bữa điểm tâm, dù bà không nói ra, nhưng rất dễ đoán: đó là khoai luộc cả vỏ, hay súp khoai tây, hay cháo nấu bằng lúa mạch (vào năm đó không thể mua được thứ gì khác ở Torfoproduct, ngay cả lúa mạch cũng phải giành giựt lắm mới mua được, là thứ thực phẩm rẻ nhất nên người ta dùng để nuôi heo và mua từng bao). Không bao giờ bà nêm muối vừa miệng cả, lại thường bị khét, cho nên khi ăn xong thế nào cũng bị dính một lớp trên vòm miệng, trên lợi, và gây chứng đầy hơi, ợ nóng.

Nhưng đó không phải lỗi của Matryona: ở Torfoproduct không có bơ, bơ thực vật thì phải giành nhau mới mua được, chỉ có mỡ động vật hỗn hợp là sẵn, bán tự do. Ngoài ra, tôi thấy cái bếp lò Nga không tiện lợi cho việc nấu ăn lắm: người nấu ăn không trông thấy những gì đang nấu, lửa phân phối không đều xung quanh lò. Song lí do mà cha ông chúng ta vẫn còn duy trì và sử dụng nó từ thời kì đồ đá đến tận bây giờ là khi ta đốt lò từ sáng sớm, nó sẽ hâm nóng suốt ngày đồ ăn thức uống của cả người lẫn gia súc, và còn có thể sưởi ấm cho giấc ngủ.

Tôi ngoan ngoãn ăn bất cứ món gì bà nấu cho tôi, và mỗi khi cắn phải một vật lạ như sợi tóc, mảnh than vụn, chân gián... tôi chỉ lặng lẽ bỏ ra mà không tỏ vẻ than phiền. Lòng dạ nào mà phiền trách Matryona! Chẳng phải bà đã cảnh báo trước: “Lỡ một ngày nào đó tôi không dọn dẹp, nấu nướng được thì ông sẽ làm sao?”.

— Cảm ơn bà — tôi nói rất chân tình.

— Cảm ơn gì hả ông? Vì cái mà ông có quyền hưởng à? — bà khiến tôi phải đầu hàng không trả lời được với một nụ cười rạng rỡ. Rồi, với cái nhìn hồn nhiên qua đôi mắt xanh nhạt, bà hỏi: — Chiều nay ông muốn ăn món gì?

Chiều nay có nghĩa là bữa tối của tôi đấy. Mỗi ngày tôi chỉ ăn có hai bữa như khi ở ngoài mặt trận. Xin bà ấy cho mình ăn món gì chiều nay nhỉ? Khoai luộc cả vỏ hay súp khoai tây, hay còn chọn lựa nào khác chăng?

Tôi thích nghi được, vì đời đã dạy tôi “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, phải biết nhìn í nghĩa của cuộc sống đời thường qua cái gì khác hơn là qua miếng ăn. Đối với tôi, nụ cười trên khuôn mặt tròn của bà còn có í nghĩa hơn nhiều. Cho đến khi tôi kiếm đủ tiền để mua được một chiếc máy ảnh, tôi cố “chộp” cho được nụ cười ấy nhưng chưa bao giờ được toại nguyện. Cứ mỗi lần thấy con mắt lạnh lùng của ống kính chĩa về mình là bà lại lấy một vẻ mặt căng thẳng hay nghiêm nghị kiêu hãnh.

Chỉ mỗi một lần duy nhất tôi thành công, đó là lúc bà mỉm cười vì một í nghĩ vu vơ nào đó, khi nhìn ra đường qua khung cửa sổ.

Mùa thu năm ấy, Matryona gặp rất nhiều phiền toái. Luật mới về chế độ lương hưu vừa ban hành và mấy bà hàng xóm đã xui bà phải đòi cho được tiền hưu trí. Tứ cố vô thân, nhất là từ khi sức khỏe của bà bắt đầu suy iếu trông thấy, bà mất việc làm ở nông trang. Đó là cả một chuỗi bất công cho bà: bà bị bệnh nặng nhưng không được coi là tàn phế; bà đã làm việc cho nông trang suốt một phần tư thế kỉ, nhưng vì không phải như làm việc ở nhà máy, bà không được hưởng lương hưu theo chế độ, mà chỉ có thể xin được cho chồng bà thôi, nghĩa là do mất người bảo trợ nuôi dưỡng. Nhưng bà đã mất chồng từ mười hai năm nay, ngay từ lúc chiến tranh mới bắt đầu, và bây giờ nào phải dễ dàng gì mà xin được tất cả giấy chứng nhận của những nơi ông đã từng làm việc, về thâm niên và về mức lương. Xin cho được mấy cái chứng nhận đó là cả một vấn đề, rồi còn phải xin người ta ghi vào mức lương của ông, dù có là 300 rúp mỗi tháng; rồi còn phải xin xác nhận bà sống một mình và không được ai giúp đỡ; rồi chứng thực ngày sinh tháng đẻ của bà; rồi mang tất cả đến cơ quan bảo trợ xã hội; rồi mang về để sửa lại những điểm bất hợp lí; rồi lại mang đến một lần nữa. Sau đó còn phải đi hỏi thăm xem người ta có đồng í cấp lương hưu hay không...

Các thủ tục ấy xem ra còn nhiêu khê gấp bội, vì cơ quan bảo trợ xã hội cách xa Talnovo hai mươi cây số về hướng Đông, Sô-viết nông thôn cách mười cây số về hướng Tây, còn ủy ban xã thì cách khoảng một giờ đi bộ về hướng Bắc. Người ta bắt bà chạy đôn chạy đáo hết văn phòng này sang văn phòng khác trong suốt hai tháng trời, chỉ để sửa một dấu chấm hay một dấu phẩy. Mỗi một lần đi về là mất cả ngày trời. Đến Sô-viết nông thôn thì nhằm bữa ông thư kí đi vắng, không có mặt nghĩa là không có mặt, chuyện thường ngày ở huyện mà. Hôm sau lại đến. Lần này thì có ông thư kí, nhưng lại không có con dấu. Lại đi lần thứ ba. Rồi thì lần thứ tư, vì họ kí nhầm lên những giấy không cần kí, còn giấy cần kí thì lại không kí vì mắt kém, một phần nữa là vì giấy tờ Matryona mang đến nhiều quá, cả xấp dày cộp.

— Họ hành hạ tôi, Ignatich à, — bà than thở với tôi sau những trận đi đi về về chẳng được tích sự gì. — Tôi lo quá ông ạ!

Nhưng vầng trán của bà cũng chẳng sa sầm lâu. Tôi để í thấy bà có một phương pháp rất hữu hiệu để lấy lại tinh thần, đó là làm việc. Ngay sau đó, bà vớ cái cuốc để ra vườn đào khoai, hoặc bao tải cắp nách đi mót than, hoặc cõng túi vào rừng hái trái. Thay vì phải luồn cúi ở những nơi cơ quan hành chính công quyền, bà đi tìm cái ăn trong rừng. Thế rồi, gò lưng dưới gánh nặng, Matryona trở về nhà với vẻ hớn hở bằng lòng, và tìm lại được nụ cười nhân hậu.

— Giờ này mà tôi kiếm được bây nhiêu đây, Ignatich, tôi biết chỗ rồi, — í bà nói đến chỗ than nhặt được. — Chỗ này tốt quá, thật là may hết sức!

— Matryona Vasilyevna, bộ than của tôi không đủ sao? Cả một xe mà!

— Ối dào! tha...a...an của ông! một lần như thế này, rồi một lần như thế này nữa thì may ra mới đủ. Đến mùa đông gió vù vù qua cửa sổ thì có mà đốt lò nóng cách mấy cũng vèo hết. Hồi trước chúng tôi đi nhặt được nhiều lắm! Cỡ tháng này ít nhất cũng được ba xe rồi. Nhưng giờ người ta bắt đấy, có một bà trong xóm bị lôi ra tòa rồi đó.

Quả đúng như lời bà nói. Hơi thở đe dọa của mùa đông bắt đầu trỗi dậy, làm thắt cả tim. Rừng thì bao phủ quanh làng mà chẳng kiếm đâu ra củi để đốt lò sưởi. Đâu đâu cũng nghe tiếng rền rĩ của máy đào máy xúc trong mỏ than, nhưng than lại không được bán cho dân làng, mà chỉ để cung cấp cho nhà nước và những người có chức có quyền, ngoài ra còn mấy ông giáo, mấy ông thầy thuốc và công nhân nhà máy — mỗi người một xe. Dân ở Talnovo không có quyền mua than, và cũng không có quyền xin xỏ. Chủ tịch nông trang đi khắp làng, nhìn dân làng với vẻ khi thì nghiêm khắc, khi thì dễ dãi, nói với họ đủ thứ chuyện trên đời, ngoại trừ chuyện nhiên liệu. Lí do là ông ta đã đủ than dự trữ rồi. Còn mùa đông thì chẳng chừa một ai.

Đại khái thế, ngày xưa người ta vào rừng trộm củi của lãnh chúa, còn ngày nay trộm than của liên hiệp. Mấy chị đàn bà tụm năm tụm mười để lấy thêm can đảm đi mót than giữa ban ngày. Vào mùa hè người ta khai thác than ở khắp nơi và xếp thành từng dãy để phơi khô. Có cái hay là than vừa đào ra không thể mang đi ngay được, phải phơi ở đó cho đến mùa thu, hoặc đôi khi đến trận tuyết đầu mùa, nếu đường chưa đi được hoặc xí nghiệp liên hiệp chưa kịp hốt về. Và trong thời gian đó, các bà đi nhặt trộm về dùng. Họ bỏ vào bao mang về mỗi lần năm, sáu miếng nếu còn ướt, và khoảng một chục nếu đã khô. Mỗi một bao như vậy (nặng khoảng 2 pud[5]), có khi phải đi đến ba cây số để vác về, cũng chỉ đủ chụm lò sưởi một lần mà thôi. Trong khi đó mùa đông kéo dài tới hai trăm ngày. Và buổi sáng phải đốt lò kiểu Nga, còn chiều đốt lò kiểu Hà Lan.

— Nói mà chẳng đi tới đâu thì nói làm gì cho mệt! — Matryona nói như giận dỗi một kẻ vô hình. — Không có ngựa thì phải nai lưng ra làm ngựa chớ biết sao[6]! Lưng tôi lúc nào mà chả có việc để làm. Mùa đông thì xe trượt tuyết, mùa hè thì gùi than, nói có ông giời làm chứng!

Mấy người đàn bà mỗi ngày phải đi vài lần. Gặp ngày hên Matryona vác về đến những sáu bao. Than của tôi thì bà chất thành đống công khai, còn của đi mót về thì bà giấu ở dưới mấy gầm cầu thang, và mỗi buổi tối còn che lại bằng một tấm ván.

— Trừ phi bọn giặc ấy đoán được, — bà vừa cười vừa nói, tay gạt mồ hôi trán — chớ còn khuya chúng mới tìm thấy!

Còn xí nghiệp liên hiệp có biện pháp gì? Họ chẳng thể nào có đủ nhân lực để tỏa ra canh gác tất cả đầm lầy. Chỉ còn cách là ghi số than khổng lồ đã khai thác được vào sổ kiểm kê, rồi trừ đi số thất thoát vì mưa và mảnh vụn. Đôi khi người ta cũng tập họp vài toán bảo vệ và chặn bắt mấy chị đàn bà đi mót than ngay tại ngõ vào làng. Các bà vội bỏ của chạy lấy người, tán loạn mỗi người mỗi hướng. Đôi khi, do có đơn tố cáo, họ xét nhà, lập biên bản chứa than lậu và dọa đưa ra tòa. Thế là mấy bà nghỉ đi nhặt than một thời gian; nhưng rồi khi mùa đông đã phà hơi sát gáy thì họ lại đổ xô đi lấy than bằng xe trượt tuyết, và chỉ đi ban đêm thôi.

Nói chung, nếu quan sát kĩ Matryona, tôi nhận thấy ngoài việc bếp núc nhà cửa, ngày nào bà cũng đều có một việc quan trọng để làm, trong đầu bà luôn sắp đặt sẵn một thứ tự hợp lí cho những công việc đó, và buổi sáng khi thức dậy, bà luôn biết sẽ phải làm gì trong ngày hôm ấy. Ngoài việc đi nhặt than, ngoài việc đi lượm các gốc cây mục do máy kéo để lại trong đầm, ngoài việc muối quả việt quất hái ở rừng để dành cho mùa đông (“Mài răng chút chơi đi Ignatich” bà nói thế mỗi lần mời tôi), ngoài việc đào khoai và chạy vạy để xin trợ cấp hưu trí, bà còn phải đi kiếm cỏ cho con dê cái có bộ lông trắng bẩn duy nhất của bà nữa.

— Sao bà không nuôi bò, Matryona Vasilyevna?

— Thực ra thì, Ignatich à... — đứng giữa khung cửa nhà bếp, trên người khoác chiếc tạp dề dơ dáy, quay về phía bàn tôi ngồi, Matryona giải thích — Con dê cho tôi cũng khá đủ sữa rồi. Nếu nuôi bò, nó sẽ ăn hết hai chân tôi luôn. Không thể cắt cỏ dọc theo đường sắt, có mấy ông kiểm soát, trong rừng cũng vậy, không có chỗ nào cắt được vì có kiểm lâm, còn ở nông trang thì họ cũng không cho tôi cắt cỏ nữa, tôi đâu còn là xã viên, họ nói vậy đó. Ngay cả mấy bà xã viên cũng phải cắt đến tận gốc và nộp cho nông trang, còn cho chính họ, thì chỉ có quyền cắt phần dưới lớp tuyết thôi — vậy thì còn gì? Hồi trước, chúng tôi thường cắt cỏ giữa hai mùa, từ khoảng giữa lễ thánh Peter đến lễ thánh Elias[7]. Người ta bảo trong thời gian đó cỏ ngon như mật...

Vì thế, chỉ có mỗi một con dê còi mà Matryona cũng phải vất vả lắm mới gom góp đủ cỏ nuôi nó. Từ sáng sớm, bà xách một cái túi và một cái liềm đi đến những nơi mà bà nhớ có cỏ mọc trên đường mòn, bên vệ đường hay trên những cù lao nhỏ giữa đầm lầy. Sau khi nhét cỏ tươi nặng trĩu đầy túi, bà khệ nệ vác về và trải ra sân phơi. Một bao cỏ tươi sau khi phơi khô ngót lại có khi chỉ xúc một chĩa ba là cùng.

Ông chủ tịch mới vừa được điều từ thành phố về, việc đầu tiên ông làm là xén bớt vườn của những người tàn tật mất sức lao động. Ông chỉ chừa lại cho Matryona một trăm năm mươi thước đất đầy cát, còn một trăm thước bị cắt bớt vẫn bỏ hoang bên kia hàng rào. Cứ mỗi lần thiếu nhân công, vì mấy bà kia nhất định không chịu đi làm, vợ ông chủ tịch lại đến tìm Matryona. Bà ta cũng là dân thành phố đến, quyết đoán, điệu bộ như quân đội trong cái áo bành tô ngắn màu xám và cái nhìn đầy răn đe của bà.

Bà ta bước vào nhà, không thèm chào hỏi ai, đứng nhìn Matryona một cách nghiêm khắc. Matryona lúng túng thấy rõ.

— Này, — vợ ông chủ tịch gằn từng tiếng, — đồng chí Grigoryeva! Đồng chí phải ra giúp nông trang! Ngày mai là phải rải phân rồi đấy!

Mặt Matryona nhăn nhó một nụ cười như có lỗi, dường như bà thấy ngượng dùm cho vợ ông chủ tịch vì bà ta không thể trả tiền công cho bà.

— À, tôi đang bệnh mà, — bà kéo dài giọng. — Hơn nữa tôi đâu còn là người của nông trang. — Nhưng rồi bà lại vội vàng đổi giọng: — Ngày mai mấy giờ phải có mặt?

— Nhớ mang theo cái chĩa ba đấy nhé! — bà chủ tịch còn căn dặn trước khi ngoe nguẩy cái váy cứng bước ra.

— Hừm, phải! — Matryona than phiền khi bà khách đã khuất dạng. — Nhớ mang chĩa ba theo nhé! Ở nông trang không có chĩa ba, không có cuốc xẻng gì cả. Nhà tôi không có đàn ông, lấy ai tra cán cho tôi đây?..

Thế là bà tư lự suốt cả buổi tối:

— Có nên nói gì không hả, Ignatich! Có điều là công việc này rồi cũng chẳng ra làm sao. Các bà ấy chỉ đến đứng chống xẻng rồi đợi còi nhà máy báo hiệu mười hai giờ để giải tán. Tệ hơn nữa là họ ra đó chỉ cốt cho có mặt, rồi lắm chuyện, đếm bà này tới, bà kia không tới. Tôi thấy đã làm việc thì không nên nghe một tiếng ồn ào nào, mà chỉ: “Ô kìa, đã đến giờ ăn trưa rồi”, hay là: “Ô kìa, tối đến nơi rồi”. Thế thôi!

Cuối cùng, sáng hôm sau bà vẫn ra đi với cái chĩa ba.

Nhưng nào phải chỉ có mỗi nông trang, bất cứ người nào, dù bà con xa gần, hay chỉ hàng xóm láng giềng thôi, từ tối hôm trước đã đến tìm bà và nói:

— Mai đến giúp tôi đào khoai, Matryona nhé!

Thế là bà không biết cách gì để từ chối. Bà bèn gác lại công việc đang làm nửa chừng để qua giúp hàng xóm, và khi về bà còn kể với giọng không mảy may ganh tị:

— Này, Ignatich à, khoai của bà ấy lớn thật! Tôi đào mà sướng cả tay, quên cả về luôn, nói có ông giời làm chứng!

Có thể nói rằng không có một luống đất trong khoảnh vườn nào của cái làng Talnovo này mà không có bàn tay của Matryona nhúng vào. Các bà ở Talnovo tính toán là một người dùng cuốc để cuốc vườn thì vừa nhọc vừa lâu, chi bằng hợp tác với nhau sáu người cùng kéo một cái cày để luân phiên xới đất của sáu khu vườn.Chính vì vậy mà Matryona luôn luôn được mời đến để giúp một tay.

— Thế nhưng các bà có trả công bà ấy không? — có lần không chịu được, tôi phải buột miệng hỏi.

— Bà ấy không chịu lấy tiền. Chúng tôi buộc phải thu xếp.

Matryona còn bận rộn dữ hơn nữa mỗi khi đến lượt bà phải lo ăn lo uống cho mấy tay chăn dê: một gã thì to lớn và câm điếc, còn tay kia là một thằng nhãi miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc ướt nhẹp cắn giữa răng. Cứ một tháng rưỡi là đến phiên bà, điều này cũng khiến bà phải tốn kém một khoản khá bộn. Bà ra thương nghiệp hợp tác xã mua nào cá hộp, nào đường, nào bơ mà chính bà chưa bao giờ dám ăn. Mấy bà chủ nhà sĩ diện với nhau, bà nào cũng phải tỏ ra hào hiệp, cố gắng phục dịch mấy ông chăn dê.

— Phải sợ mấy bác thợ may và mấy ông mục tử — bà giải thích cho tôi — cả làng sẽ chê bai, mắng nhiếc mình nếu chẳng may làm họ phật í điều gì.

Trong cuộc sống đầy lo toan ấy, đôi khi bệnh tật lại kéo đến và mỗi lần như vậy là Matryona nằm liệt giường suốt hai ngày liền. Bà không than van, không rên rỉ, và gần như không nhúc nhích. Trong những ngày đó thì Masha, bạn thân của bà từ bé, đến lo cho con dê và nhóm lò. Matryona thì không ăn uống và cũng chẳng đòi hỏi gì hết. Ở Talnovo không có chuyện đi mời bác sĩ từ trạm xá của làng đến nhà khám, làm thế là không “phải phép” với mấy bà hàng xóm, họ sẽ kháo nhau: úi chà, cứ làm như bà hoàng ấy! Có lần người ta gọi bác sĩ, bà ta cũng đến nhưng chỉ để tỏ vẻ giận dữ và nói với Matryona khi nào đi được thì đến trạm xá. Matryona phải ráng lết đến đó, người ta cũng lấy máu và gửi lên bệnh viện huyện phân tích, nhưng sau đó chẳng thấy thông báo kết quả gì. Cũng lại do lỗi của Matryona cả thôi!

Công việc gọi bà trở về với cuộc sống. Không lâu sau, bà lại đứng dậy, lúc đầu còn chậm chạp, sau đó nhanh nhẹn trở lại như thường.

— Ông không thấy tôi hồi xưa thôi, Ignatich, — bà phân trần — Hồi đó tôi khỏe lắm, mấy cái bao năm pud đối với tôi là chuyện vặt. Anh chồng tôi cứ la: “Matryona! Coi chừng sụm lưng đấy!”. Ấy vậy mà cũng chẳng khi nào phụ tôi nhấc một đầu súc gỗ bỏ lên xe kéo. Dạo đó chúng tôi có con ngựa chiến tôi gọi là Sói Con, nó khỏe thật...

— Sao lại ngựa chiến?

— Họ bắt con ngựa của chúng tôi ra trận và đem con ngựa bị thương thế vào. Con sau này là loại ngựa chứng. Có lần phát hoảng thế nào, nó đã kéo cả chiếc xe trượt tuyết chạy về phía hồ, mấy anh đàn ông đều nhảy khỏi xe chạy hết, tôi phải một mình ghìm cương và bắt nó ngừng lại được. Thật đấy! Đó là một con ngựa ăn thóc. Ở nhà quê chúng tôi người ta thích nuôi ngựa lắm. Ngựa mà nuôi bằng thóc thì phải biết, không ngán gì chở nặng!

Vậy thôi, thật sự ra Matryona chẳng gan dạ chút nào. Bà sợ hỏa hoạn, sợ sấm sét, và không hiểu tại sao bà sợ nhất là xe lửa.

— Lúc phải đi Cherusti, tôi thấy nó lù lù tiến đến từ phía Nechaevka, cặp mắt sáng quắc, tiếng bánh sắt vang rền, người tôi cứ nóng ran lên, hai đầu gối run cầm cập. Nói có ông giời làm chứng! — bà nhún vai nói với vẻ ngạc nhiên.

— Có lẽ tại người ta không bán vé phải không Matryona Vasilyevna?

— Ở quầy vé ấy à? Họ chỉ bán toàn hạng ghế mềm. Còn tàu thì chạy đến nơi rồi! Thiên hạ cứ chạy như mắc cửi: lúc đó mình phải lanh trí để biết phải làm gì. Đàn ông thì họ leo lên mui bằng một cái thang nhỏ, còn đàn bà chúng tôi thấy cái cửa nào không khóa là ùa đại lên chứ vé viếc gì, chỉ cần hạng thường thôi, nằm dài lên sàn còn được nữa là! Tại sao bọn ăn bám vô nhân đạo đó không bán vé hạng thường nhỉ, ai mà hiểu nổi...

Dù sao thì mùa đông năm đó, cuộc sống của Matryona cũng dễ thở hơn bao giờ hết. Cuối cùng, người ta cũng cấp cho bà một khoản lương hưu là tám chục rúp. Ngoài ra bà còn được thêm một trăm đồng của tôi và nhà trường.

— Này! Bây giờ thì Matryona không nên chết nữa rồi! — mấy bà láng giềng bắt đầu ganh tị — Mụ già ấy bây giờ không biết tiền để đâu cho hết!

— Lương hưu ấy à? — vài người khác phản đối — Nhà nước thì cứ đổi xoành xoạch, hôm nay cho, mai lại cắt, biết đường nào mà lần!

Bà đặt mua một đôi giày ống bằng da và một cái áo khoác mới. Và bà đem sửa cái áo khoác cũ của nhân viên đường sắt, mà anh tài công ở Cherusti, chồng của đứa con nuôi tên Kira cho bà. Bác thợ may lưng gù trong làng lót thêm một lớp vải nhung, và bà có một cái áo bành tô tuyệt đẹp mà suốt sáu mươi năm cuộc đời bà chưa từng được mặc.

Đến giữa mùa đông, Matryona khâu giữa hai lớp vải của áo bành tô số tiền hai trăm rúp để dành lo “hậu sự” cho bà sau này. Bà vui sướng với í nghĩ đó:

— Ignatich à, tôi thấy cũng yên tâm được một chút rồi!

Tháng Chạp qua, tháng Giêng cũng trôi qua, hai tháng liền cơn bệnh không tái phát. Buổi tối Matryona bắt đầu đến nhà Masha thường xuyên hơn, ngồi chơi cắn hạt hướng dương. Buổi tối bà không bao giờ mời ai về nhà để không quấy rầy tôi làm việc. Chỉ có hôm vào ngày lễ Hiển linh, khi đi dạy về, tôi thấy ở trong nhà có nhiều người đang nhảy múa. Bà giới thiệu với tôi ba người em gái của bà, họ gọi bà là “mẹ nhỏ” hay “chị vú” vì bà là chị cả. Cho tới hôm đó, tôi chưa bao giờ nghe nói đến em gái của bà hết, phải chăng vì họ sợ bà nhờ vả?

Chỉ có một biến cố nhỏ hay một điềm xấu làm Matryona mất vui trong ngày lễ: bà đi bộ hơn năm cây số đến nhà thờ để xin ban phép lành cho nước uống, bà đặt bình nước của bà giữa những bình của người khác, nhưng khi lễ kết thúc, mấy chị đàn bà chen nhau để lấy bình, bà vì chậm chân nên khi ra đến nơi không thấy bình nước của mình đâu nữa, và cũng không còn bình nào khác. Bình nước của bà đã biến mất i như là bị ma quỷ giấu đi vậy.

— Mấy bà ơi! — Matryona chen vào đám các bà đang cầu nguyện, — có ai lấy lộn nước thánh của tôi không? đựng trong cái bình như thế này này!

Không ai lên tiếng hết. Có lẽ bọn trẻ con nghịch ngợm đã dấu đi rồi, ở đó có mấy đứa trẻ con.

Matryona buồn bã ra về. Năm nào bà cũng có nước thánh, còn năm nay thì không.

Cũng không thể nói là lòng tin của Matryona rất thành tâm. Bà là người đa thần là đàng khác, nhưng lại rất tin dị đoan: vào ngày lễ thánh John là không được ra vườn, nếu không năm sau sẽ mất mùa; nếu bão tuyết nổi lên có nghĩa là ai đó ở đâu đó treo cổ; nếu vấp chân vào cửa là sẽ có khách. Trong suốt thời gian ở trọ nhà bà, tôi chưa bao giờ thấy bà cầu nguyện, thậm chí cũng không làm dấu thánh. Nhưng mỗi lần làm việc gì bà cũng bắt đầu bằng câu: “Xin Chúa gia hộ!” và mỗi khi tôi đi đến trường, bà cũng cố nói cho được câu: “Chúa phù hộ cho ông!”. Có thể bà cũng cầu nguyện, nhưng không để ai thấy, có thể vì ngượng ngùng hoặc sợ làm tôi khó chịu. Trong góc nhà trên tường cũng treo mấy ảnh tượng thánh và có bức tượng thánh Nicolas trong bếp. Ngày thường bà vẫn để tối, nhưng vào những hôm có thánh lễ, từ sáng sớm bà đã thắp đèn chỗ các tượng thánh.

Nhưng bà còn ít tội lỗi hơn còn mèo què của bà, vì nó giết chuột...

Vào những phút rảnh rỗi hiếm hoi của mình, bà cũng chăm chú nghe cái radio của tôi (tôi đã trang bị cho mình máy thu thanh, mà Matryona gọi là cái “máy nói”. Cái máy thu thanh không phải là một tai họa, vì tôi có thể thò tay vặn núm tắt bất cứ lúc nào, thực sự đối với tôi nó như một người dò tin). Người ta đưa tin có hai, ba đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm trong một tuần và phải đưa họ đi thăm nhiều thành phổ, tổ chức mit-tinh đón tiếp. Và ngày nào cũng toàn là tin quan trọng: tiệc chiêu đãi, ăn uống, đón tiếp...

Matryona nhăn mặt, thở dài, tỏ vẻ không tán thành:

— Thăm với chả viếng, đi gì mà đi lắm thế!

Nghe đài thông báo người ta vừa phát minh ra loại máy móc mới, bà lẩm bẩm trong bếp:

— Mới, mới hoài! Đồ cũ họ không thèm xài, đem bỏ đâu cho hết bây giờ?

Người ta cũng cho biết đang chuẩn bị phóng vệ tinh nhân tạo của trái đất, bà lắc đầu:

— Ối chà, họ lại sắp thay đổi cả thời tiết, mùa đông hay mùa hè gì nữa đây!

Shalyapin biểu diễn dân ca Nga. Matryona đứng nghe một lúc, rồi nói với giọng cả quyết:

— Hát gì mà kì cục, không giống ở quê mình chút nào!

— Sao bà nói vậy? Matryona Vasilyevna, bà nghe kĩ lại xem nào!

Bà nghe tiếp, rồi bặm môi:

— Không, không giống, không phải điệu hát của chúng tôi. Lại còn uốn éo giọng nữa chớ!

Rồi một hôm bà cũng làm tôi mát ruột. Bữa đó, người ta phát nguyên một chương trình toàn tình ca của Glinka. Sau khi nghe liên tiếp khoảng năm bản nhạc loại thính phòng, bà chùi tay vào tạp dề, từ dưới bếp bước lên, trên mi mắt đã mờ của bà còn ngấn lệ:

— Có thế chứ, vậy mới giống ở quê mình... — bà lẩm bẩm.

 

 

2

 

Matryona đã quen sống với tôi, và tôi cũng quen sống với bà; chúng tôi sống thoải mái chân tình. Bà không làm phiền khi tôi làm việc buổi tối đến tận khuya và cũng không làm tôi bực mình vì những câu hỏi. Bà không có cái tánh tò mò của phụ nữ, hoặc vì bà quá tế nhị nên chưa lần nào hỏi tôi đã lập gia đình bao giờ chưa. Tất cả các bà ở Talnovo cứ theo hỏi bà không ngớt để tìm hiểu về tôi, nhưng đều nghe bà trả lời:

— Muốn biết thì cứ tới mà hỏi ông ấy! Tôi chỉ biết có một điều là ông ấy từ xa đến.

Và mãi sau này khi tôi kể cho bà nghe tôi đã từng ở tù rất lâu, thì bà chỉ gật gật cái đầu mà không nói gì, cứ như là đã đoán biết từ lâu lắm rồi.

Về phần tôi, tôi cũng chỉ thấy một Matryona của hiện tại, một bà lão khốn khổ trên cõi đời, tôi không hề muốn động chạm đến quá khứ của bà, và cũng không có í định tìm hiểu.

Tôi được biết Matryona đã lấy chồng hồi trước cách mạng, và ngay sau đó dọn đến ở trong ngôi nhà hiện tại để bắt đầu một cuộc sống vất vả (mẹ chồng đã chết, chị chồng đã đi lấy chồng nơi khác, do đó ngay sau hôm cưới, bà đã phải quán xuyến hết mọi việc trong nhà). Tôi cũng được biết là bà có sáu người con, tất cả đều chết khi còn rất nhỏ, thành thử chưa bao giờ bà từng có một lúc hai đứa con. Sau đó, bà nhận nuôi một người con gái tên Kira. Chồng bà ra trận và không quay về sau chiến tranh. Không có giấy báo tử. Mấy người đàn ông cùng làng từng đi lính với chồng bà nói rằng hoặc ông bị bắt làm tù binh, hoặc đã tử trận mà không tìm được xác. Trong suốt mười một năm sau chiến tranh, Matryona cũng phải coi như chồng mình đã chết. Như vậy lại càng hay. Ví thử ông còn sống thì chắc cũng đã có vợ khác ở Brasil hay ở Úc rồi. Và cả cái làng Talnovo lẫn tiếng Nga cũng bị xóa nhòa trong trí nhớ của ông...

Một hôm đi dạy về, tôi thấy trong nhà có khách. Một ông già cao lớn đen đúa với chiếc nón đặt trên đầu gối; ông ngồi trên chiếc ghế mà Matryona đẩy đến giữa phòng cho ông, cạnh cái lò sưởi Hà Lan. Toàn bộ khuôn mặt của ông được phủ kín bởi bộ râu rậm và đen kịt hầu như chưa có sợi nào bạc, nối tiếp với bộ ria cũng rậm rì và đen nhánh gần như bít kín hết miệng, hai bên thái dương cũng đầy râu, gần như che lấp đôi tai, nối liền với mấy chùm tóc đen rũ xuống từ trên đỉnh đầu; thêm vào đó là cặp lông mày rậm dính vào nhau như bắc cầu. Chỉ có từ trán lên đến đỉnh đầu là nhẵn thín. Dáng dấp của ông như muốn tỏ vẻ quan trọng và bệ vệ. Ông ngồi ngay ngắn, hai tay đặt trên cây gậy chống thẳng xuống sàn nhà, trong một tư thế kiên nhẫn chờ đợi, và, rõ ràng, ông nói chuyện rất ít với Matryona, đang làm việc sau bếp.

Khi tôi bước vào, ông chậm chạp quay cái đầu oai vệ lại, và gọi tôi bằng một giọng thật bất ngờ:

— Này ông giáo!.. Tôi không thấy ông rõ lắm. Con tôi là học trò của ông, Grigoryev Anton...

Ông khỏi cần nói tiếp tôi cũng hiểu... Mặc dù trong thâm tâm tôi rất muốn giúp ông lão khả kính này, nhưng tôi biết trước là mình sẽ không tán thành những điều vô ích mà ông sắp nói ra. Grigoryev Antoshka là một thằng bé hồng hào, mập béo học lớp 8D, có dáng điệu như một con mèo ăn quá nhiều bánh “kếp”. Có cảm tưởng như nó đến trường chỉ để nghỉ ngơi, nó ngồi sau bàn và mỉm cười một cách lười biếng. Đương nhiên là nó không bao giờ học bài hay làm bài tập ở nhà. Tuy nhiên, cái chính là nhà trường lúc nào cũng phấn đấu để đạt được tỉ lệ học sinh lên lớp cao, để đạt thành tích là trường tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh... cho nên năm nào nó cũng được “đẩy” lên lớp, và nó đã hiểu rõ là dù thầy giáo có hăm dọa cách mấy, cuối năm nó vẫn được lên lớp mà khỏi cần học hành gì hết. Rõ ràng là nó chế nhạo chúng tôi. Học đến lớp tám mà chưa biết phân số là gì và không phân biệt nổi các loại hình tam giác. Hai quý đầu, tôi chỉ cho nó toàn điểm 2, và chắc chắn trong quý ba cũng không thể khá hơn.

Nhưng biết nói sao với ông lão gần như lòa này bây giờ? Đối với Anton, ông ta phải là ông nội mới thích hợp hơn là cha, và giờ đây ông ta phải hạ mình đến gặp tôi. Tôi sẽ phải nói là từ nhiều năm nay nhà trường đã đánh lừa ông, là tôi không thể tiếp tục lừa ông được nữa, nếu không thì lớp học của tôi sẽ còn ra gì, và tôi sẽ tự biến mình thành một kẻ gian lận, phỉ nhổ vào công sức và danh dự của một người thầy.

Và tôi kiên nhẫn giải thích cho ông hiểu là con ông đã buông trôi quá độ, nói dối cả ở nhà lẫn ở trường, ông phải kiểm tra sổ liên lạc của nó thường xuyên hơn, đồng thời kết hợp chặt chẽ với nhà trường để ép nó học.

— Làm sao ép nó hơn được nữa hả ông giáo! — ông khách quả quyết. — Tuần nào mà tôi chả đánh đòn nó. Và tôi có nhẹ tay đâu.

Trong cuộc nói chuyện tôi nhớ có một lần Matryona chen vô để bênh vực Antoshka Grigoryev, nhưng tôi cũng không hỏi bà có họ hàng thế nào với nó, và chỉ đáp lại bằng sự từ chối. Lần này bà đứng ở cửa bếp với vẻ van nài im lặng. Đến khi Faddei Mironovich ra về và nói sẽ đến gặp tôi nữa, tôi mới hỏi:

— Tôi không thể hiểu nổi, bà và thằng Antoshka có liên quan gì với nhau, Matryona Vasilyevna?

— Nó là con của ông anh chồng tôi — bà trả lời nhát gừng, rồi đi vắt sữa dê.

Thì ra ông già đen đúa và lì lợm đó là anh ruột của ông chồng mất tích của bà.

Cả buổi tối hôm đó, bà không trở lại câu chuyện ấy nữa. Đến khuya, khi hình ảnh của ông lão đã ra khỏi đầu óc tôi và tôi đang làm việc trong im lặng, chỉ có tiếng sột soạt của mấy con gián và tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường, thì bỗng nhiên từ trong góc phòng Matryona nói vọng ra:

— Ngày xưa tôi suýt lấy ông ấy đó, Ignatich!

Tôi đã quên luôn sự có mặt của Matryona, tôi không nghe tiếng bà, nhưng những lời nói đó vọng ra từ bóng tối, chứa đựng nhiều xúc động đến nỗi người ta có cảm tưởng ông lão đó vẫn còn ám ảnh bà cho đến tận bây giờ.

Rõ ràng là suốt buổi tối bà không nghĩ đến chuyện gì khác hơn.

Bà rời khỏi chiếc giường nghèo khổ đầy giẻ rách của mình, chầm chậm bước về phía tôi ngồi như thể bà đi theo lời nói vậy. Tôi ngả người vào lưng ghế, và lần đầu tiên tôi nhìn thấy một Matryona khác hẳn mọi khi.

Không có đèn trên trần trong căn phòng lớn ngổn ngang những chậu ficus như một đám rừng. Quầng sáng tỏa ra từ ngọn đèn trên bàn viết của tôi chỉ đủ soi sáng mấy quyển vở, và khi mắt tôi rời khỏi vùng ánh sáng đó, cả căn phòng tranh tối tranh sáng dường như ánh lên vẻ hồng hồng và đôi gò má vàng vọt của Matryona mọi khi cũng ánh lên vẻ hồng hồng.

— Ông ấy là người tán tỉnh tôi trước... trước Efim... Faddei là anh cả... Tôi vừa tròn mười chín tuổi, còn ông ấy thì đã hai mươi ba... Lúc đó họ sống trong ngôi nhà này. Đây là nhà của họ. Chính tay cha họ dựng nó lên.

Bất giác, tôi nhìn khắp căn phòng. Ngôi nhà cũ kĩ xám xịt, đang mục nát này, qua lớp giấy dán tường màu xanh nhạt, bên trong đầy chuột chạy, chợt trở nên mới hẳn, với những lóng gỗ bào nhẵn chưa ngả sang màu xám, tỏa mùi nhựa thông thơm ngát.

— Rồi bà và ông ấy... Rồi sao nữa?

— Mùa hè năm ấy... chúng tôi đi vào rừng, — bà thì thầm. — Rừng hồi đó là chỗ cái chuồng ngựa bây giờ, người ta đốn hết rồi... Tôi sắp lấy ông ta, Ignatich à. Chiến tranh với Đức bắt đầu. Họ bắt Faddei ra trận.

Bà ngưng lại và trước mắt tôi vụt hiện ra bầu trời xanh, mây trắng, nắng vàng của một ngày tháng Bảy năm 1914 êm ả, mây trôi bềnh bồng và dân tình chen chúc nhau trong đám lúa chín. Tôi thấy họ đi cạnh nhau: người thanh niên cao lớn với nước da ngăm ngăm vác lưỡi hái trên vai; còn cô gái, mặt đỏ hồng, tay ôm bó lúa. Rồi một bài hát, một bài hát xưa kia người dân quê thường hay hát, mà giờ đây, vào thời đại máy móc này, người ta không còn hát nữa.

— Ông ấy ra trận, rồi mất tích... Ba năm trời tôi mỏi mòn chờ đợi. Không tin tức gì, hài cốt cũng không...

Quấn trong một cái khăn choàng cũ xưa, khuôn mặt tròn của Matryona trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn bỗng nhiên mất hết các nếp nhăn, không còn cái vẻ lôi thôi lếch thếch thường ngày, mà giờ đây là khuôn mặt sợ hãi của một thiếu nữ đang đứng trước một sự lựa chọn ghê gớm.

Phải... Phải, tôi hiểu... bao mùa lá rụng, bao lần tuyết rơi rồi tuyết lại tan. Rồi cày bừa, rồi gieo hạt, rồi mùa gặt lại đến. Rồi lá lại rụng và tuyết lại rơi. Rồi cách mạng bùng nổ, tiếp theo lại một cuộc cách mạng khác. Và cả thế giới đảo lộn.

— Mẹ của họ qua đời và Efim bắt đầu tán tỉnh tôi. Ông ấy nói: em đã từng muốn đến ở nhà chúng tôi, vậy em cứ đến đi. Efim trẻ hơn tôi một tuổi. Ở quê tôi người ta bảo: gái khôn lấy chồng sau ngày lễ Đức Bà, còn gái dại lấy chồng sau ngày lễ thánh Peter. Gia đình họ thiếu người làm lụng. Thế là tôi nhận lời... Đám cưới chúng tôi nhằm ngày lễ thánh Peter và đến ngày lễ thánh Nicolas vào mùa đông thì Faddei trở về... từ trại giam Hungary.

Matryona nhắm mắt lại.

Tôi ngồi lặng thinh.

Bà quay sang nhìn cánh cửa cứ như nó là một vật thể sống:

— Ông ấy đứng ngay ngưỡng cửa. Tôi thét lên một tiếng, rồi bổ đến quỳ phục dưới chân ông!.. Bộ không thể... thôi được... — ông ấy nói — nếu không phải em trai tôi thì tôi băm nát cả hai người!

Tôi rùng mình. Qua sự phấn khích và kinh hãi của Matryona, tôi hình dung một cách sống động, ông ta đứng ở đó, đen đúa, giữa khung cửa tối om, lưỡi rìu huơ lên trước mặt Matryona.

Nhưng rồi bà bình tĩnh trở lại, dựa vào lưng ghế trước mặt tôi, tiếp tục bằng một giọng nỉ non:

— Ôi chao, tội nghiệp ông ấy quá! Trong làng thiếu gì đàn bà con gái, mà ông không chịu lấy ai hết. Ông ấy bảo: “Tôi sẽ tìm tên em, một Matryona khác”. Và cuối cùng cũng mang về một Matryona từ Lipovka; họ cất riêng một ngôi nhà, và hiện đang sống ở đó, ngày nào ông cũng đi ngang qua đấy để đến trường.

À thì ra thế! Bây giờ tôi hiểu là tôi đã hơn một lần gặp bà Matryona thứ hai rồi. Tôi không thích bà ấy lắm, bà ấy hay đến than phiền với Matryona của tôi là bị chồng đánh đập, ông ta keo kiệt và hay khảo tiền bà, rồi bà khóc rất lâu và giọng lúc nào cũng đầy nước mắt.

Matryona của tôi chẳng có gì để phải hối tiếc cả, Faddei đánh đập Matryona của ông ấy hàng ngày, đến giờ vẫn còn tiếp tục hành hạ bà ta và khắc nghiệt với mọi người trong nhà.

— Còn ông của tôi thì chưa bao giờ đánh tôi một lần nào, — bà kể về Efim. — Ra đường thì ông ấy rượt và thoi đàn ông, nhưng với tôi thì chưa bao giờ... Đúng ra thì có một lần, tôi cãi nhau với chị dâu, ông ấy đập cái thìa bằng gỗ vào trán tôi. Tôi liền phóng ra khỏi bàn: “Cho chúng bay chết sặc hết đi, quân ăn hại!”. Rồi tôi bỏ vô rừng. Từ đó ông ấy không bao giờ đụng đến tôi nữa.

Faddei dường như cũng không có gì để hối tiếc, Matryona thứ hai cũng sinh cho ông sáu người con (trong đó Antoshka, học sinh của tôi, là con út và là đứa tệ nhất), cả sáu đều còn sống; trong khi Matryona và Efim thì không giữ được con mình: chúng đều chết trước ba tháng mà không bệnh hoạn gì hết, từng đứa một.

— Một trong mấy đứa con gái của tôi, Elena, vừa lọt lòng, tắm rửa xong nó vẫn còn sống, nhưng rồi lại chết ngay sau đó. Thành thử không cần phải tắm rửa để liệm xác cho nó... Ngày cưới của tôi đúng vào ngày lễ thánh Peter, tôi chôn đứa thứ sáu, thằng Alexander, cũng vào ngày lễ thánh Peter.

Và cả làng đều quả quyết Matryona bị trù ếm.

— Tôi bị một “vật iếm”[8]! — bây giờ Matryona vẫn còn gật gù ra vẻ tin lắm. — Người ta đã dẫn tôi đến chỗ một bà trước từng là nữ tu để trừ tà, bà ấy làm cho tôi ho, và bảo là “vật iếm” sẽ thành một con ếch và nhảy ra từ họng tôi, nhưng không thấy con ếch nào cả...

Năm tháng trôi qua, như nước chảy chân cầu... Năm 1941, người ta không bắt Faddei ra trận nữa vì mắt ông quá iếu, trái lại người ta bắt Efim. Và giống như ông anh trong cuộc chiến thứ nhất, trong cuộc chiến thứ hai ông em cũng mất tích. Có điều là ông em không bao giờ trở về. Ngôi nhà nhộn nhịp ngày nào, giờ trở nên mục nát, cằn cỗi, hoang vắng và Matryona cũng già đi trong cô độc.

Rồi bà xin Matryona kia một mảnh thịt trong bụng của bà ấy (hay một giọt máu của Faddei) — cô con gái út Kira.

Trong suốt mười năm, bà đã nuôi dưỡng đứa bé ấy tại đây như con ruột thay cho những đứa đã mất. Và trước khi tôi đến ít lâu, bà đã gả cô cho một anh tài công ở Cherusti. Từ đó bà bắt đầu nhận được sự giúp đỡ nhỏ giọt của họ: lúc thì ít đường, lúc thì miếng mỡ lợn muối khi họ mổ heo.

Đau đớn vì bệnh hoạn và nghĩ mình sắp chết, Matryona đã cho biết ước nguyện cuối cùng của mình: “căn phòng lớn” biệt lập, nối với ngôi nhà sẽ thuộc về Kira sau khi bà chết. Bà không nói gì về ngôi nhà gỗ hết. Ba người em gái của bà đang hi vọng sẽ thừa hưởng ngôi nhà gỗ ấy.

Thế là, tối hôm đó, Matryona thổ lộ hết với tôi. Và, như chuyện đời thường, mối liên hệ gia đình và í nghĩa cuộc sống của bà mà tôi vừa được biết, đã gây xáo trộn cho bà trong những ngày tiếp đó. Kira từ Cherusti về nói chuyện và ông lão Faddei lo lắng: muốn xin và giữ một mảnh đất ở Cherusti, hai vợ chồng trẻ phải cất một ngôi nhà trên đó, thế nào cũng được. “Căn phòng lớn” của Matryona hoàn toàn thích hợp cho việc đó. Ngoài ra, không có cách nào khác, vì đào đâu ra gỗ để xây nhà. Và không phải Kira, hay anh chồng của cô, mà chính lão Faddei nôn nóng nhất định giành cho được mảnh đất ở Cherusti.

Thế là ông đến chơi nhà Matryona thường xuyên hơn, lần thứ nhất, rồi lần nữa. Bằng một giọng kẻ cả, ông đòi bà phải cho Kira “căn phòng lớn” ngay khi bà còn sống. Mấy lần sau này, tôi không còn thấy ở ông một cụ già khả kính hai tay chống trên gậy, dễ tổn thương vì một cái đẩy hay một lời nói lỗ mãng. Mặc dù lưng hơi còng vì bị đau vùng thắt lưng, nhưng ông vẫn còn giữ được vẻ nhanh nhẹn, và tuy đã hơn sáu mươi tuổi, tóc ông vẫn đen mướt như thời trẻ. Ông ta tấn công rất hăng hái.

Hai đêm liền, Matryona không ngủ được. Bà cảm thất rất khó quyết định. Không phải vì bà tiếc “căn phòng lớn”, trước nay có dùng đến đâu, cũng như xưa nay bà có hề tiếc công tiếc sức, tiếc lòng tốt của bà với ai bao giờ? Hơn nữa, “căn phòng” đó dù sao bà cũng dành cho Kira rồi kia mà. Nhưng như có ai xát muối vào ruột bà khi phải phá hủy cái mái nhà đã từng che nắng che mưa cho bà suốt bốn chục năm trời. Ngay cả tôi, chỉ là người khách trọ, cũng đau lòng khi thấy người ta tháo những tấm ván, hạ những súc gỗ của ngôi nhà. Với Matryona, đó là dấu chấm hết cho cuộc đời bà.

Nhưng với đám người kia, họ đòi phá hủy ngôi nhà ngay lúc bà còn sống cho bằng được.

Và một buổi sáng tháng hai, Faddei kéo đám con trai và con rể đến, rồi cùng một lúc năm lưỡi rìu bổ xuống, các tấm ván gào thét, rên rỉ khi bị tháo tung ra. Đôi mắt Faddei ngời sáng. Mặc dù lưng ông không thể đứng thẳng hoàn toàn, ông cũng thoăn thoắt leo lên tận mấy cái đòn tay trên mái, còn khi ở dưới thì lăng xăng chỉ đạo, quát tháo mấy người phụ ông. Ngôi nhà gỗ này ông đã cùng với cha ông tự tay cất lên khi còn thanh niên; người ta đã dựng “căn phòng” lên để làm nơi ở cho ông khi cưới vợ. Giờ đây ông hùng hổ tháo rỡ nó ra, từng lóng xương một, để đem đi khỏi sân nhà người lạ.

Sau khi đánh số các cây kèo và ván trần, họ bắt đầu tháo “căn phòng” và cái gác xép của nó, còn ngôi nhà gỗ với những sàn gác ngắn thì họ ngăn tạm bằng một tấm ván mỏng. Họ bỏ mặc mấy cái khe hở trong tường và điều đó cho thấy kẻ tàn phángười xây dựng đúng là hai thái cực, chắc họ đồ rằng Matryona sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Trong khi đàn ông lo phá nhà thì đàn bà lo cất rượu để uống trong ngày chở gỗ. Vì vodka quá đắt nên Kira mang về từ vùng phụ cận Moskva một pud đường, ban đêm Matryona Vasilyevna mang đường và chai lọ đến nhà người cất rượu lậu.

Các súc gỗ đã được hạ xuống và chất thành đống trước cổng, người con rể tài công tàu hỏa đã đi Cherusti để thuê máy kéo.

Nhưng hôm đó bão tuyết bắt đầu nổi lên, “giời thổi bễ” nói theo kiểu của Matryona. Gió gào thét quay cuồng suốt hai ngày đêm liền và đổ lên mặt đường những đống tuyết lớn. Sau đó, khi người ta cào bớt tuyết trên đường, một vài chiếc xe tải chạy qua chạy lại thì trời đột nhiên ấm lên. Một ngày sau tuyết bắt đầu tan, sương mù ẩm ướt buông xuống, các con suối nhỏ do tuyết tan róc rách tìm đường chảy và chân người lún sâu gần đến cổ giày ống.

Suốt hai tuần liền “căn phòng lớn” bị hạ xuống cứ nằm ì ở cổng vì máy kéo không thể đi được! Và trong hai tuần đó, Matryona đi như người mất hồn. Điều làm bà khổ tâm nhất là ba người em gái đến hùa nhau mắng nhiếc bà là đồ ngu vì đã cho “căn phòng”, họ bảo không muốn thấy mặt bà nữa, rồi bỏ đi.

Trong những ngày ấy con mèo thọt cũng bỏ nhà đi mất biệt. Bao nhiêu chuyện dồn dập cùng một lúc hành hạ Matryona đáng thương.

Sau cùng mặt đường đầy tuyết chảy cũng đông lại thành một lớp băng. Một ngày nắng lên sáng sủa và lòng người cũng nhẹ bớt phần nào. Hôm đó, Matryona mơ thấy một giấc mơ đẹp. Buổi sáng, khi biết tôi muốn chụp ảnh một người ngồi trước máy dệt (loại máy dệt này chỉ còn trong một hai nhà ở làng, được dùng để dệt vải thô làm khăn lau), bà trả lời với một nụ cười ngượng nghịu:

— Ông ráng chờ một vài ngày nữa nhé, Ignatich! Để tôi cho “căn phòng” đi cái đã, rồi tôi sẽ ráp lại cái máy dệt của tôi, vẫn còn nguyên, lúc đó ông tha hồ chụp ảnh, nói có ông giời làm chứng!

Rõ ràng là bà đang hồi tưởng lại thời xuân sắc. Ánh nắng hồng của mùa đông phớt nhẹ trên cửa sổ còn đóng băng của tiền sảnh căn nhà, giờ đã bị thu ngắn lại, sưởi ấm khuôn mặt bà. Những người sống với sự thanh thản của tâm hồn bao giờ cũng giữ được nét mặt ưa nhìn.

Nhá nhem tối, khi đi dạy về, tôi thấy nhốn nháo ở ngoài cổng. Những súc gỗ tròn đã được chất lên một chiếc xe trượt lớn nối sau máy kéo. Nhưng nhiều gỗ quá, không đủ chỗ, nên gia đình lão Faddei và những người được gọi đến giúp phải chất tiếp lên một chiếc xe trượt khác do họ tự chế. Mọi người làm việc như điên, với sự hăng say của những người sắp được hưởng một món tiền kếch xù hay một bữa tiệc linh đình. Họ la lối, cãi nhau chí chóe.

Vấn đề đang tranh cãi là phải kéo hai chiếc xe trượt thế nào — cùng một lúc hay từng chiếc một. Một người con trai của Faddei, chân bị thọt, và người con rể tài công cả quyết là không thể kéo hai xe cùng một lúc, vì máy kéo không đủ sức. Nhưng tay lái máy kéo, một anh chàng khỏe mạnh, miệng rộng môi dầy, đầy vẻ tự tin, la lớn với giọng khàn khàn là anh ta biết rõ hơn ai hết, vì anh ta là lái xe, và quyết định kéo cả hai xe một lượt. Rõ ràng anh ta đã tính kĩ rồi: anh ta đã thỏa thuận với anh tài công giá chuyên chở trọn gói, chứ không phải tính theo chuyến. Đi hai chuyến mà một chuyến hai mươi lăm cây số, cộng thêm một lần quay lại, không thể nào làm kịp trong một đêm. Mà đến sáng thì anh ta và máy kéo buộc phải có mặt ở bãi rồi, đây là anh ta làm lén ngoài giờ để kiếm thêm chút tiền bằng tay trái.

Lão Faddei thì không thể nào chịu nổi nếu nội trong ngày hôm nay mà không chở được “căn phòng” đi, gật đầu ra hiệu cho mấy người kia nhượng bộ. Họ bèn buộc chiếc xe thứ hai nối vào chiếc thứ nhất.

Matryona chạy lăng xăng giữa đám đàn ông, phụ họ lăn các súc gỗ lên xe. Lúc đó tôi mới để í thấy bà mặc cái áo khoác của tôi, và đã làm dơ hai tay áo vào lớp bùn ở các đầu súc gỗ, tôi liền lưu í bà với giọng bất bình. Chiếc áo này đối với tôi là cả một kỉ niệm, nó đã từng giữ ấm tôi trong suốt những năm gian khổ.

Đó là lần đầu tiên tôi giận dữ với Matryona Vasilyevna.

— Chết thật, chết thật! Tôi mụ mẫm hết cả rồi! — bà ngẩn người ra nói, — tại tôi chụp vội trong khi đang chạy nên quên đó là áo của ông. Xin lỗi, Ignatich, ông đừng giận nhé! — Bà cởi ra ngay và đem đi phơi.

Gỗ đã chất hết lên xe và tất cả bọn họ, khoảng mười người, ồn ào kéo nhau đi qua bàn tôi và chui xuống bếp. Tôi nghe tiếng li chạm nhẹ, thỉnh thoảng tiếng chai rượu leng keng, tiếng người nói càng lúc càng to, tiếng khoác lác càng lúc càng lố bịch. Tay lái máy kéo là nổ hăng nhất. Hơi rượu nồng nặc xộc vào mũi tôi. Nhưng họ không khề khà lâu, bóng tối buông xuống khiến họ phải vội vàng. Họ bắt đầu ra ngoài. Tay lái máy kéo mặt lầm lì, bước ra đầy tự mãn. Người con rể, người con trai chân thọt và một người cháu của lão Faddei sẽ đi theo xe đến Cherusti. Mấy người còn lại về nhà họ. Faddei quơ gậy, đuổi theo một người nào đó để căn dặn điều gì. Người con chân thọt dừng lại cạnh bàn tôi ngồi để châm một điếu thuốc rồi bỗng nói với tôi là anh thương thím Matryona của anh lắm, là anh mới cưới vợ cách đây không lâu, và họ vừa sinh một đứa con trai. Đúng lúc đó có người gọi nên anh bước ra. Tôi nghe tiếng rền rĩ của máy kéo ngoài cửa sổ.

Matryona là người cuối cùng bước ra sau tấm vách ngăn nhà bếp. Bà lúc lắc đầu, đưa mắt nhìn theo họ đầy vẻ lo ngại. Choàng vội chiếc áo khoác, trùm khăn lên đầu, ra đến cửa bà quay lại nói với tôi:

— Đáng lí họ phải thuê hai máy kéo. Lỡ một chiếc trục trặc thì chiếc kia còn kéo được. Chớ thế này thì giời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra!

Rồi bà chạy theo họ.

Sau chầu nhậu, sau những cãi vã và lăng xăng nhốn nháo, ngôi nhà giờ trở nên im ắng, trống trải và lạnh lẽo vì cánh cửa cứ mở ra đóng vào khiến hơi ấm thoát đi. Ngoài cửa sổ trời tối đen như mực. Tôi cũng chui vào áo khoác và ngồi vào bàn làm việc. Đằng xa tiếng máy kéo tắt dần.

Một giờ trôi qua, một giờ nữa, rồi thêm một giờ thứ ba. Matryona vẫn chưa về, nhưng tôi không ngạc nhiên lắm, có lẽ sau khi đi theo xe một đoạn, bà đến chơi nhà bà Masha.

Lại một giờ trôi qua, rồi một giờ khác. Không phải chỉ có bóng đêm dày đặc, mà một sự im lặng nặng nề bao trùm lên khắp làng. Tôi không hiểu nổi vì sao lặng im thế, và sau đó mới nhận ra là suốt buổi tối, không có một chuyến tàu nào chạy ngang qua trên tuyến đường sắt cách nhà chúng tôi khoảng hơn nửa cây số. Máy thu thanh đã tắt và tôi để í, chưa có khi nào bọn chuột lại ầm ĩ như vậy: càng lúc càng táo tợn, càng ồn ào dưới lớp giấy dán tường, chúng còn cào sột soạt và kêu chí chóe.

Tôi vẫn thức. Đã hơn nửa đêm rồi mà Matryona vẫn chưa về.

Bỗng tôi nghe nhiều tiếng người ồn ào trong làng. Mặc dù họ còn ở xa, nhưng có điều gì đó khiến tôi nghĩ họ đang đi về hướng nhà chúng tôi. Quả nhiên, ít lâu sau tôi nghe tiếng gõ cổng thật mạnh. Một giọng nói lạ, như ra lệnh, dõng dạc kêu mở cửa. Tôi với cây đèn pin và bước ra bóng đêm dày đặc. Cả làng đang chìm trong giấc ngủ, không ô cửa nào có ánh đèn, và lớp tuyết sau một tuần đã bắt đầu tan nên cũng không còn phản chiếu ánh sáng. Tôi xoay cái chốt cửa ở dưới và mở ra. Bốn người đàn ông khoác áo tơi bước vào nhà. Chẳng thích thú gì khi người ta vào nhà lúc nửa đêm nửa hôm, mà còn ồn ào và mặc đồng phục.

Dưới ánh đèn, tôi nhận thấy trong số bốn người, có hai người mặc đồng phục của nhân viên đường sắt. Người lớn tuổi, mập mạp, có khuôn mặt giống tay lái máy kéo, lên tiếng:

— Bà chủ nhà đâu?

— Tôi không biết.

— Cái máy kéo và mấy chiếc xe trượt có phải từ đây đi không?

— Phải.

— Trước khi đi họ có uống rượu phải không?

Cả bốn người đều nheo mắt nhìn soi mói trong ánh sáng lờ mờ từ ngọn đèn bàn của tôi. Và tôi hiểu họ đã bắt giữ ai đó hoặc muốn bắt giữ ai.

— Có chuyện gì xảy ra vậy?

— Lo trả lời những câu hỏi của chúng tôi đi!

— Nhưng...

— Khi đi họ đã say rồi phải không?

— Họ đã uống rượu tại đây phải không?

Có ai bị ám sát chăng? Hay là họ cấm chở “căn phòng” đi? Họ có vẻ nhất quyết muốn biết. Một điều chắc chắn là với vụ cất rượu, Matryona có thể đi tù như chơi.

Tôi lùi lại phía cánh cửa bếp và đứng chắn nó lại.

— Thật tình tôi không để í. Không thấy gì hết.

(Quả thật, tôi có thấy gì đâu, tôi chỉ nghe thôi.)

Tôi khoát tay bằng một động tác tỏ vẻ bất lực, chỉ cho họ thấy tình trạng căn nhà: ánh sáng hiền hòa trên bàn viết của tôi tỏa xuống chồng sách vở, đám chậu cây ficus nhút nhát, cái giường thô sơ của kẻ ẩn dật. Không có dấu vết gì của sự trụy lạc cả. Ngoài ra sau mấy tiếng đồng hồ mùi rượu đã bay đi hết rồi.

Họ tỏ vẻ bực dọc khi nhận thấy ở đây không có dấu hiệu gì của rượu chè. Và họ quay người, đi ra cửa, vừa nói với nhau là không có ai uống rượu trong nhà này, phải chi tìm được dấu vết nhậu nhẹt thì hay quá. Tôi tiễn họ ra và cố tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Chỉ khi ra tới cổng một người trong bọn mới càu nhàu:

— Nó đụng nát bét tất cả rồi. Không sao nhặt hết được mảnh vụn!

Một người khác thêm vào:

— Đã ăn nhằm gì! Chuyến tốc hành số 21 mà bị trật đường rầy thì chưa biết còn khủng khiếp tới đâu!

Và họ bỏ đi mất.

— Đụng ai? Tất cả là ai với ai? Còn Matryona đang ở đâu?

Tôi quay vào nhà, vén màn và bước vào bếp. Mùi rượu còn nồng nặc làm tôi lợm giọng. Cả một sự ngổn ngang lạnh lẽo: mấy cái ghế đẩu chồng lên cái ghế dài, vài chai rỗng lăn lóc và một chai đang uống dở, li tách, ít cá mòi, mẩu hành và mỡ vụn còn dư.

Im lặng chết chóc. Chỉ có mấy con gián là bình thản bò trên bãi chiến trường.

Tôi vội vàng dọn dẹp. Tôi súc mấy cái chai, vứt hết đồ ăn thừa, xếp lại mấy cái ghế, dấu chai rượu uống dở xuống tầng hầm.

Khi xong việc tôi mới giật mình đứng lặng giữa ngôi nhà trống trải. Họ có nhắc đến chuyến tàu tốc hành số 21 gì đó. Có gì liên quan? Lẽ ra nên cho họ thấy những cái này? Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Nhưng sao lại có cái kiểu chết tiệt là không bao giờ chịu giải thích cho dân thường, không phải người thi hành công vụ gì hết vậy?

Bỗng có tiếng cánh cổng rít lên. Tôi chạy vội ra:

— Matryona Vasilyevna, bà đó hả?

Bà bạn Masha của Matryona loạng choạng bước vào:

— Ôi! Matryona... Matryona của chúng ta... Ignatich ơi...

Tôi đỡ bà ngồi xuống, bà kể trong nước mắt.

Tại giao lộ của đường bộ và đường sắt có một cái dốc cao. Không có thanh chắn ngang. Cái máy kéo đã qua được với chiếc xe trượt thứ nhất, nhưng dây cáp bị đứt và chiếc xe trượt thứ nhì, cái xe tự chế, bị kẹt ngay trên đường sắt và sắp sửa đổ ra. Faddei không chất gỗ tốt trên chiếc xe thứ hai. Họ kéo chiếc xe thứ nhất ra xa một quãng rồi mới quay lại chiếc thứ hai. Anh lái máy kéo và đứa con chân thọt của Faddei cố tìm cách buộc dây cáp ngay tại chỗ xe kẹt, vậy mà Matryona cũng phải xen vô. Bà ấy giúp gì được cho mấy gã đàn ông chứ? Lúc nào bà ấy cũng xen vô chuyện của đàn ông. Cũng như lần suýt bị con ngựa quật xuống hồ, xuống hố băng. Bà ấy đến cái giao lộ mắc toi ấy làm gì? — đã cho “căn phòng” rồi, vậy là hết bổn phận rồi, xong nợ rồi... Anh tài công thì cứ nhìn về phía Cherusti, canh xem có tàu từ hướng đó không, từ đằng xa thế nào cũng thấy đèn của nó. Nhưng từ hướng bên này, phía ga của chúng tôi, có hai cái đầu máy kéo nhau trờ tới, chạy thụt lùi và không có đèn. Có trời mới biết tại sao không bật đèn, nhưng khi đầu máy chạy thụt lùi, anh tài công bị bụi than vào mắt làm cho không thấy gì hết ở phía sau. Chúng ủi vào và nghiền nát ba người đứng giữa cái máy kéo và chiếc xe trượt. Máy kéo tan tành, xe trượt thành mảnh vụn, đường sắt bật tung lên, và hai đầu máy lật qua một bên.

— Nhưng sao họ không nghe tiếng đầu máy xe lửa đến?

— Tại tiếng máy kéo rú to quá.

— Còn xác họ thì sao?

— Người ta không cho tới gần, họ cử người gác xung quanh.

— Còn chuyện chuyến tàu tôi nghe là thế nào?.. Họ bảo là một chuyến tốc hành.

— Đó là chuyến tàu mười giờ. Nó chạy ngang qua ga chúng ta mà không dừng lại và cũng qua chỗ giao lộ. Khi hai cái đầu máy lật xuống, hai anh tài công thoát ra được, họ nhảy xuống đường sắt và chạy trở lui về phía sau, đứng trên đường sắt, họ phất tay lia lịa, và kịp chặn được chuyến tàu tốc hành lại... Đứa cháu của Faddei cũng bị một súc gỗ đè bị thương. Hiện giờ nó đang trốn tại nhà Klavka để người ta không biết là nó đã có mặt tại nơi xảy ra tai nạn. Nếu không thì họ sẽ bắt nó làm nhân chứng!... Kẻ không biết thì iên thân, chứ người biết có khi bị treo cổ... Thằng chồng của Kira thì không một vết xước. Nó định treo cổ tự tử, nhưng lại được cứu thoát. Nó bảo tại tôi, mà mẹ nuôi tôi và anh vợ tôi chết. Nó đi đầu thú rồi, người ta tạm giam lại. Chẳng cần bỏ tù nó nữa đâu, mà cứ đưa thẳng vào nhà thương điên! Khổ thân Matryona! Bạn Matryona yêu quý của tôi!

Matryona không còn nữa. Một người thân iêu đã ra đi. Thế mà ngày cuối cùng tôi đã trách móc bà vì cái áo khoác của tôi.

Cô gái diêm dúa vàng vàng đỏ đỏ trên tấm bích chương với những cuốn sách vẫn tươi cười.

Masha ngồi khóc thêm một lúc. Lúc đứng lên để ra về, bà chợt hỏi:

— Ignatich! Ông còn nhớ... cái áo len màu xám của Matryona... Chị ấy hứa cho con cháu Tanya của tôi sau khi chị mất, có phải vậy không?

Trong ánh sáng lờ mờ, bà nhìn tôi tràn trề hi vọng: có thể nào tôi quên được sao?

Nhưng tôi vẫn còn nhớ:

— Vâng, bà ấy có hứa.

— Thế thì, nếu ông cho phép tôi sẽ lấy nó ngay? Kẻo sáng mai họ kéo đến, tôi sẽ không lấy được nữa.

Và bà lại nhìn tôi với vẻ van nài hi vọng — người bạn của Matryona trong suốt nửa thế kỉ, người duy nhất trong làng thực tình thương iêu bà...

Có lẽ, như vậy vẫn hơn.

— Vâng, dĩ nhiên... bà cứ lấy... — tôi xác nhận.

Bà mở một cái rương nhỏ, lấy chiếc áo len ra, nhét nó dưới lớp áo của bà rồi ra về...

Bọn chuột như lên cơn điên, chúng chạy tứ tung dọc theo mấy bức tường và lớp giấy dán tường màu xanh vồng lên như dợn sóng trên lưng chúng.

Biết làm gì bây giờ. Rồi họ sẽ đến và lấy lời khai của tôi. Buổi sáng tôi còn phải đi dạy. Đã hai giờ khuya rồi. Điều duy nhất cần phải làm là gài cửa và đi nằm ngủ.

Phải gài then cửa vì Matryona sẽ không bao giờ trở về nữa.

Tôi đi nằm mà không tắt đèn. Bọn chuột cứ kêu chút chít, như rền rĩ, và chạy liên tục không ngừng. Đầu óc mệt mỏi, í nghĩ rời rạc, tôi không tài nào xua được nỗi sợ hãi ám ảnh tôi: tôi có cảm giác chính Matryona đang chạy tứ phía để nói lời vĩnh biệt với ngôi nhà của bà.

Rồi bỗng trong bóng tối ngay ngưỡng cửa ra vào, tôi hình dung Faddei còn trẻ, đen đúa, tay lăm lăm lưỡi rìu:

“Nếu không phải là em trai tôi thì tôi băm nát cả hai!”

Lời đe dọa ấy, suốt bốn mươi năm trời vẫn rình rập trong góc nhà, như một lưỡi rìu cũ kĩ, cuối cùng cũng kết liễu đời Matryona.

 

3

 

Sáng sớm, mấy người phụ nữ đem về từ chỗ giao lộ tất cả những gì còn lại của Matryona trên một chiếc xe trượt tuyết nhỏ, bên trên phủ một tấm bao bố bẩn thỉu. Người ta vất chiếc bao đi để tắm rửa cho bà lần cuối. Những gì còn lại là một đống bầy nhầy: mất chân, mất một nửa thân, và cả cánh tay trái. Một người đàn bà làm dấu và nói:

— Chúa đã để lại cho bà bàn tay phải. Bà sẽ có thể cầu nguyện ở trên ấy.

Và đây, đám chậu cây ficus mà Matryona đã iêu thương đến độ một đêm, giật mình thức dậy giữa mùi khói sặc sụa, bà không lo chạy đi cứu ngôi nhà mà chỉ lo ném đám cây xuống đất (cho chúng khỏi chết ngộp vì khói), đang được mang ra khỏi căn nhà. Sàn nhà được lau chùi sạch sẽ. Tấm gương mờ của bà được che lại bằng một cái khăn dệt tay của thời xa xưa. Những tấm bích chương vô vị trên tường được gỡ xuống. Bàn của tôi được dời đi. Sát cửa sổ và dưới các bức tượng thánh, người ta đặt cỗ quan tài thô sơ không có đường diềm trang trí trên mấy cái ghế đẩu.

Xác Matryona được đặt trong hòm. Thân thể không toàn vẹn của bà được phủ một tấm khăn trải giường sạch và đầu bà được quấn một chiếc khăn quàng trắng, gương mặt bà vẫn nguyên vẹn, bình thản, trông như còn sống hơn là đã chết.

Người trong làng đến, đứng nhìn bà một lúc rồi đi. Đàn bà thì mang luôn cả con cái đến cho chúng nhìn người chết lần cuối. Mỗi khi có ai bắt đầu khóc thì tất cả mấy bà, luôn cả những bà chỉ đến vì tò mò, đều thi nhau sướt mướt từ cửa ra vào cho đến dọc theo bốn vách tường như để phụ họa cho dàn đồng ca. Đàn ông thì đứng thẳng, im lặng, đầu để trần.

Các bà họ hàng mới là những giọng hát chính. Trong tiếng khóc than đó, tôi ghi nhận có một trật tự đã được nghiền ngẫm một cách lạnh lùng và được thực hiện từ muôn thuở đến giờ. Những bà có họ xa thì chỉ đến đứng một lúc cạnh quan tài và kể lể nho nhỏ. Những bà nào cho là mình có họ hàng gần thì bắt đầu khóc ngay từ ngưỡng cửa, và khi đến gần quan tài thì họ cúi xuống tận mặt người quá cố để khóc than. Mỗi bà sáng tác một âm điệu riêng biệt, trong đó chứa đựng tất cả í nghĩ và tình cảm riêng của mình.

Có dịp này tôi mới biết được là sự than khóc người chết không phải là những khóc lóc tầm thường, mà trong chừng mực nào đó, là vụ áp-phe chính trị. Ba bà em của Matryona đến với vẻ hấp tấp, vội vã, họ chiếm ngôi nhà, con dê và cái lò, khóa cái rương bằng một ổ khóa, mở lớp vải lót của cái áo bành tô để lấy số tiền hai trăm rúp ra làm ma chay, giải thích với mọi người họ là những người bà con gần duy nhất của Matryona. Và họ cũng khóc trên quan tài của bà:

— Ối, chị ơi là chị ơi! Trời ơi! Người mẹ nhỏ bé của em! Tụi em chỉ có mình chị thôi! Chị có thể sống iên thân mà! Tụi em lúc nào cũng iêu quý chị mà! Cái “căn phòng” của chị nó giết chị rồi, chị ơi! “Căn phòng” đáng nguyền rủa ấy nó kết liễu đời chị rồi! Sao chị lại đi tháo nó ra làm gì? Ôi! Sao chị không nghe lời chúng em?

Như vậy rõ ràng những lời than khóc của mấy bà em là lời buộc tội gia đình bên chồng bà: đáng lẽ không nên ép Matryona phá “căn phòng” (và như vậy có nghĩa là mấy người có thể đã chiếm “căn phòng”, nhưng ngôi nhà này thì đừng hòng).

Gia đình bên chồng — chị em dâu của Matryona, chị em gái của Efim và Faddei, rồi thêm đủ loại cháu chắt đều đến và cũng khóc lóc:

— Trời ơi! Thím ơi là thím! Sao thím không thương lấy thân? Rồi bây giờ thế nào họ cũng oán trách chúng cháu cho mà xem! Ối trời ơi! Thím iêu dấu ơi! Tại thím cả thôi! Chứ “căn phòng” nó có tội tình gì đâu! Tại sao thím lại đi đến nơi thần chết đang rình rập làm chi? Có ai bắt thím đi đâu! Thím xem thím chết như thế nào nè! Tại sao thím không chịu suy nghĩ? Tại sao thím không nghe lời chúng cháu chớ?

(Trong những lời than khóc đó ta thấy có câu trả lời: chúng tôi không can dự gì trong cái chết của bà ấy cả; còn vụ ngôi nhà sẽ tính sau!).

Nhưng bà Matryona thứ nhì có gương mặt to với những đường nét thô kệch, một Matryona thay thế mà trước kia Faddei đã lấy chỉ vì cái tên của bà ta, không theo nổi cái chính trị đó, bà thét to lên, rất mộc mạc, nấc nghẹn ngào trên quan tài:

— Nhưng mà em là em gái của chị mà! Không lẽ em lại giận chị sao? Ôi, chao ôi! Ôi, chao ôi! Mình nói chuyện với nhau không biết bao nhiêu lần rồi! Em tha lỗi cho chị nhé. Chị khổ lắm! Ôi chao ôi! Em về với mẹ em rồi, chắc thế nào em cũng về tìm chị mà! Ôi chao ôi! Ôi chao ôô...ôi!..

Trong cái “ôi chao ôô... ôi...” đó, bà có vẻ như dồn hết hơi thở và tinh thần của mình vào, rồi bà đập ngực vào quan tài liên hồi. Đến khi sự khóc lóc của bà đã vượt quá giới hạn nghi thức thì tất cả mấy bà kia đều đồng thanh, như muốn công nhận như vậy là đủ thành công lắm rồi:

— Thôi! Thôi!

Matryona bỏ đi, nhưng sau đó quay lại và còn khóc lóc dữ dội hơn nữa. Thế rồi một bà lão rất già, lọm khọm từ một góc phòng bước ra, đặt tay lên vai Matryona và nói với giọng nghiêm nghị:

— Trên đời có hai điều bí mật: ta sanh ra thế nào — không nhớ, ta sẽ chết thế nào — chưa biết được.

Matryona nín ngay lập tức, và tất cả đều nín, đến mức trong phòng chỉ còn sự im lặng hoàn toàn.

Nhưng rồi chính bà lão đó, già hơn những bà già hiện có mặt tại đây rất nhiều, và hình như không có họ hàng gì với Matryona, một lúc sau lại òa lên khóc:

— Ôi, Matryona đau khổ tội nghiệp! Ôi, Vasilyevna của tôi! Tôi chán phải đưa xác mọi người như thế này lắm rồi!

Rồi đến lượt người con nuôi Kira đau khổ rấm rứt khóc, lần này không theo nghi thức, vì những tiếng nức nở của chị ta giản dị hơn, như thường thấy ở thời đại chúng ta. Chính vì chị mà người ta đã hạ “căn phòng” xuống và chở đi. Những lọn tóc quăn của chị rối bời thảm não. Mắt đỏ hoe như rướm máu. Chị không buồn để í đến cái khăn quàng của chị đã tuột ra và rơi xuống đất lạnh, chị mặc bành tô mà còn chưa xỏ tay. Chị ngơ ngác chạy từ nhà này đến nhà kia, từ chiếc quan tài của bà mẹ nuôi đến chiếc quan tài của người anh, và mọi người đều lo cho thần kinh của chị vì chồng chị còn sắp phải ra tòa.

Với những gì đã xảy ra, anh ta sẽ bị buộc tới hai tội: không những trực tiếp tham gia vụ chở “căn phòng”, thêm vào đó là lái tàu, đáng lí anh phải biết rõ luật lệ là khi băng qua giao lộ không có thanh chắn, anh phải chạy ngược đến ga trước để báo cho người ta biết là sắp có máy kéo băng qua. Đêm ấy, trên chuyến tàu tốc hành Ural, hàng ngàn sinh mạng đang iên giấc trên những giường tầng của toa tàu, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn, có thể đã ra đi vĩnh viễn. Vì lòng tham của một nhóm người muốn chiếm một mảnh đất nhỏ nhoi, hoặc vì không chịu để cho chiếc máy kéo đi thêm một chuyến thứ hai.

“Căn phòng” đã mang một lời nguyền xui xẻo kể từ khi Faddei đang tâm xuống tay phá hủy nó.

Anh lái máy kéo đã vĩnh viễn thoát khỏi phán xử của người sống. Về phần Cục đường sắt thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc không đặt trạm gác và thanh chắn tại giao lộ có xe cộ qua lại thường xuyên, và hai cái đầu máy lôi nhau chạy thụt lùi mà không đèn đóm gì hết. Chính vì thế mà thoạt tiên người ta đã cố đổ lỗi cho say rượu và giờ đây thì tìm cách ỉm đi cho êm chuyện.

Đường sắt bị hỏng nặng đến mức trong ba ngày liền, khi các cỗ quan tài vẫn còn được quàn trong nhà, tàu không thể di chuyển qua đó được, mà phải đi vòng bằng đường rẽ. Trong các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, từ khi xảy ra hậu quả cho đến lúc chôn cất, người ta phải sửa chữa đường sắt, nơi xảy ra tai nạn, cả ngày lẫn đêm. Công nhân sửa chữa bị lạnh cóng và để sưởi ấm và soi sáng ban đêm, họ đốt những đống lửa lớn bằng ván và những súc gỗ chất trên chiếc xe trượt thứ nhì còn vung vãi nơi giao lộ.

Còn chiếc xe trượt thứ nhất, vẫn còn nguyên vẹn, thì nằm cách đó không xa, phía bên kia giao lộ.

Và chính điều ấy, một chiếc thì như trêu ngươi, nằm đợi với một đầu cáp sẵn sàng để được kéo đi, còn chiếc kia vẫn còn có thể cứu thoát khỏi ngọn lửa của đám thợ sửa đường, đã làm cho lão già râu đen Faddei ray rứt, đứng ngồi không iên suốt cả ngày thứ Sáu và thứ Bảy. Con gái thì sắp loạn thần kinh, con rể thì sắp bị tòa xử, đứa con trai do lão mà chết xác không nguyên vẹn, còn nằm trong nhà chưa kịp đem chôn, và cũng trên cùng con đường ấy, còn xác một người lão đã từng iêu và nay cũng do lão mà chết. Faddei chỉ đứng bên cạnh mấy cỗ quan tài trong chốc lát, tay vuốt hàm râu. Vầng trán cao của lão sa sầm vì những í nghĩ khổ sở dằn vặt, lão đang nung nấu í nghĩ là làm cách nào cứu những súc gỗ của “căn phòng” khỏi ngọn lửa và khỏi âm mưu của mấy người em gái của Matryona.

Kiểm điểm lại những người dân sống ở Talnovo, tôi nhận thấy Faddei không phải là kẻ duy nhất thuộc hạng như vậy trong làng.

Và ngôn ngữ của họ có cách diễn tả lạ lùng khi gọi của cải của người khác là của “chúng ta”. Và để mất nó đi là một điều nhục nhã và ngu xuẩn trước mọi người.

Faddei chạy từ làng đến ga, từ lãnh đạo cơ quan này đến lãnh đạo cơ quan nọ, không còn chút thì giờ nào để ngồi nghỉ, với cái lưng không đứng thẳng nổi của lão, lúc nào cũng phải chống vào cây gậy, để van xin người ta rũ lòng thương hại tuổi tác già nua của lão mà cho phép lão mang “căn phòng” về.

Rồi cũng có người ban ơn cho lão. Thế là Faddei huy động con trai, con rể và cháu, những người còn sống sót, đi tìm ngựa ở nông trang, đánh một vòng qua ba ngôi làng để sang phía bên kia con đường sắt bị hư hại, và chở về nhà lão tất cả những gì còn lại của “căn phòng”. Lão đã hoàn tất công việc đó trong đêm thứ Bảy đến rạng sáng Chủ nhật.

Chủ nhật là ngày đưa đám. Hai cỗ quan tài được khiêng đến giữa làng, họ hàng bàn tính xem phải để cái nào đi trước. Cuối cùng người ta đặt cả hai thím cháu nằm song song cạnh nhau trên một chiếc xe trượt, trên lớp băng của tháng Hai ẩm ướt dưới bầu trời u ám, người ta đưa hai kẻ xấu số đến nghĩa trang nhà thờ cách đó hai làng. Thời tiết vô cùng khó chịu, gió rít ầm ầm, vị cha xứ cùng người hộ tế chờ sẵn ở nhà thờ, họ không chịu đi Talnovo.

Ra đến cổng làng, mọi người đi chậm lại và cùng hát thánh ca. Sau đó họ tản về dần.

Trước hôm Chủ nhật, mấy người đàn bà còn chộn rộn trong ngôi nhà: bà cụ già lẩm nhẩm mấy bài thánh ca bên quan tài, các bà em của Matryona lăng xăng bên cái lò kiểu Nga, tỏa hơi nóng kinh khủng vì chất đầy than hồng, những bao than mà Matryona đã vất vả vác về từ đầm lầy xa xôi. Họ làm những cái bánh rán không thể nuốt nổi với thứ bột hạng bét.

Chiều Chủ nhật, sau khi đã hạ huyệt, mọi người quay về tụ tập để ăn lễ tống táng. Bàn được kê thành một hàng dài nằm chật hết chỗ đặt quan tài lúc sáng. Thoạt tiên mọi người đều đứng quanh bàn và một ông lão, chồng của người chị dâu, đọc kinh “Lạy Cha”. Sau đó mỗi người được rót một lớp mỏng nước mật vừa đủ lót đáy chén. Chúng tôi dùng muỗng ăn mật suông, để cầu cho linh hồn Matryona được an nghỉ. Sau đó mọi người ăn và uống vodka, chuyện trò dần dần nổ như bắp rang. Trước khi dùng mứt quả, mọi người đều đứng dậy và hát “Kỉ niệm muôn đời” (người ta giải thích cho tôi là trước khi ăn mứt phải hát như vậy). Rồi mọi người lại tiếp tục uống rượu. Họ nói chuyện mỗi lúc một ồn ào, hầu như không còn nhắc đến Matryona. Ông chồng bà chị dâu bắt đầu khoác lác:

— Quý vị là Chính thống giáo, quý vị có để í là hôm nay mình hát thánh lễ hơi chậm không? Chính Cha Mikhail đã lưu í tôi đó. Cha biết là tôi thuộc nghi thức mà. Nếu không thì chỉ một kinh “Lạy Cha”, rồi một kinh “Kính mừng” là xong.

Cuối cùng tiệc cũng tàn. Mọi người lại đồng loạt đứng lên hát “Xứng danh Đức Bà”, sau đó lặp lại ba lần “Kỉ niệm muôn đời”, “Kỉ niệm muôn đời”, “Kỉ niệm muôn đời”! Nhưng giọng mọi người đã khàn khàn, lạc điệu, gương mặt ai nấy đều có vẻ ngà ngà, và chẳng ai còn cảm thấy hứng thú gì trong cái “kỉ niệm muôn đời” ấy nữa.

Khách khứa lần lượt ra về, chỉ còn lại những người bà con gần nhất, họ móc thuốc lá ra hút, kể vài câu chuyện pha trò và cười vang. Câu chuyện bỗng được lái sang việc mất tích của ông chồng Matryona ngoài chiến trường, và ông lão chồng bà chị dâu tay đấm vào ngực mình để chứng minh với tôi cùng lão thợ giày, chồng của một trong mấy bà em của Matryona:

— Efim chết rồi! Nếu không sao chú ấy lại không thể về? Tôi ấy à, giả dụ như biết về tới nơi rồi người ta sẽ treo cổ mình lên, tôi vẫn cứ về!

Lão thợ giày gật gù ra vẻ đồng tình. Lão là một tay trốn quân dịch và nói chung chưa bao giờ rời quê tới nửa bước: suốt cuộc chiến lão trốn trong căn hầm của mẹ lão.

Ngồi trên lò sưởi là bà cụ với vẻ mặt nghiêm nghị và lặng lẽ, già hơn tất cả những người già nhất, và vì vậy mà người ta muốn để cụ đi nằm trước. Cụ im lặng ngó xuống với vẻ khinh khỉnh đám trẻ năm mươi, sáu mươi tuổi đó đang rộn ràng chẳng ra thể thống gì.

Chỉ có người con gái nuôi đau khổ đã từng lớn lên giữa bốn bức tường ngôi nhà này là lẻn ra sau tấm vách ngồi khóc.

Faddei không đến dự tiệc ma chay của Matryona — phải chăng vì lão còn bận lo tiệc ma chay của con trai lão? Nhưng những ngày sau đó, lão đã đến hai lần, thái độ thù địch, để thương lượng với mấy bà em của Matryona và lão thợ giày trốn lính.

Tranh chấp liên quan đến ngôi nhà gỗ: ai sẽ được thừa hưởng, em gái hay con gái nuôi? Thoạt tiên họ định đưa nhau ra tòa, nhưng sau đó suy nghĩ lại và tìm cách giải quyết êm thắm, vì nếu ra tòa, sẽ chẳng ai được thừa hưởng, mà ngôi nhà sẽ được sung vào công quỹ Sô-viết nông thôn. Cuộc thương lượng đã đi đến thỏa thuận: một bà em sẽ bắt con dê, ngôi nhà gỗ sẽ về tay lão thợ giày và vợ lão, còn Faddei, xét vì “lão đã tự tay đẽo gọt từng súc gỗ”, lão sẽ làm chủ “căn phòng lớn” mà lão đã chở về nhà, ngoài ra người ta cũng nhường luôn cho lão cái kho, nơi Matryona nuôi con dê cái, và cả dãy hàng rào bên trong, ngăn cái sân với khoảnh vườn.

Và một lần nữa, cố vượt qua bệnh tật và chứng phong thấp, lão già tham lam lại tỏ ra phấn khởi và trẻ lại. Lão lại huy động đám con cũng như rể còn sống sót đến rỡ nhà kho và hàng rào, rồi lão đích thân lấy gỗ chất lên xe trượt, và chỉ đến lúc gần xong, lão mới gọi thằng Antoshka lớp 8D đến phụ một tay, lần này thì thằng bé chẳng có vẻ gì là lười biếng cả.

Người ta đóng cửa ngôi nhà của Matryona cho đến mùa xuân, và tôi phải đến trọ tại nhà người chị dâu của bà ở gần đó. Bà chị dâu này sau đó mới kể lại trong những dịp khác nhau nhiều câu chuyện liên quan đến Matryona khiến tôi càng hiểu rõ hơn về người quá cố từ một khía cạnh khác.

— Efim mà thương gì cô ta. Chú ấy hay nói: “tôi thích ăn mặc lịch sự”, còn cô ấy thì lôi thôi lếch thếch, sao cũng được, kiểu nhà quê ấy mà. Rồi một hôm vợ chồng tôi và chú ấy lên thành phố đi làm kiếm tiền, chú chàng vớ được một ả, rồi không quay về với Matryona nữa.

Tất cả những gì bà ta kể đều có í chê bai: nào là bê bối; không biết sắm sửa nhà cửa; không biết tiết kiệm; thậm chí đến heo mà cũng không biết đường nuôi, chả hiểu nổi tại sao lại không chịu nuôi heo; nào là ngốc chưa từng thấy, chỉ lo làm việc không công cho thiên hạ (bà ta nhắc đến Matryona đúng vào dịp tìm không ra người để nhờ cày xới đất trong khu vườn).

Ngay cả lòng tốt và tính giản dị của Matryona, bà ta cũng kể lại một cách đầy thương hại pha lẫn coi thường.

Và chỉ đến lúc này — trước những lời chê trách của bà chị dâu — tôi mới thấy hiện lên trước mắt hình ảnh một Matryona mà trước kia tôi chưa hiểu hết, dù sống bên cạnh bà.

Quả thật, trong làng nhà ai cũng nuôi một con heo sữa! Nhưng bà thì không. Còn gì đơn giản hơn là nuôi một con heo con tham ăn, suốt ngày chỉ biết có ăn! Cho ăn cám ngày ba bận, sống vì nó, rồi sau đó làm thịt để có món mỡ lợn muối?

Nhưng bà đã không làm như vậy...

Bà không quan tâm việc sắm sửa... Bà chẳng hơi đâu mua sắm đồ này đồ nọ để phải gìn giữ và chăm sóc chúng còn hơn chính cuộc đời mình.

Bà không màng đến trang phục. Quần áo chỉ để làm đẹp cho những kẻ xấu xa ác đức.

Không ai thông cảm, bị chồng ruồng bỏ, đã phải đem chôn sáu người con, nhưng vẫn cởi mở với mọi người, khác hẳn các em gái và chị em dâu, lạ đời, làm việc không công cho thiên hạ một cách ngốc nghếch — bà chẳng tích cóp được gì cho bản thân đến tận ngày nhắm mắt. Một con dê cái dơ dáy, một con mèo què quặt, mấy chậu cây...

Tất cả chúng tôi, những kẻ sống bên bà và đã không hiểu được rằng chính bà mới là người thánh thiện nhất, như cách ngôn thường nói, nếu không có những con người ấy thì chẳng làng mạc nào, chẳng thành phố nào, thậm chí cả thế gian này, có thể tồn tại được.

 

1959

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Torfoproduct — được ghép từ Torf (tiếng Đức — nghĩa là than bùn) và product. (Tất cả các chú thích đều của người dịch).

[2]Nguyên văn tiếng Nga: “Uống đi, uống với một tâm hồn khao khát. Người chắc từ nơi khác đến? (“Пей, пей с душою желадной. Ты, потай, приезжий?” nói theo thổ ngữ địa phương, ngắn gọn và có âm điệu).

[3]Nếu một súc gỗ tròn có đường kính cỡ 30cm, thì ngôi nhà này cao khoảng từ 5 đến 5 mét rưỡi.

[4]Tác giả chơi chữ: “ngọn đèn của Ilich” (лампочкa Ильича) í nói Vladimir Ilich Lenin, “Chúa tể ánh sáng” (Царь Огонь) là Thần Sấm hay Vua Sấm trong cổ tích Nga và Bạch Nga (Belorus).

[5]pud — đơn vị đo lường của Nga thời xưa, tương đương 16,38 kg.

[6]Thời đó có quy định nhà dân không được nuôi ngựa mà phải nuôi tập trung tại nông trang.

[7]Ngày lễ thánh Peter là 29 tháng Sáu, lễ thánh Elias là 20 tháng Bảy, có nghĩa là giữa mùa hè.

[8]“vật ếm” nhưng Matryona nói thành “vật iếm”.

 

 

-----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021