thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Về Vĩnh Châu

 

Gởi BXN, NTH, NKP,TTT, NDS

 

Đầu tháng tám, Toronto, Canada. Tôi nói với bạn tôi:

“Những lần trước đến thăm toa mùa đông lạnh quá. Năm nay mùa hè nhé.”

Hắn gật gật đầu, cười. Chiều hôm nay, hắn đưa tôi tới nơi này. Xe dừng lại dưới một cây phong cổ thụ. Bước ra khỏi xe, tôi không thể không ngửa mặt nhìn lên xem cây phong cao đến đâu. Cao đến đâu là đến đâu, lấy gì mà đo, tôi quả là lẩn thẩn. Cây phong cao ngất, tàn lá sum sê, xanh mướt. Hắn vừa nói vừa dẫn tôi bước nhanh:

“Cao ghê hả? Mỹ có được vậy không?”

“Có được vậy là có được gì?” tôi vờ hỏi.

Hắn không trả lời câu hỏi của tôi, nói tiếp;

“Quên nhắc toa mặc thêm áo, moa thì không cần. Vào ngay trong toà nhà kia tránh gió. Coi chừng lạnh đó.”

Tôi ngạc nhiên:

“Lạnh? Tháng tám giữa mùa hè mà!”

Một cơn gió thổi tới, lạnh thật. Gió luồn vào cổ áo mỏng, chui vào ngực, vào lưng, vào bụng. Hai ống chân cũng lạnh. Tôi vòng hai tay ôm lấy ngực, thun người lại, đi khom khom. Nghĩ đến Nam Cali vào tháng này nắng và nóng chẳng khác gì Sài Gòn mùa hè. Tôi nói, giọng hơi run:

“Ừ, lạnh thật. Kỳ cục, mới chừng 6 giờ chiều mà nắng đã muốn hết. Moa tính trật rồi. Hết hè rồi hả?”

“Chưa.” hắn đáp. “Mùa hè ở đây đôi khi vậy đó. Giữa hè mà như cuối hè.”

Tôi buột miệng:

“Hè muộn.”

“Cậu chữ nghĩa màu mè ghê,” hắn cười.

Hè muộn? Nhưng tôi đâu định dùng chữ đó, tự nhiên nó bật ra. Cũng như nhiều khi tôi cố tìm vài ba tiếng địa phương rặt Huế nhà quê, lâu lâu nói với nhau nghe cho vui, mà tìm không ra. Rồi bỗng dưng trong một lúc thật bất ngờ nó bật ra ở cửa miệng: “nậy”, “rựa”, “mợt.” Đừng có mợt, chưa rựa mô. Để mai mốt nậy rồi tính. Hè muộn? Tôi nhớ ra rồi. Những ký ức rời hiện lên lờ mờ. “Hè Muộn”, tên của một cuốn phim.

Hôm đó tôi ngồi yên sau, hắn lái chiếc Lambretta mượn của Mai Duy Thắng. Chúng tôi đi xem phim Hè Muộn. Hắn lạng nhanh quanh bùng binh trước toà đô sảnh Sài Gòn để ghé rạp Rex, vô ý quẹt mạnh vào bánh trước chiếc Vélo Solex của một cô nàng. Chưa biết chiếc solex ấy có bị hư hỏng gì nặng hay không, có phải tốn tiền sửa xe cho người ta hay không, nhưng biết ngay rằng cô bé xinh quá. Con gái thời ấy hiền khô, không lớn tiếng cự nự, gây gổ. Dừng xe lại, một chân chống xuống đất, vén tà áo sau khép nép bước chân kia xuống, liếc mắt nhìn chúng tôi thật nhanh, rồi cúi mặt lặng lẽ dắt xe vào vỉa hè, đi lẫn vào đám đông. Chúng tôi muốn chạy theo xin lỗi, cám ơn người đẹp không đòi “bồi thường thiệt hại”, cốt để “làm quen”, nhưng cô ta đã đi mất hút.

Tôi nhắc lại chuyện ấy cho bạn tôi nghe. Hắn suy nghĩ một chốc rồi vui vẻ nói:

“Phải, phải. Đúng thế. Phim Hè Muộn. Ừ, nhớ ra rồi. Một phim hay trước 75. Hình như chiếu lần đầu ở rạp Rex, Sài Gòn vào cuối bảy tư, hay đầu bảy lăm gì đó. Rồi nó biến đi đâu mất không thấy ai nhắc nhở nữa.”

“Mấy tháng sau nước còn mất,” tôi tiếp lời, “huống hồ một cuốn phim. Ai thèm nhắc tới nó nữa.”

Nói thế nhưng chính tôi là người nhắc câu chuyện đó. Vừa bước lên bậc thềm của toà nhà to lớn, hắn lẩm bẩm nói với tôi:

“Ô, mấy cô bé rất trẻ và rất lạ, được giới điện ảnh Hồng Kông khen gái Việt Nam đẹp lắm. Thế là phim có chiếu ở Hồng Kông chăng? Chỉ tiếc những ngôi sao mới mọc lên rồi đùng một cái lặn mất tăm. Những khuôn mặt, những con mắt đẹp ảo não, những cặp giò mũm mĩm, thon, dài, những chiếc quần jeans ngắn ngủn lai rách toe toét. Nhưng buồn. Cuốn phim êm êm, buồn buồn, như cái tên của nó. Toa đồng ý không?”

“Moa không nhớ rõ.”

Hắn tiếp:

“Hè muộn? Muộn cũng là buồn, phải không cậu?”

“Hả? Muộn? Sầu muộn, phiền muộn. Đúng thế. Và cũng có nghĩa chậm trễ. Để chắc ăn, ông cứ cho mùa hè ấy vừa buồn vừa chậm, vừa trễ.”

Chúng tôi xưng hô với nhau loạn xạ, bạn, tôi, ông, cậu, toa, moa, mình. Hoặc xưng tên, gọi tên. Bây giờ đã già rồi, không còn mày tao, mi tau như xưa nữa.

Tôi cố nhớ cuốn phim, không nhớ thêm được gì ngoại trừ cái bố cục rất lạ. Và cái lặng lẽ của nó. Nhạc nền nghe cũng xa xa, thoang thoảng, đối thoại ngắn, ít ỏi, cộc lốc. A, tôi cũng có nhớ một pha đá banh trong phim. Giữa hai người mà thôi, một nam, một nữ, sau vườn nhà, cạnh bức tường loang lổ cỏ rêu. Người con trai mắt đăm đăm, quả bóng bay vào người con gái, có khi trúng đùi, trúng mông, có khi trật. Người con gái hơi uốn mình tránh hoặc ưỡn người ra đỡ, con mắt mở to, thảng thốt. Không có tiếng cười, tiếng nói, trong pha đá banh ấy, âm thanh nghe được chỉ là tiếng chạm, tiếng trượt của quả bóng. Sạt, sạt, bịch, bịch.

“Toa nhớ tên các diễn viên trong phim không?” tôi hỏi.

“Không. Chỉ nhớ Kiều Chinh đóng vai đàng chị. Mấy cô kia đóng vai em, vai cháu, vừa bước qua khỏi tuổi con nít mà đã... Hình như vai nam chính là Trần Quang.”

“Mà đã... cái gì?”

“Mà đã... hoang mang.”

Bạn tôi lại cau mày có vẻ muốn sục sạo ký ức thêm nữa. Tôi để ý độ này hắn thường cau mày để lại vài nét hằn trên hai chân mày và trên trán. Đó là thói quen mới của hắn, trước kia đâu có thế. Mới mấy năm trước đây thôi, hắn còn được bạn bè tặng cho cái danh hiệu trẻ mãi không già. Ngũ linh. Hắn thích cái biệt danh đó. Một lần hắn khoe tấm hình hắn chụp với đứa con trai út vừa tốt nghiệp đại học, rồi đố tôi hình ai đó. Tôi đáp ngay:

“Hình hai anh em.”

Hắn nói:

“Đúng nhưng chưa đủ. Phải nói ai anh ai em.”

“Thì cậu là em.”

Một cơn gió mạnh ùa tới, tóc của hắn, tóc của tôi bay loà xoà trước trán. Nghe lạnh hơn. Dăm ba chiếc lá phong chưa vàng rơi xuống, gió tạt vào vỉa hè. Hắn khoác khoác tay như muốn xua đuổi một điều gì, rồi nói một hơi:

Hè Muộn hay La Fille de Ryan trước hay sau đó năm ba tuần xuất hiện như cái điềm mất nước. Ông có nhớ La Fille de Ryan không? Robert Mitchum đóng vai chính.”

“Không nhớ. Nhưng nhớ thằng Thi trông giống như Robert Mitchum. Hắn đi học bên Mỹ về cũng nói tụi Mỹ bảo hắn giống Robert Mitchum. Và chắc chắn nhớ...”

Tôi không muốn nói tiếp nhưng bạn tôi đã đọc được ý tôi. Hắn nói:

“Và chắc chắn nhớ thằng Thi bị giết trong vụ Mậu Thân phải không?”

Thi là người bạn thân của tôi và bạn tôi.

“Không, ở đây không có hè muộn,” hắn trở lại câu chuyện. “Phải có sớm mới có muộn chứ. Nhưng mùa hè nơi này đến rất trễ và đi rất sớm. Nó chỉ lưu lại năm bảy tuần rồi đi. Như chạy trốn.”

“Sao lại chạy trốn?”

“Thì cũng như toa mùa đông cách đây hai năm lên chơi mới được mấy ngày đã bỏ đi. Trốn lạnh phải không? Mùa Hè Canada cũng sợ cái lạnh từ Bắc Cực sắp tràn xuống. Cho nên những buổi chiều còn chút nắng như thế này cũng đã quý lắm rồi. Nhất là lại có...”

Tôi tiếp lời:

“... lại có bạn từ xa đến phải không?”

Tôi biết hắn quý bạn bè. Đi đây đó hắn cũng thích nhưng mục đích chính không phải để “du sơn du thuỷ”, mà để tìm gặp bạn bè tha hồ chuyện trò đấu láo, những chuyện không đâu vào đâu, nhảy lung tung từ đề tài này qua đề tài khác “không người lái”, chuyện cũ, chuyện mới, cũng có khi dăm ba ước vọng cho tương lai, một vài nuối tiếc đã chìm sâu trong quá khứ, và thường là những chuyện vặt vãnh, lằng nhằng. Như “Hè Muộn” chẳng hạn. Có người ưa lập thuyết: “Tôi suy tưởng, ấy là tôi hiện hữu” (Descartes). Chúng tôi thì sống, hiện hữu, khi có chuyện để nói cho nhau nghe. Buồn nhiều hơn vui. Chết hết chuyện. Cũng có khi chúng tôi, không phải chỉ có tôi với hắn mà thôi, nói chuyện với nhau bằng im lặng. Gặp nhau, nhìn nhau, chia tay — ấy là chuyện rồi đó.

 

Vài tia nắng yếu ớt còn sót lại trên lối đi. Dăm ba người đứng bên ngoài hàng hiên của nhà hàng lớn, nhà hàng Ruby Restaurant, nhìn quẩn nhìn quanh. Có lẽ họ đang chờ người thân đến trễ. Chúng tôi đi một đoạn ngắn trên vỉa hè rồi kéo nhau đến đứng dựa lưng vào một cột trụ lớn tiếp tục câu chuyện cũ.

“Ông để tôi xem nào, không chừng có thể tìm được phim Hè Muộn trong thư viện trung ương,” bạn tôi nói. “Mà đứng ngoài này cho thoáng nghe, nói chuyện vui hơn. Vào trong đó ồn lắm... Còn sớm chán... Hình như trời bớt lạnh rồi.”

Hắn vừa nói xong, một cơn gió khá mạnh thổi ào tới. Tôi lạnh run, vội lật cổ áo lên rồi vòng tay ra trước ngực. Hắn cũng áo sơ mi phong phanh như tôi, nhưng đã quen lạnh, tỉnh bơ.

“Thôi, vô. Lạnh lắm hả toa.”

 

*

 

Cũng như tiệc cưới Việt Nam, bữa tiệc hôm nay bắt đầu lúc 8 giờ tối thay vì 6 giờ chiều như đã ghi trong chương trình. Cô MC giới thiệu một ca sĩ hát vài bài trong khi chờ khai mạc bữa tiệc. Người ca sĩ Trung Hoa cất tiếng hát, ban nhạc sống khá hùng hậu gồm một đàn dương cầm, một contrebasse, bốn đàn vĩ cầm, ba cây ghi-ta, một số kèn đồng và một dàn trống, hoà điệu theo giọng ca. Căn phòng rộng lớn có thể chứa một ngàn người, không còn một chỗ trống, đang ồn ào như vỡ chợ, bỗng im bặt. Đó là một bài hát tiếng Anh nghe quen quen, tôi cố nhớ tên bài hát, nhớ không ra. Tôi biết rằng tối nay khi về đến nhà hắn lên giường chờ giấc ngủ, tôi sẽ tẩn mẩn nghĩ đến những gì xẩy ra trong ngày, thế nào cũng nhớ tên bài hát. Tôi có kinh nghiệm như thế.

Cô ca sĩ khá đẹp, mũi cao, mắt xếch, môi son đỏ loét lóng lánh dưới những tia đèn quay, ăn mặc khá hở hang, hai cánh tay trần dài nõn nà, áo mỏng gần như trong suốt, cổ áo xẻ sâu lồ lộ nửa vú, váy chẽn dài ngang đầu gối bó sát cái mông dày dày cồm cộm đưa đẩy, cặp chân thon nhún nhẩy. Giọng hát khàn khàn, rền rền thỉnh thoảng vút lên cao, rất cao, khi cánh tay duỗi thẳng đưa nhanh máy vi âm ra xa mồm, mặt ngửa lên phía trần nhà, mắt nhắm lại, thân hình uốn cong ra sau như vòng cung. Tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng trống phụ hoạ vang dậy. Căn phòng trôi bềnh bồng.

Hát xong hai bài, cô ca sĩ, một tay cầm mi-crô, một tay che ngực làm ra vẻ thẹn thùng, cúi mình thật thấp chào khán thính giả, miệng lẩm bẩm những gì không rõ. Tiếng hoan hô, tán thưởng lại nổ lên ào ào. Cô nàng chào thêm một lần nữa rồi quay ngoắt mình, mái tóc rất mượt xoay theo nửa vòng, đi nhanh vào hậu trường, dáng đi đủng đa đủng đỉnh, bước đi vội vội vàng vàng, mông đu đu đưa đưa, vai và đầu lúc la lúc lắc, nhún lên nhún xuống, cái dáng đi của những thí sinh trong một cuộc thi hoa hậu. Bỗng có một khán thính giả tay đập lên bàn ăn, chân đạp xuống sàn nhà, miệng hét to, “Hát nhép, hát nhép”. Tôi ngạc nhiên. Thế ra ngoài bàn của chúng tôi, cũng có những người Việt Nam khác đến dự bữa tiệc này. Một người ngồi bàn sau chồm lên nói tiếng Việt giọng Tàu:

“Hà hà, hát dép là cái gì? Là cái gì gì vậy?”

“Là hát xạo, hát dỏm,” một bạn trong bàn tôi trả lời.

“Nói tầm bậy tầm bạ. Không xạo đâu. Cái cô đó hát hay lắm chớ.”

“Hay mà dỏm.”

“Là cái gì?”

“Hát hay là cái máy nó hát hay, không phải người hát. Cái cô đó chỉ nhép nhép cái miệng làm bộ hát theo thôi.”

“Vậy hả, vậy hả? Không nói giỡn đó chớ.”

Trước khi thức ăn được mang đến từng bàn là phần giới thiệu chương trình buổi lễ. Tiếp theo, giới thiệu Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Vĩnh Châu. Tiếng Anh được sử dụng và được dịch ngay ra tiếng Tàu, cuối cùng là vài câu tóm lược bằng tiếng Việt của một cô MC giọng lơ lớ.

Lần đầu tiên tôi nghe nói đến hội đoàn này. Thì ra Vĩnh Châu là một quận thuộc tỉnh Bạc Liêu nơi đó người Việt gốc Hoa sinh sống, làm ăn rất phát đạt, trước năm 1975. Cũng như người tỵ nạn Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 75, nhóm người Việt gốc Hoa này đi lưu vong thành nhiều đợt đến nhiều nơi trên thế giới, và lập những Hội Đồng Hương Vĩnh Châu tại Mỹ, Canada, châu Úc, châu Âu v.v... Một số người, như thuyền nhân Việt Nam, chết trên biển. Mỗi năm họ thay phiên nhau tổ chức Đại Hội, có đại diện từ mọi nơi đến tham dự.

Họ tổ chức rất long trọng, chu đáo. Trước hết, các món ăn thật nhiều và thật ngon. Nước ngọt, bia, rượu chát, rượu mạnh đều có tại mỗi bàn. Giúp vui là những màn rất hấp dẫn như biểu diễn các vũ điệu tango, valse, rumba, mambo, cha-cha-cha, be-bop bởi vũ công chuyên nghiệp người Canada tóc vàng mắt xanh thân hình uyển chuyển bước chân lả lướt. Một nhóm vũ công nhi đồng cũng có dịp trổ tài, nhảy nhót khá nhịp nhàng, linh động, trông thật vui mắt. Xen kẽ vào là những màn múa lân, xổ số, xiếc. Nhưng ca nhạc vẫn là những mục chính, ca bằng tiếng Anh, tiếng Quảng, tiếng Tiều, tiếng Việt. Đặc biệt là có sự hiện diện của Như Quỳnh, Trường Vũ, Chế Linh v.v... Trường Vũ hát tiếng Tàu, Như Quỳnh, Chế Linh không biết tiếng Tàu thì hát tiếng Việt. Cứ xong mỗi bản nhạc, thực khách lấy cớ tán thưởng các ca sĩ đứng lên reo hò, đập bàn, vỗ tay, huýt sáo muốn nổ cả hội trường.

Càng về khuya, rượu càng vào, lời càng ra, không khí buổi dạ tiệc càng sôi sục. Ngồi hàng đầu gần ban nhạc, vài người trong chúng tôi không chịu nổi tiếng kèn, tiếng trống, phải đi tìm chỗ đứng ở cuối hội trường.

Bỗng ông Hội Trưởng Hội Đồng Hương Vĩnh Châu lên sân khấu giành lấy mi-crô trong tay của MC. Cả hội trường lại được dịp hò hét. Cũng như hầu hết thực khách vào lúc ấy, ông Hội Trưởng đã khá “phê” rồi. Đứng trước mi-crô trên sân khấu, mồ hôi vã ra đầy trán, đầy mặt, ông rút chiếc khăn tay ra lau, và ngập ngừng phát biểu:

“Kính thưa quý dzị, tui... tui... xin nói... vài lời.”

Mọi người la ồ lên, có lẽ vì ngạc nhiên khi nghe ông nói không phải bằng tiếng Anh hay tiếng Tàu như lúc được giới thiệu vào đầu buổi dạ tiệc, mà lại bằng tiếng Việt. Chờ cho bớt ồn, ông tiếp:

“Kính thưa quý... dzị, tui xin hát... hát một bài Dziệc Nam.”

Tiếng náo động trong hội trường lắng xuống ngay. Mọi người chú ý. Tiếng hát cất lên lè nhè khó nghe, có khi vì líu lưỡi, lạc giọng nhưng rất đúng nhịp. Dàn nhạc không trỗi lên phụ hoạ rùm beng, chỉ có một cây ghi-ta và tay trống đệm theo nhè nhẹ. Hội trường bỗng lặng thinh. Cả bàn chúng tôi cũng ngạc nhiên và lắng nghe. Tôi nhận ra mấy câu trong bài Nỗi Buồn Hoa Phượng:

Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
Giờ như nước trôi qua cầu...

Như có một luồng gió lạ thổi qua, tất cả thực khách đều thảng thốt, bàng hoàng, và ngồi im như tượng. Tình trạng đó chỉ kéo dài trong mấy phút. Tiếp đến, sau khi ông Hội Trưởng hát xong, những tiếng nhao nhao của nhiều người đòi lên sân khấu hát bỗng rộ lên. Nào là uỷ viên ngoại vụ, uỷ viên tài chánh, nào là đại diện vùng Houston, vùng Vịnh, nào là nhân sĩ thuộc tỉnh bang Ontario, hoặc Montreal, v.v... hoặc những người không có chức vụ gì cả. Họ đều xin hát những ca khúc Việt Nam. Một cô MC khác phải lấy giấy ra ghi danh thứ tự kẻ lên trước, người lên sau. Hỏi ra mới biết cô MC này là ngươì Việt từng làm xướng ngôn viên cho một đài truyền hình địa phương.

Bắt đầu từ giây phút đó, cái sân khấu lẽ ra còn có nhiều mục khác theo như chương trình đã định, tức là một chương trình ca vũ nhạc quốc tế giật gân, kích động, nay biến thành nơi trình diễn chỉ một loại nhạc Việt Nam theo thể điệu boléro, rumba, nhất là rumba, loại nhạc mà có người gọi là nhạc sến, có người gọi là nhạc miệt vườn. Gọi như thế có đúng hay không? Tôi không thể nhớ tất cả các bài được hát hôm Đại Hội này, nhiều quá.

Người này hát:

Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều có người em gái qua bên thềm
...
Những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo được sống trong mặn mà...

Kẻ khác hát:

Ở phương này vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước
Ước ngày nào quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên được thắm màu
Và phương đó em ơi có gì vui xin biên thư về cho anh...

Lại có người hát một bài tôi nghe quen quá:

Một ngày nào trên bến cô liêu
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều
Đò của người thôn nữ
Chờ đưa người viễn xứ
Đưa anh trai phong sương
Đi lính Cộng Hoà...

Một ông già tóc bạc phơ lại hát những câu rất tình tứ:

Ai cho tôi tình yêu
Của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người vào tim tôi...

Được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt, ông hát tiếp:

Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
...
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến bắc Cần Thơ...

Một người đứng tuổi trong bộ đồ lớn, tóc chải ngược ra đằng sau, cà-vạt điệu nghệ màu tím hoa cà, giày đen bóng loáng, một tay nắm mi-crô, tay kia cầm điếu thuốc lá đang cháy, hát mùi mẫn:

Quê hương ơi Việt Nam nước tôi
Tôi mong ngày về từng phút người ơi
Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi
Cho tôi tiếng khóc khi ra đời...
...
Ngàn năm, ngàn năm thương nhớ Việt Nam...

Chữ Việt Nam được phát âm đúng.

Những người Việt gốc Hoa ấy, bây giờ có lẽ đã nhập tịch thành người Canada, người Mỹ, người Pháp, người Úc, vân vân, phát âm tiếng Việt chưa được chuẩn cho lắm, lại thêm hơi rượu bốc lên, nhưng hát một cách say sưa, nhiều lúc nghe nghẹn ngào, áo não. Khi say, con người thật thường bộc lộ ra. Họ cảm xúc, tiếp thu khi tỉnh táo và thường giấu giếm tình cảm của mình để khi say mới bày tỏ thẳng thừng. Thỉnh thoảng một người từ bàn khán thính giả khoái chí quá bưng ngay ly rượu đang uống dở lên sân khấu ép người đang hát uống. Người hát cũng đang say nhưng đâu có ngán, cầm lấy ly dốc ngược “dzô” ngay một ngụm dài, rồi thả ly cho nó rớt xuống sàn sân khấu vỡ tan, rượu văng tung toé. Hát tiếp.

Tôi tự hỏi tại sao họ có thể hát trơn tru, nhuần nhuyễn và đầy xúc cảm như thế, không ai cần phải có bài hát trong tay. Câu trả lời đơn giản thôi. Họ đã hát những bài hát ấy rất nhiều lần đến thuộc lòng, và cũng rất nhiều, họ đã yêu quý miền đất nước ấy khiến tiếng hát đầy rung động. Họ hát trên rạch, trên sông, dưới hàng dừa, hàng cau, trong vườn cam, vườn chuối, ngoài những cánh đồng mênh mông miền Sông Tiền, Sông Hậu. Họ hát trong những đám cưới của chính họ hay của bạn bè, hay của con cái, hay trong những cuộc họp mặt, liên hoan, lễ hội. Quả thật những đồng hương Vĩnh Châu đã từng nói cho nhau nghe bằng lời ca tiếng hát, chia sẻ với nhau những tình ý đậm đà, chất phát, đôn hậu.

Còn chúng tôi thì sao? Chỉ chuyện trò thôi chăng? Cũng có khi ca hát nữa chứ. Nhưng dường như có phần mệt mỏi hoặc cay đắng.

Những bài hát tiếng Anh, tiếng Tây-ban-nha không còn chỗ đứng nữa. Trường Vũ, Chế Linh thỉnh thoảng chen vào, cũng đã xoay qua hát những bài hát miệt vườn theo điệu rumba, boléro. Ngay cả Như Quỳnh thoạt tiên rất duyên dáng trong các bản tango, slow, valse, cuối cùng cũng nhập cuộc hát với đám người “say sưa” kia. Riêng Trường Vũ uống rượu như hũ chìm. Anh hát nhiều bài, cứ xong một bài lại nốc hết một ly rượu do thực khách từ chỗ ngồi mang lên. Anh uống đến chân đứng run run, tay cầm mi-crô không vững, càng uống mặt càng tái, giọng càng khàn. Tôi nghĩ rằng trong bầu không khí đê mê ấy, những ca khúc loại khác như Suối Mơ của Văn Cao, Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn, Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy chẳng hạn, nếu được ai đó trình diễn dù là một danh ca, cũng sẽ lạc lõng, chối tai, chả ai thèm chú ý.

Các bạn tôi và tôi ngồi yên, lặng nghe, sững sờ. Mãi 12 giờ khuya buổi tiệc mới chấm dứt trong sự tiếc rẻ của mọi người.

 

*

 

Trên đường về, bạn tôi không nói một lời, làm như đang chăm chú lái xe. Tôi cũng không muốn gợi chuyện, ngồi im. Mỗi đứa trong hai chúng tôi đều bận tâm với ý nghĩ riêng của mình, hay đúng hơn, đều nghĩ ngợi về bữa tiệc vừa rồi. Thỉnh thoảng tôi quay ra nhìn thành phố đêm. Kỳ cục thật, sau bữa tiệc ấy, tôi có cảm nghĩ rằng những con đường này của Toronto tôi đã đi nhiều lần nay bỗng trở nên xa lạ, lạnh lẽo, ù lì, cứng nhắt và vô cảm. Vâng vô cảm. Đúng vậy không, hay là vì trong đêm khuya, với tôi, thành phố nào cũng thế, dù đèn đêm sáng rực, dù ngay giữa mùa hè, cũng đều lạnh và cứng. Con vật của muôn ngàn đời ngủ quên trong tôi lúc chiều xuống đôi khi tỉnh dậy đâm hoang mang và buồn muốn quay về hang ổ riêng hay tổ ấm của nó. Chiều xuống mà đã thế huống là đêm khuya. Những thành phố khuya vô cảm!

Chữ vô cảm nay được sử dụng rất nhiều. Là vì con người bây giờ càng ngày càng ù lì như sỏi đá. Mấy tháng trước đây báo chí ở nhiều nơi trên thế giới loan tin và cực lực lên án một sự việc rất quái đản xẩy ra tại một thành phố ở Trung Quốc. Một em bé gái bị một xe tải cán lên người đến hai lần, bị thương nặng, sau đó chết. Nhiều người đi đường đã chứng kiến cảnh tượng ấy, ngoảnh mặt, tiếp tục đi. Vô cảm đến thế là cùng. Tại Việt Nam, một em bé trai ngồi trên xe đò chật cứng, ngạt thở, chết. Tài xế mang em bỏ xuống đường rồi lái xe chạy tiếp. Vô cảm không kém.

Thế thì những gì xẩy ra tại một nhà hàng sang trọng ở Toronto, Canada của những đồng hương Vĩnh Châu đã khiến tôi băn khoăn suy nghĩ. Họ không vô cảm một chút nào. Tại sao thế? Phải chăng vì họ đã đến nhiều nơi trên thế giới từ một miền đất nơi đó, lúc đó, tình người hãy còn đầy ăm ắp.

Khi xe về đến cổng nhà, đã gần một giờ sáng, bạn tôi quay qua nói với tôi:

“Sau này nếu khi nào về được, bọn mình sẽ đến thăm Vĩnh Châu cho biết. Nghe ông.”

Ngừng một chốc hắn nói tiếp:

“Về được, chứ không phải được về. Nhưng không biết Vĩnh Châu bây giờ đã ra sao rồi?”

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021