thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà kho

 

Bản dịch của Nguyễn Thị Hải Hà
Tiền Vệ hiệu đính

 

 
Alice Pung, người Cam Bốt gốc Hoa, là luật sư kiêm nhà văn Úc-đại-lợi. Tác phẩm đầu tay của bà, Unpolished Gem (Ngọc Chưa Đánh Bóng), được trao giải “2007 Newcomer of the Year”, một trong những giải thưởng hàng năm của Australian Book Industry Awards. Cuốn sách này đã được đem vào chương trình học cấp hai và cấp ba ở Úc. Alice thường xuyên viết cho các báo Monthly, Good WeekendThe Age. Các truyện ngắn của bà đã được đăng trong tuyển tập The Best Australian Stories và tạp chí văn học Meanjin. Bà cũng là người chủ biên của tuyển tập Growing Up Asian in Australia (2008). Cuốn hồi ký mới nhất của Alice Pung, Her Father’s Daughter (Con Gái của Bố), được xuất bản năm 2011.
 
“Nhà kho” (“The Shed”) là một truyện phi hư cấu, dựa trên những kinh nghiệm cá nhân mà Alice Pung đã trải qua.
 

___________

 

NHÀ KHO

 

Cửa nhà kho luôn luôn khoá kín.

Từ khi tôi chưa đầy bốn tuổi, tôi được dặn dò không bao giờ nói với ai về cái nhà kho bằng kim loại này. Nó kêu vo vo gầm gừ như một vật sống. Nó rung chuyển như một cái máy khổng lồ với tiếng tim đập của cơn nhức đầu kinh niên. “Nếu con nói với bất cứ người nào, mình có thể bị chính quyền gây khó dễ,” Bố mẹ luôn luôn nhắc nhở. “Chính quyền không biết mình làm chuyện này.”

“Chính quyền là gì?” Tôi hỏi.

“Là những người tốt với gia đình mình,” bố tôi giải thích, “nhưng cũng lấy tiền của chúng ta.”

“Thế có phải là ăn cắp không?” Tôi tưởng tượng đến những tên cướp khoác áo choàng ban đêm rình rập nhà tôi, với cây xà beng sẵn sàng cạy cửa nhà kho.

Nhưng nhà kho này không có chứa tiền, chỉ có rất nhiều vàng ròng;[1] do đó tôi nghĩ là chính quyền muốn lấy vàng của gia đình tôi, loại vàng mà mẹ tôi nấu chảy ra và cho vào khuôn đúc ở trong cái nhà kho ấy. Bụi đỏ chập chờn bay ra mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi ngang, từ những khe hở dưới cánh cửa. Trong mùa hè xứ Úc, nhà kho bị nung nóng như cái que cời than, và bởi vì nhà kho không có cái cửa sổ nào có thể mở ra được, Mẹ bị ngột ngạt khó thở mỗi khi vào trong ấy.

Mẹ ở trong ấy suốt ngày và tôi không được phép nói với ai, đừng nói đến việc cho xem đồ đạc bên trong nhà kho: mấy cái khuôn đúc bằng sáp, khuôn đúc bằng thạch cao, cát đánh bóng màu xám, và những đụn bụi vàng nho nhỏ trên mấy cái khay kim loại — phần sót lại sau khi những chiếc nhẫn được mài giũa đánh bóng. Khi tôi lên bốn tuổi, tôi từng chọc ngón tay vào các đụn vàng ấy và giát chúng phẳng ra thành hình dáng những con sông dị dạng trên các khay. “Ây da!” Mẹ kêu lên khi nhìn thấy tôi. Tôi không được phép di chuyển hay rút tay ra khỏi cái khay vì như thế chúng tôi sẽ mất đi số bụi vàng rơi trên mặt đất. Bố lấy cái hộp kem đổ đầy nước và nhúng ngón tay tôi vào đấy để mạt vàng tự tách ra rơi vào nước và từ từ lắng xuống đáy hộp kem, rồi chúng được vớt lên, nung chảy ra và dùng lại.

Mẹ làm nữ trang trong căn nhà kho ấy ở sân sau. Nữ trang được làm theo đơn đặt hàng, một số cửa tiệm trong thành phố đã gọi như thế. Hoàn toàn làm bằng tay. Do thợ thủ công lành nghề đảm trách, họ tuyên bố như thế trên các tấm thẻ nhỏ đặt trên mặt bàn sáng loáng trong cửa hiệu, và bởi vì mỗi món hàng có đeo tấm thẻ nhỏ ấy được bán ra với giá gấp trăm lần giá lao động của mẹ tôi. Để làm cái chuỗi đeo tay, mẹ tôi phải kéo sợi chỉ vàng thành nhuyễn như sợi tóc. Một đầu của sợi vàng được kẹp lại, nhưng đôi khi nó tuột ra và quất vào mặt của mẹ tôi, cắt thành một lằn chỉ máu. Mẹ tôi sẽ lấy sợi dây vàng, ngồi xuống ở bàn làm việc, đó là một cái bàn làm bằng gỗ bấc do một người bạn của gia đình nghĩ ra cách thiết kế. Dụng cụ của mẹ tôi là đồ cũ đã qua hai hay ba đời chủ, nhưng Mẹ dùng lưỡi dao mới, loại dao giải phẫu để cắt những sợi vàng thành ra những đoạn ngắn không quá năm li. Sau đó bà dùng cây nhíp để nối những đoạn ngắn này với nhau, như trẻ con nối những sợi dây giấy màu Giáng Sinh lại với nhau bằng kéo và băng keo. Bà nhúng những đoạn vàng này vào potassium cyanide và đánh bóng chúng bằng một miếng cẩm thạch đính trên cái cán gỗ.

“Một đô-la cho mỗi chiếc nhẫn,” Mẹ hứa với chúng tôi khi chúng tôi còn bé, “nếu các con giúp mẹ đánh bóng mấy chiếc nhẫn.” Nhưng bà không bao giờ trả tiền cho chúng tôi — bà chỉ đếm số nhẫn chúng tôi đã đánh bóng. “Năm đô-la,” bà bảo với chúng tôi, tổng kết sự cố gắng đánh bóng nửa vời lơ đễnh của chúng tôi, sự cố gắng mà bà luôn luôn phải sửa chữa lại, “năm đô-la sẽ mua được cái dù cho các con.” Rồi bà mang về nhà cái dù có in hình con chó Snoopy của nhà hí hoạ Charles Schulz, loại hàng giả mạo của Trung quốc; nhưng tôi không muốn nhận sự bảo bọc đầy thực tế của Mẹ từ những cử chỉ ấy. Cái tôi bảy tuổi cảm thấy bị xúc phạm bởi cây dù đó. Tôi muốn được cầm năm đô-la trong tay, chán thật, tôi muốn được trả công như một công nhân Á châu đúng nghĩa, làm việc trong cái nhà kho ở sân sau, để tôi có thể dùng đồng tiền trái phép này mua một con búp bê Babie, cái loại Barbie của dân nhà nghèo. Babie giống Barbie, nhưng cả mái tóc của nàng chĩa lên sau gáy nên nàng có cái đầu cũn cỡn, trông như nàng đang chuẩn bị xin gia nhập một băng đảng da trắng kỳ thị cực đoan, và khi nàng ngồi xuống, chân của nàng dang rộng giống như những ngón trên bàn tay tôi xoè rộng để ra dấu cho mẹ tôi biết bà đã thiếu nợ tôi bao nhiêu tiền, trong một cố gắng thảm hại đòi được trả lương bằng tiền thay vì bằng cây dù.

Mẹ dùng cây dù ấy khi bà phải giao hàng lúc trời mưa. Mẹ tôi không giao hàng cho các cửa hiệu bên trong thành phố bởi vì khách hàng ở phố thượng trên đường Collins là một thế giới hoàn toàn xa lạ. Đó là góc phố Paris của Melbourne, người ta gọi tên nó như thế, nơi ấy phụ nữ rong lượn trên phố có khuôn mặt của các người mẫu quảng cáo cho Chanel. Cái loại mỹ miều có thể chảy xuống cổ của họ nếu bị mắc mưa. Thậm chí tôi không nghĩ là mẹ tôi đã đặt chân đến nơi ấy hơn một lần trong đời. Bà quen thuộc với những khu chợ ở Phnom Penh hay Sài Gòn hơn. Mang cây dù Snoopy và cái xách tay giả hiệu Gucci (em trai tôi đã mua cho mẹ ở Trung quốc) vào trong tiệm kim hoàn trên đường Collins có nghĩa là những phu nhân quí phái với mái tóc uốn ép cẩn thận sẽ nói lén sau lưng mẹ tôi dài dài sau khi mẹ tôi đã rời nơi ấy. Mặc dù nữ trang của mẹ tôi hoàn toàn làm bằng tay, mẹ tôi mang chúng đi khắp nơi gói trong những tấm khăn giấy của tiệm McDonald, nhét vào cái xách tay giá mười lăm đô-la của bà, và bà không bao giờ trang điểm.

Bà giao thành quả lao động cực nhọc và bóng nhoáng của bà đến những tiệm kim hoàn nằm trong các thương xá nhỏ ở ngoại ô, đông đảo những người Đông Nam Á như Việt Nam, Cam Bốt, và Trung Hoa. Bà đặt cái xách tay của bà lên mặt khung kính hẹp, phía dưới nó, trên những miếng nhung màu đỏ tươi trưng bày các loại nữ trang bằng vàng ròng, là những mặt dây chuyền hình dấu hiệu xe Mercedes-Benz, những chiếc nhẫn có chạm hình rồng hay Phật bên trên, các xâu chuỗi loá mắt với sợi dây chuyền to bằng ngón tay út của tôi.

Tôi và thằng em ngồi trên ghế dành riêng cho những khách hàng cần điều chỉnh tại chỗ các món nữ trang họ mua — những chiếc nhẫn rộng quá hay những chuỗi đeo tay ngắn quá. “Chừng nào Mẹ xong?” chúng tôi nhăn nhó. “Chừng nào xong vậy, Mẹ?” Chúng tôi đi đến chỗ đặt các cái khay chứa vàng phía sau những tủ trưng bày, và hà hơi lên trên mặt kính.

Mẹ đang cố mặc cả, vì thế lần này bà đưa cho tôi bốn đô-la và bảo tôi đến tiệm bánh của người Việt Nam, cách đấy hai cửa tiệm, để mua bánh mì thịt. Chúng tôi mang thức ăn trở lại và ngồi xuống chỗ cũ. Chúng tôi lột giấy gói màu trắng và cắn vào ổ bánh mì. “Ây da!” Mẹ mắng chúng tôi, “đừng có ăn trong tiệm của người ta chứ!” Tiệm rất nhỏ và tất cả các lỗ tai đều chú ý. “Tụi bây thật là sự xấu hổ cho xã hội!” Chúng tôi cất mấy ổ bánh mì, câm họng, và học cách chờ đợi. Chúng tôi chờ trong khi chủ tiệm cẩn thận săm soi từng chiếc nhẫn.

“Cái này là đồ tốt đây,” Mẹ nói với người chủ tiệm một cách thành thật, “Kim Heng ở tiệm đằng kia đã đặt mua mười bảy cái, loại này.” Tôi nhìn mấy cái mề-đai nhỏ với khuôn mặt Jesus to tướng chạm khắc nổi trên vàng ròng và tự hỏi tại sao tôi không hề thấy ai đeo những thứ này. Vài chiếc nhẫn còn có cả những hạt ngọc bích màu xanh lục nhỏ nhắn hay những hạt đá topaz nhân tạo màu xanh lơ đính vào trong mắt nhẫn.

Chủ tiệm, một người đàn ông Việt Nam, săm soi các món nữ trang trên tay ông ta. Những ngón tay ông sần sùi như củ nhân sâm, vì ông cũng đã từng làm nữ trang trong căn phòng ngột ngạt gần cuối căn tiệm nhỏ bé chật chội. “Bao nhiêu?” ông ta hỏi Mẹ.

“Bốn rưỡi,” bà trả lời. Bốn rưỡi cho bốn giờ rưỡi lao động của bà.

“Bốn rưỡi, phải không chị?” Ông ta lặp lại.

Mẹ tôi xác nhận. “Anh biết đó là giá lần trước tôi đến đây mà.”

“Bốn đồng rưỡi thì đắt quá,” người đàn ông trả lời.

“Anh nói đắt là thế nào?”

“Cái anh người Cam Bốt mới đến đòi giá ít hơn.”

“Cái anh người Cam Bốt nào mới đến?”

“Cái người lúc trước là thợ bạc ở Cam Bốt. Anh ta mang theo được một số dụng cụ. Anh ta chỉ mới làm có sáu năm thôi, nhưng chu choa! anh ta làm chi tiết khéo lắm! Chắc là nhờ anh ta trẻ tuổi.”

Mẹ đẩy đôi mắt kính. Mẹ không quen đeo kính mãi cho đến khi mắt mẹ bị suy thoái vì cứ phải nhìn thật gần những món đồ để gắn những cái móc chấu nhỏ tí và đánh bóng những cái mề-đai hình Chúa một cách cẩn thận. Mẹ không biết phải ứng đối thế nào. “Thôi mà, tôi đã giao dịch với anh lâu rồi.” Mẹ tôi cố thuyết phục.

Không thành công, bởi vì người thợ mới có dụng cụ tốt hơn và những ngón tay nhạy bén hơn.

“Anh thợ mới chỉ đòi có bốn đô-la thôi.”

“Giá ấy rẻ mạt quá!”

Ông chủ tiệm chẳng nói lời nào, bởi vì không cần thiết. Ông ta biết rằng những di dân mới đến đang cuống quít tìm việc làm và họ sẽ làm bất cứ việc gì bằng bất cứ giá nào. Họ sẽ rất biết ơn. Còn Mẹ, làm việc đã hơn thập niên, chẳng thừa lòng biết ơn hay cái tham vọng say mê của tuổi trẻ. Bà chỉ muốn có tiền để chúng tôi không phải mũi dãi lem luốc lang thang trên đường phố giống như bà khi bà mười hai tuổi lúc họ đóng cửa cái trường Tàu — nơi bà đi học[2] — ở Cam Bốt. Bà muốn bảo đảm là chúng tôi được đi học và chúng tôi không phải vào làm thợ trong xưởng máy khi chúng tôi mười ba tuổi giống như bà.

“Ô kê. Bốn đô-la cũng được, anh.”

Lúc ấy, thằng em tôi và tôi đã chán nhìn mặt dây chuyền có hình Jesus và ngay cả những chiếc nhẫn được khảm những viên ngọc đỏ to bằng những khối u ung thư da mới phát. Chúng tôi muốn được lại cắn vào ổ bánh mì. Chúng tôi muốn rời cái ghế dính mồ hôi rin rít và những thứ trang trí có màu đỏ với màu hoàng kim trong tiệm.

Nhưng chúng tôi lại phải đứng nhìn khi ông chủ tiệm cân bao nhiêu phân vàng trên cái cân, để trả tiền công, bởi vì ông ta không có sẵn tiền mặt ngày hôm ấy. Mẹ đến quá sớm và người ta chưa bán được hàng. Mẹ trông chừng để bảo đảm cán cân hoàn toàn cân bằng, để chắc chắn người ta chẳng lường gạt. Mẹ viết xuống vài con số giá tiền người ta còn thiếu bà trong cuốn sổ tay nhỏ bà mang trong xách tay. Rồi bà gói ghém hàng hoá của bà trong mảnh khăn giấy của McDonald đã sờn, rồi gói thêm một lần khăn tay.

“Thôi đi, hai đứa.”

Và bà dẫn chúng tôi qua cửa hiệu bên cạnh, cũng ngần ấy chuyện xảy ra với những chi tiết lặp lại. Nhưng chúng tôi đã học được chữ chờ.

Năm tôi lên tám, tôi ghét cái tuổi thứ tám của tôi. Tôi luôn luôn có mùi khai ngấy như nước tiểu — trước khi em gái tôi ra đời, vũng nước màu huỳnh quang của mẹ tôi đọng trên nền gạch vì bà không kiểm soát được bàng quang khi em bé trong bụng đạp vào xương chậu của bà, và khi em gái tôi được sinh ra, dòng nước vàng nhạt của em đã thấm ướt những tấm khăn trải giường. Người ta đã chẳng gọi chúng tôi, những người Đông Nam Á, là “da vàng” nếu không có lý do, tôi nghĩ thế. Tôi thắp hương trước bàn thờ Phật — không phải vì lòng tín ngưỡng riêng của một đứa trẻ, mà chỉ vì muốn đánh tan cái mùi khai ngấy bám vào thảm.

Tôi ghét bị giam hãm trong bốn bức tường của căn nhà. Nếu tôi ra đời ở Cam Bốt, tôi cũng sẽ như tất cả các bạn đồng lứa với tôi phải địu những đứa em nhỏ của chúng trên lưng và chúng tôi phải chơi với nhau trên đường phố. Nhưng lớn lên ở vùng ngoại ô tồi tàn này, trong căn nhà ở phía sau xưởng làm thảm Invicta, khi đến chơi, các bạn tôi mang theo những con búp bê bằng vải, còn tôi thì bế em tôi. “Chúng mình ra ngoài sân chơi xong rồi đi bộ đến trường, sau đó sẽ đánh đu dưới những thanh ngang treo trên xà nhé!” chúng nó bảo với tôi như thế rồi ném những con búp bê lên nền nhà.

Tôi không thể làm thế với Alison. Những em bé, người thật, biết kêu khóc ỏm tỏi, có nhiều thứ tuôn ra từ tã lót và thứ khác ọc ra từ mồm. Một em bé trông chỉ đáng yêu độ chừng nửa giờ đồng hồ. Nhưng đối với một đứa bé tám tuổi, đó là mức tối đa — sau một giờ đồng hồ nó trở nên nhàm chán, và sau nguyên một ngày, các bạn tôi về nhà cằn nhằn, thật kỳ cục là tôi có đứa bé này, mà tôi không trả nó cho mẹ tôi để mẹ tôi trông chừng. Dần dần, sau vài tuần, các bạn tôi biến mất, và tôi biết tôi chỉ có thể gặp chúng ở trường. Đôi khi bố mẹ của các bạn tôi thấy tôi cố gắng giữ đứa bé thăng bằng bên hông và, có một lần, bố của Bianca đã kêu lên, “Trời đất, lại thêm một đứa nữa à?” như thể ở cái tuổi mười hai tôi là người chịu trách nhiệm cho đứa bé mới ra đời.

Mẹ, cũng như tôi, đáng lẽ ở nhà trông nom trẻ con: đó là giấc mơ thời niên thiếu của bà. Mẹ tôi sinh ra ở Cam Bốt, suýt nữa là không thoát khỏi những đợt bom cản cuối cùng ở đất nước này năm 1970, khi màn bom rơi xuống vùng biên giới, để ngăn ngừa sự xâm nhập của Bắc Việt, tức là Việt cộng. Tụi Charlies, Mỹ gọi họ như thế, và Mỹ muốn bỏ bom tiêu diệt họ. Người Mỹ lo lắng về những anh Charlies trốn trong rừng ở biên giới Việt-Miên đến độ họ chẳng quan tâm bao nhiêu dân làng Cam Bốt sẽ bị họ giết chết trên bước đường theo đuổi chế độ dân chủ.

Bố tôi sống sót sau cuộc diệt chủng[3] ở Cam Bốt, ông trở về chỉ còn da bọc xương, gầy đến độ ông gần như biến mất nếu ông xoay nghiêng người. Bố tôi và bà nội tôi dẫn những người trong gia đình còn sống sót — em gái của Bố, và mẹ của tôi — đi bộ vượt qua ba quốc gia, ngủ trên mặt đất trong rừng khi màn đêm rơi xuống. Bố tôi gọi cuộc du hành dài ba tháng của ông là tuần trăng mật ba lô, và khi họ đến trại tị nạn Thái, họ phải chờ đợi mòn người đến cả năm. Bố tôi thích nói với mọi người là tôi được sản xuất ở Thái Lan nhưng lắp ráp ở Úc, bởi vì tôi được thụ thai trên một tấm đệm nhỏ trong trại tị nạn ấy.

Khi Mẹ mới đến đây, bà mang thai tôi được tám tháng lúc bà ở tuổi hai mươi hai, không biết một chữ tiếng Anh, bà bắt đầu làm những cái khuôn đúc nữ trang, công việc không đòi hỏi vận động sức lực nhiều và làm trong im lặng, thích hợp cho một cô con dâu mới may mắn được đặt vào trong chế độ dân chủ. Bà thiết kế những chiếc nhẫn bằng cách, trước nhất trồng những cây sơn nhỏ — đôi khi có màu hồng của kem nước đá, đôi khi màu xanh lá cây mờ đục, mọc từ những nhánh cây sơn mà bà trồng trên những chậu cao su. Những cây sơn này là chất liệu căn bản để làm những cái khuôn đúc bằng thạch cao, sau đó được đổ đầy bằng vàng nung chảy. Sau khi sinh em trai tôi, mẹ tôi bắt đầu làm vàng. Cái mà những người khác xem là công việc ô uế và thu nhập ít ỏi, Mẹ kiên nhẫn theo đuổi bằng cách trồng những cây nhân tạo và cưa những cành vàng thật.

Khi tôi được mười bốn tuổi, tôi biết tại sao tôi không được phép kể cho ai biết việc làm của mẹ tôi, và tại sao Bố đã có lần bảo tôi chuyện ấy hơi giống như ăn cắp. “Mình không đóng thuế thu nhập,” mẹ tôi nói, “chính quyền sẽ phạt mình.” Chính quyền bắt Mẹ đóng thuế thu nhập với giá lương hai đô-la rưỡi một giờ? Nghe chẳng hợp lý chút nào, ngay cả với tôi. Nhưng với những người di dân mù chữ như Mẹ, người được trả bằng tiền mặt và không khi nào chất vấn điều gì, điều này hoàn toàn hợp lý.

Ngay cả khi con dao giải phẫu đâm xuyên vào lòng bàn tay Mẹ sâu đến độ phải tháo con ốc trên cán dao để lấy lưỡi dao ra, chúng tôi cũng không được phép nói với ai. Tôi nhớ là Mẹ đã đi vào trong nhà, tay này ôm lấy tay kia như một con chim chết. “Con dao đâm xuyên qua,” mẹ nói hổn hển với Bố. Viền mi mắt của mẹ thậm chí chẳng ướt đỏ với phản xạ chảy nước mắt.

 

Mẹ rất can đảm, nhưng chỉ đến khi trưởng thành tôi mới nhận ra. Khi còn trẻ, tôi chẳng quan tâm. Mẹ chẳng bao giờ vào trong nhà và tôi phải trông chừng mấy đứa em khóc gào, trong khi tôi chỉ muốn chơi đùa với đám bạn chín tuổi của tôi. Hai mươi năm sau, Mẹ thôi làm việc. Tôi vào được đại học, và các em tôi có vẻ như cũng sẽ nối gót theo tôi.

Khi Mẹ thôi làm việc, bà khám phá là bà không thể ngồi yên. Hai tay bà đau nhức đến tận xương. Bà luôn bị ho húng hắng vì nhiễm bụi potassium cyanide. Da trên cánh tay của bà nhăn nhúm vì bị phỏng cấp ba từ cái mỏ hàn và vì những vết sẹo từ lưỡi dao giải phẫu. Mắt bà bị mờ và bà cần phải đeo kính nhưng bà cứ để thất lạc mắt kính vì bà không bao giờ đeo kính để đọc. Bà không đọc sách vì bà mù chữ.

Mẹ đã bị ngăn cách với ngôn ngữ của thế giới bên ngoài. Bà đã trải suốt hai thập niên bên trong cái nhà kho, làm những chiếc nhẫn, mặt dây chuyền, và vòng đeo tay. Một cái vòng đeo tay bà được trả công bằng hai mươi đô-la, nhưng bà phải bỏ ra cả ngày để làm. Công việc ấy tính ra chỉ có vài đồng bạc một giờ cho một ngày tám giờ làm việc. Với hai đô-la rưỡi người ta không thể mua một ly cà-phê Starbucks thời bây giờ. Vì thế dĩ nhiên cà-phê của chúng tôi mua đựng trong hộp thiếc to tổ bố của công ty International Roast bán trong siêu thị Coles ở địa phương. Bà cũng để những hộp sữa đặc có đường trong tủ, bà pha sữa với cà-phê hoà nước nóng và uống hết ly này đến ly khác, uống như là không có ngày mai, cho dù bà biết là vẫn có ngày mai, và ngày mai cũng giống y như ngày hôm qua hay ngày hôm kia. Bà thức giấc mỗi buổi sáng, mở mắt hấp háy nhìn trần của căn nhà chúng tôi mới mua và tự hỏi bà sẽ phải làm gì trong ba mươi năm sắp đến. Mẹ ở tuổi bốn mươi và bỗng dưng cuộc đời bà bị giới hạn chỉ được đi mua sắm đồ ở siêu thị. Chỉ thế thôi. Phần còn lại trong thế giới của bà bị thu nhỏ lại chỉ còn những âm thanh và dấu hiệu không thể hiểu được.

“Mẹ của cô đã ở đây hai mươi năm, tại sao bà không nói tiếng Anh?” những người ở đại học hỏi tôi với vẻ sửng sốt. Có một nhóm người mang tên Socialist Alternative[4] có lần mời tôi đến dự buổi họp của họ, khi một người trong nhóm ấy học cùng lớp Chính Trị Thế Giới với tôi biết được việc làm của mẹ tôi. “Xin hãy kể cho chúng tôi nghe trường hợp của mẹ chị tồi tệ đến mức độ nào,” họ thúc giục tôi.

Tôi nghĩ về mẹ tôi, người đã làm việc hai mươi năm, một nhà kinh doanh độc lập có hợp đồng theo số lượng sản phẩm. Rồi tôi nghĩ về hoàn cảnh mẹ tôi không còn làm việc, nằm trên giường ở nhà với cánh tay run rẩy què quặt và chất thuốc an thần Zoloft trong máu. “Cũng không tệ lắm như người ta tưởng, thật mà.”

Chúng tôi đều ngồi, làm thành một vòng tròn lớn trên nền nhà và có một thùng thức ăn “sạch”[5] ở giữa phòng. Một trong những nhà xã hội chủ nghĩa kiểu mới này cầm một ổ bánh mì lên. “Bạn nói không tệ lắm thì nghĩa là thế nào? Dĩ nhiên nó phải rất tệ, nó phải là bằng chứng sinh động của điều kiện sống của người dân của các quốc gia nghèo đói trên cái quốc gia giàu có này.”

“Không.” Tôi nói với giọng chắc chắn đầy thuyết phục: “Công việc của mẹ tôi mang cho mẹ tôi mục đích sống và phẩm giá con người.”

“Phẩm giá?” Họ kinh ngạc há hốc mồm rộng đến nỗi tôi có thể trông thấy những miếng bánh mì kẹp giá alfafa nhai dang dở trong mồm họ. “Cái loại phẩm giá gì như thế? Đó là sự bóc lột!”

Họ muốn nhìn thấy tôi đang âm thầm đau khổ, bởi vì họ muốn ban cho tôi những lời cáo buộc nhã nhặn về sự can đảm trước khi tung ra bản tuyên ngôn của họ về việc tiêu diệt các nhà tư bản. Họ cần có một con dê tế thần, nhưng tôi nghĩ đến những người “bạn” của mẹ tôi trong các cửa tiệm kim hoàn — những nhà tiểu thương: họ Kim, họ Trần, họ Quách — những con người cần cù với đôi mắt đầy sợ hãi những khi họ nhìn thấy các nhân viên kiểm tra bãi đậu xe chứ đừng nói đến cảnh sát. Những nhà xã hội chủ nghĩa trong trường đại học cần thấy tôi như một nạn nhân khốn khổ và nạn nhân này sẽ gắn bó với châm ngôn của tập thể về việc lật đổ cả một hệ thống bóc lột sức lao động. Thay vì thế, tôi lại trở thành một luật sư chuyên về luật thu nhận nhân công.

Trong khi làm việc, tôi đi thăm viếng những “sheltered workshops”, nơi những người khuyết tật trầm trọng được giúp đỡ để làm những công việc đơn giản nhất có lãnh lương: như xếp những hộp giấy, lựa quần áo cho các hội từ thiện, gắn một số đinh ốc nhất định trên những thùng đồ. Một số người khuyết tật đã làm việc ở đây hơn bốn mươi năm, làm chỉ một việc hết ngày này sang ngày khác. Những tổ hợp lao động này là những ngôi nhà thanh đạm và xinh xắn, chỗ nào cũng sạch sẽ và gọn gàng hơn cả căn nhà của chúng tôi ở Braybrook, nơi tôi lớn lên. Khi tôi đi thăm viếng những nơi này, Mẹ nằm trên giường không có tiền trợ cấp dành cho người mất khả năng lao động bởi vì bà không bị khuyết tật đủ trầm trọng để hưởng tiền bồi thường từ bất cứ ai, và có lẽ khi những khuyết tật này trở nên trầm trọng đủ thì bà đã quá già để có thể làm việc.

Bây giờ cái nhà kho đã không còn rung chuyển với những nhịp đập thình thịch. Bụi đỏ không còn chập chờn bay ra từ dưới cánh cửa. Nhưng chúng tôi vẫn không nói đến công việc Mẹ đã làm trong suốt hai mươi năm trong đời.

Cửa vào nhà kho vẫn khoá kín.

 

 

_________________________

[1]vàng không pha chế, hai mươi bốn ca-ra.

[2]mẹ của tác giả là người gốc Hoa, thuở nhỏ theo học tại một trường của người Hoa ở Cam Bốt.

[3]“killing fields” (trong nguyên tác tiếng Anh) là những nơi mà chế độ Khmer Đỏ đã chôn sống hàng triệu người Cam Bốt từ năm 1975 đến 1979.

[4]Socialist Alternative là một tổ chức chính trị theo phái Trotsky, được thành lập năm 1995.

[5]organic coorperative food: thực phẩm do các hợp tác xã sản xuất một cách hợp tự nhiên, không sử dụng phân bón hoá học.

 

 

------------------
“The Shed” trích dịch từ Freedom: Stories Celebrating the Universal Declaration of Human Rights by Amnesty International (New York: Broadway Paperbacks, 2009), tr. 330-339.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021