thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tiếng khóc

 

Có thể rồi cha sẽ ngừng khóc, và giây phút hoan lạc đó sẽ thực sự hiện hữu trong cha. Cha sẽ mãi mãi sung sướng và hãnh diện bởi những hành vi vô lối đó. Nhưng đôi khi mọi sự vụ có thể không như cha nghĩ.

Vì thế cha vẫn khóc rống lên một cách lì lợm làm sao. Buổi chiều cha mở cửa ra để hóng gió, cha khôn khéo giựt bay tấm rèm bằng vải đỏ để gió tràn vào. Cha rất phấn khích nếu được khóc trong sự mơn trớn của gió nồm như thế. Nghĩa là phải có một cái gì đó bi đát hơn. Cha vẫn trần truồng và khóc rống lên. Cha không ý thức được một cách rõ rệt nguyên do dẫn đến hành động tai quái này của cha.

Vào buổi chiều định mệnh hôm đó cha đã không bỏ về phía biển như người ta tưởng. Sau phút giây chia cắt tưởng như vĩnh biệt, cha vẫn ở lại và sống chui sống nhủi cho đến tận bây giờ.

Đầu tiên là bọn em út. Chúng đứng tréo chân và vểnh mặt lên nhìn cha. Chúng khinh bỉ cha. Chúng sấn lại vây lấy cha, cào lên da thịt cha, và phun nước bọt lên những vết lở loét trên da thịt cha. Bọn em út đưa ra những lý do khác nhau để dụ dỗ cha đi về phía biển, nhưng chúng đã thất bại. Chúng lại tiếp tục cào cấu lên thịt da của cha. Thịt da cha tứa máu và đẫm nước mắt. Rồi bọn em út bỏ đi. Chúng bỏ đi, để lại những dấu tay nhỏ bé màu máu trên thân thể cha. Trước khi tung tăng nhảy chân sáo đi ra biển, chúng đã dúi vào tay cha một viên bi nhỏ. “Nó sẽ không bao giờ mất.” Chúng nói. “Thật là lì lợm.” Chúng nói.

Nhưng khi cha nín khóc và mở lòng bàn tay thì viên bi tan ra. Đầu tiên nó biến thành một dạng chất lỏng, sau đó nó đông cứng lại và vữa ra thành một thứ bột trắng như cát, tất nhiên cha biết rằng đó không phải là cát. Và thứ bột đó biến mất cùng với gió nồm. Nhưng cha cho rằng đó là một sự mất mát nhỏ bé. Thế giới không biến thành bùn, và não trạng của đám đông không biến thành đậu phụ bởi những điều tai ương vặt vãnh như thế. Một sự mất mát quá ư nhỏ bé bởi bọn em út đã chơi viên bi từ mùa chơi này qua mùa chơi khác. Đó là một thứ đáng được vứt đi. Viên bi đã hư hoại khi chúng trao nó cho cha. Cha nức nở và rồi lại khóc rống lên trước hiên nhà trong bộ điệu tồng ngồng như một loài tinh tinh mặt người biết suy tính nào đó.

Vào khoảng 4 giờ chiều, khi cái nóng có phần nhẹ hơn thì bọn đàn bà bắt đầu kéo lê những đôi chân trần của mình đi về phía rừng với tóc trên đầu, sữa trong vú, và nỗi cuồng loạn trong tim. Họ đứng lại nhìn cha. Tất nhiên cha không bao giờ để mình bị mê hoặc bởi những lời ngọt ngào đó. Cha vẫn khóc rống lên như thế, mặc cho mẹ cầm lấy tay cha và hứa sẽ đưa cha vượt đại ngàn. “Rồi sẽ cưỡi lên những đám mây và hát ca.” Mẹ nói. Nhưng cha biết mọi sự. Trong bóng tối cha đã từng mường tượng ra khung cảnh khủng khiếp đó. “Đáng nguyền rủa làm sao.” Cha nấc nghẹn từng cơn.

Khi mẹ cùng với những người đàn bà hăm hở đi về phía rừng thì mẹ đã khôn khéo để vào lòng bàn tay cha một sợi lông nhỏ bé. Đó có thể là thứ cứu chuộc cuối cùng mà thượng đế đã đem đến cho cha thông qua những giây phút mặc khải mà cha có được. Sơi lông có thể là chỗ bấu víu còn lại của cha, và vì thế mẹ là thiên sứ. Nhưng khi cha ngừng khóc và mở lòng bàn tay ra thì sợi lộng của mẹ biến mất cùng với gió. Có thể sợi lông đã bất động quá lâu trên da thịt mẹ và bây giờ nó cần phải bay đi. Nhưng cha tự biết rằng đó là một sự mất mát quá ư bé mọn. Cha liếm lên những vết thương trên da thịt và trườn về phía có những dấu chân của những người đi ra biển. Nhưng rồi không hiểu vì sao cha dừng lại và tiếp tục liếm lên những vết thương trên da thịt cha trong nỗi tức tưởi không cùng.

Mất một sợi lông của một người đàn bà thì quá ư bé mọn. Đó không phải là một sự mất mát khiến cha đâm ra quái đản và điên khùng như thế.

Cha và mẹ mãi mãi không nhận ra nhau, bởi cha giờ đây là một kẻ điên loạn và mẹ giờ đây là một kẻ mù loà. Cha không đẹp như những lời thêu dệt trong huyền thoại và những bước chân của cha cũng không nở hoa bao giờ. Mẹ giờ đây cũng không còn có mái tóc như suối và nụ cười toả hương.

Vào đêm khuya. Thịt da của cha dần tan ra bởi hơi nóng từ mặt đất bốc lên. Nước mắt cha vẫn không ngừng rơi xuống và biến thành những hạt cát lấp lánh trong đêm. Lũ anh chị kéo nhau đi về phía biển theo bước chân của những người đi trước. Lũ anh chị bao giờ cũng thế. Ồn ào và dâm đãng. Lũ anh chị đứng vây lấy cha. “Chúa ơi, còn sống.” Họ nói về cha như thế sau khi họ đưa tay lên mũi cha để biết cha còn thở. Một thằng dâm tặc mặt ngựa rỉ vào tai cha rằng hãy đi về phía biển và nhìn vào những ánh sáng lấp lánh ở phía bờ bên kia. “Đó là lửa.” Họ mê hoặc cha bởi những điều như thế. Nhưng cha vẫn khóc rống lên trong khi thịt da cha rớt từng mảng xuống bãi cát được làm từ nước mắt của cha.

Lửa không thể mê hoặc cha.

Và rồi khi lũ anh chị đâm ra chán nản thì cha đã chiến thắng. Cha vẫn không ngớt liếm lên những vết thương của mình trong đêm khuya. Trước khi kéo nhau đi về phía có những đốm lửa ngoài biển khơi, lũ anh chị dâm tặc nhưng phản tỉnh kia đã khôn khéo đặt quê hương vào lòng bàn tay cha. Khi cha nhìn thấy những tấm lưng như gấu của cả lũ trốn về phía biển mất hút trong màn đêm thì cha quyết định nín khóc và mở bàn tay ra. Thoạt tiên cha ngửi thấy một mùi hôi thối khủng khiếp từ lòng bàn tay mình và sau đó là những tiếng hét cuồng nộ và những lời khóc lóc thảm thiết từ chính cái vật bằng đất hình nấm mồ nhỏ bé nhưng đã gánh lấy nhiều tai ương trong lòng bàn tay của mình. Tiếng thét, tiếng oán hận, những lời nguyền rủa cay độc nhất vẫn không ngớt vang lên từ lòng bàn tay cha.

Tiếng búa và tiếng gầm thét của quê hương khiến cánh tay cha như đứt gãy.

Ngay giây phút đó, cha bắt đầu thức nhận được căn nguyên của những nỗi niềm uất nghẹn. Và có thể đó là một sự mất mát lớn hơn sợi lông trên da thịt mẹ Âu Cơ mà cha đã vô tình đánh mất.

Rồi cha trở nên u mê. Đầu óc cha tăm tối. Cha lại khóc rống lên, nhưng tiếng khóc của quê hương trong lòng bàn tay cha còn lớn hơn gấp nghìn lần tiếng khóc của cha. Khi cha nhận thấy nỗi đau của riêng mình thật sự bé nhỏ so với những tiếng thét cuồng nộ kia thì cha quyết định nghiến răng, nắm chặt bàn tay lại. Những tiếng khóc trong lòng bàn tay của cha bắt đầu nhỏ lại rồi im bặt. Tiếng nện của búa và tiếng sủa của chó cũng tắt lịm. Từ đấy cho đến mãi về sau cha không bao giờ dám mở lòng bàn tay của mình ra nữa.

Sáng ra, thịt da cha vương vãi trên những hạt cát được làm nên bởi nước mắt của cha trong đêm. Nhưng bàn tay của cha vẫn nắm chặt và nằm im trên cát, nó không bao giờ mở ra cho đến khi lũ ruồi nhặng kéo đến để bắt đầu bản đồng ca huỷ hoại của chúng trên đống thịt da cha đã dần thối rữa trong nắng trời đại hạn.

Không lâu sau đó bầy con trai của cha đã vục được mặt xuống biển và gào thét nhưng rồi chúng đã bị nghiền nát bởi những con tàu lạ. Bầy con gái của cha đã tung tăng ca hát trong rừng cho đến một ngày chúng uống phải dòng máu đó rồi gục xuống trong tiếng cồng chiêng man dại.

Điều duy nhất còn sót lại là tiếng khóc nỉ non của mẹ Âu Cơ mù loà len lỏi qua từng gốc cây và trườn đi như rắn không đầu trong mưa đêm nơi rừng thẳm.

 

 

 

--------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021