thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một ngày trọng đại

 

Bản dịch của Hoàng Long

 

Lời người dịch:
Truyện ngắn sau đây được dịch từ nguyên tác “Ngày tám tháng mười hai” (十二月八日) trong tập truyện ngắn khổ bỏ túi Nữ sinh (女生徒) của tác giả Dazai Osamu (太宰治), từ trang 180 đến 194, do Nhà xuất bản Kadokawa tái bản có sữa chữa lần thứ năm, năm Bình Thành 21 (2009). Mượn tâm sự của một người phụ nữ trong ngày mở màn cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương, Dazai khắc họa cuộc sống và ý chí của người dân thường và cả nước Nhật trong thời điểm khó khăn này. Tuy thế, truyện vẫn thoáng một nụ cười mỉm hài hước của tác giả ẩn giấu đằng sau truyện, một đặc trưng rất riêng của Dazai Osamu.

 

 

MỘT NGÀY TRỌNG ĐẠI

Dazai Osamu

 

Nhật ký ngày hôm nay phải ghi trang trọng đặc biệt mới được. Vào ngày tám tháng mười hai năm Chiêu Hòa thứ mười sáu (1941), một bà nội trợ trong một gia đình nghèo ở Nhật Bản đã trải qua một ngày như thế nào, nay thử viết ra xem sao. Biết đâu chừng trăm năm sau, khi Nhật Bản đang khánh chúc năm kỷ nguyên hai ngàn bảy trăm,[1] người ta tìm ra quyển nhật ký của tôi đang vùi chôn đâu đó dưới lòng đất và biết được một người nội trợ Nhật Bản cách đây một trăm năm trước đã sống qua một ngày trọng đại như thế nào để có chút tham khảo lịch sử.

Vì thế, dù văn chương dở tệ, tôi cũng chú ý để không viết một lời nào dối trá. Mà vì còn phải viết cho hậu thế những năm hai ngàn bảy trăm nên thật sự là vất vả. Tuy nhiên cũng không nên viết cứng nhắc quá. Theo như sự đánh giá của ông nhà thì văn chương trong thư từ và nhật ký của tôi rất chi là nghiêm túc và cảm xúc thì rất đỗi cùn mòn. Vì không có chút cảm xúc nào nên văn chương chẳng có gì đẹp đẽ. Thật sự thì từ lúc còn nhỏ tôi chỉ toàn chăm chút đến lễ nghi và tuy trong tâm tư mình không nghiêm túc đến như vậy, tôi luôn có một cái gì đó cứng nhắc, không thể nào ra vẻ ngây thơ hay nũng nịu gì được, toàn làm những chuyện bất lợi cho mình. Có lẽ lòng ham muốn của tôi thâm sâu quá chăng? Thôi cứ thử phản tỉnh xem sao.

Nhắc đến năm hai ngàn bảy trăm, tức thì tôi nhớ ra một chuyện. Tuy chuyện này có vẻ ngu ngốc và kỳ quái làm sao ấy nhưng mấy ngày trước bạn của chồng tôi là anh Ima lâu ngày đến chơi, hai người ngồi trong phòng khách nói chuyện, tôi ngồi ở phòng bên lắng tai nghe và bật cười.

“Này, vào dịp kỷ niệm năm hai ngàn bảy trăm đấy, tớ thật lo lắng và băn khoăn không hiểu người ta gọi là năm hai ngàn bảy trăm hay là nhị-thiên-thất-bách-niên ấy nhỉ. Tớ rất đỗi phiền muộn về vấn đề này. Cậu không để ý gì sao?”, người bạn nói.

“Hừm”, chồng tôi có vẻ suy nghĩ rất nghiêm túc, “cậu nói vậy làm tớ cũng băn khoăn thật đấy.”

“Phải vậy không”, anh Ima rất chi là nghiêm trọng. “Có lẽ người ta sẽ gọi là năm hai ngàn bảy trăm đấy. Nhưng tớ băn khoăn lắm. Tớ cứ hy vọng người ta gọi là nhị-thiên-thất-bách-niên. Chứ gọi là năm hai ngàn bảy trăm thì khó xử quá. Đây có phải là số điện thoại đâu cơ chứ, tớ cứ muốn người ta phải đọc cho đàng hoàng vào. Lúc đó, tớ muốn người ta đọc là nhị-thiên-thất-bách-niên cơ.”

Người bạn nói với giọng điệu thật sự lo lắng.

“Tuy nhiên, vấn đề là...”, chồng tôi phát biểu ý kiến của mình với vẻ quan trọng. “Sau một trăm năm nữa, có lẽ sẽ có một cách đọc hoàn toàn khác, không phải là năm hai ngàn bảy trăm cũng không phải là nhị-thiên-thất-bách-niên đâu. Có lẽ sẽ là hai ngàn thất sách niên đấy.”[2]

Tôi bật cười. Thật là ngớ ngẩn. Chồng tôi lúc nào cũng nghiêm túc đàm luận với khách khứa những chuyện không đâu như thế này. Đúng là người nhiều xúc cảm có khác. Chồng tôi sống bằng nghề viết văn. Mà chây lười lắm nên thu nhập ít ỏi, chỉ cầm cự sống qua ngày được thôi. Vì tôi đã quyết định không đọc những tiểu thuyết mà chồng tôi viết nên không tưởng tượng ra được là chồng tôi viết những gì nhưng hình như là cũng chẳng xuất sắc gì cho lắm.

Ái chà, đi lạc đề mất rồi. Cứ lung tung thế này sẽ khiến mình không thể nào mà tập trung ghi chép những điều tốt đẹp để lưu lại đến năm hai ngàn bảy trăm được, phải nghiêm chỉnh lại thôi.

Ngày tám tháng mười hai. Sáng sớm nằm trên nệm vừa tính toán những chuyện phải làm trong ngày vừa cho bé Sonoko bú sữa (bé sinh vào tháng sáu năm nay) thì bất chợt tôi nghe thấy tiếng đài radio từ đâu đó vang vọng thật rõ ràng.

“Đại bản doanh lục hải quân tuyên bố. Đội lục hải quân đế quốc của chúng ta vào rạng sáng ngày mồng tám hôm nay đã ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu với quân Anh Mỹ ở mặt trận Tây Thái Bình Dương.”

Tiếng radio nghe rõ ràng sống động như những tia sáng tràn qua những khe hở của liếp mành đóng kín vào căn phòng tăm tối của tôi. Giọng đọc lớn rõ lặp lại hai lần. Trong khi lắng nghe, con người tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy mình vừa nhận được một luồng sáng mạnh mẽ và cơ thể mình trở nên trong suốt, hay là cảm giác như trong ngực mình có một cánh hoa lạnh giá đã nhận được hơi thở thánh linh.

Nhật Bản từ sáng sớm hôm nay đã trở thành một Nhật Bản hoàn toàn khác.

Tôi định sẽ báo cho chồng mình đang ở phòng bên biết tin này nhưng vừa cất tiếng gọi “anh ơi” thì ngay lập tức nghe lời đáp “biết rồi biết rồi”. Giọng điệu gấp gáp, quả thật đang trong trạng thái khẩn trương. Chồng tôi lúc nào cũng ngủ nướng nhưng sáng nay lại thức dậy sớm thế này khiến tôi cũng lấy làm ngạc nhiên kỳ lạ. Tôi nghe nói những người làm nghệ thuật đều mẫn cảm nên dường như hôm nay chồng tôi đã có linh tính gì trước đó rồi. Tôi cũng hơi cảm động. Nhưng liền sau đó, chồng tôi nói một câu dở tệ khiến tôi trầm hẳn xuống.

“Tây Thái Bình Dương là vùng nào vậy em? Có phải là San Francisco không nhỉ?”

Tôi chán nản. Không hiểu tại sao chồng tôi lại chẳng có chút kiến thức nào về địa lý. Thậm chí có lúc tôi nghĩ không chừng chồng tôi còn chẳng phân biệt được đông tây cũng nên. Lần trước khi nghe chồng tôi nói “anh nhớ Nam Cực là nơi nóng nhất còn Bắc Cực là nơi lạnh nhất mà” thì tôi thậm chí còn nghi ngờ cả nhân cách của chồng mình nữa. Năm ngoái khi đi du lịch ở Sado rồi về kể chuyện cho mọi người, chồng tôi còn nói là “trên tàu lửa, khi nhìn bóng đảo Sado từ đằng xa, tôi cứ nghĩ đó là Mãn Châu” làm mọi người choáng váng hết cả. Người như vậy mà cũng vào được đại học cơ à? Tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán mà thôi.

“Tây Thái Bình Dương chẳng phải đối với Nhật Bản là Thái Bình Dương hay sao?”

Khi nghe tôi nói vậy, chồng tôi có vẻ khó chịu mà đáp “Vậy sao?” rồi dường như suy nghĩ lung lắm rồi tiếp tục “Chuyện này anh mới nghe nói lần đầu tiên đấy. Mỹ ở phía Đông, Nhật ở phía Tây chẳng phải là khó chịu sao? Nhật Bản được gọi là đất nước mặt trời mọc, còn được xưng là Đông Á nữa. Anh cứ nghĩ là mặt trời mọc lên chỉ từ phía Nhật Bản thôi chứ. Không được. Nghe Nhật Bản không còn là Đông Á nữa thấy khó chịu quá. Chẳng lẽ không còn cách nói nào khác để thể hiện Nhật Bản là phương Đông, Mỹ là phương Tây hay sao?”

Nói toàn những chuyện kỳ khôi. Lòng ái quốc của chồng tôi thật quá sức cực đoan. Mấy bữa trước còn tự mãn mà nói rằng “dù bọn ngoại lai có hung hăng, bặm trợn thế nào cũng không thể nếm được món khô cá đâu nhỉ, còn anh đây thì có thể ăn được tất cả các món Tây phương cho mà xem”.

Không thể đối đáp lại những lời lẩm bẩm kỳ khôi đó của chồng mình, tôi nhanh chóng trở dậy và mở tấm liếp che. Trời đẹp quá. Tuy thế, tôi cảm thấy cái lạnh thật kinh người. Mấy cái tã lót đêm qua phơi chỗ chái nhà giờ đông cứng lại hết cả, khu vườn thì đẫm sương. Hoa sơn trà đã nở những đóa trang nghiêm. Yên tĩnh quá. Vậy mà giờ đây trên Thái Bình Dương lại sắp sửa có chiến tranh. Tôi cảm thấy thật kỳ lạ. Niềm cảm tạ đất nước Nhật Bản thấm sâu vào châu thân tôi.

Tôi đi ra giếng múc nước rửa mặt rồi giặt tã cho bé Sonoko. Sau đó bà hàng xóm cũng ra giếng. Chào hỏi nhau xong xuôi, tôi nói: “Từ giờ trở đi chắc là căng lắm đấy nhỉ.” Ý tôi muốn nói đến tình hình chiến tranh nhưng chắc bà hàng xóm tưởng là tôi nói đến chuyện bữa trước bà được bầu làm tổ trưởng[3] nên có vẻ xấu hổ mà đáp lời: “không, tôi có làm được gì đâu mà” thành ra tôi cũng cũng cảm thấy hơi thất vọng.

Bà hàng xóm này không phải là không nghĩ đến chuyện chiến tranh nhưng chắc là bà cảm thấy căng thẳng hơn vì trách nhiệm nặng nề của tổ trưởng thì phải. Không hiểu sao tôi cảm thấy mình có lỗi với bà. Thật ra thì từ bây giờ trở đi làm tổ trưởng cũng cực lắm chứ. Khác với những khi diễn tập, lần này nếu như bị không kích thì trách nhiệm chỉ huy thật là nặng nề. Có lẽ tôi nên mang bé Sonoko về quê lánh nạn là hơn. Nhưng nếu để lại chồng tôi trông nhà thì cái con người không thể làm được bất cứ việc gì ấy khiến tôi lo lắng. Có lẽ chẳng có chút hữu dụng gì. Ngay cả trước đây tôi đã nói đến mức như thế rồi mà chồng tôi vẫn không chịu sửa may ‘quốc dân phục’[4] hay làm bất cứ gì khác. Đến khi khẩn cấp thì biết làm sao đây? Vì anh ấy là người lười biếng nên dù tôi có mang đặt xuống trước mặt thì cũng lầu bầu “cái gì thế này?” nhưng trong tâm tư chắc cũng nhẹ nhõm mà mặc vào cho, còn mua đồ may sẵn thì kích thước lại lớn quá nên mặc không vừa. Thật cũng trần ai.

Chồng tôi sáng nay thức dậy lúc bảy giờ, nhanh chóng ăn sáng rồi bắt tay vào làm việc. Tháng này hình như có nhiều việc lặt vặt hay sao ấy. Trong bữa sáng, tôi bất chợt hỏi:

“Nhật Bản chắc không sao chứ anh?”

“Vì không sao nên mới khai chiến đấy chứ. Chắc chắn sẽ thắng thôi.”

Chồng tôi trả lời với giọng nghiêm trang. Lời của con người này lúc nào cũng bịa đặt, không thể tin tưởng được chút nào nhưng lần này lại khiến tôi cảm thấy tin tưởng chắc chắn.

Vừa dọn dẹp nhà bếp sau đó tôi vừa suy nghĩ miên man. Chỉ vì khác biệt màu mắt và màu da thôi mà có thể gây nên lòng hận thù như thế này sao? Rồi tự dưng muốn đánh đấm loạn xạ cả lên. Quả thật tâm trạng lần này khác với khi đánh nhau với Trung Quốc. Thực ra chỉ cần nghĩ đến bọn lính Mỹ vô liêm sỉ như đoàn quái thú chậm chạp đi trên mặt đất Nhật Bản tươi đẹp và thân thuộc này tôi cũng đã chịu không nổi. Bọn này chỉ cần nhấc chân đi một bước trên mảnh đất thần thánh này thì chân cẳng tụi mày cũng mục rữa ra cho mà xem. Cả lũ chúng mày không có cái tư cách ấy. Những binh đoàn đẹp đẽ của Nhật Bản thế nào cũng sẽ cho tụi mày biết tay. Từ giờ trở đi gia đình chúng ta sẽ quẫn bách và thiếu tốn trăm bề nhưng không cần phải lo lắng. Chúng ta vẫn điềm nhiên, không một chút phiền lòng, cũng không hề cảm thấy hối tiếc chút nào về việc sinh ra trong thời buổi cực khổ như thế này. Ngược lại, chính vì được sinh ra trong thời buổi như thế này mà ta nhận ra được lẽ sống. Tôi nghĩ mình được sinh ra trong thời buổi này thật tốt biết bao. A, mình muốn cùng ai đó bàn chuyện chiến tranh quá. Chà, đã lâm trận rồi; cuộc chiến sắp sửa mở màn rồi đấy... Tôi muốn nói những câu như vậy.

Đài radio từ sáng sớm đến giờ cứ liên tục phát đi các khúc quân hành. Tận tâm tận lực, hết bài này đến bài khác không ngừng. Rồi cuối cùng có vẻ như hết bài hay sao ấy mà phát lại bài quân ca “cho dù địch có mấy vạn người” từ thuở xa lơ lắc nào khiến tôi bật cười và cảm thấy cảm tình với sự ngây thơ của đài phát thanh. Trong nhà chồng tôi thì cực kỳ ghét nghe đài nên chưa từng sắm lấy một cái, còn tôi thì cũng không cần đến mức phải mua đài nhưng trong lúc này tôi nghĩ nếu nhà mình có một cái đài thì hay biết bao nhiêu. Tôi muốn nghe thật nhiều tin tức. Để bàn bạc lại với ông nhà xem sao. Chắc cũng sẽ mua cho tôi thôi.

Cho đến gần trưa, những tin tức trọng đại liên tục tràn về khiến tôi chịu không nổi, cõng bé Sonoko ra ngoài, đứng dưới tàn cây lá đỏ mà lắng nghe đài của nhà hàng xóm. Tập kích bất ngờ vào bán đảo Mã Lai, tấn công Hương Cảng, Nhật Hoàng tuyên bố chiến tranh. Vừa ôm bé Sonoko, tôi vừa ứa ước mắt. Tôi trở vào nhà thuật lại toàn bộ tin tức mình vừa nghe được cho chồng tôi đang ngồi làm việc trong nhà. “Vậy à?”, chồng tôi nói rồi cười. Sau đó đứng lên rồi lại ngồi xuống. Trạng thái cứ phấp phỏm không yên.

Đến quá trưa, chồng tôi đã làm xong việc, gom mớ bản thảo mang theo rồi tất bật đi ra ngoài. Chắc là mang bản thảo đến tòa soạn báo nhưng nhìn cái dáng vẻ đó thì chắc hôm nay lại về khuya đây. Cứ hễ vội vội vàng vàng đi ra khỏi nhà như chạy trốn ấy là y như rằng hôm đó về muộn. Nhưng cho dù về khuya thế nào đi nữa, chồng tôi cũng không khi nào ngủ lại ở chỗ khác cả, điều đó cũng khiến tôi yên tâm.

Sau khi tiễn chồng ra cửa, tôi nướng con khô cá ăn cho xong buổi trưa đạm bạc rồi cõng bé Sonoko trên lưng đi ra ga mua đồ. Trên đường đi tôi sẽ ghé nhà cô Kamei. Nhà chồng tôi từ dưới quê gửi lên rất nhiều táo, tôi định mang cho bé Yuno (con bé 5 tuổi, rất kháu khỉnh) nhà cô Kamei một ít nên gói vài trái mang theo. Bé Yuno đang đứng chơi ngoài cổng vừa thấy tôi liền chạy vào nhà gọi rối rít “mẹ ơi, bé Sonoko đến này”. Bé Sonoko trên lưng tôi dường như mỉm cười rất thân thiện với hai vợ chồng nhà họ. Cô Kamei cứ luôn miệng khen bé Sonoko sao mà dễ thương quá. Người chồng mặc áo khoác ngoài, dáng vẻ hiên ngang, đang dở tay trải mấy tấm đệm rơm cuối hành lang thì phải.

“Tôi đang vất vả để không thua kém với quân thù đây. Xin lỗi vì bộ dạng dơ dáy như thế này.”

Phía cuối hành lang trải một lớp chiếu rơm để làm gì ấy nhỉ? Chắc để khi không tập chui vào đấy mà trốn chăng? Tôi thật tình không hiểu nổi. Nhưng dù sao thì chồng cô Kamei cũng khác xa với chồng tôi, thật sự biết thương yêu gia đình mình, nên tôi cảm thấy ganh tỵ. Trước đây anh ta còn thương yêu gia đình hơn nữa kia nhưng từ sau khi nhà tôi chuyển đến sống ở gần bên, chồng tôi tập tành cho anh ta uống rượu thì anh ta có vẻ hơi hư hỏng đi một chút. Chắc cô Kamei này hận chồng tôi lắm đây. Tôi cảm thấy tội lỗi quá.

Trước cổng nhà cô Kamei có gắn một cái gì kỳ quái như que cời lửa. Còn nhà tôi thì chẳng có gì. Chồng tôi lười biếng mà nên đành phải chịu thôi.

“Chà, cái vật trang trí này đẹp nhỉ.”

Khi tôi cất lời khen thì anh ta nói rất dõng dạc:

“À, dù gì thì tôi cũng là tổ trưởng mà.”

Người vợ thì thầm cải chính với tôi là thực sự chồng mình chỉ là tổ phó thôi nhưng giờ tổ trưởng lớn tuổi rồi nên anh ấy đang làm thay việc của tổ trưởng. Chồng cô Kamei thật nghiêm túc làm sao, so với chồng tôi thì quả thật khác xa một trời một vực.

Sau khi dùng xong ít bánh kẹo, tôi tạm biệt hai vợ chồng nơi trước hiên nhà.

Tôi ghé bưu điện, nhận sáu mươi lăm yên tiền nhuận bút của báo “Trào lưu mới” rồi đi ra chợ. Hàng hóa cũng ít ỏi khan hiếm như thường lệ. Cuối cùng tôi chỉ mua được mực và cá khô mà thôi. Hai con mực hết bốn mươi xu, cá khô hai mươi xu. Ở chợ, tôi lại nghe đài phát thanh. Các tin tức trọng đại liên tục được phát đi. Không kích đảo Guam, thả bom Hawai, hạm đội Mỹ quốc hoàn toàn bị tiêu diệt. Toàn thân tôi run lên đến mức xấu hổ. Tôi muốn cảm tạ mọi người. Tôi đứng như chôn chân trước cái đài nơi chợ. Rồi có hai, ba người phụ nữ khác nói “mình đến nghe thử xem sao” và tập hợp lại xung quanh tôi. Từ hai ba lên bốn năm và cuối cùng lên đến gần mười người.

Ra khỏi chợ, tôi đến dãy tiệm tạp hóa nơi nhà ga để mua thuốc lá cho chồng mình. Quang cảnh khu phố vẫn không có gì thay đổi. Chỉ có một tờ giấy viết tóm tắt các tin tức trên đài dán trước cửa tiệm bán rau. Tình trạng trước cửa tiệm và trong các câu chuyện trao đổi với nhau cũng chẳng khác gì ngày thường. Sự yên bình này mới đáng tin tưởng làm sao. Hôm nay có ít tiền dư dả nên tôi quyết định mua cho mình một đôi guốc mới. Ngay cả mặt hàng này mà từ tháng này trở đi cũng tăng thuế hai mươi phần trăm đến hơn ba yên, vậy mà tôi chẳng biết chút gì cả. Phải chi mua vào cuối tháng trước thì hay quá rồi. Nhưng mua đầu cơ tích trữ thì ti tiện lắm, tôi không ưa chút nào. Mua đôi guốc hết sáu yên sáu mươi xu, rồi sau khi mua những thứ lặt vặt khác như mua kem hết 35 xu, mua phong bì hết 31 xu, tôi quay trở về nhà.

Về đến nhà chưa được bao lâu thì có cậu Sato học ở đại học Waseda đến nhà chào từ biệt vì cậu quyết định sau khi tốt nghiệp là nhập ngũ luôn, nhưng không may chồng tôi không có nhà nên cũng hơi thất vọng. Tôi cúi đầu thật thấp đáp lễ tận thâm tâm và nói bảo trọng nhé. Sau khi cậu Sato về thì đến cậu Tei học ở trường Đại học đế quốc Đông Kinh đến chơi. Tôi cũng nói chúc mừng cậu Tei đã tốt nghiệp và nghe nói cậu đã nhận được giấy trưng binh, thật là đáng tiếc. Cậu Sato và cậu Tei đến giờ vẫn để tóc dài nhưng giờ đã húi trọc cả làm tôi cảm thán sâu xa các cậu học sinh giờ vất vả quá. Đến chiều tối lại có ông Kon lâu ngày chống gậy đến thăm, nhưng chồng tôi vẫn chưa về nhà khiến tôi cảm thấy vô cùng khó xử. Thật sự cất công đi đến tận nơi hóc hẻm Mikata này để thăm nhau mà chồng tôi lại không có nhà nên đành cứ thế mà đi về. Trên đường về, cái cảm giác chán chường sẽ như thế nào đây? Nghĩ đến điều đó, ngay cả tôi cũng cảm thấy buồn bã.

Ngay khi tôi vừa chuẩn bị ăn tối thì cô hàng xóm qua bàn chuyện. Tem phiếu rượu tháng mười hai này đã nhận rồi nhưng cả tổ gồm chín nhà mà chỉ có sáu phiếu một thăng nên không biết xoay xở thế nào. Đầu tiên chúng tôi quyết định là nhận luân phiên từng nhà nhưng vì nhà nào cũng muốn nhận cả nên cuối cùng quyết định chia sáu thăng rượu ra làm chín phần. Sau đó mọi người nhanh chóng gom bình đựng rồi đến tiệm rượu Isemoto. Tôi đang dở bữa cơm nên được miễn ở nhà. Nhưng vì đã dọn cất mâm cơm rồi nên tôi mới cõng Sonoko ra ngoài xem thử thì đã thấy mấy người trong tổ mỗi người mang theo một hai chai chạy về. Tôi cũng nhanh chóng được phát một chai để mang cùng. Sau đó mọi người tập trung ở nhà tổ trưởng, bắt đầu phân chia rượu ra làm chín phần. Chúng tôi sắp chín chai rượu một thăng thành hàng ngang rồi vừa rót vừa nhìn kỹ lưỡng sao cho lượng rượu trong các chai được đều nhau. Quả thật chia sáu thăng rượu làm chín phần thật khó khăn làm sao.

Báo buổi chiều đã đến. Báo được in thành bốn trang, thật hiếm thấy. Dòng chữ in hoa thật lớn “Bố cáo tuyên chiến với đế quốc Mỹ Anh”. Nội dung thì đại khái cũng giống như tin tức phát trên đài mà tôi nghe được hôm nay. Nhưng tôi vẫn đọc kỹ từng chữ cho đến hết và lại thấy vô cùng cảm kích.

Tôi ăn tối một mình rồi cõng bé Sonoko đi tắm. A, lúc tắm cho bé Sonoko là phút vui vẻ nhất của đời tôi. Sonoko rất thích nước ấm, vừa đặt vào chậu là ngoan ngoãn ngay. Trong nước ấm, chân tay bé co rút lại, rồi cứ ngước mắt lên nhìn tôi đang ôm bé chăm chú. Có vẻ như hơi bất an chăng? Ngay cả người lạ cũng nói bé Sonoko sao mà dễ thương. Chắc ai khi tắm cho em bé cũng đều nựng má con mình. Bụng của bé Sonoko tròn vo như được vẽ bằng compa vậy. Tôi thậm chí còn cảm thấy kỳ lạ là trong cái khối trắng mềm như trái banh cao su ấy lại có đầy đủ cả ruột và dạ dày sao? Đã thế ở hướng chính giữa bụng hơi chếch xuống lại có gắn một cái rốn nhỏ như hoa mơ. Rồi thì tay này, chân này sao mà đẹp mà dễ thương quá khiến tôi cứ mải say mê. Đúng là dù cho mặc quần áo như thế nào đi nữa cũng không dễ thương bằng lúc bé ở trần. Khi nhấc bé ra khỏi chậu nước ấm rồi mặc quần áo vào cho con tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Tôi muốn ôm ấp tấm thân trần ấy lâu hơn nữa.

Khi đi tắm trời vẫn còn sáng vậy mà khi trở về trời đã tối đen. Đang có lệnh hạn chế thắp đèn nữa. Bây giờ điều này đã không còn là diễn tập nữa rồi. Tôi cảm thấy căng thẳng kỳ lạ. Trời chẳng phải tối quá hay sao? Mà tôi chưa từng đi ra ngoài lúc trời tối như vậy bao giờ cả. Tôi dò dẫm từng bước một nhưng đường thì xa mà tôi lại hoang mang quá. Từ vườn cây udo[5] đến khu rừng sam thật tối đen như mực. Tôi chợt nhớ đến nỗi sợ khi đi trượt tuyết từ suối nước nóng Nozawa đến Kijima giữa trời tuyết bay vần vũ hồi còn học năm tư trung học. Giờ thay cho cái ba lô hồi đó là bé Sonoko đang nằm ngủ trên lưng tôi. Bé ngủ ngon chẳng biết gì.

Phía sau lưng tôi nghe có tiếng hát bài “Tôi được Thiên Hoàng triệu tập” thật lạc nhịp phách và tiếng bước chân loạn bạo về phía tôi. Đến khi người đó cất tiếng ho khục khặc có đặc trưng rất riêng thì tôi đã hiểu rõ ràng.

Tôi vừa cất tiếng nói “bé Sonoko đang khổ sở đây này” thì nghe ngay giọng đáp thật to “Cái gì cơ chứ? Hai mẹ con nhà em chẳng có tín ngưỡng gì cả nên mới khổ sở giữa đường khuya thế này. Cứ như anh đây vì có tín ngưỡng rõ ràng nên đường khuya mà cứ như ban ngày đấy nhé, thôi đến đây, đến đây.”

Và tiếng bước chân cứ xăm xăm tiến về phía trước. Không biết còn bình tĩnh thản nhiên được đến đâu đây? Thật là một ông chồng đáng chán.

 

Dịch xong tại Nagoya, ngày 4/6 /2012
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

_________________________

[1]Nguyên văn là kỷ nguyên hai ngàn bảy trăm (紀元二千七百年). Hoàng gia Nhật Bản cho mình là hậu duệ của Thần Vũ Thiên Hoàng (Jinmu Tenno 神武天皇), vị Thiên Hoàng đầu tiên có tên trong danh sách Thiên Hoàng truyền thống Nhật Bản. Ghi chép sớm nhất về cuộc đời và triều đại của vị Thiên Hoàng này là trong Cổ sự ký, mang tính huyền thoại. Vì không thể xác định rõ cuộc đời và niên đại của Thần Vũ Thiên Hoàng nên Hoàng gia Nhật Bản vào năm Minh Trị thứ năm (1872) đã quy định ngày lên ngôi của Thần Vũ Thiên Hoàng (神武天皇) là tương đương với ngày 11 tháng 2 năm 660 trước công nguyên, được gọi là hoàng kỷ nguyên niên. Ngày lễ này được gọi là “Kỷ nguyên tiết” 紀元節 được tiến hành từ năm 1872 đến năm 1948. Ngày lễ năm 1940 là tương đương với kỷ nguyên hai ngàn sáu trăm năm, và đến kỷ nguyên hai ngàn bảy trăm là tương đương với năm 2040. Sau chiến tranh Thái Bình Dương, ngày lễ này bị đình chỉ và được phục hồi lại vào năm 1966 với tên gọi “ngày kiến quốc” (建国記念の日).

[2]Trong Tiếng Nhật, số 7 (七) được đọc theo hai âm là “shichi” しち và “nana” なな. Nhân vật chính nêu ý kiến là sau chừng trăm năm nữa biết đâu số 7 sẽ được đọc là “nunu” ぬぬ, một từ không có nghĩa trong tiếng Nhật nên chúng tôi dịch tạm như trên.

[3]Nguyên văn là “lân tổ”(隣組), một đơn vị quản lý được lập ra trong chiến tranh thế giới thứ hai ở Nhật Bản. Một tổ bao gồm một số nhà nhất định, căn cứ vào đó để chính quyền phân chia thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cần thiết cho sinh hoạt; được thành lập vào năm 1940 và bị bãi bỏ vào năm 1947.

[4]“Quốc dân phục” (国民服) là loại quần áo dân sự của đàn ông giống như quân phục bị bắt buộc mặc trong chiến tranh Thái Bình Dương.

[5]Nguyên văn “独活”, cây thổ đương quy, rễ dùng làm rau ăn, có vị thơm, đắng và dễ chịu. Các chồi non cũng dùng làm rau ăn sống với muối hoặc luộc chín ăn với tương (đậu nành) rất được ưa chuộng ở Nhật Bản.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021