thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lửa trong lòng biển

 

Kính tặng anh Trần Văn Tú
và anh Nguyễn Văn Tiếu

Khi còn là thuyền trưởng chiếc “Sông Lai” cổ lỗ tôi thường qua Tùng Quảng, vùng biển hiểm trở với muôn vàn đảo đá chen chúc như bàn chông, nổi tiếng nhờ phong cảnh hùng vĩ, món ngán[1] chần tái và nhất là những vụ đắm tàu bí ẩn.

Lần ấy chúng tôi vừa ra khỏi lạch Tỉnh thì có thuyền vẫy. Chuyện không lạ, chúng tôi vẫn thường cho dân đào ngán đi nhờ như thế, có khi lẵng nhẵng kéo nhau cả chục chiếc thuyền. Tôi cho tàu chạy chậm lại. Chủ thuyền người cao lớn, mũ trùm kín đầu, khoác áo bađơsuy xám, bằng động tác nhanh nhẹn và khéo léo ném dây sang. Tôi nhìn kĩ, hoá ra đó là một ông già râu bạc như cước. Ông lão khẽ gật đầu, cảm ơn tôi bằng giọng ồm ồm chậm rãi, đầy uy lực, ngồi xuống mũi thuyền, móc thuốc lào ra hút. Thoáng trông đủ biết đó là loại thuốc vùng Sơn Hạ: sợi thái rối, đóng thành bánh, mầu đen sạm vì phơi sương. Cách hút thuốc của ông cũng thật lạ: ông nắm tay trái lại thay điếu, nhét thuốc vào khe hở do ngón tay út tạo ra, tay phải bật diêm, vừa châm thuốc vừa che gió. Vẻ kì dị của ông già kích thích trong tôi máu mê văn nghệ, lại đang trong cảnh sông nước triền miên buồn chán cần người bù khú, tôi khẩn khoản mời ông lên tàu làm chút rượu cho ấm bụng.

Ông già không khách khí, vẫn với động tác nhanh nhẹn như thanh niên, bám cọc bích trèo lên. Rượu Vân đốt thử ngùn ngụt cháy trên bàn. Ông già cởi mũ. Tôi giật mình: đầu ông trọc lốc. Một vết sẹo bóng như xác rắn chạy dài tới gần mang tai. Da mặt ông sẫm màu đồng hun - cái màu có được, theo lời ông, nhờ cá sống, rượu và nước biển.

Nếu như biển cả làm cho con người cứng cáp và phóng khoáng thì rượu lại khiến người ta trở nên vui vẻ và chân thành. Ông già hỏi tôi:

- Chú là thuyền trưởng hả? Hà, trẻ quá nhỉ, còn dư sức lắm. Chú sẽ gắn bó suốt cuộc đời với biển chứ?

Tôi lúng túng không biết trả lời như thế nào. Cảnh sông nước triền miên đã làm tôi ngán ngẩm. Biển cả tàn bạo và tráo trở đã làm tôi mệt nhoài. Bao nhiêu toan tính của tôi đã tan nát như con thuyền nan dưới làn sóng dữ và tôi cũng chưa biết cuộc đời mình còn bồng bềnh trôi nổi tới những đâu.

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, ông lão uống ực một hơi hết bát rượu thứ hai rồi vừa đặt bát xuống bàn vừa nói oang oang:

- ồ! Lão cũng đã từng làm thuyền trưởng, nhưng chưa bao giờ là một thuyền trưởng thực thụ. Hầy! - Đù mẹ biển bạc... biển bội bạc...

Rồi như người trút bầu tâm sự, bằng giọng nói trầm vang của sóng, giờ lại mạch lạc thêm nhờ rượu, ông kể cho tôi nghe những gian truân của một đời sông nước, cứ muốn dứt ra mà cứ bị cuốn vào, mãi đến nay, gần tám mươi tuổi đầu, vẫn chưa thoát nổi mái chèo. Ông lão kể một cách thản nhiên, thậm chí thú vị nữa, tưởng chừng đối với ông chẳng có gì đặc biệt, tất cả cứ phải tuần tự xảy ra như thế, chẳng khác gì bát rượu trên tay ông cứ hết lại đầy.

*

Lão vốn quê ở Két, cái thị trấn ngã ba sông đen đúa, bẩn thỉu nhưng lại được dân sông nước coi như thiên đàng vì nhan nhản tiệm hút, sòng bạc, và những nhà chứa rẻ tiền. Từ nhỏ lão đã thích giao du với những chàng thuỷ thủ ngang tàng và vui nhộn, cùng họ nốc rượu rồi khật khưỡng trên những đường phố lầy bùn và phân súc vật, trêu ghẹo mấy cô hàng xén bằng những lời ca tục tĩu không đầu không cuối hay tham gia những cuộc đánh lộn chẳng hiểu do đâu. Máu giang hồ thấm dần và huyết quản. Năm mười tám tuổi, cái tuổi bồng bột, kiêu ngạo và đầy tham vọng, lão bỏ nhà, theo một chiếc tàu kéo xuống Hòn Chông, thương cảng sầm uất nhất Tùng Quảng thời đó, những tưởng sẽ kiếm chác được vận may giữa đám dân đói khát và những tay anh chị tứ chiếng đổ về.

Cả tuần lang thang, đấm đá nhau giữa chợ chẳng được tích sự gì. Ngày thứ tám, lão đang ôm một ả bán ngán chần trong quán rượu thì vợ chồng tỉnh trưởng đi xem hát về qua. Hình như hôm đó có vở mới, dân tình bàn tán nghe chừng xôn xao lắm. Nhưng lão chẳng bao giờ quan tâm đến bọn phường chèo nhí nhố ấy. Bỗng đâu một gã ăn mày vô phúc mò ra, vai đeo cái bị nặng trĩu những thức ăn nhớp nháp, thiu thối. Từ cái đầu lở loét, nhung nhúc dòi bọ của nó nồng nặc bốc lên mùi cóc chết. Bà vợ quan tỉnh trưởng kinh tởm quá, rú lên rồi nôn thốc nôn tháo xuống vỉa hè.

- Thằng mọi hỗn láo! - Tay tỉnh trưởng gầm lên giận dữ, quật ba toong như bổ củi xuống đầu thằng ăn mày khốn nạn, bắt nó phải sực hết bãi cháo chó mà bà tỉnh trưởng vừa trút xuống kia.

Lão thản nhiên ngồi xem, nhưng khi thằng ăn mày gục mặt xuống đống thức ăn nhầy nhụa ấy thì, mẹ kiếp, máu trong người sôi lên sùng sục. Lão đứng phắt dậy, nhằm vào quai hàm gã tỉnh trưởng. Nhưng một cú đấm chẳng hiểu từ đâu đã nhanh hơn. Chỉ nghe đánh “hự” một tiếng đã thấy đầu quan tỉnh trưởng ngập ngụa dưới bùn. Cái thân hình phì nộn của hắn bùng nhùng trong đống vải bẩn thỉu mà mới đấy là một bộ comlê sang trọng. Lão chưa kịp bàng hoàng thì đã bị một bàn tay cứng như thép lôi tuột vào ngõ hẻm. Lúc ấy mới nghe còi cảnh sát lanh lảnh rúc lên phía sau lưng.

Cú đấm hoá ra là của thuyền trưởng Các, trùm cướp biển thời ấy, người mà ai nghe tên cũng phải giật mình kinh sợ. Trước đó lão cũng đã từng nghe nhiều lời truyền tụng về ông ta và vẫn thầm mong hội ngộ.

Ông Các là người Ducơmi, một bộ tộc vốn từ lâu cư trú ở Tùng Quảng. Họ làm nhà lơ lửng như tổ chim trên vách đá, dưới những mỏm đá chìa ra, để tránh gió mưa và sống bằng nghề đánh cá. Hàng năm, vụ cá bắt đầu khi những cơn gió ào ạt thổi về, báo hiệu mùa hè đã đến. Những người đàn ông Ducơmi hối hả lướt sóng chèo đi trên những con thuyền độc mộc, chỉ để lại những ông bà già cùng đám đàn bà với bầy trẻ nhỏ. Họ rong ruổi theo gió mùa, đuổi theo đàn cá xuống mãi tận miền Nam và chỉ trở về Tùng Quảng khi mùa xuân tới, khi nắng ấm trở về tràn trề trên những đảo đá trần trụi màu xanh thẫm khiến đàn cá vui vẻ quẫy mình trên sóng bạc và con người rạng rỡ niềm vui đoàn tụ.

Năm ấy Các mới 19 tuổi nhưng đã là một tài công lão luyện. Gã thanh niên cao lớn khác người bơi lặn như rái cá, dám một mình đánh nhau với cả bầy cá mập ấy vừa cưới vợ. Gã như điên như cuồng vì tình yêu của cô vợ xinh tươi và suốt mùa xuân vùi đầu trong hoan lạc.

Vụ cá năm ấy dường như đến sớm hơn thường lệ. Một buổi sáng tỉnh dậy, đầu vẫn gối trên đùi bông cúc biển của mình, Các bàng hoàng nhìn xuống nước: những đám mây trắng xốp tinh khôi đang nối nhau vùn vụt về nam. Các bạn chài hối hả sửa soạn đồ nghề nhưng gã vẫn chùng chình không dứt nổi. Mãi đến khi những trận mưa rào sầm sập đổ xuống, Các mới vội vã đuổi theo các thuyền bạn đã từ lâu khuất bóng phía chân trời.

Vụ cá tồi tệ với những mẻ chài đen đủi. Các trở nên cáu kỉnh. Một hôm, chợt nghe lòng buồn rớm máu, gã một mình vượt sóng trở về. Đêm biển động. Gió gào rú thê lương. Các buộc thuyền dưới chân đảo, trong ánh chớp nhìn lên và phút chốc rụng rời: nhà gã cháy tự bao giờ, trên vách đá chỉ còn lại đoạn xích rủ xuống lòng thòng như sợi dây treo cổ. Hỏi ra mới biết chuyện do tay Chánh Mỹ, kẻ vốn có thâm thù với cha Các và từ lâu thèm khát vẻ đẹp hoang sơ của Vi - “Bông cúc biển”. Chánh Mỹ vu cho nhà Các làm hội kín, đang đêm sai lính đến đốt nhà, bắt cả đêm đi. Cha Các bị đập vỡ trán bằng mái chèo, rồi quăng thây xuống biển. Đầu Các giờ cũng được treo giải một món tiền to. Vợ Các không chịu nhục, lừa cơ bỏ trốn vào rừng. Đêm đó trong núi chó sói tru nhộn nhịp khác thường. Sáng ra, người ta bổ đi tìm nhưng không thấy xác.

Các nghe xong lặng lẽ biến đi. ít lâu sau Chánh Mỹ bị giết ngay trong nhà riêng được canh phòng cẩn mật. Cũng từ đó trên biển xuất hiện chiếc tàu “Hoa cúc biển” chạy nhanh như gió. Nó cùng với cái tên Các gây nên nỗi kinh hoàng cho đám chủ thuyền giầu có và những con tàu đầy ắp hàng hoá vẫn thường xuyên qua lại trong vùng.

*

Ông già ngừng kể và tôi cũng phải lên đài chỉ huy kiểm tra công việc trước khi tàu chuyển hướng. Sắp đến Tùng Quảng. Đã thấy đảo đá lô nhô giăng kín chân trời. Gió thổi lồng lộng, thanh bình. Lũ hải âu chao mình trên sóng, cất tiếng kêu lanh lảnh tạm biệt những chiếc thuyền độc mộc đang nối đuôi nhau hối hả ra đi.

Khi tôi trở lại ông già vẫn ngồi im như cũ. Hai bàn tay to lớn, sần sùi như phủ một lớp vảy sừng đặt chồng lên nhau trên bàn. Tôi rót rượu cho ông, và sau đó còn rót thêm hai ba lần nữa trước khi ông kể tiếp.

*

- Lão theo thuyền trưởng Các luồn ra sau chợ cảng. Một chú bé trắng trẻo, có khuôn mặt thanh niên tú, dễ thương (mà sau này lão biết bị câm) đã chờ sẵn trên một chiếc thuyền câu. Lão khi ấy chưa thạo nhưng cũng vớ mái chèo, hăm hở chèo đi.

Cuộc đời thủy thủ nhọc nhằn đầy nguy hiểm nhưng phóng khoáng hợp với bản tính của lão. Lão quen dần với sóng gió, với những đêm thức trắng và cả vị tanh lợm của máu cá tươi uống thay nước ngọt. Chẳng bao lâu lão đã trở thành một con sói biển, biết nhìn màu nước đoán thời tiết, bấm tay tính thủy triều, trông sao trời đi trong đêm tối. Sự nhanh nhẹn và liều lĩnh giúp lão qua mặt hết thảy bọn mạch lô[2] trên tàu, được thuyền trưởng Các coi như cánh tay phải, thỉnh thoảng đứng ra điều hành “công việc” thay ông.

Lúc ấy lão đã thầm mơ tưởng đến một con tàu khác, con tàu của chính mình.

Đám mạch lô chấp nhận địa vị của lão một cách tự nguyện - luật giang hồ tuy tàn nhẫn nhưng cũng hết sức công bằng. Bọn người ô hợp sống với nhau lạnh lùng, không một lời thổ lộ, tất cả giống nhau ở sự tàn bạo thú vật. Chỉ có hai thứ được họ tuân theo, đó là luật giang hồ - một thứ tôn giáo đối với họ - và thuyền trưởng Các.

Thực ra, trái với những lời đồn đại, ông Các có khuôn mặt nhân hậu. Đôi khi lão bắt gặp trong mắt ông ta điều gì đó giống như sự dằn vặt - cái không hề có trong mắt đám mạch lô tàn bạo kia. Ông rất ít nói, dù những lời ông nói ra đều đúng lúc và đầy sức thuyết phục. Chẳng biết có phải nhằm tạo ra một khoảng cách cần thiết với bọn mạch lô hay không mà phòng ông - có hai lớp cửa - lúc nào cũng im ỉm đóng và ngoài ông với Han, chú bé câm, không ai được đặt chân vào.

Hai năm liền tụi lão gặp may, thắng liên tiếp, thu được vô số khối tiền bạc và hàng hoá. Nhưng rồi hết tai hoạ này đến tai hoạ khác ập đến, quả như người nói là “vô đơn chí”. Một chiều u ám giáp Tết, “Hoa cúc biển” đang trên đường về Hòn Gạc thì vấp phải hai thằng phregát.[3]

Loạt đại bác đầu tiên trúng ngay boong thượng, nơi thuyền trưởng Các đang đứng, hất ông cùng cả dãy lan can xuống biển. “Hoa cúc biển” chống trả trong cơn tuyệt vọng. Mãi gần sáng, lợi dụng đêm tối, sau khi bảy thằng mạch lô bỏ mạng, tụi lão mới cứu được ông Các và chạy thoát về Vụng Giải.

Tàu chưa kịp thả neo thì nghe tiếng ồn ào khác lạ. Có ai đó rú lên thảm thiết. Lão chạy lên núi, thấy thằng Ban chột cởi trần trùng trục, ngực phơi ra vạm vỡ như ức bò đực, một tay cầm dao, tay kia cầm một cái xác đàn bà ném vù qua mạn. Thì ra đó là một con mụ đào ngán bị đắm thuyền dạt vào từ khi nào chẳng rõ. Khi biết gặp phải tàu cướp biển mụ ta sợ quá, nằm co quắp trốn sau ụ tời neo. Thằng Ban chột ném con dao đẫm máu xuống sàn. Đám mạch lô trở nên hoảng loạn.

(Bạn đọc dù không am hiểu chắc cũng biết rằng dân biển có rất nhiều điều kiêng kị. Biển cả với những tai hoạ khủng khiếp luôn luôn rình rập đã biến họ thành những người mê tín đến độ mù quáng. Người dân biển nào cũng có thể kể cho bạn nghe vô khối tai nạn khủng khiếp chỉ vì tàu ra đi vào ngày lẻ hoặc vì ai đó trên tàu đã liều mạng ăn thịt chó, vịt, mực hay sò. Tuy nhiên khủng khiếp nhất là sự xuất hiện của đàn bà, con gái trên tàu.

- Lão đã nghiệm, quả không sai - những người đi biển lão luyện khẳng định sau khi kể những tai nạn mà chính mình được chứng kiến - không phải vô cớ mà khi đặt tên cho mười hai chòm sao trên Hoàng Đạo các cụ xưa đã chọn tên Trinh nữ cùng với tên những con dã thú).

Lúc bấy giờ đi là tự sát. Nhưng vết thương của ông Các bị sưng tấy vì ngậm nước quá lâu, không cho phép nán lại. ở đây luật giang hồ khắc nghiệt - hay cao thượng? - đã đưa ra lời phán quyết: hãy mang thây mày làm mồi cho cá mập nhưng không được bỏ bạn bè trong cơn hoạn nạn. “Bông cúc biển” nhổ neo lặng lẽ. Ai nấy u sầu, canh cánh linh cảm đến việc chẳng lành.

Quả nhiên, gần trưa phía chân trời xuất hiện một đám mây lạ đang lớn lên nhanh chóng. Phút chốc trời tối sầm lại. Gió đổi hướng và giật liên hồi, cuốn lên không trung những cột nước trắng xoá khổng lồ hình nón. Biển quằn quại như một con quái vật. Con tầu nghiêng ngả trong những đợt sóng hung hãn đang ầm ầm xô tới.

Chú bé Han liêu xiêu bám vào tấm vải dùng băng bó cho thuyền trưởng Các thay gạc. Đúng lúc đó, một con sóng cao như trái núi dềnh lên và chồm về phía mũi tầu. Một tiếng “rắc” khủng khiếp, tưởng như con tầu nát vụn ra từng mảnh. Đồ đạc đổ vỡ loảng xoảng. Những thùng gỗ giằng đứt dây buộc, nước tràn vào lênh láng.

- Han! - Đám mạch lô cùng kêu lên thất thanh khi ngọn sóng tràn qua. Lần đầu tiên lão nghe họ kêu lên như thế - Những tiếng kêu thương cảm của con người.

Qua đám bụi nước còn trắng xoá, boong tầu hiện ra thật ghê rợn: sàn gỗ nứt toác, cột buồm bị bẻ gẫy đôi. Han bị cuốn phăng xuống biển cùng cả dẫy lan can. Dòng nước ngầu bọt chảy xiết giữa hai vách đảo, cuồn cuộn xô vào bãi đá nhô lên lởm chởm như răng cá mập phía trái tầu. Thật may mắn, Han bám được vào một mỏm đá. Lúc đó lão đang đứng trên đài chỉ huy. Một tia chớp loé lên, soi rõ khuôn mặt chú bé câm trắng bệch đi vì khiếp sợ. Hình như Han kêu lên những tiếng gì đó. Nhưng tiếng kêu bị chìm đi trong giông tố.

- Dừng máy! Hết lái trái! Chuẩn bị dụng cụ cứu sinh! - Lão gào lên dù biết rằng làm như vậy là vô cùng nguy hiểm: vòng sang trái con tầu sẽ bị ném vào bãi đá khủng khiếp kia.

Nhưng một cánh tay lạnh ngắt bỗng gạt phăng lão sang bên canh. Đó là thuyền trưởng Các. Lão ngước nhìn và bỗng sởn gai ốc: mặt ông đen thẫm như xác chết, mắt trong veo, long lanh tia sáng của tử thần.

Lão sửng sốt, không tin ở tai mình nữa. Thì ra trước cái chết con người ta mới bộc lộ hết chân tướng. Đám mạch lô làm như điếc. Con tầu khựng lại, bắt đầu vòng sang trái - lần đầu tiên mệnh lệnh của thuyền trưởng tỏ ra kém hiệu lực.

Đôi mắt ông Các như hai hòn than cháy đỏ.

- Hết lái phải! Hai máy tiến! - Không phải ông Các ra lệnh nữa, lần này là tiếng gầm của quỷ sứ, dường như vọng lên từ âm cung, ghê gợn đến nỗi con tầu bất thần chồm lên phía trước và ngoặt gấp sang phải. Lão ngoái lại nhìn và thấy tim mình thắt lại: Han vẫn bám trên mỏm đá, cái sinh linh nhỏ nhoi ấy đang vật lộn trong cơn tuyệt vọng với bàn tay gớm ghiếc của thuỷ thần. Mãi về sau này hình ảnh ấy còn ám ảnh lão không nguôi.

Con tầu vừa lách vào khe núi thì phía sau, nơi nó vừa đi khỏi, một trái núi nữa lại mọc lên, lần này cao gấp bội, rồi đột ngột đổ xuống như một dòng thác. Thật khủng khiếp, so với nó con tầu chỉ là hạt cát mà thôi.

Han biến mất trong dòng nước hung hãn ấy. Loại sóng này về sau lão còn phải chạm trán nhiều lần. Dân Tùng Quảng gọi chúng là “Rồng biển”. “Rồng biển” xuất hiện đột ngột ở những nơi đảo ken sát nhau thành luồng hẹp, với sức công phá ghê gớm và tan đi cũng chỉ trong chốc lát.

Hôm ấy thoát nạn nhưng bọn lão không ai tỏ ra vui mừng. Đám mạch lô xô cả đến cửa phòng thuyền trưởng trong sự im lặng nặng nề, đe doạ. Sự đổ vỡ lớn lao đã gây ra sau những vầng trán thấp bướng bỉnh kia một cơn giông tố còn dữ dội gấp vạn lần cơn giông tố của tự nhiên. Không, không phải do cái chết của Han.

Đám mạch lô đã quá chai sạn rồi nên cái chết - dù là của chú bé đáng thương như Han đi nữa - cũng chẳng làm họ bận tâm nhiều. Cái chính là họ đã phạm vào một điều ghê tởm nhất: Đã bỏ mặc anh em trong cơn hoạn nạn, đã lẩn tránh nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả mà mỗi mạch lô chân chính đều khắc sâu vào tim óc từ lúc run run nâng bát rượu máu trên tay. Và chính thuyền trưởng Các, chính thần tượng lâu nay của họ đã đưa họ đến chỗ nhục nhã ấy. Chẳng còn gì hết. Khi cả hai điều ràng buộc đã đứt tung, họ chỉ còn là những con thú không hơn không kém.

Tiếng gót sắt đạp vào cánh cửa.

Ông Các đột ngột bước ra. Đám mạch lô rùng mình lùi lại khi trông thấy khuôn mặt xác chết và cặp mắt trong veo. Cái xác chậm chạp cử động, toả ra một luồng tử khí lạnh lẽo và cất tiếng, giọng ngân nga như tiếng chuông vọng về từ đâu đó xa xăm:

- Các anh em, ta có lỗi với anh em... Hãy tha thứ cho ta... Còn hôm nay ta đã hành động chỉ vì anh em... ta không muốn anh em phải chết.

Cái xác đột ngột dừng lại như tắc nghẹn. Đám mạch lô nhổ nước bọt - van xin là điều hoàn toàn xa lạ đối với họ. Những bàn tay bất giác nắm chặt chuôi dao.

- Anh em, hãy buông dao ra, điều đó không cần thiết nữa đâu! - Cái xác tiếp tục nói: - Đằng nào ta cũng đã chết rồi. Ta không còn tồn tại nữa từ khi Han rơi xuống nước. Ôi, sự sống của ta. Nó đã tắt trong dòng nước xoáy. Vi ơi! “Bông cúc biển” của anh...

Ông Các nói rồi gieo mình xuống nước.

Mãi đến lúc đó lão mới biết rằng Han chính là người vợ của ông.

*

- Lão đã từ bỏ nghề đi biển chính từ lúc đó, khi ước mơ trở thành thuyền trưởng đã thành hiện thực, khi lão đã có một con tàu của riêng mình! - Ông lão nói với tôi khi trở xuống thuyền.

Đã đến Tùng quảng. Tôi chào ông già và tháo dây. Chiếc thuyền tụt lại, nhỏ dần rồi lẫn vào màu xanh của núi.

2-1989

 

_________________________

[1]Ngán: một loài động vật thân mềm, gần giống sò.

[2]Mạch lô: Thuỷ thủ - tiếng Pháp bồi.

[3]Phregát: một loại tàu chiến (Tiếng Pháp: frégate).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021