thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thần bút
Discourse is phallogocentric
(Lời các nhà nữ quyền luận)

Ông là một hàn nho. Ông sống trong một mái nhà tranh vách đất lụp xụp ngoài bìa làng. Vợ ông lam lũ, con ông nheo nhóc, còn ông thì bao nhiêu lần đi thi, bấy nhiêu lần bị hỏng. Tuy nhiên, từ dân làng đến các bậc khoa bảng trong tỉnh, ai cũng ngưỡng mộ ông. Ai cũng cho ông là một tài năng hiếm có. Họ khâm phục cái vốn kiến thức vô cùng uyên bác của ông. Họ khâm phục những nhận xét tinh tế và sắc sảo của ông về mọi chuyện. Họ khâm phục thơ văn của ông, đặc biệt là bài "Hàn nho" nổi tiếng trong cả nước. Không những phục, họ còn thương ông. Bọn đàn ông thích ông vì ông có óc hài hước, biết nhậu nhẹt và nhất là biết nói tục. Còn bọn đàn bà thích ông là vì ông biết đàn, biết hát, biết nịnh hót và nhất là vì cái nét tình tứ pha lẫn chút dâm đãng thỉnh thoảng loé lên từ đáy mắt của ông lúc ông nhìn họ.

Người ta không những phục ông, thương ông, thích ông mà còn cần ông. Trong các tài năng đa dạng của ông, có một thứ tài nổi bật, đó là tài viết chữ. Quê ông vốn nổi tiếng là nơi có nhiều người hiển đạt, nhưng hầu như không ai có được một nét chữ đẹp một cách hào sảng, cứng cáp và đầy nam tính như ông. Có được vài chữ của ông treo giữa nhà tự nhiên ngôi nhà sang cả hơn hẳn. Không những thế, hình như bao nhiêu phước lộc cũng ùn ùn chạy đến. Ngay cả quan tổng đốc, từ ngày có được hai chữ "Ðại Nam" hùng kính của ông treo giữa công đường, bỗng dưng nhận được bao nhiêu là ân tứ của vua ban. Trong tỉnh có một ngôi đền nằm cheo leo trên núi, lâu lắm mới có một vị khách đến thăm. Nhưng từ ngày có hai chữ "Quốc Bảo" của ông khắc ngay trên cổng, khách thập phương tấp nập kéo đến, ngày nào cũng như một ngày hội. Bởi vậy, hầu như tất cả các gia đình khá giả trong tỉnh, từ những danh gia vọng tộc đến những người mới giàu xổi, ai ai cũng đều ao ước có nét chữ của ông trong nhà. Nhà ông, dù nghèo và xa khuất ngoài rìa làng, hầu như tuần nào cũng có khách. Toàn là khách sang. Có khi ông phải trốn. Từ sáng sớm, ông đã rời khỏi nhà đến nhà bạn bè trong làng ngồi nhâm nhi và tán phét đến tận tối mịt mới về. Nhưng cũng không thoát. Chỉ một vài tuần sau, người ta đã phát hiện ngay ra âm mưu của ông và, trong cái làng nhỏ xíu ấy, việc tìm kiếm ông dễ dàng hơn là ông tưởng nhiều. Các vị khách ấy đến tận nơi ông lẩn tránh để xin chữ ông. Xin không được thì năn nỉ. Năn nỉ không được thì lạy lục. Lạy lục cũng không được nữa thì hăm he.

Bình thường, tính tình ông vốn vui vẻ và phóng khoáng. Tuy nhiên, khi đụng đến chữ, ông rất khó khăn. Nể lắm, ông mới nhận lời. Nhưng nhận lời, ông cũng không bao giờ viết ngay. Bao giờ ông cũng hẹn vài ba hôm. Cho nên mặc dù thư pháp ông nổi danh như cồn, không ai được nhìn thấy cảnh bàn tay ông động bút ra sao cả. Người ta phải kiên nhẫn chờ đến đúng hẹn thì đến nhận chữ để mang về cung kính đặt lên bàn thờ hoặc giữa nhà. Những lúc ấy, người ta thấy ông yếu hẳn, còn da dẻ thì xanh mướt. Người ta đoán là để viết được những hàng chữ như rồng bay phượng múa như thế, ông đã tốn thật nhiều khí lực. Nhưng không ai biết bằng cách nào. Không nén được tò mò, nhiều người hỏi ông, nhưng ông chỉ lắc đầu và nói lảng sang chuyện khác. Bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn. Không ai biết được sự thật. Trừ một người.

Ðó là vợ ông.

Vợ ông là một phụ nữ đẹp, hiền thục, và rất mực yêu chồng. Dù chồng bà thi hỏng hoài, bà vẫn tin tưởng ông là một ngườøi tài năng và thông minh xuất chúng. Bà chăm sóc cho ông như một người mẹ chăm sóc cho con. Lo cho ông từng miếng ăn, từng giấc ngủ, từng cuốn sách đọc. Khi ông viết chữ, bà một mình lo toan mọi chuyện. Bà khiêng một cái bàn thấp vào đặt giữa buồng. Xong, bà mài mực, rồi cẩn thận đặt nghiên mực vào một chiếc ghế nhỏ trước bàn. Giữa bàn, bà trải một tờ giấy đỏ thật ngay ngắn. Khi ông bước vào, bà đóng chặt cửa buồng lại, rồi ngồi xuống một cái ghế đẩu trong góc nhà, lặng lẽ nhìn ông viết chữ. Và cho dù bà đã nhìn cảnh ông viết chữ cả trăm, thậm chí, cả ngàn lần, lần nào bà cũng nhìn một cách say sưa và đầy ngưỡng mộ.

Ông đứng trước bàn, liếc qua nghiên mực rồi nhìn đăm đăm vào tờ giấy đỏ. Rồi ông từ từ tụt quần xuống; mắt vẫn không rời tờ giấy. Tay phải ông đưa ra cầm dương vật; mắt vẫn không rời tờ giấy. Dương vật của ông dài, như một quản bút tuyệt đẹp. Ông cứ đứng như thế, định thần một lúc, rồi bỗng dưng, ông chấm đầu dương vật vào nghiên mực rồi khua tay vẫy nó lên mặt giấy, viết thoăn thoắt, hết chữ này đến chữ khác, nhanh và mạnh không thể tả, như người ta đẩy một cây bút lông. Ðến khi viết xong, ông rùng mình, thả tay ra, người lảo đảo lùi lại phía sau. Ngay lúc ấy, bà vợ đã chờ sẵn, đưa tay đỡ ông và dìu ông lại giường. Trong khi ông nằm nghỉ thì bà lại quạt tờ giấy cho khô mực rồi cuộn tròn lại, đặt trên đầu tủ, chờ khách đến lấy.

Bí mật về thư pháp ấy vĩnh viễn ông không bao giờ hé răng với ai. Bà cũng giữ kín, cho đến một ngày, về già, trong một lúc vui miệng, bà kể cho một đứa cháu gái nghe. Từ đó câu chuyện dần dần lộ ra ngoài. Rất nhiều người không tin, cho đó chỉ là chuyện bịa, thậm chí, nhảm. Nhưng tôi, người viết lại câu chuyện này, thì tôi tin hoàn toàn. Hơn nữa, tôi biết chắc chắn ông không phải là hiện tượng cá biệt.

Ai không tin, cứ đọc lại lịch sử văn học nước mình mà xem. Ðọc thật kỹ.

À, mà đâu phải chỉ có ở nước mình.

17.2.2001


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021